Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

TÌNH THƯƠNG MẠNH HƠN BÃO TUYẾT - 30


 CHƯƠNG 17

Khi xe lửa tới thành phố, Danh được đưa thẳng tới bệnh viện, vào trong một căn phòng rộng đông chật những trẻ con cũng què quặt hay khập khiễng như nó. Trông nom đám trẻ con ấy là một cô điều dưỡng nom dáng vẻ hơi mệt nhọc. Danh liếc nhìn đám trẻ và quyết định ngay là phải làm cho chúng vui lên. Nó liền xin chống nạng nhảy những bước dài như con đại thử suốt tận cuối phòng. Bọn trẻ thích quá nên chưa đầy một tiếng đồng hồ Danh đã thành bạn thân của tất cả mọi đứa. Con mèo con thì được xuống dưới bếp để ở trong một cái rổ và được phép mang lên thăm Danh vào những giờ thăm viếng.


An tới nơi không được vui sướng như bé Danh. Bà Văn tiếp đón nó rất tử tế. Bà ta còn trẻ và rất vui tính. Bà dẫn nó lên căn phòng dành cho nó ở sát dưới mái nhà. Khi chỉ còn mình nó trong phòng, An chạy tới cửa  sổ nhìn ra ngoài. Nó thấy những căn nhà kế tiếp nhau, đường phố tuyết  đọng lầy lội và những mảng trời tối xám thấp trũng. Nó ngó một lúc lâu, đoạn nằm vật xuống giường nức nở khóc, vì nó thấy nhớ những vùng tuyết bao la trắng xóa, những đỉnh núi trắng phau và những mảng trời trong vắt ở nhà.

Chừng một giờ sau, bà Văn lên để xem nó ra sao. Thấy nó trong tình trạng ấy, bà không nói gì cả, len lén bỏ đi. Một lát bà quay trở lại, tay bồng bé Tâm. Bà đặt bé lên giường ngay bên cạnh An. Hành động của bà có hiệu quả tức thì. Chỉ năm phút sau, An đã ngồi dậy mỉm cười với bé Tâm lúc ấy đang nằm trong lòng An chân tay vùng vẫy lung tung.
Ở nhà ông Văn, An rất bận việc nhưng cũng sung sướng. Buổi sáng nó giúp đỡ bà Văn và trông nom mấy đứa con của ông bà. Buổi trưa nó ngồi làm bạn với bé Danh, còn buổi tối nó học và làm bài. Bọn trẻ không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn, dễ bảo và tử tế với nó. Lúc đầu, nhiều khi bà Văn phải can thiệp để giữ cho nhà cửa được yên ổn; nhưng dầu đôi khi nó cáu kỉnh và tức giận với bọn trẻ, nó vẫn cố nhớ lại câu gốc của Nội. “Tình yêu thương hay nhịn nhục và nhân từ”, nó thường tự nhủ như vậy mỗi khi thằng Mạc không chịu đi giầy hay con Vân đánh đổ mực ra sàn nhà, hoặc thằng Dũng chạy chơi và ngã xuống bùn. Dần dần tình yêu thương của Chúa Giê-xu trong lòng nó bắt đầu khiến cho nó biết kiên nhẫn, dịu dàng và bớt ích kỷ, và nó thấy rằng nó có thể nói nhỏ nhẹ và được bình tĩnh đối với bọn trẻ.
Danh ở nhà thương được một tuần thì phải chịu giải phẫu. Nó đi tới phòng giải phẫu một cách tò mò, háo hức, và để cho đánh thuốc mê không chút sợ sệt. Nhưng khi nó thức dậy hàng tiếng đồng hồ sau đó, nó lấy làm lạ lùng thấy giường nó nghiên dốc và ở chân nó có những quả tạ bằng sắt làm nó đau điếng. Vừa đau, vừa sốt, nó thét lên gọi An. Khi cô điều dưỡng bước tới, nó gắt lên vì thấy cô không phải là An làm như vậy nó thật chẳng biết điều tí nào.
Suốt một tuần lễ ấy, bé Danh nằm ngửa trên giường, những quả tạ sắt treo ở chân lủng lẳng. Nó vừa sốt vừa đau. An ngày nào cũng tới thăm em. Nó đọc và kể cho bé Danh nghe những chuyện về những chiếc thuyền buồm màu trắng ở trên mặt hồ bên ngoài những cánh cửa kiếng rộng lớn. Nó cố làm cho bé Danh quên chỗ chân đau nhưng vẫn không tránh khỏi, đó là một tuần lễ buồn thảm. Mây xám buông rủ trên mặt hồ u ám. Bé Danh trằn trọc, đau đớn. Nó cố tỏ ra can đảm nhưng không sao can đảm được.
Trong những ngày dài đằng đẳng ấy, chỉ có một vật đem lại an ủi cho bé Danh. Đó là một bức tranh treo ở trên tường đối diện nó. Bên dưới bức tranh có một hàng chữ mà Danh không đọc được. Khi nào nó ngán đau, ngán nghe kể chuyện, ngán mặt hồ màu xám và ngán cả những đứa trẻ con khác, nó lại nhìn vào bức tranh ấy, vì nó không bao giờ ngán tranh ấy cả.
Đó là một bức tranh vẽ Chúa Giê-xu ngồi giữa một cánh đồng đầy hoa, các trẻ con trên thế giới đứng xúm xít chung quanh đang ngẩng lên nhìn mặt Ngài. Trên thảm cỏ dưới chân Ngài là một cậu bé da đen và trên đầu gối Ngài là một cô bé mặc chiếc áo dài xanh, còn các trẻ em Trung Hoa và vùng Nam Hải đang xúm xít quanh Ngài.
Khoảng một tuần lễ sau cuộc giải phẫu, bé Danh và An nói chuyện thực sự về bức tranh đó. Hôm ấy trời hãy còn u ám, mây đục buông thấp trên hồ và hoàng hôn đến sớm. Đèn trong bệnh viện thắp sáng, hầu hết các trẻ em đều đã ngủ say nhưng An vẫn ngồi bên bé Danh. Trong mấy đêm vừa qua, An đã ở lại khuya với bé Danh vì không có nó Danh không chịu nằm yên.
Lúc này Danh nằm trên giường, hai cánh tay vòng trên đầu đè lên gối. Tóc nó xỏa ra đàng sau và đôi mắt xanh của nó sáng ngời. Nó mệt, mệt lắm và muốn đi ngủ lắm, nhưng chỗ chân đau làm nó ngủ không được. Nó xoay đầu nhìn vào bức tranh có hàng chữ bên dưới.

“Hàng chữ viết gì vậy, chị?”, thình lình nó hỏi.
An Ngài nhìn vào bức tranh đáp: “Hàng chữ viết: “Hãy để con trẻ đến cùng Ta, đừng cấm chúng nó””.
“Em biết chuyện ấy rồi”. Bé Danh mệt nhọc nói tiếp. “Nội đã kể Chúa cho em nghe rồi. Có phải những đứa bé kia là ở trong Kinh Thánh không? Sao chúng ăn mặc quần áo buồn cười thế, chị?”
“Phải”, An đáp, “Nhưng chúng không phải là trẻ em trong Kinh Thánh đâu. Chúng là trẻ em ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở Ấn độ, ở Phi châu, còn cô gái nhỏ kia chắc là người Thụy Sĩ”.
“Tại sao vậy?”, Danh hỏi.
“Chị chắc là để chứng tỏ rằng rất cả trẻ em đều có thể đến với Chúa Giê-xu chứ không phải chỉ có trẻ em trong Kinh Thánh đâu”.
“Nhưng làm sao đến được chứ?”, Danh lại hỏi.
“Hừ! Thật khó giải thích quá! Theo chị, em chỉ cần nói em muốn đến, thế là em sẽ có ở đấy. Chị đoán, Chúa Giê-xu sẽ bồng ẳm em lên như là đối với các trẻ em trong Kinh Thánh vậy, dầu rằng em không nhìn thấy được Ngài”.

“Ô”, Danh nói, “Em hiểu rồi chị An ơi, chân em đau quá. Ước gì em ngủ được một giấc”.
Nó bật lên khóc và giơ tay quờ quạng. An đỡ nó lên, cho nó uống nước. Uống xong nó lại nằm ngã xuống, thở dài mệt nhọc.
“Chị hát cho em nghe đi”, nó bảo An. An hát khẽ vì mắc cỡ sợ cô điều dưỡng nghe thấy.
“Ô xin bàn tay Cha
Ban phước cho con trong giấc ngủ”.
Trong khi An hát, Danh nhắm mắt lại.
Nhưng trong mấy giây đồng hồ trôi qua giữa lúc trong tình trạng nửa thức, nửa ngủ, bé Danh tưởng chừng nó lại nhìn thấy bức tranh; nhưng cô bé Ấn độ không còn ở đấy nữa mà ngồi ở chỗ cô ta lại là một cậu bé mình thon gầy, mặt rám nắng- và dưới chân cậu ta là một cặp nạng có chạm khắc hình đầu gấu.
“Mình đấy rồi”, bé Danh nói thầm trong đầu rồi nó ngủ thiếp đi trong niềm hân hoan vui sướng.
Trong lúc nó ngủ có nhiều việc xảy ra. Trước hết, bác sĩ Văn tới nơi và lấy bỏ đi một quả tạ đeo ở chân nó; kế đấy, cơn sốt của nó chấm dứt, rồi đến một làn gió nam ấm áp thổi qua miền đất đánh tan những đám mây che phủ bầu trời.
Danh ngủ một giấc thật dài. Lúc thức dậy nó tưởng chừng như nó đã đi vào một thế giới mới, nó nằm yên nghĩ ngợi thật lâu. Nó cảm thấy trong người mát mẻ dễ chịu, chân nó không còn đau nữa. Những cánh cửa kiếng lớn đã mở toang. Qua khung cửa, lần đầu tiên nó nhìn thấy làn nước trong xanh óng ánh, những dãy núi xanh lam mờ hơi sương ở phía bên kia hồ và một bầu trời quang đãng nhờ những cơn gió thổi từ hướng nam về. Một ít mảng mây trắng, những mảnh mây rất nhỏ, trôi nổi đó đây; chúng nhắc Danh nhớ đến những con dê con đang chạy tán loạn ngoài đồng trong lúc tuyết đã tan chảy và hoa cải bắt đầu đâm chồi nẩy lộc.
Bé Danh hít mạnh làn không khí mát ngọt và tự nhủ thầm: “Mình sắp khỏi, mình sắp khỏi”. Trong không khí nó ngửi thấy mùi vị đất ẩm và mưa ấm. Nó nhắm mắt lại và chợt vui mừng nhận ra rằng mùa Xuân đang trở về. Trong lúc nó nằm hít hương Xuân, nó nghe thấy tiếng chim hót, tiếng hót thật to như thể con chim ấy là vị sứ giả chính thức đi báo sự thức dậy của vũ trụ.
“Mùa Xuân đã về, về, về, về!”, tiếng chim hót, “Bạn sẽ mạnh, mạnh, mạnh, mạnh!”
Cửa mở, An bước vào. Hơi gió làm cho nó ấm áp và hồng hào. Nó thường tạt qua sau bữa điểm tâm để xem em nó ra sao.
“Trời đẹp không, Danh?”, An kêu. “Em hãy nhìn ra hồ, trông dãy núi ở bên kia hồ và những con thuyền nhỏ!”
Danh trịnh trọng quay đầu về phía An.
“Chị An à, đôi nạng có đầu gấu của em đâu rồi?”
“Ở sau cái tủ kia kìa. Để làm gì?”
“Hừ, chị thấy đứa bé nằm ở góc kia chứ? Có lẽ nó thích cặp nạng của em lắm đấy, chị hãy cho nó đi”.
“Nhưng em cũng thích cặp nạng của em lắm kia mà?”
“Đã đành, nhưng em sẽ không cần dùng đến chúng nữa. Em sắp khỏi rồi, sắp chạy nhảy được như thường rồi”.
Bé Danh đã nói đúng. Nó không bao giờ cần dùng đến cặp nạng của nó nữa. Nó sắp khỏi hẳn rồi.

Còn Tiếp