Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

ĐỌC KINH THÁNH


Một tín đồ cần phải cầu nguyện; người ấy cũng cần đọc Kinh Thánh. Cầu nguyện được ví như “thở”, còn đọc Kinh Thánh thì giống như “ăn”. Hằng ngày mỗi tín đồ phải thực tập cả hai điều này.

 

I. NGUỒN GỐC CỦA KINH THÁNH
1) “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào” (2 Ti-mô-thê 3:16).
Nguồn gốc của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời: chính Đức Chúa Trời đã qua Linh Ngài mà thở lời khải thị của Ngài vào trong và ra từ những người viết Kinh Thánh. Những gì được thở ra không chỉ là lời mà cũng là linh.
2) “Nhưng người ta chịu Thánh Linh cảm thúc do Đức Chúa Trời mà nói ra” (2 Phi-e-rơ 1:21).
Vì Kinh Thánh là do Đức Chúa Trời qua Linh Ngài thở lời Ngài ra từ con người, nên Kinh Thánh là do con người nói lời của Đức Chúa Trời từ Đức Chúa Trời khi họ được Thánh Linh cảm thúc. Vì vậy Kinh Thánh ra từ Đức Chúa Trời, được viết bởi một số thánh đồ thời Cựu Ước như các tiên tri, các nhà lãnh đạo, và các vua giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên cũng như bởi các thánh đồ khác nhau của thời Tân Ước như các sứ đồ, Mác và Lu-ca.
II. NỘI DUNG CỦA KINH THÁNH
Nội dung của Kinh Thánh thì rộng lớn và bao quát: hai phương diện chính của nội dung này là lẽ thật và sự sống. Lẽ thật đem đến cho chúng ta khải thị và sự hiểu biết về tất cả thực tại trong vũ trụ, như thực tại về Đức Chúa Trời, thực tại về con người, thực tại về vũ trụ, thực tại về những điều thuộc thời đại hiện tại, thời đại sắp đến, thời đại đời đời, và đặc biệt là thực tại về Đấng Christ được Đức Chúa Trời chỉ định và hội-thánh được Ngài lựa chọn. Sự sống là Đức Chúa Trời đến để trở thành sự sống của chúng ta hầu chúng ta có thể được tái sinh, tăng trưởng, biến đổi và đồng hóa nên hình ảnh của Đấng Christ, là Đấng bày tỏ Đức Chúa Trời, để chúng ta trở nên biểu hiện của Đức Chúa Trời.
1) “Đạo Cha [tức lời của Đức Chúa Cha] tức là lẽ thật [thực tại]” (Giăng 17:17).
Lời trên đây của Chúa Giê-su chứng tỏ rằng lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là lẽ thật; lời ấy bày tỏ thực tại về chính Đức Chúa Trời và gia tể của Ngài để chúng ta nhận được.
2) “Hãy nói cho người ta mọi lời của sự sống này” (Công-vụ 5:20).
Đây là điều thiên sứ nói với Phi-e-rơ, truyền bảo ông giảng lời sự sống của Đức Chúa Trời. Những lời của sự sống là lời của Kinh Thánh mà các sứ đồ rao giảng. Vì những lời đó chứa đựng sự sống nên có khả năng cung ứng sự sống và sự sống ấy là chính Đức Chúa Trời. Điều này chứng tỏ rằng nội dung chính yếu của Kinh Thánh không chỉ là lẽ thật mà còn là sự sống.
III. CHỨC NĂNG CỦA KINH THÁNH
1) “Ấy chính Kinh Thánh làm chứng về Ta [tức Đấng Christ] vậy” (Giăng 5:39).
Chức năng đầu tiên của Kinh Thánh là làm chứng về Đấng Christ. Đấng Christ là chủ đề và nội dung của Kinh Thánh, và Kinh Thánh là sự giải thích và sự bày tỏ của Đấng Christ. Đấng Christ là lời hằng sống của Đức Chúa Trời, và Kinh Thánh là lời thành văn của Ngài. Không có Đấng Christ, là Lời hằng sống, làm thực tại thì lời thành văn của Kinh Thánh không gì khác hơn là giáo lý trống rỗng và văn tự hư không. Nhưng không có lời thành văn của Kinh Thánh là sự bày tỏ của Ngài, thì Đấng Christ là Lời hằng sống sẽ trừu tượng và không thể nào nắm bắt được. Vì vậy, chúng ta phải đọc Kinh Thánh nếu ao ước biết Đấng Christ.
2) “Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu rỗi bởi đức tin trong Christ Giê-su” (2 Ti-mô-thê 3:15).
Một mặt, Kinh Thánh làm chứng về Đấng Christ; mặt khác, Kinh Thánh làm cho chúng ta khôn ngoan dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin trong Christ Giê-su, bày tỏ cho chúng ta phương pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và cách cứu rỗi con người qua đức tin hầu chúng ta biết được làm thế nào để được cứu.
3) “Vì anh em đã được tái sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, là bởi lời Đức Chúa Trời, là lời vẫn sống và còn lại đời đời” (1 Phi-e-rơ 1:23).
Lời sống động của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là hạt giống của sự sống làm cho chúng ta có được sự sống Đức Chúa Trời và được tái sinh.
4) “Hãy ham thích sữa thuộc linh tinh khiết như con đỏ mới đẻ, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà đạt đến sự cứu rỗi” (1 Phi-e-rơ 2:2).
Sữa của lời ở đây chỉ về lời của Đức Chúa Trời trở nên sữa nuôi dưỡng. Đối với những trẻ sơ sinh thuộc linh vừa mới được tái sinh, lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là sữa nuôi dưỡng khiến họ được tăng trưởng.
5) “Loài người sống chẳng những chỉ nhờ bánh thôi đâu, song cũng nhờ mọi lời ra từ miệng Đức Chúa Trời nữa” (Ma-thi-ơ 4:4).
Theo văn cảnh của câu này, những lời ra từ miệng Đức Chúa Trời trong câu này chỉ về những lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không những là sữa thuộc linh của chúng ta mà còn là thức ăn thuộc linh nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có thể tăng trưởng và trở nên trưởng thành.
6) “Lối vào của lời Ngài [tức Đức Chúa Trời] ban ánh sáng” (Thi-thiên 119:130, nguyên văn).
Một khi chúng ta bước vào lời của Đức Chúa Trời, lời này được mở ra (bày tỏ) cho chúng ta, và lời ấy sẽ ban ánh sáng, chiếu sáng trên chúng ta, ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sự khải thị.
7) “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi-thiên 119:105).
Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không những soi sáng bề trong tấm lòng và linh chúng ta để ban cho chúng ta sự khôn ngoan và khải thị, nhưng cũng ban ánh sáng bên ngoài cho cả bước đi và đường lối chúng ta để chúng ta không bị lạc mất.
8) “Cả Kinh Thánh đều... có ích cho sự dạy dỗ, thuyết phục, sửa trị, luyện tập trong sự công nghĩa, hầu cho người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16-17).
Lời Kinh Thánh có nhiều chức năng khác nhau như dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, chỉ dẫn người ta trong sự công chính để người của Đức Chúa Trời có thể trọn vẹn, được trang bị đầy đủ cho mỗi một công việc tốt lành.
Ngoài những chức năng khác nhau được nêu trên, có nhiều chức năng khác của Kinh Thánh không được kể ra ở đây.
IV. SỰ QUÍ BÁU VÀ NGỌT NGÀO
CỦA KINH THÁNH
1) “Luật pháp của miệng Chúa phán là quí cho tôi hơn hàng ngàn đồng vàng và bạc” (Thi-thiên 119:72). “Quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng” (Thi-thiên 19:10).
Những câu này bày tỏ sự quí báu của lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mà vì vậy sự ham thích của chúng ta về lời Chúa được liên tục khơi dậy.
2) “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi-thiên 119:103).
Câu này cho thấy sự ngọt ngào và đáng yêu của lời Đức Chúa Trời.
V. CÁC PHẦN CỦA KINH THÁNH
Toàn bộ Kinh Thánh được chia làm hai phần. Phần đầu được gọi là Cựu Ước và phần sau được gọi là Tân Ước.
A. Cựu Ước
Phần này là phần đầu của Kinh Thánh, gồm ba mươi chín sách và được chia ra như sau:
1. Các Sách Luật Pháp
Phần này gồm năm sách từ Sáng-thế Ký đến Phục-truyền Luật-lệ Ký và được gọi là các sách luật pháp vì trong đó là các mạng lịnh, các điều luật, các luật lệ xét xử là những điều tạo nên Luật Pháp.
2. Các Sách Lịch Sử
Phần này gồm mười hai sách từ Giô-suê đến Ê-xơ-tê và ghi lại lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ lúc họ đi vào Ca-na-an đến khi trở về từ cuộc lưu đày. Vì vậy, các sách ấy được gọi là các sách lịch sử.
3. Các Sách Thi Ca
Phần này gồm năm sách từ Gióp đến Nhã-ca, tuôn đổ ra các kinh nghiệm thuộc linh khác nhau của dân Đức Chúa Trời qua thi ca.
4. Các Sách Của Các Tiên Tri
Phần này bao gồm mười bảy sách từ Ê-sai đến Ma-la-chi được các vị tiên tri viết ra. Nội dung của những sách này chủ yếu là lời tiên tri về người Y-sơ-ra-ên, người Ngoại-bang và Đấng Christ.
B. Tân Ước
Phần này là phần thứ nhì của Kinh Thánh bao gồm hai mươi bảy sách, được chia ra như sau:
1. Các Sách Lịch Sử
Phần này gồm tổng cộng năm sách từ Phúc-âm của Ma-thi-ơ đến Công-vụ Các Sứ Đồ. Bốn quyển đầu là tiểu sử của Chúa Giê-su và quyển cuối cùng là bản ký thuật về sự chuyển động của các môn đồ trên đất sau khi Chúa đã thăng thiên vào trong các từng trời.
2. Các Thư-Tín
Phần này gồm hai mươi mốt quyển từ sách Rô-ma cho đến sách Giu-đe, là những bức thư được các sứ đồ viết cho các hội-thánh hay cho cá nhân thánh đồ, đặc biệt nói về hội-thánh, tình trạng đúng đắn trong đời sống thuộc linh, trong nếp sống của hội-thánh và của các thánh đồ.
3. Sách Về Lời Tiên Tri
Sách duy nhất về lời tiên tri trong Tân Ước là sách Khải-thị, tức là sách kết thúc Tân Ước và là sách cuối cùng của toàn bộ Kinh Thánh. Sách này chứa đựng những lời tiên tri liên hệ đến hội-thánh, nước Y-sơ-ra-ên, thế giới, sự đến lần thứ hai của Đấng Christ, kết cuộc sau cùng của Sa-tan, sự phán xét cuối cùng, thời đại sắp đến và cõi đời đời.
VI. CÁCH ĐỌC KINH THÁNH
Vì Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, nên tính chất của Kinh Thánh là thần thượng và thuộc linh. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh bằng mọi phần của bản thể mình.
A. Trước Hết, Đọc Với Sự Hiểu Biết
1) “Rồi Ngài mở tâm trí của họ [là nơi có chức năng hiểu biết] để hiểu Kinh Thánh” (Lu-ca 24:45).
Khi đọc Kinh Thánh, trước hết chúng ta phải dùng sự hiểu biết của tâm trí để hiểu bản văn viết bằng ngôn ngữ loài người và để hiểu được ý nghĩa của bản văn ấy.
B. Sau Đó, Đọc Với Sự Khôn Ngoan
1) “Hãy lấy mọi thứ khôn ngoan để cho đạo của Đấng Christ ở trong anh em cách dồi dào...” (Cô-lô-se 3:16).
2) “Đức Chúa Trời... là Cha vinh hiển, ban cho anh em tâm linh của sự khôn ngoan và sự khải thị để thông biết Ngài” (Ê-phê-sô 1:17).
Hai câu trên có ý nói là chúng ta cần hiểu lời chép về những điều thần thượng được Đức Chúa Trời mặc khải trong Kinh Thánh bằng sự khôn ngoan. Ê-phê-sô 1:17 cũng cho chúng ta thấy rằng sự khôn ngoan liên kết với linh của chúng ta. Sự khôn ngoan này không phải là điều chúng ta có theo thiên nhiên nhưng là điều chúng ta có được qua sự cầu nguyện. Sự khôn ngoan ấy ở trong linh chúng ta thì cao sâu hơn sự hiểu biết trong tâm trí mình. Chúng ta hiểu văn tự của Kinh Thánh bằng sự hiểu biết trong tâm trí mình, và chúng ta hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh bằng sự khôn ngoan trong linh mình.
C. Cuối Cùng, Nhận Lãnh Bằng Linh
1) “Và hãy nhận lãnh... lời của Đức Chúa Trời, nhờ tất cả các loại cầu nguyện khẩn nài mà cầu nguyện trong mọi lúc trong linh” (Ê-phê-sô 6:17-18, nguyên văn).
Ở đây chúng ta được bảo là phải nhận lãnh lời của Đức Chúa Trời bằng cách cầu nguyện trong linh. Điều này bày tỏ cho chúng ta là chúng ta cũng cần vận dụng linh mình khi đọc và nhận lãnh lời Đức Chúa Trời. Chắc chắn là điều này được thực hiện qua sự cầu nguyện. Vì vậy, trong việc đọc Kinh Thánh, sau khi hiểu được ý nghĩa của bản văn bằng sự hiểu biết của mình và đã hiểu được lẽ thật của bản văn bằng sự khôn ngoan của mình, chúng ta nên sử dụng linh mình bằng cách cầu nguyện để nhận lãnh các lẽ thật trong Kinh Thánh vào trong phần sâu thẳm nhất của bản thể, tức là linh của mình. Nói cách khác, sau khi đã hiểu bản văn và nhận lãnh các lẽ thật ở trong đó, chúng ta vẫn phải vận dụng linh mình để chuyển những điều đã hiểu và nhận thức được thành lời cầu nguyện để lời ấy được hấp thụ trong linh chúng ta mà trở nên nguồn cung ứng sự sống và nền tảng cho kinh nghiệm thuộc linh của mình.
D. Đọc-Cầu-Nguyện
Một cách khác đơn giản, thuộc linh, và ích lợi nhất để đọc Kinh Thánh là đọc-cầu-nguyện. Chúng ta dùng bản văn Kinh Thánh làm lời cầu nguyện và đọc-cầu-nguyện với lời ấy. Chúng ta không những đọc và cầu nguyện cùng một lúc, hoặc cầu nguyện rồi đọc, hay đọc rồi cầu nguyện, mà lại còn trực tiếp chuyển bản văn mình đang đọc thành ra chính những lời cầu nguyện để cầu nguyện. Đôi khi chúng ta có thể áp dụng bản văn ấy cho chính bản thân mình qua lời cầu nguyện. Càng lặp đi lặp lại lời đọc-cầu-nguyện này linh chúng ta càng được nâng cao và tự do, và chúng ta càng nhận được lợi ích lớn lao hơn, sâu xa hơn và phong phú hơn.
VII. THỜI ĐIỂM ĐỌC KINH THÁNH
Chúng ta có thể đọc Kinh Thánh bất cứ lúc nào và nên đọc bất cứ khi nào cần. Tuy nhiên, nói chung, đọc vào buổi sáng trước khi tiếp xúc với bất cứ người nào hay sự việc gì là tốt nhất, đặc biệt là kết hợp việc đọc với sự cầu nguyện. Đừng nên kéo dài thì giờ. Cách thích hợp nhất là cầu nguyện độ mười phút rồi đọc độ mười phút. Đôi khi việc đọc và cầu nguyện có thể hòa lẫn với nhau.

Witness Lee