Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

TÌNH THƯƠNG MẠNH HƠN BÃO TUYẾT - 29


 CHƯƠNG 16
 
Mấy tiếng đồng hồ sau, An đã có mặt ở nhà Duyên. Trùm kín trong mũ và áo choàng len, nó ngồi trên một chiếc ghế đu lớn bằng gỗ, mỉm cười với Duyên lúc ấy đang ngồi trên giường, cằm tựa vào đầu gối. Duyên vẫn hãy còn hơi tái xanh và mệt nhọc, nhưng trong lòng nó cảm thấy dễ chịu và vui sướng.
“Duyên hãy kể hết cho An nghe đi”, An giục, mắt ánh lên một niềm thán phục và kinh ngạc. “Mọi người đều đã nói anh thật vô cùng can đảm và gan dạ. Anh phải kể từ lúc bắt đầu và nói rõ cho An nghe lúc ở trên đỉnh đèo anh thấy thế nào”.
Duyên nheo trán. Được gọi là can đảm kể cũng khoái và nó cũng muốn kể câu chuyện sao cho thật hay, nhưng không hiểu sao nó thấy mọi việc hình như xa vời và khó nói quá, như thể ở trong một giấc mộng vậy. Nó đâu hiểu rằng người nó lúc ấy lạnh cứng và mệt nhoài, khiến trí óc nó đâu còn ghi nhận được rõ ràng mọi việc xảy ra.

“Bắt đầu”, nó kể, “Tôi lên trên nhà ông già trên núi để hỏi lấy số tiền; đoạn, lúc trở xuống núi tôi lấy giầy trượt tuyết và cứ thế trượt xuống thung lũng, rồi lại leo qua rừng vượt qua sông. Khi tôi lên tới đỉnh núi thì trời trở gió quá và lúc vượt qua đỉnh núi xong là tôi đổ dốc ở sườn bên kia”.
An nóng nảy ngắt lời, “Đã đành là vậy rồi, nếu không, anh đâu tới được khách sạn bác sĩ Văn, nhưng anh phải kể cho có đầu có đuôi, rõ ràng, sáng sủa mới được. Lúc ấy anh cảm thấy thế nào? Có gặp chuyện gì nguy hiểm không? Anh có sợ không? Và trên đỉnh núi ra sao?”
Duyên lặng thinh một lúc. Suốt buổi trưa, nó đã tự hỏi không biết nó có cơ hội nào kể cho An nghe không, nay cơ hội đã đến mà nó không biết phải bắt đầu ra sao.

Sau cùng nó nói: “Ừ thì tôi xin kể”. Đoạn nó thong thả kể tiếp, trong lúc kể những ngón ray của nó cứ đan vào nhau dưới lớp chăn dầy. “Lên tới gần đỉnh núi tôi sợ quá. Tôi tính quay về, An có còn nhớ lần nói cho tôi nghe là An đã thù ghét tôi hết sức nhưng rồi An mời Chúa Giê-xu ngự vào lòng và chính Ngài đã làm cho An đâm thương mến tôi”.
An sốt sắng đáp: “Có chứ! Em vẫn còn nhớ. Sao, rồi sao nữa, Duyên?”
Duyên ngượng nghịu tiếp: “Tôi hỏi vậy là bởi vì tôi cũng gặp thấy một việc tương tự lúc tôi lên tới gần đỉnh và sợ quá định quay về. Tôi chợt nhớ cái đoạn mà Nội đã dạy chúng ta rằng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi nên tôi mới xin Đấng Christ cất bỏ sự sợ hãi hộ tôi, và lập tức tôi không còn thấy sợ hãi như trước nữa”.
“Thật vậy ư?”, An nói với vẻ hết sức chú ý. Vậy thì An cho rằng Chúa Giê-xu đã ngự vào trong lòng anh cũng như Ngài đã ngự vào trong lòng An vậy. Khi ấy sự sợ hãi trong lòng anh cũng đã phải ra đi vậy. Theo An nghĩ thì tất cả cũng như vậy, Duyên ạ! Dù anh sợ hãi hay anh không thích người khác, dù anh lừa dối hay anh không nói sự thật- dù có chuyện gì với anh chăng nữa thì khi Chúa Giê-xu đã ngự vào lòng ta sẽ không còn chỗ cho mọi ý nghĩ  ấy nữa”.
“An nói đúng”, Duyên đáp một cách suy tư. “Duyên cho rằng An có thể đặt bất cứ chữ nào vào cuối câu gốc ấy sợ hãi hay ích kỷ, hay nói dối, hay lười biếng, hay cáu kỉnh khó tính tất cả những thứ đó đều bị tình yêu thương trọn vẹn cất bỏ và khi Chúa Giê-xu ngự vào trong ta là tình yêu thương trọn vẹn cũng theo vào đó luôn, có phải vậy không?”
 “Phải”, An đáp, “An cũng nghĩ vậy. Hai đứa cùng ngồi lấy tay chống cằm thì thầm nói chuyện trong bóng tối mờ đục của buổi hoàng hôn đang buông phủ trên nền tuyết trắng. Không đứa nào nói đến việc bật đèn lên cho sáng vì chúng thấy nói chuyện trong bóng tối thú vị hơn.
Mãi cho đến lúc An bước đi về nhà dưới thì bầu trời lốm đốm sao, giữa những dãy núi vây quanh giống như những cánh tay khổng lồ đang dang ra, nó mới chợt nhớ rằng tối nay là buổi tối cuối cùng nó ở nhà. Ý nghĩ ấy làm nó thấy đau nhói trong lòng và nước mắt ứa ra, nó vùng chạy về thật nhanh và bước vào không khí ấm cùng của căn phòng trước nhà.
Ông Bình vẫn còn bên chuồng bò. Trong nhà chỉ có Nội đang ngồi đính lại một cái khuy trên chiếc tạp dề sạch sẽ có kẻ sọc của An. Quần áo của An và Danh đã được gấp lại gọn gàng, gói làm hai gói để sẵn trên bàn. Bé Danh nằm ngủ say trong một góc giường, trên đầu giường có đầy đủ mèo mẹ và đàn mèo con.
“Nội!” An kêu lớn và chạy vào ôm chầm lấy Nội khóc òa lên.

Nội để yên cho An khóc trong giây lát; đoạn, Nội kéo cái ghế đẩu thấp lại để An ngồi xuống ngã mình vào người Nội trong lúc Nội nói chuyện. Trước hết, Nội nói về cái gia đình mà An sắp đi tới, rồi về công việc mà nó sẽ phải làm, và niềm vui khi thấy bé Danh được chữa khỏi cái chân đau. Nội nói một cách mạnh dạn và vui vẻ đến nỗi An cũng thấy vui lây; nó đâu biết trong thâm tâm Nội đang buồn rầu nhủ thầm. “Tối mai, tối mốt và những tối kế tiếp đấy, ta không biết làm gì đây khi cái ghế đẩu này ở dưới chân ta, vắng bóng cô bé nhí nhảnh và nơi góc giường kia vắng bóng chú bé đang say ngủ?”
Trời đã về khuya. Ngày mai mọi người lại phải dậy sớm nên An lấy cuốn Kinh Thánh to dầy ở trên kệ xuống như nó vẫn thường làm vào giờ đi ngủ để đọc một đoạn cho Nội nghe.
“Tối nay chúng ta đọc Cô-rinh-tô thứ nhứt, đoạn thứ mười ba”, Nội nói trong khi An đặt cuốn sách để nằm trên đùi Nội, “Đó là một đoạn mà ta muốn cháu ghi nhớ mãi mãi trong suốt thời gian cháu xa nhà”.
Vâng lời Nội, An đọc hết chương sách. Khi nó đọc xong, Nội mới bảo: “Câu ta muốn cháu mang theo đi và đặc biệt ghi nhớ là câu thứ tư. Cháu hãy đọc lại câu ấy đi, An”.
An đọc lại lần nữa, thong thả và rõ ràng từng chữ.
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhơn từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo”.
Hai tay chắp trên quyển Kinh Thánh và nhìn An qua cặp kính lão, Nội nói với nó: “Cháu có kể với ta rằng cháu đã mời Cứu Chúa ngự vào lòng cháu, Ngài đã ngự vào và cũng mang theo tình yêu thương của Ngài thứ tình yêu thương mà chúng ta vừa đọc đó”.

“Cháu hãy còn nhỏ nhưng nay cháu sắp sửa đi trông nom những trẻ nhỏ khác. Không phải lúc nào chúng cũng ngoan ngoãn và tử tế với cháu. Sẽ có nhiều lúc cháu cảm thấy cáu kỉnh, tức giận. Nhưng tình yêu thương của Chúa Giê-xu là nhịn nhục, nhân từ, cháu hãy xin Ngài dùng tình yêu thương của Ngài để đối pho với những ý tưởng đen tối cáu kỉnh nọ và cháu sẽ thấy những ý tưởng ấy không ở lâu được trong lòng cháu”.
“Cháu sắp đi tới ở một ngôi nhà lớn và cháu sẽ nhìn thấy những đồ vật sang trọng đẹp đẽ mà cháu không bao giờ có được; đôi khi cháu sẽ cảm thấy bất mãn và ghen tị. Nhưng cháu nên nhớ rằng tình yêu thương của Đấng Christ trong lòng cháu không bao giờ biết ham muốn ghen tị và nếu lòng cháu chứa đầy tình yêu thương của Ngài thì sẽ không còn chỗ cho sự bất mãn nữa”.
“Cháu sắp đi giúp việc cho một gia đình có trẻ nít. Thường khi cháu sẽ không được mọi người để ý lắm đâu. Mà cháu thì cháu lại muốn công việc của cháu được người ta biết tới và lớn tiếng ngợi khen. Nhưng cháu nên nhớ rằng tình yêu thương của Đấng Christ trong lòng cháu không thích phô trương ra ngoài và không bao giờ muốn được người ngoài chú ý tới. Tình yêu thương của Ngài có thể khiến cháu tiếp tục làm công việc một cách lặng lẽ, tận tâm dù cháu có được để ý tới hay không. Cháu nên nhớ rằng Ngài là Chủ cháu và cháu làm việc để vừa lòng Ngài”.
“Cháu hãy giữ cho lòng cháu tràn đầy tình yêu thương của Chúa Giê-xu; cháu hãy đọc và suy nghĩ về tình yêu thương ấy. Và khi những ý tưởng sai lầm tìm đến gõ cửa, cháu đừng có tìm cách tự mình đẩy chúng đi. Hãy xin Cứu Chúa mở cửa cho cháu và bảo chúng rằng không có chỗ cho chúng trong một tấm lòng tràn đầy tình yêu thương của Ngài, và chúng  sẽ phải bỏ đi”.
Tay mân mê bím tóc, An gật đầu đáp giọng suy nghĩ: “Cũng giống như bóng tối tan biến đi khi mình để ánh sáng chiếu vào”. Đoạn, nó hôn Nội rồi chạy đến chuồng bò để trò chuyện với ba nó chốc lát trước khi đi ngủ.
Sáng sớm hôm sau, khi thung lũng hãy còn mờ sáng và các đỉnh núi mới mang màu trắng bạc, cả nhà ông Bình đã ngồi xe lửa đi tới  nhà ga. Vì sợ lỡ tàu nên học tới nhà ga sớm đến nữa tiếng đồng hồ. Mọi người đứng ở sân ga để chờ đợi bác sĩ Văn chừng mười phút sau mới tới. An xách hành lý đựng trong một cái túi giấy lớn màu xám, tay kia nó siết chặt lấy bàn tay ba nó.
Bé Danh đội mũ trùm đầu và mặc áo choàng ấm. Nó có vẻ ngượng nghịu khác thường, cứ nép mãi vào sau những bình sữa lớn xếp ở sân ga. Khi tới giờ từ biệt, nó có bộ sợ sệt và hình như không muốn cho mọi người ôm siết nó. Mãi tới lúc xe lửa đi được một quãng khá xa An mới hiểu tại sao. Khi ấy nó thấy trong áo choàng của em nó có vật gì cục cựa, nó liền hỏi:
“Em giấu vật gì trong áo thế em?”
Mặt bé Danh thốt nhiên ửng đỏ.
“Danh chỉ mang đi có một, thôi mà”, nó ấp úng đáp.
“Một gì?” An gặng hỏi trong lúc đưa mắt lo lắng nhìn ông Văn. Nhưng ông Văn mãi coi sách nên không chú ý.
Bé Danh cởi một khuy áo ra, nói tiếp: “Chỉ có một con này thôi mà!” Qua kẽ hở của chiếc áo choàng, An nhìn thấy cái đầu và hàng ria của một con mèo con trắng. Con mèo thò đầu ra một thoáng rồi lại rụt vào ngay.

“Chết rồi”, An hoảng hốt kêu, “Mày thật hư, hư quá đi mất thôi! Mày không nhớ là nội đã dặn không mang mèo đi nhà thương được sao? Bây giờ tao biết làm sao đây?”
Bé Danh lẳng lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, không đáp lại một lời. Nó biết lỗi của nó nhưng không tìm ra được một lời nào để bào chữa. Tuy nhiên, nó vẫn ôm sát con mèo con vào lòng, và con mèo cuộn tròn mình lại, miệng thở khò khò như một đầu mấy xe lửa tí hon. Người và vật, cả hai đều không mảy may hối hận về tội lỗi của Danh đã làm.

Còn Tiếp