Từ sau cuộc cải chánh giáo hội, các học giả Kinh thánh vẫn luôn tranh luận để kết luận chủ đề chính của Kinh thánh là gì. Người thì nói Kinh thánh chép về câu chuyện cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người khác bảo Kinh thánh là cuốn sách đạo đức, là áng văn chương tuyệt mỹ chép nhiều câu châm ngôn hay ho. Số người khác cho rằng kinh thánh là sách tiên tri, sách đạo đức học, sách lịch sử, hay sách khoa học gì đó, vì rằng những phát minh, khám phá của khoa học vẫn đi sau các tuyên bố về mặt khoa học từ Kinh thánh. Trường phái khác lại cho rằng Kinh thánh là câu chuyện tình thần thượng giữa Đức Chúa Trời và loài người. Người Do thái cho rằng Kinh thánh chủ yếu chép về luật pháp.
Hôm nay tôi lấy một chủ đề “Ân điển và luật pháp trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời” để bàn bạc cùng các bạn:
Tôi không amen với một số người thay đổi chữ “luật pháp” (law) trong kinh thánh thành chữ “kinh luật”. Epheso 2: 15 chép, “nhờ ở trong xác thịt Ngài mà Ngài đã bãi bỏ sự thù nghịch, là luật pháp bằng điều răn và giới mạng (ordinaces)”. Chữ “Luật pháp” theo tiếng Hê-bơ-rơ là Torah, được chép 216 lần trong Cựu ước; còn hai chữ “điều răn” và “giới mạng” cũng chép khá nhiều lần. Điều răn ám chỉ 10 điều răn, giới mạng là các luật lệ phụ thuộc. Tất cả gọi chung là luật pháp. Thí dụ Xuất hành chương 21 đến 23 chép về các giới mạng (ordinaces) bổ túc cho 10 điều răn. Nhưng tất cả cũng gồm chung trong luật pháp (Torah) của Đức Chúa Trời.