Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thế Vận Hội London 2012


Cứ mỗi bốn năm lại có một kỳ thế vận hội quy tụ lực sĩ khắp nơi trên thế giới. Thế vận hội năm nay được tổ chức tại thủ đô London của Anh quốc và số lực sĩ tham dự lên đến 10,000 người từ 204 nước trên thế giới. Họ cùng nhau tranh tài trong ba tuần lễ để đem huy chương về cho nước của mình.

Thế vận hội bắt nguồn từ những cuộc tranh tài thể thao trong lịch sử cổ Hy-lạp cho đến khoảng thế kỷ thứ tư sau công nguyên thì bị bãi bỏ. Đến năm 1896, một người Pháp là Bá tước Pierre de Coubertin mới làm cho thế vận hội sống lại bằng cách tổ chức thế vận hội đầu tiên tại Athens với tám nước tham dự. Từ đó đến nay, ngoại trừ những năm 1916, 1940 và 1944 vì hai trận thế chiến, thế vận hội đã được tổ chức mỗi 4 năm. Năm 1924 lại có thêm thế vận hội mùa đông và năm 1900 là năm đầu tiên có nữ lực sĩ tham dự.
Các vận động hội đầu tiên bắt nguồn từ Olympia, Hi-lạp, vì vậy mà thế vận hội ngày nay mang tên Olympic. Gần Olympia trong thế giới cổ cũng có một cuộc tranh tài tương tự mỗi hai năm gọi là Isthmian tại thành phố Cô-rinh hay Cổ-linh. Đây cũng là tên một sách trong Thánh Kinh, nơi sứ đồ Phao-lô đến giảng dạy và thành lập hội thánh. Dân chúng tại đây rất quen thuộc với những cuộc tranh tài đó vì vậy trong lá thư gởi cho các tín hữu tại Cổ-linh ngày xưa, sứ đồ Phao-lô đã dùng hình ảnh của một lực sĩ để nói với họ như sau:

Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư, trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế chứ không chạy bá vơ, tôi đánh chẳng phải là đánh gió (Thư I Cổ-linh 9:24-26).

Đó là những lời Thánh Phao-lô nhắn nhủ các tín hữu tại thành Cổ-linh, nơi có các cuộc tranh tài tương tự như thế vận hội ngày nay. Phao-lô đặc biệt chú ý đến hình ảnh của người chạy bộ. Và những lới nhắn nhủ nầy cho thấy những cuộc tranh tài thể thao xưa cũng như nay đều không đi ra ngoài những yếu tố sau:
Giải thưởng
Tất cả các lực sĩ đang tranh tài tại London đều chỉ nhắm vào một mục đích, đó là đem huy chương về cho đất nước của mình. Dù là huy chương vàng, huy chương bạc hay huy chương đồng, lực sĩ nào cũng cố gắng tối đa để đạt cho được. Đó là điều tự nhiên. Thánh Kinh dạy: "Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng." Đời sống là một cuộc chạy đua và chúng ta phải chạy thế nào cho được phần thưởng. Phần thưởng là mục tiêu, là đích đến của chúng ta. Mục tiêu hay đích đến của Bạn là gì? Thánh Phao-lô nói: "Họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư." Phần thưởng cho những tay đua ngày xưa khi đoạt giải chỉ là một cái vòng bằng lá thông hay lá cây ô-liu đơn sơ, chẳng bao lâu sẽ héo tàn. Phần thưởng đích thực là cái danh dự và niềm vui của người thắng giải. Giải thưởng ngày nay là những huy chương vàng, bạc hay đồng và danh dự đem về cho đất nước và bản thân, nhưng những điều đó rồi cũng phai tàn.
Thánh Kinh dùng hình ảnh người chạy đua để so sánh với hình ảnh con người đeo đuổi những điều trên trần gian nầy. Điều quan trọng là vấn đề giá trị. Những gì ta đeo đuổi có giá trị lâu dài hay không? Vòng lá ngày xưa hay huy chương vàng, bạc, đồng ngày nay rồi cũng mai một. Thánh Kinh dạy, Chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Điều gì là điều không bao giờ hư nát trên đời nầy? Tiền bạc, của cải, danh vọng, tiếng tăm... tất cả đều trôi qua, tất cả đều xóa nhòa. Những gì còn lại muôn đời, những gì còn lại mãi mãi là những gì thuộc phạm vi tâm linh và linh hồn chúng ta là một trong điều bất diệt đó. Chúa Giê-xu dạy: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người đó sẽ lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?" Được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì chẳng ích lợi gì cả. Chúng ta có thể đeo đuổi và chiếm hết mọi huy chương ở đời trên mọi phương diện nhưng nếu linh hồn vẫn tiếp tục chìm đắm trong biển tội thì chẳng lợi ích gì. Vì vậy mà Lời Chúa bảo chúng ta, Hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phần thưởng không bao giờ hư nát là sự cứu rỗi linh hồn chúng ta.

Trong cuộc chạy đua để được phần thuởng hay giải thưởng, người tham dự đặt mình vào kỷ luật, phải tập luyện, phải giữ đúng luật lệ. Thánh Kinh gọi đó là kiêng kỵ đủ điều. Vấn đề thứ hai chúng ta nhìn vào trong cuộc chạy đua vì vậy là:
Kỷ luật và luật lệ
Những lực sĩ đến tham dự thế vận hội London năm nay không phải chỉ đợi đến ngày là lên đường tham dự, không phải như vậy. Họ đã tập luyện suốt 4 năm qua hay hơn nữa mới sẵn sàng cho kỳ thế vận. Song song với tập luyện là kỷ luật bản thân, kỷ luật về ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi. Và khi tham dự họ cũng phải tham dự đúng luật nữa. Có nhiều lực sĩ tham dự thế vận hội trong những năm trướcđã bị loại vì đã sử dụng những hóa chất, những thứ thuốc giúp cho họ thêm cường tráng bất hợp lệ mà các cuộc thử máu đã cho thấy. Trong cuộc chạy đua để đạt đến đích đời đời cũng có những kỷ luật và luật lệ ta phải tuân hành. Trước hết chúng ta phải biết rằng chúng ta không thể hội đủ điều kiện để vào Nước Trời bằng cách ăn ngay ở lành hay kiêng cữ, làm lành lánh dữ. Tự sức con người chúng ta không làm điều đó được. Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu phải vào đời, mang thân xác con người chịu chết thế cho con người để đem chúng ta trở lại với Thiên Chúa. Từ đó chúng ta mới có sức mạnh thiên thượng để làm theo lời dạy của Chúa. Thánh Kinh nói về những người chạy bá vơ và đánh gió là những người dụng sức riêng, công đức riêng của mình sẽ không đi đến đâu cả.

Bạn thân mến,

Bạn và tôi không tham dự thế vận hội nhưng trên một bình diện khác, mỗi chúng ta đều đang dự vào một cuộc đua. Đây là cuộc đua vào cõi vĩnh hằng. Thánh Phao-lô trước giờ qua đời ông nói rằng: "Tôi đã đánh trận tốt lành, đã xong việc chạy, giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính." Bạn có nói được như vậy trước giờ lâm chung không?
Chúng ta có thể đeo đuổi theo nhiều điều trên trần gian nầy nhưng phải chăng đó chỉ là chạy bá vơ và đánh gió? Mục đích của đời sống Bạn là gì? Bạn đang chạy theo điều gì? Những gì Bạn đeo đuổi sẽ đưa Bạn vào cõi vĩnh hằng hay chỉ là những gì sẽ mai một và tàn tạ trên đời nầy? Vòng hoa dành cho người công chính phải là mục tiêu tối hậu của chúng ta. Hãy dự vào cuộc đua Thiên Chúa dành cho chúng ta để không còn chạy bá vơ hay đánh gió nữa!

Mục sư Nguyễn Thỉ