Một ông chồng trẻ kia kể lại một kinh nghiệm như sau.
Hôm đó là kỷ niệm ngày cưới lần thứ sáu của hai vợ chồng. Sáng ra anh đi làm sớm như thường lệ. Vợ anh muốn dành cho chồng một ngạc nhiên thích thú trong ngày đặc biệt này nên không nhắc nhở gì cả. Đến sở, anh rất là bận rộn, gặp người này, tiếp xúc với người kia và giải quyết bao nhiêu công việc giống như những ngày khác. Dù mấy lần nhìn ngày tháng ghi trên giấy tờ nhưng anh cũng không thấy ngày hôm đó có gì đặc biệt. Vợ anh hôm đó cũng đi làm nhưng xin về sớm. Chị về nhà nấu một món ăn đặc biệt, là món mà anh thích nhất. Khi nấu ăn xong, chị lấy bộ chén quà cưới mấy năm trước ra dùng. Chị đặt bàn, cắm hoa và chưng hai cây nến thật đẹp. Xong chị đem món quà đã gói và tấm thiệp mà chị đã chọn mấy tuần trước, để sẵn trên bàn. Chị mỉm cười khi nghĩ đến vẻ ngạc nhiên của chồng và nghĩ chắc anh sẽ cảm động lắm.
Nhưng chiều hôm đó ở sở có buổi họp. Buổi họp kéo dài đến 7 giờ tối mới xong. Khi họp xong mọi người đều đói nên rủ nhau đi ăn. Khi ăn uống xong ra về thì đã hơn 9 giờ. Và khi anh chồng về đến nhà thì đã 10 giờ tối. Bước vào nhà, nhìn bàn ăn chưng dọn đẹp đẽ với hoa, nến, quà, thiệp, anh mới giật mình sực nhớ hôm nay là kỷ niệm ngày cưới.
Anh vừa sững sờ vừa ân hận vì sự vô ý của mình. Anh bối rối không biết lấy lý do gì để bào chữa cho cái quên của mình đây. Anh không thể đổ lỗi cho công việc hay mấy người trong sở. Anh cũng không thể bảo là vì kẹt xe, vì như thế là nói dối. Sự kiện anh đi giờ này mới về mà không gọi về nhà, cũng không có thiệp hay quà trên tay là bằng chứng rõ ràng về sự vô tình của anh. Anh nghĩ bây giờ chỉ còn một cách là nhận lỗi và xin lỗi vợ chứ không thể biện bạch hay thanh minh gì nữa. Anh chuẩn bị tinh thần để nghe vợ khóc lóc, kể lể và trách móc.
Vào phòng anh thấy vợ đã đi nằm nhưng chưa ngủ. Anh ngại ngùng đến gần nói vài lời xin lỗi. May mắn cho anh, vợ anh là người nhiều tình cảm nhưng cũng là người sẵn sàng tha thứ. Dù nói với hai hàng nước mắt nhưng chị chỉ trách anh nhẹ nhàng và sẵn sàng tha thứ cho anh. Từ đó trở đi, người chồng trẻ không bao giờ quên ngày cưới của hai người.
Người vợ trong câu chuyện trên có hằng trăm lý do để phiền giận chồng và không tha thứ cho chồng. Chị cũng có thể thức cả đêm khóc lóc, kể lể cho chồng nghe những công khó và toan tính của mình cho ngày đặc biệt, để người chồng thấy lỗi của anh lớn là chừng nào. Chị cũng có thể giận chồng suốt mấy ngày để anh phải khó chịu, cho xứng đáng với những buồn phiền và thất vọng anh đã gây ra cho vợ.
Nhưng những điều đó sẽ đem lại ích lợi gì? Có chăng là làm cho người vợ hả dạ phần nào, nhưng nó có thể để lại một kỷ niệm không vui và làm sứt mẻ tình cảm giữa hai người. Trái lại, người vợ không dằn vặt trách móc, làm cho chồng khổ tâm nhưng sẵn sàng tha thứ cái bệnh vô tình và hay quên của chồng. Điều đó đã khiến người chồng cảm động và yêu thương vợ hơn. Tha thứ là yếu tố thật cần thiết để giữ cho gia đình hạnh phúc. Ngày nào vợ chồng còn sống bên nhau, ngày đó chúng ta còn cần tha thứ cho nhau.
Tha thứ không phải là đòi hỏi người kia thay đổi hoàn toàn rồi mới tha thứ
Nếu chúng ta đòi hỏi người có lỗi thay đổi hoàn toàn rồi chúng ta mới tha thứ thì đó cũng không phải là tha thứ. Khi đòi hỏi như thế, chứng tỏ chúng ta thiếu lòng tin cậy và chưa sẵn sàng tha thứ. Nếu một người đã nhận lỗi và bằng lòng xin lỗi, người đó đã có sự thay đổi trong lòng và đáng nhận được sự tha thứ. Chúa đối với chúng ta cũng thế, khi chúng ta nhận biết mình lỗi lầm và xưng tội với Chúa, Ngài sẽ tha thứ chúng ta. Kinh Thánh dạy:
Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (Thư I Giăng 1:9)
Vua Đa-vít cho biết:
Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi. Tôi nói, tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va, còn Chúa tha tội ác của tôi (Thánh Vịnh 32:5)
Tha thứ không phải là sau đó tránh nhau để không bị tổn thương nữa
Nhiều người, khi tha thứ lỗi lầm của vợ hay chồng rồi thì tránh mặt nhau hoặc tránh tiếp xúc với nhau để không va chạm nhau nữa. Như thế cũng không phải là tha thứ. Có ông chồng kia muốn giúp vợ nên một hôm đi làm về sớm vào bếp nấu ăn. Nhưng vì không biết nấu nên ông làm hỏng món ăn mà bà vợ đã chuẩn bị để nấu hôm đó. Bà vợ về thấy vậy bực mình chê chồng. Ông chồng buồn và giận vô cùng. Ông nghĩ mình có ý tốt muốn giúp, đã không được cảm ơn lại còn bị chê. Bà vợ sau đó hiểu được tâm tình của chồng nên xin lỗi. Ông chồng bảo không giận vợ nữa nhưng tự nhủ là từ giờ trở đi sẽ không bao giờ giúp vợ việc bếp núc nữa. Trong trường hợp này, ông chồng đó đã không thật sự tha thứ.
Tương tự như vậy, có một bà vợ kia sửa cái áo mới cho chồng nhưng làm không đúng, bị chồng cằn nhằn. Bà giận chồng lắm, nói rằng mình đã mất thì giờ công sức mà còn bị chê trách. Sau đó ông chồng biết mình lỡ lời nên xin lỗi vợ, bà vợ tha thứ cho chồng nhưng nói: “Từ giờ trở đi ông cần may vá gì thì đưa ra tiệm chứ tôi không làm nữa!” Nếu sau khi tha thứ cho nhau, chúng ta đâm ra dè dặt, không dám thành thật với nhau và không tin cậy nhau nữa thì đó không phải là tha thứ. Sự tha thứ không thật đó sẽ khiến chúng ta trở nên thủ thế với nhau và đoán xét nhau chứ không hiệp một với nhau được.
Vì tha thứ là yếu tố tối quan trọng cho hạnh phúc gia đình nên chúng ta cần luôn luôn sống với nhau trong tinh thần tha thứ. Không phải chỉ các ông cần tha thứ các bà nhưng các bà cũng phải sống với chồng với lòng bao dung, độ lượng, sẵn sàng tha thứ. Nhiều khi phái nữ chúng ta cũng cần bỏ đi tính hay hờn dỗi, càu nhàu và giận lâu. Chúng ta cần tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Người vợ trong câu chuyện kể ở trên có thể “ghim” lỗi lầm của chồng. Thỉnh thoảng bà cũng có quyền nhắc lại công khó và nỗi thất vọng của mình trong ngày hôm đó, để chồng phải ân hận và cảm nhận sâu xa lỗi của mình. Bà cũng có thể tự nhủ rằng từ giờ trở đi sẽ không bao giờ làm gì đặc biệt để kỷ niệm ngày cưới nữa. Nhưng tất cả những điều đó không đem lại ích lợi gì. Nó có thể khiến người có lỗi thấy mình có lỗi nhiều hơn và người phiền giận càng giận lâu hơn. Và rồi giữa hai người sẽ có một sự ngăn cách nào đó. Lòng tha thứ trái lại, xóa bỏ hết mặc cảm tội lỗi và lòng phiền giận, khiến vợ chồng hiểu nhau và thông cảm nhau hơn.
Khi đã tha thứ, không nên nhắc lại chuyện cũ
Khi đã tha thứ cho người có lỗi, chúng ta không nên nhắc lại lỗi lầm của người đó, dù chỉ là nói thoáng qua một câu hay nói cách gián tiếp. Nhắc lại lỗi cũ của người phối ngẫu là điều rất tai hại cho hạnh phúc gia đình vì những lý do sau:
- Không ích lợi gì, vì ta không thể sửa đổi điều đã xảy ra nhưng lại khiến người có lỗi thêm mặc cảm và đau khổ.
- Khiến ta không còn hăng hái để gây dựng cho hạnh phúc hiện tại và tương lai.
- Khiến ta trở thành người chịu trách nhiệm từ thời điểm đó trở đi, vì đã gây ảnh hưởng không tốt cho hạnh phúc gia đình.
- Khiến người phối ngẫu chán nản không muốn sửa đổi nữa. Cũng có thể khiến quyền năng của Chúa không có tác dụng trong đời sống người đó.
- Khiến người chung quanh bớt lòng tin cậy và kính trọng chúng ta.
Điều gì sẽ xảy ra nếu vợ chồng không tha thứ cho nhau?
Nếu không tha thứ, buồn giận sẽ trở thành cay đắng
Khi vợ chồng không tha thứ lầm lỗi cho nhau sẽ tiếp tục buồn giận nhau và dần dần sinh ra lòng cay đắng đối với nhau. Lòng cay đắng là một chất độc nguy hiểm. Chất độc này làm hại người có lòng cay đắng và có thể giết chết tình yêu giữa hai vợ chồng. Người có lòng cay đắng là người ghi nhớ mãi điều phiền giận trong lòng. Những phiền giận đó sẽ khiến ta mất ăn, mất ngủ, nhức đầu, đau bao tử, v.v... Lòng cay đắng cũng có thể trở thành mối căm thù và khiến ta muốn làm một điều gì đó cho người kia bị thiệt thòi hay tổn thương ta mới hả giận.
Thánh Kinh dạy:
Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác (Thư Ê-phê-sô 4:31)
Một chỗ khác trong Thánh Kinh cũng khuyên:
Lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó, và ăn ở như vậy. Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác (Cô-lô-se 3:7-8)
Qua hai lời khuyên trên, chúng ta thấy buồn giận và cay đắng dễ đưa đến những điều hung ác. Trong thư Hê-bơ-rơ, tác giả lại khuyên:
Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời. Khá coi chừng, kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng (Thư Hê-bơ-rơ 12:14-15)
Nếu không tha thứ chúng ta không xứng đáng thờ phượng Chúa
Người tin Chúa cần giữ mối tâm giao mật thiết với Chúa luôn luôn, qua sự thờ phượng, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác nhưng cứ giữ lòng buồn giận, chúng ta không thể thờ phượng Chúa hay cầu nguyện với Ngài. Về vấn đề này Chúa Cứu Thế dạy:
Nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:23-24)
Nếu không tha thứ sẽ không được tha thứ
Theo lời Kinh Thánh dạy, nếu không tha thứ cho người, chúng ta sẽ không được tha thứ. Chúa Giê-xu phán:
Nếu các ngươi tha lỗi cho người, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:14-15)
Trong lời cầu nguyện dạy cho các môn đệ ngày xưa, Chúa bảo họ cầu nguyện như sau:
Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:12)
Và sau đó Chúa nhắc lại một lần nữa:
Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy (Phúc Âm Ma-thi-ơ 18:35)
Tha thứ là điều khó chứ không dễ. Người tha thứ thường phải trả một giá rất đắt. Lắm khi chúng ta phải quên mình, chịu thiệt thòi hoặc dẹp bỏ quyền lợi của mình để tha thứ và nâng đỡ người kia lên. Có bà vợ kia vì không nghe lời chồng, tự ý lấy tiền hùn hạp làm ăn với bạn. Sau đó bị bạn lừa gạt nên mất một số tiền khá lớn. Người chồng biết được việc này thì giận vợ vô cùng, vì người vợ có lỗi hoàn toàn. Nhưng khi thấy vợ thật lòng hối hận và xin lỗi, người chồng sẵn sàng tha thứ. Từ đó hai vợ chồng phải sống trong chật vật và phải thật cẩn thận trong việc chi dùng tiền bạc. Tuy nhiên, vì đã thật lòng tha thứ vợ, nên dù phải chịu nhiều vất vả và thiệt thòi, người chồng đó không phiền giận cũng không nhắc lại lỗi lầm của vợ.
Gương tha thứ cao đẹp nhất mà chúng ta phải học đòi là gương tha thứ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã và đau đớn trên cây thập tự để tha thứ tội lỗi chúng ta. Giá mà Chúa phải trả để tha thứ chúng ta là sự sống của Ngài. Nếu vì tha thứ mà chúng ta phải chịu đau đớn và thiệt thòi là chúng ta đã noi gương Chúa và sống như Ngài đã sống. Kinh Thánh dạy:
Nếu anh em làm lành mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời. Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Chúa Cứu Thế cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài (Thư I Phi-e-rơ 2:20-21)
Chúng ta thật sự tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ khi chúng ta lấy lòng yêu thương, chấp nhận những thiệt hại mà người có lỗi đã gây ra cho mình, và sẵn sàng bỏ qua, không bắt lỗi người đó. Tha thứ thật là chấp nhận người có lỗi, dù biết người đó đã làm một lỗi lầm không thể chấp nhận được. Tha thứ thật cũng có nghĩa là dù có quyền giận nhưng ta không giận, có quyền trách nhưng không trách móc hay phàn nàn. Tha thứ thật là khi một người hoàn toàn có lỗi với ta nhưng ta không nhắc đến lỗi lầm đó nữa.
Chúng ta tha thứ cho người vì biết rằng chính mình cũng có nhiều lỗi lầm và cũng cần được tha thứ. Người sẵn sàng tha thứ cho vợ hay chồng mình là người đã kinh nghiệm sự tha thứ của Chúa và có tình yêu của Chúa trong lòng. Người hay tha thứ sẽ gây dựng chứ không làm hỏng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, điều chúng ta không thể quên là vấn đề gì cũng phải có hai chiều. Cả vợ lẫn chồng đều cần tha thứ cho nhau chứ không phải chỉ một mình người vợ hay người chồng phải hy sinh, tha thứ để giữ cho gia đình được êm ấm, còn người kia cứ tiếp tục làm lỗi hay tiếp tục phiền giận.
Khi hai vợ chồng sống với nhau trong tinh thần tha thứ, tình yêu giữa hai người sẽ ngày càng bền vững. Mỗi lần buồn giận nhau rồi tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, thông cảm nhau và yêu thương nhau nhiều hơn. Khi chấp nhận lỗi lầm của nhau và tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ trở nên khiêm nhường. Chúng ta không cho mình là đúng, là hoàn toàn hay tốt đẹp hơn, nhưng biết rằng chúng ta đều bất toàn như nhau và cần giúp nhau sửa đổi để có thể trở nên người vợ, người chồng toàn hảo hơn.
Xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời dạy sau đây trong Thánh Kinh:
Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót. Tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Thư Ê-phê-sô 4:32)
(còn tiếp)
Minh Nguyên