Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

SỰ BIẾN ĐỔI


Về phương diện sự sống trong sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, từ sự tái sinh đến sự vinh hóa, mỗi một bước đều dần dần bươn tới và tiến lên. Sự tái sinh dẫn đến sự đổi mới; sự đổi mới dẫn đến sự thánh hóa cơ bản; sự thánh hóa cơ bản dẫn đến sự biến đổi; tiếp theo sự biến đổi là sự trưởng thành, đồng hóa, và vinh hóa. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét vấn đề biến đổi.
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ BIẾN ĐỔI
1) “Biến hóa [hay biến đổi] nên cũng một hình tượng [của Chúa]” (2 Cô-rin-tô 3:18).
Trong nguyên văn Hi-lạp, từ ngữ “sự biến đổi” là một chữ ghép gồm hai phần. Phần thứ nhất có nghĩa là “thay đổi”, trong khi phần thứ hai có nghĩa là “hình dạng bề trong”, ngụ ý “yếu tố” và “yếu thể tính”. Do đó trong Tân Ước, sự biến đổi chỉ về một sự thay đổi về yếu thể tính nơi hình dạng bề trong của chúng ta. Điều đó bày tỏ sự biến đổi của sự sống mà chúng ta vui hưởng trong kinh nghiệm mình về sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời là sự biến đổi yếu thể tính bề trong của chúng ta. Ấy là việc thêm yếu tố sự sống thần thượng của Đấng Christ vào yếu tố loài người, sinh ra một ảnh hưởng chuyển hóa, mà ảnh hưởng ấy tạo nên một sự thay đổi về yếu thể tính, một sự thay đổi bản thể bề trong chúng ta nên hình ảnh của Chúa.

II. TIẾN TRÌNH BIẾN ĐỔI
A. Cất Bỏ Cái Màn
1) “Nhưng hễ khi nào lòng đó xây về Chúa, thì bấy giờ màn ấy mới cất khỏi”(2 Cô-rin-tô 3:16).
Cái màn chỉ về sự che phủ trên những người ở dưới luật pháp và có ý định giữ luật pháp. Ở dưới luật pháp và muốn giữ luật pháp làm cho một người quay khỏi Chúa để lấy luật pháp làm mục tiêu của mình. Những điều này che mắt họ, làm cho họ không thể thấy Chúa mặt đối mặt. Tự cải thiện và cố gắng làm lành, tách rời khỏi Chúa, cũng đưa đến một hậu quả như vậy. Những điều ấy làm cho họ quay khỏi Chúa và nhắm vào việc lành; cho nên, bị việc lành che khuất, giống như người bị bức màn che khuất, họ không thể thấy Chúa mặt đối mặt. Vì chúng ta đã tin vào Chúa và đã quay khỏi những điều như luật pháp và việc lành để quay sang Chúa, lòng chúng ta nên quay khỏi những mục tiêu trước đây mà hướng về Chúa, để cái màn che mắt chúng ta được cất bỏ đi và chúng ta có thể thấy Chúa mặt đối mặt.
B. Được Tự Do
1) “Chúa là Thánh Linh; Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó”(2 Cô-rin-tô 3:17).
Khi chúng ta quay khỏi mọi mục tiêu khác, chẳng hạn như luật pháp và việc lành mà hướng về Chúa, thì Chúa là Linh liền làm cho chúng ta được tự do. Nếu chúng ta nhắm vào bất cứ điều gì khác hơn Chúa, chúng ta sẽ bị điều đó chiếm chỗ và cột trói, vì thế Chúa là Linh không thể làm gì cho chúng ta. Một khi chúng ta quay khỏi mục tiêu ấy mà hướng về Chúa, Ngài liền có nền tảng trong chúng ta để làm cho chúng ta được tự do.
C. Ngắm Xem Và Phản Chiếu Chúa
Như Một Cái Gương
1) “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại sự vinh quang của Chúa như một cái gương” (2 Cô-rin-tô 3:18).
Vì chúng ta đã hướng về Chúa để nhận Ngài làm mục tiêu của mình, nên cái màn được cất khỏi mặt chúng ta, chúng ta có thể để mặt trần ngắm xem Chúa và phản chiếu vinh quang Ngài như một cái gương. Lúc ấy, mặt chúng ta để trần cho Chúa, và như một cái gương không bị che phủ, một mặt chúng ta có thể ngắm xem vinh quang Ngài, mặt khác chúng ta có thể phản chiếu vinh quang ấy.
D. Được Biến Đổi Nên Hình Ảnh Của Chúa
1) “... ngắm xem và phản chiếu...vinh quang của Chúa, được biến đổi nên cùng một hình ảnh” (2 Cô-rin-tô 3:18).
Khi ngắm xem và phản chiếu vinh quang của Chúa với một gương mặt trần không bị che phủ, dần dần chúng ta được biến đổi nên hình ảnh của Ngài, và như một cái gương chúng ta phản chiếu Chúa cho người khác thấy. Đó là kết quả vinh hiển của việc chúng ta ngắm xem Chúa mặt đối mặt mà không [bị che mờ bởi] một bức màn nào.
E. Từ Vinh Quang Đến Vinh Quang
1) “... biến hóa [hay biến đổi] nên cũng một hình tượng của Ngài [tức là Chúa], từ vinh quang đến vinh quang” (2 Cô-rin-tô 3:18).
Việc chúng ta ngắm xem Chúa mặt đối mặt để phản chiếu Chúa và việc chúng ta được biến đổi nên cùng một hình ảnh với Ngài diễn tiến không ngừng, tiến từ mức độ vinh quang này đến mức độ vinh quang khác cao hơn.
F. Được Biến Đổi Từ Chúa Linh
1) “... biến hóa [hay biến đổi] nên cũng một hình tượng của Ngài [tức là Chúa], từ vinh quang đến vinh quang, như bởi Chúa là Thánh Linh vậy” (2 Cô-rin-tô 3:18).
Trong tiến trình chết và phục sinh của Ngài, Đấng Christ là Đấng đã chết, sống lại và hoàn thành sự cứu chuộc cho chúng ta, đã biến hóa để trở nên Linh ban-sự-sống (1 Côr. 15:45).
Chúa Linh được nói đến ở đây là chính Đấng Christ, là Linh ban-sự-sống. Sau khi chúng ta nhận được sự cứu chuộc đã hoàn thành nhờ sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ và được tái sinh, Linh ban-sự-sống này hành động trong chúng ta, từ linh qua hồn chúng ta, liên tục biến đổi chúng ta nên hình ảnh của Chúa từ vinh quang đến vinh quang, tiến từ mức độ vinh quang này sang mức độ vinh quang cao hơn. Đó là sự biến đổi có tính cách chuyển hóa đang được Chúa là Linh ban-sự-sống đang thực hiện trong chúng ta, liên tục truyền yếu thể tính của sự sống Ngài vào trong chúng ta, cho đến khi chúng ta được cất lên và thân thể chúng ta được biến hóa để nên giống như thân thể vinh hiển của Ngài.
G. Được Biến Đổi Bởi Sự Đổi Mới Của Tâm Trí
1) “... hãy biến hóa [biến đổi] bởi sự đổi mới tâm trí” (Rô-ma 12:2).
Sự biến đổi vinh hiển được đề cập trên đây diễn ra cũng bởi sự đổi mới của tâm trí chúng ta. Tâm trí chúng ta là lối vào tấm lòng chúng ta. Bất cứ điều gì vào trong chúng ta trước hết phải đi qua tâm trí rồi mới vào tấm lòng được. Chúa Linh biến đổi chúng ta ở bề trong bằng cách đi qua lối vào tâm trí này, đem yếu thể tính thần thượng của sự sống Chúa vào trong chúng ta qua sự hiểu biết và tiếp nhận của tâm trí trong lòng chúng ta, qua ao ước của tình cảm trong lòng chúng ta, và qua sự tán đồng của ý chí trong lòng chúng ta, để biến đổi toàn bộ bản thể chúng ta từ bên trong nên hình ảnh của Chúa.

Witness Lee