Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

SỰ TRƯỞNG THÀNH


Theo phương diện sự sống của sự cứu rỗi đầy trọn được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho chúng ta, sự biến đổi trong sự sống mà chúng ta kinh nghiệm tự phát làm cho chúng ta lớn lên trong sự sống thuộc linh đến chỗ trưởng thành. Do đó kinh nghiệm của chúng ta cũng tiến vào phương diện trưởng thành trong sự tăng trưởng của sự sống.

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ TRƯỞNG THÀNH
Ý nghĩa của từ ngữ “trưởng thành” trong tiếng Hi-lạp là “tại điểm cuối cùng”. Khi từ ngữ này được dùng để mô tả các sinh vật, nó chỉ về sự trọn vẹn, sự phát triển đầy đủ, và sự trưởng thành. Từ ngữ này được sử dụng nhiều lần trong Tân Ước, chỉ về việc tín đồ được phát triển đầy trọn, trưởng thành, được làm cho hoàn hảo trong sự sống của Đức Chúa Trời, là sự sống họ đã nhận lãnh khi được tái sinh. Điều này cho thấy mặc dầu chúng ta nhận lãnh sự sống của Đức Chúa Trời khi được tái sinh, nhưng sau khi tái sinh, chúng ta vẫn cần lớn lên và trưởng thành đến mức hoàn hảo trong sự sống này.

II. CẦN PHẢI TRƯỞNG THÀNH
1) “... trở nên như kẻ cần sữa, chớ không phải đồ ăn cứng. Vì phàm ai chỉ dùng sữa... là con đỏ thôi. Nhưng đồ ăn cứng thì để cho kẻ trưởng thành” (Hê-bơ-rơ 5:12-14).
Những câu này cho chúng ta thấy mình cần phải lớn lên và trưởng thành trong sự sống thuộc linh. Nếu không lớn lên và trưởng thành, chúng ta sẽ cứ ở trong giai đoạn con trẻ, không thể hiểu lời công chính, là thức ăn cứng. Vì vậy, giống như các tín đồ Hê-bơ-rơ thuở xưa, chúng ta sẽ không thể hiểu khải thị của lời sâu xa hơn, do đó không thể tham dự vào gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan trong gia tể của Đức Chúa Trời chỉ có thể bày tỏ cho người tăng trưởng đầy trọn (1 Côr. 2:6). Để bước vào gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời, vào trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời, đòi hỏi chúng ta phải tăng trưởng và trưởng thành trong sự sống của Đức Chúa Trời.
2) “... nên bậc thành nhơn... hầu cho chúng ta không còn làm trẻ con nữa, bị dồi dập, trôi qua trôi lại theo các thứ gió giáo lạ bởi trá thuật và quỉ kế của loài người, y theo mưu chước lầm lạc của họ” (Ê-phê-sô 4:13-14).
Là tín đồ sau khi được tái sinh, mặc dầu không còn là những trẻ sơ sinh trong sự sống của Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn có thể là những em bé, dễ dàng bị sóng dồi dập, đưa đẩy theo mỗi một cơn gió của những sự dạy dỗ, bị lừa dối và dẫn vào sự quỉ quyệt theo chiều hướng đưa đến một hệ thống lầm lạc, bị Sa-tan lừa dối. Chúng ta cần lớn lên và trưởng thành về phương diện tích cực để có thể hiểu khải thị của Đức Chúa Trời, biết gia tể và kế hoạch của Ngài, và về phương diện tiêu cực, để chúng ta không bị Sa-tan lừa dối hay lừa gạt.
III. MỤC TIÊU CỦA CÁC SỨ ĐỒ
1) “Ấy là Ngài [tức Đấng Christ] mà chúng ta [các sứ đồ] rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan khuyên răn mọi người, dạy dỗ mọi người, để trình diện mọi người trọn vẹn trong Christ” (Cô-lô-se 1:28); “Người [tức một đồng công của vị sứ đồ] thường thường vì anh em mà chiến đấu trong sự cầu nguyện, để anh em được tin chắc đầy đủ mà đứng trọn vẹn trong cả ý chỉ của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 4:12).
Trong văn mạch Hi-lạp, từ ngữ “đứng” trong câu thứ hai ở thể thụ động, có nghĩa là “được đặt để” hay “được trình diện và biểu lộ”, tương ứng với từ ngữ “trình diện” trong câu thứ nhất. Hai câu này trong sách Cô-lô-se cho chúng ta thấy sự lao khổ của các sứ đồ trong Đấng Christ vì các tín đồ và sự chiến đấu của họ trong lời cầu nguyện cho các tín đồ được lớn lên và trưởng thành, để họ có thể được trình diện và biểu lộ [là những người] tăng trưởng đầy trọn và trưởng thành trước mặt Đấng Christ.

IV. MẠNG LỊNH CỦA CHÚA
1) “Thế thì, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Thiên Phụ các ngươi là trọn vẹn vậy” (Ma-thi-ơ 5:48).
Chữ “thế thì” ở đầu câu này cho thấy lời này là kết luận của luật sự sống mới trong hiến pháp của vương quốc mà Chúa đã truyền trong văn mạch đi trước, tức các câu 17-47. Trong kết luận này, Chúa truyền bảo chúng ta phải hoàn hảo [trong sự sống] như Cha thiên thượng của chúng ta là hoàn hảo. Hoàn hảo trong sự sống là lớn lên và trưởng thành trong sự sống. Chúa truyền bảo chúng ta như vậy trong phần kết luận luật pháp của sự sống mới trong vương quốc của các từng trời vì chúng ta là con cái do Cha chúng ta sinh ra có sự sống của Cha chúng ta. Sự sống này có thể làm cho chúng ta hoàn hảo trong sự sống của Cha, như Cha chúng ta là hoàn hảo. Vì vậy mạng lịnh này của Chúa dựa trên sự sống thần thượng của Cha. Mạng lịnh này cũng được thực hiện bởi sự sống thần thượng của Cha. Sự sống thần thượng của Cha có thể làm cho chúng ta hoàn hảo trong sự sống như Ngài là hoàn hảo. Đó không những là mạng lịnh của Chúa dành cho chúng ta mà còn là sự mong đợi của Chúa về chúng ta. Chúng ta nên quan tâm đến nỗi ao ước của lòng Chúa, giữ mạng lịnh Ngài, lớn lên và trưởng thành bởi sự sống của Cha bên trong chúng ta, nhờ đó hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời Tam Nhất.
V. ĐIỀU CHÚNG TA CẦN THEO ĐUỔI
1) “Ấy vậy, chúng ta nên gác qua sự sơ học về đạo Đấng Christ mà bươn tới sự trọn vẹn” (Hê-bơ-rơ 6:1).
“Sự sơ học về đạo Đấng Christ” chỉ về lời trong phúc-âm về Đấng Christ cứu rỗi chúng ta và tái sinh chúng ta, tức là lời trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta bắt đầu trong sự sống thuộc linh. Câu này khuyên chúng ta lìa khỏi sự sơ học, tức là lìa khỏi giai đoạn đầu trong sự sống thuộc linh của mình, bươn tới sự hoàn hảo trong đời sống thuộc linh. Đó là lớn lên và trưởng thành trong đời sống thuộc linh.
2) “Ấy chẳng phải tôi đã được rồi, hay là đã nên trọn vẹn đâu [tức tăng trưởng đầy trọn trong sự sống]; nhưng tôi cứ đuổi theo hầu cho giựt được, bởi vì chính tôi đã được Christ Giê-su giựt lấy rồi [để tôi được Ngài]... tôi không kể mình đã giựt được [Đấng Christ] đâu, duy cứ làm một điều: quên những sự ở đàng sau, vươn theo những sự ở đàng trước; tôi cứ bươn thẳng tới đích [là Đấng Christ] để giựt giải [là Đấng Christ] về sự kêu gọi từ trên của Đức Chúa Trời trong Christ Giê-su. Vậy, hễ bao nhiêu người trọn vẹn [trong sự sống] trong chúng ta đều phải có tâm chí đó” (Phi-líp 3:12-15).
Trong phân đoạn này, sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta cách ông theo đuổi sự tăng trưởng và trưởng thành trong sự sống của Đấng Christ. Trong vấn đề này, không bao giờ ông hài lòng với chính mình nhưng luôn luôn theo đuổi, quên những điều ở phía sau, vươn tới những điều ở phía trước, bươn đến Đấng Christ, là mục tiêu và đích điểm. Ông làm như vậy để được Đấng Christ, để tăng trưởng và trưởng thành trong sự sống Ngài. Lấy sự theo đuổi của mình làm gương mẫu, ông khuyên các tín đồ mà ông đang hướng dẫn và chăm sóc hãy giống như mình, theo đuổi trong sự sống của Đấng Christ, để đạt được Đấng Christ cách đầy trọn hầu được lớn lên và trưởng thành. Cuối cùng, Phao-lô nói bao nhiêu người trong chúng ta đã tăng trưởng [tương đối] đầy trọn thì nên nghĩ đến điều này và lấy điều này làm mục tiêu.
VI. ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
1) “Hãy ham thích sữa thuộc linh tinh khiết như con đỏ mới đẻ, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà đạt đến sự cứu rỗi” (1 Phi-e-rơ 2:2).
Điều kiện tiên quyết để trưởng thành trong sự sống thuộc linh là liên tục lớn lên trong sự sống này. Ngay khi một tín đồ được tái sinh và trở nên một trẻ sơ sinh thuộc linh, người ấy sẽ ao ước lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh như sữa tinh khiết để được lớn lên trong sự sống thuộc linh.
2) “Tôi [tức Phao-lô] đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên” (1 Cô-rin-tô 3:6).
Trong đời sống thuộc linh, một mặt tín đồ là người có sự sống thuộc linh, mặt khác, tín đồ giống như cây được vun trồng trên ruộng của Đức Chúa Trời (1 Côr. 3:5-9). Dầu giống như một người hay một cây trồng, người tín đồ cần lớn lên để trở nên trưởng thành. Vì vậy tiếp tục lớn lên là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng đầy trọn và trưởng thành.
3) “Nhưng phải lấy tình thương yêu nói ra lẽ thật [tức Đấng Christ], để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong [nguyên văn: vào trong] Đấng làm Đầu, tức là Christ” (Ê-phê-sô 4:15).
Chúng ta tăng trưởng trong sự sống thuộc linh bằng cách bám lấy Đấng Christ là lẽ thật trong tình yêu thương và lớn lên vào trong Đấng Christ là Đầu mọi sự. Sự tăng trưởng lấy Đấng Christ làm lẽ thật và lớn lên vào trong Đấng Christ, là một điều kiện tiên quyết sâu xa hơn để chúng ta tăng trưởng đầy trọn và trưởng thành.
4) “... bám chặt với Đầu [tức Đấng Christ], mà do Đầu đó cả Thân Thể nhờ sự tương trợ và sự kết cấu của các lắt léo và dây gân được lớn lên bởi sự lớn lên của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 2:19).
Câu này cho thấy hội-thánh là Thân Thể của Đấng Christ lớn lên với sự lớn lên của Đức Chúa Trời nhờ bám chặt lấy Đấng Christ là Đầu, nhờ nhận lãnh sự cung ứng phong phú từ Ngài, là Đầu, qua những khớp nối của Thân Thể Ngài và nhờ được ràng buộc với nhau bởi các dây gân của Thân Thể Ngài. Sự tăng trưởng này trong Thân Thể của Đấng Christ cũng là một điều kiện tiên quyết để chúng ta tăng trưởng và trưởng thành trong sự sống của Đấng Christ. Điều kiện tiên quyết này cuối cùng trở nên sự lớn lên của Thân Thể Đấng Christ.
VII. KẾT QUẢ CỦA SỰ TRƯỞNG THÀNH
1) “Cho đến chừng chúng ta thảy đều đạt đến... bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc theo sự đầy đủ của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13).
Người tăng trưởng đầy trọn ở đây chỉ về hội-thánh là Thân Thể của Đấng Christ lớn lên thành người trưởng thành. Sự đầy đủ của Đấng Christ chỉ về Thân Thể của Đấng Christ trở nên sự bày tỏ Ngài. Tóm lại, tầm thước vóc giạc đơn giản là tầm vóc. Tầm vóc này là hội-thánh tức Thân Thể của Đấng Christ lớn lên thành tầm vóc của Đấng Christ. Đó là kết quả cuối cùng và đầy trọn của sự tăng trưởng và trưởng thành của các tín đồ bởi sự sống của Đấng Christ trong Thân Thể Ngài. Sự biến đổi của chúng ta trong sự sống Đấng Christ làm cho chúng ta giống như Ngài theo hình ảnh của yếu thể tính Ngài; sự trưởng thành của chúng ta trong sự sống của Đấng Christ làm cho chúng ta giống Ngài trong tầm vóc của Ngài. Do đó, một mặt chúng ta có hình ảnh Ngài, mặt khác chúng ta có tầm vóc của Ngài.

Witness Lee