Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Người Nữ Vừa Ðẹp Vừa Khôn


Là người nữ, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều mơ ước mình “vừa đẹp vừa khôn”, chớ không phải “vừa xấu vừa dại” phải không ạ? Nhưng tiếc là trong thực tế đã cho chúng ta thấy nhiều người nữ, “đẹp nhưng không khôn” hoặc là “Khôn, nhưng lại không đẹp”. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến một người nữ trong Kinh Thánh; là người may mắn có được cả hai “vừa đẹp, vừa khôn”. Chắc có lẽ nhiều chị em đã đoán ra được người đó là ai rồi phải không? Thưa vâng, đó là bà A-bi-ga-in

Câu chuyện về bà A-bi-ga-in được chép trong I Samuên 25:1-42. Tôi xin được tóm tắt câu chuyện đó như sau: Bà A-bi-ga-in là vợ của ông Na-banh. Ông Na-banh là người ở thành Ma-ôn, nhưng tài sản của ông thì thành Cạt-mên, rất giàu có, ông có khoảng  3,000 chiên và 1,000 dê. Kinh Thánh cho biết Na-banh là người có tánh tình cứng cõi và hung ác. Trái ngược ông, bà A-bi-ga-in lại là người có tiếng là vừa đẹp, vừa khôn. 



Trong vùng đất chăn nuôi cừu và dê ở gần đó, thì có Ða-vít và những người đi theo Ðavít khoảng 600 người. Trong lúc nầy Ða-vít chưa làm vua, ông đang chạy trốn khỏi vua Sau-lơ. Ðavít và những người đi theo ông đã tình nguyện để giúp bảo vệ đàn cừu của Na-banh, không để kẻ trộm rình mò.

Một hôm, khi Ða-vít hay tin Na-banh đến Cạt-mên để hớt lông chiên, và trong nhà ông đang có tiệc tùng đãi khách. Thì Ða-vít bèn sai 10 người trai trẻ trong đoàn đến ra mắt Na-banh để xin ông giúp đỡ một chút thức ăn trong những ngày nhà của Na-banh có tiệc, bởi vì lương thực dự trữ của Ða-vít đã sắp cạn. Những lời yêu cầu của Ða-vít rất là lịch sự và chân thật. Thiết tưởng, những gì Ða-vít yêu cầu cũng quá hợp lý thôi. Nếu như là người biết điều, thì thật ra không cần Ða-vít lên tiếng hoặc sai người đến, Na-banh lẽ ra phải đem lễ vật đến để tặng cho Ða-vít mới phải.  

Nhưng trái với sự mong đợi của Ðavít, Na-banh đã không tỏ lòng biết ơn về sự bảo vệ và giúp đỡ của Ðavít cùng những người đi theo. Na-banh đã thét lớn và tỏ vẻ khinh bỉ khi nghe những lời yêu cầu của Ða-vít. Những người trai trẻ đó về thuật lại cho Ða-vít nghe lời khinh bỉ của Na-banh, thì Ða-vít tức giận bèn đem 400 người theo mình, đi lên đặng đánh cả nhà Na-banh.

Có một người giúp việc trong nhà Na-banh hay được tin rằng Ða-vít đang kéo quân lên để đánh cả nhà chủ, thì người nầy chạy đi báo tin cho bà A-bi-ga-in hay. Người giúp việc nầy đã kể rõ sự tình cho bà chủ biết thế nào Ða-vít đã giúp đỡ họ; ông giống như bức tường chắn che chở cho bọn chăn chiên của Na-banh và ông đã sai người đến với thái độ khiêm nhu để xin chút lương thực, nhưng bị ông chủ thóa mạ những sứ giả của Ða-vít, nên bây giờ sắp có cuộc tàn sát xảy ra.

Các chị em thân mến, không biết khi đọc đến đây các chị em có thắc mắc là tại sao người đầy tớ nầy không chạy đi báo tin cho ông chủ mình hay mà lại cho bà chủ biết không? Tôi thiết nghĩ, người đầy tớ nầy rất là tin tưởng nơi sự khôn khéo của bà chủ. Chắc có lẽ, đã nhiều lần bà A-bi-ga-in đã phải làm người giải hòa cho chồng mình với những người chung quanh. Bởi vì theo bản tánh cứng cõi và hung ác của ông Na-banh, thì thế nào cũng làm mích lòng nhiều người và sẽ có lắm kẻ thù. Bà A-bi-ga-in đã xử trí như thế nào trước tình huống nguy kịch nầy để có thể ngăn chặn được cuộc tàn sát đẫm máu cho cả gia đình mình? Ðây là chỗ mà chúng ta sẽ thấy được sự khôn ngoan của bà A-bi-ga-in.


Sau khi nghe người đầy tớ thuật lại mọi sự, thì bà A-bi-ga-in đã không lãng phí thì giờ để ngồi đó than van, hay phê phán người chồng. Thay vào đó, bà đã vội vàng chuẩn bị những thức ăn. Bà lấy 200 ổ bánh bỏ vào bao, sai nấu chín 5 con chiên đực, và bảo gia nhân rang 5 đấu hột mạch. Bà cũng sai lấy 2 bầu rượu nho, 100 bánh nho khô và 200 bánh trái vả khô. Chất hết các thứ đó lên lưng lừa, bà sai những người giúp việc đi trước và bà cỡi lừa một mình để đi nhanh hơn, hầu có thể đến trước để chận đường Ða-vít. Thật, chỉ có người nữ quán xuyến, tinh thông và nhiều năng lực mới có khả năng để chuẩn bị một số lượng lớn lương thực trong khoảng thời gian vội vả như thế, cũng chỉ có người nữ khôn ngoan trong trường hợp nầy mới rời khỏi nhà lặng lẽ, không thông báo cho chồng về những hành động của mình. Bởi vì, nếu thông báo cho Na-banh hay thì chắc chắn ông sẽ không cho bà đi và thế nào cũng có cuộc chiến đẫm máu xảy ra.

Khi A-bi-ga-in thấy Ða-vít, thì bà liền lật đật bước xuống khỏi lừa và với tất cả lòng khiêm tốn, hạ mình bà xin được giải hòa cho chồng. Bà thú nhận rằng chồng bà là một người ngu dại; hung ác thật giống như tên (Na-banh nghĩa là điên). Bà nài nỉ Ða-vít nhận lấy những lương thực bà đem đến, và bỏ qua cho sự phạm lỗi của bà, vì bà không có thấy các sứ giả của ông sai đến.

A-bi-ga-in cũng tiên đoán là Chúa sẽ lập Ða-vít lên làm vua và bà nhắc khéo là vì thế nên ông không nên làm đổ huyết người vô tội, để rồi sau nầy lương tâm ông không bị cắn rứt. Bà cũng nói thêm rằng, chính Chúa sẽ báo thù thay cho ông đối với những người nào muốn làm hại ông.

Thử hỏi, những lời nói khôn ngoan thốt ra từ miệng của một giai nhân như vậy, chẳng lẽ lại không kết quả sao? Ða-vít đã nguôi cơn giận, ông khen ngợi sự khôn ngoan của bà và chúc phước cho bà. Quả đúng như lời Kinh Thánh dạy: “Lời nói êm dịu, làm nguôi cơn giận” (Châm ngôn 15:1). Thế là, nhờ sự khôn ngoan của mình, A-bi-ga-in đã cứu gia đình thoát nạn diệt vong.

Sự khôn ngoan thứ hai của bà A-bi-ga-in được bày tỏ qua việc khi trở về nhà, bà không nói một lời nào với ông Na-banh hết; không cằn nhằn, không nổi giận khi thấy Na-banh vẫn “vô tư” nhậu nhẹt. Nếu như là một người vợ khác, có thể bà vợ ấy sẽ thốt lên nhưng lời như:  “Sắp chết đến nơi rồi, mà ông còn ngồi đó ăn nhậu nữa ư?” Và rồi, sẽ có chuyện “chén bay, dĩa bay”, cả nhà náo loạn lên cho mà xem.  
         
Bà A-bi-ga-in yên lặng, nhịn nhục chờ cho đến sáng mai, là khi ông Na-banh được tỉnh rượu, hết say rồi thì bà mới thuật lại cho ông biết là ông và cả nhà đã gần kề cái chết như thế nào. Khi nghe xong, thì ông Na-banh hoảng sợ, “người cứng đơ như đá”, và 10 ngày sau thì ông chết. 
Qua cuộc đời của “Người Nữ Vừa Ðẹp Vừa Khôn” nầy, đã cho chúng ta những bài học sau đây:

1) Hôn nhân không hạnh phúc

Chúng ta hãy thử so sánh bản tính giữa A-bi-ga-in thì sẽ thấy sự khác biệt như sau:

            A-BI-GA-IN                                       NA-BANH
            -Ðẹp                                                   -Cứng cõi   
            -Thông minh/khôn ngoan             -Hung ác
            -Biết cách cư xử                              -Ngu muội
            -Lời nói khéo léo                            -Say sưa
            -Kính sợ Chúa                                -Không tin kính
            -Giảng hòa (peace maker)           -Gây sự (trouble maker)

Qua sự so sánh ở trên, cho chúng ta thấy sự khác biệt quá xa giữa hai vợ chồng. Tôi không hiểu tại sao một người đẹp, thông minh như A-bi-ga-in lại đi kết hôn với một người như Na-banh? Kinh Thánh không ghi rõ về điều nầy, nhưng theo các nhà giải kinh, thì có người cho rằng có lẽ cuộc hôn nhân giữa A-bi-ga-in và Na-banh là theo sự kết ước của cha mẹ. Bởi vì theo phong tục ngày xưa, người nữ không được quyền lựa chọn như chúng ta ngày nay. Hôn nhân thời bấy giờ là do sự lựa chọn của người nam và do sự sắp đặt của gia đình. Na-banh đã được thừa hưởng di sản giàu có của cha mẹ, đó là lợi điểm của Na-banh và nhờ đó mà ông đã cưới được người vợ đẹp như A-bi-ga-in. Na-banh được mô tả là người đàn ông “có hơi thở, nhưng không có sự sống. Người chỉ biết nhận lãnh mà không biết ban cho. Là một vết nhơ trên một tờ giấy trắng. Là người không ai có thể thương và mang ơn được”. Người như thế, các cô có dám lấy làm chồng không? Người ta nói: “Có tiền mua tiên cũng được”, nhưng tiền không thể mua tình yêu và hạnh phúc.

Tôi thấy thật cảm thương cho thân phận của một số các chị em tại Việt Nam. Vì quá nghèo khổ, nên cũng đành “nhắm mắt theo chồng về xứ lạ”, để rồi phải bì vùi thân nơi xứ người. Hầu như hàng tuần, chúng ta đều nghe nói về chuyện của một cô dâu Việt bị đánh, hoặc bị giết ở Ðài Loan, Ðại Hàn v.v… Ðó là chưa kể đến những cô dâu trẻ lấy chồng “già” ở Úc, ở Mỹ hay ở Canađa và cũng bị những người chồng “già” nầy bạo hành thân thể, tình cảm và tài chánh.

Rồi tôi cũng nghe và biết có một số các chị em Cơ Ðốc không phải là nghèo khó gì, nhưng cũng đã chọn thà lấy “chồng giàu mà không có Chúa” hơn là lấy “chồng nghèo  mà có Chúa”. Các chị em nầy không bị hoàn cảnh bó buộc, cũng không bị gia đình ép uổng. Nhưng đã chọn đi theo theo tiếng gọi của lòng, hơn là theo sự sắp đặt của Chúa. Và kết quả là phải trả một giá đau khổ cho việc lấy chồng ngoại đạo, không có lòng kính sợ Ðức Chúa Trời. Lời Chúa dạy rằng: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin” (II Cô-rinh-tô 6:14). Khi “ách” không đồng đều, không cùng chí hướng, không cùng lý tưởng, niềm tin thì không thể tạo nên một mái ấm gia đình.

2) Kiên nhẫn chịu đựng

Tôi nghĩ có lẽ một số chị em sẽ có câu hỏi: “Nếu tôi lỡ lấy phải người chồng như Na-banh thì sao? Tôi phải làm gì đây?” Xin thưa, chỉ có 3 giải pháp:

a) Ly dị:

“Ðường anh, anh đi, đường tôi, tôi đi. Tình nghĩa đôi ta tới đây là chấm dứt. Bye bye, never see you again (tạm biệt, không bao giờ mong gặp lại). Nhưng đây là giải pháp
của người đời. Kinh Thánh cho biết, chúng ta có thể ly dị khi người phối ngẫu phạm tội ngoại tình. Nói như thế, không có nghĩa là khi có người chồng độc ác, tối ngày đánh đập vợ con, thì mình phải chấp nhận và chịu “ăn đòn” hoài như thế. Thưa không, chúng ta có thể nói chuyện với chồng và tìm sự giúp đỡ của người thân, để trách trường hợp bị bạo hành mỗi ngày.

b) Tự kết liễu đời mình:

Tôi biết có người trong cảnh khổ vì chồng, cùng đường và họ đã tự kết liễu đời mình để thoát khỏi “nợ đời”. Ðây là suy nghĩ thiếu khôn ngoan, bởi vì người Cơ Ðốc, không được phép tự kết liễu cuộc đời mình với bất cứ lý do gì. Xin nhớ là, người nào tự vận thì không thể được cứu. Trong I Giăng 3:15b cho biết như sau: “chẳng một kẻ nào giết người (giết người ta hay tự giết mình cũng vậy) có sự sống đời đời ở trong mình”.

c) Chấp nhận và chịu đựng:

Bà A-bi-ga-in đã chọn giải pháp nầy. Bà đã tiếp tục sống chung với người chồng hung ác, say sưa. Bà đã làm tròn trách nhiệm của người vợ, dầu phải sống trong hoàn cảnh khốn khổ như ở trong địa ngục với một người chồng như thế. Bà A-bi-ga-in đã giữ tròn lời hứa nguyện của mình; dầu tốt hay xấu vẫn trọn đời bên nhau. Làm thế nào bà A-bi-ga-in có thể làm được điều vĩ đại đó? Câu trả lời là vì bà kính sợ Chúa, nên Chúa đã thêm sức cho bà để có thể yêu thương và tha thứ.

Tôi biết nhiều người mẹ Việt Nam cũng đã chọn giải pháp thứ ba giống như bà A-bi-ga-in. Ðã hết lòng nhịn nhục, chịu đựng tánh tình kỳ cục của chồng chỉ vì nghĩ đến con cái, không muốn “con không cha, như nhà không nóc”, nên thà một mình chịu khổ.

3) Yêu thương và tha thứ:

Ðiều thứ ba, chúng ta học được nơi bà A-bi-ga-in là dầu ông Na-banh tánh tình có hung ác, kỳ cục, hay bũn xĩn v.v… thì bà vẫn yêu thương và tha thứ cho ông. Bằng chứng cho thấy là bà đã không lợi dụng cơn giận của Ða-vít để kêu gia nhân bắt trói ông Na-banh để nộp cho Ða-vít hay là xin Ða-vít tha mạng cho bà và những đầy tớ của bà mà chỉ giết một mình Na-banh thôi. Bà cũng đã không nhân cơ hội nầy mà ôm đồ chạy trốn một mình. Tôi thiết nghĩ, đó chính là bằng chứng của sự yêu thương và tha thứ cho chồng. Mặc dù Kinh Thánh không có ghi, nhưng với một người có lòng yêu chuộng sự hòa bình như bà, thì tôi tin rằng có lẽ bà cũng đã cầu nguyện và dâng trình ông Na-banh cho Chúa. Ông có làm gì sai trật thì để Chúa xét xử, riêng bà thì vẫn làm tròn bổn phận của người vợ.

4) Kết quả, được Chúa đền bù:

Chính sự chịu đựng, kiên nhẫn và các cách cư xử tốt đối với chồng, bà A-bi-ga-in đã nhận được sự đền bù của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh ghi khoảng 10 ngày sau, Ðức Giê Hô Va đánh Na-banh và người chết. Sau khi hay tin Na-banh qua đời, thì Ða-vít đã sai người đến hỏi A-bi-ga-in làm vợ mình. Thế là, A-bi-ga-in đã trở thành vợ của một vị vua có một không hai trong lịch sử của người Do-thái.



Các chị em thân mến, có lẽ đa số chúng ta đã không rơi vào hoàn cảnh giống như của bà A-bi-ga-in, chúng ta được may mắn hơn bà là không gặp không phải một “ác thần” như ông Na-banh.  Tuy nhiên, có thể chúng ta cũng gặp những người chồng có tánh tình kỳ cục, không biết cảm thông, không có lời nói ngọt ngào, hay thiếu tinh thần trách nhiệm v.v. Cầu xin Chúa cho chúng ta biết học theo gương của bà A-bi-ga-in, cứ phó thác người chồng của mình cho Chúa; chúng ta không mơ ước là Chúa sẽ “đánh” ổng chết, nhưng là sẽ “đổi” ông trở thành người mới. Lời Chúa dạy rằng: “Chị em là những người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình, dù chồng chưa theo Ðạo, để qua cách ăn nết ở của người vợ mà chồng sẽ tin Chúa.” (II Phi-e-rơ 3: 1- 2 BDY).

Cầu xin Chúa ban phước trên mỗi chúng ta, để ai nấy đều có thể trở thành người nữ “Vừa Ðẹp Vừa Khôn” (nếu không được đẹp về nhan sắc, thì đẹp về tâm hồn).
Muốn thật hết lòng.



 Kim Loan
21/3/2012