Người ta nói rằng ở đời có ba thứ luật: luật sắt, luật bạc, luật vàng. Luật sắt là luật của những người nói rằng: “Cái gì của anh là của tôi!” Đây là luật rừng, luật của những người trộm cắp, luật của những người sống trên đau khổ của người khác. Luật bạc khá hơn luật sắt, nói rằng: “Cái gì của anh là của anh, cái gì của tôi là của tôi!” Luật này mới nghe có vẻ hợp lý và công bằng, nhưng thật ra rất ích kỷ. Nếu ở đời, ai cũng sống theo luật bạc nầy thì sẽ chẳng có ai giúp đỡ ai, mỗi người chỉ biết có mình và cuộc đời đã đau khổ sẽ càng thêm đau khổ. Đây cũng là chủ trương của những người theo triết lý “sống chết mặc bay.” Như vậy, những người theo luật sắt là những người gieo đau khổ cho người khác. Theo luật bạc, người ta không làm gì bớt đi đau khổ cho nên đau khổ sẽ nhiều thêm. Vì vậy, chúng ta cần sống với luật vàng là luật nói rằng: “Cái gì của tôi là của anh!” Đây là luật của tình yêu, của lòng vị tha, của những người sống vượt lên trên những tầm thường của đời sống.
Tác giả của Luật Vàng là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài tuyên bố: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ.” Đây không phải là một lời tuyên bố mới lạ, nhưng chỉ trong Chúa Cứu Thế lời dạy nầy mới có giá trị đích thực vì hai lý do sau:
Tác giả của Luật Vàng là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài tuyên bố: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ.” Đây không phải là một lời tuyên bố mới lạ, nhưng chỉ trong Chúa Cứu Thế lời dạy nầy mới có giá trị đích thực vì hai lý do sau:
1. Chúa Giê-xu chẳng những dạy nhưng Ngài cũng thực hành những điều Ngài dạy. Nhiều bậc vĩ nhân nói rất hay, tuyên bố những câu nẩy lửa, nhưng đời sống của họ không phản ảnh những điều họ nói. Chúa Giê-xu trái lại, Ngài dạy yêu thương tha thứ và chính Chúa đã yêu thương, tha thứ. Chúa đã đưa tay chữa lành người đến bắt Chúa; Ngài cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Ngài. Chúa khóc với gia đình tang chế, tạo niềm vui cho lễ cưới. Chúa cung cấp thức ăn cho người đói, chữa lành cho người đau. Ngài đã làm cho người ta những điều mà ai cũng muốn người khác làm cho mình
2. Lý do thứ hai khiến cho lời tuyên bố của Chúa Giê-xu có giá trị đó là Chúa không dạy suông, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể thực hành lời dạy của Ngài. Thông thường, ít có người muốn sống cho người khác, ai cũng chỉ muốn sống cho mình. Người ta cho rằng sống theo luật vàng là dại, tại sao những gì của tôi lại là của anh được? Tuy nhiên, nếu thế giới này thiếu đi những người biết sống theo Luật Vàng như vậy, nỗi đau khổ của con người sẽ ngày càng gia tăng. Tự chúng ta, chúng ta không thể sống vị tha, vì người khác, nhưng với sức mạnh của Chúa, chúng ta có thể sống theo Luật Vàng dễ dàng. Nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa, Chúa sẽ tái tạo con người chúng ta, biến chúng ta thành một con người mới. Sự sống của Chúa sẽ tuôn tràn trong đời sống chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên làm được những điều chúng ta cần làm và phải làm.
Chúa Giê-xu đã thực hành Luật Vàng khi Ngài hy sinh chính sự sống của Ngài vì tội của nhân loại. Chúa vô tội và không phải chịu chết nhưng Ngài đã bằng lòng gánh tội của chúng ta và chịu chết thay cho chúng ta. Chúa tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà hy sinh sự sống!” Chúa Giê-xu đã chết để cứu chúng ta, nhưng cái chết của Ngài cũng nhắc chúng ta về đức hy sinh để chúng ta sẵn sàng sống cho người khác. Và như đã nói, chính Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể sống theo Luật Vàng, sẵn sàng làm cho người khác những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình.
Đây không phải là điều viễn vông xa vời, chỉ có trên lý thuyết, nhưng là những điều chúng ta có thể làm mỗi ngày bắt đầu từ trong gia đình của chúng ta. Người chồng có thể trông mong người vợ làm điều này điều nọ cho mình. Người vợ cũng vậy. Con cái và cha mẹ, anh chị em, bạn bè với nhau. Tại sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại, nếu chúng ta muốn người khác làm điều đó cho mình, tại sao chúng ta không bắt đầu trước, làm điều đó cho người khác. Ví dụ người chồng đi làm về mệt mỏi, mong được vợ hỏi thăm, nhưng người vợ có thể đang bận tâm về một chuyện gì đó, không lên tiếng hỏi trước. Thay vì bực dọc, cau có, ta hãy nhớ đến Luật Vàng của Chúa trước. Hãy hỏi thăm vợ mình trước, vì đó chính là điều mình muốn người khác làm cho mình kia mà! Bạn hãy thử áp dụng xem, Bạn sẽ thấy rằng khi ta bớt nghĩ về mình, bớt sống ích kỷ, cuộc đời sẽ đẹp hơn nhiều lắm. Tương tự như vậy trong những mối tương quan khác như giữa cha mẹ và con cái. Con cái thì mong cha mẹ thông cảm với mình, cha mẹ thì nói tại sao con không thông cảm. Dù làm bậc cha mẹ, hay làm con, ta hãy đi bước đầu tiên, hãy làm cho người khác điều ta muốn người khác làm cho mình, ta sẽ thấy sự việc thay đổi tốt đẹp nhanh chóng.
Có những người thường than rằng sao mình cô đơn quá, sao mình không có bạn. Bạn biết không, câu nói đã trở thành như sáo ngữ lại rất đúng. Người ta nói, “Muốn có bạn, chính mình trước hết phải là một người bạn!” Đừng chờ đợi người ta đến làm bạn với mình, nhưng chính mình phải bắt đầu xử sự như một người bạn tốt. Đó chính là làm cho người khác những điều chúng ta muốn người khác làm cho mình.
Nếu thế giới chỉ là những người sống theo luật sắt, đau khổ của con người sẽ vô tận. Nếu chúng ta chỉ sống theo luật bạc, nghĩa là mạnh ai nấy sống, niềm đau của con người cũng không vơi đi được. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đi trước, Ngài sống theo Luật Vàng, hy sinh bản thân vì người khác. Chúng ta cần theo chân Chúa, sẵn sàng sống cho người khác, đối xử với người chung quanh như cách chúng ta muốn họ đối xử với mình. Nếu ai cũng sống như vậy, thiên đường sẽ đến với chúng ta ngay trên trần gian này, không phải tìm kiếm một nơi nào khác.
Mục sư Nguyễn Thỉ