Thưa quý thính giả,
Chúng ta vừa cùng nhau kỷ niệm 10 năm ngày quốc nạn (ở Mỹ) 11 tháng 9 trong tuần vừa qua. Mười năm trước, ngày 14 tháng 9 năm 2001 là ngày Cầu Nguyện và Tưởng Niệm Toàn Quốc. Một buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức tại Thánh Đường Quốc Gia ở Washington với sự tham dự của tổng thống, nội các, quốc hội và các cựu tổng thống. Trong dịp nầy, Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng của Hoa Kỳ đã có một bài thuyết giảng, dù đã 10 năm trôi qua nhưng vẫn còn mang đầy ý nghĩa cho chúng ta hôm nay. Chúng tôi xin đọc lại bài thuyết giảng nầy để chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Mục sư Billy Graham nói:
Kính thưa tổng thống và phu nhân, tôi muốn thay mặt cho nhiều người để nói một lời riêng với tổng thống. Cảm ơn tổng thống đã dành ngày hôm nay làm Ngày Cầu Nguyện và Tưởng Niệm Toàn Quốc. Chúng ta thật sự cần một ngày cầu nguyện như vậy trong lúc nầy.
Chúng ta họp nhau tại đây trong ngày hôm nay để xác nhận niềm tin rằng Đức Chúa Trời quan tâm chăm sóc chúng ta, bất kể chúng ta thuộc chủng tộc, tôn giáo hay bối cảnh chính trị nào.
Kinh Thánh dạy rằng Ngài là "Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách."
Dù cố gắng đến đâu, chúng ta vẫn không đủ ngôn từ để diễn tả hết nỗi kinh hoàng, sửng sốt và ghê sợ trước những gì xảy ra vào sáng thứ Ba vừa qua. 11 tháng 9 sẽ là một ngày không bao giờ quên trong lịch sử của chúng ta.
Hôm nay chúng ta muốn nói với những người đã mưu đồ và với những người thực hiện cuộc tấn công tàn ác nầy rằng tinh thần của đất nước nầy sẽ không bị đánh bại trước những mưu đồ độc ác và xuyên tạc của họ. Một ngày nào đó, những người có trách nhiệm sẽ phải ra trước công lý như tổng thống và quốc hội đã khẳng định.
Nhưng hôm nay, chúng ta họp nhau tại đây để công nhận rằng chúng ta cần đến Chúa. Từ khi đất nước nầy được thành lập, chúng ta vẫn luôn luôn cần đến Chúa nhưng chúng ta đặc biệt cần đến Chúa trong ngày hôm nay. Chúng ta phải đối diện với một kẻ thù mới. Chúng ta lâm vào một cuộc chiến mới và chúng ta cần sự giúp đỡ của Thần Linh Chúa. Lời Kinh Thánh là hy vọng của chúng ta: "Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì" (Thánh Vịnh 46:1-4).
Nhưng làm sao chúng ta hiểu được những sự việc như thế nầy? Tại sao Đức Chúa Trời cho phép những điều gian ác như vậy xảy ra? Có lẽ đó là điều chúng ta đang tự hỏi. Có lẽ chúng ta cũng cảm thấy giận Chúa nữa. Tôi xin đảm bảo với quý vị rằng Chúa thông cảm với tất cả những cảm xúc của chúng ta.
Chúng ta đã thấy trên ti-vi, nghe trên radio bao nhiêu câu chuyện khiến chúng ta phải đổ nước mắt và nổi giận. Nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp tục tin cậy Chúa ngay trong những giờ phút tối tăm nhất của cuộc đời.
Nhưng chúng ta học được bài học gì qua biến cố nầy?
Người ta đã hỏi tôi hằng trăm lần tại sao Đức Chúa Trời lại để cho bi thương và đau khổ xảy ra trên trần gian nầy. Tôi phải thành thật công nhận là tôi không có câu trả lời thỏa đáng ngay cả cho chính tôi. Tôi phải chấp nhận bằng đức tin rằng Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị và Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương, nhân từ vàđầy lòng thương cảm giữa những khổ đau.
Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời không phải là tác giả của điều ác. Thánh Kinh cho biết điều ác là một huyền nhiệm. Thư Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhì chương 2 câu 7 nói về mầu nhiệm của sự gian ác. Tiên tri Giê-rê-mi trong Thánh Kinh Cựu Ước nói rằng, "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa, ai có thể biết được?" Ông đặt câu hỏi: "Ai có thể biết được?" Và đó là một trong những lý do mỗi chúng ta cần Chúa trong đời sống.
Bài học của biến cố nầy chẳng những là bài học về huyền nhiệm của tội ác nhưng kế đến cũng là bài học cho thấy rằng chúng ta cần nhau.
Trong mấy ngày qua, New York và Washington thật là gương sáng cho toàn thế giới! Không ai trong chúng ta có thể quên được hình ảnh của những người lính cứu hỏa và những cảnh sát viên gan dạ hay hình ảnh của hàng trăm người kiên nhẫn đứng chờ để hiến máu. Một tấn thảm kịch như thế nầy có thể đã làm cho đất nước nầy tan nát nhưng trái lại nó đã đoàn kết chúng ta lại với nhau và chúng ta đã trở thành như trong một gia đình. Những người gây ra thảm kịch nầy muốn thấy chúng ta tan nát, chia rẽ, nhưng sự việc đã ngược lại, chúng ta đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết. Điều nầy đã thể hiện rõ ràng trong một hành động vô cùng xúc động khi các nghị sĩ và dân biểu của Quốc Hội đã đứng cạnh nhau và hát bài "God Bless America."
Cuối cùng, mặc dầu rất khó cho chúng ta thấy bây giờ, biến cố nầy cũng đem đến cho chúng ta hy vọng. Hy vọng cho hiện tại và cho cả tương lai.
Vâng, có hy vọng thật sự. Có hy vọng cho hiện tại vì tôi tin rằng cả đất nước đang sẵn sàng cho một tinh thần mới.
Một trong những điều vô cùng cần thiết hiện nay là sự phục hồi tâm linh của đất nước nầy. Chúng ta cần một cuộc phục hưng ở Mỹ. Đức Chúa Trời đã phán dạy bao nhiêu lần trong Lời của Ngài rằng chúng ta phải ăn năn tội, quay trở lại với Chúa và Chúa sẽ ban phước cho chúng ta một cách mới.
Chúng ta cũng có hy vọng trong tương lai qua lời hứa của Đức Chúa Trời. Là người tin Chúa, tôi chẳng những có hy vọng trong đời nầy nhưng cũng có hy vọng về thiên đàng và cuộc sống đời sau. Nhiều người chết trong tuần vừa qua đang ở thiên đàng giờ nầy và không muốn trở lại trần gian nầy đâu vì thiên đàng thật là vinh quang và tuyệt diệu. Và đó là hy vọng của chúng ta là những người đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho quý vị hy vọng nầy trong lòng của quý vị.
Biến cố nầy nhắc nhở chúng ta tính cách ngắn ngủi và vô định của đời sống. Chúng ta không ai biết khi nào mình sẽ được gọi để đi vào cõi vĩnh hằng. Những người bước lên máy bay hay bước vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới hay Ngũ Giác Đài trong ngày thứ Ba vừa qua, tôi không nghĩ rằng có một ai nghĩ rằng hôm đó là ngày cuối cùng của đời mình. Họ không hề nghĩ đến điều đó. Chính vì vậy mà mỗi chúng ta cần đối diện với nhu cầu tâm linh của mình và cam kết cuộc đời mình cho Chúa và cho ý muốn của Ngài ngay bây giờ.
Trong ngôi Thánh Đường Quốc Gia uy nghi nầy chúng ta thấy biểu tượng thập tự giá khắp nơi. Đối với người tin Chúa, tôi nói với tư cách của người tin Chúa, thì thập tự giá nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời biết tội lỗi và đau khổ của chúng ta vì Chúa đã mang tội lỗi và khổ đau của chúng ta trong Chúa Giê-xu. Từ cây thập tự, Đức Chúa Trời phán rằng, "Ta yêu con. Ta biết những đau lòng, buồn rầu và đau khổ của con và ta yêu con."
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở thập tự giá vì Phục Sinh hướng chúng ta đến một chỗ xa hơn cái khổ đau của thập tự, nó dẫn chúng ta đến ngôi mộ trống và cho chúng ta biết có hy vọng trong cuộc sống vĩnh hằng vì Chúa Giê-xu đã chinh phục tội ác, tử thần và hỏa ngục. Vâng, chúng ta có hy vọng.
Tôi đã giảng đạo khắp cùng thế giới nhưng nay tôi đã già và càng già tôi lại càng bám lấy với hy vọng đó. Tôi đã bắt đầu với hy vọng đó từ nhiều năm trước và đã giảng hy vọng đó bằng nhiều thứ tiếng tại những phần đất khác nhau trên thế giới.
Một vài năm trước trong Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Quốc Gia ở Washington, đại sứ Andrew Young lúc đó vừa chịu tang vợ cách đau thương đã kết thúc bài nói chuyện của ông bằng lời của bài thánh ca "Nền Tảng Vững Bền."
Tất cả chúng ta đều đã thấy cảnh máy bay đâm vào hai tòa nhà bằng thép và kính của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới trong hãi hùng. Hai tòa nhà đồ sộ đó được xây trên một nền móng vững chắc, là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sáng tạo của Hoa Kỳ. Khi bị hư hại, cả hai tòa nhà đã bị sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, bên dưới đống đổ nát cái nền vẫn còn. Chúng ta thấy được chân lý của lời bài thánh ca "Nền Tảng Vững Bền." Vâng, đất nước chúng ta bị tấn công, nhà cửa sụp đổ, người chết nhưng nền tảng vẫn còn.
Nhưng bây giờ chúng ta có một sự lựa chọn: hoặc là để cho tình cảm và tâm linh của cả dân tộc, của cả nước sụp đổ hoàn toàn hay là quyết định trở nên mạnh mẽ hơn qua những khó khăn để xây dựng lại trên một nền tảng vững chắc. Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong tiến trình xây dựng lại trên nền tảng đó. Nền tảng đó là lòng tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời.
Chúng tôi vừa trích đọc bài nói chuyện của Mục sư Billy Graham trong ngày Cầu Nguyện và Tưởng Niệm Toàn Quốc tại Washington vào ngày 14.9.2001. Niềm tin nơi Thiên Chúa chính là hy vọng cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Mời Bạn đến với Chúa Giê-xu, đặt lòng tin nơi Ngài để kinh nghiệm hy vọng đó.