Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Ðặc Ðiểm của Một Gia Ðình Vững Mạnh - Bài 3

Thúy là một cô bé hoạt bát vui tính, năm 14 tuổi em bắt đầu vào trung học. Vì vui tính Thúy có nhiều bạn và các bạn hay rủ em đi chơi, đi party, nhưng Thúy thường phải từ chối lời mời của bạn vì cha mẹ không cho em đi chơi hay dự party ở nhà người lạ. Thúy giận cha mẹ và xấu hổ với bạn. Em nghĩ sao cha mẹ mình quá xưa và quá khó, không cởi mở những cha mẹ khác. Em cũng xấu hổ vì bị bạn chê là nhát, là tùy thuộc cha mẹ quá nhiều. Nhưng mười hai năm sau, bây giờ là người hướng dẫn thiếu niên trong nhà thờ, Thúy tâm sự với các em như sau: “Mười mấy năm trước chị cũng là một thiếu niên như các em. Chị muốn được tự do đi chơi, tới nhà bạn ngủ lại đêm, đi những party bạn mời nhưng cha mẹ không cho. Chị giận cha mẹ, nghĩ là cha mẹ quá nghiêm khắc, không muốn con vui với bạn bè. Nhưng bây giờ nghĩ lại chị cảm tạ Chúa cho chị có một người cha người mẹ vì yêu thương đã không ngại áp dụng kỷ luật để uốn nắn chị nên người. Chính nhờ sự nghiêm khắc của cha mẹ mà chị đã tránh được bao nhiêu nguy hiểm. Những party mà chị không được dự có chỗ người ta dùng rượu, cần sa ma túy. Trong số những bạn được tự do vui chơi có nhiều người không học đến đại học, có người vì lầm lỡ phải phá thai; chị cũng có những người bạn mới 17, 18 tuổi phải nghỉ học ở nhà nuôi con vì lỡ có con với người yêu. Hồi đó chị thường năn nỉ cha mẹ đi chơi, năn nỉ không được thì buồn khóc nhưng cha mẹ chị vẫn không đổi ý. Nếu cha mẹ các em không cho các em muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đó là điều tốt cho các em, bây giờ các em không hiểu nhưng mai kia các em sẽ hiểu và sẽ cảm ơn cha mẹ.”



Kính thưa quý vị, nếu trong gia đình chúng ta còn những đứa con nhỏ, cần được hướng dẫn, sửa dạy, chúng ta cần nghĩ lại xem, với cách dạy con của chúng ta hôm nay, mai kia khi khôn lớn và hiểu biết, con cái chúng ta sẽ cảm ơn cha mẹ hay sẽ buồn vì cha mẹ đã quá dễ dãi với các em.

Trong câu chuyện gia đình kỳ trước, chúng tôi có nói về hai yếu tố cần có để đào tạo những đứa con trưởng thành, đó là: Tình thương và kỷ luật. Về tình thương, con em chúng ta cần có một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau và cả cha và mẹ đều thương con, chăm lo cho con. Tuy nhiên, tình thương phải đi kèm với kỷ luật. Nếu cha mẹ chỉ thương con mà không có kỷ luật, con dễ trở thành hư hỏng. Ngược lại, nếu cha mẹ chỉ áp dụng kỷ luật mà thiếu thương yêu, con sẽ trở thành nhút nhát, mặc cảm và khó thành công trong đời. Con em chúng ta cần được cha mẹ yêu thương và dùng kỷ luật để hướng dẫn các em đến chỗ kính sợ Chúa, đi trong đường lối của Chúa.

3. Đời sống ổn định



Yếu tố thứ ba để con em chúng ta trở nên người trưởng thành là đời sống được ổn định, ổn định về mặt tình cảm, tinh thần và ổn định trong nếp sống hằng ngày. Ổn định về tình cảm là cha mẹ yêu thương nhau, không gây gổ nhau, không nói đến ly thân, ly dị, không tranh giành tình thương của con cái. Ổn định về tinh thần và trong nếp sống hằng ngày là cha mẹ không thay đổi chỗ ở hay thay đổi công việc quá nhiều. Ở tại đất nước này chúng ta có nhiều cơ hội để học hành, để thăng tiến trong ngành nghề của mình cũng như cơ hội làm giàu vì thế nhiều người thích thay đổi: thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở. Người nào thay đổi nhiều thường được xem là khôn ngoan, biết nắm lấy cơ hội, và hầu như càng thay đổi nhiều thì càng lên chức nhanh và lương càng cao. Rồi khi lương cao, chúng ta lại muốn đổi nhà, đổi đến nhưng khu vực sang trọng hơn. Và cứ như thế, đời sống tiếp tục thay đổi. Những người làm hoài một công việc, ở mãi một căn nhà bị xem là an phận, nhút nhát, không dám phiêu lưu. Tuy nhiên, mỗi khi cha mẹ thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở, tinh thần của con cái bị xáo trộn rất nhiều. Những xáo trộn đó ảnh hưởng trên sự quân bình trong đời sống các em. Khi đời sống cha mẹ ổn định, ít thay đổi, con cái cảm thấy an toàn và quân bình hơn.

Để có đời sống ổn định, chúng ta cần bằng lòng với những điều mình có, không đứng núi này trông núi nọ, không mơ ước những điều quá khả năng hay mơ ước những điều người khác có. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy giò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất” (I Ti-mô-thê 6:6-9). Đúng như lời Kinh Thánh dạy, thỏa lòng là một lợi ích lớn. Ngược lại, không thỏa lòng sẽ mang đến nhiều tai hại. Nhiều người không bằng lòng với điều mình có, với công việc hay ngành nghề trong tay nhưng cứ muốn thay đổi, nay thử việc này mai thử việc khác. Cũng có người không bằng lòng nơi mình sinh sống, nghĩ rằng ở thành phố khác, tiểu bang khác thích hợp hơn, dễ sống hơn và vì thế đem gia đình đi hết nơi này đến nơi kia, khiến đời sống xáo trộn, tinh thần con cái bị dao động. Nói về thay đổi trong việc làm, có một điều thấy như lợi mà không lợi, trái lại có nhiều nguy hiểm, đó là để vợ hay chồng đi làm xa một thời gian. Chẳng hạn như về Việt Nam làm ăn ba tháng hoặc nửa năm, hay đi đến một nơi mức sống không đắt đỏ, dễ làm ra tiền, để kiếm được một số tiền rồi trở về với gia đình. Tính toán như thế có thể lợi cho gia đình về mặt kinh tế nhưng sẽ có nhiều thiệt hại về những mặt khác, vì vợ chồng sống xa nhau, con cái không được ở gần cha mẹ. Như chúng tôi đã chia xẻ nhiều lần, trong đời sống, tình người quan trọng hơn tiền bạc, vật chất. Chúng ta không nên vì tiền bạc mà hy sinh những ngày tháng được ở bên cạnh người thân yêu. Những cha mẹ đi làm ăn xa, phải vắng mặt trong gia đình sẽ không có thì giờ ở gần con để chăm sóc, dạy dỗ con. Con cái không được dạy dỗ chu đáo có thể hư hỏng, và vì xa cha mẹ, lớn lên các em không cảm thấy gần gũi thân thương với cha mẹ.



Nguy hiểm thứ hai là khi vợ chồng sống xa nhau lâu, cám dỗ sẽ đến và chúng ta sẽ khó có thể chống lại được. Khuynh hướng của con người là “xa mặt cách lòng,” khi chúng ta đặt vật chất lên trên tình vợ chồng, sẵn sàng hy sinh tình vợ chồng để có nhiều tiền, tình yêu đó không được chăm sóc nuôi dưỡng sẽ phai nhạt, dần dần chúng ta sẽ có một hôn nhân không tình yêu hoặc không còn hôn nhân nữa. Vì những lý do đó, bằng lòng với điều mình có là điều lợi lớn. Điều thứ hai chúng ta cần làm để có đời sống ổn định là đặt mục tiêu cho đời sống. Chúng ta cần có mục tiêu cao đẹp và hướng đến để không nản lòng khi gặp khó khăn hay bị người chung quanh lung lạc. Mục tiêu của người tin Chúa là làm vinh Danh Chúa và mang lại hữu ích cho người chung quanh, chứ không phải là chạy theo tiền bạc, vật chất hay những thú vui của đời. Một người không có mục tiêu hay phân tâm và dễ bị ảnh hưởng của người chung quanh. Khi đời sống gia đình không ổn định nhưng thay đổi thường xuyên, con cái sẽ bị chao đảo, các em cứ phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Các em bị mất bạn, mất khung cảnh quen thuộc và từ đó thấy hụt hẫng, bất an, thiếu tự tin ở chính mình. Tất cả những điều đó sẽ khiến con em chúng ta khó trưởng thành về mặt tinh thần.

Có lẽ quý vị còn nhớ, tháng Ba năm 2001 tại thành phố Santee, California, một vụ thảm sát xảy ra trong trường học làm mọi người kinh hoàng: Em Andy Williams, 15 tuổi, đem súng vào trường bắn chết hai người bạn và làm bị thương 13 người khác. Mọi người bàng hoàng, sửng sốt, nhất là khi thấy hung thủ là một em học trò ốm yếu và nhút nhát. Mọi người đều hỏi: Tại sao một thiếu niên hiền lành mà lại giết người kinh khủng như thế? Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống gia đình em Andy, người ta biết nguyên nhân nào đã đưa em đến chỗ hành động dại dột. Chúng tôi không bênh vực hành động giết người, nhưng chỉ trình bày những nguyên nhân đằng sau thảm cảnh để chúng ta thấy đời sống gia đình ảnh hưởng đến con cái như thế nào. Em Andy đang đi qua tuổi thiếu niên, là tuổi có nhiều thay đổi. Trước những thay đổi quá lớn như thế, em cần một nơi an toàn, vững chắc để nương tựa. Ba điều con em chúng ta cần để có thể trở nên người trưởng thành là: (1) Có một gia đình yêu thương, cha mẹ yêu thương nhau và cha mẹ yêu thương, thông cảm con cái. (2) Gia đình có kỷ luật, cha mẹ hướng dẫn con vào khuôn phép và sửa dạy chỉ bảo con trong mọi việc. (3) Một môi trường thân yêu, quen thuộc, nơi các em được yêu thương và chấp nhận. Điều đáng thương cho em Andy là em không có một điều nào trong cả ba điều nói trên.


Cha mẹ em Andy ly dị nhau khi em chưa được 4 tuổi. Em sống với cha, thiếu tình thương của mẹ. Cha em quá bận rộn với việc làm ăn sinh sống, không có thì giờ chăm sóc dạy dỗ con. Vì khó khăn trong công việc, ông phải thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở nhiều lần. Mỗi lần thay đổi như thế, em Andy bị mất bạn, mất nơi nương tựa. Khi đến trường mới em lại bị bạn bè trêu chọc. Em Andy bị hụt hẫng tất cả, cứ như thế hết ngày này sang ngày khác. Cuối cùng vì quá chán nản và tuyệt vọng em đã hành động dại dột để rồi chôn chặt cuộc đời trong ngục tối. Qua kinh nghiệm đau thương của em Andy, chúng ta thấy, nếu thương con cha mẹ hãy thương nhau, sống với nhau trong hòa thuận, tha thứ. Không gì khiến cho con cái bình an hơn là thấy cha mẹ yêu thương nhau. Thứ hai, nếu chuyện thay đổi chỗ ở không thật sự cần thiết, chúng ta có thể chờ đến khi con lớn. Nếu cần, hy sinh dự tính của mình để đời sống con được ổn định. Nhưng quan trọng hơn hết, đừng chỉ lo nhu cầu vật chất nhưng hãy dành thì giờ chăm sóc mặt tình cảm và tâm linh của con cái. Chúa Cứu Thế dạy: “Phải đề phòng, đừng để lòng tham lôi cuốn, vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu!” (Phúc Âm Lu-ca 12:15, Bản Thánh Kinh Diễn Ý).
Minh Nguyên