Liên là một thiếu nữ khoảng 25 tuổi, làm việc trong một department store. Một ngày nọ, một người bạn học cũ mời Liên đi dự lễ ra trường của mình. Vì là bạn khá thân nên Liên sắp xếp thì giờ đi dự lễ để chia vui với bạn. Trong buổi lễ, khi những sinh viên tốt nghiệp được đọc tên, Liên nhận ra tên của một số bạn hồi cùng học trung học. Bỗng Liên thấy buồn và hối tiếc trong lòng. Giá mà hồi đó Liên đừng lấy chồng sớm, cũng đừng bỏ học đi làm nhưng cứ chịu khó tiếp tục học thì hôm nay cũng đã xong bốn năm đại học và cũng được lãnh bằng như các bạn của mình. Hơn nữa, phải chi bố mẹ quan tâm đến việc học của Liên, đừng chiều theo ý Liên nhưng lấy thẩm quyền làm cha mẹ, nghiêm khắc hơn và thúc đẩy, khuyến khích hơn một tí thì ngày nay Liên đã có một tương lai tươi sáng hơn. Hồi đó Liên có người yêu sớm nên bỏ học, cha mẹ chiều ý Liên, bảo con muốn sao cũng được chứ không chỉ bảo, dẫn dắt. Bây giờ Liên phải làm một công việc với đồng lương thấp, đời sống vì thế cũng chật vật. Thưa quý vị, nếu vì thương con mà chúng ta chỉ chiều con chứ không dám nói hay làm điều gì trái ý con, lắm khi chúng ta vô tình gây thiệt hại cho con.
Trong Câu Chuyện Gia Ðình kỳ trước, chúng tôi có nói về năm yếu tố hay năm điều kiện cần có để đào tạo nên những đứa con trưởng thành, chúng tôi cũng đã trình bày yếu tố thứ nhất, đó là trong gia đình cần có tình yêu thương: tình yêu vợ chồng dành cho nhau và tình yêu cha và mẹ dành cho con. Hôm nay chúng tôi xin trình bày yếu tố thứ hai.
2. Kỷ Luật
Yếu tố thứ hai để có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và tâm linh là trong gia đình cần có kỷ luật. Cha mẹ cần đặt luật lệ và giới hạn rõ ràng cho con vâng theo. Quý vị có thấy là thường thường điều gì chúng ta bảo con đừng làm thì các em muốn làm không? Ví dụ khi ngồi trong nhà thờ hay ở nơi cần yên lặng, nếu ta bảo con nói nhỏ là các em muốn nói to và nói nhiều. Khi bảo con đi chứ không được chạy là các em sẽ chạy. Khi bảo con đi ngủ, các em sẽ tìm đủ mọi lý do để ra khỏi giường. Những điều tốt và hữu ích cha mẹ bảo làm các em không làm, còn những điều có hại và nguy hiểm, cha mẹ bảo đừng làm là các em muốn làm và có em phải làm cho bằng được. Tại sao con em chúng ta cứ thích làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo? Ðó là vì bản tính tội lỗi trong con người. Không chỉ các em nhỏ thích làm những điều không được phép làm mà các em lớn hơn và ngay cả người lớn cũng vậy. Ðiều gì sai quấy, có hại hay điều gì bị cấm là chúng ta muốn làm.
Khi các em nhỏ làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo, đó không phải là tính tự nhiên ngây thơ của trẻ con nhưng là các em thách thức thẩm quyền của cha mẹ. Các em muốn thử xem mình có thể vượt qua giới hạn mà cha mẹ đặt ra hay không, hoặc xem thử cha mẹ sẽ nhường bước đến đâu. Ở tuổi nào con cái cũng muốn thách thức thẩm quyền của cha mẹ, từ những em mới vài tháng, đến những em vài ba tuổi, và đặc biệt là các em trong tuổi thiếu niên. Ngoài ra, vì tính tò mò và vì ảnh hưởng và áp lực của bạn bè, con em chúng ta cũng dễ có khuynh hướng muốn làm ngược lại lời dạy bảo của cha mẹ. Vì những yếu tố đó, là cha mẹ chúng ta cần đặt luật lệ và giới hạn cho con, để không phải khóc, phải khổ vì có những đứa con ngỗ nghịch, không tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, lớn lên làm những điều gây thiệt hại cho bản thân và gia đình. Nếu con bước ra khỏi giới hạn và thách thức thẩm quyền của cha mẹ, chúng ta cần có biện pháp để chấm dứt điều đó. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp, chúng ta cần hướng dẫn con bằng tình thương và kỷ luật.
Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng nếu thật sự thương con, chúng ta phải áp dụng kỷ luật để dạy dỗ, uốn nắn con nên người trưởng thánh. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy những câu như sau: "Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó" (13:24). "Chớ tha sửa phạt trẻ thơ, dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ" (23:13-14). Một lời dạy khác về việc dùng kỷ luật trong việc dạy con là: "Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mất cỡ cho mẹ mình" (29:15). Sự dạy bảo và roi răn phạt của cha mẹ sẽ giúp con cái được khôn ngoan, các em sẽ biết đâu là điều tốt phải làm, đâu là điều xấu phải tránh. Nếu không rèn luyện uốn nắn con, các em sẽ trở nên những đứa trẻ vô kỷ luật, khiến cho cha mẹ phải xấu hổ. Có lẽ quý vị đã từng chứng kiến những em nhỏ nằm vạ, gào khóc nơi công cộng, cha mẹ xấu hổ mà không biết làm sao, lý do là vì ở nhà mỗi khi các em gào khóc như thế, cha mẹ lập tức chiều theo ý các em nên đó là cách các em đòi hỏi điều mình muốn, bất kể là đang ở đâu, những em đó không nể sợ cha mẹ hay một người nào. Vì mọi người đều sinh ra trong tội lỗi, nếu để tự nhiên không hướng dẫn sẽ chọn điều sai quấy và con đường tội lỗi, vì thế kỷ luật là điều không thể thiếu trong gia đình nếu chúng ta muốn đào tạo nên những đứa con trưởng thành.
Lời Chúa khẳng định rằng: "Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ; song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó" (Châm ngôn 22:15). Chúng ta thấy tính dại dột và có khuynh hướng muốn làm điều quấy trong con em chúng ta, dù ở tuổi rất nhỏ, tuổi mà chúng ta thường gọi là "ngây thơ vô tội". Chẳng hạn như các em nhỏ không ai dạy mà biết tranh giành, tham lam, ích kỷ, ganh ghét. Khi biết nói là các em tự nhiên biết nói dối, nói để lấy lòng người lớn, v.v... Vì thế nếu không có kỷ luật để ngăn chận và sửa dạy những hành động sai quấy, con em chúng ta không thể trở nên người tốt. Nhưng điều cần nhớ là chúng ta dùng kỷ luật và dùng roi để răn dạy, cảnh cáo chứ không phải để gây tổn thương cho tinh thần hay thể xác của con.
Một điều quan trọng khác trong việc áp dụng kỷ luật trong gia đình là cha mẹ phải đồng ý với nhau. Khi thưởng phạt cũng như khi đặt luật lệ, cả cha và mẹ cần phải một lòng một ý với nhau. Vì Chúa đặt người chồng, người cha làm chủ gia đình, nên người mẹ cần thuận theo ý chồng trong việc dạy con, trừ trường hợp kỷ luật của người cha quá đáng hay có hại cho con. Chẳng hạn như trường hợp ông cha quá nghiêm khắc, độc tài với con, hoặc là quá dễ dãi, không áp dụng kỷ luật nào cả, hoặc người cha buộc con làm những điều đi ngược với lời Chúa dạy; trong trường hợp đó người me vì vâng lời Chúa dạy, có thể không đồng ý với chồng. Tuy nhiên, có những gia đình lại theo một hướng quá đáng khác, đó là chỉ lời nói của người cha trong gia đình mới có giá trị, còn ý kiến hay lời khuyên của mẹ không có giá trị. Có những ông cha nói với con: "Cứ làm theo lời ba là được, mẹ con biết gì mà nói!" Ðây cũng là điều thiếu quân bình, chúng ta cần tránh. Theo Lời Kinh Thánh dạy, con cái phải nghe lời khuyên dạy của cả cha và mẹ: Châm Ngôn 1:8 dạy: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con." Lời dạy của cha và mẹ đều có giá trị, con cái phải vâng theo cả hai. Dù khi con đã lớn và cha mẹ đã cao tuổi, con cái cũng cần để tâm đến lời dạy của cả cha và mẹ. Kinh Thánh dạy: "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu" (Châm Ngôn 23:22).
Vì cả cha và mẹ đều có trách nhiệm dạy con nên khi con hư hỏng, cả cha và mẹ đều chịu ảnh hưởng: Kinh Thánh cho biết: "Con trai khôn ngoan làm vui cha mình; nhưng đứa ngu muội gây buồn cho mẹ nó" (Châm ngôn 10:1). Nếu cha mẹ không đồng nhất trong việc áp dụng kỷ luật, con cái sẽ hoang mang, không biết phải vâng lời ai. Ví dụ, con xin đi chơi, cha nói không được, đi như thế nguy hiểm không tốt, nhưng mẹ lại cho đi, nói rằng không sao, có chuyện gì mẹ chịu. Hoặc khi con xin mua sắm một món đồ nào, cha đồng ý nhưng mẹ không đồng ý, bảo mua như thế là phí phạm, không cần thiết. Có những cha mẹ đẩy trách nhiệm cho nhau khi cần áp dụng kỷ luật hay đặt luật lệ cho con. Ví dụ như khi con xin ngủ lại đêm ở nhà bạn, hoặc xin đi chơi với bạn trai, bạn gái, ông cha nói: con phải xin phép mẹ, mẹ bảo xin phép cha, không người nào muốn đặt giới hạn hay đặt kỷ luật cho con, cũng không ai muốn chịu trách nhiệm về việc của con . Ðiều này sẽ khiến con bối rối, không biết phải xin phép ai, không biết cha hay mẹ là người thật sự có quyền trong gia đình. Khi cha mẹ không nhất quán trong việc dạy con cũng khiến các em yêu thương cha mẹ không đồng đều.
Có những gia đình cha quá khó còn mẹ thì quá dễ dãi, con muốn gì cũng được; có gia đình thì ngược lại, mẹ là người nghiêm khắc còn cha vì quá bận rộn với công việc hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm lại quá dễ dãi với con. Ðiều này khiến con cái không những hoang mang nhưng có thể đưa đến sự chia rẽ trong gia đình: con cái có thể cảm thấy gần gũi và yêu thương bậc cha mẹ dễ dãi với mình nhưng lại xa lánh hoặc không thương người nghiêm khắc hơn (còn tiếp).
Minh Nguyên