Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Ðặc Ðiểm của Một Gia Ðình Vững Mạnh - Bài 4

Trong các tuần qua chúng tôi đã nói về ba yếu tố quan trọng cần có để đào tạo nên những đứa con trưởng thành về mặt tinh thần, tình cảm và tâm linh. Ba yếu tố đó là: tình thương, kỷ luật và đời sống ổn định. Hôm nay chúng tôi sẽ trình bày tiếp về những yếu tố cần thiết để đào tạo nên những đứa con trưởng thành.

4. Cha mẹ làm gương cho con


Yếu tố thứ tư giúp đào tạo nên những đứa con trưởng thành là cha mẹ làm gương cho con. Có bao giờ quý vị gọi điện thoại cho bạn, con của người bạn trả lời mà quý vị tưởng đó là bạn mình không? Và rồi quý vị nói: "Ồ sao cháu nói tiếng giống mẹ cháu quá hay giống bố cháu quá!" Con cái không những có giọng nói giống cha mẹ nhưng cách nói, cách đi đứng, ăn uống, nhiều khi cách làm việc và cách cư xử cũng giống cha mẹ. Vì sao vậy? Vì là con, các em có cái gene của cha mẹ trong người nhưng cũng vì các em bắt chước những gì các em thấy nơi cha mẹ. Trong tuổi nào con cái cũng học bằng cách bắt chước những gì cha mẹ làm nhiều hơn là vâng theo những gì cha mẹ dạy bảo. Làm gương cho con trong đời sống đức tin cũng như trong cách ứng xử với người chung quanh vì thế là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta thương con, áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với con nhưng đời sống chúng ta không là gương tốt cho con noi theo, các em khó có thể trở thành người tốt như chúng ta mong muốn. Có người đã nói, "nếu muốn con cái đi đến đâu, chính cha mẹ phải đi đến đó." "Nếu muốn con cái là người thế nào, cha mẹ phải là người như vậy." Nói cách đơn giản là, nếu chúng ta muốn con trưởng thành, chính chúng ta phải trưởng thành. Nếu muốn con là người chân thật, siêng năng và biết nghĩ đến người khác, cha mẹ phải chân thật, siêng năng và biết quan tâm đến phúc lợi của người khác để con nhìn thấy và bắt chước.


Trong đời sống đức tin cũng vậy. Nếu muốn con kính yêu Chúa, vâng Lời Chúa dạy và có đời sống đẹp lòng Chúa; chính cha mẹ phải kính yêu Chúa, sống theo Lời Chúa dạy để làm gương cho con. Những lời cha mẹ khuyên dạy các em không nhớ được bao nhiêu nhưng những gì cha mẹ làm các em sẽ nhìn thấy, ghi nhớ và bắt chước. Nếu cha mẹ nói mà không làm hay nói một đằng làm một nẻo, con cái sẽ không vâng theo những điều tốt cha mẹ dạy nhưng bắt chước những điều xấu cha mẹ làm. Một nhà giáo dục nọ đã nói, ba nguyên tắc chính để dạy con là: làm gương cho con, làm gương cho con và làm gương cho con.

Có một ông chồng kia khi xem giấy tờ nhà băng gởi về hằng tháng thì thấy vợ dùng credit card quá nhiều. Nghĩ là vợ mua sắm cái gì đây nên ông giận quá vì ông đã dặn bà không được đi mua sắm nữa. Vì bà vợ đi chưa về nên ông chồng không thể nói chuyện với vợ ngay, và càng chờ ông càng giận. Khi bà vợ và hai đứa con về, vừa bước vào cửa là ông chồng quát tháo om sòm. Và thế là hai vợ chồng to tiếng với nhau. Sau bữa cơm tối, ông chồng làm việc bên computer, bà vợ ở trong bếp, hai đứa con chơi trong phòng. Bỗng hai đứa bé cãi nhau và chạy đến bên bố phân bua. Ông bố nói: chuyện gì thì nói tử tế chứ không có to tiếng lên như vậy? Ðứa bé gái 8 tuổi nói: "Hồi chiều ba má cũng to tiếng với nhau!" Ông bố định nói: ba nói to với mẹ là vì đó là chuyện đáng giận, nhưng ông chợt cảm thấy xấu hổ vì đã không làm gương cho con. Ông ôm hai đứa con vào lòng và nói, "hồi chiều ba giận nên ba nói to, nhưng như vậy là không đúng, mấy đứa con đừng có bắt chước."

Lời Chúa dạy chúng ta phải làm gương cho con cái noi theo. Phục truyền 6:5-7 ghi như sau: "Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm hay là khi chỗi dậy." Theo mạng lệnh này cha mẹ phải kính yêu Chúa hết lòng, ghi nhớ lời Chúa dạy và làm theo, rồi mới ân cần dạy lời đó cho con cái. Cha mẹ phải có lời Chúa trong đời sống thì mới có thể dạy cho con một cách tự nhiên, trong mọi lúc, mọi nơi như lời Chúa truyền. Một ví dụ đơn giản về vấn đề bắt chước là, nếu cha mẹ hay nói dối và cho như thế là khôn khéo chứ không phải là tội, con cái cũng sẽ nói dối và cho đó không có gì là nghiêm trọng. Nếu cha mẹ tham lam, hung dữ, con cái cũng dễ thành người tham lam và hung dữ. Nếu cha mẹ hiền lành, chân thật, thương người, con cái cũng sẽ học theo những tính tốt đó. Nếu không đọc Kinh Thánh, không cầu nguyện, chúng ta khó có thể bảo con đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Lời khuyên của chúng ta sẽ không có kết quả. Nếu cha mẹ bảo con đừng tranh giành nhau, đừng cãi nhau mà cha mẹ cãi nhau thường xuyên trước mặt con, lời dạy của cha mẹ con sẽ khó vâng theo.


Có một ông bố kia rất hãnh diện về cách dạy con của mình. Ông khoe với mọi người: "Các con tôi lúc nào cũng vâng lời tôi răm rắp. Tôi bảo Chúa Nhật phải đi nhà thờ, không được đi chơi là tất cả đi nhà thờ. Tôi bảo mỗi ngày phải đọc Kinh Thánh cầu nguyện; mỗi tối phải làm bài, học bài, là đứa nào cũng làm theo đúng như vậy." Ông cũng không cho con xem ti-vi, bảo rằng xem ti-vi mất thì giờ và có nhiều ảnh hưởng không tốt. Nhưng đời sống ông cha này thì thế nào? Ông nói với các con, "ba lớn rồi, ba làm gì cũng được vì nó không có ảnh hưởng gì, mấy đứa con còn nhỏ phải tập vào khuôn phép cho đàng hoàng." Ông không đi nhà thờ, xem ti-vi lúc nào cũng được và ngày nào các con cũng phải mua bia về cho ông uống, ông nói ông bị bệnh không uống không được! Kết quả là các con ông khi đã lớn và có gia đình riêng, không một người nào sống trong khuôn phép mà ông đã đặt nhưng bắt chước theo những tật xấu các em đã thấy nơi ông.

Chúng ta làm gương cho con như thế nào? Nếu muốn con cái yêu thương hòa thuận với nhau, chính cha mẹ phải yêu thương hòa thuận với nhau. Khi có điều không vừa ý hay khi bất đồng ý kiến với nhau, cha mẹ ứng xử như thế nào, con cái nhìn thấy và sẽ bắt chước. Khi vợ chồng có điều lầm lỗi, nếu chúng ta tha thứ nhau chứ không căm giận, không nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của nhau, con cái sẽ học biết tinh thần tha thứ. Chúng ta không thể thúc đẩy hay bắt buộc con thương nhau bằng cách đặt luật lệ cho con nhưng chỉ có thể dạy con tình thương bằng cách thể hiện tình thương đó qua cách cư xử hằng ngày. Có lẽ quý vị còn nhớ câu chuyện chúng ta học ngày xưa về một gia đình có ba thế hệ cùng sống chung. Ông nội già yếu, tay chân bị run nên khi ăn hay vung vãi và làm bể chén. Người con trai của ông cụ bèn lấy cái gáo dừa làm chén cho ông ăn. Vài hôm sau ông cha thấy đứa con nhỏ lấy cái vỏ dừa gọt thành cái chén. Ông hỏi con làm gì đó, đứa bé trả lời: Con làm cái chén sẵn cho bố để mai kia bố già như ông nội thì bố dùng làm chén ăn cơm! Người cha thấy vậy ân hận về cách cư xử thiếu yêu thương của mình. Nếu bây giờ chúng ta hiếu kính cha mẹ, chăm sóc các cụ cách vui vẻ tự nguyện, mai kia khi chúng ta già yếu con cái sẽ nhớ những hình ảnh cha mẹ đối xử với ông bà và sẽ yêu thương, hiếu thảo với chúng ta.

Ðể con nhận biết đâu là giá trị thật của đời sống, chúng ta cần làm gương cho con trong những điều sau:

(1) Kính yêu Chúa hết lòng


Giới răn lớn hơn hết mà chúng ta cần vâng giữ là hết lòng, hết sức, hết trí khôn mà kính yêu Chúa là Ðức Chúa Trời của chúng ta. Trong cách sử dụng thì giờ, tiền bạc, trong những sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cần sống thế nào để con cái nhìn thấy rằng Chúa là Ðấng quan trọng nhất trong đời sống. Không chỉ những lúc ở nhà thờ hay trong ngày Chúa Nhật nhưng lúc nào các em cũng thấy cha mẹ kính yêu Chúa và hết lòng làm theo Lời Chúa dạy.


(2) Tình thương đối với người


Giới răn thứ hai Chúa Giê-xu truyền là chúng ta phải yêu thương người lân cận như chính thân mình. Cách hiệu quả nhất để dạy con cái biết yêu thương nhau và yêu thương người chung quanh, là chính cha mẹ biểu hiện tình yêu đó trong cách xử sự hằng ngày, với nhau, với bạn bè, bà con anh em và với người chung quanh. Nếu cha mẹ nói xấu người này, căm thù người kia, phê bình hay kỳ thị người nọ hoặc lừa dối người khác để được lợi cho mình, con cái lớn lên sẽ không biết yêu thương nhưng sống ích kỷ, chỉ tìm kiếm điều lợi cho mình.


(3) Cách nói năng, trò chuyện với nhau


Nhiều cha mẹ la mắng con, bực bội khi thấy con cái không nói năng dịu dàng tử tế với nhau nhưng họ quên rằng chính họ không nói năng ngọt ngào với nhau, và cũng không nói tử tế với con. Nếu cha mẹ hay than phiền, chê trách, con cái cũng có tính hay than phiền chê trách. Nếu cha mẹ hay dùng những từ thô tục con cái cũng sẽ nói năng giống như vậy. Ngược lại nếu cha mẹ nói năng đàng hoàng, lịch sự, con cái cũng sẽ ăn nói lễ độ, lịch sự.


(4) Tình người trọng hơn tiền bạc, vật chất


Chúng ta cần sống thế nào để con thấy rằng tiền bạc, vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh của đời sống. Tình thương yêu giữa người với người mới là điều quý và giá trị. Chúng ta không nên vì tiền bạc mà gây gỗ nhau, lừa dối nhau hay gây tổn hại cho nhau.

Minh Nguyên