Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

TRẦN THUYÊN




Năm mươi năm nữa, căn nhà mà tôi đang ở, những tàng cây trong vườn mà tôi hằng ngắm nhìn mỗi buổi chiều về, sẽ quên tôi. Ngôi giáo đường mà tôi hằng ngồi trong đó mỗi ngày Chúa nhựt sẽ quên tôi. Năm mươi năm nữa, con đường mà vợ chồng tôi hằng lái xe đi qua cũng sẽ quên chúng tôi. Và nói chung, mỗi chặng đường đời của chúng ta dầu  êm đềm hay đầy giông tố, những năm tháng trần gian dầu cho có cay đắng hay ngọt ngào rồi cũng sẽ trôi qua, và rơi vào quên lãng.



Cứ mỗi lần suy nghĩ đến điều đó thì tôi thấy lòng nao nao, dẫu rằng buồn như vậy có lẽ là không chính đáng. Nếu đời chỉ là một chuyến hành hương, và nếu những năm tháng của đời chỉ là những ngày ở trọ, những ngày đi học, tất cả chỉ là để chuẩn bị cho cõi vĩnh hằng thì thương tiếc mà làm chi.
Nhưng tôi vẫn không chịu được khi thấy có một vài người bị quên lãng sớm quá trong lòng người, và người mà tôi suy nghĩ đến nhiều nhất trong số những người đó là Ông Trần Thuyên.
Giờ đây, khi tôi ngồi viết những dòng chữ nầy thì Ông Trần Thuyên đã qua đời được đúng ba mươi năm. Tôi còn nhớ lúc đó cũng vào khoảng tháng sáu nầy, tại Ðà nẵng Việt nam đang có một hội đồng thường niên của Ðạo Tin lành. Giáo sư Lê Hoàng Phu trước khi giảng, đã hết sức xúc động mà báo tin về việc ông Thuyên mất. Tôi còn nhớ là mặc dầu Giáo sư Phu đã loan báo tin nầy trong nước mắt, -và mặc dầu sau đó ông đã nói rằng ông ước chi ông có thể lên thiên đàng thế ông Thuyên để Ông Thuyên ở lại, vì công việc Chúa đang cần ông-, thì sau đó tôi cũng không thấy ai hỏi gì nữa về Ông Thuyên. Tôi áng chừng trong vòng các tín hữu Tin Lành Việt nam, kể cả các Mục sư,  không mấy người là có nhiều liên hệ với ông ấy.
Từ đó đến nay, dầu ở trong nước hay ở nước ngoài tôi cũng không nghe ai nhắc đến tên ông. Có lần tạiParis, tôi có hỏi thăm các tín đồ về ông, song cũng không biết được gì thêm về ông hoặc gia đình của ông.
Riêng tôi, kể cũng là một sự hân hạnh cho tôi, vì tuy rằng trong đời chưa một một lần may mắn gặp mặt ông, nhưng lại “biết” ông rất sớm.
Lúc đó là năm 1961. Năm đó chú tôi xây nhà. Chú tôi quyết định đi Ðà nẵng để mua một tỉn mắm ngon về cho thợ ăn. Chú tôi cũng phải mua một ít sắt cây và xi măng thiệt tốt để về đúc hai chữ TS tức là chữ “Tân Sửu”, đánh dấu cho năm chú tôi xây được căn nhà mới.
Trên đường về, chú tôi gặp một ông mặc bộ đồ bà ba trắng, chân mang giày săng đanh, -như vậy chắc không phải là mục sư- , tặng chú tôi quyển sách nhỏ mà chú tôi đã đọc qua khi ngồi trên xe. “Quyển sách đọc khá lắm”, chú tôi khen.
Ðó là quyển “Tôi chọn Ðấng Christ” của Trần Thuyên.
Sau nầy khi đọc lại, tôi thấy sách viết hay và nhất là có sức thuyết phục vì chân thật. Sách viết không cao quá mà cũng không tầm thường.  Tôi nói không cao là không cao với một người có kiến thức trung bình. Với hiểu biết của một thiếu niên miền quê như tôi lúc đó, sách nầy vẫn là sách người lớn. Có nhiều chỗ dầu thấy hay mà vẫn không hiểu rõ.
Nhưng chắc chắn là nhờ có sự vận hành của Thần Chúa, đọc đến đâu tôi tin đến đó. Tôi cảm thấy có một niềm tin mãnh liệt vào Ðức Chúa Trời là Cha và vào Ðức Chúa Jêsus Christ, là Ðấng Cứu Thế.
Vậy là tôi đã tin trước khi tôi biết rõ. Kinh nghiệm của tôi thuận với Platon mà nghịch với Aristotle.
Buổi tối, sau bữa ăn, tôi cầm quyển sách đến đưa cho chú tôi: “Con muốn theo đạo nầy” . Chú tôi nhìn tôi, thoáng một chút bối rối, rồi nói: “Ðạo nầy là Ðạo Tin lành, từ bên Mỹ truyền qua. Theo chú thấy thì họ rất hiền lành và hiểu biết. Chỉ có điều là con còn nhỏ, con khoan quyết định đã, lớn lên rồi hãy hay”.
Vậy là tôi phải đợi đến hơn hai năm sau, khi chiến tranh tràn đến làng tôi, khi mà tôi chạy giặc một mình, và trên đường chạy loạn tôi mới có được tự do để công khai bày tỏ đức tin nơi Chúa Cứu Thế.
Ngày mà tôi tin Chúa, tôi là người duy nhứt trong tộc Dương của tôi, mà cũng trong làng tôi nữa, tin Chúa. Ngày nay, trong bà con xa gần của tôi đã có hơn bốn mươi người làm môn đồ của Chúa. Oâi, phải chi ông Thuyên mà còn sống, biết được việc nầy chắc ông mừng biết bao! Lên thiên đàng tôi phải tìm ông để cảm ơn mới được.


Ông Trần Thuyên sinh tại tỉnh Quảng trị vào quảng năm 1918. Giáo sư Tôn Thất Thiện nói rằng ông Thuyên trạc tuổi anh trai ông, và cũng học với anh ông tại Trường trung học Providence ở Huế. Vào khoảng năm 1952, khi ông Thiện học tại Trường Kinh tế Chính trị Luân đôn, thì được biết ông Thuyên cũng đang theo học năm cuối chương trình Cao học Văn Chương và Văn hóa Anh do The British Council bảo trợ. Ðến cuối năm 1953, khi ông Thiện về Pháp thì ông Trần Thuyên cũng vừa từ Anh sang Pháp. Chính ông Thuyên đã đến tìm ông Thiện, giới thiệu ông Thiện với kỹ sư Ngô Ðình Luyện và khuyến khích ông Thiện đi vào con đường chánh trị.
Ông Thuyên, trước đó, vào những năm cuối thập niên 1940, đã bắt đầu hoạt động chánh trị tại Hồng kông.
Nhưng sau khi gặp gỡ ông Thiện được ít lâu thì ông Thuyên lại đột ngột và vĩnh viễn lìa bỏ con đường chánh trị. Nguyên nhân của sự lìa bỏ nầy, là vì theo như lời ông, ông đã gặp Chúa Cứu Thế. Về sự ông Thuyên tin Chúa trong trường hợp nào và tin Chúa thế nào thì ông có tường thuật rõ trong quyển sách nhỏ “Tôi Chọn Ðấng Christ”, là quyển sách, mà như có nói ở trên, đã dẫn tôi đến với Sự Sống. Cũng đầy nhiệt tình như lúc làm cách mạng, sau khi đã gặp Chúa Cứu Thế, ông Thuyên đã sốt sắng với chính nghĩa của Ðấng Christ và hăng say công cuộc giảng đạo cứu người đến mức độ bùng cháy. Ông có yêu một thiếu nữ người Hòa lan, lúc bấy giờ đang làm việc cho tòa đại sứ Hòa lan tại Pháp. Sau đám cưới, bà đã rời bỏ công việc ở nghành ngoại giao, để cùng với ông đi theo tiếng gọi từ trời. Ðây là tiếng gọi mà ông bà đã đi theo trọn đời.
Ông Thuyên lúc sinh thời đã không viết một quyển sách nào lớn hoặc nổi tiếng. Tuy nhiên, ông đã viết rất nhiều bài giải luận ngắn về con đường cứu rỗi cùng cuộc sống hạnh phứơc của một Cơ đốc nhân, đăng rác trong các báo của Hội Thánh Tin Lành bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và một số bằng tiếng Việt. Văn ông ngọt ngào, tha thiết và trong sáng, phản ánh một đời sống tâm linh thực sự phong phú, một cuộc đời đã dầm thấm trong tình yêu sâu đậm của Ðức Chúa Trời và quyền năng biến cải lạ lùng của Ðức Thánh Linh.
Vào những năm cuối đời ông bà đã phục vụ cho một đài phát thanh giảng Tin lành tại Bắc Phi. Ông bà có sinh được hai người con, song từ ngày ông mất đến nay không nghe ai nói đã gặp bà và các con hay biết rõ họ bây giờ đang làm gì hoặc ở đâu.
Thưa Giáo sư, một bài báo Anh ngữ viết về Giáo sư, có nói rằng trước hết Giáo sư đã theo học ngành y khoa?
Phải rồi.
Có phải Giáo sư thấy rằng học y khoa quá cực nhọc?
Không, không phải đâu. Hồi trước tôi học y khoa vì thương dân mình nghèo, bệnh tật triền miên…Nhưng rồi sau đó tôi thấy làm bác sĩ dầu có thể cứu chữa được cho nhiều người, song nếu muốn đổi thay hoàn cảnh đói nghèo của nhiều người hơn nữa, của cả một dân tộc, thì phải học kinh tế. Tôi đã vào học Trường Kinh Tế Chính Trị Luân đôn là vì như vậy.


Ông Trần Thuyên cũng có một sự chuyển đổi về đường hướng phục vụ như Giáo sư Tôn Thất Thiện, dầu trường hợp của hai ông không thể nói là hoàn toàn giống nhau. Cũng như phần đông các thanh niên Việt nam vào những năm mà quê hương đầy biến động, ông Trần Thuyên thoạt đầu cũng đã hiến dâng tuổi xanh mình cho xứ sở bằng con đường cách mạng. Nhưng rồi một ngã rẽ lớn lao đã dẫn toàn bộ cuộc đời ông vào một con dường khác, con đường giảng Tin lành. Quan điểm của ông Trần Thuyên, như nhiều lần đã tỏ rõ trong các bài viết của ông, là để thay đổi một xã hội, trước hết phải thay đổi những con người của xã hội đó. Mà để thay đổi một con người cách toàn diện và sâu rộng, trước hết phải dẫn con người đó đến với quyền năng biến cải của Chúa Cứu Thế và của Lời Thánh Kinh.
Ông Thuyên cũng nhiều lần lưu ý rằng khi một con người đến với Chúa Cứu Thế, không phải chỉ địa vị của họ trước mặt Thượng Ðế được thay đổi, mà cả tâm tánh, số phận (destination), và hoàn cảnh xã hội của họ cũng được Thượng Ðế hoàn toàn thay đổi nữa.
Chúng ta yêu mến và quý trọng sự lựa chọn của một bác sĩ khi họ quyết định phục vụ nhân loại bằng sự chữa bệnh, chúng ta quý trọng sự lựa chọn của một nhà kinh tế khi họ quyết định phục vụ nhân loại bằng sự cải thiện mức sống con người, chúng ta cũng quý trọng sự lựa chọn của ông Trần Thuyên khi ông quyết định phục vụ đồng loại bằng cách dẫn họ đến với quyền năng biến cải của Ðấng Sáng Tạo.

Mục Sư Dương Ðức Hiền.