Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

GẠCH KHÔNG RƠM




“Người ta chẳng phát rơm cho, lại cứ biểu chúng tôi rằng: Hãy làm gạch đi !”  
Xuất Ê-díp-tô-ký 5:16a.

Câu KINH THÁNH  trên đây là tiếng kêu nghẹn ngào, ai oán của dân Y-sơ-ra-ên khi họ phải làm tôi mọi tại xứ Ê-díp-tô.
Hai vị lãnh tụ là Môi-se và A-rôn vừa mới yết kiến Pha-ra-ôn để xin cho họ được buông tha; nhưng điều yêu cầu ấy chẳng những không được chuẩn y, lại còn khiến cho Pha-ra-ôn gán thêm gánh nặng trên họ nữa. Họ phải làm gạch cho xứ Ê-díp-tô; thoạt đầu thì có rơm của Pha-ra-ôn phát cho, nhưng bây giờ họ không được lãnh rơm như mọi khi mà phải tự tìm lấy và phải làm cách nào mặc kệ, miễn là số gạch không được thiếu theo như số đã qui định từ trước.



Xứ Ê-díp-tô là hình bóng về điạ vị tội lỗi. Và những sự khổ mà dân Y-sơ-ra-ên đã phải chịu trong thời kỳ kiều ngụ tại đất ấy, là hình bóng về những từng trải của người sống trong tội lỗi.
Chúng ta nên nhớ rằng khi dân Ysơraên mới bước chân vào Ê-díp-tô, họ được tiếp rước một cách long trọng theo nghi thức đế vương; đồng thơì lại được đặc ân kiều ngụ rất bình an thới thạnh ở Giô-sen là một miền rất màu mỡ, sung túc. Rôì thì lần lần họ trở nên tôi mọi của vua Ê-díp-tô, phải ra công làm gạch cho vua ấy.
Nhưng họ lại càng khốn khổ hơn nữa khi bị bắt buộc phải làm “gạch không rơm”. Những khổ sở đau buồn trong đời sống của dân Y-sơ-ra-ên làm hình bóng về sự sa sút của kẻ sống trong tội lỗi.
Họ khởi bước vào tội lỗi một cách cực kì vui sướng (nghĩa là bước vào đất Ê-díp-tô phì nhiêu) nhưng rốt lại là gặt lấy sự buồn thảm vô cùng. Ðó là phương pháp của Sa-tăn cầm hãm linh hồn của dân Y-sơ-ra-ên nói riêng và lời người nói chung.
Nếu chúng ta có thể nói chuyện với những linh hồn trong điạ ngục và họ cũng có thể nói chuyện với chúng ta thì chắc chắn họ sẽ thở than với chúng ta rằng họ phải sa xuống vực sâu khổ não đau đớn này là vì họ đã khởi bước vào các thú vui trần gian và lần lần bị keó xuống đáy địa ngục.
Trong thú vui nào cũng đều có ít nhiều tội lỗi dính dáng vào. Và, có khi thú vui đó làm thiệt hại cho người khác và ngay cả chính bản thân mình nữa.
Xin đơn cử một câu chuyện sau đây:
Có một con cái Chúa nọ, rất tin kính Chúa, yêu mến Chúa hết lòng, nhưng có một thú vui của người này khó bỏ được ấy là môn cờ tướng. Xin được nói thêm, trong thú vui về cờ bạc thì loại nào cũng phải sử dụng tiền bạc nhưng thú vui về môn cờ tướng thì có khi không cần tiền cũng thấy thích thú lắm và có nhiều người quan niệm rằng cờ tướng là môn giải trí lành mạnh vì nó là môn đấu trí chớ không phải là môn đấu tiền, cho nên có một số con cái Chúa trong số đó có anh này đêù nghĩ rằng thú vui đó chắc chẳng thiệt hại gì cả, miễn là mình thật cẩn trọng dè giữ không để tiền bạc xen vào thú vui đó thì thôi.
Thế nhưng sự việc đó không đơn giản theo như người ta tưởng. Và đây câu chuyện bắt đầu:
Mộy ngày nọ, anh tín đồ nói trên đến nhà người bạn thân để thăm viếng đồng thời cũng để đấu cờ tướng như thường lệ. Anh đang say mê theo dõi nước cờ của đối phương và đang lúc thật là gay cấn thì bỗng nhiên người con gái của anh tín đồ này vừa khóc vừa báo tin em nóbị động kinh rất nặng, rất nguy kịch; vợ anh bảo nó đến gọi anh về ngay để chở em nó đi bệnh viện gấp. Nhưng cuộc cờ chưa được ngã ngũ, anh cố gắng tìm phương cách làm sao hạ đối phương để đoạt thắng lợi. Năm phút trôi qua, rồi mười phút, rồi ba mươi phút, bốn mươi phút lại trôi qua; mặc cho con gái chờ đợi và hối thúc, anh vẫn cứ chăm chú vào bàn cờ. Thình lình có một người đàn bà, đây là vợ anh, chạy ào vào nhà khóc lóc thảm thiết và nói rằng đứa bé đã qua đời rồi. Vợ anh trách cứ anh và nói vì chờ anh không được nên có người hàng xóm giúp đứa bé đi bệnh viện thì đã muộn. Bác sĩ bảo nếu đứa bé được đưa đến bệnh viện trước khoảng 15 phút thì nó sẽ được cưú sống.
Thật là tai hại biết là dường nào! Vì một thú vui, một khoái cảm nho nhỏ mà làm thiệt hại quá to cho gia đình.
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng mỗi thú vui của đời này đều có tội không ít thì nhiều; ví như con người thích sống trong thú vui tội lỗi chẳng khác nào “cá thích nước”. Cũng một lẽ ấy hễ cá thích nước bao nhiêu thì xác thịt cũng thích tội lỗi bấy nhiêu. Vì hễ lo cho xác thịt có sự khoái lạc thì đó là sự khoái lạc trong tội lội.
Sa-tan đánh bẫy loài người qua xác thịt của loài người, vì loài người vốn thích làm cho xác thịt luôn luôn có sự khoái lạc, ban đầu họ thấy mình tự do và khoan khoái; nhưng lần lần họ trở nên tôi mọi của tội lỗi cho đến nỗi họ bị buộc phải làm “gạch không rơm”. Thật vậy, họ sống vui thích trong tội lỗi lúc ban đầu, nhưng càng sống lâu và đi sâu trong tội lỗi chừng nào họ sẽ thấy gay go, khốn khổ chừng nấy và họ chỉ ở trong thất vọng, âu sầu triền miên. Sa-tan hành quyền trên họ cách khắc nghiệt buộc họ phải cứ phạm tội dù lòng họ muốn hay không, mặc kệ.
Sa-tan thật là một kẻ lừa dối, quỷ quyệt vô cùng, nó cũng là một tay đốc dịch tàn ác; quá tàn ác hơn những tên đốc dịch của Pha-ra-ôn.
Ai là người thấy tình cảnh khốn nạn của dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ mà không động lòng trắc ẩn!?
Nhưng khốn khổ thay! Còn có một thảm cảnh đáng thương tâm hơn nữa ấy là trên trần gian này chúng ta thấy nhan nhản hàng ngày trước mắt mình vô số linh hồn đang bị Sa-tan ép buộc phải làm “gạch không rơm”.
Và, chúng ta cũng nên phải tự hỏi chính mình có đang làm “gạch không rơm” cho nó chăng?!
Cầu xin Chúa dùng câu KINH THÁNH chủ đề “GẠCH KHÔNG RƠM” để cảnh tỉnh chúng ta, là con cái Ngài chẳng bao giờ là công cụ để làm “gạch không rơm” cho tên đốc dịch Sa-tan. Amen.

Bài của Cụ Nguyễn Ðắc Trân