Một hình ảnh hết sức thân thương và quen thuộc ở khắp các làng xóm vùng thôn quê ViệtNam là cây tre. Vì tre được trồng hoặc mọc tự nhiên ở khắp mọi nơi suốt từ nam chí bắc trong đất nước ta. Tre hoặc trúc (theo chữ Hán) có tên khoa học là Bambusaceae, thuộc họ cây cỏ (Gramineae), và ngành cây mộc lan (Magnolia), thường mọc phần nhiều ở nơi có khí hậu ấm áp hoặc vùng nhiệt đới, nhất là miền đông và nam châu Á. Tre là một loại thảo mộc lớn và cao, có khi lên tới hơn 100 feet (30 mét). Tre có hơn 40 loại và 15 giống khác nhau, như là lồ ô, là ngà, tầm vông, nứa v.v… Tre sống trung bình từ 8 đến 10 năm, cũng có loại sống trên 30 năm, sau khi đã sinh các cây non gọi là măng. Thân tre tròn, rỗng, chia thành từng đốt (khoảng 25 đến 40 đốt), đôi khi có gai mọc chen với những lá màu xanh lục ở các đốt, và đường kính thân tre có thể đến 10 inches (25,5 cm). Thân tre thẳng và cao, cứng mà mềm mại nhờ có nhiều đốt, đổ ngả nghiêng khi có gió thổi mà không bao giờ gãy, nhờ thớ tre dẻo nên dễ uốn cong theo chiều gió. Tre là loại cây sống quần tụ, mọc thành từng nhóm và chết nguyên bụi. Tre lại còn biết sống theo thứ tự lớp lang thay đổi, hễ tre già là măng mọc lên thay thế:
Anh đi, trúc chửa mọc măng,
Anh về, trúc đã cao bằng cây tre.
Anh đi, lúa chửa chia vè,
Anh về, lúa đã đỏ hoe ngoài đồng!
So sánh với các loại thực vật khác thì tre là loại cây có những công dụng đa năng và đa hiệu hơn hết, nên đã giúp ích dân tộc rất nhiều trong đời sống. Nhìn vào mọi sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam , chúng ta thấy cây tre xuất hiện trong nhiều lĩnh vực thông thường và chuyên môn khác nhau, như kiến trúc, thực phẩm, y học, vật dụng, quân sự, và ngay cả văn chương lẫn triết lý nữa!
Về phương diện kiến trúc, ở các làng quê Việt Nam , tre được trồng thành các hàng rào quanh nhà quanh xóm, vừa vững vàng vừa thơ mộng, vừa ích lợi cho gia đình vừa bảo vệ cho thôn xóm. Ngoài ra, tre còn được dùng để làm cầu, lót đường, chặn mương rãnh, giữ bờ đê, ngăn mé ruộng… Quan trọng hơn nữa, tre đã cung cấp gần như đủ mọi vật dụng cần thiết để xây cất một căn nhà tranh, là một tổ ấm lý tưởng của một gia đình bình dân Việt Nam .
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi…
Về thực phẩm, ở nhiều nơi hạt tre đã được dùng như một loại gạo (trúc mễ), và măng tre là món ăn thông dụng và được nhiều người ưa thích, vì vừa ngon vừa rẻ tiền, lại vừa dễ tìm kiếm.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá;
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…
Trong y học, tre được dùng dưới dạng các dược phẩm. Đặc biệt thiên-hoa-trà là một loại trà hoa tre có công dụng hồi xuân, nghĩa là làm chậm tiến trình lão hóa của các tế bào.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh!
Về mặt vật dụng, tre cung cấp vô số các đồ dùng cần thiết và tiện lợi cho xã hội ViệtNam . Trong nghề nghiệp có bừa, cào, cán cuốc, cán xẻng, cán búa, cần câu, vó lưới câu, đòn gánh, giỏ cá, nơm, lờ, bè, sào, ống, gầu múc và tát nước… Trong sinh hoạt hàng ngày có giường, chõng, bàn, ghế, thúng, rổ, rá, nia, đũa, tăm, quạt nan… Trong nghệ thuật và giải trí có đàn, ống tiêu, ống sáo, thanh tre, khung lồng đèn, khung diều giấy… Trong kỹ nghệ có thân tre dùng để đốt làm nhiên liệu, bột tre dùng làm giấy, lá tre ủ làm phân bón…
Xấu tre uốn chẳng nên cần,
Xấu mai anh chẳng đặng gần cùng em!
Về quân sự, ông cha chúng ta từ lâu đã biết xử dụng tre để làm nhiều loại vũ khí khác nhau như cung, tên, nỏ, ná, bàn chông, bẫy sập, gậy, tầm vông, vạc nhọn, cán dao, cán giáo… cùng với những tiếng nổ vang dội của từng loại pháo tre ròn rã trong chiến trận.
Chặt tre, gài bẫy, vót chông,
Tre bao nhiêu lá, thương chồng bấy nhiêu!
Trong phương diện văn học, cây tre là đề tài và nguồn cảm hứng cho bao nhiêu thi nhân, hoạ sĩ và văn sĩ Việt Nam, như các câu thơ và ca dao trích dẫn trên, cũng như vô số các bức tranh dân tộc. Trong văn chương triết lý, cây tre tượng trưng cho bậc quân tử, thân ngay thẳng và lòng trống rỗng; còn trúc và mai kết hợp thành biểu tượng dương và âm, hoặc cương và nhu để nói lên tình cảm và hào khí của dân tộc.
Lòng anh như thân trúc,
Tình em tựa cành mai.
Bao giờ trúc mọc gần mai,
Em ơi, xin chớ nhạt phai tấc lòng.
Trong quan niệm quí trọng và đề cao luân lý cùng đạo đức của các quốc gia đông phương, người Việt Nam chúng ta cũng phân biệt quần chúng ở trong xã hội ra làm hai hạng: quân tử và tiểu nhân. Theo các sách Luận Ngữ và Trung Dung của Nho Giáo, Khổng tử đã có nhiều định nghĩa về hai hạng người đó một cách hoàn toàn trái ngược nhau như sau: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt!” (Quân tử đạt về cái lý cao minh, còn tiểu nhân đạt về cái lý hèn hạ!), “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi!” (Quân tử hiểu rõ chưng nghĩa, còn tiểu nhân hiểu rõ chưng lợi!), “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân!” (Quân tử cầu ở mình, còn tiểu nhân cầu ở người!), “Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà!” (Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, còn tiểu nhân về hùa với mọi người mà không hòa với ai!), “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu!” (Quân tử chung với mọi người mà không tây vị ai, còn tiểu nhân tây vị mọi người mà không chung với ai!) “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỷ!” (Quân tử cố giữ mình lúc khốn cùng, còn tiểu nhân gặp lúc khốn cùng thì làm bậy!) v.v... Nói một lời, quân tử là hạng người có đức hạnh cao cả và thường có các việc làm hay đẹp tốt lành, còn tiểu nhân là những kẻ có chí khí hèn hạ và thường làm các điều sằng bậy xấu xa.
Nhưng Kinh Thánh là sấm ngôn của Thượng Đế truyền cho loài người khẳng định rằng: “ Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không!” (Rô-ma 3:10). Câu này không hoàn toàn ngụ ý là mọi người đều làm ác, đều gian dối, đều giết người, đều chửi bậy; nhưng dạy rằng khả năng phạm tội luôn luôn tiềm ẩn trong lòng mọi người, không phân biệt ai hết. Nơi người này tội ác chưa phát hiện, vì sức ngăn cản của luật pháp hay lương tâm; còn kẻ khác thì đã bày tỏ và không dấu diếm được. Dù thế nào chăng nữa, hột giống tội lỗi vẫn ở trong lòng nhân loại, như Thánh Kinh đã chép: “ Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 3:23). Như vậy, dù bậc quân tử có vượt trội hơn kẻ tiểu nhân, nhưng cũng không đạt được sự vinh hiển của Thượng Đế, là khuôn vàng và thước ngọc để định sự vô tội của loài người. Ví như người này đứng trên núi cao, kẻ kia đứng trong trũng thấp; tuy chỗ đứng của họ có khác nhau và hơn nhau, nhưng cả hai đều giống nhau là họ không thể rờ đến ngôi sao sáng trên vòm trời cao kia! Tiên tri Ê-sai nhận biết sự bất toàn của mình, nên khi thấy sự hiện diện vinh hiển của Thượng Đế đã sợ hãi la lớn tiếng lên rằng: “ Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ đáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (Ê-sai 6:5). Người thâu thuế ăn năn cúi mặt xuống, đứng xa xa, đấm ngực và kêu than rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! (Lu-ca 18:13). Chỉ những ai cương trực nhận biết tất cả loài người, dù là quân tử hay là tiểu nhân, đều có sự thiếu xót như những nhân vật kể trên, thì mới nhận được sự tha thứ tội lỗi của Thượng Đế qua sự tin nhận Đức Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho chúng ta không ai khoe mình!” (Ê-phê-sô 2:8,9). Nếu đạo đức có thể cứu được nhân loại, thì Đức Chúa Giê-xu đã chẳng giáng sinh làm người. Nếu việc lành có thể xóa bỏ tội ác, thì cái chết của Ngài trên đồi xưa không cần thiết. Nhưng Thượng Đế biết loài người hoàn toàn bất lực, bất năng và cần một Cứu Chúa, nên Ngài đã thể hiện sự công bình và tình yêu thương của Ngài cho nhân loại: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời!” (Giăng 3:16).
Sứ đồ Phao-lô là một bậc được tôn trọng trong xã hội đương thời, vì có nhiều điều kiện cá nhân và thành quả tốt đẹp hơn mọi người, nhưng vẫn không xem những ưu điểm đó là lợi ích cho mình, mà thành tâm thú nhận rằng: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi đều lợi đó. Thật, tôi xem những đều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin…” (Phi-lip 3:8,9). Đây mới thật là bậc quân tử đúng nghĩa vậy!
Trần Gia Khang