Cách đây nhiều năm, có hai ông bà cụ xin
vào thăm văn phòng của ông viện trưởng Trường đại học Harvard. Khi mới bước vào
cửa, ông viện trưởng đã nói bằng một vẻ khó chịu: “Xin hai vị vắn tắt cho, tôi
là người rất bận rộn, không thể tiếp quí vị lâu được, xin thông cảm.” Vì không
muốn quấy rầy ông viện trưởng bận rộn nầy, nên hai cụ già xin lỗi và cáo từ
ngay.
Điều mà ông viện trưởng Trường đại học Harvard lúc ấy không ngờ tới, là
đôi vợ chồng già lụm khụm, tưởng chừng như nghèo khó và quê mùa kia đã đến thăm
ông với mục đích tặng cho Trường đại học Harvard vài chục triệu đô-la trong số
gia sản của họ, bởi họ không có con cháu thừa kế. Vì vậy, sau khi rời Trường
đại học Harvard, ông bà cụ đã tìm đến một trường đại học mới mở ở California , mang tặng
toàn bộ số tiền đó cho trường nầy. Để tri ân, nhà trường đã lấy tên của ông bà
để đặt cho tên trường, hiện nay là Trường Đại học Leland Stanford.
Một bài
học quá đắt cho vị hiệu trưởng nọ, nhưng cũng thật đích đáng. Cơ Đốc nhân được
dạy dỗ phải luôn luôn bày tỏ tinh thần hiếu khách, lịch sự và tử tế. Những gì
chúng ta thể hiện trong mối liên hệ thường nhật chứng tỏ chúng ta giống Chúa
bao nhiêu trong cách cư xử. Hằng ngày chúng ta giao tiếp với nhiều hạng người,
những hành vi tưởng chừng như rất nhỏ nhặt cũng có thể mang lại một cơ hội lớn
lao, hoặc ngược lại, là một hậu quả đáng tiếc.
Phao-lô
cảnh báo rằng: "Chớ quên sự tiếp khách, có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi
thiên sứ mà không biết." (Hêbơrơ 13:2) Chúa sai thiên sứ Ngài đến bên cạnh
chúng ta, ghi chép những gì ta nói, những việc ta làm. Đôi lúc thiên sứ cũng
xuất hiện thật sự như đã từng đến với Áp-ra-ham, Lót, Phi-e-rơ, trong hình hài
con người, để ban phước cho những ai khiêm nhường sống theo ý Chúa, mà một
trong những điều ấy là thể hiện sự nhu mì, ân cần và lịch thiệp trong giao
tiếp. Thế giới của tốc độ và sự bận rộn, của ích kỷ và cộc cằn, đang cần những
con người dịu dàng, kiên nhẫn, chịu đựng, theo như gương của Chúa.
"Hãy ân cần tiếp khách." Rô-ma
12:13b