Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

BA LỜI KHUYÊN CHO HỘI THÁNH LAO-ĐI-XÊ


Không có văn bản thay thế tự động nào.Khải Thị 3: 14 – 22

Vào thế kỷ thứ nhất, Lao-đi-xê là thành phố tọa lạc trong trũng Lycus của Tiểu A-si, nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ. Khi ấy, thành phố này là một trung tâm tài chính giàu có, là đầu mối quan trọng sản xuất và buôn bán vải sợi, hơn nữa nơi đây rất nổi tiếng với công nghệ bào chế dược phẩm, đặc biệt là thuốc trị viêm mắt.[1]  Tuy nhiên nghịch lý của Hội thánh Lao-đi-xê là sự giàu có bên ngoài trái ngược hoàn toàn với sự nghèo khó tận cùng trong tâm linh của họ. Thậm chí Hội Thánh này không biết rằng tình trạng của họ là “khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” (c. 17). Qua ngòi bút của sứ đồ Giăng, Chúa Jesus đã gửi thư kêu gọi Hội thánh Lao-đi-xê hãy sốt sắng ăn năn. Có ba lời khuyên quan trọng được nhấn mạnh ở đây:

1. HÃY MUA VÀNG THỬ LỬA 

Thứ nhất, Chúa Jesus khuyên Hội Thánh Lao-đi-xê: “Hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có” (c. 18a). Chúa Jesus biết rõ thực trạng của Hội Thánh Lao-đi-xê: Đây là Hội Thánh tự cao về giáo lý và tri thức Kinh thánh nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế (Gia cơ 1: 22). Sự đầy đủ trong cuộc sống vật chất, sự kiêu ngạo của tri thức đã đẩy Hội Thánh này vào ảo tưởng thuộc linh. Hội Thánh Lao-đi-xê bị mù quáng do tài sản vật chất, bị che mắt do thừa hưởng di sản thuộc linh đồ sộ, bị ảo tưởng do tự mãn tri thức, bị mù lòa do không biết thực trạng nghèo khó (II Phi 1: 9),[2] Nguyên nhân vì họ không tiếp tục kinh nghiệm và sở hữu được quyền năng của Phúc âm. Do rơi vào tình trạng hoang tưởng, nghĩ rằng mình giàu có, nghĩ rằng mình trọn vẹn nên từ chối mọi sự giúp đỡ và không lắng nghe bất kỳ ai (c. 17a). Vì cớ thấy được tình trạng nghèo khó, phá sản tâm linh của Hội Thánh Lao-đi-xê, nên Chúa Jesus đã khuyên họ phải mua “vàng thử lửa” của Ngài. 

Theo giáo sư Kistemaker, “vàng thử lửa” chính là đức tin và tình yêu thương đối với Chúa trong mọi thử thách.[3]  Đức tin trải nghiệm qua thử thách "quý hơn vàng" (I Phi 1: 7). Tình yêu thương với Chúa và với anh em, chính là điều răn lớn nhất, "quý hơn ngàn đồng vàng và bạc" (Thi 119: 72). Vì cớ tín hữu Lao-đi-xê đã đặt niềm tin sai trật nơi tiền của và tri thức trong thế gian, nên bức thư khuyên họ cần tin cậy nơi Đức Chúa Trời và lớn lên trong đức tin. Vì cớ tín hữu Lao-đi-xê yêu ma-môn, nên bức thư khuyên rằng họ cần yêu thương Đức Chúa Trời và cần trưởng thành trong tình yêu. Đức tin và tình yêu thương trải qua thử thách trên đường theo Chúa chính là “vàng thử lửa,” mà mỗi tín hữu Lao-đi-xê nói riêng và Cơ-đốc-nhân hôm nay nói chung cần phải kinh nghiệm và sở hữu. “Hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có” là lời khuyên cho tất cả chúng ta hôm nay.

2. HÃY MUA ÁO TRẮNG

Lời khuyên thứ hai: “Hãy... mua áo trắng mặc vào hầu cho sự xấu hổ về sự lõa lồ của ngươi khỏi bị lộ ra” (c. 18b). Không chỉ nghèo khó trong tâm linh, đời sống các tín hữu Lao-đi-xê còn nhiều tội lỗi, xấu xa và gian ác. Thậm chí công nghiệp dệt và may mặc của thành phố không thể che giấu tội lỗi của họ.[4]  Nếp sống đạo bê tha, làm gương xấu, đi ngược với Phúc âm, là vấn nạn nghiêm trọng mà câu Kinh Thánh này kịch liệt lên án. Đời sống tâm linh yếu đuối của các tín hữu Lao-đi-xê bị phơi bày. Do đó lời khuyên của Chúa Jesus là họ cần mặc chiếc áo trắng để che đi sự xấu hổ do đời sống tội lỗi. 

Áo trắng công nghĩa theo sứ đồ Giăng trong Khải Huyền 19: 8 chính là phẩm hạnh, đạo đức Cơ đốc, sự công bình thực tiễn trong nếp sống hàng ngày,[5] là chính Chúa Jesus (Gal 3: 17).[6]  Chỉ duy qua đức tin nơi Chúa Jesus, mọi tội lỗi sẽ được bôi xóa và Ngài chính là áo trắng công nghĩa của các tín hữu [7] Lao-đi-xê và Cơ-đốc-nhân hôm nay. Vì cớ Đức Chúa Trời là Đấng thánh nên các con cái Ngài phải có đời sống thánh khiết, được biến đổi ngày càng giống như Chúa. Sự nên thánh thực nghiệm phải là tiến trình đổi mới hàng ngày trong đời sống mỗi người Cơ đốc, chứ không chỉ là giáo lý, khẩu hiệu hay phong trào. “Hãy... mua áo trắng mặc vào hầu cho sự xấu hổ về sự lõa lồ của ngươi khỏi bị lộ ra” là lời cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta hôm nay (Khải 16: 15). 

3. HÃY MUA THUỐC XỨC MẮT

Lời khuyên thứ ba rằng: “Lại mua thuốc mắt để thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được” (c. 18c). Trường y khoa danh tiếng và công nghệ bào chế thuốc chữa bệnh đau mắt nổi tiếng của thành phố Lao-đi-xê [8] cũng không thể chữa được chứng đau mắt thuộc linh của các thánh đồ sống tại đây. Do cặp mắt tâm linh mù lòa, tín hữu Lao-đi-xê không thể phân biệt sự giàu có vật chất hay giàu có tâm linh, không thể nhận định đúng hoặc sai, cũng không thể nhận biết chân lý hay sai lầm.[9]  Phương diện khác, đôi mắt thuộc linh mù lòa của họ không thể nhìn thấy chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh, không thể nhìn thấy bước chân của Ngài trong cõi thời gian. Đôi mắt họ bị đóng kín hoàn toàn nên họ không thể nhận biết thực trạng “khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” của chính mình. 

Các tín hữu Lao-đi-xê bị mù quáng bởi sự tự lừa dối, bởi tự kỷ ám thị, bởi có tầm nhìn sai trật. Để khôi phục thị lực thuộc linh, Hội Thánh này cần nhìn chăm xem Chúa Jesus là Cội rễ và Cuối cùng của đức tin (Hêb 12: 2), cần sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong nếp sống hàng ngày (Giăng 16: 8 – 11), cần Lời Chúa soi sáng mỗi bước chân (Thi 119: 105). Soi sáng là công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống người Cơ đốc [10]  mà các tín hữu Lao-đi-xê cần phải ăn năn và nhờ cậy Ngài. 

Theo bản ký thuật trong câu 18 cho biết: muốn có vàng thử lửa, áo trắng và thuốc xức mắt, Hội thánh Lao-đi-xê cần phải “mua” (c. 18a), “Mua” có nghĩa phải trả một “giá” nào đó để sở hữu những kinh nghiệm thuộc linh qu‎ý báu này. Cái “giá” để mua chính là từ bỏ sự kiêu ngạo, hống hách, tự cao tự đại,[11]  từ bỏ đời sống tội lỗi và tính tự kỷ trung tâm của mỗi cá nhân trước mặt Chúa. Cái giá để mua chính là từ chối cái tôi, từ chối bản ngã, mở cánh cửa lòng để mời Đấng Christ bước vào đời sống của mỗi cá nhân, của từng gia đình và Hội Thánh (c. 20). Sự kiện Đấng Christ bước vào làm trung tâm của đời sống (c. 20) sẽ chấm dứt vĩnh viễn bi kịch nghèo khổ, rách rưới và mù lòa thuộc linh trước kia. 

KẾT LUẬN

Thời đại hôm nay, tinh thần Lao-đi-xê vẫn tiếp tục tồn tại trong Hội Thánh dưới nhiều hình thức khác nhau. Tình trạng của Lao-đi-xê là tình trạng của Hội Thánh hôm nay bị suy thoái, thực trạng của Lao-đi-xê là thực trạng của nhiều tín hữu đang kiêu ngạo và say sưa trong thế gian. Bi kịch của Lao-đi-xê cũng là bi kịch  của nhiều tấm lòng Cơ-đốc đang đóng kín. Điều quan trọng mà mỗi con cái Chúa cần hiểu rõ là: nguồn tài chính dồi dào và tri thức đẳng cấp không thay thế được sự trưởng thành của đức tin nơi Chúa. Áo quần hay trang phục hiện đại bên ngoài không thể thay thế được đời sống tâm linh kỉnh kiền và thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời. Những tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại không thể chữa được chứng mù lòa thuộc linh của tín hữu hôm nay. Chỉ có sự từ chối bản ngã, và tiếp rước Chúa Jesus chính là giải pháp cho nan đề nóng bỏng của Hội Thánh Lao-đi-xê khi xưa và Hội Thánh hiện nay. 

Hãy nghe lời tuyên bố của Chúa Jesus: “Kẻ đắc thắng ta sẽ cho ngồi với ta trên ngai ta, như ta đã đắc thắng và ngồi với cha ta trên ngai của Ngài” (c. 21). Phần thưởng của những người đắc thắng trong Hội Thánh Lao-đi-xê vượt xa hơn phần thưởng của sáu Hội Thánh được đề cập trước đó. Đồng ngồi và cai trị với Chúa Jesus là phần thưởng lớn nhất, vinh hiển nhất,[12] cũng là sự thách thức và cơ hội cho tất cả chúng ta hôm nay!

Chúng ta đã có vàng thử lửa, đã có áo trắng để mặc, đã có thuốc xức mắt hay chưa? Xin Chúa thương xót mỗi chúng ta trước khi Ngài trở lại! A-men!

An Joseph (Thien An Dang.,Th.D)

________
[1] James Luther Mays, Society of Biblical Literature: Harper's Bible Commentary (San Francisco: Harper & Row, 1996), S. Re 3:14
[2] Simon J. Kistemaker & William Hendriksen, New Testament Commentary: Exposition of the Book of Revelation (Grand Rapids: Baker Book House, 2001), S. 170.
[3] Simon J. Kistemaker & William Hendriksen, New Testament Commentary: Exposition of the Book of Revelation (Grand Rapids: Baker Book House, 2001), S. 171.
[4] Simon J. Kistemaker & William Hendriksen, New Testament Commentary: Exposition of the Book of Revelation (Grand Rapids: Baker Book House, 2001), S. 172.
[5] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1371.
[6] Francis D. Nichol, The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment (Washington : Review and Herald Publishing Association, 1978), S. Re 3:18
[7] Martin Kiddle, The Revelation of St. John (London: Hodder and Stoughton, 1940), 59.
[8] John F. Walvoord & Roy B. Zuck, Dallas Theological Seminary: The Bible Knowledge Commentary : An Exposition of the Scriptures (Wheaton: Victor Books, 1985), S. 2:940-942
[9] Francis D. Nichol, The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment (Washington : Review and Herald Publishing Association, 1978), S. Re 3:18
[10] Francis D. Nichol, The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment (Washington : Review and Herald Publishing Association, 1978), S. Re 3:18.
[11] Ralph E. Bass, Back to the Future: A Study in the Book of Revelation (Greenville: Living Hope Press, 2004), S. 146
[12] Adam Clarke, Clarke's Commentary: Revelation (Albany: Ages Software, 1999), S. Re 3:21.