Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Giá Của Sự Phục Hưng

                                                                                                                                MS Lê Văn Thể
Kinh Thánh: Nê-hê-mi 8: 1-6
Câu gốc:
         “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi đều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”
                                      (Giô-suê 1:8)

 (Cầu ngyện để Chúa dẫn dắt!)

  Thưa qúy ông bà anh chị em!

       Chúa nhật tuần vừa rồi chúng ta đã cùng nhau học hỏi lời Chúa qua sách Nê-hê-mi (chương một).   Chúng ta đã rút ra được bài học về sự tái xây dựng lại những vách thành của Je-ru-sa-lem đổ vỡ và bị thiêu rụi.  Những dân sót của Y-rơ-ra- ên bị sỉ nhục sau cuộc lưu đày ở xứ sở Ba-by-lôn.   Sách (2 sử ký 36: 11- 23) cho thấy bức tranh ảm đạm khi các vua Giu-đa nối tiếp nhau phản nghịch và làm điều ác cùng Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như vua Giê-hô-a-kim bị vua Nê-bu-cát-nết-xa bắt về Ba-by-lôn. Rồi sau đó, em của vua là Sê-đê-kia được lập lên làm vua Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, cũng đi theo vết xe đỗ là làm điếu ác trước mặt Đức Giê-hô-va; không hạ minh xuống trước mặt đấng tiên tri Giê-rê-mi vâng mạng lệnh Đức Giê-hô-va mà khuyên bảo người, nổi lên chống lại cùng vua Nê-bu-cát-nết-xa, cứng lòng không chịu trở về cùng Đức Giê-hô-va.  
Trong khi đó, dân sự đều theo những sự gớm ghiếc của các dân ngoại bang mà phạm tội lỗi nhiều quá đỗi làm cho ô uế đền thờ của Đức Giê-hô-va mà Ngài đã biệt riêng ra thánh tại Je-ru-sa-lem.  Đức Chúa Trời vẫn thương xót dân sự của Chúa và đền thờ của Ngài, nên sai sứ giả đến cùng chúng, nhưng chúng nhạo báng khinh bỉ các lời phán của Ngài, cười nhạo những tiên tri của Ngài, cho đến nỗi cơn thịnh nộ của Ngài nổi lên cùng dân sự Ngài chẳng còn phương cứu chữa được.  Chính vì  vậy, Đức Chúa Trời đã khiến vua dân Canh-đê vây hãm và đánh giết mọi người không thương tiếc, trẻ già, trai gái Ngài phó hết thảy vào tay vua Canh-đê.  Chúng đốt đền thờ Đức Chúa Trời, cướp bóc các bảo vật của Je-ru-sa-lem, đánh đổ các vách thành, lấy lửa đốt các cung điện, Hễ ai thoát khỏi gươm thì bị đày qua Ba-by-lôn.

Mãi cho đến năm thứ nhất đời Si-ru, vua Phe-sơ-rơ trị vì, Đức Chúa Trời muốn làm ứng nghiệm  lời Ngài, nên đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, làm cảm động lòng của Si-ru ra chiếu chỉ tha cho dân sự trở về.

        Chính vì cớ ấy, Nê-hê-mi một tôi tớ của Đức Chúa Trời vì yêu mến Ngài, nặng lòng với quê hương dân tộc; nên ông đã được Chúa kêu gọi trở về Giu-đa để có kế hoạch dựng lại những hoang tàn đổ nát ấy!   Ông đã không sử dụng sự khôn ngoan nhạy bén của riêng mình, nhưng ông đã hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Chúa.   Bởi sự kiêng ăn và cầu nguyện dài ngày, Chúa đi cùng ông cho nên những vách thành Je-ru-sa-lem đã được khánh thành một cách khải hoàn; cho dù không tránh khỏi những sự chống đối và nhạo báng của kẻ ác.  (Nê-hê-mi chương4 & 6).

           Hôm nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu loạt bài thứ hai của sách Nê-hê-mi (chương 8: 1-6) để tìm hiểu những điều kiện tất yếu mà Nê-hê-mi đã thực hiện để hoàn thành được sứ mạng mà Đức Chúa Trời đã giao phó.  Nói cách khác theo nghĩa ngày nay trong ước muốn Hội Thánh của Đức Chúa Trời phải được phục hưng đó là “ Giá phải trả cho sự phục hưng.”


        Hội Thánh Hy Vọng của chúng ta đang có tấm lòng khao khát xây dựng một Hội Thánh vững mạnh về mọi phương diện; để Đức Chúa Trời ban phước và con dân Chúa thỏa  vui; cảm thấy bình an, phước hạnh trong sự thờ phượng và phục vụ nhà Chúa cách hớn hở, vui mừng.   Đó là lý do hôm nay chúng ta học thêm bài học này nữa qua tấm gương của Nê-hê-mi; để xin Chúa xây dựng lại các “vách thành” đang đổ nát trong mỗi tâm hồn của con dân Chúa nói chung và chúng ta nói riêng.  Có thể lắm, có rất nhiều vách đang đổ vỡ hư hoại ngày nay như: những suy nghĩ tiêu cực, thiếu lòng yêu thương anh em mình, còn xét đoán nhau và thậm chí xét đoán các đầy tớ Chúa, còn tị hiềm tranh cạnh, nói xấu, nói hành, vu khống, gây sự chia rẽ, giận dỗi, lạnh lùng, dửng dưng trước những nỗi đau của đồng loại và những linh hồn hư mất!  Nhiều người đang mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình mình.   Thấy anh em mình phạm tội; đang đi đến hồ lửa, nhưng vẫn quay mặt làm ngơ v.v…  Vua Đa-vít đã kêu xin Chúa rằng:

           “Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong tôi một lòng trong sạch
            Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng.
            Xin chớ từ bỏ tôi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa.” 

(Thi- Thiên 51:10-11)

Trong bài giảng trên núi, Chúa Jê-sus đã phán dạy rằng:

         “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy nước Đức Chúa Trời.
        “ Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con đức Chúa Trời.
        “ Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! (Ma-thi-ơ 5: 8,9,10)

         Chúa nhật vừa qua tôi đã thưa với qúy ông bà anh chị em rằng, có lẽ một điều tôi tin chắc là sự thật, ấy là mỗi qúy ông bà anh chị em đã và đang  khao khát:

·  Một nơi bình yên để đến nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời.

·  Một Hội Thánh mà mọi người hiệp một trong thân của Đấng Christ.

·  Một nơi thánh thiện, mọi người yêu thương nhau, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.

·  Một Hội Thánh mà đầy tớ Chúa trung thực giảng dạy lời hằng sống của Đức Chúa Trời, không bẻ cong quẹo để làm êm tai người nghe, mà phải được đẹp lòng  Đưc Chúa Trời và truyền đạt đúng với sự dạy dỗ của Ngài, ích lợi cho người nghe.

·  Một Hội Thánh tăng trưởng về mọi mặt, có tiếng tốt trong cộng đồng; để qua đó dẫn đưa được nhiều người về với Hội Thánh Chúa mỗi ngày.”
 Thưa qúy tôi tớ Chúa, qúy ông bà anh chị em!

 Muốn thực hiện được những ước mơ đó, mỗi con dân Chúa trước hết phải có tấm lòng khát khao Chúa, được trang bị lời Chúa vững vàng và liên tục, dành nhiều thì giờ ở riêng với Chúa trong sự cầu nguyện cho bản thân, gia đình, anh chị em trong Hội Thánh, cầu nguyện cho người chăn bầy, và cộng đồng cũng như cầu nguyện cho quê hương, dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.  Hội Thánh Hy Vọng của chúng ta phải trải qua ít nhất ba giai đoạn sau đây; mới có thể hoàn thành sứ mạng của mỗi Cơ Đốc Nhân vâng theo “đại mạng lệnh” của Chúa Je-sus đã phán dạy trong (Mathiơ 28: 19)
I. Tìm kiếm mặt Chúa (Theo Công vụ 1:8)
     “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Je-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

         Bài học quan trọng trong sự phấn hưng là phải dành đủ thì giờ, để lỗ tai thiêng liêng của chúng ta nhận biết được tiếng của Đức Thánh Linh, để lòng chúng ta nhận được sự hiện diện cao cả của Ngài.

           Dân sự của Chúa đã nhận biết được sự hiện diện của Đức Thánh Linh khi lắng nghe tiếng của Chúa phán qua cuốn sách luật pháp; (5 sách Ngũ Kinh của Môi-se từ Sáng -Thế- Ký đến Phục Truyền) mà Ê-xơ-ra là thầy thông giáo đem đọc trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người thông sáng nghe và hiểu được qua sự giải thích của ông.  Họ đã lắng nghe lời Chúa từ rạng đông cho đến trưa một cách kỉnh kiềng và háo hức (Nê-hê-mi 8: 1b, 2).

          Tạ ơn Đức Chúa Trời, trước khi vâng theo mạng lịnh của Chúa sang hầu việc Chúa tại đây, tôi đã gọi điện thoại cũng như email cho một số con cái Chúa và hỏi rằng: “Quý anh chị muốn tôi ưu tiên làm điều gì khi đếnvới Hội Thánh?” Câu trả lời giống nhauđó là: “Muốn được nghe lời Chúa được giảng ra cách trung thực.”

 Xin tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời một lần nữa!  Nếu không có sự hiện diện của Đức Thánh Linh, chắc chắn dân sự của Chúa đã mỏi mệt khi đứng nghe lời Chúa từ sáng cho đến trưa.  Cũng như Hội Thánh Hy Vọng chúng ta hôm nay, từ ngày Chúa cho chúng tôi về đến nay, tôi cảm thấy con cái Chúa ở đây đã nhiệt thành và đam mê lắng nghe lời của Đức chúa Trời không hề mỏi mệt.  Một nữ thanh niên cũng là sinh viêntrong Hội Thánh của chúng ta, đã nói với tôi rằng: “MS ơi! Càng nghe, càng say mê, giảng dài mấy em cũng thích!

Một phụ nữ đứng tuổi khác cũng đã dâng lời tạ ơn Chúa trong khi cầu nguyện rằng: “Chúa đã cho lời Ngài được rao ra cách mạnh mẽ và trung thực, làm cho Hội Thánh hớn hở vui mừng.” 

 Nói lên điều này không phải để ca ngợi một cá nhân nào, nhưng chỉ cốt để mỗi con cái Chúa biết ơn Ngài và nhận ra được giá trị đích thực của lời Chúa khi có Đức Thánh Linh đi cùng, và dân sự của Chúa quyết tìm kiếm mặt Ngài.
     II. Hạ mình ăn năn ( Nê-hê-mi 8:  9b)
        “Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các luật pháp.”

 Khi lời Đức Chúa Trời được tuyên đọc và dân sự nghe lời đó đều khóc_ Tại sao?  Phải chăng vì bấy lâu nay lời Chúa quá xa lạ đối với dân sự của Ngài?  Thưa, không phải như vậy.   Nhưng  vì cớ lời của Ngài cáo trách tội lỗi của dân sự cùng tổ phụ của Y-sơ-ra-ên, đụng chạm vào lòng họ và lương tâm bị cáo trách; khi  họ cảm thấy nếp sống của họ quá ư là thấp kém và tội lỗi khi so sánh với các chuẩn mực của Đức Chúa Trời yêu cầu.  Đồng thời, họ cũng nhận được lời phán hứa về sự tha thứ của Chúa  bởi vì Ngài là “Đấng nhân từ, đầy lòng thương xót, chậm giận và hay làm ơn.” Sự vui mừng trong ngày thánh là ngày ôn lại những ân sủng và giải cứu mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cho dân Y-sơ-ra-ên trong quá khứ. Lời của Chúa nhắc nhở con dân của Ngài rằng sự trông cậy và vui mừng trong Đức Chúa Trời là nguồn cội của sức mạnh, để bước đi trong đức tin.


        Bí quyết của sự phấn hưng chính là sự sửa đổi nếp sống Cơ đốc nhân của chính mình, phấn hưng những tấm lòng trước hết.  Giô-na-than Adwords đã viết:   

      “Trước hết và quan trọng hơn hết, chúng ta phải vứt bỏ những hòn đá làm vấp chân do chính chúng ta gây ra.  Để làm được việc này chúng ta phải xưng tội và ăn năn.’’  (1)

          Phấn hưng không thể tự nhiên mà có.  Nhưng nó đòi hỏi sự hy sinh, sự hạ mình, sự bền đỗ và nổ lực của mỗi con dân Ngài cho kế hoạch của Đức Chúa Trời.  Cái giá của nó chính là sự ăn năn, thống hối, sự khát khao tìm kiếm Chúa với tấm lòng tan vỡ đôi khi đong đầy nước mắt.  Sự phấn hưng phải trả giá.  Dân sự trong thời Tổng Trấn Nê-hê-mi là bằng chứng cụ thể cho sự trả giá ấy.
  III. Cầu nguyện: ( 2 Sử Ký 7:14- 16)
   “Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện,tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.  Bây giờ mắt ta sẽ đoái xem, lỗ tai ta sẽ nghe lời cầu nguyện tại nơi này, vì bây giờ ta đã chọn và khiến cái nhà này ra thánh, hầu cho danh ta ngự ở đó đời đời, mắt cùng lòng ta ở đó luôn luôn.”
                   Có lẽ ai trong chúng ta ở đây cũng biết cầu nguyện; và một số người trong chúng ta đam mê cầu nguyện.  Tuy nhiên, để trả giá cho sự phấn hưng, lắm khi chúng ta trở nên lúng túng không biết phải cầu nguyện điều gì! Sau đây là một số gợi ý cho những điều cần kêu xin với Chúa:
1. Thái độ vô ơn:  Hãy liệt kê ra những lần mà chúng ta đã quên ơn Chúa.

2. Thiếu tình yêu thương đối với Ngài: thể hiện trong lời nói, hành động và cách cư xử với anh em trong cùng đức tin và đồng loại.

3. Thiếu lời Chúa: Học Kinh Thánh qua loa, học chỉ cốt khoe khoan kiến thức mà không dầm thấm trong lời Ngài, không áp dụng lời Chúa trong đời sống hằng ngày.

4. Vô tín: Còn nghi ngờ quyền năng và phép lạ của Chúa, trông mong sự cứu giúp nơi con người hơn là trông mong sự tiếp trợ, giải quyết mọi nan đề đến từ Chúa.

5. Thiếu mối tương giao riêng với  Đức Chúa Trời: Lười biếng đọc lời Chúa, không thường xuyên hỏi ý Chúa; không đặt Chúa là thứ tự ưu tiên trong sinh hoạt mỗi ngày.

6. Thiếu yêu mến linh hồn anh chị em: Ít quan tâm hay cầu thay cho những người cùng đức tin trong Hội Thánh, gia đình và cộng đồng con dân Chúa.

7. Còn nặng nề sự yêu mến thế gian hơn là yêu mến Đức Chúa Trời: “Sự ham mê của mắt, sự kiêu ngạo của đời.”

8. Thiếu canh giữ môi miệng cho được thánh khiết:  Còn sử dụng những lời nói cay độc, gán ghép sai sự thật để làm tổn hại đến anh em mình; cốt vì lòng tư kỷ và tranh cạnh vô cớ.

9. Giả hình:  Giả hình trong cách sống bằng những ngôn từ sáo rỗng, những lời hoa mỹ nhằm tâng bốc một ai đó vì lợi lộc, cầu nguyện cho anh chị em không thành thật, “Miệng chúc phước mà lòng rủa sả.”

10. Kiêu ngạo:  Là một trong những điều mà Đức Chúa Trời cấm kỵ. Ở đâu, người kiêu ngạo cũng cho cá nhân mình là quan trọng hơn cả, luôn đề cao, đánh bóng những thành tích, ân tứ mình có được; mà quên rằng mình chỉ đất sét trong tay người thợ gốm.” Điều chúng ta cần làm là tôn cao Danh Chúa, qua tấm lòng biết ơn Ngài, hạ mình, khiêm tốn “coi người khác như tôn trọng hơn mình.”

11. Cản trở người khác:  Chúng ta không nên biến thành San-ba-lát, Tô-bi-gia, Ghê-sem là kẻ thù nghịch, nhằm chống lại kế hoạch của Đức Chúa Trời bằng cách cản trở và đánh phá Nê-hê-mi, vu khống ông là người làm loạn, trong khi ông chỉ là người vâng theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời nhằm tái thiết những tường thành Je-ru-sa-lem bị đổ vỡ. (Nê-hê-mi 6: 1-9)

     Kết luận

        Để Hội Thánh Hy Vọng chúng ta sẽ đầy dẫy sự kinh nghiệm qua sự phục hưng trong những ngày sắp đến, chúng ta phải liên tục cầu xin Ngài cho mỗi tấm lòng của chúng ta luôn tìm kiếm mặt Chúa trong sự khẩn nguyện, nài xin Đức Thánh Linh dắt dẫn.  “Lòng của chúng ta phải thực sự ăn năn và vỡ ra như vỡ đất mới.  Việc xưng tội là bước đầu đi đến phấn hung.” (2) Nếu không làm mềm tấm lòng cứng cỏi của chúng ta, thì lời của Đức Chúa Trời không thể nào đâm rễ được và không thể sanh bông trái của Đức Thánh Linh.  Vỡ đất mới là trách nhiệm của mỗi chúng ta. (3)

       “Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe tha thứ tội chúng nó…Nhưng nếu các ngươi bội nghịch bỏ các luật lệ và giới mạng ta đã đặt trước mặt các ngươi, đi hầu những tà thần và thờ lạy chúng nó thì ta sẽ rứt nhổ các ngươi khỏi đất ta đã ban cho các ngươi; còn cái nhà này mà ta đã biệt riêng ra thánh cho danh ta, ta sẽ bỏ nó đi, làm cho nó nên một câu tục ngữ, một việc nhạo cười giữa các dân tộc.  Cái nhà này dẫu cao dường nào, hễ ai đi qua gần nó cũng sẽ lấy làm lạ mà nói rằng:  Cớ sao Đức Giê-hô-va có xử xứ này và đền này như thế?..” (2 Sử ký 7: 14-21).

           Nguyện xin mỗi con cái Chúa của Hội Thánh chúng ta học bài học trong sách Nê-hê-mi để không vấp phạm như những kẻ cứng lòng và phản nghịch; đồng thời được Đức Chúa Trời đồng hành để xây dựng lại những tấm lòng “vỡ đất mới” để Ngài gieo lên những hạt giống Tin Lành của sự bình an, hy vọng và cứu rỗi!

          Qúy ông bà anh chị em ơi! Ngày Chúa Jê-sus trở lại sắp gần rồi! Hãy thức canh mà cầu nguyện để khỏi sa vào mưu chước của ma quỉ. Amen!
           (Alexandria 21/7/2013)
(1),(2),(3) và một số nội dung khác dựa theo bản dịch tiếng Việt, Giá Phải Trả Để Được Phấn Hưng của Charles Finney.