Gia đình tôi thật ra không thực hành một tôn giáo nào. Cha tôi theo Nho-giáo, nhưng có khuynh hướng tự do. Mẹ tôi theo Phật-giáo như trăm nghìn đồng bào khác, thỉnh thoảng đi chùa chiền lễ bái ngày rằm và mùng một, và ăn chay. Riêng tôi, tôi chống mọi thứ tôn giáo; đối với tôi, tôn giáo chỉ là mê tín dị đoan, dành riêng cho hạng đàn bà quê mùa, mù chữ, dốt nát.
Đến bậc trung học, tôi được cha mẹ gởi vào một trường tư thục Công-giáo La-mã ở Huế, không phải vì có lòng mộ đạo, nhưng chỉ vì chúng tôi không tìm được trường nào khác ở vùng ấy. Ngoài những môn học thường lệ, học sinh còn phải học giáo lý cương yếu và đọc kinh trước mỗi giờ học.
Như tất cả các học sinh trong trường, tôi quì gối đọc kinh, hoặc giả bộ đọc, cố ra vẻ trang nghiêm sùng kính nhiệt thành. Nhưng trong thâm tâm tôi ghét mọi điều ấy. Như tôi đã nói, trên nguyên tắc, tôi chống mọi thứ tôn giáo. Nhưng tôi ghét Công-giáo hoặc Cơ-đốc giáo nhất, lúc bấy giờ tôi lầm tưởng hai danh từ này đồng nghĩa.
Là một người yêu nước nhiệt cuồng, nên khi các bạn học mãi vui chơi ngoài phố, tôi say sưa đọc lén đủ thứ tác phẩm cách mạng. Dạo ấy các nhóm cách mạng bí mật mọc lên như nấm, nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp và giành lại quyền độc lập cho xứ sở.
Đối với tôi Cơ-đốc-giáo hoàn toàn do thực dân Pháp phát minh, cốt ru ngủ dân ta hầu dễ bề bóc lột và thống trị nước ta mãi mãi; các nhà truyền giáo chỉ là một đội quân tiên phong đi mê hoặc dân chúng và dọn đường cho đạo quân xâm lăng.
Từ tận đáy lòng, tôi hoàn toàn đồng ý với Karl Marx rằng: "Tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng." Vì thế, khi ra khỏi trường trung học ấy, tôi càng chống nghịch Cơ-đốc-giáo hơn trước.
Đi tìm Chân lý
Sau cuộc thế chiến thứ hai, tôi qua Âu Châu. Cuối năm 1954, tôi lâm bệnh, phải nằm điều trị tại một bệnh viện ở Haute-Savoie (Pháp). Suốt hai năm nằm trong bệnh viện tĩnh mịch, tôi có đủ thì giờ nghĩ ngợi, suy tư. Tôi mơ hồ nhận thấy rằng mang bệnh tật giữa lúc bước vào chỗ rẽ quan trọng trên đường sự nghiệp thật là một thứ hình phạt do một Đấng cao cả đã bất mãn với tôi, với nếp sống vô tư và tội lỗi của tôi. Phải chăng đây chính là triệu chứng báo hiệu một hiểm họa chết mất đang chờ đợi tôi nếu tôi cứ tiếp tục sống theo nếp sống cũ? Từng loạt những câu hỏi cổ điển mà con người tự hỏi từ thuở khai thiên lập địa bắt đầu dày vò tâm trí tôi: "Ta từ đâu đến? Ta làm chi ở đời này? Rồi ta sẽ đi đâu?" Đang khi chưa tìm được lời giải đáp, thì cuộc đời của tôi chỉ là một câu đố, và tôi không thể nào yên tâm được. Vốn có óc hoài nghi, tôi thích đặt câu hỏi về mọi sự và nghi ngờ mọi sự, vì tôi cho rằng hoài nghi là một dấu hiệu tri thức hơn người. Được hấp thụ học vấn âu Tây, được tiếp xúc với nền văn hóa của Pháp, với óc trào lộng của Voltaire, với óc hoài nghi của Descartes, với luận điệu "Que Sais-je?" của Montaigne, tôi không dễ gì giải quyết những vấn đề thắc mắc ấy. Lo lắng băn khoăn chỉ là bản tính của con người, vì con người vốn hay suy tưởng. Trong không gian và thời gian, con người bị vũ trụ bao la chế ngự và đè bẹp; tuy nhiên, con người vẫn nuôi cao vọng thấu triệt vũ trụ. Khoa học đã thỏa mãn phần nào cao vọng ấy; khoa học đã giúp con người nhận thấy rằng vũ trụ có trật tự, thống nhất và dường như đang hướng về những mục tiêu nào đó. Nhưng làm sao giải nghĩa những sự kiện ấy nếu không nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa?
Tôi bắt đầu hỏi: Thượng Đế thực hữu hay không? Hay nói đúng hơn, lý trí của tôi, do trực giác thúc đẩy, biết trước chỉ có thể chọn một trong hai lẽ vô cùng quan trọng; hoặc thừa nhận có Thượng Đế, hoặc thừa nhận một sự phi lý hoàn toàn. Không có Thượng Đế mọi sự đều phi lý, không sao giải thích được, và cuộc đời - như đại văn hào Shakespeare đã viết trong bi kịch Macbeth - chỉ là "một truyện do anh ngốc kể, đầy dẫy tiếng ồn ào và giận dữ mà chẳng có nghĩa lý gì."
Tạo vật chứng minh rằng nguyên thủy có Đấng Tạo Hóa. Đạo đức và trí tuệ của con người làm chứng rằng con người tất phải do một Đấng Tạo Hóa đạo đức và thông sáng tuyệt vời sinh thành. Thật đúng như một câu Kinh Thánh mà tôi đọc thấy sau này: "Các tầng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm" (Thi-thiên 19:1). Phương pháp loại suy liên tục để suy luận về Thượng Đế ấy chính là phương pháp trí năng, đi từ cái đã biết mà suy ra cái chưa biết.
Một phương pháp tri thức khác, thuộc phạm vi luân lý, khởi đi từ sự phân biệt Thiện và ác. Khoa học đã tìm thấy trật tự của vũ trụ. Như thế sao lại không thể chấp nhận một trật tự trong cõi đạo đức? Một trật tự đạo đức mà Antigone, một nhân vật của Sophocle, đã công bố những định luật vẫn khắc sâu trong tâm khảm và lương tâm con người. Theo trật tự đạo đức ấy Thiện phải thắng ác, phải đánh bại mọi cường lực, bạo tàn của ác, của bất công, của đau khổ, của sự chết - một việc không thể nào thực hiện trong vũ trụ và nhân sinh hiện tại. Như thế, sao ta lại không thể tin rằng có một Đấng cao cả luôn luôn chăm chú theo dõi việc lành của người thiện, việc dữ của kẻ ác để rồi một ngày kia tái lập trật tự đạo đức và thưởng thiện phạt ác phân minh? Chả thế mà con người khi đứng trước nanh vuốt của bất công, đau khổ và tử thần, đã tìm được nguồn an ủi nơi Thượng Đế và do đó đã đặt lòng tin nơi một lẽ công bình, thanh liêm khiết bạch, cao siêu tuyệt đối. Chính vì thế mà hiền triết Socrate đã tuyên bố không hề sợ chết - mặc dầu ông bị bức phải uống thuốc độc chết cách oan uổng - chỉ vì ông tin rằng bên kia cõi chết còn có một "điều gì dành sẵn cho người thiện, tuyệt hảo hơn điều dành cho kẻ ác." (Platon, Phédon 63c).
Tôi tiến trên con đường nhận biết Đức Chúa Trời - nhưng đây mới chỉ là một nhận thức mơ hồ, một khái niệm, không hơn không kém. ý niệm về Đức Chúa Trời ở mỗi người mỗi khác: dường như không có mối liên quan nào giữa Thượng Đế của người Démangs ở Mã-lai; Ngọc-hoàng, Đấng chí tôn, Thượng Đế của phái Vệ-đà ở Ấn-độ; Thượng Đế của Aristote, của Spinoza và Đức Chúa Trời của Cơ-đốc-giáo. Thượng Đế của tôi lúc bấy giờ còn là "Đức Chúa Trời của các nhà triết học và bác học" - danh từ Pascal đã dùng để đối chiếu với "Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-xu."…….Thật ra tôi cố ý gạt bỏ Cơ-đốc-giáo ra ngoài suy luận, vì tôi không bao giờ nghĩ rằng Cơ-đốc-giáo có thể đem lại câu giải đáp mà tôi đang tìm kiếm.
Trong khi tìm kiếm chân lý, tôi không quên tham khảo các tôn giáo của tổ tiên. Tôi gia công nghiên cứu kỹ càng Nho-giáo và Phật-giáo, hai hệ thống tôn giáo chính của nước nhà, và lần này, với một một tinh thần không thiên kiến và một tấm lòng cởi mở. Nhưng dầu tôi đã tận tâm nghiên cứu, Nho-giáo và Phật-giáo vẫn không làm thỏa mãn được tấm lòng khát khao chân lý của tôi.
Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-xu
Giữa khi tâm trí tôi đang hoang man rối loạn, một hôm, một nhà truyền bá Phúc âm ghé thăm tôi. ông đến vào lúc tôi đang sửa soạn đi nghỉ theo lời bác sĩ căn dặn. Tôi miễn cưỡng tiếp ông mặc dầu gần như muốn đuổi khéo ông ra cửa. Hai bên chỉ gặp nhau ở một điểm - ông ta đã viện lẽ ấy để bước vào phòng tôi - là hai chúng tôi cùng nói được tiếng Anh. Thế là chúng tôi dùng Anh-ngữ đàm đạo về Cơ-đốc-giáo.
Tôi nhẹ cả người khi ông đứng lên từ giả, nhưng trước khi đi, ông còn tặng tôi một quyển Kinh Thánh Tân Ước và khuyên tôi đọc. Theo phép lịch sự, tôi nhận quyển sách mặc dầu chẳng muốn đọc tí nào. Chờ ông đi khỏi, tôi bỏ quyển sách bìa xanh, cỡ bỏ túi, vào ngăn bàn. ác cảm từ thuở niên thiếu đối với Cơ-đốc-giáo đã dịu bớt từ lâu, nhưng tôi vẫn còn nhiều nghi kỵ. Tôi đã từng được dịp - nhất là những năm lưu trú ở Anh quốc - bắt gặp một quyển Kinh Thánh hoặc các sách Cơ-đốc-giáo khác, nhưng chẳng bao giờ tôi tọc mạch mó tay đến loại văn chương quá buồn tẻ đó chỉ dành cho riêng một hạng người đặc biệt, như các linh mục và mục sư.
Tuy nhiên, từ khi quyển sách nhỏ ấy nằm trong ngăn bàn, mỗi khi kéo ngăn ra, mắt tôi lại phải nhìn thấy nó, tay lại đụng đến nó. ác cảm cố hữu của tôi lần lần tiêu tan và tôi bắt đầu mở sách, liếc mắt đọc qua. Tôi chợt có ý muốn nghiên cứu quyển sách ấy để tìm hiểu những điển tích Kinh Thánh nhan nhản trong văn chương Anh Pháp. Tôi nhận thấy rằng nếu không đọc qua Kinh Thánh, là quyển sách căn bản của một nền văn hóa đang chi phối hàng nghìn triệu người thì kiến thức tôi còn nhiều khuyết điểm. Mặt khác, nhà truyền đạo vẫn kiên nhẫn đến thăm tôi đều đều để bàn luận về Cơ-đốc-giáo, lẽ nào tôi cứ chịu đóng vai câm, điếc trước mặt ông ta.
Tuy nhiên, từ khi quyển sách nhỏ ấy nằm trong ngăn bàn, mỗi khi kéo ngăn ra, mắt tôi lại phải nhìn thấy nó, tay lại đụng đến nó. ác cảm cố hữu của tôi lần lần tiêu tan và tôi bắt đầu mở sách, liếc mắt đọc qua. Tôi chợt có ý muốn nghiên cứu quyển sách ấy để tìm hiểu những điển tích Kinh Thánh nhan nhản trong văn chương Anh Pháp. Tôi nhận thấy rằng nếu không đọc qua Kinh Thánh, là quyển sách căn bản của một nền văn hóa đang chi phối hàng nghìn triệu người thì kiến thức tôi còn nhiều khuyết điểm. Mặt khác, nhà truyền đạo vẫn kiên nhẫn đến thăm tôi đều đều để bàn luận về Cơ-đốc-giáo, lẽ nào tôi cứ chịu đóng vai câm, điếc trước mặt ông ta.
Tôi phải cố gắng mãi mới có thể bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước cách chín chắn. Dần dần tôi càng say mê đọc quyển sách nhỏ ấy như một quyển tiểu thuyết mê lòng nhất. Tôi bỏ cả thì giờ, thu hết tâm trí vào việc nghiên cứu và càng đọc, càng muốn đọc thêm. Tôi gởi mua một bộ Kinh Thánh toàn thư; ít lâu sao, tôi nhận được quyển Kinh Thánh có tham chiếu do tiến sĩ scofield chú giải. Tôi đọc suốt từ đầu đến cuối, và gởi mua thêm nhiều tác phẩm luận về các phương diện khác nhau của đời sống Chúa Giê-xu và lời giáo huấn của ngài. Tôi cảm thấy càng khao khát biết thêm về "Đức Chúa Trời của Chúa Cứu thế Giê-xu," một cơn khao khát chưa hề có trong đời tôi.
Cố nhiên lúc ấy tôi chưa hiểu biết mọi điều trong Kinh Thánh - đến bây giờ tôi cũng không dám nhận là đã thấu triệt đâu. Nhưng với lòng khiêm tốn, tôi nhận rằng với trí tuệ hữu hạn của con người, tôi không dám mong hiểu thấu tức khắc toàn thể chân lý thần diệu. Tôi đồng ý với Descartes và Spinoza, là hai triết gia đã chủ trương rằng mọi khái niệm rõ rệt của tâm hồn chắc chắn là chân xác, rằng lương tâm phải là tiêu chuẩn duy nhất của tín ngưỡng. Từ nghìn xưa, trí óc loài người đã bị dày vò và tuyệt vọng khi đi tìm lời giải đáp những câu hỏi quan trọng: "Khôn ngoan ở đâu? Chân lý là gì?" Pyrrhon, một đại triết gia hoài nghi Hi-lạp, từng theo gót đạo quân viễn chinh của Alexandre sang Ấn-độ và từng phiêu lưu trong hoài nghi phổ quát, đã phải tuyệt vọng vì không thể tìm ra chân lý. Triết gia Ludwig Feuerbach, người đã bỏ thần học quay sang nghiên cứu triết học, đến giờ hấp hối, tâm trí bị dày vò rối loạn cực điểm trong một nỗi thống khổ sâu xa, đã phải thú nhận rằng cuộc tìm tòi của mình là vô hiệu quả, và trước khi tắt hơi ông rên rĩ: "Chân lý ơi, chân lý hỡi! Ngươi ở đâu?"
Triết học không thể giải quyết vấn đề nầy cách ổn thỏa. Vì con người - con người thiên nhiên - bị mù quáng. Con người sinh ra trong xác thịt, và chính vì bản chất xác thịt, nên không thể nào hiểu nổi những việc siêu nhiên và thiêng liêng, là những điều mắt chư thấy, tai chưa nghe và lòng người chưa hề nghĩ đến (I cô-rinh-tô 2:9). Trí năng của con người tự nó không thể tìm ra chân lý thiêng liêng, đúng như lời tôi đọc trong Thánh Kinh sau này: Đức Chúa Trời phán: ý tưởng các ngươi chẳng phải là ý tưởng ta; đường lối Ta chẳng phải là đường lối các ngươi. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu. Con người thiên nhiên dẫu tài hoa, đạo đức, học thức, thông minh đến đâu, cũng không thể nào nhận thức được chân lý thiêng liêng, vì xác thịt thù nghịch với Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:7). Đúng như lời Chúa Giê-xu đã phán: Lạy Chúa của trời đất, tôi tạ ơn Cha vì Ngài đã giấu điều này với người khôn ngoan thông sáng, mà tỏ cho con trẻ hay (Ma-thi-ơ 11:25). Đối với người thiên nhiên, những điều thuộc linh có vẻ vô nghĩa điên dại.
Tâm trí con người cần phải đổi mới trước khi nhận thức chân lý, bước đầu tiên cho sự đổi mới là tiếp nhận Đức Chúa Trời, nhìn nhận Ngài thực hữu. Lúc ấy Ngài mới ban cho ta khôn ngoan để hiểi biết những điều mầu nhiệm của Ngài.
Tin quyết như Aristote rằng: "Cách học gảy thụ cầm (harpe) tốt nhất là gảy ngay, " Tôi quyết định nhìn nhật Đức Chúa Trời là một thật sự của đời sống hằng ngày và đầu phục Ngài vô điều kiện. Tôi nhìn nhận rằng muốn tìm thấy chân lý, trước hết phải cởi bỏ những định kiến, những quan niệm mà loài người thường cho là xác thực. Tôi muốn tin trong lòng, chứ không phải nhận bằng trí óc.
Với tâm trạng ấy, tôi đọc lại Kinh Thánh hằng ngày, tĩnh tâm đọc chậm chạp từng câu một, lúc nào cũng cố lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời. Tôi đã tới mức ganh đua với Pascal mà cầu nguyện bằng Kinh Thánh hơn là đọc Kinh Thánh. Chẳng bao lâu, ánh sáng tràn ngập tâm trí tôi; tôi được liên lạc với Chúa Giê-xu và những mối nghi ngờ của tôi lần lượt tiêu tan hết. Dường như nhiều "vảy cá" đã rơi khỏi mắt tôi, và những điều trước kia tôi cho là rất khó hiểu, thì bây giờ lại hóa ra giản dị, sáng sủa. Vì Đức Chúa Trời làm được mọi sự, nên tôi có thể tin nhận toàn bộ Kinh Thánh, không chút e dè, cả đến những điểm mới xem có vẻ như mâu thuẫn, vì chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dứt khoát khiến cho Kinh Thánh đầy ý nghĩa và đủ bằng chứng xác thực. Trong Kinh Thánh quả có "đủ ánh sáng để rọi đường cho những người nào muốn được soi sáng" như Pascal đã nói.
Khi đọc Kinh Thánh, tôi hoàn toàn nhận biết tình trạng khốn nạn, không xứng đáng của mình, và hiểu rằng tôi ô uế, hư hoại như mọi người thiên nhiên khác. Tội lỗi đã đào một hố sâu giữa Đức Chúa Trời và tôi, và khiến Ngài quay mặt không nghe tiếng tôi (ê-sai 59:2). Vâng, hết thảy loài người đều phạm tội - tôi không được ngoại trừ - và tiền công của tội lỗi là sự chết, là lửa đời đời trong vực sâu, địa ngục (Rô-ma 6:23). Nhưng Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Chúa Giê-xu đã xuống mặt đất khốn nạn này để chịu đau đớn và chịu chết thế cho ta, ngõ hầu huyết Ngài đổ ra xóa sạch tội lỗi loài người. Nhờ đó, khi ta tin đến Chúa Giê-xu, ta được phục hòa với Đức Chúa Trời, được thừa nhận là con cái Ngài. Kinh Thánh nhiều lần công bố rằng sở dĩ ta được cứu rỗi không phải nhờ việc lành, hi sinh hoặc công đức riêng, nhưng chính là nhờ lòng yêu thương, nhân từ của Đức Chúa Trời. Ấy là nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình (ê-phê-sô 2:8-9).
Sự cứu rỗi là một tặng phẩm, một ân tứ vô điều kiện của Đức Chúa Trời; Không thể mua được hay trả giá bất cứ cách nào. Không thể nào được cứu rỗi do việc lành, cầu kinh, thánh lễ, kiêng ăn hoặc ép xác khổ tu (Cô-lô-se 2:20-23; I Ti-mô-thê 4:1-5), hoặc bởi một nghi lễ tôn giáo nào. Ta chỉ cần tiếp nhận và quý chuộng ân tứ ấy cùng kính yêu Đấng đã thi ân. Tôi vốn là một tội nhân, không thể tự cứu lấy mình; tôi cần Chúa cứu, ngoài Chúa Giê-xu không ai cứu được tôi. Ngài đã đổ huyết trên thập tự giá để tẩy sạch tội lỗi tôi (I Giăng 1:7), và hòa giải giữa Đức Chúa Trời và tôi. Ngài đã chịu chết vì tội lỗi tôi, để tôi được sự sống mới, sự sống đời đời. Chỉ nhờ Chúa Giê-xu, chúng ta mới biết được Đức Chúa Trời, không nhờ Ngài chẳng ai được đến cùng Đức Chúa Cha (Giăng 14:6).
Tôi đã tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của chính tôi.