Năm 1994 Mục Sư Trương Văn Hoàng (thân sinh của Mục sư Trương Anh Tú) đến truyền giáo tại tỉnh Bình Thuận, ông có làm chứng cho một cố gái 14 tuổi tên là Đổng Thị Kim Nguyên, dân tộc Chăm. Cô Kim Nguyên đã tin Chúa, sau đó cô làm chứng lại cho cả gia đình cô đều tin Chúa, người chồng và hai người con của cô cũng tin Chúa. Năm 18 tuổi cô kim Nguyên dâng mình hầu việc Chúa. Cô hiện đang là Nữ Truyền Đạo thuộc Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam.
Theo phong tục của người Chăm, cô gái trinh nguyên vào độ tuổi 13-14 được chọn là người “ngồi đồng” trong các lễ hội cúng bái thần tượng. Năm 1994 cô Kim Nguyên được dân trong làng tiến cử là người “ngồi đồng” để cho các bô lão và “bà bóng” cầu hồn người chết về nhập vào thân xác của cô Kim Nguyên. Mọi thông điệp do cô Kim Nguyên nói ra được mọi người tin là từ thần thánh hay của một người quá cố nào đó hiện về mách bảo. Khi cô Kim Nguyên công bố mọi người đều phải cúi lạy cô, vì cho rằng thần thánh đang nói với mình.
Cũng trong năm đó cô tin Chúa. Đây là một quyết định không dễ dàng cho một người muốn trở thành Cơ Đốc Nhân trong cộng đồng người Chăm, nhất là cho cô Kim Nguyên vì cô là một trinh nữ “đương nhiệm của bà bóng” - “ngồi đồng”.
Người Bác, là chị cả của bố cô Kim Nguyên, người có quyền lực nhất trong giòng tộc (Người Chăm theo chế độ Mẫu Hệ, người phụ nữ, chị của cha được gọi là Bác, chứ không gọi Cô như người Kinh) đã đến nhà mắng chửi cả gia đình cô Kim Nguyên vì họ đã bỏ ông bà, tổ tiên mà theo đạo Tin lành của Mỹ. Bà ấy nhắc đến niềm tự hào của giòng tộc khi cô Kim Nguyên được chọn “ngồi đồng”. Khi bố của cô Kim Nguyên bị bệnh, bà đến thăm và bảo phải đưa ông đến nhà thầy cúng để cầu khấn chữa bịnh. Bà dùng những từ ngữ vô cùng thô bạo để sát phạt gia đình cô Kim Nguyên. Bà chỉ vào cái tổ mối và nói rằng: “Tụi bay theo đạo Tin Lành nên thần thánh hiện ra trong nhà bay, bắt cha tụi bay phải bị bịnh”. Cô Kim Nguyên can ngăn và bảo rằng chỉ có Chúa Giê-xu là Đấng chữa lành. Cô nói với bố cô rằng con cầu nguyện và Chúa sẽ chữa lành cho bố. Trước mặt bà Bác, cô cầu nguyện lớn tiếng và khẩn thiết, ngay lập tức Chúa đã chữa lành cho ông.
Sau đó cô Kim Nguyên nói với bà Bác rằng: “Cái tổ mối này không phải là thần thánh gì cả, vì cái tủ lâu ngày cháu không xài, mối đến ăn gỗ và làm tổ trong đó luôn. Nếu Bác cho là thần thì cháu sẽ cầu nguyện Chúa Giê-xu sẽ huỷ diệt nó ngay”. Nói xong cô và người chị đặt tay trên tổ mối cầu nguyện xin Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài và thương xót người Chăm của mình, thình lình tổ mối tan ra như đống cát bị nước xối vào trước vẻ mặt kinh hoàng của bà Bác. (Mối dùng nước bọt trong miệng với đất để xây tổ, vì thế đất tổ mối rất cứng, dùng búa đập mới bể tổ mối).
Từ dạo đó gia đình của cô Kim Nguyên không bị bà Bác quấy rầy nữa. Bà nội (mẹ của mẹ cô Kim Nguyên) khen rằng: “tao có mấy đứa con, nhưng không đứa nào giống như mẹ của con Nguyên, nó không giàu có, nhưng lúc nào cũng đem thức ăn đến cho tao, bữa thì cái bánh, bữa thì tô canh, nó đâu có bỏ tao đâu?”
Nhiều người Chăm đã tin Chúa qua gia đình của cô Kim Nguyên, khi cô cưới chồng thì anh chồng cũng đã tin Chúa, hiện nay anh là người hỗ trợ cô Kim Nguyên rất đắc lực trong công tác truyền giáo. Cô Kim Nguyên kể lại rằng: “Để có tiền đi dự đại hội Giáo hạt Đông Nam Bộ, mấy ngày trước chồng em cầu nguyện xin Chúa ban cho bẫy chim được nhiều hơn để bán có tiền cho em đi đây, Chúa đã ban cho đúng như vậy. Chồng em khích lệ em rất nhiều. Mỗi lần em đi mở Hội Thánh mới, chồng em bảo rằng em hãy yên tâm, anh sẽ lo cho em hết mọi chuyện trong gia đình, em cứ lên đường”…
Cô Kim Nguyên có chồng và hai con, đứa lớn 11 tuổi đang học lớp V, đứa nhỏ 8 tuổi đang học lớp III. Cô Kim Nguyên đang quản nhiệm 3 Hội Thánh (Báp-tít Đông Giang – Bình Thuận, Báp-tít Phan Rang – Ninh Thuận và Báp-tít Sơn Điền – Lâm Đồng) bao gồm người Chăm, người K’Ho và người Kinh. 3 Hội Thánh này có 38 người lớn, 20 Thanh Niên và 25 thiếu nhi.
- Hằng tuần cô giảng ở Hội Thánh Nào?
> Chúa Nhật thì giảng tại Hội Thánh Báp-tít Đông Giang là chính, mấy ngày khác sẽ đến hai Hội Thánh Kia.
- Hội Thánh phụ cấp cho cô bao nhiêu tiền một tháng?> “Phụ cấp” là gì? Em chưa biết “phụ cấp” là cái gì cả!
- Phụ cấp tức là Hội Thánh hỗ trợ cô hằng tháng bằng tiền mặt đó> Không có gì cả.
- Hằng tháng Hội Thánh dâng hiến được bao nhiêu tiền?> 250.000 đồng. Tín hữu làm nông, không có tiền mặt.
- Vợ chồng của cô làm gì để sinh sống?> Làm nông, giống như mọi người.
- Cô đi lại bằng gì?> Xe đò
- Hằng tuần thờ phượng Chúa tại đâu?> Nhà của mẹ ở trong rẫy.
Một người phụ nữ xấp xỉ 30 tuổi như cô Đổng Thị Kim Nguyên thật đáng để cho chúng ta học tập. Cũng thật đáng trân trọng tấm lòng người chồng của cô nữa. Ai dám bảo rằng anh ấy không phải là người hầu việc Chúa?
Ms Nguyễn Quốc Ấn ghi theo lời kể của cô Đổng Thị Kim Nguyên
Cô TĐ Đổng Thị Kim Nguyên (Ảnh của Ms Quốc Ấn. Ngày 4.11.2009)
Hoàng Ngọc Hùng