Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

THÁP VĨNH CỬU - 1


LỜI GIỚI THIỆU
Từ phố xá đô thị cao ngất tới làng mạc xa xôi, Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới đang được Đức Chúa Trời dùng để đưa con người từ nghi ngờ tới quyết định làm môn đồ Ngài. Đây là chức vụ bất tận, làm thay đổi cuộc sống, và hiện đang diễn ra ngay chính giây phút này, vòng quanh địa cầu.
Chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới là một chức vụ phát thanh Cơ Đốc mang tính quốc tế đã từng rao giảng Tin Mừng về tình yêu không phai tàn cùng sự tha thứ đời đời của Đức Chúa Trời suốt gần năm thập niên qua. Tổ chức chúng tôi được thành lập năm 1952 do Tiến sĩ Paul E. Freed, người đã tham dự một hội nghị đặc biệt về truyền giáo cách đó bốn năm tại Thụy Sĩ và nghĩ rằng mình sẽ làm giáo sĩ tại Tây Ban Nha. Mục tiêu của ông thì đúng, nhưng Đức Chúa Trời đã thay đổi phương pháp của ông. Thay vì nói trực tiếp và đối diện với từng người, Tiến sĩ Freed được Đức Chúa Trời hướng dẫn xem xét dùng ra-đi-ô làm phương tiện để nói cho mọi người về Chúa Giê-xu.

Các chương trình đầu tiên của chúng tôi được phát sóng đến Tây Ban Nha vào Tháng Hai 1954, bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh từ một máy truyền tin nhỏ ở Tangier, Morocco. Từ khởi điểm khiêm tốn đó, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã mở rộng lịch phát thanh hàng tuần lên hơn 1.600 giờ chương trình Cơ Đốc từ 13 điểm phát sóng siêu công suất chính và bằng vệ tinh. Các buổi phát thanh cũng được truyền qua hơn 1.600 đài địa phương. Thính giả trên hơn 160 quốc gia có thể nghe Lời Đức Chúa Trời giảng dạy qua hơn 165 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh hưởng thật khó tin nổi. Ngày nay, trên 1 triệu rưỡi cánh thư, “fax,” điện thư, cùng nhắn tin qua điện thoại vẫn nhận được hằng năm, cho thấy cách Đức Chúa Trời đã dùng các buổi phát thanh để thay đổi những cuộc đời mãi mãi!
Mục tiêu chính của chúng tôi là tuân phục điều thường được gọi là “Đại Mạng Lịnh.”
Chúng tôi đã chọn ra-đi-ô làm dụng cụ thực hiện sứ mạng này.


NỘI DUNG
7 Tháp Vĩnh Cửu
Tác giả: Paul E. Freed

Lời Mở Đầu
NHÂN SỰ MIỄN CƯỠNG
HẢI NGOẠI VÔ TỘI
CÀNH CÂY BỊ UỐN CONG
CON NGƯỜI ĐƯỢC THÀNH HÌNH
THƯ CHO MỘT THIẾU NỮ
KHAO KHÁT CHÍNH NGHĨA
VỀ LẠI RỪNG THÔNG
TIẾNG NÓI TANGIER
THĂNG TIẾN
ĐỐI ĐẦU MỚI
PHÉP LẠ Ở MONACO
SẴN SÀNG GHI DANH TỚI MONTE CARLO
NƯỚC ĐỨC DẪN ĐƯỜNG
NÓI VỀ TÂY BAN NHA
BÙNG CHÁY MỐI QUAN TÂM NƯỚC PHÁP
NHỮNG NGƯỜI ĐIỀU ĐỘNG CHO CHÂU ÂU
PHỦ KÍN TRUNG ĐÔNG
KỶ NGUYÊN MỚI CHO PHÁT THANH XUYÊN THẾ GIỚI
LỜI CỦA BETTY JANE
SIÊU CÔNG SUẤT TẠI CARIBBEA
ÂM THANH CỦA SỰ SỐNG
QUÀ TẶNG VÔ GIÁ

LỜI MỞ ĐẦU
Đây là câu chuyện về bước đầu của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới, không diễn ra tại một trong những đài phát thanh của chương trình, mà là trong lòng một con người, Paul E. Freed. Chúa biết cách Ngài có thể dùng Paul Freed cho bước mạo hiểm truyền giáo lớn lao này và triển khai trong ông tinh thần truyền giáo say mê ngay từ thời niên thiếu lớn lên tại vùng Trung Đông. Cha mẹ ông, vốn là giáo sĩ suốt 27 năm tại nơi ngày nay gọi là Syria, đã mang lại cho cuộc đời Paul một khải tượng truyền giáo sâu sắc, nếu không thì ông chẳng bao giờ có được khải tượng đó.
Ngay từ khởi điểm, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới bắt đầu trong lòng một người, thì ngày nay đã trở thành nhịp tim trong lòng nhiều người nam và nữ khắp thế giới. Một số nhân viên tận tụy được nêu tên trong các chương sách này. Tuy nhiên, những người khác tham gia trong chức vụ Phát Thanh Xuyên Thế Giới từ khi sách này được viết ra, cũng giữ vai trò thiết yếu trong việc phổ biến công tác đã bắt đầu từ 1952. Họ là những con người không ai nghe thấy nhưng cuộc đời họ đã gắn bó với chức vụ của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới .

Sách này đưa độc giả từ những chặng đầu trong lịch sử Phát Thanh Xuyên Thế Giới, khởi điểm với “The Voice of Tangier” (Tiếng Nói Tangier), sau đó là đài phát thanh Monte Carlo, và kết thúc với đài phát sóng của chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Bonaire. Từ Bonaire, chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã xây dựng những thiết bị phát thanh hoặc dùng các trạm sẵn có khắp thế giới. Với gần 1.000 giờ của chương trình hàng tuần được phát sóng từ nhiều điểm phát thanh, Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã trở thành từ ngữ quen thuộc đối với nhiều độc giả hải ngoại.

Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới cũng hiện diện trên khắp năm châu và một tiểu lục địa. Những cộng tác viên trong nước - những tổ chức tự trị chịu trách nhiệm phiên dịch, điều chỉnh, và phát sóng hầu hết những chương trình của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới theo ngôn ngữ của dân tộc, cũng như đảm trách việc liên lạc thư từ và thăm viếng chăm sóc - rải rác trên 30 quốc gia. Ngày nay hàng trăm ngàn lá thư được tiếp nhận mỗi năm từ các thính giả theo dõi các buổi phát thanh của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới ; riêng tại Ấn Độ, mỗi tháng có từ 25.000 tới 40.000 lá thư.
Từ đây, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới sẽ đi về đâu? Chúa sẽ mở những cánh cửa cơ hội mới nào trong tương lai? Chúng ta không biết được, nhưng có một điều chắc chắn đó là Ngài vẫn là Đức Chúa Trời Toàn năng đã từng gieo hạt giống của chức vụ này trong lòng một người nhiều năm trước đây. Tháp Vĩnh Cửu ghi lại những sự việc do kết quả của hạt giống đó nẩy nở và cuối cùng trổ hoa thành chức vụ truyền thanh toàn cầu cho vinh quang của Đức Chúa Trời. Nguyện danh Ngài được ngợi khen.
A. L. Robertson, D. D.
Phó Chủ Tịch Ban Điều hành Phát Thanh Xuyên Thế Giới

NHÂN SỰ MIỄN CƯỠNG
Không bao giờ tôi có thể quên được cái ngày oi bức năm 1948 đó, khi tôi bước xuống tàu lửa tại Barcelona. Tôi KHÔNG quan tâm tới Tây Ban Nha. Tôi thà tới hầu như bất cứ nơi nào khác trên thế giới hơn là Tây Ban Nha. Tôi không biết Tây Ban Nha. Tôi không đặc biệt lưu ý tới người dân Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là nước ít thu hút nhất đối với tôi - sau một thời thơ ấu thật hấp dẫn trong các xứ Ả Rập. Và tôi không biết mình sẽ làm gì tại Barcelona.

Bên ngoài sân ga Moorish, tôi được đưa tới một loại phương tiện kỳ dị gọi là taxi. Nó chẳng giống bất cứ loại xe cộ nào tôi đã đi, chạy bằng lò đốt than ở phía sau. Mùi khói bốc hôi đến nỗi tôi không biết mình phải thò đầu ra ngoài hay là ráng chịu đựng bên trong. Thật không phải là một khởi đầu tốt.

Cảnh lá cờ vàng đỏ của Tây Ban Nha phấp phới trên sân ga, khiến tôi thắc mắc không hiểu tại sao Đức Chúa Trời lại dẫn tôi theo hướng này. Nhớ lại hồi ở Winona Lake, Indiana, dường như cũng hợp lý để tôi lưu ý lời của Torrey Johnson khi ông bảo tôi: “Paul Freed à, tôi tin là Đức Chúa Trời muốn anh đi Âu châu.”

Chẳng có gì đáng kỳ vọng ngoại trừ kỳ Hội nghị Quốc tế của Youth For Christ tại Bearenberg, Thụy Sĩ. Trước đây tôi đã từng xuất ngoại, du lịch khoảng giữa Hoa Kỳ với môi trường truyền giáo của cha mẹ tôi tại Palestine và Syria. Giờ đây tôi đã ba mươi tuổi, đã kết hôn, và cho là ổn định rồi; nhưng hình như lại là thời điểm của Đức Chúa Trời cho tôi phải vượt Đại Tây Dương một lần nữa, dù rằng không dễ gì để vợ tôi ở lại Hoa Kỳ.

Hội nghị quốc tế tại Thụy Sĩ thu hút các ông từ khắp Âu châu cũng như Mỹ châu. Nhưng hai chàng thanh niên sốt sắng là đại biểu từ Tây Ban Nha đã trở thành những mắc xích quan trọng trong sợi dây xích vận mạng đời tôi. Họ nài nỉ ai đó trở lại Tây Ban Nha để giúp họ mang gánh nặng khổng lồ đem Phúc Âm đến cho 30.000.000 đồng bào họ.

Cuối cùng tôi nói là tôi sẽ đi - tiếng “vâng” rất yếu ớt, miễn cưỡng - nhưng tôi đi đúng đường. Tôi không nhận biết rằng Đức Chúa Trời đang lót đường cho toàn bộ công tác tương lai của tôi suốt những ngày ít ỏi của tôi tại Tây Ban Nha.

Tuy nhiên khi tôi bắt đầu mở mắt, thì hầu như bị thu hút ngay tức khắc bởi vẻ đẹp lởm chởm của bán đảo nhiều núi này. Tôi lại càng bị thu hút bởi người dân Tây Ban Nha - trong những thành phố đông đúc, trong khi nhảy trên những đường rải đá cuội dẫn tới các thôn xóm có bờ rào đá, khi tôi ghé mắt vào các nhà tối tăm trong hang đá. Bất kỳ đi tới đâu, tôi cũng bắt đầu cảm thấy bị khuấy động cách kỳ lạ bởi người dân Tây Ban Nha.

Cảnh sát Tây Ban Nha nổi tiếng là kỷ luật sắt, kiểm soát những con đường quê theo từng đôi. Nông dân nam và nữ của Andalusia làm việc cạnh nhau trong những rừng ô-liu. Trong các rừng cam chăm sóc cẩn thận, trong những ruộng lúa ngập nước tới đầu gối, trong bóng của cánh cửa trước nhà - may vá, thêu thùa, làm ren hoặc lưới đánh cá - khắp nước mọi người đều làm việc nhiều giờ và chăm chỉ để kiếm sống.
Trong những hang động đục từ đá mềm dọc theo con đường trên cao bên trên Alhambra là nơi ở của đám lưu lãng, đã từng sống lâu đời tại Tây Ban Nha đến nỗi chẳng ai còn nhớ chính xác họ bắt đầu xuất hiện từ khi nào. Nhưng diện mạo da màu đẹp đẽ, váy viền ren, cùng những vũ điệu vui tươi của họ đã trở thành một phần trong truyền thống Tây Ban Nha.

Bất cứ nơi nào chúng tôi đi tới trong vùng quê Tây Ban Nha, chúng tôi cũng được dân chúng lịch sự mời ăn bất kỳ món gì họ đang ăn. Tôi được dạy cho câu trả lời thích hợp đó là: “Cám ơn. Chúc phát tài.”

Trong một vùng ngoại ô chúng tôi gặp những thanh niên mặt mày nghiêm nghị được đào tạo cho nghề đấu bò nguy hiểm. Suốt cuộc đấu, các cô gái đội khăn vuông làm đẹp cho đấu trường. Các bàn nhỏ trong những quán giải khát bên đường vẫy gọi chúng tôi ngồi xuống trong khi những kẻ bán dạo vây quanh - bán tôm, khoai chiên, cua luộc, vé số, và những thứ khác. Giới thượng lưu mặc áo lông thú và đeo ngọc quí thì ngồi ăn trong những nhà quán sang trọng sáng rực ánh đèn chùm bằng thủy tinh.
Là kẻ mới xuất hiện giữa vòng người Tây Ban Nha, tôi thấy mình thích hợp với vẻ lịch sự, tính tò mò thân thiện, phong cách, cùng sự tôn trọng của họ đối với những giá trị nơi con người. Có lẽ chính tác động của tất cả những phẩm tính này ngấm qua tôi, tạo nên sự đáp ứng sâu xa nơi tôi đối với người Tây Ban Nha. Dọc theo đường phố đông nghẹt những bà già mặc đồ đen bán gà với trái vả cùng hạt dẻ và tiêu, tôi nghe tiếng lách cách của xe do la kéo. Tôi ngửi thấy mùi hoa cam và mùi tôm chiên nóng. Tôi cảm thấy mối quan tâm không giải thích được đang gia tăng trong lòng tôi.

Xuyên qua những cổng bông sắt phức tạp tôi có thể nhìn thấy những vua gia súc, những trùm ô-liu, những vua cam và bần đang nhấp nháp rượu, ngả người trong những ghế bành nệm êm, vô cùng cách biệt với đám đông ngoài phố. Bên ngoài trên những đừơng đá cuội, “phân nửa kia” chen lấn tôi - nông gia, chủ cửa tiệm, dân quê, công nhân bến tàu, hành khất, dân lưu lãng, trẻ con, kẻ bán dạo - những con người mảnh dẻ và nhanh nhẹn, hiểu biết và hoài nghi, thế nhưng lại thu hút tôi với đôi mắt đen và nụ cười bất chợt của họ.

Tây Ban Nha có một ngàn gương mặt. Một số thì nghiêm nghị và hằn nếp nhăn vì lo âu, những mặt khác thì sáng sủa và vui tươi. Đó là một xứ của dân quê chăm chỉ làm việc, tự trọng, của dân lưu lãng sặc sỡ, của binh lính dẻo dai, của nghệ sĩ và tu sĩ và thương gia và quí tộc. Đó là một xứ đa dạng về địa lý - những đỉnh núi tuyết phủ, những ngọn đồi trơ trọi, những đồng ruộng xanh rờn phì nhiêu, những thảo nguyên cằn cỗi, và những đồng bằng duyên hải cận nhiệt đới.

Lịch sử cũng để lại nhiều dấu ấn khắp nước. Những mái vòm cong duyên dáng của một ống dẫn nước của La Mã vẫn tồn tại suốt hai mươi thế kỷ. Được đúc kết không cần hồ vữa hoặc xi măng, những tảng đá hoa cương hoàn toàn ăn khớp nhau, và cho mãi tới gần đây, nước vẫn còn chảy qua ống dẫn. Những đổ nát cùng cấu trúc xưa được lưu giữ cẩn thận trên khắp bán đảo, đã ghi dấu những bàn chân đi qua của người La Mã, Visigoths, và Moors.

Alhambra, cung điện pháo đài trải rộng được hoàn tất suốt thế kỷ mười bốn bởi người Moors, vẫn là đồn lũy của người Hồi giáo Phi châu cho tới khi Ferdinand và Isabella tái chinh phục Granada trong cùng năm Columbus vượt biển về hướng tây với lời chúc của họ. 

Tại Madrid nhịp sống hằng ngày gia tăng nhờ nhiều thiết bị hiện đại. Ngoài những đại lộ rộng lớn chạy dọc hai bên là những nhà chọc trời, Madrid mang những dấu hiệu khác khiến nó trở thành hiện đại - đèn nê-ông, trạm xe điện ngầm, nạn kẹt xe, những quán rượu. Trên bờ Địa Trung Hải, Barcelona quá nhộn nhịp với doanh nghiệp và thương mại hiện đại đến nỗi khó hiểu được đã có lần Julius Caesar ở đó suốt ba năm!
Ra khỏi thành phố vào các làng, tôi bị quấy rầy bởi đám trẻ con giật mạnh áo khoác tôi ngoài đường. “Tengo hambre ! Tôi đói!” Một số rách rưới, một số đi chân không, một số chẳng mặc áo quần gì cả - tôi chưa hề chứng kiến cảnh nào giống như vậy. Tôi nhìn lướt qua từng gương mặt, đọc được từng khao khát rõ rệt trong những ánh mắt lấp lánh của chúng. Tôi thấy khó chịu khi thấy những thân thể gầy guộc, nhưng tôi mải mê nhìn chúng vì nhận biết những con người bé bỏng đó cần sự an ủi, che chở, cùng tình yêu của Chúa. Xuyên qua mạn che nghèo khổ tả tơi của chúng , thậm chí tôi - một khách lạ miễn cưỡng giữa vòng chúng - cũng có thể thấy được sức mạnh của một di sản kiêu hùng. Người Tây Ban Nha theo cá nhân chủ nghĩa, tôi phải học biết điều đó. Triết gia Miguel de Unamuno viết về đồng bào mình: “Thật khó mà cai trị một nước có hai mươi hai triệu vua.”

Ngay sau khi từ Thụy Sĩ tới, tôi tham dự buổi thờ phượng đầu tiên tại nhà thờ. Tôi được mời vào một phòng cao nhỏ bé và được yêu cầu chia sẻ cho Cơ Đốc nhân địa phương qua thông dịch viên. Khi bắt đầu nói, tôi xem xét gương mặt họ - nhiều nếp nhăn vì nhu cầu lẫn khó khăn, thế nhưng thật ấm áp hi vọng là điều dường như không thấy có ngoài đường phố.

Tôi cảm thấy cổ họng mình bị nghẹn lại trong khi nói chuyện với những con người can đảm đó: “Tôi không thể nói gì. Xin lỗi quí vị, tôi không muốn nói gì. Xin quí vị nói cho tôi nghe. Quí vị biết Đức Chúa Trời không giống như cách tôi biết Ngài. Tôi xin phép ngồi dưới chân quí vị được không? Tôi muốn nghe quí vị nói.”

Mọi người im lặng nhìn nhau. Cuối cùng, một ông tóc bạc đứng lên nói: “Nếu có điều nào thực hữu trong đời sống chúng tôi - thì đó là Chúa Giê-xu Christ có ý nghĩa đối với chúng tôi hơn bất cứ điều gì khác trên đời.”

Chắc chắn là ông có ý nói điều mình vừa nói. Tôi thấy mình đang kêu la với Đức Chúa Trời xin Ngài cũng có ý nghĩa nhiều như vậy đối với tôi.

Họ phải cùng xem chung với nhau số thánh ca và Kinh Thánh ít ỏi mình đang có, nhưng tôi chưa hề gặp những môn đồ Cơ Đốc ở bất cứ nơi nào giống như tôi đã gặp ở Tây Ban Nha. Và tôi tự hỏi biết đâu có thể là Ngài sẽ phải khiến sự nặng nề và khó khăn đến với tôi trước khi tôi có thể yêu Ngài như họ đã yêu Ngài.

Rất thành thật mà nói, dường như điều mạnh mẽ thúc giục tôi giúp Cơ Đốc nhân Tây Ban Nha chính là sự vững vàng trong người tín hữu mà tôi gặp bất kỳ nơi nào tôi viếng thăm - từ những làng Pyrenees miền bắc, cho tới Andalusia ngập nắng trên bờ Địa Trung Hải. Có vẻ như Đức Chúa Trời đang bảo tôi giúp họ nhân lên các phước hạnh thuộc linh của mình để đem sứ điệp Phúc Âm tích cực đến với kẻ khác trong đồng bào mình. Dần dần tôi nhận ra rằng chính trong những con người mà trước đây cá nhân tôi chưa hề quan tâm tới, đang trĩu nặng với nhu cầu cũng lớn lao như của người Ả Rập mà tôi đã cùng lớn lên và khao khát được phục vụ.

Tôi đi từ thành thị tới thôn xóm - phần lớn là để gặp các nhóm Cơ Đốc nhân và tổ chức truyền giảng. Bất kỳ nơi nào tôi đến cũng có sự quan tâm sâu sắc, và toàn bộ thời gian tôi ở đó, chưa hề có lần nào tôi nói chuyện với một chỗ ngồi trống. Thật ra, ghế thường được bỏ đi để có thêm chỗ cho tấm lòng đói khát. Cho dù nơi nào tôi đến, nhu cầu cũng thật là cấp bách.

Đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ không hề là sự cam kết hững hờ. Ngài là chìa khóa cho sự can đảm sôi nổi của họ. Có người nói với tôi rằng người Tây Ban Nha được tạo thành do hai phần - lòng sùng đạo vàsự vui tươi. Trong Cơ Đốc nhân Tây Ban Nha, đây là sự kết hợp đầy thuyết phục đã giúp họ vượt qua những hoàn cảnh không thể tin được. Tôi chưa hề thấy có gì giống như thế. Họ hết lòng yêu Ngài, và sau khi tôi giảng suốt hai ba tiếng đồng hồ, họ hỏi: “Hết rồi sao? Ông không thể nói thêm cho chúng tôi về Chúa Giê-xu Christ sao?”

Một bà cụ tôi gặp trong làng nọ là một Cơ Đốc nhân thật tốt. Tôi nói với bà về vẻ đẹp sớm mai cùng cảnh ngoạn mục của đồng quê Tây Ban Nha. Nhận xét của bà là lời cáo trách đối với tôi: “Pablo ơi, ông lại lạc đề nữa rồi. Tại sao ông lại lạc đề chứ? Sao ông không nói với tôi về Chúa Giê-xu? Tôi thích nói về Chúa Giê-xu hơn bất cứ điều gì khác.”

Đức tin vững vàng như của bà cụ cũng hay lây - mối thông công giữa Cơ Đốc nhân Tây Ban Nha không phải là một truyền thống tĩnh lặng. Chúa Giê-xu Christ đã đầy dẫy đời sống họ đến nỗi tràn ra ngoài, và tình yêu Đức Chúa Trời tuôn đổ để sưởi ấm và thuyết phục người khác. Khi đến với nhau, họ thường đem thêm người mới - người láng giềng, người bạn, người bà con, một người nào đó đang đói khát điều vĩnh cửu. Tôi không thể nhớ ra là có bao giờ nói chuyện ở Tây Ban Nha mà không có người mới đến với Chúa.

Câu hỏi: “Làm sao để có thêm người được nghe về sự nhơn từ của Đức Chúa Trời?” liên tục quấy rối suy nghĩ của tôi từ lúc thức dậy theo tiếng gà gáy trên vùng cao nguyên Andorran, trong lúc tôi đi ngang rừng mờ tối của Alhambra lịch sử và nghe điệu hót hiếm hoi của chim họa mi. Trong những nơi ở trần thấp của hang động đục từ những thảo nguyên khô cằn, trong những thôn xóm của người chăn với tường rào bằng đá, băng qua mạng lưới những vườn nho mênh mông, xuyên ngang vùng biển xanh rì cây ô-liu, tôi bước theo nhịp điệu thầm lặng của một đất nước khao khát Đức Chúa Trời.

Rất lâu sau ngày trở lại với cuộc sống tương đối tiện nghi ở Greenboro, N. C., tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi nhịp tim của một xứ sở mà hàng triệu người chưa hề được nghe tin mừng thực sự về Chúa Giê-xu Christ. Người chủ cối xay mặc áo khoác đen, dân sống lang thang, những người dắt la, người đấu bò, những thiếu nữ đội khăn vuông, trẻ em chập chững trong rách rưới, những cậu bé đánh giày, những nông dân choàng khăn - tất cả cứ lảng vảng ra vào, tới lui dưới mắt nội tâm của tôi. Trong khi chia sẻ với thiếu niên Cơ Đốc, khuyên nài những người trung niên ngoan cố, cầu nguyện cho trẻ em ngang bướng cùng cha mẹ điếc của chúng tại Hoa Kỳ - một đất nước dẫy đầy hàng ngàn nhà thờ, tôi phải thú nhận trong chỗ riêng tư trước mặt Đức Chúa Trời rằng: tôi là tù binh của Tây Ban Nha và của niềm khao khát Chúa Hằng Sống trong lòng họ.

Hình ảnh thật linh động, thế nhưng phức tạp. Trong một xứ nhiều núi thứ hai của Âu châu, miền đất Tây Ban Nha len lỏi chen chúc với những cộng đồng khó tiếp xúc. Ba mươi triệu người xâu xé lòng tôi. Trong trí tôi chỉ có một lời giải đáp cho vấn đề: Phát thanh. Không giống bất cứ thứ gì, phát thanh có thể bao trùm cả nước từ đỉnh núi xuống thung lũng, từ nội địa Madrid tới duyên hải Cadiz. Tôi chưa có một xu hỗ trợ nào, tôi không biết phải đi những bước nào. Nhưng tôi biết chắc một điều - hẳn nhiên Chúa đã liên kết lòng tôi với lòng của Tây Ban Nha.

HẢI NGOẠI VÔ TỘI
Không còn nghi ngờ gì nữa! Chia xẻ Phúc Âm cho hàng triệu người Tây Ban Nha không phải là chuyện nhỏ. Có những lúc tôi cảm thấy vô nghĩa như đã có lần cách đây nhiều năm trước, khi tôi ở giữa lòng Đại Tây Dương. Chuyến đi đó đưa tôi từ Southampton ở Anh sang New York City. Lúc ấy tôi mười bảy tuổi và chán nản. Mỗi tấc tàu Queen Mary là của tôi. Chẳng còn phần đất nào nữa để chinh phục sau ba ngày ròng rã trên tàu. Và những đường rầy bên trên đã rào ngăn tôi như những chấn song nhà tù.

Bỗng nhiên một người đi ngang qua. Tôi chú ý tới một khung thật lớn rồi quay lưng bắt đầu bước theo người đàn ông đi quanh boong tàu. Bỗng ông quay lại nhìn tôi và hỏi: “Cậu muốn gì?”

Tôi thật hoảng kinh và đỏ mặt nhìn xuống nói lắp bắp: “Dạ, tôi chỉ xem ông thôi!”
Ngay phút sau ông cư xử với tôi như một người thật cao cả. Ông khéo léo tạo sự thoải mái cho tôi khi bảo : “Được rồi, cứ đi bên tôi. Cậu không cần phải ở mãi tít đằng đó.”

Chúng tôi nói chuyện về con tàu, thời tiết, đại dương, con người, thể thao. Và chúng tôi kết thúc trong phòng giải trí chơi bóng bàn. Ông ta là người chơi bóng bàn giỏi nhất mà tôi từng gặp - cũng là điều hợp lý khi tôi khám phá ra ông là nhà Vô địch Bóng bàn Quốc gia của Ái nhĩ lan.

Ông đề nghị: “Nếu cậu muốn xuống phòng tôi, tôi sẽ cho cậu xem cái này.”
Chán nản tan biến ngay khi tôi bước bên cạnh ông trong cảm giác tự hào là mình đã làm quen được với người hành khách nổi tiếng nhất trên tàu!

Khi đã vào phòng, ông mở va li, và kéo ra một quả cầu lớn bằng sắt có đính sợi dây xích. Tôi nhận ra đó là loại mà bạn cho xoay quanh đỉnh đầu rồi thả cho bay.
“Tôi là nhà vô địch ném tạ xích Olympic của thế giới,” ông vừa nói vừa trao cho tôi.
Tôi thở mạnh.

Ông thật tử tế với tôi. Nhưng ông trông giống như một người thật vĩ đại, và tôi nhìn ông vô cùng kinh ngạc. Tôi thật hãnh diện có được một người bạn mới như vậy. Nhưng ý nghĩ vênh vang đó tiêu tan khi tôi cảm nhận được Tiếng Nói bên trong tôi, bảo:

“Ta muốn con nói với người này. Ta muốn con nói với người về Chúa Giê-xu Christ.”
Tôi khiếp sợ. Tưởng tượng một bé con chẳng ra gì lại đi nói một điều gì đó cho nhà vô địch lớn của thế giới. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là hoảng sợ. “Không, không được đâu. Con không làm được đâu.”

Nhưng Tiếng Nói bên trong vẫn tiếp tục và thầm lặng. Dù sợ phải nói nhưng tôi vẫn cho tay vào túi tìm cuốn Tân Ước tôi mang theo. Tôi biết mình phải cố gắng tối đa cho dù có tệ đi nữa. Ít ra tôi cũng có thể đọc câu Kinh Thánh GiGa 3:16 cho ông ta nghe.
Giọng nói tôi nghe như vọng lại từ rất xa - như thể phát ra từ bên dưới của một trong những thuyền cứu hộ.

“Xin lỗi, thưa ông, tôi xin phép đọc cho ông một câu trong sách nhỏ này. Tôi biết ông bận lắm, nhưng . . . “

Ông ta theo dõi trong khi tôi đọc những lời quen thuộc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Chẳng có cách nào biết được ông phản ứng ra sao. Khi tôi đọc xong, ông đặt bàn tay thật lớn trên vai tôi và nói: “Cám ơn, con trai. Con không biết được câu đó có ý nghĩa ra sao đối với ta. Ta sẽ nhớ những điều con nói. Và này, cưng à, đừng bao giờ sợ làm cho người khác chính điều mà con vừa làm cho ta nhé.”

Nhiều lần trong thời tuổi trẻ, tôi cảm nhận được Đức Chúa Trời bảo tôi làm chứng cho Ngài. Nhưng thời niên thiếu, tôi thường lý luận, tôi nghĩ là mình không thể làm được. Phải có một cách nào khác - qua nhà truyền đạo, qua cha mẹ tôi, qua lớp Trường Chúa nhựt. Nhưng …”thưa Chúa, không qua cá nhân con, con không làm được chuyện đó.”

Nhưng Ngài không bao giờ để cho tôi rớt khỏi lưỡi câu. Đức Chúa Trời liên tục kéo tôi về lại điểm làm chứng cá nhân cho Giê-xu Christ. Sự kiện trên tàu thời niên thiếu đã khích lệ tôi. Chúa đã kiên trì dẫn tôi tới chỗ chấp nhận tầm quan trọng phải nói cho người khác về tình yêu của Ngài.

Và tôi biết chắc rằng gánh nặng của Ngài trong lòng tôi về Tây Ban Nha cuối cùng sẽ được khích lệ như vậy. Ngọn núi lù lù phía trước sẽ thực sự dời đi nếu tôi biết tin cậy và không sợ hãi.

CÀNH CÂY BỊ UỐN CONG
Bàn tay dẫn dắt của Đức Chúa Trời đã dệt nên khuôn mẫu “tin cậy vâng lời” suốt cuộc đời tôi ngay từ những ký ức đầu tiên. Ba mẹ tôi đã cho anh em tôi mái ấm gia đình tuyệt vời nhất có thể có được.

Trước khi tôi chào đời, một hôm ba mẹ tôi bị thu hút bởi tấm bảng quảng cáo những buổi nhóm đặc biệt, treo trước tòa thị sảnh cũ trên con đường từ nhà thờ họ đi nhóm về. Trước đó mục sư đã cảnh báo hội chúng: “Hãy tránh xa mấy người cuồng tín đó!”
Nhưng Mildred và Ralph Freed vốn hiếu kỳ, và việc họ trở lại tin nhận Đấng Christ tiếp theo sau đó tại bàn thờ tạm nơi tòa thị sảnh đã thay đổi dòng đời của tất cả chúng tôi.
Ba tôi là một viên chức làm cho Công ty Máy Tính Burroughs tại Detroit, Michigan
Hãng này thuê 10.000 người chỉ cho văn phòng quốc nội, còn ba tôi vì giữ chức quản lý ngoại vụ nên thường xuyên tiếp xúc với những nhà quản trị hàng đầu.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có một kế hoạch khác cho tất cả chúng tôi. Và con đường dẫn tới Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới khởi đầu vào một buổi sáng rất bình thường trong văn phòng của Ba tôi. Và đây là câu chuyện ông kể:

“Một người đàn ông làm chung với tôi tại Burroughs - có lẽ lớn hơn tôi độ hai mươi tuổi - mỗi sáng đem thư tới. Anh cho tôi biết anh là thuộc viên của một hội thánh; 
nhưng thực sự thì anh cay đắng chống lại những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Anh có vẻ nghĩ nhiều về tôi - luôn gọi tôi là ‘Ralphie.’ Nhưng thường khi tôi làm chứng cho anh thì anh bảo: ‘Ralphie à, anh thông minh thế sao lại đi tin mấy thứ đó.’

“Tôi không tranh cãi với anh; tôi chỉ tái nhấn mạnh điều Đức Chúa Trời đã làm cho tôi. Thế rồi một sáng nọ trong văn phòng của tôi, sau khi chúng tôi làm xong việc, anh nán lại một phút trước khi ra về:

“Tôi đang nghĩ tới một chuyện, Ralphie à. Cậu có hứa là sẽ trả lời thẳng thắn cho tôi không? Cậu nói với tôi về sự cứu rỗi - huyết của Đấng Christ. Cậu cố gắng bảo rằng không có cách nào khác để đến với Đức Chúa Trời trừ ra Chúa Giê-xu Christ, nhưng tôi nghĩ là có nhiều cách đến với Đức Chúa Trời, Ralphie ạ. Thế còn mấy người ở Phi châu và Đông phương và Nam Mỹ, cùng mọi nơi khác chưa hề nghe về Chúa Giê-xu Christ thì sao?’

“Tôi trả lời ngay: “Bạn ơi, với cả lòng mình tôi tin rằng không có sự cứu rỗi ngoài Đấng Christ. Kinh Thánh nói: “Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha . . .”’
“ ‘Ralphie à, cậu có thật lòng muốn nói như vậy không? Nếu cậu thực sự tin rằng không có Chúa Giê-xu Christ thì mọi người đều hư mất, và sẽ vào hỏa ngục, theo cách cậu nói, thế cậu há lại thỏa mãn ngồi ở đây trong văn phòng đẹp đẽ này, trên chiếc ghế quay êm ái này, yên tâm lãnh lương! Nếu mọi điều cậu nói là đúng thì tôi xin thưa, cậu là tên giả hình lớn nhất mà tôi từng gặp trong cả đời tôi.’

“Thật là cú đấm kinh khủng vào lòng tự kiêu của tôi. Nhưng tôi biết anh ta thành thật, và anh tôn trọng cá nhân tôi. Tôi cám ơn anh rồi anh ra về. Khi về nhà tối hôm ấy, tôi không ngủ được, vì tôi nghĩ đến mọi hàm ý trong cuộc đối đầu với anh. Tôi thật hạnh phúc ở Burroughs, có người vợ tuyệt vời với một con trai. Và cuộc sống hiện tại của tôi có vẻ thành công khi đang trải rộng trước mắt tôi với tương lai đầy hứa hẹn.
“Nhưng khi tôi trở lại văn phòng sáng hôm sau, nơi đó không còn có vẻ giống như trước nữa. Chiếc ghế quay dường như không còn êm ái như ngày hôm trước.
“Một năm rưỡi trôi qua trước khi chúng tôi dọn nhà, nhưng khi dọn, chúng tôi không còn nghi ngờ gì về việc Đức Chúa Trời kêu gọi chúng tôi phục vụ những người không biết về tình yêu của Chúa Giê-xu Christ trong cuộc đời họ.”
* * * * *
Khi Ba tôi nộp đơn từ chức, hãng Burroughs đề nghị cử ông làm giám đốc chào hàng khắp Âu châu. Họ nghĩ ông có máu thích du lịch khiến ông đứng núi này trông núi nọ. Họ tưởng ông muốn làm việc ở hải ngoại. Một điều mà họ không thể tin được đó là ông muốn rời Borroughs. Họ nói, ông có thể lập ra bất cứ tổ chức nào ông thích, làm bất kỳ điều gì ông cảm thấy cần làm. Họ tặng ông một thẻ trắng - ông có thể ghi vào đó chi phí riêng. Nhưng Ba tôi cám ơn họ và giải thích: “Không phải máu thích du lịch đẩy tôi tới những nước mới mẻ xa lạ. Đó là chính Đức Chúa Trời.”

Một trong những người đứng đầu hãng lắc đầu nói: “Ralph Freed ơi, nếu bất kỳ lúc nào anh muốn trở lại Burroughs, chúng tôi sẽ rất vui tiếp đón anh. Chỉ cần gửi cho chúng tôi một điện tín, là chúng tôi sẽ sắp xếp chỗ cho anh ngay - bất cứ lúc nào; tôi có ý nói bất cứ lúc nào không chịu đựng được nữa, chúng tôi luôn hoan nghinh anh quay về lại Borroughs.”

Vào lúc ba mẹ tôi rời quê nhà ở Birmingham, Michigan, dọn tới Nyack, New York để theo học ở Missionary Training Institute (Viện Đào tạo Giáo sĩ) thì em gái Ruth của tôi mới được ba tháng. Dùng tiền để dành, năm đầu theo học trôi qua êm xuôi, nhưng qua năm thứ hai thì chẳng còn vốn liếng để sinh sống. Tôi nhớ ba tôi cọ sàn , vẽ bản đồ, đào mương - làm bất cứ việc gì để nuôi sống gia đình.

Tới một lúc toàn bộ sự việc hầu như không chịu được nữa, và Ba tôi nhớ lại đề nghị của Burroughs. Cố gắng tối đa của ông vẫn không đủ. Tiền hết, chẳng còn gì để ăn. Sáng Chúa nhựt, tủ trống trơn và tiếng réo gọi của bao tử, chúng tôi chờ đợi thư từ với hi vọng Đức Chúa Trời cảm động người bạn nào đó gửi món quà nhỏ cho mình. Chẳng có thư. Ba tôi chỉ còn đồng tiền năm xu.

Mẹ chuẩn bị xong, tất cả chúng tôi đi bộ xuống phố, Ruth nằm trong xe đẩy. Khi tới tiệm thực phẩm, Ba tôi rút trong túi ra đồng năm xu cuối cùng rồi đặt lên quầy hàng. Ông chọn cây kẹo lớn nhất mà đồng năm xu có thể mua được rồi đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên được ăn kẹo vào giữa ngày khi mà lẽ ra là phải ăn thịt với khoai, nhưng tôi cũng ăn.

Sau đó khi chúng tôi đi ngang qua văn phòng Western Union, Ba dừng lại, quay sang nói với Mẹ: “Mildred à, em với anh thì sao cũng vui cả. Nhưng mà khi con cái chúng ta đói mà chẳng có gì cho chúng ăn - thì thật quá sức chịu đựng! Anh không thể tiếp tục được nữa. Anh không còn muốn cố gắng làm chuyện ngoài khả năng của mình nữa. Anh sẽ gửi điện tín cho Burroughs.”

Mẹ tôi trì hoãn để kéo dài thời gian: “Ralph à, mình suy nghĩ thêm một chút đi.”
“Không được,” Ba nhấn mạnh khi bắt đầu bước vào cửa. “Chúng ta không thể tiếp tục như thế này được. Anh sẽ gửi điện tín ngay bây giờ.”

Tôi không bao giờ quên được vẻ yêu thương và tin tưởng tuy dịu dàng nhưng cương quyết sáng rực trên gương mặt mẹ khi bà nhìn ba tôi: “Ralph à, chúng ta hãy thử Đức Chúa Trời một lần nữa xem sao. Chỉ một lần nữa thôi.”

Khi chúng tôi trở về lại căn hộ, ba mẹ đưa chìa khóa cho tôi và tôi chạy trước mở cửa. Tôi khó tin được điều mình chứng kiến. Căn phòng đầy cả thực phẩm. Khắp phòng ngổn ngang những túi khoai, bánh, rau, thịt, bột, đường, ngũ cốc, gà, bánh mì - đủ mọi thức ăn mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra khi bao tử trống.

Nhưng đó không phải ảo ảnh! Mẹ và Ba tôi, từ sau lưng tôi, nhìn nhau kinh ngạc và quì xuống cảm tạ Đức Chúa Trời. Cho tới ngày nay chúng tôi cũng không biết cậu bé giao hàng là ai. Nhưng chúng tôi biết - chính Đức Chúa Trời đã gửi tới.

Hơn bất cứ điều gì khác, Ba Mẹ tôi muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngài là trung tâm của mọi lựa chọn, mọi kế hoạch. Đó là lý do khiến gia đình chúng tôi thật tuyệt diệu, cho dù ở đâu - Detroit, Nyack, Jerusalem, Dera’a. Chúng tôi sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng mối liên hệ giữa Ba Mẹ luôn bền chặt. Họ yêu nhau đến cùng. Thái độ Cơ Đốc chân thật của Ba Mẹ đối với nhau và đối với con cái dạy cho chúng tôi rất nhiều về cách sống tích cực. Chẳng có việc gì quá lớn để không thảo luận với chúng tôi - dĩ nhiên là ở trình độ chúng tôi. Nhưng em tôi là Ruth, và tôi cảm thấy mình quan trọng, luôn luôn là một phần thực sự trong cuộc đời ba mẹ chúng tôi. Họ luôn luôn khiến chúng tôi cảm thấy mình được bao gồm trong những quyết định, những dự án của họ.
Tôi có thể chêm vào ở đây rằng hố sâu giữa bọn trẻ với người lớn, giữa con cái với cha mẹ, là vấn đề nghiêm trọng trong xứ chúng tôi. Quá thường xuyên, qua cách cư xử của mình, chúng ta ngụ ý: “Thôi thì chúng còn nhỏ; đừng nên quấy rầy chúng. Chuyện này quá rắc rối, quá khó đối với chúng - đừng kéo chúng nó vào làm gì.” Khi nhìn lại, tôi tin rằng yếu tố này - tức yếu tố được bao gồm như một thành viên hợp pháp trong một tình huống cơ bản nào đó - đã đưa tôi vào những sứ mạng như việc làm của đời tôi, thay vì khiến tôi chống lại. Thật ra, tôi cảm nhận được rất nhiều rằng mọi việc có liên quan đến cuộc đời cùng chức vụ tôi, gắn liền chặt chẽ với những gì trong tuổi thiếu niên của mình, như là con của một giáo sĩ, với cha mẹ tôi.

Tình yêu cùng lòng tận hiến cho gia đình đã khiến chúng tôi rất gần gũi với nhau - không chỉ giữa Ba Mẹ, mà còn giữa Ruth và tôi. Cô ấy là, và vẫn là cô em gái tuyệt vời. Ruth thật rất có ý nghĩa đối với tôi, nhất là lúc còn bé và ở tuổi thiếu niên khi chúng tôi sống xa quê hương, giữa vòng người Ả Rập. Về sau trong đại học và trường Kinh Thánh, khi chúng tôi đối diện những thích nghi , cô ấy và tôi có được nhiều giờ vui vẻ thảo luận niềm vui cũng như giúp nhau trong những vấn đề bình thường của những năm hình thành nhân cách chúng tôi.

Việc ba tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch tổng quát vùng Trung Đông cho tổ chức Christian and Missionary Alliance (Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp) đưa chúng tôi đến làm việc giữa vòng dân Palestine, Transjordan và Syria. Chúng tôi là giáo sĩ duy nhất cho 300 ngôi làng khi sống tại tỉnh nhỏ Dera’a ở Hauran thuộc nam Syria. Theo chúng tôi được biết thì nhà truyền giáo chúng tôi là “ngã tư thế giới.” Người Ả Rập tự động ghé vào nhà chúng tôi bất cứ lúc nào trong ngày, và chúng tôi làm mọi thứ theo khả năng mình để giúp họ cảm thấy được chào đón.

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi trong cố gắng đưa người khác đến với Đấng Christ diễn ra lúc tôi được tám tuổi, ngay trong sân sau nhà ở Dera’a, một tỉnh nhỏ gần biên giới Arabia. Một bé trai Ả Rập, lớn hơn tôi hai hoặc ba tuổi, ghé vào nhà chúng tôi nói: “Bà ơi, tôi muốn làm việc.”

Cậu con trai này là điều mới lạ với chúng tôi, vì làm việc không phải là điều mà người Ả Rập thích nhất. Mẹ tôi nói chúng tôi không có việc gì cho cậu làm cả, nhưng cậu ta cứ nài nỉ: “Xin Bà giúp cho, tôi chỉ cần làm một chút việc vài hôm thôi.”

Dường như cậu ta có tài thuyết phục nên cuối cùng Mẹ đã đổi ý và nói cậu có thể ở lại. Tên của cậu là Thani, nghĩa là thứ hai, con trai thứ hai trong gia đình. Người Ả Rập chỉ tính con trai khi nói về con cái trong gia đình; thí dụ, chúng tôi có ba con (con trai) và hai gái.

Thani và tôi là bạn khá thân. Đôi khi cậu ta có làm việc, những lúc khác thì cậu ta suy nghĩ rất khác lạ. Một hôm Mẹ tôi đi vào làng mua thịt. Bà dẫn tôi theo và để Thani ở nhà một mình. Khi về, gần tới nhà, chúng tôi nghe tiếng kêu la khủng khiếp. Thani ở trong nhà, khóc lóc thảm thiết.

Cậu ta kêu gào: “Khiếp quá - cái đầu tôi, cái đầu tôi.”

Đầu cậu quấn kín mít khiến chúng tôi phải mất một hồi lâu mới biết đầu đuôi câu chuyện. Thiếu niên Ả Rập có phong tục để tóc rậm và dài để bảo vệ đầu khỏi nắng chói chang. Nhưng Thani thì quyết định muốn giống tôi, nên đã lấy kéo của Mẹ tự cắt tóc lấy. Cậu ta cắt, gọt và xởn - chỗ này một mảng , chỗ kia một mảng. Trông cậu ta thật ngộ nghĩnh! Và cậu luôn miệng kêu gào: “Ôi, tôi xấu xí quá!”

Giữa tiếng thổn thức, cuối cùng chúng tôi cũng nghe được: “Bà ơi, con nghĩ là trong lúc bà đi vắng thì con cố gắng làm cho phòng bà xinh xắn. Con nghĩ mình có thể vẽ vài hình đẹp lên tường.”

Thì ra Thani đã lấy sơn màu xanh nhạt vẽ đủ thứ hình khắp nơi.

“Trông khiếp quá! Con đã phá hỏng nhà bà rồi. Và con đã làm hỏng cả cái đầu mình nữa. Con thấy mình xấu quá! Con là một đứa tồi tệ. Lòng con có điều gì đó bất ổn.”
Tôi biết Mẹ là Cơ Đốc nhân thật, nhưng dấu hiệu yêu thương hôm ấy thật nổi bật nơi Mẹ khi bà an ủi Thani: “Đừng khóc về chuyện đó nữa, Thani. Chúng tôi sẽ giúp em sửa lại. Đừng lo.”

Sau một hồi dỗ dành cậu ta hết khóc, tôi cùng Thani đi ra sân - chỉ toàn đá cùng bụi đất với vài con gà đang bới đất.

Thani rên rỉ: “Lòng tôi nặng nề quá, tôi xấu quá!”

Tôi choàng tay ôm cậu ta, nói: “Anh không xấu hơn tôi đâu. Nhiều lúc tôi cũng xấu như anh vậy đó. Chỉ có một Đấng duy nhất có thể giúp chúng ta. Đó là Chúa Giê-xu. Ngài có thể bước vào lòng anh và ban cho anh lòng mới như Ngài đã ban cho tôi vậy.”

Và ngay tại đó, trong sân nuôi gà nhỏ bé của mình, tôi được đặc ân dẫn Thani đến với Chúa Giê-xu. Vài hôm sau Thani nói với Mẹ tôi: “Bà không biết là con sung sướng biết bao từ lúc Chúa Giê-xu ngự vào lòng con. Nhưng con đang nghĩ tới ba mẹ con trong làng. Họ không biết Chúa Giê-xu và các anh chị em con cũng không biết Ngài. Tất cả bạn hữu con trong đó, họ chưa hề được nghe về Ngài. Con mừng cho chính mình, nhưng còn đồng bào con thì sao? Con phải nói cho họ biết về Chúa Giê-xu Christ. Con phải trở về làng.”

Đêm hôm đó Thani dọn hết đồ đạc gói trong một tấm khăn lớn. Sáng hôm sau - với gói đồ và bữa ăn trưa - cậu ta nhập với đoàn người đi lạc đa, theo con đường ngang qua nhà chúng tôi, mang lúa mì và ngũ cốc vào làng, cách ba mươi dặm trong vùng Hauran.

Ba tôi đã bắt đầu chức vụ nơi đó tại Jebeib, ngôi làng Thani đang sống, khi vào đó lần kế tiếp, người có dẫn tôi theo. Nhiều tuần trôi qua kể từ ngày Thani cùng đoàn người lê bước trên đường và từ khi chúng tôi dọn tới Jebeib trong chiếc xe Ford Model A cũ kỹ. Chúng tôi đậu xe nơi bìa làng rồi đi bộ vào tỉnh qua những con đường hẹp, đất lún. Sau lời chào hỏi thường lệ, hai hoặc ba người lãnh đạo trong làng bắt đầu nói với chúng tôi về Thani: “Cậu thiếu niên này từ nhà ông trở về khác hẳn. Bây giờ cậu ta thật tốt và sống ngay thẳng, lúc nào cũng nói về Chúa Giê-xu Christ.”

Thani là cổng chính cho Phúc Âm vào với dân làng Jebeib, và lời chứng của cậu là yếu tố thúc đẩy lập nền tảng cho hội thánh Cơ Đốc trong làng mình. Cậu kinh nghiệm được tình yêu của Đức Chúa Trời trong gia đình chúng tôi, rồi từ tập thể yêu thương đó, ra đi chia sẻ điều mình đã nhận được với những người mình yêu thương tại quê nhà. Đức Chúa Trời đã chiếm ngự lòng cùng đời sống của cậu bé, và mọi người đều có thể thấy rõ sự thay đổi. Nhấn mạnh cơ bản của tôi ngày nay vào việc truyền giáo có liên quan trực tiếp với Thani. Cậu ta là người đầu tiên khơi dậy mối quan tâm cá nhân của tôi trước nhu cầu của người khác. Cậu ta là người đầu tiên cho tôi thấy sự thay đổi do quyền năng Đức Chúa Trời trong một con người.

Một chuyến đi với ba tôi vào làng là tin vui nhất đối với tôi trong những ngày chúng tôi sống cách biệt sâu trong vùng nội địa Syria. Tinh thần tiên phong dường như đẩy tôi xa rời những tiện nghi hợp lý của gia đình, thúc đẩy tôi nhận biết rằng công tác truyền giáo là đáp ứng nhu cầu của những con người tại nơi họ đang sống.

Đám con trai trong làng lúc nào cũng tụ tập quanh xe, và nhiệm vụ của tôi là canh chừng xe trong khi Ba tôi bận nói chuyện với dân làng. Bọn trẻ không xấu, nhưng chúng đầy bản năng con trai. Và vì dốt nát với hiếu kỳ cho nên chúng có thể gây nhiều thiệt hại - như là lấy đá sắc bén viết lên lớp sơn sáng bóng của xe. Suốt một thời gian chúng tôi cảm thấy bực bội về những bài toán cùng bài tập viết cào sướt khắp cả xe, nhưng Ba tôi học biết rằng nước sơn của xe có thể hi sinh được, chừng nào mà chúng tôi vẫn có thể chạy xe để đem Phúc Âm đến cho dân làng.

Chiếc xe trở thành phương tiện học tập cũng như vận chuyển đầu tiên đối với tôi. Con trai Ả Rập thán phục người Mỹ và nôn nóng muốn biết thêm về chúng tôi cùng những máy móc có công suất lớn của chúng tôi. Chính nhờ những mẩu đối thoại thông tin qua chiếc xe mà tôi học được từ vựng địa phương và cuối cùng có thể nói giỏi tiếng Ả Rập đủ để nói về Chúa Giê-xu Christ cho đám trẻ. Vào lúc chúng tôi chuẩn bị rời làng thì thường có tới hai mươi trẻ con Ả Rập đánh đu theo xe! Bậc thềm lên xuống xe, hãm xung, mui xe, chắn bùn, tất cả đều chật nghẹt. Nếu không xua được chúng bước xuống, thì chúng tôi phải cho chúng dạo một vòng - mỗi lúc càng tăng tốc đô cho tới khi chúng phải xin dừng lại để leo xuống vì đã đi quá xa nhà chúng.
Những lần phiêu lưu như vậy đã tạo cho tôi ngay từ thời ấu thơ một định hướng cho những lần tiếp xúc với người khác về sau, và tôi lớn lên, cùng chia sẻ công việc với ba mẹ tôi, và càng nhận biết rõ ràng hơn ý nghĩa của chức vụ đem Phúc Âm cho những người đang cần ở những vùng tiên phong.

Cho một chuyến đi nhiều ngày thường chúng tôi phải trang bị cắm trại trong xe để có thể tự nấu ăn. Bảng liệt kê của chúng tôi gồm khoảng bảy mươi lăm món kể cả diêm quẹt, nồi hầm, dầu hôi, nước, cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Chuyến đi như thế này cho tôi có cơ hội thực tập những phong tục Ả Rập như là bắn ná làm bằng lông lạc đà hoặc uống từ bình bằng đất.

Mỗi nhà Ả Rập đều có một bình nước ngay tại cửa nhà để giải khát cho người qua lại. Do cách uống của họ đòi hỏi phải khéo léo để thành vòi cách xa miệng nên bình nước ít ra cũng giữ được vệ sinh tương đối cho mọi người khát. Tuy nhiên, bạn có thể tưởng tượng những lần thực tập ướt át, vui nhộn của chúng tôi trước khi thành thạo trong nghệ thuật uống từ xa như thế.

Con trai Ả Rập dạy tôi cách dùng loại ná mà Đa-vít dùng để giết Gô-li-át. Chúng tôi khám phá Đa-vít không phải là bé bỏng gì để chơi món đó đâu. Ná của người Palestine xưa chính là vũ khí thực sự, dùng đá gần bằng cỡ quả trứng gà để đánh nhau. Đá có thể được bắn đi thật chính xác cách xa hơn 100 thước. Ná được làm bằng lông lạc đà, bện chặt dài khoảng một thước.“Bọc” cũng được bện , lớn cỡ bàn tay người. Chúng tôi bỏ viên đá vào khoảng giữa dây tóc bện, rồi quay tròn trên đầu mình, và phóng đi với tiếng kêu vút khủng khiếp giống như tiếng quất roi. Dĩ nhiên, chạy lấy đà ba bốn bước trước khi bắn sẽ tạo thêm lực đẩy thật lớn. Tôi nghĩ dùng ná là cách chơi thể thao tốt, nhất là khi tôi đạt tới chỗ có thể bắn trúng cột điện thoại khá đều đặn ở cách xa 50-70 thước.

Đôi khi chúng tôi được mời ở lại đêm khi đi thiếu chuẩn bị. Người Ả Rập hiếu khách, và tiện nghi trong nhà thật đơn giản. Tôi thấy vui khi sống với dân bản xứ, ăn thực phẩm của họ, ngủ dưới sàn, dù rằng sàn thường có bọ chét. Thường thú vật cũng ở chung trong nhà với người.

Khi có người lạ tới, dân làng thường muốn nghe người đó nói. Chủ nhà chúng tôi thường mời láng giềng vào uống cà phê. Đây là thức uống đắng, đậm đặc, màu đen, được giã trong cối gỗ với cái chày dài. Ông lý trưởng với bộ râu dài đen đong đưa trong tách, sẽ uống hớp đầu tiên, sau đó chuyền cho chúng tôi. Chúng tôi biết trước thế nào mình cũng phải uống để tỏ ta chấp nhận lòng hiếu khách của ông ta.

Tất cả mọi người đều tò mò về người khách mới tới, và vây quanh nhóm lửa nhỏ vào cuối ngày như là cách tiêu khiểu tốt sau công việc đồng áng. Họ đặt câu hỏi và ba tôi trả lời. Tôi nhớ nhiều nhất khi ba tôi ngồi bên ánh lửa đội khăn trùm đầu của người Ả Rập, nói cho dân làng về Chúa Giê-xu Christ - và thực sự đụng đến lòng họ.

Sau này khi gánh nặng về Tây Ban Nha càng gia tăng trong lòng tôi, tôi hồi tưởng một số sự kiện đó trong xứ Ả Rập đã từng khơi dậy mối quan tâm trong tôi đối với kẻ hư mất. Ngay cả thời đó tôi cũng cảm thấy bị hạn chế, chỉ làm chứng được cho từng một hoặc hai người. Chúng tôi chỉ đến được với vài người khi ngồi quanh nhóm lửa trong làng. Và câu hỏi bắt đầu thành hình trong trí tôi: “Thế còn những người khác chưa hề có cơ hội thì sao?”

Thỉnh thoảng có phản đối giữa vòng thính giả Ả Rập, nhưng thường xuyên hơn, họ tỏ ra thực sự cởi mở. Những người hiểu và dâng lòng mình cho Chúa đã thay đổi toàn bộ cách sống của họ. Nhìn thấy họ đổi từ chết qua sống nhờ quyền năng của Phúc Âm đã để lại ấn tượng không hề phai mờ trong tôi. Có quá nhiều thay đổi - nói dối, gian lận, ăn cắp, đa thê.

Ba tôi không bao giờ tranh cãi với họ về những hành động tội lỗi của họ. Ông cho họ thấy niềm vui cùng phước hạnh của việc quay về với Chúa. Tuy nhiên, lúc đầu ông thấy đề tài “dâng hiến” là vấn đề tế nhị. Khi Chúa thành lập những nhóm nhỏ tín hữu đó đây, người cảm thấy tới lúc phải nói cho họ biết về phần thưởng của việc dâng hiến. Ông cảm thấy áy náy biết rằng tổng số thu nhập hàng tháng của hầu hết Cơ Đốc nhân tính theo tiền và mặt hàng chỉ hơn mười đô la cho mỗi gia đình. Họ sống nhờ ăn bánh mì không, với một chút sữa chua và một ít dầu ô-liu để chấm bánh mì. Còn thịt ư? Chỉ cần một miếng thịt cừu đã là cả một bữa tiệc Giáng sinh rồi! Ba tôi thường hỏi chúng tôi: “Đó, những con người như vậy làm sao mình bảo họ dâng hiến cho Chúa được?”

Khao khát của ông là muốn họ dâng hiến do lòng yêu mến Chúa Giê-xu Christ - dâng rời rộng để biểu lộ tấm lòng tận hiến của mình.

Có một lần trong khi ông đang còn học tiếng, một thanh niên Ả Rập rất yêu mến Chúa thông dịch cho ông. Trong bài giảng, Ba tôi đề cập việc dâng hiến thì một người Ả Rập quay sang nói với ông bằng tiếng Anh: “Nhưng thưa ông Bạn Freed ạ, ông không được bảo mấy người này làm chuyện đó.”

Ba tôi giục anh tiếp tục: “Anh cứ nói tiếp.”

“Nhưng mấy người này cực nhọc lắm mới sống được đạm bạc như vậy. Làm sao ông, một người Mỹ - với nhiều tiền của, có thể lại bảo những người này dâng tiền được?”

Đương nhiên là anh này không dịch tiếp thêm nữa. Cho nên Ba tôi chỉ nói: “Chúng ta sẽ thảo luận sau.”

Suốt nhiều tuần và tháng nói chuyện và cầu nguyện với thanh niên Cơ Đốc người Ả Rập này tiếp theo sau sự việc trên, anh này mới tin rằng cách bày tỏ tình yêu thương cụ thể như thế này chính là tín lý cơ bản của Tân Ước. Cuối cùng anh công nhận sự kiện bảo rằng dâng hiến cách vui vẻ, dâng hiến trong tinh thần hi sinh, là một chức vụ, một đặc ân của người tín hữu. Anh cũng tin rằng việc dâng bao nhiêu trong số mình có thể dành dụm được, không quan trọng, mà chỉ là Đức Chúa Trời muốn thử chúng ta cùng tình yêu chúng ta dành cho Ngài qua sự đo lường vật chất - bất chấp tình trạng tài chánh của chúng ta.

Trong gia đình, chúng tôi tin chắc là Chúa bù đắp lại mọi khoản phần mười cùng dâng hiến của chúng tôi - ngay cả khi khó dâng nhất - không chỉ trên phương diện vật chất mà theo nhiều cách khác nhau. Ba tôi quan tâm tới người Ả Rập vì ông thành thật tin là mình bất công với đám nông dân nghèo, vì họ là những tín hữu tốt, nếu ông không dạy họ nguyên tắc dâng hiến. Và ông đúng. Chúng tôi không ngừng thấy chứng cớ của sự kiện là khi Chúa Giê-xu Christ bước vào lòng người nào, thì một trong những dấu hiệu đó là mở rộng ví tiền của mình.

Khi họ lớn lên trong tình yêu cùng ân sủng của Cứu Chúa, chúng tôi vui mừng dự những bữa tiệc yêu thương thật với những nông gia Cơ Đốc suốt mùa gặt. Trên sân đạp lúa, họ chất hai đống - chín lường cho riêng mình và một lường nén thật chặt và tràn trề cho Chúa. Đây là lời chứng chân thật về điều Chúa đang làm cho họ khi họ mang “đống của Chúa” qua nhà nhóm nhỏ bé và đổ ra trên sàn. Kết quả của việc dâng hiến vui vẻ này là họ đã có thể gửi những người truyền giảng Phúc Âm sang các tỉnh lân cận để giảng Phúc Âm. Những tín hữu này nổi tiếng khắp thế giới Ả Rập là những gương nổi bật về sự dâng hiến hi sinh của những con người nghèo nhất. Họ là nguồn cảm hứng cho các giáo sĩ ở những nơi khác đến thăm, hoặc nghe đồn, về cơn phục hưng sâu sắc giữa vòng nông dân Ả Rập của chúng tôi.

Hiệu quả trong chức vụ của Ba Mẹ tôi hầu như chắc chắn là do đời sống cầu nguyện của Mẹ tôi. Lúc nào bà cũng đi trước chúng tôi một bước trong sự tận hiến và trung tín. Bà đã dành bao nhiêu thì giờ cầu nguyện cho Ba tôi cùng các con, thì chúng tôi không bao giờ biết được. Câu Kinh Thánh được bà ưa thích: “Các bước của người thiện do Đức Giê-hô-va định liệu,” được lồng vào đời sống cầu nguyện của bà. Nhưng câu đó đã được nhân cách hóa qua lời ghi chú tiếp theo của bà: “Lạy Chúa, xin biến Ralph thành người thiện đó, hoặc Paul, hoặc Ruth.” Lúc nào bà cũng tin là Cha Thiên thượng đang chăm sóc chúng tôi. Cách bà trò chuyện với Ngài thật đơn giản và chân thành. Bà không quan tâm bất kỳ ai nghĩ gì, bà chỉ nói - giống như chúng ta nói chuyện với bà - một cuộc đối thoại thoải mái. Bà luôn luôn chủ trương xem mọi chuyện là bình thường.

Bà thường nói: “Chúng ta có một Đức Chúa Trời lắng nghe và đáp lời cầu xin; và chúng ta đến với Ngài qua Chúa Giê-xu Christ. Chỉ đơn giản thế thôi. Nếu Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện, và thật Ngài có nghe, và Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng, thì chúng ta cứ việc đến với Ngài và xin Ngài thôi.”

Một trong những ký ức vui nhất về thời thơ ấu của tôi có liên quan tới niềm tin của Ba Mẹ tôi vào sự kiêng ăn cầu nguyện. Mỗi chiều và tối thứ sáu là Ba Mẹ tôi dành riêng cho mục đích này. Nhưng tôi nghĩ điều tạo ấn tượng trên tôi nhiều nhất khi còn bé chính là Ruth và tôi không bao giờ cảm thấy mình phải kiêng ăn với Ba Mẹ. Thật sự, vào những tối kiêng ăn cầu nguyện Mẹ tôi thường ra sức chuẩn bị cho chúng tôi bữa ăn ngon nhất. Bà thường để cho chúng tôi tự quyết định muốn ăn gì tùy ý vào tối Thứ Sáu. Ắt hẳn phải là một cám dỗ lớn đối với bà khi chuẩn bị bánh mì nóng hoặc cơm gạo quế, và khi nhà bếp tràn ngập mùi thơm ngon vào những buổi tối bà chẳng ăn gì cả. Chứng cớ này của tình yêu, cộng thêm việc họ để chúng tôi tự chọn thay vì ép chúng tôi làm giống như họ, đã thúc đẩy chúng tôi lớn lên trong ân sủng, khao khát học tập bước theo Đấng mà Ba Mẹ chúng tôi theo sát cánh. Tới ngày hôm nay, trong sự kiêng ăn cầu nguyện của mình, tôi vẫn liên tưởng tới một thời hạnh phúc khó quên đã qua.

Cơm gạo quế vào những đêm kiêng ăn cầu nguyện, những câu chuyện quanh bếp lửa Ả Rập, những ná lông lạc đà, cùng những bình đất sét dùng uống nước, tất cả đều chồng chất trong tâm trí non trẻ của tôi khiến tôi tự mình nhờ cậy Cứu Chúa, và thúc giục lòng cùng trí tôi chia sẻ Ngài cho người khác. Khát vọng truyền giáo của tôi phải trải qua sự thanh lọc và trưởng thành, nhưng không bao giờ bị chệch khỏi dòng chính đã định sẵn từ thới ấu thơ của tôi. Gia tài lớn nhất của tôi chính là cuộc đời của Ba Mẹ tôi vốn chứng minh Chúa Giê-xu Christ cho tôi qua những chứng cớ yêu thương thường ngày của họ. Toàn bộ cuộc sống chung những ngày đầu tiên đã đặt nền móng cho lòng trung thành của riêng tôi đối với Đấng Christ.
Câu chuyện chúng tôi sẽ kể qua cuốn sách về phép lạ của Đức Chúa Trời trong việc thành lập chức vụ phát thanh của chúng tôi chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của những ảnh hưởng đã từng khuôn đúc nên cuộc sống trẻ thơ của tôi.

CON NGƯỜI ĐƯỢC THÀNH HÌNH
Tuy nhiên, những mối dây ràng buộc tôi với Ba Mẹ chặt chẽ như thế cũng tạo ra mạng lưới nhớ nhà kinh niên vốn vây kín tôi suốt những ngày đi học xa nhà. Một trong những trở ngại lớn nhất cho một gia đình sống xa quê hương chính là sự xa cách, vốn thường trở thành một hậu quả phụ không thuận lợi cho việc giáo dục tốt con cái.

Chuyển từ trạm truyền giáo này sang trạm khác, từ môi trường phục vụ ở hải ngoại rồi về nghỉ phép tại quê nhà, đã ném chúng tôi vào những bối cảnh giáo dục khác nhau. Chúng tôi học trường của Anh và Đức tại Giê-ru-sa-lem, rồi một trường của cộng đồng Mỹ tại Beirut. Có một số lớp thì Mẹ tôi là giáo viên, và có những lớp thì bà mời thầy dạy kèm đảm trách việc học của chúng tôi.

Khi tôi tới Wheaton, Illinois, để ghi danh vào Học Viện các ngành học trung học thì họ chấp nhận cho tôi học năm hai mặc dù tôi chưa hề học năm một tại bất cứ nơi nào. Nhưng để hiểu lý lẽ của họ đằng sau quyết định đó tại Wheaton, thì con đường lại dẫn tôi trở về Bết-lê-hem. 

Càng xa hơn nữa là trở về Giê-ru-sa-lem, nơi tôi đã từng theo học trước đây - ở tuổi mười một quan trọng - để sống trong nhà truyền giáo với hai nữ giáo sĩ độc thân. Còn có gì tệ hơn - đúng lúc tôi ý thức được niềm kiêu hãnh phái mạnh của mình - là bị cấm cung một mình chung với hai người phụ nữ xa lạ?

Số phụ cấp ba mẹ tôi gửi đều đặn từ Dera’a đã tiêu biến nhanh chóng khi mỗi ngày tôi đều đi tới trạm bưu điện và phòng điện thoại. Những lá thư - viết cho ba mẹ tôi - cho thấy hi vọng bất diệt của tôi là mong có thể được về nhà sống chung lại với ba mẹ. Những bức điện tín là những yêu cầu với ẩn ý xin Ba tôi cứu vớt tôi khỏi tình thế mà tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa.

Chắc chắn là mấy bà trong nhà truyền giáo cũng không sung sướng hơn tôi về sự sắp xếp mà Ông Freed đã nhờ họ chăm sóc con trai ông ta. Tôi không cho là họ đã có kinh nghiệm làm bảo mẫu cho những đứa con trai nhớ nhà, nhưng họ rất cương quyết về những việc buộc tôi phải làm. Tôi không biết là họ có cảm thấy thành công khi thường xuyên khó khăn với tôi hay không; nhưng tôi biết chắc họ đã thành công trong việc khiến tôi khốn khổ liên tục.

Người lớn tuổi hơn trong hai nữ giáo sĩ, là người chính thức lo cho phúc lợi của tôi, một hôm cho rằng tôi không tắm đủ. Cô ta cũng quyết định nguy hiểm rằng - vì tôi không đủ tin cậy để tự giữ sạch sẽ cho mình - nên cô ta phải tắm cho tôi.
Tôi hét to: “Cô không được tắm cho tôi đâu!”

Cô D-- nhấn mạnh: “Có chứ, tôi sẽ tắm cho em.”

Lúc đó Cô L-- trẻ hơn, nhưng cũng cương quyết không kém - bước vào phòng để củng cố lực lượng đối phương gia tăng.

Cô cảnh cáo: “Paul Freed ạ, tôi muốn em biết là tôi sẽ đứng sau lưng Cô D-- và tôi cũng sẽ canh để em phải tắm cho xong!”

Khi cô ta cầm chổi đến gần tôi, tôi bỏ chạy. Qua mặt cô ta nhanh như chớp, tôi nhảy một bước hết mấy bậc thềm, tung cửa trước và tiếp tục chạy ra đường có tường cao. Khi tôi nhìn lại sau, qua bờ vai mình, Cô L-- đang bước nhẹ sau tôi, vung chổi trên đầu. Những người Ả Rập ở phố “Street of the Prophets “ né sang một bên khi cuộc rượt đuổi tiếp diễn, nhìn chúng tôi cách ngạc nhiên và thích thú trong khi tôi chạy vòng về nhà truyền giáo và trèo vào tường.

Cô ta ngay sau lưng tôi, quât chổi thật mạnh. Tôi nhảy từ tường sang một bên, chạy ngang qua sân, trèo lên tường phía bên kia. Và Cô L-- lúc nào cũng sát nút tôi.
Cuối cùng, cô ta hổn hển la to: “Được rồi, chúng ta bàn lại đi.”

Tôi không nhớ câu chuyện ra sao. Nhưng tôi biết là mình tự tắm lấy.

Ba Mẹ tôi cố gắng hiểu nỗi khó khăn của tôi trong thời gian đó , và cuối cùng để tôi trở về Dera’a với họ một thời gian. Nhưng việc học không ngừng theo đuổi tôi và chẳng bao lâu tôi lại thấy mình sống tại Bết-lê-hem trong nhà truyền giáo chung với Bà Bernice Gibon cùng hai đứa con. Hoàn cảnh ở đây khá hơn, vì ngoài đứa con gái và con trai của bà, còn có con cái của giáo sĩ sống ở đó, và bà là mẹ nuôi của tất cả. Dầu vậy tôi cũng vẫn nhớ nhà.

Khi tôi được mười ba tuổi, họ dời nhà truyền giáo ra ngoại ô Giê-ru-sa-lem. Vì lý do nào đó, cuối cùng tôi lại là đứa con trai duy nhất trong nhóm mà theo trí óc non nớt của tôi, thì tình trạng đó không thể nào chịu được. Quyết định của tôi có ít hi vọng, nhưng táo bạo.

Một đêm nọ, tôi viết thư cho vị giáo sĩ đảm trách. Sau đó, trước khi rạng đông, tôi rón rén ra khỏi nhà rồi gia nhập đoàn người về Giê-ru-sa-lem. Sau khi đánh điện tín cho ba tôi để yêu cầu ông đón tôi tại Ti-bê-ri-át, Ga-li-lê, tôi gặp xe chuyên chở công cộng đi về hướng bắc. Suốt đường đi tôi thắc mắc không biết ông phản ứng ra sao , nhưng lòng tôi rộn ràng vui mừng khi nhìn thấy gương mặt yêu dấu của ông giữa đám đông khi chúng tôi tiến vào trung tâm Ti-bê-ri-át. Ông cố gắng thuyết phục tôi rằng tôi đã cư xử sai lầm, nhưng tôi vẫn còn có thể nhớ là mình cảm thấy đã làm đúng khi tôi tìm cách giải thích: “Ba ơi, con có để lại cho họ lá thư rồi mà. Bây giờ thì họ biết là con đang trên đường về nhà. Con không có gì chống đối họ. Con chỉ nhớ nhà kinh khủng, thật kinh khủng. Ba cho con về nhà, được không Ba?”

Ông lo cho việc học của tôi nhưng cuối cùng ông nói sẽ cho tôi ở nhà nếu tôi hứa sẽ học chăm.

Tôi chưa bao giờ học chăm trong đời mình, trong bất cứ hoàn cảnh học tập chính thức nào, như tôi đã học trong năm kế tiếp tại nhà. Tôi tự học nguyên cả năm thứ nhất trung học một mình, viết những sách thật dài. Tôi viết một sách về những xứ chúng tôi đã du lịch ở Âu châu - lịch sử, địa lý, chính quyền, xã hội học, phong tục - mọi thứ tôi có thể gặp gỡ, đều đi vào câu chuyện tôi kể. Sau đó tôi lục hàng đống hồ sơ và tạp chí du lịch để tìm hình ảnh minh họa cho sách của tôi.

Khi chúng tôi về Wheaton, Illinois, và đến Học Viện Wheaton thì tôi có mang theo sách đã viết. Nhân viên phòng ghi danh mới nghiên cứu nghiêm túc các sách đó và thấy xứng đáng để được miễn một số tín chỉ nên đã cho tôi vào học năm hai.

Sau năm về nghỉ phép đó, ba mẹ tôi cùng với Ruth và tôi trở lại Trung Đông. Lần này tôi được gửi đi Beirut, Lebanon, nơi tôi tốt nghiệp Trường Cộng đồng Hoa Kỳ, được sáng lập bởi ban giảng huấn của Đại học Hoa Kỳ tại Beirut. Chỉ có 100 học sinh trong toàn trường, và ba người chúng tôi làm thành lớp tốt nghiệp.

Một học viên của lớp khác, Philip Freidinger, và tôi trở thành bạn gắn bó thân thiết. Anh là con trai của giáo sĩ Hội Trưởng lão tại Lebanon. Sau khi gắn bó đời mình với nhau thật thân thiết trong những năm trung học cấp II và cấp III- bơi thuyền, chạy xe đạp, cắm trại, trò chuyện, cầu nguyện chung với nhau - chúng tôi quyết định cùng nhau vào học Wheaton College. Từ lâu đây vẫn là kế hoạch của tôi, nhưng đối với Phil thì đó là sự thay đổi khá quan trọng vì anh đã được nhận vào đại học Oberlin College tại Ohio.

Mùa hè 1936 Phil và tôi rời cha mẹ tại Beirut để đi Wheaton. Một tháng trong vùng Alps Thụy Sĩ cùng một chuyến chạy xe đạp xuyên qua nước Anh giúp chúng tôi có được lợi thế ban đầu cho việc học đang chờ đợi chúng tôi tại Wheaton College.

Chúng tôi dọn về một căn nhà tư nhân gần khuôn viên đại học và ngay tức khắc, chủ nhà đã nghe tiếng tăm lười biếng của tôi. Tôi không làm những loại công việc thường lệ của đại học mà hầu hết sinh viên đều làm, nhưng dường như không thích hợp với tôi. Trong khi Philip làm việc trong phòng ăn, thì tôi bán thiệp hoa cùng những đồ thủ công Palestine cho cư dân Wheaton cùng những vùng ngoại ô gần đó. Tôi rất thích Philip, nhưng lại gặp một hoàn cảnh chán nản nhất. Tôi không bao giờ có thể làm bất cứ điều gì đúng. Cứ mỗi khi làm một điều gì, là tôi cũng bị hạ một câu: “Sao cậu không làm giống như kiểu Philip đã làm?”

Ngôi nhà kế, nơi tôi sống sau này, lại tỏ ra thái độ khác xa. Bà Stevens, một góa phụ, biết cách lắng nghe đám con trai chúng tôi va trò chuyện với chúng tôi cách xây dựng, qua hành động cũng như lời nói. Bà cùng với con trai, Earle, là những con người được tình yêu của Đức Chúa Trời đụng đến và đã sáng tạo tận hiến để mở rộng tình yêu của Ngài cho người khác qua thái độ cùng nếp sống hàng ngày của họ. Mỗi người chúng ta đều quan trọng và được Ngài quí trọng. Điều này giúp chúng ta tự do mở rộng, phục vụ và học hỏi.

Đó chính là tất cả sự khác biệt trên đời này giữa hai thái độ. Và tôi cảm nhận được rằng nếu tôi chỉ lo đáp ứng những nhu cầu thường tình của con người cho chính bản thân mình, thì tôi sẽ chẳng hoàn tất được gì cả, trừ khi tôi sẵn sàng quan tâm đến người khác trong tinh thần hi sinh.

Bốn năm ở Wheaton thật trọn vẹn. Mối quan tâm đến người khác trong tôi đã đưa đẩy tôi thành nhà nghiên cứu nhân chủng học, nhưng không có điều gì trong thời gian đại học làm cản trở sự nghiệp làm giáo sĩ phát thanh, là công việc trong tương lai của tôi.

Bức tranh tài chánh là một kinh ngạc liên tục. Ba mẹ tôi liên lạc trợ cấp cho tôi mười đô la mỗi tháng, dĩ nhiên chẳng giải quyết được gì nhiều. Không bao giờ tôi có thể biết chắc được những chi phí đại học của mình sẽ được thanh toán như thế nào. Việc chúng tôi theo Chúa qua nhiều năm tháng đã đưa chúng tôi vào một đời sống tin cậy đơn giản - giống như hoa huệ đồng nội, thay vì cảm thấy an toàn với tài khoản ngân hàng.

Một hè nọ tôi ở Gary, Indiana, làm việc trong một nhà máy nghiền thép - làm ca đêm, vì lương cao hơn. Tiền kiếm được tôi đã thận trọng dự tính để dành cho học phí mùa thu năm sau. Tuy nhiên, sự nhiễm trùng nghiêm trọng chẳng những buộc tôi phải nghỉ việc nhiều tuần mà còn tốn kém nằm viện khiến bao nhiêu tiền kiếm được sạch láng. Cuối hè, tôi đi xe nhờ về lại Wheaton chẳng còn một xu cho năm học sắp tới.
Mọi việc đều êm xuôi cho tới lúc tôi đứng bên bàn tài chánh trong dòng người ghi danh. Tôi yêu cầu những điều khoản dễ dãi nhất có thể được, và họ nói tôi không thể nào ghi danh nếu không đóng một trăm Mỹ kim. Ba mẹ tôi hiện cách xa tôi một phần ba địa cầu. Tôi đã làm việc chăm chỉ tối đa suốt mùa hè qua. Tôi cảm thấy chắc chắn là mình phải tiếp tục học xong đại học. Tôi cần một trăm Mỹ kim mà lại chẳng có tới một xu. Tôi không biết quay sang đâu cả.


Có người hớn hở bảo tôi nghỉ học và đi làm trong một khóa. Tôi bước ra khỏi dòng người ghi danh vào giữa trưa, thế mà lại giống như đang bước đi trong màn đen nửa khuya. Tôi chưa bao giờ chán nản tới mức như vậy trong đời mình.

Tôi kêu lên: “Lạy Chúa! Chắc chắn Ngài biết rõ nhất. Ngài muốn con làm gì bây giờ?”
Trong khi tôi đi qua các sảnh đường và xuyên ngang khu đại học, mọi người chào: “Chào Paul.” Nhưng tôi đang chết đuối trong biển thất vọng bận rộn của mình, nên chẳng nhận ra ai cả. Chẳng còn gì có ý nghĩa nữa.

Sau một giờ đồng hồ lang thang vô định, tôi quyết định điều duy nhất mình có thể làm là quay về làm việc lại tại nhà máy cán thép. Tôi nghĩ mình phải tìm miếng ăn trước khi bắt đầu lại, nhưng tôi cảm thấy khốn khổ đến nỗi không biết mình có nuốt nổi hay không.
Bỗng nhiên giữa những gương mặt cùng âm thanh mờ nhạt vì ướt sũng , tôi nghe gọi tên mình: “Ê, Paul, cậu không nghe loa gọi tên cậu à? Có người muốn liên lạc với cậu đó.”
Khi tôi tới phòng ghi danh, Tiến sĩ Enoch Dyrness nói với tôi: “Paul à, tôi biết là anh muốn ghi danh học. Tôi có một món chắc là anh đang chờ đợi. Một món quà nặc danh được gửi vào tài khoản của anh. Đó là ngân phiếu một trăm đô la.”

Miệng tôi há hốc và tôi cảm thấy nước mắt xốn xang dưới mi. Tôi thấy lại hình ảnh căn hộ tại Nyack với thực phẩm chất đống trên sàn, trên ghế, trên bàn. Tiến sĩ Dyrness có lẽ không thấy được mọi điều đang diễn ra trong trí tôi khi ông mỉm cười và nói: “Đó há không phải là cách hành động của Đức Chúa Trời sao?”

Nhiều năm sau tôi mới biết ai đã gửi quà đó. Một giáo sĩ tại Trung hoa có nghe nói về tôi, qua một số sinh viên tại Wheaton. Một hôm tên tôi cứ xuất hiện mãi trong trí ông. Dường như Đức Chúa Trời phán với ông: “Con phải giúp cho Paul Freed.” Không thể gạt bỏ ý nghĩ đó, ông đã vâng phục và từ món tiền rất ít mình đang có, ông đã trích ra một trăm đô la để gửi cho tôi. Đức Chúa Trời đưa món tiền đó vượt 10.000 dặm đúng lúc để chận đứng sự tuyệt vọng của tôi. Nếu tiền tới trễ một hôm, chắc hẳn tôi đã lên đường trở về nhà máy cán thép rồi.

Ngoài việc làm mùa hè khác - một năm tại Công ty Pontiac Motor tại Michigan, và một năm khác làm quản lý kinh doanh cho chuyến Du lịch Xứ Thánh - tôi bắt đầu làm dây nịt như một ngành kinh doanh nhỏ mới mẻ cho riêng mình. Càng ngày tôi càng thấy khó làm việc cho người khác mà có thể giữ được thu nhập quân bình với chi tiêu. Còn một điều nữa cần phải làm. Và tôi bắt đầu thiết kế dây nịt từ những vật liệu khác lạ.
Tại Chicago tôi tìm ra những công ty cắt ra những mảnh đồng phục nhỏ từ vỏ quả hạch, gỗ, dây gai, nhựa, kim loại, da. Được cung ứng dây da và dây thừng màu chắc chắn, tôi một mình bắt đầu làm nịt ngay tại bàn nhà bếp. Sau khi nhận quá nhiều đơn đặt hàng, tôi chẳng biết phải làm sao, tôi tìm người giúp mình. Những sinh viên muốn sau này có được việc làm từng phần đã cộng tác với tôi với tiền công hiện hành trong đại học cho tới khi chúng tôi chiếm trọn tầng hai của một ngôi nhà tại Wheaton. Trước hết chúng tôi tiếp thị sản phẩm mới của mình qua nhiều cửa hàng khác nhau. Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận ra mình không thể bán ra thị trường với cách đó được.
Tôi tới New York City và tiếp cận với Công ty J. C. Penny. Khách hàng đặc biệt nói chuyện với tôi là một trong những người lịch sự nhất tôi từng gặp. Ông ta say mê câu chuyện của tôi đến nỗi giao cho công ty tìm cách bán vài mẫu nịt của tôi. Họ bán chạy đến nỗi cuối cùng chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng quá sức giải quyết của mình. Từ đó chúng tôi bán hàng vạn dây nịt rộng rãi khắp 1600 cửa hàng của J. C. Penny.
Công việc tiếp tục tại Wheaton suốt hơn hai năm, và lợi tức từ dây nịt mới của Công ty DuPage Craft không chỉ giúp tôi học xong đại học cùng Học viện Đào tạo Giáo sĩ, mà còn giúp nhiều sinh viên khác đáp ứng nhu cầu của họ nữa.

Mùa thu năm 1942, tôi ghi danh vào Nyack - cùng ngôi trường ba tôi theo học hai mươi năm về trước. Việc học của tôi về sau tại Nyack tương đối dễ dàng hơn và tôi hoàn tất khóa học ba năm tại Missionary College trong hai năm.
Lúc nào tôi cũng quan tâm vấn đề truyền giáo, nhưng chắc chắn trong trí tôi thì những hoạt động về sau chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiệt tình truyền giáo tại Nyack. Nhìn xuống dòng Hudson River, trường - vốn là Trường Kinh Thánh lâu đời nhất tại Bắc Mỹ - được các cựu sinh viên trìu mến gọi là “núi cầu nguyện và phước hạnh.”
Suốt thời gian trong đại học, tôi học về truyền giáo trực tiếp từ các giáo sĩ, ngay tại công trường phục vụ của họ, và học nhiều về Lời Đức Chúa Trời qua việc nghiên cứu Kinh Thánh có hệ thống. Tuy lúc đó tôi không hoàn toàn hiểu hết giá trị của chương trình nhưng bây giờ tôi biết là Chúa đang phán với tôi về “những miền xa xăm” qua môi miệng cùng đời sống của những giáo sư tin kính như Tiến sĩ Harold Boon, Mục sư Gilbert Johnson, và Tiến sĩ Thomas Moseley; và qua những chính khách truyền giáo như Samuel Zwemer, chuyên gia có uy tín về thế giới Hồi giáo, và Clarence Jones, người tiên phong về chương trình phát thanh truyền giáo từ HCJB tại Quito, Ecuador.

Song song với việc học, tôi cũng mở một số hội thánh, quản lý kinh doanh dây nịt vẫn còn trụ sở chính tại Wheaton, Illinois, và học thêm vài môn tại Columbia University.
Lễ Giáng sinh trước kỳ tốt nghiệp có tổ chức một loạt giới thiệu gây ảnh hưởng trên quãng đời còn lại của tôi. Một số trong chúng tôi muốn làm một việc khác lạ nhưng không biết đi đâu. Trong buổi trò chuyện thân mật, chúng tôi quyết định sẽ mua rồi sửa chữa và bán nửa chục xe Ford Model A, và lái về phía nam. Chúng tôi gom hết mọi phiếu mua xăng, pha chế ra một công thức nhiên liệu đặc biệt, dùng nước rửa - và tôi quên mọi thứ khác - rồi lái xe tới Durham, North Carolina. Tất cả xe đều bán hết trong khu bán đấu giá và chúng tôi được một kỳ nghỉ hè vui vẻ.

Vì lý do nào đó, tôi có đủ tiền trước mấy người khác, cho nên tôi trở lại Nyack; nhưng Eugene Evans, bạn cùng phòng, vẫn còn ở lại vài hôm. Khi về lại, anh nói ngay: “Thật uổng quá, Paul ạ. Chúng tôi đi dự một tiệc Giáng sinh ở nhà thờ, và gặp nhiều người rất vui, lẽ ra anh phải có ở đó. Tôi gặp bạn gái của Clarence. Cô ta cũng được lắm đấy! Đáng lý ra là anh phải ở lại. Cô ta được lắm, cô ta đúng là mẫu người mà anh vẫn thường đề cập!

Tôi không quan tâm. “Tôi không hiểu tại sao anh lại đi nói với tôi về bạn gái của người khác!”

Tôi cũng đã tình cờ hẹn hò với một vài cô, nhưng chưa có gì là nghiêm túc. Nhưng Gene Evans không chịu bỏ qua đề tài về cô gái mà anh gặp ở Durham. Tôi phản đối: “Gene ơi, tôi mong anh đừng nói nữa. Sao anh lại cứ quấy rầy tôi về một cô gái đã từng cặp với bạn mình chứ?”

Anh lặp lại: “Ừ thì tại tôi thấy cô ấy rất là được.” 

Tôi nổi nóng: “Anh làm ơn im đi cho, được không?”

Nhưng Gene không nản. Anh hít hơi thật dài rồi tiếp: “Tôi muốn nói hết với anh, Freedly ạ, tôi đã từng chịu đựng anh suốt hai năm ở trường đây, và tôi biết ý thích của anh, tôi biết loại các cô mà anh thích, và tôi muốn anh nghe tôi bây giờ nếu chẳng bao giờ muốn nghe nữa. Đúng là cô ta rồi! Tôi tuyệt đối biết chắc đó là người thiếu nữ dành riêng cho anh. Nếu gặp cô ta, tôi bảo đảm là anh sẽ đồng ý ngay!”

Tôi dịu bớt chút đỉnh và đáp trả: “Thôi được rồi, Gene ạ, cứ cho cô ta là như vậy. Nhưng mà tôi nghĩ là anh thật điên khùng khi nói với tôi một chuyện quan trọng như thế dựa vào chứng cớ hời hợt như vậy. Tôi không nghĩ là anh hợp lý chút nào. Nhưng cho dù cô ấy đúng như vậy, thì cô ấy cũng đang cặp bồ với Clarence, mà anh ấy cũng là bạn của tôi. Và tôi không hề có ý muốn hạ anh ta vì một cô gái mà tôi chưa hề để mắt tới!”

Anh vẫn cứng rắn: “Tôi không cần biết cô ấy đang cặp bồ với ai bây giờ. Dù sao thì họ cũng chỉ hẹn hò thôi. Và tôi đã gặp cô ấy, tôi biết đúng là cô ấy rồi!”

Sau vài hôm anh ấy êm bớt và quên bẵng câu chuyện. Nhiều tháng trôi qua và tới ngày tốt nghiệp. Đúng vào buổi sáng cuối cùng ở trường, tôi đang ở bưu điện kiểm tra thư từ. Môt chị quen với tôi đứng đọc thư bên cửa ra vào. Khi chào từ biệt, chị bảo vừa mới nhận được thư của bạn gái em trai chị từ Durham, N. C. Một điều gì đó chợt lóe trong trí tôi. Chị này là chị của Clarence; em trai chị chính là anh chàng lâu nay vẫn hẹn hò với cô nàng mà người cùng phòng với tôi đề cập hôm Giáng sinh. Tôi nghiêng đủ gần để liếc nhìn phong bì nơi tay chị. Đúng rồi! Đúng với tên mà người cùng phòng tôi khăng khăng nhắc tới mùa đông vừa qua, Betty Jane Seawell.

Chẳng suy nghĩ, tôi nghe mình hỏi: “Chị xé cho tôi xin nắp phong bì đó được không, chị Eva?”

Tự nhiên chị ấy xé nắp phong bì đưa cho tôi. Tôi nhét vào ví rồi quên luôn. 

(Còn nữa)