C h ư ơ n g T h ứ H a i
K h í H ậ u, T h ờ i T i ế t, P h o n g C ả n h
"Phong tục là nguyên tố thứ tư trong vũ trụ" Tục-ngữ xứ Sy-ri.
Dẫu chịu ảnh hưởng lớn do kỹ nghệ và các chế độ, những cuộc sinh hoạt trong xứ Pha-lê-tin vẫn còn có quan hệ mật thiết với những điều kiện thiên nhiên ở ngoài quyền kiểm soát của loài người, tỉ như khí hậu và thời tiết. Người A-rạp ngày nay nhận biết lẽ đó khi họ nói rằng vũ trụ cấu tạo bằng đất, khí trời, lửa, nước, - và phong tục. Vì Kinh Thánh thường nhắc đến khí hậu và phong cảnh xứ Pha-lê-tin, nên nếu ta biết rõ hai cái đó, ắt sẽ để ý đến và biết đúng nghĩa của Kinh Thánh.
1. Khí hậu.- Pha-lê-tin là một xứ có mặt trời chói sáng, ai nấy có thể sống nơi không khí quang đãng. Dẫu mấy tiếng thường dùng: "Từ Ðan đến Bê-e-sê-ba" chỉ bao hàm một miền đất nhỏ bằng quận Galles của nước Anh, nhưng thời thiết thay đổi khác nhau nhiều lắm, vì đất đai cao, thấp không chừng: Núi Hẹt-môn phủ tuyết giữa mùa hạ, cao hơn mặt biển ngót ba ngàn thước; còn Biển Chết lại thấp hơn mặt biển hơn 400 thước. Nhưng, trên hết mọi sự, Pha-lê-tin có đặc sắc là một xứ có bầu trời xanh biếc và ánh nắng mặt trời. Tuyết không sa xuống trên đồng bằng dọc theo bờ biển, và mặt trời chói sáng không dứt từ đầu tháng năm đến cuối tháng chín. Vậy nhơn dân có hội hợp rất đông đảo tại Giê-ru-sa-lem để dự lễ này lễ khác, và cũng có thể ở lâu với Ðấng Christ trong các nơi vắng vẻ.
2. Thời tiết. - Tính trong một năm, thì tháng ngày kế tiếp nhau mà nóng hoặc lạnh cũng như ở nước Anh, duy ở xứ Pha-lê-tin thì bao giờ cũng nóng hơn nhiều. Bốn mùa không phân chia rõ rệt như trong các xứ ở quá về phương Bắc. Các đặc sắc hệ trọng một năm thì ta đã thấy trong lời Ðức Chúa Trời hứa với Nô-ê - "Mùa gieo giống cùng mùa gặt hái, lạnh và nóng, mùa hạ cùng mùa đông" (Sáng thế ký 8:22). Mùa không mưa chiếm hết từ năm đến bảy tháng, và dân A-rạp thường nói một năm là mùa hạ và mùa đông. Muà xuân có tên đặc biệt là "mùa lớn lên", nhưng mùa thu thì khác bên Âuchâu: Ở Âu châu thì khi ấy quả nho, quả ô-li-ve và các thứ quả khác chín, nhưng ở xứ Pha-lê-tin mùa gặt ngũ cốc lại vào tháng năm và tháng sáu. Ðó chính là mùa gặt hái có nói đến ở Giô-suê 3:15 và I Sa-mu-ên 12:17. Cũng cách ấy, khi nói đến mùa gặt, đấng tiên tri cũng theo thứ tự của sự vật, vì ông nói rằng: "Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết" (Giê-rê-mi 8:29).
3. Tháng.- Luận qua về mỗi tháng, chúng ta sẽ thấy một năm đem lại những gì cho người già, người trẻ trong xứ Pha-lê-tin.
(1) Tháng giêng.- Tháng này lạnh hơn hết, có những ngày tối tăm hơn hết và những trận mưa nặng hạt hơn hết. Mưa sa trên núi Li-ban và trên những dãy núi cao hơn hết, và cứ đóng ở đó cho đến khi tiết nóng tháng ba, tháng tư làm cho tan chảy, đổ vào các ngọn suối cho dân chúng dùng trong mùa hạ.
(2) Tháng hai.- Mưa dào và trời nắng kế tiếp nhau mau chóng. Người A-rạp gọi tháng hai là "anh một mắt", - là bộ mặt một bên tối, một bên sáng. Họ cũng nói rằng: "Tháng hai chẳng có luật lệ nào cả"; và rằng: "Mặc dầu tháng hai có bảo tố kinh động, nhưng nó cũng có mùi vị mùa hạ". Cây hạnh nhân trổ hoa, và người ta cũng gieo lúa mạch nha.
(3) Tháng ba.- Gió to nhưng cũng nắng hơn. Mưa dào tháng ba tháng tư tức là "mưa cuối mùa" của Kinh Thánh, (xem Giê-rê-mi 3:3; 5:24), thường không thấu đến rễ đâm sâu của các cây có quả, nhưng nhuần tưới những cánh đồng lúa mạnh nha và lúa miến trước khi nó chín trắng xóa, sẵn sàng để gặt hái. Nhưng có khi tháng nầy trời mưa to hơn hết. Cây mơ cũng "trang sức màu trắng" như cây hạnh nhân, chẳng khác chi những hàng rào sơn tra tử(aubépine) ở nước Anh vậy.
(4) Tháng tư.- Tháng này hoa đua nở, đất đai trông xanh tươi và đẹp đẽ hơn mùa nào khác trong cả năm. Thỉnh thoảng luồng gió nóng và hanh từ sa mạc xứ Sy-ri thổi vào, có khi suốt ba ngày, làm cho tuyết tan chảy và mọi loài thảo mọc mau lớn. Mùa gặt bắt đầu ở thung lũng sông Giô-đanh và ở đồng bằng gần bờ biển. Các thứ cây có quả - như táo, lựu, ô-li-ve, v. v... - thường nẩy hoa và lá tươi.
(5) Tháng năm.- Mặt trời nóng hơn; không mưa chừng năm tháng. Hoa rụng, cỏ khô. Mùa gặt ở đồng bằng và thung lũng. Các quả mùa xuân đã chín, tỉ như hạnh nhân, mơ và mận. Cây nho trổ hoa.
(6) Tháng sáu.- Mùa gặt cứ tiến hành ở miền đất cao hơn. Ðất đai trơ trụi và cháy xém, trừ những khu cây có quả và cây nho, những vườn tược có tát nước để trồng các thứ rau.
(7) Tháng bảy.- Gió mát hiu hiu từ phương tây thổi lại, là dịu bớt tiết nóng mùa hạ. Tháng nầy và tháng sau, dân quê bận rộn đạp lúa.
(8) Tháng tám.- Tháng nóng nhất trong cả năm; ở miền đồng bằng gần biển thì giữa trưa, nơi bóng rợp trung bình là 36 độ (96,75 độ F). Còn ở biển Ga-li-lê và thung lũng của hạ lưu sông Giô-đanh, hàn thử biểu còn lên cao hơn nhiều. Trái nho, vả, đào, táo và lê đều chín.
(9) Tháng chín.- Tiết nóng mùa hạ thường dội lên vì cớ những luồn gió từ sa mạc thổi vào lâu hơn lúc mùa xuân; hàn thử biểu lên từ 38 đến 40 độ (100,50 - 104,25 độ F). Người ta phơi vả khô để đến mù đông đem dùng; nho cũng phơi khô, làm nước đường và rượu. Lựu mướp và chuối đều chín. Sau cơn hạn hán suốt mùa hạ, đến cuối tháng này bắt đầu có mưa dào, rồi có chừng nửa tháng nắng và nóng.
(10) Tháng mười.- Hết mùa hái nho và hái vả. Người ta hái quả ô-li-ve, giết chiên béo, tích trử lương thực để dùng trong mùa đông. Mía và quả chà là đương chín. Mưa dào nặng hạt hơn, tức là "mưa đầu mùa" trong Kinh Thánh (xem Giê-rê-mi 5:24). Bắt đầu cày ruộng, vì đất cứng và khô đã có nước mưa làm cho mềm.
(11) Tháng mười một.- Cứ cày ruộng. Gieo lúa mạch nha và lúa miến.
(12) Tháng chạp.- Mưa to hơn, tiết trời mát hơn. Cuối tháng có tuyết trên núi Li-ban. Cam, chanh và chấp đều chín. Tỉa sửa cây nho tháng nầy và tháng sau.
4. Ngày và đêm.- Trong xứ Pha-lê-tin, ngày ngắn nhất và dài nhất trong năm hơn kém nhau chừng bốn giờ. Lúc mặc trời mọc là một lúc đặc biệt, thay đổi cảnh vật rất mau chóng, không ai lầm lẫn được. Các ngôi sao biến đi mau chóng, phía trời đông nhuộm màu hồng, có nhiều tia sáng đỏ sẫm phát ra từ một trung tâm màu vàng mỗi lúc mỗi sáng láng hơn. Rồi đột nhiên - người ta tưởng có tiếng nổ theo sau - mặt trời nổi bật lên sau dẫy đồi, trông như một đĩa tròn sáng rực trên từng trời không mây. Liền đó "bóng tối trốn đi", biến mất không ai thấy, dường như bị khám phá khi đương làm việc phi pháp. Ta có thể thấy một đường vụt mau phân cách ánh sáng với bóng tối: Ánh sáng rực rỡ, chói lọi, còn bóng tối buồn thảm, mập mờ. Ðương khi mặt trời lên cao hơn mau chóng, chiếu tia sáng trên đồng bằng, thung lũng và trũng núi, thì ta thấy những chòm cây thông, những sườn núi trồng ô-li-ve, những làng xóm màu xám đột nhiên hoạt động dường như mới ngủ dậy. Những đoạn Kinh Thánh nói đến ánh sáng hiện ra và bóng tối tiêu tan (hoặc trong cõi thiên nhiên hay trong cõi thiêng liêng) đều do cảnh mặt trời mọc ở phương Ðông. Những đoạn ấy có sức mạnh hầu như không thể phát biểu ở các nước phương bắc, vì hừng đông ở đó tuy đẹp đẽ theo cách riêng, nhưng chỉ dần dần biến thành một vùng sáng dịu hơn. Trong Ê-sai 60: 1, 2, có chép: "Hãy dấy lên và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến!" Trong câu nầy ta thấy sức mạnh của mặt trời mọc, một tiếng kêu gọi thình lình, một sự phân cách giữa sáng với tối rất rõ rệt. Cũng hãy xem Thi Thiên 139:12; Ê-sai 58:8; Ma-thi-ơ 5:14; Công vụ các sứ đồ 26:18; II Cô-rinh-tô 4:4; 6:14; Ê-phê-sô 5:8. Cũng một thể ấy, lời chúc phước của A-rôn (Dân số Ký 6:24-27) là do cách thức mặt trời mọc; nó bao gồm ý rằng linh hồn được cùng một thứ phước lành mà mặt trời ban cho thế giới. Ðối với tinh thần phương Ðông. thì ánh sáng mặt trời có nghĩa là sự Sáng, sự Sống và sự Thanh sạch. Về sự thanh sạch họ có một tục ngữ rằng: "Con mắt của mặt trời không cần màn che," nghĩa là mặt trời không cần giấu tội lỗi vì nó trong trẻo cực điểm. Ðó cũng là ý tưởng chính trong Thi Thiên 19:7, 8, tại đó tác giả so-sánh luật pháp của Chúa với ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời cũng làm thí dụ tốt đẹp về người cai trị công bình (II Sa-mu-ên 23:4).
Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều là lúc nóng hơn hết (Ma-thi-ơ 20:12). Các tia sáng gay gắt từ trên chiếu xuống, ánh sáng từ đất lổn nhổn những đá rọi lên, không khí rung rinh, núi non vì sức nóng nên hình như dẹp xuống. Cây cối dủ xuống, trông như uể oải; chim thôi hót líu lo trong những cành cây; thỉnh thoảng ve sầu lại ngừng tiếng kêu ra rả, làm cho có sự yên tỉnh kinh dị. Gã chăn chiên thâu nhóm bầy chung quanh mình ở dưới bóng cây hột giẻ, hoặc cầm sáo thổi một lúc rồi ngủ quên dưới bóng vần đá: giờ ấy làm linh dộng và thực hiện nhiều câu, nhiều lời bóng bẩy thường dùng. Ðối với một người nghỉ trong bóng mát để khỏi nóng bức gay gắt, thì những lời nầy có một ý nghĩa mới mẻ, dồi dào - "Ngài bổ lại linh hồn tôi" (Thi Thiên 23:3); "Ở dưới bóng của Ðấng Toàn năng" (Thi Thiên 91:1); "Mặt trời sẽ không gọi ngươi lúc ban ngày" (Thi Thiên 121:6); "Chói lói hơn mặt trời" (Công vụ các sứ đồ 26:13); "Cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại mình" (Khải huyền 7:16).
Càng về chiều, không khí càng mát mẻ; các sắc đẹp đẽ bấy giờ thế chổ màu xám và màu cánh gián, nhứt là ở nơi mà ánh sáng dội xuống núi Li-ban cao chót vót, các đồi chung quanh hồ Ga-li-lê và các gềnh đá sừng sững phía sau Biển Chết.
Mặt trời lặng cũng mau chóng như nó mọc. Ðương khi ngắm xem vầng thái dương chìm đắm xuống Ðịa-trung-hải, thì lời dản dị này lại xuất hiện trong trí: " Mặt trời biết giờ lặn" (Thi Thiên 104:19). Và mỗi người trong xứ biết điều đó, chẳng những nông phu ở giữa đồng ruộng, song cả đến người thợ làm việc trong phố xá chật hẹp. Không cần có đồng hồ của thành phố hoặc chuông của công xưởng để báo thì giờ. "Bấy giờ loài người đi ra, đến công việc mình, và làm cho đến chiều tối" (Thi Thiên 104:23). Khi mặt trơi lặn, thì công việc nào cũng thôi cả.
Khoảng thì giờ ngắn ngủi trước và sau khi mặt trời lặn tức là lúc mát buổi chiều. Khi ấy gió khô hanh bắt đầu thổi, và chỉ trong chóc lát đã mát hơn luồn gió ẩm hiu hiu từ biển thổi vào lúc ban ngày. Y-sắc đã đi hưởng ngọn gió ấy. Hiện nay ở thành Beyrouth, Ða-mách, Si-đôn và Giê-ru-sa-lem, vào giờ ấy cư dân cũng còn đi chơi để giải trí và bổ sức.
"Các thú rừng" (Thi Thiên 104:20) bây giờ phần nhiều đã chịu số phận của rừng xanh; nhưng trong các làng miền núi, khi bóng tối giăng trên thung lũng, thì những con chó rừng bò ra, gầm gừ nhau và khiêu khích đàn chó trong làng.
Nửa giờ sau khi mặt trời lặn, các ngôi sao hiển hiện và lắp lánh trên khung trời không một án mây thưa. Nhìn lên các ngôi sao, thì thấy trời tối hơn, sao lớn hơn, êm dịu hơn và sáng láng hơn ở những nước phương Bắc. Các ngôi sao dường như "bước ra" và "nhìn xuống" để được người ta chú ý đến mình. Khi Gia-cốp nằm nghỉ ở Bê-tên, chơn đau và thân mỏi, dưới vùng trời bao la, thì nào có gì lạ, lời hứa của Ðức Chúa Trời có hình và có nghĩa nhờ hai vật mà ông đã bắt buộc phải chú ý đến - bụi mù mịch trên mặt đất và vinh quang của các ngôi sao trên trời. Khách bộ hành trong sa mạc thường thích đi ban đêm vì mát mẽ và bình yên hơn. Cũng như các bác sĩ, họ cũng còn nhờ các ngôi sao dắt dẫn.
Nhứt là về mùa thu, mặt trang chói sáng lạ lùng, nên lời hứa: "Mặt trăng cũng không hại ngươi ban đêm" (Thi Thiên 121:6) có nhiều ý nghĩa quí báu trong một xứ tại đó có sự nguy hiểm vì ngủ dưới tia sáng mặt trăng và tại đó khách bộ hành thỉnh thoảng phải dương dù để che khỏi ánh sáng gay gắt của mặt trăng.
Vì người phương Ðông tính thì giờ theo tháng của mặt trăng, nên lúc mặt trời lặn là khởi điểm và tận điểm của một ngày. Như vậy, ban đêm thứ bảy là buổi tối thứ sáu ở nước Anh. Giờ làm việc hằng ngày cứ tính từ lúc mặt trời mọc; như vậy, tính lúc mặt trời mọc là sáu giờ, thì giữa trưa là giờ thứ sáu, còn giờ thứ mười một là một giờ trước khi mặt trời lặn. Thì giờ ít thay đổi từ ngày nọ qua ngày kia, còn tối với sáng thì vụt chốc thay đổi, đến nỗi những sự hẹn hò vào lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn đều đúng lắm, khác hẳn ở một xứ nhiều mây và có giờ hoàng hôn dai dẳng.
5. Bầu không khí.- Vì xứ Pha-lê-tin không có sương mù và mỏ, nên khí trời trong trẻo lạ lùng. Du khách đi một ngày đường chừng 25 hoặc 30 dặm, ắt thấy cái đích cuộc du hành rõ trước mặt mình, và thoạt đầu phải lấy làm lạ vì dường như mình không hề đến gần đích hơn. Một người đứng trên núi Ê-banh thuộc xứ Sa-ma-ri, nhìn xuống phương nam sẽ thấy núi non chung quanh thành Giê-ru-sa-lem, nhìn lên phương bắc sẽ thấy rõ núi Hẹt-môn. Núi Hẹt-môn này ở phía nam dãy núi Li-ban , nhô lên sau thành Ðan và các nguồn sông Giô-đanh. Lại nữa, từ núi Hẹt-môn có thể nhìn thấy dãy núi Li-ban chạy dài và thu hẹp lại cho tới cửa thành Ha-mát. Ðứng trên mỗi một hòn núi của dãy Li-ban đó, ta thấy rõ miền cao nguyên ở phía đông sông Giô-đanh, và ở phía tây thì thấy một phần miền duyên hải bằng phẳng của Ðịa Trung Hải. Dưới ánh sáng chói lọi này các vật ở đằng xa tỏ rõ; trái lại, ở nước Anh các vật ấy bị sương mù màu xanh che khuất.
Du khách đến thăm xứ Pha-lê-tin phải tưởng tượng rằng xứ ấy nhỏ hơn vị trí thật của nó; ấy vì họ bị bầu không khí trong trẻo làm cho lầm lộn. Cũng vì cớ ấy, dãy núi Li-ban cao hơn mặt biển từ 700 đến 2.300 thước tây, nhưng trông không hùng tráng bằng các ngọn đồi xứ Tô-cách-lan, vì rất ít là về mùa hạ, hình thể nó không được ảnh hưởng của khí trời ẩm thấp và của mây bọc kín trên đỉnh.
Trong Kinh Thánh, mọi đoạn nói về đường xa đều xưng hiệp trọn vẹn với bầu không khí trong trẻo lạ lùng.
Áp-ra-ham thấy núi Mô-ri-a "ở lối đằng xa" (Sáng thế ký 22:4); Môi-se thấy rõ xứ mà mình không được phép vào (Phục Truyền luật lệ ký 34:1-3). Khi Sứ đồ Giăng nói về thành Giê-ru-sa-lem mới rằng: "Ở đó tôi không thấy đền thờ nào" (Khải huyền 21:22), thì ta có cảm tưởng rằng ông đã từng thấy thành Giê-ru-sa-lem ở trên đất, là nơi mọi vật nổi bật lên, chói lọi, đặc biệt, không thể lẫn lộn, dưới ánh mặt trời rực rỡ và vòm trời không một áng mây.
Trong các thí dụ của Ðức Chúa Jêsus, người cha cũng thấy con phóng đãng "ở đằng xa" (Lu-ca 15:20). Cũng một thể ấy, người giàu nhìn qua vực sâu thấy La-xa-rơ ở trong lòng Áp-ra-ham. Khi Ðấng Christ bị ma quỉ cám dỗ, có lần Ngài từ trên núi thấy các nước thế giới. Ở xứ Pha-lê-tin, các vật ở đằng xa hiện rõ là thường quá đến nỗi người phương Ðông không để ý tới; người phương Tây ở đó ý lâu, cũng nhận thấy sự "hiện rõ" như thế, mặc dầu là chẳng ưa chuộng bằng bóng xanh sẫm êm dịu ở chơn trời nước Anh, sự truyền thanh qua vùng không khí trong trẻo và có đàn lực(élastique) ở xứ Pha-lê-tin cũng lạ lùng lắm. Các du khách mới tới xứ ấy phải nghĩ rằng những tiếng ở ngoài phố đương nói ở trong nhà. Ðứng trên mái nhà của viên lý trưởng, người ta có thể rao báocho cả làng nghe. Trong thành phố thì tiếng thầy tế lễ đạo Hồi-hồi từ trong miếu thờ kêu gọi nhơn dân chung quanh nghỉ việc hoặc thức dậy mà cầu nguyện; còn dân quê thì đứng trên hai bờ thung lũng rộng rãi mà nói chuyện với nhau.
Kinh Thánh cũng nói đến sự đứng trên mái nhà mà báo cáo cho công chúng như thế (Lu-ca 12:3). Lại nữa, khi Môi-se và Giô-suê từ trên núi đi xuống, thì họ phân biệt rõ tiếng kêu la chiến tranh với điệu hát rập ràng với sự nhảy múa thờ hình tượng (Xuất Ê-díp-tô ký 32:17, 18). Cũng một thể ấy, Sau-lơ nhận biết tiếng nói của Ða-vít ở hòn núi xa xa (I Sa-mu-ên 26:13, 17; tham khảo Các quan xét 9:7). Có thể trưng ra nhiều trường hợp khác, tỉ như sự đọc luật pháp trên núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim (Giô-suê 8:33), những lời tuyên bố giữa trời của vua Sa-lô-môn (II Sử ký 6), của Ê-xơ-ra (Nê-hê-mi 8), và như Ðức Chúa Jêsus thường giảng dạy đoàn dân đông đúc.
6. Phong-cảnh.- Thấy xứ Pha-lê-tin lần thứ nhứt, con mắt ta phải say mê vẻ xán lạn, rõ ràng của mọi vật, cùng màu xanh biếc đẹp đẽ của trời, biển. Rồi ta cảm thấy thất vọng vì tìm mà không thấy những đặc sắc yêu quí của những phong cảnh đẹp đẽ trong các xứ khác. Không có các trại như những chấm trên phong cảnh, không có các đồng cỏ rộn lớn, không có ngựa và súc vật ngốn cỏ tự do, và không có rừng bát ngát. Trong trũng sông Giô-đanh có những hồ nông; sông thì nhỏ, suối rạch khô cạn suốt mùa hạ. Ðâu là cây bá hương, cây nho, cây vả, và vẻ đẹp của cây ô-li-ve? Phải chăng đây là Ðất Hứa? Phải chăng đây là sản nghiệp của tuyển dân Ðức Chúa Trời? Dẫu xứ Pha-lê-tin đã bị tàn phá đương thời nước Y-sơ-ra-ên và đế quốc La-mã, nhưng nó vẫn còn đẹp đẽ miễn là con mắt học tộp tìm những cái nên tìm ở đó.
Sự vinh hiển tối cao của xứ Pha-lê-tin là các màu sắc - các màu sắc đẹp đẽ buổi sáng và buổi chiều - cùng bầu không khí trong trẻo. Ta được say ngắm và hưởng lấy nhiều cái trong dãy núi Li-ban chót vót mà êm ả, trong vẻ hùng vĩ của các đèo, trong vẻ hiu quạnh huyền ảo của đồng vắng, trong rừng ô-li-ve rộng lớn ở Beyrouth, trong cây ccối xanh dờn của thành Ða-mách và Nablous (Si-chem) trong đồng bằng nhan nhản những cây chà là của miền Acre và Jaffa, trong lúc mặt trời lặn đẹp tuyệt trên hồ Ga-li-lê và Biển Chết.
Có bao giờ anh em tự hỏi tại sao Kinh Thánh ít khi mô tả phong cảnh theo cách của những nhà du lịch kim thời chăng? Tại sao Kinh Thánh không ghi chép nhiều hơn về ảnh hưởng của thắng cảnh trên tâm trí, ảnh hưởng của sự giao cảm với "vẻ vui, buồn" của cõi thiên nhiên? Ðể đáp lại câu hỏi ấy, chúng tôi xin trưng ra ba bằng cớ sau đây:
(1) Mục đích đặc biệt của Kinh Thánh.- Kinh Thánh là Lời của Ðức Chúa Trời; sứ mạng của Kinh Thánh là từ Ngài mà có, là luận về Ngài, và trên hết mọi sự là vì cớ Ngài mà có, mặc dầu đã nói về sự cứu rỗi chúng ta. Kinh Thánh không dành địa vị đầu nhứt cho cõi thiên nhiên, nhưng dành cho Ðức Chúa Trời của cõi thiên nhiên và của linh hồn loài người. Khi nào nhắc tới vẻ đẹp đẽ, hùng vĩ của cõi đời ngoại vật, ấy là cốt để tuyên bố rằng Ðức Chúa Trời lấy công việc Ngài làm thỏa thích và cai trị mọi sự. Dây liên lạc tối cao ấy không khi nào mất, mặc dầu có khi cõi thiên nhiên được mô tả như một ngôi vị đặc biệt đương tự lấy làm vui thỏa (Thi Thiên 29; 65; 114). Cho nên ở trong Thi Thiên 104, tác giả xem xét sự xứng hôp lạ lùng trong cõi thiên nhiên đến nỗi bật tiếng hát ngợi khen sự khôn ngoan và quyền phép của Ðấng Tạo Hóa: "Hỡi Ðức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao!" (câu 24; tham khảo Gióp 28; Thi Thiên 147; Ê-sai 9; Hê-bơ-rơ 3). Cũng theo một cách đó, khi ta chỉ cho người phương Ðông xem một vật đẹp đẽ hoặc kỳ diệu trong cõi thiên nhiên, thì người ấy thường kêu rằng: "Ngợi khen Ðấng Tạo Hóa!" Sự trước hết mãi nghĩ đến sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời và đời đạo đức, đó là lời cắt nghĩa tại sao trong các Thi Thiên, các sách tiên tri, các sách Tin Lành và các thơ tín chỉ luận về mục đích và ảnh hưởng của phong cảnh thiên nhiên khi nào cốt dùng làm thí dụ. Cũng vì liên lạc mật thiết với các vấn đề nghiêm trọng và thiêng liêng đó, nên trong xứ Pha-lê-tin, các vật thiên nhiên, các đồ tầm thường dùng làm công nghệ, các phần đặc biệt và các đồ trong nhà, đều có một vẻ thánh khiết và một ý nghĩa hình bóng mà ta không tìm được ở nơi khác. Người phương Tây ngụ ở xứ Pha-lê-tin xem nhơn dân làm công việc thường ngày, bèn nhận ra một nghĩa thiêng liêng cao quí, một thí dụ, nhưng nhơn dân thường chẳng để ý đến. Nhơn dân dùng khí cụ thông thường, song người phương Tây lại cho đó là cách bày giãi đạo Tin Lành và sự bất diệt.
Kìa, dân quê miền Li-ban đứng trên sân lúa đạp, cầm quạt hoặc cái chĩa ba (fourche) bằng gỗ mà phân lúa với rơm. Dân quê đi đến lạch sông Giô-đanh, lội qua nước đến nửa mình, một người đứng giữa dòng sông nhìn lại phía sau xem bọn kia lội qua thể nào. Nhưng người ấy chẳng hề nghĩ đến dị tượng của Bunyan và hi vọng của tín đồ đương hấp hối. Cũng một cách ấy, tay ngư phủ vá lưới trên bờ hồ Ga-li-lê nhưng chẳng nghĩ rằng linh hồn mình cần được Chúa "đánh lưới." Người làm vườn trồng những trụ đá lởm chởm trong vườn nho, quét một nước vôi trắng để soi lối ban đêm và đuổi xa đàn chó rừng, nhưng không suy nghĩ rằng có những chùm nho hệ trọng, quí báu hơn cần phải che chở. Cũng một thể ấy, thành Giê-ru-sa-lem tấp nập, rộn ràng, đương mở mang, có nhiều phái đạo và nhiều mưu chước giả dối kia, còn có bức thành lũy rộn hơn các nhà khảo cổ đào bới lên được danh hiệu Si-ôn của nó nay thuộc về nhiều nước, và thành của Ðức Chúa Trời bao gồm cả thế giới.
(2) Tinh thần của phương Ðông đối với phong cảnh.- Sự say mê vẻ đẹp của phong cảnh là một sự sản xuất tân thời của cuộc sinh hoạt Âu Tây; người dân thường ở phương Ðông không có con mắt mỹ thuật ấy. Người ấy có tinh thần thực tiển, chớ không có tinh thần thảm mỹ và khoa học. Người chỉ nhận các sự lợi ích của cõi thiên nhiên, chớ không xét xem cõi thiên nhiên cấu tạo thế nào. Người hững hờ với môn thảo mộc học, địa chất học và khảo cổ học. Người coi sự khảo cứu các nguyên nhân phiền phức và sự giãi bày cõi thiên nhiên là một việc vô lý. Người chú ý đến cây cối để được đồ ăn và vị thuốc; đến rừng xanh để được than, củi; đến núi non để được mạnh khỏe và phòng thân; đến các đóng hoang tàn thượng cổ để được của báu chôn vùi; đến các ngôi sao để biết dò lối và dò số mệnh. Vậy nên ông Lót là một nhà mỹ thuật theo lối Ðông phương khi ông nhìn xem đồng bằng Sô-đôm và thấy là nơi "có nước chảy tưới khắp" (Sáng thế ký 13:10); ấy cũng như nàng c-sa khi nàng xin những suối nước làm cơ nghiệp, và Y-sác khi "mùi rừng núi" của áo Ê-sau nhắc cho ông nhớ "cánh đồng mà Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho" (Sáng thế ký 27:27).
Chắc người Y-sơ-ra-ên bình thường đời xưa cũng như người Sy-ri đời nay, đều hay nhìn xem thế giới quanh mình theo phương diện công nghệ mà thôi. Thế giới ấy đã đượcchỉ định cho loài người trồng tỉa và bắt phục; vì cớ tội lỗi nên sự làm lụng khó nhọc mới có trong thế giới ấy như một án rủa sả hoặc một sự ngang trái. Người Sy-ri ngày nay chỉ thấy trong cõi thiên nhiên những cái mà các vai chính trong thi ca của Homère và Virgile vẫn tìm kiếm, tức là sự phì nhiêu, vẻ đẹp của mùa màng phong phú, sự khoan khoái nơi bóng cây và suối mát. Người Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng y như thế. Lại còn sự tha thiết tríu mến những nơi họ quen biết: Tỉ như ta thấy hết cả dân Y-sơ-ra-ên tự cao về thành Giê-ru-sa-lem, Na-a-man hùng dũng binh vực những con sông của thành Ða-mách, và người đờn bà Sa-ma-ri khoe khoang giếng của Gia-cốp.
(3) Phong cảnh và sự thờ lạy hình tượng.- Lẽ thứ ba có ảnh hưởng đến sự xem xét cõi thiên nhiên chính là những dân ngoại chung-quanh thờ-lạy các năng lực trong cõi thiên nhiên, cũng như nạn cờ-bạc cướp mất những cuộc giải-trí thanh-tao trong gia đình và ngoài xã hội. Những "nơi cao" của thần Ba-anh và thần Át-tạt-tê chiếm mất những chỗ có cây xanh, khí trời mát mẽ, suối lấp lánh và phong cảnh hữu tình. Trong những nới thần tiên ấy, xa các sự cổ hủ thông thường, không có mặt trời gắt gao thiêu đốt, lại thêm suối nước từ trong hầm đá chảy đến đâu thì rải sự sống và sự đẹp đến đấy, thì dường như có sức thúc giục từ trong linh-hồn và tiếng gọi từ trời cao bảo ta phải buông lòng vào cõi vui vẻ, thỏa mãn. Người Y-sơ-ra-ên có di tích kỷ niệm tổ tiên ở dưới giàn nho và cây vả thơm ngát, họ cũng vui vẻ, giữ lễ Ngũ tuần và lễ Lều tạm. Nhưng, nguy hiểm thay, lòng họ vẫn ngấm-ngầm hướng về các lễ nghi thờ lạy cõi thiên nhiên. Sự giữ luật pháp là cách tư vệ về phương diện chính trị và binh vực kẻ yếu đuối với kẻ mạnh, đã làm cho lòng người bình thường phải trống trải và thiếu sự yêu thương. Luật pháp đảm bảo đạo đức, nhưng không gây dựng được tấm lòng vui vẻ, thanh sạch.
Sự bó buộc không phải là sự dễ chịu, luật pháp không phải là sự sống. Phải có lời cấm đoán nghiêm ngặt trong điều răn thứ hai, phải có các đấng tiên tri cảnh cáo luôn luôn, mới làm cho Pha-lê-tin thành ra Xứ Thánh, nghĩa là tất cả phong cảnh, công nghệ và các cuộc tổ chức phải biệt riêng cho Ðức Giê-hô-va mà thôi. Vì vậy, có một tiếng khiêu khích hòa lẫn với sự cung kính thờ lạy trong khi tác giả Thi thiên nói rằng: "Các từng trời rao truyền sự vinh-hiển của Ðức Chúa Trời" (Thi Thiên 19:1), - chớ không phải sự oai-nghiêm của thần Ba-anh hoặc sự kỳ-quặc của thầy bói ngoại-đạo.
Ðầu tháng tư tây là lúc xứ Pha-lê-tin xanh dờn và đẹp-đẽ hơn hết (Nhã-ca 2:11-13). Bấy giờ trăm hoa đua nở, - hoa cúc, hoa phù dung và hoa bạch đầu ông (anémone) đỏ nhan nhản không biết bao nhiêu mà kể. Phong-cảnh xanh tươi đó không được lâu, vì đến tháng năm tây nó đã biến mất: Cây hoa khô héo vì thiếu mưa, và mùa màng chín cả. Vì tình trạng do khí hậu mà ra đó, nên thường có so-sánh đời người ngắn ngủi với hoa, cỏ, và cũng làm nổi bật tiếng kêu-gọi rằng: "Loài cỏ ngoài đồng là giống cây nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Ðức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!" (Ma-thi-ơ 6:30). Ngày nay người A-rạp cũng nhận thấy hoa, cỏ ngắn ngủi, nhiều nhan-nhản và đẹp đẽ như thế; họ thường dùng các tục ngữ: "Con-cái xác thịt ví như cỏ," - "Con trẻ là hoa của thế giới."
7. Thời-tiết thay đổi. - Người phương Ðông ít khi nói chuyện về thời tiết. Khi ta nói người nhà quê xứ Sy-ri: "Thời tiết hôm nay có chắc đẹp đẽ không?" thì người thường đáp rằng: "Tùy theo ý Chúa muốn"; hoặc sau khi lơ đãng nhìn chung quanh, người nói: "Hiện bây giờ chắc không mưa". Người không suy nghĩ đến vấn đề ấy, và cũng chẵng phát-biểu ý-kiến gì. Khi chào hỏi khách cùng đi đường, họ không đả-động tới những vấn đề như thế. Sự nói năng dè dặt ấy có nhiều cớ:
(1) Trong khoảng mấy tháng và mấy thời kỳ nhật định trong một năm, thời-tiết có những đặc-sắc chẳng hề thay đổi, nên không cấn phải xem-xét. Khi trời mưa, người phương Ðông nói rằng: "Thời-kỳ của nó đã đến". Khi nóng bức gắt gao, họ lau trán mà rằng: "Lệ thường như thế, biết làm thế nào?" Tháng sáu bắt đầu mùa gặt lúa mì, khi ấy lại đổ một trận mưa dào thì lạ-lùng lắm (I Sa-mu-ên 12:17).
(2) Nhập-cảng một vài thói tục mới mẻ của cuộc sinh hoạt kim thời thì thật không xứng hợp với những cách chào hỏi trịnh trọng nhưng khô khan của phương Ðông. Thời tiết chẳng thuộc về ai cả: nhắc đến thời tiết thì chẳng gợi thiện ý, chẳng mong được giúp đỡ hoặc lợI lộc.
(3) Kẻ nào xem xét các điềm trên trời bèn bị nghi là biếng nhác và vô tín. Ý tưởng của sách Truyền đạo 11:4 được diễn lại trong một tục ngữ A-rạp: "Kẻ biếng nhác trở nên một nhà chiêm tinh." Trời mưa to, một giáo sĩ che ô (dù) rảo cẳng về nhà, thấy một người đạo Hồi-hồi đội mưa mà đi, bèn nói rằng: "Hôm nay mưa to quá!" Nghiêm nghị nhìn lên, ông cụ kia đáp: "Ông tưởng Thượng Ðế không hiểu-biết công việc Ngài sao?" Ông cụ thật đã chung một ý tưởng với ông Gióp: "Sự phước mà tay dt ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?" (Gióp 2:10).
Thời-tiết không phải lả đầu-đề câu chuyện ở phương Ðông, nhưng các điềm hệ trọng của thời-tiết, vẫn được người ta hiểu biết và làm theo. Trong một xứ nhỏ-hẹp như xứ Pha-lê-tin, chung quanh là biển, sa mạc và dãy núi, thì mọi sự quan hệ đến nóng, lạnh, khô hanh, ẩm thấp, đều do hướng gió mà ra.
Gió tây khoan khoái, mát mẻ hơn cả. Nó kéo mây và mưa từ Ðịa Trung Hải đến (I Các Vua 18:44; Lu-ca 12:54). Cuối mùa hạ thường có diễn lại việc xảy ra khi Ê-li cầu nguyện và Ghê-ha-xi xem ngắm trên núi Cạt-men. Một đám mây nhở màu xám nhô lên trên mặt bể trong trẻo, về phía tây nam, và vùng trời tối đen rất mau chóng vì những đám mây dày bị gió cuốn đi; rồi có sấm, chớp. Khi gió bắt đầu thổi vào thời kỳ đặc biệt đó, những cánh đồng trơ trụi, thì dân quê biết sắp có gì xảy ra. Họ vội vàng đi vào vườn nho và lên trên mái nhà để cất trái nho và vả đương phơi khô trước khi mưa như trút nước.
Gió bắc còn có một đặc tánh, là "sanh ra mưa" (Châm Ngôn 25:23). Gió bắc rải chất ẩm thấp trên núi Li-ban và núi Taurus, nhưng dọc đường nó cuốn theo những mùi không tinh khiết, mà đổ xuống các thành thị và các đîa hạt độc địa. Khi thổi vào xứ Sy-ri, gió bắc là một luồng mát mẻ, thổi từng cơn và hay sinh ra bão tố. Nó có một khu vực riêng, thường là những đồng bằng gần bờ bể và những dồi, núi không xa lắm. Thổi vào miền trung ương, nó tan mất trong tiết nóng như thiêu đốt, hoặc bị nhập với luồng gió đông mạnh mẽ. Chắc vì những mùi không tinh khiết đó và vì gió lạnh lẫn lộn một cách bất thường với ánh nắng gay gắt, nên hay làm cho nhức đầu, đau mình đau mẩy, và có khi làm tàn héo những cây yếu ớt, như sương mù ngoài bể vậy. Người A-rập gọi luồn gió ấy là "gió độc." Khách bộ-hành, mã-phu và nông-phu luôn luôn nhơn dịp khi thời tiết còn tốt đẹp mà lo việc riêng.
Gió đông thường thổi luôn ban đem, nên mát mẻ và khô hanh. Nhưng nếu nó thổi ban ngày hoặc thổi luôn nhiều ngày, thì nóng gắt và khó chịu, nhất là khi nó thổi hướng đông nam. Bấy giờ nó cuốn bụi cát theo, làm cho vùng trời như một kim khí sáng láng, - vùng trời như ở sách Phục Truyền luật lệ ký 28:23. Cũng có khi luồn gió đông phủ từng trời bằng mây ảm đạm (Ê-sai 25:5; Giu-đe câu 12). Càng lên cao càng nóng, cũng như ờ hành-lang của rạp hát hoặc nhà thờ đông nghịch. Trong bóng mát ở bờ bể thì nóng độ 36 độ (96,75 độ F), còn trên núi Li-ban thì nóng tới 39 độ (102,37 độ F). Vì khô hanh, và ban đêm cũng gần nóng như ban ngày, nên sanh vật và thực vật mòn mỏi lắm. Các bông lúa lép trong giấc mộng của Pha-ra-ôn chính là bị "gió đông thổi háp" (Sáng thế ký 41:6). May thay, gió ấy ít khi thổi lâu; và những cuộc thăm viếng ngắn ngủi của nó thường được "hoan nghinh" vào tiết xuân vì làm cho cây cối mau mọc trên đất còn ướt, và vào tiết thu nữa là lúc trồng tỉa đã xong và cần có ánh nắng để phơi quả khô dùng suốt mùa đông.
Gió nam là dấu hiệu của nóng-bức (Lu-ca 12:55); nó thổi hướng đông nam thì khô hanh, còn thổi hướng tây nam thì dịu và làm cho khoan khoái. Nó thổi đều hơn, và không thình lình nổi lên, không làm ra bão tố như gió tây bắc và gió đông. Người ta rất sợ gió tây trên hồ Ga-li-lê: Nó thường thình-lình nổi lên rất mạnh khiến cho thuyền bè không trở lại bờ phía tây của hồ được.
Gió thường thổi từ hướng tây về lúc gần trưa, từ hướng bắc về buổi chiều, và từ hướng đông về buổi tối; rồi nó thổi vòng về hướng nam, đến sáng lại trở về hướng tây, sau khi mặt trời đã chiếu mặt đất suốt mấy giờ. Gió đều mực như thế là một sự hư không và lao khổ (Châm Ngôn 1:6) của tâm trí mòn mỏi chăm tìm thú vui riêng trong cõi thiên nhiên chớ không phải trong sự hầu việc Ðức Chúa Trời (Truyền-đạo 12:13). Mặt trời lặn nhuộm đỏ (Ma-thi-ơ 16:2) tỏ ra đương có gió đông, và là dấu hiệu sắp có thờI tiết nóng bức.
Mực nước mưa hằng năm chừng 95 phân tây. Mưa dào thường vẫn to hơn ở các nước phương Bắc. Về mùa xuân và mùa thu, thường thấy những cây nước vọt lên giữa biển, có khi đổ vào miền đất, làm hư hại tài sản của nhơn dân. Máy đo mưa có khi nghi một hoặc 13 phân tây trong một giờ, nhờ đó ta có thể hiểu tánh chất của "mưa to" (Ê-xê-chi-ên 13:11) làm cho tường vây bọc các vườn phải xiêu đổ (Thi Thiên 62:3), cuốn sạch chuồng bò, làm rung nền nhà ở (Lu-ca 6:48-49), và có thể làm nguy cho mạng loài người và loài vật vì cớ những dòng nước thình lình lên cao (Thi Thiên 18:16; 90:5; Ê-sai 28:2; 59:19). Nhưng thường thì mưa dào là một phước lành và thuận tiết (II Sa-mu-ên 23:4; Thi Thiên 72:6; Ê-xê-chi-ên 34:26). Mùa hạ không có mưa, hơi biển bốc lên, bay vào lúc ban ngày, và đến đêm yên lặng, mát mẻ, thì đọng thành giọt sương êm dịu trên vườn nho, cây vả, cây ô-li-ve và loài thảo-mộc. Hơi ấy cũng đóng thành áng mây buổi sáng, trải ra như bức màn trắng trong các thung-lũng suốt một hoặc hai giờ sau khi mặt trời mọc.
Trong xứ mặt trời chói-lọi gay-gắt đó, người ta coi quí chất ẩm-ướt trong mọi hình trạng của nó, đến nỗi hiện naytrong những bức chạm nổi trang hoàng các mạch nước nơi thành-thị ta còn đọc được câu cách-ngôn xưa: "Nhờ nước, chúng ta làm sống mọi loài".
Ðó là một vài tình trạng thiên nhiên có ảnh hưởng đến sự sinh sống trong xứ Pha-lê-tin.