Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Thánh Kinh Phong Tục - 3




C h ư ơ n g  T h ứ  B a

N g ư ờ i   C h ă n   C h i ê n   v à   D â n   Q u ê


"Hi vọng của cánh đồng chẳng phải là đống lúa trong sân đạp lúa"
Tục ngữ xứ Sy-ri.




I.  Ðời mục đồng

1.  Người chăn chiên và kẻ làm ruộng, những sự tương quan của hai hạng người nầy.-  Chăn chiên và trồng tỉa bao giờ cũng là hai công việc chính trong xứ Pha-lê-tin. Việc nọ bổ khuyết việc kia, một đằng cung cấp quần áo, một đằng cung cấp đồ ăn. Kinh Thánh chép rằng hai việc ấy có từ thời thái cổ (Sáng thế ký 4:2). Hai việc ấy có ảnh hưởng đến sự sanh hoạt trong gia đình; nó gây nên các nghề nghiệp, và đào tạo nề văn minh trong các làng xóm và tỉnh thành. Khi Kinh Thánh dùng các vật liệu hữu hình để cắt nghĩa và làm nổi bật các chơn lý thiêng liêng, thì luôn luôn nhắc đến các phận sự và nổi nguy hiểm của kẻ chăn chiên, các phương thức và khí cụ của kẻ làm ruộng.
           Tuy hai nghề nảy nở cạnh nhau, lâu đời như nhau và giúp ích lẫn nhau, nhưng lại cạnh tranh nhau về đất đai. Nơi nào có phái chuyên chăn chiên tiếp xúc với phái chuyên làm ruộng, thì đối với nhau có ngay sự nghi ngờ và bất tín nhiệm. Ðó chính là vì địa chất của xứ Pha-lê-tin và vì địa vị của dân Y-sơ-ra-ên trong xứ ấy.

Có đồng bằng và thung lũng để trồng lúa mì, nhưng các chổ ấy lại trống trải tứ phía, tiện cho chiên và dê chạy vào. Trừ vườn nho và vườn rau ra, còn thì đồng ruộng không hề có tường và hàng rào che chở. Ðất ruộng của mỗi người có đá làm mốc hoặc có giới hạn thiên nhiên. Mùa màng không có thay đổi mỗi năm để đất sẽ không mất hết chất tươi (như hay làm ở Âu Mỹ), người ta không biết cỏ khô là gì, và cũng không có đồng ruộng bỏ cho cỏ mọc. Có những ngọn đồi và đồng vắng tiện cho sự chăn chiên, song những chỗ đó thuộc về ai? Nếu người lạ muốn chiếm những chổ đó, ai có thể ngăn trở họ? Ý tưởng cốt yếu của người chăn chiên là cho bầy mình ăn cỏ, và vì mục đích ấy, người tự nhiên muốn có đất đai, càng nhiều càng tốt. Người không ở luôn một chổ, nhưng đổi chỗ luôn theo thời tiết quanh năm: Mùa hạ nóng bức thì dẩn bầy lên các ngọn đồi cao hơn, đến mùa đông thì xuống phía nam, đến những đồng bằng ấm áp hơn. Gia-cốp để bầy mình cách bầy của La-ban ba ngày đường, và các con trai của Gia-cốp từ Hếp-rôn đi về phía bắc, đến tận Si-chem và Ðô-than.


           Dân làng nào cũng có quyền khai khẩn các cánh đồng hoang ở chung quanh; vì chủ bầy hoặc kẻ được chủ thuê chăn bầy phải chịu trách nhiệm về chăn chiên, nên nếu phạm đến các đồng lúa trong làng hoặc thi hành thủ đoạn hà hiếp, thì bị luật pháp trong làng trừng trị. Nhưng trường hợp lại trái hẳn mỗi khi có một bầy chiên lớn dời trại đến giáp giới các đồng ruộng, tỉ như Áp-ra-ham dẫn theo hơn ba trăm người. Những đoàn chăn chiên như thế dùng trách nhiệm dùng sức mạnh mà xấn vào, và lúc trẩy qua, họ chẳng ngần ngại cho bầy xông vào ruộng lúa, gặt và đem theo mùa màng chín vàng của gã nông phu.
           Những đoàn chăn chiên ấy là Con cái của phương Ðông, nay gọi là Bédouins[1]: Kinh Thánh luôn luôn nhắc đến họ, coi như một sức ngăm dọa hủy phá cuộc đời văn minh và các quyền lợi trong xã hội. Nơi nào không có chính phủ trung ương cai trị mọi người, thì mỗi giai cấp phải chăm lo binh vực quyền lợi của mình, và "võ lực tức là quyền lợi."  Ấy là án phạt dân Y-sơ-ra-ên phải chịu vì đã không làm chủ tất cả Ðất Hứa, đã để cho các bộ lạc vô pháp vô thiên ở địa giới phía đông: Mỗi khi nước Y-sơ-ra-ên suy đồi vì cớ nội loạn hoặc chiến tranh với các nước láng giềng, thì bọn kia lại hăm hở xông vào chiếm lại những đất đai đã mất.
           Ấy đấy, sự phân biệt giai cấp và sự tranh giành quyền lợi về đất đai đã chia rẽ người làm ruộng với người chăn chiên. Vì sự nguy hiểm do nguyên cớ đó, nên công dân trong làng hợp thành đoàn quân nghĩa dũng để chóng nạn ngoại xâm, hơn là hợp thành một thị xã để lo nội trị. Tù trưởng của bộ lạc du mục phải được lãnh tụ trong làng tiếp đón, và như vậy, làng có thể đối đãi người lạ hoặc như khách quí đáng được hoan nghinh, hoặc như kẻ thù đáng bị đánh đuổi.
           Cho nên ngày nay, khi nào ta hỏi dân số trong một làng nào là bao nhiêu, thì họ trả lời theo lối nhà binh rằng làng ấy có bao nhiêu cây súng. Sức mạnh chiến đấu tức là nhơn dân. Về phía những kẻ chăn chiên từ xa đi đến, tỉ như các tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, đem theo tôi tớ và bầy đông đúc, thì phải lập giao ước với các nhà cầm quyền trong địa hạt. Áp-ra-ham làm cho địa vị mình thêm hùng cường vì kết đồng minh với Nam-rê, Ếch-côn và A-ne. Còn Lót dường như đã nhập tịch dân Sô-đôm, trở nên giống như những điền chủ ở đó, vì đã bỏ trại mà ở trong một nhà gần cổng thành.
           2.      Trang cụ (équipement) của người chăn chiên.-  Trong Kinh Thánh, những đoạn điển cố về sự sinh hoạt của người chăn chiên và những danh từ hình bóng mượn của sự sinh hoạt đó, vẫn cốt chuyên chú vào những phương diện ôn hòa. Kẻ thù của người chăn chiên chỉ là thú dữ và trộm cướp. Cơ hội gây nên tranh giành hơn hết giữa người chăn chiên, cũng như giữa người làm ruộng, chính là nước, chính là quyền được đến những giếng, rạch và suối nước (Sáng thế ký 13:7; 29:8; Ê-xê-chi-ên 2:17). Sự giữ bầy chiên và sự làm ruộng cùng phát đạt cạnh nhau. Người chăn chiên thuộc về hàng xã, và được quyền cho bầy chiên, bầy dê ăn cỏ trên những ngọn đồi tiếp cận và trong những ruộng lúa sau mùa gặt tháng năm.
           Bộ diện của người chăn chiên phương đông ít thay đổi, cũng như chiên của họ và những bổn phận giản dị của họ đối với chiên.


           (1)  Áo mặc.-  Người vẫn mặc áo rộng làm bằng da chiên, hoặc bằng vải dày dệt bằng lông chiên, lông dê, hoặc lông lạc đà. Áo đó ban ngày che chở người khỏi lạnh và mưa, đến đêm lại dùng làm chăn. Túi bên trong ngay trước ngực rộng đủ chứa một con chiên hoặc dê mới đẻ khi nó cần được đem qua nơi mấp mô chơm chởm, cần được đem đến nơi ẩn núp hoặc đem về nhà chăm nom vì cớ mắc bịnh hay trái thời tiết (Ê-sai 40:11).
           (2)  Cái túi.-  Mùa hạ, người chăn chiên có khi ở trên núi suốt một tháng, chỉ giao thông với hàng xóm khi nào có ai đem lương thực đến cho mình. Người để lương thực vào cái bị lủng lẳng bên cạnh sườn, ấy tức là "cái túi chăn chiên" (I Sa-mu-ên 17:40); mã phu và nhiều người khác cũng dùng cái túi ấy khi đi đường xa. Túi ấy làm bằng da dê con đã đánh bóng, dùng để đựng bánh, trái ô-li-ve, phó mát (fromage), nho và vả khô.
           (3)  Bầu nước.-  Còn đồ đựng thức uống, như nước hoặc sữa, thì người chăn chiên dùng một cái "vò" nhẹ không vỡ được, làm bằng quả bầu. Hình quả bầu nầy dường như làm kiểu mẫu cho các vò bằng thủy tinh và bằng đất.
           (4)  Gậy.- Cái gậy hoặc côn bằng gỗ cây dẻ bộp lủng lẳng bên cạnh sườn, hay đựng trong cái túi nhỏ mà dài buộc liền với áo dài. Phải lựa chọn kỹ càng, có khi phải nhổ một cây non và thẳng để làm côn, và chỗ rễ cây phình to phải đẽo gọt để làm đầu côn. Chỗ tay cầm phải gọt, và có khoan một cái lỗ ở dưới cùng để buộc vào thắt lưng, hoặc để treo lủng lẳng nơi cổ tay như cái roi đánh ngựa. Trên đầu thì đóng đinh có đầu to như thứ đinh dùng ở miếng sắt móng ngựa. Ðó là "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4. Trong khoa điêu khắc của nước A-si-ri, cây gậy ấy ở trong tay vua là biểu hiệu của uy quyền; nó là nguyên hình của cây phủ việt, cái chùy và cái ba-toong.
           (5)  Trượng.-  "Cây trượng" chép chung với "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4, cũng làm bằng một thứ gỗ ấy, nhưng dài chừng hai thước tây, nhẵn nhụi, ít khi có chĩa hoặc móc ở một đầu. Nó giúp người chăn chiên leo lên dóc đá, đập lá và cành nhỏ, sửa trị những con chiên hay đi la cà và những con dê hay đánh nhau. Khi đứng canh giữ bầy mình, thì người chăn tựa vào cây trượng.
           (6)  Trành.-  Cái trành của người chăn chiên làm bằng lông dê. Ða-vít rất quen dùng trành, còn người chi phái Bên-gia-min dùng trành rất khéo (Các quan xét 20:16). Cái túi lắp viên đá hình tròn như viên ngọc bích, giữa có một khe nhỏ để khì lắp đá vào, thì túi phủ đá như cái bao. Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp đặt tên cái túi đó theo hình dệt nó hơi lõm vào. Nó chính là "chỗ trũng của cái trành" (I Sa-mu-ên 25:29 - theo bản tiếng Anh đã sửa lại). Hai cái dây có vận thêm lông dê đen và trắng trông rất mỹ thuật, và rất ít là một dây có vòng thắt nút ở đầu để cho ngón tay vào. Chẳng những dùng để đánh trộm cướp và thú dữ, cái trành còn làm việc như con chó chăn chiên ở phương Tây: ấy vì người chăn có thể dùng trành bắn một viên đá rơi gần một con chiên đi lờ phờ ở đằng sau, làm cho nó giựt mình mà nhận biết mình cô độc và bị nguy hiểm. Ngày nay, khi bọn trai trẻ trong làng lân cận có sự xung đột, chúng thường đứng từng hàng dài, dùng trành mà ném đá vào nhau.


           Theo nghĩa bóng, thì cái trành của người phương Ðông cốt ý chỉ về khoảng đường hơn là chỉ về sự đúng hướng. Có một tục ngữ của người A-rạp tả vẽ kẻ hay nói hành như kẻ đựng sự bí mật trong một cái trành. Hắn thử xem mình có thể sự xấu của kẻ khác xa đến đâu.
           Công dụng của cái trành trái hẳn với công dụng của cái bầu nước. Cái trành ném ra, còn cái bầu thì giữ lấy. Chắc đó là ý của A-bi-ga-in muốn nói cùng Ða-vít khi nàng đem "bọc những người sống" và mạng sống trong đó để đối chiếu với "trành ném đá" (I Sa-mu-ên 25:19). Người đứng trước mặt nàng chắc có cả trành ném đá lẫn túi đồ ăn; linh hồn của những kẻ thù nghịch như viên đá trong trành, đáng bị ném đi, còn linh hồn của người thì được Ðấng Chăn Cao cả che chở và giữ gìn như các thứ cần dùng trong cái túi nuôi sống. Trong trường hợp nầy ý nghĩa rõ ràng và đẹp đẽ đến nỗi trong trường hợp kia cũng cần có một điển cố (allusion) thật đúng và thật rõ ràng.
           3.      Cai quản bầy chiên.-
           (1)  Sự hiện diện của người chăn chiên.-  Ngày cũng như đêm, người chăn chiên luôn luôn ở với bầy mình. Như chúng tôi đã giải luận rồi, sự đó là cần yếu vì cớ xứ trống trải, luôn luôn có nỗi nguy hiểm do thú dữ và kẻ trộm. Một cảnh tượng quen mắt và đẹp mắt hơn hết ở phương Ðông chính là người chăn chiên dẫn đưa bầy mình đến đồng cỏ. Người chăn thường có một hoặc hai con chó, nhứt là ở các đồng cỏ xa xôi, hiu quạnh của miền núi. Nhưng loài chó nầy to lớn, hung tợn, có thể giao chiến với muôn sói, và ban đêm có thể báo hiệu quân trộm mon men đến gần. Người chăn mong chiên theo mình, còn chiên thì mong người chăn không lìa bỏ chúng. Nếu người dường như đi xa chúng, thì chúng chạy theo người. Khi nào không thấy người hoặc thấy một kẻ lạ thay vì người, thì chúng hoảng sợ. Từng hồi từng lúc người gọi chúng để cho chúng biết rằng người đương ở gần. Chiên nghe và cứ ăn cỏ. Nhưng nếu có ai khác thử bắt chước giọng của người chăn, thì chúng nhớn nhác nhìn quanh và bắt đầu chạy tán loạn.
           (2)  Sự che chở của người chăn chiên.-  Vì người ở luôn với chiên, nên người luôn luôn chăm chút đến chúng. Chẳng những sẵn sàng che chở chúng, người còn dẫn chúng đến cách đồng thuận tiện nhứt do con đường tốt nhứt. Người cho chúng nghe điệu nhạc của cái sáo, có khi những con chiên nhỏ đáp lại bằng cách nhảy nhót chung quanh người. Người bẻ lá trên cành cây; lúc giữa trưa, người dẫn chúng đến dưới bóng ghình đá, hoặc dưới bóng cây hạnh đào hoặc cây liễu, gần bên giếng hoặc suối nước. Người dùng hết cách để sống với chiên và vì chiên. Lúc mặt trời lặn, người dẫn chúng trở về chuồng; tại đó, ban đêm chúng nằm ngủ bình yên chung với nhiều bầy khác nữa.
           Chuồn chiên thường là một cái hang đá lớn hoặc khu đất trũng có mái che, chung quanh xây tường đá. Khắp cả bờ tường cắm cây gai có chận đá cho khỏi sai chỗ. Ở miệng hang, hoặc ở góc tường gần cửa vào, người chăn có một chỗ làm bằng cành cây có mái, như cái trại mà Phi-e-rơ muốn dựng trên núi Hóa Hình. Ở đó, tỉ như đêm Ðấng Christ giáng sanh tại Bết-lê-hem, họ canh giữ bầy mình ban đêm. Bầy chiên cần được che chở loàn toàn luôn luôn như thế, vì chúng không nghĩ đến sự tự vệ. Khi muôn sói đến, bầy dê liền chạy lại đứng sát nhau, giơ sừng ra cự địch; nhưng chiên liền tan lạc và dễ làm mồi cho muôn sói (Giăng 10:12).
           Trong cuộc đời chăn chiên có một cảnh tượng thú vị hơn hết, là khi bầy chiên đi qua suối nước. Người chăn chiên vẫn dẫn đầu, chiên đi hàng một theo người, nhưng đến giữa dòng thì chúng trợt chơn, trôi theo dòng nước. Người chăn vội tiến lên phía trước, bồng một con nầy rồi một con khác, đẩy chiên đi trước mình, kéo chiên cho khỏi sức ép của nước. Vừa đến bờ bên kia, người chăn vội chạy dọc theo mé nước để kéo những con đã bị cuốn đi nhưng đã vùng vẫy đến được bờ bên kia, mệt mỏi lắm. Chiên nào đứng ngần người chăn hơn hết thì được bình yên hơn hết. Dường như Thi Thiên 18:16 ngụ ý đến sự giải cứu như thế - "Từ trên cao Ngài giơ tay ra nắm tôi, rút tôi ra khỏi nước sâu."
           (3)  Sự hiểu biết của người chăn chiên.-  Vì luôn luôn ở với chiên và rất chăm lo đến chiên, nên người chăn quen biết chiên rất thân mật. Nhiều chiên được đặt tên riêng, hoặc do tánh tình của nó, hoặc do một việc nào có quan hệ đến nó. Lúc mặt trời lặn, người chăn đếm chiên, thường tính từng đôi một. - Nhưng dường như theo một luật định, khi chiên nhóm chung một chỗ người chăn liền cảm thấy có con nào thiếu chăng. Ấy chẳng phải vì thiếu một con chiên mà thôi, nhưng cũng vì vẻ mặt cả bầy lộ sự thiếu thốn cái chi đó. Sự hiểu biết này rất thân mật và tự nhiên đáng tin cậy, đến nỗi thường khi không cần theo lệ đếm từng con một.
           Ngày kia, một giáo sĩ gặp một gã chăn chiên ở chỗ hẽo lánh nhứt của dãy núi Li-ban, bèn hỏi hắn nhiều câu về bầy chiên, có câu hỏi rằng hắn có phải đếm chiên mỗi buổi tối chăng. Hắn đáp: "Không," thì ông lại hỏi hắn làm thế nào mà biết rằng chiên đủ hay thiếu. Hắn đáp; "Thưa ông, nếu ông lấy vải bịt mắt tôi, rồi đem bất cứ con chiên nào đến cho tôi rờ mặt nó, chỉ một lát tôi sẽ có thể nói rằng nó thuộc về tôi hay không." Ðó là ý nghĩa đầy đủ của lời Ðấng Chăn Nhơn Lành đã phán rằng: "Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta" (Giăng 10:14).
           Nhưng có người chăn thuê, và hắn nổi danh về sự bất trung (cũng như người chăn thật nổi tiếng về sự trung thành với phận sự). Vì hay dùng cách phỉnh gạt, nên lời chứng của hắn, cũng như của người nuôi chim bồ câu, không được các tòa án ở phương Ðông công nhận. Hắn ở trong vòng phận sự, mà không hiểu phận sự, và chẳng có ai xét xem hắn làm phận sự thể nào. Hắn bạo dạng cũng chẳng được nhợi khen, và có thể nói dối để che đậy sự xao lãng phận sự. Ðược trả công rất ít, hắn có nhiều cơ hội bán dê con và chiên concho những khách đi qua, hoặc giao cho bà con đem đi chợ bán. Và đến cuối mùa, hắn trình rằng những con vật ấy đã bị người Bédouins ăn trộm, bị muông sói ăn, hoặc ngã xuống vực sâu.
           Những ngày hội hè của người chăn chiên nhằm kỳ hớt long chiên, vào tháng năm và tháng sáu. Bầy đông thêm vì những chiên con mới đẻ trong một vụ; sữa, bơ và phó mát tràn trề; đồng cỏ vẫn còn nhiều miễn là biết chỗ tìm liếm, và tiết nóng mùa hè làm cho sự sinh hoạt ở nơi khoáng đãng thành ra dễ chịu cả ngày lẫn đêm. Ấy là thời kỳ mời nhau dự tiệc giữa những người Bédouins và những người chăn chiên trong làng. Chắc các con trai của Gióp đã hội hợp chè chén trong thời kỳ ấy.
           Từ cuộc đời đồng mục ta có thể rút ra nhiều sự so sánh và nhiều bài học, thật như ta có thể trông mong như thế nơi một nghề nghiệp rất hệ trọng và thông thường của người Y-sơ-ra-ên. Người chăn luôn luôn có mặt giửa bầy chiên và che chở chiên, ấy là những đặc điểm hiển nhiên có thể khiến ta liên tưởng đến những dây liên lạc cao hơn một cách dễ dàng. Thi Thiên 23 vẫn bày tỏ lòng tin cậy Ðức Chúa Trời một cách đơn sơ và tha thiết hơn hết. Chiên phục tùng người chăn, ấy chẳng phải chỉ là bước đầu của đời thiêng liêng, - bước đầu đáng được quên bỏ khi chúng ta sẽ biết như Chúa đã biết mình vậy; những kẻ được cứu chuộc và được vinh hiển vẫn còn được dẫn đến những suối nước hằng sống (Khải huyền 7:17).
           Dây liên lạc chặt chẽ đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên ngỗ nghịch có thể kêu vang rằng: "Nhơn sao cơn giận Chúa nổi phừng cùng bầy chiên của đồng cỏ Chúa?" (Thi Thiên 74:1). Mọi sự có quan hệ đến sự yêu thương tận tụy, sự hiểu biết thân mật và quyền phép che chở, đều được gồm tóm trong phẩm tước này: "Ðấng chăn chiên lớn là Ðức Chúa Jêsus" (Hê-bơ-rơ 13:20). Các thí dụ ở Lu-ca 15:3-7 và Giăng 10:1-18 cũng có một tính cách như thế. Cũng hãy tham khảo Thi Thiên 79:13; 95:7; Ê-xê-chi-ên 34:8. Khi Phi-e-rơ vui mừng và mạnh mẽ vì được tha thứ và được phục hưng, thì Ðấng Christ lại giao chức vụ mới cho ông theo một cách đầy những ý tưởng cao thượng - "Hãy chăn chiên Ta" (Giăng 21:16).
           Kinh Thánh rất hay nói đến sự yếu đuối trọn vẹn của con chiên không có người chăn. Kinh Thánh dùng sự đó làm hình bóng mà ứng dụng đầy đủ vào những vấn đề đạo đức và tôn giáo, tỉ như người ta rất dễ bị che khuất, đi dông dài và lầm lạc trong đồng vắng của cuộc đời; nào những sự thua mất và sầu thảm xảy ra khi ý chí không đầu phục và không được dắt đưa một cách cương quyết; nào những tai hại cặp theo sự cảnh cáo sai lầm cùng sự nguy hiểm thiết thực (Dân số Ký 27:17; I Sa-mu-ên 25:7; I Các Vua 22:17; Thi Thiên 119:117; Ê-sai 53:6; Giê-rê-mi 50:6, 17; Ê-xê-chi-ên 34:6, 12).
           Rốt lại, con chiên con câm miệng mà đầu phục khi bị hớt lông và gần bị giết. Ðó là biểu hiệu về sự lẳng lặng cam chịu và về số phận tuyệt vọng. Dân Y-sơ-ra-ên thường có thể ví địa vị của mình với số phận nhứt định và sự âm thầm tuyệt vọng của con chiên. Hình bóng này được dùng trong lời tiên tri quan trọng ở sách Ê-sai, đoạn 53. Ðấng sai môn đồ ra đi "như chiên vào giửa bầy muôn sói" (Ma-thi-ơ 10:16), thì chính Ngài trước hết là "Chiên Con đã chịu giết" (Khải huyền 5:12).
II.  Ðời canh nông.
           Khi nghe báo cáo rằng các toa xe lửa của người Pháp thay cho đoàn lạc đà mà chở lúa mì của các đồng bằng phì nhiêu ở phía nam thành Ða-mách, rằng một viên kỹ sư Mỹ xây những giếng phun (puits artésiens) ở Si-đôn để tưới đồn ruộng, rằng cứ đến mù hạ các tàu Anh đậu gần thành Ga-xa để chở lúa mạch về xứ Tô-cách-lan, thì ta tự nhiên ngờ rằng người làm ruộng ở xứ Pha-lê-tin đã tấn bộ hơn người chăn chiên, và đời người làm ruộng không còn là di tích của chế độ tộc trưởng nửa. Nhưng xứ ấy vẫn là nơi sản xuất lúa mì, rượu và dầu. Sự gieo và gặt, sự ép trái nhi nơi bàn ép, sự đập cây ô-li-ve cho trái rụng xuống, - mọi sự đó và nhiều sự tỉ mỉ khác trong đời người nông phu thì ngày nay vẫn in như khi Ru-tơ mót lúa và Ê-li-sê cày ruộng.
           1.  Ngũ cốc.-  Các cánh đồng bát ngát hơn hết là đồng bằng của xứ Sy-ri, ở giữa miềng Li-ban và miền đối ngang Li-ban; đồng bằng Hauran ở phía đông xứ Ga-li-lê; các đồng bằng Ách-ra-ê-lôn và Sa-rôn; cao nguyên ở chung quanh Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem và Hếp-rôn. Ðất ruộng bằng phẳng không có tường hoặc hàng rào, thì giống như một biển rộng xanh dờn. Trên miền thoai thoải cũng như trên bờ mọi thung lũng có nước chảy qua, gọi là wadies, thì đất ruộng trải ra từng hàng như nấc thang, hàng nào cũng tiếp giáp với hàng trên và hàng dưới, thành ra có thể cày tất cả luôn một lúc không ngừng. Các thứ ngũ cốc người ta gieo nhiều hơn hết là lúa mì (hai thứ), mạnh nha (lúa mạch), và độc dật mạch (épeautre) hoặc dã đậu (vesce) mà Xuất Ê-díp-tô ký 9:32; Ê-sai 28:25 và Ê-xê-chi-ên 4:9 dịch là "tiểu mạch" và "đại mạch". Người ta không biết là gì cả. Ngoài những thổ sản kể trên, còn có đậu, biển đậu, và kê (Ê-xê-chi-ên 4:9), cũng có rau (Ða-ni-ên 1:12). Loài "rau" gồm mọi loài đậu, nghĩa là mọi thứ hột dùng làm đồ ăn, trừ ra lúa mì và mạch nha (lúa mạch).
           (1)  Gieo.-  Thời kỳ gieo giống nhằm khi đất đã mềm, dễ cày, nhờ những trận mưa đầu tiên vào tháng mười tây. Nhưng kê thì gieo vào mùa hạ trên đất ruộng đã tưới nước. Khi mùa đông lạnh lẽo và ẫm thấp đã đến mà chưa kịp trồng mạch nha (lúa mạch), thì phải đợi đến đầu tháng hai tây mới gieo được. Khi đấp mấp mô lắm, thì có lệ cày hai lần, nhưng thường thì người ta gieo hột giống rồi cày cho nó lọt vào trong đất. Người làm ruộng đi trước mà rắc hột giống, rồi người nhà hoặc một đầy tớ cày theo sau. Trong thí dụ về người gieo giống, phần hột giống rơi dọc đường bị chim ăn mất vì không được che lấp như những phần khác (Ma-thi-ơ 13:4).
           Sự ban bằng đất ở những nơi mấp mô thường làm cho nhiều vùng đá bị phủ bằng một lượt đất mỏng. Ðâu đâu cũng có gai, nó mọc mau lắm và mạnh lắm. Gai hoặc bị lượm và đốt giữa cánh đồng, hoặc dùng làm củi, hoặc nghiền tán trên sân đạp lúa làm đồ ăn cho bò (Ma-thi-ơ 13:5-7).



        Mạch nha (lúa mạch) chín vào tháng tư hay tháng năm; lúa mì chín vào tháng năm hay tháng sáu; về kỳ hạn thì chẳng nhất định gì cả, vì từ trũng sông Giô-đanh cho tới các đồng ruộng ở chung quanh những cây hương nam, mặt đất cao lên cho tới hơn 1.800 thước trên mặt biển. Những trận mưa cuối mùa vào tháng ba tây nhuần tưới mùa màng, làm cho mùa gặt chậm lại, nhưng thóc lúa nhờ đó mà chắc hơn cho đến khi chín hẳn. Cánh đồng lúa mì hoặc mạch nha (lúa mạch) có màu trắng xanh như lúa hương mạch ở trong nhà. Sẽ không mưa trong ba tháng, nhờ đó cộng lúa và bông lúa có thể khô hẳn (Giăng 4:35).
           (2)  Mùa gặt.-  Các cộng lúa hoặc cắt bằng liềm, hoặc nhổ bật rễ lên; các bó lúa được chở về sân đạp lúa, - chở bằng lưng người, lừa, ngựa và lạc đà, chớ không dùng xe vào việc này như ngày xưa (A-mốt 2: 13). Ngoài tánh chất của đất và tay của kẻ trộm, mùa màng còn hay bị hại vì tiết trời ẩm ướt làm cho mục nát, hoặc ngọn gió vừa hanh vừa nóng từ phía đông thổi đến làm cho khô héo (Phục Truyền luật lệ ký 28:22; II Sử ký 4:28; A-mốt 4:9). Cũng có khi bị hại vì châu chấu.
           Mặc dầu mùa màng ở xứ Sy-ri không có vẻ một "khối đặc" như mùa màng ở xứ Ai-cập, nhưng ở nhiều chỗ đất đai phì nhiêu quá bội, và hoa lợi xứng hiệp với những con số ở trong thí dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:8).
           (3)  Ðạp lúa.-  Sân đạp lúa là một khu đất bằng, hình tròn, đường kính chừng ngót mười thước tây, ở một khoản trống gió gần làng. Ðất ban bằng cẩn thận và quét dọn sạch sẽ, chung quanh có một hàng đá lớn chất lộn xộn, cho rơm khỏi bay ra khắp nơi. Các bó lúa cỗi ra và rải khắp sân cho đến khi rơm cao độ 30 phân tây. Cách đập lúa giản tiện hơn hết là cho bò và lừa giày xéo trên rơm khô, nhưng người ta hay dùng đến bàn đạp lúa. Bàn đạp nầy làm bằng những tấm ván dày đóng đinh liền với nhau, thành ra một tấm dài chừng một thước rưỡi, và rộng chừng một thước hai, mặt dưới có giắt những viên đá đen chơm chởm. Bàn đạp ít khi là một khung gỗ có những bánh xe nhỏ ở dưới. Họ buộc một cặp bò mang ách vào bàn đạp, và một người đứng lên trên bàn đạp, tay cầm đót bò, và đánh bò đi xung quanh từ sáng đến tối. Những con bò này không bị khớp miệng lại, nhưng được tự do lượm rơm mà ăn tùy thích (Phục Truyền luật lệ ký 25:4; I Cô-rinh-tô 9:9; I Ti-mô-thê 5:18). Khi đã đạp đủ rồi, thì rơm, hột lúa và rơm vụn chất đống ở giữa sân; người ta lại rải thêm bó lúa trên sân, rồi lại bắt đầu đạp cho đến khi xong việc, hoặc khi không còn chỗ chứa ở giữa sân vòng tròn nữa.
           (4)  Sàng sảy.-  Công việc này người ta làm bằng xẻng và bồ cào (Ê-sai 30:24). Bồ cào làm bằng gỗ, rất đơn giản. Bồ cào tung rơm, hột lúa và rơm vụn lẫn lộn lên trên không. Rơm vụn bay trên sườn đồi (Thi Thiên 1:4), còn nếu chất đống ở những sân đạp lúa công cộng thì người ta đốt hết. Rơm thì người ta chất đống cách đó mấy thước, còn hột lúa thì rơi xuống nơi chơn người sàng sảy. Trong đống hột lúa này cò có nhiều trấu và rơm, và lúc việc sàng sảy gần xong, người ta dùng cái nia mà sàng sảy suốt ngày ở sân đạp lúa, kể từ mùa gặt cho đến tháng tám tây, là khi nho đã chín cần phải giữ gìn; ở những nơi trồng nhiều lúa, thì người ta sàng sẩy cho đến hết tháng chín tây. Ông chủ ngủ ở gần sân đạp lúa, hoặc cắt người canh gác. Khi lúa chất đống cao rồi, thì người ta đóng dấu. Họ dùng con dấu to bằng gỗ mà đóng vào khắp đống lúa. Nếu ai toan lấy bớt lúa đi, thì dấu sẽ mờ đi, không rõ như trước nữa. Sự đóng dấu cốt để giữ của cho chủ hoặc những người làm ruộng chung nhau, hay là giữ nguyên vẹn mùa màng cho tới khi các nhà chuyên trách đến thu một phần mười. Ðống lúa bị đóng dấu cho tới ngày nhứt định cân hay đo. Kinh Thánh thường nói đến con dấu khi luận về các giấy tờ quan hệ, các kho tàng và các sân đạp lúa. Con dấu bao gồm nhiều ý nghĩa thiêng liêng sâu xa (Ða-ni-ên 12:9; Rô-ma 15:28; Ê-phê-sô 1:13, 4:30). Nếu ngày nay ta khuyên dân quê ở xứ Pha-lê-tin dùng máy sàng sảy, thì họ trả lời ngụ ý trách rằng tổ tiên họ đã sàng sảy theo cách nầy và đến mùa sàng sảy thì chẳng còn làm việc chi khác. Rốt lại, hột lúa còn phải rây cho sạch, nhưng chúng tôi sẽ luận về việc nầy trong mục "Ðồ ăn và sinh hoạt trong gia đình."
           2.  Vườn nho.-  Cây nho luôn  luôn chiếm một địa vị quan trọng trong các công nghệ của xứ Pha-lê-tin. Sự trồng nho là một đặc sắc bậc nhứt trong xứ ấy (Phục Truyền luật lệ ký 8:8; Thi Thiên 8; Ê-sai 5; Ê-xê-chi-ên 17).
           (1)  Nơi có vườn nho.-  Khắp xứ có vườn nho, nhưng nơi thuận tiện hơn hết là sườn đồi, hoặc khu đất thoai thoải ở chân đồi. Cây nho ưa đất đai trống trải quang đãng, để có thể đâm rễ sâu xuống cho tới chất ẩm ướt từ mặt núi thấm xuống. Trên mặt đất, cây nho cần có rất nhiều không khí và ánh mặt trời; ban đêm, sương móc đậu trên lá nó cho tươi mát; nhưng nguồn đồ ăn và sức mạnh của cây nho ở trong những khe đá mà ánh nắng mặt trời không thấu đến được.
           (2)  Dự bị.-  Vườn nho vcần phải sửa dọn nhiều lắm. Phải xây một bức tường chung quanh vườn. Ðất không bằng phẳng thì phải nện những bậc như nất thang, rộng từ 1 đến 4 hoặc 5 thước; những tảng đá lớn phải đập vỡ hết, xây chung với những viên đá khác, thành những bức tường gồ ghề nối với nhau, cao từ 60 phân đến 1 thước tám. Ðoạn, đất phải trừ hết gai và tật lê, phải dọn sạch các thứ đó hơn là để đất trồng lúa. Nếu là vườn nho rộng, thí phải đục một bàn ép nho, và phải làm một căn phòng cho người canh giữ. Phải dùng cái cuốc mà xan phẳng đất, cũng phải lo sửa chữa toàn khu vườn nho nữa. Vì phải luôn luôn chăm chút vườn nho như vậy, nên chúng ta có đọc đoạn chép rằng khi Giu-đa bị bắt làm phu tù, thì có một số dân nghèo hơn hết được để lại đặng gieo lúa và chăm vườn nho (II Các Vua 25:12).
           Vườn nho bị bỏ hoang thì Kinh Thánh mô tả là có gai và cỏ lùng cứng mạnh mọc đầy, còn tường đã đổ vì mưa xói (Châm Ngôn 24:30, 31).  Ta thấy tất cả công làm lụng khó nhọc trong  câu hỏi nầy: "Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng?" (Ê-sai 5:4).
           (3)  Cây nho mọc lên.-  Nó mọc rất mau chóng và rườm rà. Người ta trồng chồi xuống đất, chồi nọ cách chồi kia chừng bốn thước hoặc hơn nữa để đủ chổ cho cành đâm lên. Cây nho non bị chặt luôn, và người ta không để nó kết quả trước khi nó được đủ ba năm. Tháng tư và tháng năm thì cây nho thì cây nho trổ hoa thơm nhẹ nhàng (Nhã-ca 2:13). Các cành đầy la to xanh dờn mau tỏa khắp mặt đất; các cành leo dủ xuống bức tường của vườn, leo lên những vầng đá, hoặc quấn lấy một cây dẻ bộp, làm cho lá lặng lẽ của cây nầy bật tươi sáng óng ánh. Trên những cành cao nhứt của cây dẻ bộp, những cành nho rung rinh, đầy sự sống và sức mạnh vô cùng. Cây nho làm hình bóng về một cuộc đời rất dư dật, sung sướng và toàn thắng - "Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh" (Giăng 15:5).
           (4)  Quả.-  Có thể có nhiều thứ quả nho, vừa màu tía, vừa màu xanh, mặc dầu là ở cùng một vườn. Có mấy làng nổi tiếng vì có nhiều thứ quả nho khác nhau, trong vường nho có từ 12 đến 20 thứ quả khác nhau; làng khác lại nổi tiếng vì làm cho một thứ quả nho đặc biệt được mười phân vẹn mười. Nho có nhiều hình và nhiều vị khác nhau. Tên đặt tùy theo hình nho to nhỏ, hoặc màu sắc của quả nho, hoặc toàn thể chùm nho. Vậy nên trên núi Li-ban có "Ngón tay của cô dâu" (hình dài, nhọn, rất trơn và trong); "Má cô con gái" (quả nho mỗi bên có chấm ửng đỏ); "Ðầu con la"(quả nho to, màu tía, trông thô); "Gà mái và gà con" (Chùm nho có những quả to và xanh, chung quanh có nhiều quả nhỏ không hột, gần bằng quả nho đen).
(5)  Công dụng của quả nho.- 
(a)     Nho tươi và chín ăn với bánh mì, là món ăn cốt yếu trong tháng chín và tháng mười.
(b)    Nho khô. Nho nầy phơi khô ở một góc vườn nho đã ban bằng và sửa soạn kỹ càng. Ðương khi phơi dưới ánh nắng mặt trời, các quả nho thường bị đảo lên trộn xuống và tưới dầu ô-li-ve cho vỏ cứ ướt. Nho phơi từng chùm, hoặc vãi khắp mặt đất. Nho khô là món ăn cốt yếu chứa trong kho của dân quê lúc mùa đông; và trong thời kỳ của Kinh Thánh, nho khô được coi quí như một món ăn vừa miệng và bổ sức (I Sa-mu-ên 25:18; 30:12; II Sa-mu-ên 16:1; I Sử ký 12:40).
(c)     Rượu nho và nước nho.- Hai thứ nầy làm ở bàn ép rượu nho nho, khi quả nho đã chín hẳn, và mùa hái nho sắp hết, vào đầu tháng mười.
           Bàn ép rượu nho làm bằng hai cái hố trong dốc đá cứng, cách nhau chừng mười phân tây. Hố nọ cao hơn hố kia, và cái hố ở trên rộng lớn, bằng phẳng, hình vuông và sâu chừng ba bốn mươi phân tây. Họ ném quả nho vào đấy, rồi đàn ông, đàn bà và con trẻ cùng nhau lấy chơn đạp,- thường là những người cùng một nhà, hoặc bà con có chung quyền lợi trong vườn nho. Ðương khi đạp nho dưới chơn, họ vỗ tay hoặc ca hát làm nhịp (Ê-sai 16:10; Giê-rê-mi 48:33). Cảnh tượng vui mừng trong xã hội đó khác hẳn cảnh hiu quạnh, buồn bã mô tả ở Ê-sai 63:3. Sau giày đạp nho đạp nho bằng chân như thế, họ lượm các vỏ quả nho lại thành một đống, rồi người ta lấy một tảng dẹp mà chận lên trên, và lại có một cái cần như khi ta giã gạo. Nước nho chảy vào cái hố ở dưới, do một đường ăn thông xuống. Hố nầy nhỏ hơn nhưng lại sâu hơn. Nếu cái hố ở trên dài chừng hai thước và rộng một thước sáu, thì cái hố ở dưới dài chừng một thước ba và rộng chừng bảy mươi phân, nhưng sâu chừng một thước. Nếu hình thế dốc đá ấy thuận tiện, thì người ta đục một lỗ ở gần đáy hố nầy để cho nước nhochảy vào những thùng chứa nó. Một phần nước nhont để cho chua, dùng làm giấm.
           Nước của quả nho màu đen thường dùng làm rượu vang (vin) mùi hơi chua. Nước của quả nho trắng và nho xanh, thì người ta đun sôi ít lâu và dùng làm rượu ngọt. Cũng cất nước nho nầy làm rượu mạnh mà người Do Thái ngày nay gọi theo tên Hê-bơ-rơ có nghĩa là "rượu đốt cháy".
           Dân trong xứ không biết chút gì về rượu không men. Họ không có thói quen uống nước nho mới ép, như ta có tháy trong giấc mộng của quan tửu chánh trong triều vua Pha-ra-ôn (Sáng thế ký 40:11). Người phương Ðông chẳng chiều theo sự ham mê ăn uống. Tiết trời nóng bức, nên kẻ ham mê ăn uống dễ bị khó ở và hay đau yếu. Người phương Ðông hay hung tợn, nên nếu uống rượu, thì dễ bị cám dỗ mà cãi nhau, đánh nhau và phạm trọng tội. Người ta coi sự say rượu là một nết xấu đáng thẹn. Ít khi xảy ra có kẻ say rượu, và nếu có, thì người ta giấu giếm đi (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:7).
           Người theo đạo Hồi hồi bị cấm ngặt không được uống rượu, vì cớ những thương tổn đạo đức thường do rượu gây nên. Trong các thi ca và truyện tích tả cuộc đời các bậc anh hùng của đạo Hồi hồi, cũng hay nói đến rượu, nhưng chỉ coi rượu như một hình bóng, không có gì liên lạc với đời thực tế. Trong các châm ngôn của người Á-rạp có nói rằng rượu trừ diệt lý trí và đem sự hối hận thay vào. Người phương Ðông uống rượu lúc mùa đông và khi ăn cơm. Dầu có khi người ta nhận thấy rượu bổ sức khỏe, nhưng thói quen uống rượu thường cập theo tiệc tùng vô độ và sự chửi rủa gây lộn.
           Trong sách cầu nguyện của người Do Thái có một lời cảm tạ Ðức Chúa Trời vì đã dựng nên cây nho. Buổi sáng họ để bụng đói đi đến nhà hội, và khi trở về nhà riêng, họ uống một cốc rượu nho và đọc lời cảm tạ kia. Chắc trong ngày lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ có lẽ ngụ ý nói đến phong tục ấy để chứng tỏ rằng không ai có thể say rượu lúc 9 giờ sáng, là giờ người Do Thái vừa mới đi cầu nguyện về (Công vụ các sứ đồ 2:15).


           Nước nho làm bằng nước quả nho nấu sôi cho đến khi quánh như mật ong. Chất này ngọt lắm, và vì cùng một màu và đặc như mật ong, nên trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng gọi là mật ong.
           (6) Những sự nguy hiểm cho vườn nho.-  Kẻ thù ghê gớm nhất là châu chấu; là gió hướng đông nóng và hanh, làm héo quả nho; là gió tây nam đem sương mù êm dịu và sự nóng ẩm từ biển tới; là những thú rừng như chó rừng, chồn và gấu; là bọn trộm cắp và khách bộ hành hay ăn cắp vặt. Có người giữ một hay nhiều vườn nho để đề phòng kẻ trộm và thú dữ. Người ở đó ngày đêm để xua đuổi thú dữ và dọa đánh kẻ trộm hoặc báo tin có kẻ trộm. Ban đêm người dò đi đây đó, còn ban ngày người có một cái lều ở nơi địa lợi (Ê-sai 1:8). Lều làm bằng bốn cái cột cứng trồng xuống đất, có tường bằng gỗ lên cao chừng một thước rưỡi, và lợp toàn bằng lá cây dẻ bộp. Trong lều có người canh giữ ban ngày. Khi mùa nho đã hết và vườn nho trơ trụi, thì lều bị gió mưa dồi dập, thật là một bức tranh điêu tàn, hiu quạnh.
           Ðó là con gái của Si-ôn đương đời Ê-sai (Ê-sai 1:8). Có khi một căn phòng xây bằng đá thay chỗ cái lều kia. Căn phòng nầy vừa là chòi canh, vừa là nơi ẩn núp, trong đó có thể nấu rượu nho và nước nho nếu gặp lúc trời mưa, lạnh. Ðó là cái tháp trong thí dụ của Chúa (Ma-thi-ơ 21:33).
           Tỉa sửa cây nho vào tháng chạp hoặc tháng giêng tây, chớ không tỉa sửa lúc cây trổ lá và hoa; nếu làm lúc ấy, cây nho sẽ mất nhiều nhựă quá.
           Vườn nho hoặc do chủ vườn trồng lấy, hoặc cho tá điền lĩnh canh; tá điền được một nửa hoa lợi.
           Lời hứa ban mùa màng phong phú (Lê-vi ký 26:5) làm cho mùa đạp lúa nhằm tháng bảy và tháng tám liên tiếp với mùa hái nho nhằm tháng chín và tháng mười, cùng mùa cày ruộng và gieo giống nhằm tháng một.
           3.  Cây ô-li-ve.-  Cây ô-li-ve là một đặc điểm của phong cảnh phương Ðông. Nó màu xám lẫn bạc, lấm tấm bụi, tương phản với màu xanh dờn của cây dâu, cây mơ, cây cam và nhiều cây khác. Cây ô-li-ve thay đổi màu sắc luôn tùy theo ánh sáng rọi trên cây hay rọi qua cây, và tùy theo buổi sáng, trưa và chiều. Khóm cây ô-li-ve giống như một đám cây liễu hoặc cây bạch dương (bouleau) đương trổ lá, mặc dầu hình dáng không đẹp bằng và các nhánh không dập dờn đầy thi vị bằng. Thân cây màu thẫm sáng loáng qua những nhánh; khu đất đỏ lợt hiệp với cây ô-li-ve hơn hết, làm cho cây có một màu tươi chói mà cây vốn không có. Ðó là vẻ đẹp của cây ô-li-ve. Trồng được bảy năm thì cây ô-li-ve sinh quả; được mười bốn năm, thì cây đầy sức mạnh sinh quả sai lắm. Cứ cách một năm, cây ô-li-ve lại sai quả, và khi ấy một cây sinh được từ 50 đến 90 lít dầu ô-li-ve.


           Người ta hái những quả ô-li-ve vào tháng mười, chừng lúc dân Do Thái giữ lễ Lều tạm. Vì cây ít khi có tường rào chung quanh, và những cây ở trong hàng rào có thể thuộc về nhiều chủ, nên viên tù trưởng nhất định một ngày hái quả ô-li-ve hầu cho ai nấy có thể chăm lo phần riêng của mình.
           Cây cao chừng hơn sáu thước tây và dễ leo lên lắm; người ta đứng dưới đất, cầm một cành chà là trụi lá mà đập các cành ô-li-ve (Ê-sai 17:6; 24:13). Sau ngày đã nhứt định kia.ai cũng có phép mót những quả còn sót trên cây (Phục Truyền luật lệ ký 24:20; Ê-sai 17:6).
           Những cây ô-li-ve già có chồi từ gốc đâm ra, gần sát đất. Sáu, bảy hoặc mười hai chồi, hoặc hơn nữa, đâm ra thành một vòng tròn chung quanh thân cây có mắt và thường khi nứt vỡ. Ðó là những "chồi ô-li-ve" mọc lên để thế chỗ chính cây đã sinh ra chúng (Thi Thiên 128:3). Người ta tháp một nhánh ô-li-ve thật vào cây ô-li-ve rừng đã chặt cụt sát đất, chỉ còn rễ và gốc thôi. Cho nên sự tháp dân ngoại vốn thờ hình tượng vào gốc của dân Y-sơ-ra-ên vốn đã học hiểu Kinh Thánh, là một sự trái với luật thiên nhiên hoặc phong tục (Rô-ma 11:24). Nếu lấy chồi của cây ô-li-ve sinh quả mà trồng xuống đất, rồi cắt cụt và đem tháp, thì chồi ấy cũng tốt hơn. Ta nhận thấy chồi ấy làm rụng hết hoa (Gióp 15:33). Người làm lụng khó nhọc hay ăn quả ô-li-ve với bánh mì cho thêm vị. Bánh mì và quả ô-li-ve ở xứ Sy-ri cũng như xúp và sữa ở xứ Tô-cách-lan. Những người làm công cho Hi-ram được cung cấp hai món ấy (II Sử ký 2:10). Dầu ô-li-ve dùng nhiều để nấu xúp và nhiều món ăn khác. Sa-lô-môn dùng gỗ ô-li-ve để xây cát đền thờ (I Các Vua 6:31), và ở thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn dùng gỗ ấy làm các đồ trang hoàng.
           4.  Cây vả.-  Cây vả đứng sau hàng cây nho và cây ô-li-ve về số nhiều và về sự sinh quả, mặc dù ngày nay sau lúa mạch và lúa miến thì cây dâu là quan hệ hơn hết vì lá nó dùng nuôi tằm.
           (1)  Hình dáng.-  Khi trụi lá, cây vả trông chỉ như những thừng (dây lớn) chằng chịt với nhau, nhưng trên những cành nhỏ ấy có vô số chấm phơi dưới ánh mặt trời; đến mùa hạ, cành cây vả nhan nhản quả và có lá to che kín. Cây vả đủ bóng mát ở bên cạnh nhà, về phương diện nầy, cây vả df Kinh Thánh chép chung với cây nho leo (I Các Vua 4:25; Mi-chê 4:4; Giăng 1:48).
           (2)  Quả.-  Có thể nói rằng có ba mùa vả:
(a)     Vả đầu mùa.-  Thứ vả nầy có ít, và chẳng phải cây nào cũng có. Thứ nầy chín một tháng trước mùa hái vả. Thật không tốt hơn loài vả thường có mùa hạ, vì dẫu to và nhiều nước, nhưng phải cái kém vị; thế mà vẫn được coi là vật quí, vì là quả đầu mùa và có ít thôi. Chủ vườn thường đêm thứ vả nầy biếu bạn bè. Thứ quả nầy được đem biếu như vậy và dễ rơi rụng, đều có ghi chép trong Kinh Thánh để so sánh với những thực sự trong cõi đạo đức (Ô-sê 9:10; Giê-rê-mi 24:2; Na-hum 3:12).


(b)    Những quả vả thường mùa hạ.-  Thứ nầy phần nhiều dùng làm đồ ăn trong tháng tám và tháng chín tây. Người ta cũng phơi khô trên mái nhà bằng phẳng, để dành ăn lúc mùa đông (I Sa-mu-ên 25:18; 30:12).
(c)     Quả vả mùa đông.-  Thứ nầy chín chậm, và cứ còn trên cây với những lá xanh thẫm cho đến cuối mùa thu và có khi đến cuối năm. Quả nầy to và nhiều thịt, nhưng vị thì kém những quả mùa hạ. Thứ quả nầy to và nhiều thịt, nhưng vị thì kém những quả mùa hạ. Thứ quả nầy có ít, mặc dầu là lớn hơn những quả đầu mùa.
           Quả vả ngon thì thật ngon, mà dở thì thật dở. Quả vả có thể khô đi, quắt lại, dính và không có mùi vị, và bị sâu nhỏ ăn (Giê-rê-mi 24:8).
           (3)  Cây vả là dấu chỉ thời tiết.-  Cây vả trổ lá sau cây hạnh nhân, cây mơ, cây đào. Khi những lá non của cây vả đã nở, thì to ra và đậm màu hơn, đó là dấu hiệu mùa hạ gần đến (Ma-thi-ơ 24:32; Mác 13:28). Vào thời kỳ hoa nở, cây vả tỏa một mùi đặc biệt, như mùi nhang thơm. Dường như mùi thơm nầy được liệt chung vào các dấu hiệu rằng mùa hạ đã tới, theo sách Nhã ca 2:13. Trong câu Kinh Thánh đó, chữ dịch là "chín" nguyên văn có nghĩa là tỏa mùi thơm.
           (4)  Cây vả khô (Ma-thi-ơ 21:19; Mác 11:13).-  Thỉnh thoảng chúng ta thầm thương cảm cây nầy cũng như thỉnh thoảng đã thầm thương cảm Ê-sau, Sau-lơ, Giô-áp và một số người nữa. Muốn hiểu trường hợp của cây vả nầy, trước hết phải chú ý đến công lệ lớn lên và kết quả của nó. Công lệ thế nào? Ấy là lá và quả "hiện ra" và "biến đi" cùng một lúc. Khi lá bắt đầu nảy chồi, thì quả cũng bắt đầu kết.
           Ðến cuối mùa hạ, khi lá đã rụng rồi, thì vẫn còn sót ít nhiều quả vả ở đầu cành; nhưng hễ còn lá tất nhiên phải còn quả. Ta được dạy dỗ nhiều nếu đem so sánh cây vả nầy và số phận của nó với một cây vả khác có chép trong thí dụ (Lu-ca 13:6-9). Cây vả của thí dụ cũng không ra quả trong ba năm, mặc dầu nó ở vào trường hợp và kỳ hạn thường như mọi cây vả khác, tức là sự kiên nhẫn và sự tin cậy dễ giục lòng mạnh dạn.
           Nhưng đối với cây vả trên núi Ô-li-ve, thì Kinh Thánh cho ta hay rằng chưa tới mùa vả (Mác 11:13). Thoạt đầu thực sự nầy dường như binh vực cây vả; nhưng chính thực sự ấy cho nó bị đoán phạt. Nếu không phải thời kỳ ra quả, thì không phải thời kỳ ra lá. Cây ấy trổ lá trước những cây khác, và chính bởi công lệ sinh sống của nó, tức là có lá và quả cùng một lúc, nó đáng phải kết quả trước cũng như đã "tốt mã" trước. Nhưng Ngài "chỉ thấy những lá mà thôi" (Ma-thi-ơ 21:19). Thật là một tòa công luận "bằng cây!" Nó dường như bị "ám ảnh" bởi tinh thần đã tạo nên cái áo dài và cái hộp đựng đoạn Kinh Thánh[2]. Ðảng Pha-ri-si phạm nhiều tội ác nghịch cùng Ðức Chúa Trời, thế mà lại tự nhận là hành động vì danh Ðức Chúa Trời. Người Pha-ri-si và cây vả nầy gần giống nhau về chỗ "năng thuyết bất năng hành". Chỉ có cái đó làm cho Ðấng Christ nổi dạ bất bình nghiêm khắc.
           Các thầy thông giáo, các người Pha-ri-si và cây vả đều là một bọn giả hình. Chúa phán rằng: "Ta là Lẽ Thật" (Giăng 14:6). Kính mến Ngài tức là trở nên giống như Ngài. Trong các sự mà Phao-lô khuyên bảo chúng ta nên suy nghĩ đến, thì trước hết ông kể "điều chi chơn thật" (Phi-líp 4:8).
           5.  Vườn.-  Vườn ở phương Ðông thường là những khu đất có tường bao bọc để trồng cây có quả, cũng như vườn nho để trồng cây nho vậy. Người ta không nghĩ đến hoa, đến những lối đi hai bên đắp cao hoặc cỏ xanh. Ðất thì san phẳng, hoặc chia làm nhiều khu cách nhau bằng những mô đất; các khu ấy hẹp, không sâu mấy, người người ta tát nước vào. Khi nào các khu đã được tát đủ nước rồi, thì người ta lấp lại bằng cái mai và bằng chân không. Có lẽ việc nầy có liên lạc với sự tưới bằng chân chép ở Phục Truyền luật lệ ký 11:10; hoặc giả sự khác nhau giữa xứ Pha-lê-tin và xứ Ai-cập tỏ ra trong đoạn sách nầy có lẽ là sự dùng chơn đạp bánh xe vận nước từ sông lớn hoặc sông đào lên để tưới ra khắp một miền đất. Gần các thành phố, và ở những nơi có nhiều nước, có vườn trồng rất nhiều thứ rau khác nhau.
           Các thứ cây thường trồng trong vườn là ô-li-ve, vả, cam, chanh, chấp, lựu, chà là, hột giẻ, mơ, đào, chuối, có khi có cả táo và lê. Cây ô-li-ve và cây vả thì trồng cách xa nhau đủ để có thể trồng lúa mì và mạch nha ở giữa. Vậy, ta thấy các cây ô-li-ve ở trong vườn nơi chơn "đồi xanh," tại đó có một phần mộ đục trong đá. Nhiều người tưởng đó là mộ phần của Ðức Chúa Jêsus (Giăng 19:41).
           Cây hạnh nhân trổ hoa nhằm ngày ngắn, tối và lạnh của tháng giêng, và những liồng gió lớn lúc đầu tháng hai. Vì hoa của nó trổ trước khi lá mọc, nên "bộ áo tuyết" của nó dường như càng làm lộ vẻ tiêu sơ, trơ trụi của cảnh vật chung quanh nó (Truyền đạo 12:5).
           Người ta hay tưởng rằng quả táo trong Kinh Thánh chính là quả chanh hoặc quả mộc qua (coing); có lẽ là một chữ chung chỉ về ba thứ quả đó, vì lối dịch của Kinh Thánh được xác chứng bởi một lẽ rằng chữ ấy trong tiếng A-rạp có nghĩa là quả táo. Cây chà là mọc cao vót giữa những cây của đồng bằng gần bờ biển. Nó mọc rất đẹp mắt giữa những làng của các trũng thấp. Trong thi ca và lời chúc tụng của người A-rập, người ta dùng cây chà là làm biểu hiệu cho sự oai vệ và trang nhã (Thi Thiên 92:12; Nhã-ca 7:7;Giê-ru-sa-lem 10:5).
           Cây hột giẻ và cây caroubier thường thấy ở phía ngoài hàng rào vườn, hoặc thuộc về chủ đất hoặc là của công của làng. Quả cây caroubier hình như đậu bồ kếp thì trộn với quả vả để mùa lạnh dùng. Nhiều nơi có cây hột giẻ,nhưng nó thường mọc ở những thung lũng, đâm rễ gần suối nước (Thi Thiên 1:3). Bóng nó rất kín và dễ chịu, vì lá có một mùi thơm ngát (Nhã-ca 4:11).
           Người ta thường thấy cây vả rừng mọc một mình ở bờ đường, hình vóc rất to và cành lá sum suê.
           Trái vả rừng chẳng có mùi vị gì cả, lớn gần như quả mơ nhỏ, và mọc rất nhiềutrên những cành con không có lá; cành con thì đâm ra từ thân cây và những cành to. Chỉ có những người nghèo hơn hết mới ăn trái vả rừng (A-mốt 7:14).
           6.  Mót lúa.-  Các luật lệ ngàn năm xưa về sự mót lúa thì bây giờ người ta không gìn giữ cẩn thận như ngày xưa. Ở những ấp nhỏ, chủ ruộng thường mót hết lúa, nhưng thường để lại một khu không gặt vì cớ sự tín ngưỡng dè dặt. Mới đây có một viên kỹ sư người xứ Tô-cách -lan đem một cái máy gặt chế tạo ở bên Mỹ đến đồng lúa minh mong ở dãy núi Li-ban để bày tỏ năng lực của máy ấy cho các nhà chuyên trách và các chủ đất họp lại xem. Những người này lấy làm lạ lùng và thỏa thích lắm; song các nông phu nghèo khó và các đờn bà mót lúa la ó viên kỹ sư kia vì công việc nhanh chóng của cái máy ấy cướp hết phần của họ.
           Trong khu trồng cây ô-li-ve thuộc về nhiều chủ, mà lại không có vườn để ngăn sản nghiệp của người nầy với sản nghiệp của người kia, thì họ để cho mót quả ô-li-ve sau một ngày hoặc những ngày đã công bố để đập cây cho rụng quả mà lượm (Phục Truyền luật lệ ký 24:20). Ở các vườn nho và vườn vả cũng thường có lệ cho phép như thế sau một ngày gọi là lễ Thập tự, vào khoảng cuối tháng chín tây.


           Dựa theo các điều luận trên đây, ta thấy rằng nhơn dân xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin chẳng cần ai giải nghĩa cho biết rõ cuộc đời du mục và canh nông trong những thời đại Kinh Thánh. Các phong tục truyền tử lưu tôn và hoàn cảnh của họ giải thích và chứng quyết cho những vấn đề luận trên, và cũng làm cho sự dạy dỗ thiêng liêng do những vấn đề ấy càng thêm hứng thú và cảm động.





[1]  Tức là người A-rạp du mục ở trong đồng vắng của Phi châu và A-rạp, sống bằng nghề cướp bóc.
[2]  Hộp này đựng bản chép đoạn Kinh Thánh; người Do Thái đeo làm như bùa hộ mệnh.