Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Những Tín Lý và Quan Điểm Thần Học Nghịch Thánh Kinh Của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật



Dẫn Nhập
Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật còn được gọi cách vắn tắt là Cơ-đốc Phục Lâm [1]. Toàn bộ danh xưng này là tiếng Hán Việt: Cơ-đốc là Đấng Christ, Phục là trở lại, Lâm là đến, An là yên nghỉ, Thất là bảy, Nhật là ngày. Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật là một tổ chức tôn giáo tin rằng Đấng Christ sẽ tái lâm (phục lâm) một cách bất kỳ và tin rằng tín đồ của Đấng Christ phải thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Sa-bát, tức ngày thứ bảy. Phần lớn những người ngoài Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật chỉ biết đến điểm nổi bật của giáo phái này trong sự giữ ngày Sa-bát, nhưng ít khi biết rõ các tín lý của Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Tín đồ Đấng Christ sinh hoạt trong các giáo hội, giáo phái Tin Lành thường được nghe các mục sư, truyền đạo nói rằng Cơ-đốc Phục Lâm là tà giáo nhưng sự thật thì ít khi được giải thích cho biết là "tà giáo" như thế nào. Từ đó, nảy sinh ra một ngộ nhận trong các giáo hội, giáo phái Tin Lành khiến cho những ai giữ ngày Sa-bát thì đều bị xếp loại là "Tà Giáo Cơ-đốc Phục Lâm."
Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những tín lý và quan điểm thần học nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật.
Tưởng cũng cần nhắc đến các quan điểm sau đây của tác giả: (1) Các giáo hội, giáo phái, hệ phái chỉ là các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa do loài người lập ra (I Cô-rinh-tô 3:3-4); con dân Chúa có mặt và sinh hoạt trong các giáo hội, giáo phái, hệ phái nhưng các tổ chức đó không phải là Hội Thánh của Chúa. Hội Thánh của Chúa là tất cả những người "đã được nên thánh trong Đức Chúa Jesus Christ" (I Cô-rinh-tô 1:1-2) tức là những người thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và vui lòng sống theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh; họ được gọi là thân thể của Chúa, do chính Chúa cai trị. (2) Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, hoàn toàn và chân thật, là tiêu chuẩn và thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời cho nếp sống đạo của Hội Thánh. Bất cứ sự dạy dỗ hoặc tổ chức nào trong các giáo hội, giáo phái, hệ phái mà không có trong Thánh Kinh, thì đều là ý riêng của loài người.
Lược Sử Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật
William Miller (15.02.1782 – 20.12.1849), một người Mỹ thuộc giáo Hội Báp-tít, là người khởi xướng phong trào "trông chờ Chúa tái lâm" vào giữa thế kỷ thứ 19. Miller dốc lòng tìm kiếm lẽ thật trong Thánh Kinh bằng cách bắt đầu đọc Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền. Trong khi đọc, ông suy gẫm cho đến khi tin rằng mình đã hiểu câu đang đọc thì mới đọc sang câu kế tiếp. Khi Miller đọc đến Đa-ni-ên 8 thì ông cho rằng thời khoảng "hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai" được nói đến trong câu 14 là thời khoảng từ khi có chiếu chỉ xây dựng lại Giê-ru-sa-lem (457 TCN) cho đến khi Đấng Christ tái lâm. Miller dùng nguyên tắc "ngày=năm" trong Dân Số Ký 14:34 và Ê-xê-chi-ên 4:5-6 để tính rằng: hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai = 2300 ngày = 2300 năm. Như vậy, theo Miller, Chúa sẽ tái lâm vào khoảng năm 1843 – 1844. Miller đưa ra lời tuyên bố về sự tính toán của ông vào năm 1818 và tiếp tục nghiên cứu thêm cho đến tháng 9 năm 1822 thì ông chính thức khẳng định sự tính toán của mình.
Đến năm 1831, Miller bắt đầu rao giảng lý thuyết và tính toán của ông về ngày Chúa tái lâm. Người tin theo Miller được gọi là "Cơ-đốc Phục Lâm." Dầu vậy, những tiên đoán của ông về việc Chúa sẽ tái lâm vào tháng 10 năm 1843, hay mùa xuân năm 1844 đều không ứng nghiệm. Sau đó, một trong những người ủng hộ lý thuyết của Miller, là Samuel Snow, đã đưa ra tính toán mới là vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 Đấng Christ sẽ tái lâm. Tuy nhiên, năm 1844 đã qua đi mà Đấng Christ vẫn chưa tái lâm, đem lại một sự thất vọng lớn cho trên 100,000 người tin theo Miller và Snow. Ông Miller đã chính thức nhận rằng mình sai, xin lỗi Hội Thánh, và rút lui ra khỏi sinh hoạt của Phong Trào Cơ-đốc Phục Lâm, rồi qua đời vào tháng 12 năm 1849. Nhiều người hoàn toàn từ bỏ lý thuyết của Miller nhưng cũng có những người tìm cách kiện toàn phương pháp tính toán và giải kinh của Miller để đưa ra những thời điểm mới về sự kiện Đấng Christ tái lâm.
Ban đầu, những người Cơ-đốc Phục Lâm chỉ nghiêng về sự kiện Chúa Tái Lâm và chưa chấp nhận tín lý giữ ngày Sa-bát. Vào khoảng đầu năm 1844, một thiếu nữ thuộc Giáo Phái Báp-tít Ngày Thứ Bảy (Seventh Day Baptist) tên là Rachel Oakes Preston đã giới thiệu tín lý giữ ngày Sa-bát cho những người Cơ-đốc Phục Lâm. Sau đó, tín lý giữ ngày Sa-bát trở thành một trong những tín lý quan trọng của những người Cơ-đốc Phục Lâm và đến năm 1860 thì họ chính thức dùng danh xưng Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventist).
Một trong những người tiếp tục triển khai lý thuyết của Miller và góp phần trong việc khai sinh ra Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật là bà Ellen White (26.11.1827 – 16.07.1915), xuất thân từ Giáo Hội Giám Lý (Methodist). Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật được chính thức thành lập vào ngày 21 tháng 5 năm 1863. Bà White cho biết bà được đem lên thiên đàng, nhận lãnh chỉ thị và khải tượng từ Chúa để thành lập Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Bà White tự xem mình là nữ tiên tri của Đức Chúa Trời và tín đồ Cơ-đốc Phục Lâm chấp nhận vai trò nữ tiên tri của bà. Thực tế, họ xem các sách do bà viết ra có thẩm quyền đứng hàng thứ nhì sau Thánh Kinh cho đức tin và nếp sống đạo của tín đồ Đấng Christ. Có thể nói, toàn thể hệ thống thần học của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật dựa trên các tác phẩm của bà White. Tác phẩm chính là cuốn "The Great Controversy" (Cuộc Đối Nghịch Vĩ Đại) trình bày sự phản loạn của Satan chống nghịch lại Đức Chúa Trời và loài người là bãi chiến trường cho cuộc chiến giữa Đấng Christ và Satan. Bà White tin và dạy rằng lý thuyết của Miller  và sự tính toán của Snow là đúng nhưng ngày 22 tháng 10 năm 1844 là ngày Đấng Christ từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để khởi sự cuộc phán xét những kẻ sống và kẻ chết trên đất.
Theo thống kê năm 2010 [2], Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm có trên 16 triệu 600 ngàn tín đồ (không kể trẻ em), là một tổ chức tôn giáo lớn, đứng hàng thứ 12 trên thế giới, còn xét về ảnh hưởng quốc tế thì đứng hàng thứ sáu. Riêng tại Việt Nam, từ năm 1915 đến 1927, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm vào Việt nam truyền giáo tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Lạng Sơn, Sàigòn, Chợ Lớn... và "Hội Thánh Cơ-đốc Phục Lâm" đầu tiên tại Sàigòn được thành lập vào đầu tháng 12 năm 1929. Những Tín Lý Nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật
Theo dòng lịch sử, tín lý của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật có nhiều thay đổi. Từ năm 2005 cho đến nay, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật có 28 Niềm Tin Căn Bản (28 Fundamentals) [3]. Trong 28 niềm tin căn bản đó, phần lớn phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh nhưng có những điều được liệt kê dưới đây nghịch lại với sự dạy dỗ của Thánh Kinh:
1. Tín lý thứ 7 cho rằng mỗi người là một liên kết không thể phân chia bao gồm thể xác, trí tuệ, và tâm thần (body, mind, spirit).
Thánh Kinh dạy người là một thực thể bao gồm thể xác, linh hồn, và tâm thần (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Lời của Chúa có thể phân chia linh hồn, tâm thần, và thể xác (Hê-bơ-rơ 4:12). Linh hồn và tâm thần có thể rời khỏi thể xác khi sự chết thứ nhất xảy ra hoặc khi được thần cảm (Lu-ca 16:22-23; II Cô-rinh-tô 5:9; 12:1-5).
2. Tín lý thứ 13 cho rằng trong những ngày cuối cùng, giữa sự bội đạo lớn, một phần còn sót lại của Hội Thánh được gọi ra khỏi các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa để vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đấng Christ. Nhiệm vụ của phần còn sót lại là rao truyền sự phán xét sắp đến, công bố sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ, và loan báo sự tái lâm của Ngài. Nhiệm vụ này được tiêu biểu bởi ba thiên sứ trong Khải Huyền 14 và xảy ra đồng thời với sự phán xét trên thiên đàng, đem đến sự ăn năn và thay đổi trên đất.
Từ ngữ "sự phán xét trên thiên đàng" đề cập đến tín lý thứ 24 liên quan đến khải tượng của bà White về việc ngày 22 tháng 10 năm 1844 Đấng Christ thay vì tái lâm trên đất thì đã từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Thánh Kinh không hề nói đến sự kiện Đấng Christ phán xét kẻ sống và kẻ chết trong nơi chí thánh trong thiên đàng. Sách Khải Huyền từ đoạn 6 cho đến đoạn 19 là lời tiên tri về sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế gian sau khi Hội Thánh đã được đem ra khỏi thế gian.
3. Tín lý thứ 16 cho rằng Đấng Christ hiện diện trong sự dự Tiệc Thánh để gặp gở và thêm sức cho các tín đồ.
Thánh Kinh không hề dạy Đấng Christ hiện diện mỗi khi tín đồ dự Tiệc Thánh để gặp gở và thêm sức cho họ. Thánh Kinh dạy Đức Chúa Jesus ở cùng tín đồ cho đến khi tận thế (Ma-thi-ơ 28:20); Đức Cha và Đức Con ở trong những ai yêu mến Đấng Christ và vâng giữ lời Ngài (Giăng 14:23); Đức Thánh Linh ngự trong thân thể tín đồ và thân thể tín đồ trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19). Nói cách khác, Ba Ngôi Đức Chúa Trời ở trong những ai thuộc về Đấng Christ chứ không phải chỉ mỗi lần tín đồ dự Tiệc Thánh thì Đấng Christ mới hiện diện với họ. Chính Đấng Christ dạy rằng Tiệc Thánh là việc tín đồ làm để nhớ đến Chúa "Hãy làm điều này để nhớ đến Ta!" chứ không phải là việc làm để Chúa hiện diện và thêm sức cho tín đồ (I Cô-rinh-tô 11:24-25).
4. Tín lý thứ 18 cho rằng ân tứ nói tiên tri được thể hiện và ban cho bà Ellen White cùng với khoảng 2000 khải tượng và giấc mơ; các tác phẩm của bà có thẩm quyền và là nguồn lẽ thật tiếp tục nuôi dưỡng, dạy dỗ, dẫn dắt, bẻ trách và sửa trị Hội Thánh.
Trong thực tế, nhiều lời tiên tri của bà White đã không ứng nghiệm, (sẽ trình bày trong một bài viết khác khi có dịp). Mặt khác, cho dù 100% những ý tưởng được trình bày trong các tác phẩm của bà White phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì cũng không vì đó mà các tác phẩm của bà trở thành thẩm quyền và nguồn lẽ thật cho Hội Thánh, huống chi, có những sự sai lạc với lời dạy của Thánh Kinh trong các tác phẩm của bà. Dưới đây là một vài thí dụ điển hình:
Ellen White viết:"Những người tiếp nhận Cứu Chúa, dù thật lòng đến đâu, cũng không nên dạy cho họ nói hay cảm nhận rằng họ đã được cứu." (Nguyên văn:"Those who accept the Saviour, however sincere their conversion, should never be taught to say or feel that they are saved." Christ's Object Lessons, trang 155).
Thánh Kinh dạy:"Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời" (I Giăng 5:13).
Ellen White viết:"Đừng một người hầu việc Chúa nào trong chúng ta làm ra gương ác bằng cách ăn thịt. Họ và gia đình của họ phải sống đúng theo sự soi dẫn của sự cải biến sức khỏe. Đừng để cho những người hầu việc Chúa trong chúng ta thú vật hóa bản tính tự nhiên của họ và con cháu họ." (Nguyên văn:"Let not any of our ministers set an evil example in the eating of flesh-meat. Let them and their families live up to the light of health reform. Let not our ministers animalize their own nature and the nature of their children." Spalding and Magan, trang 211).
Thánh Kinh dạy:"Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh" (Sáng Thế Ký 9:3).
Ellen White viết:"Bị bệnh là phạm tội; vì tất cả các thứ bệnh đều là kết quả của sự phạm pháp." (Nguyên văn: "It is a sin to be sick; for all sickness is the result of transgression." Health Reformer, 01.08.1866).
Thánh Kinh dạy:"Sa-tan bèn lui ra trước mặt Đức Giê-hô-va, hành hại Gióp một bịnh ung độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu" (Gióp 2:7).
5. Tín lý thứ 24 cho rằng vào năm 1844 Đấng Christ đã từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để hoàn tất công việc chuộc tội cho nhân loại bằng cách dùng huyết Ngài tẩy sạch đền thánh trên trời và phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi công tác này hoàn thành thì Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất. Sự phán xét kẻ sống có nghĩa là phán xét những người đang sống trên đất từ khi Đấng Christ vào nơi chí thánh cho đến khi Ngài tái lâm; còn sự phán xét kẻ chết là phán xét những người tin Chúa đã chết trước thời điểm đó. Theo bà Ellen White thì ngày 22 tháng 10 năm 1844 là ngày Đấng Christ khởi sự thi hành sự phán xét.
Thánh Kinh cho biết Đấng Christ đã làm xong công tác chuộc tội cho nhân loại. Công tác đó hoàn thành khi Đấng Christ chết trên thập tự giá. Chính Ngài tuyên phán: "Xong" (Giăng 19:30)! Hê-bơ-rơ 9:12 chép rõ "Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời." Động từ "vào" trong nguyên tác Hy-lạp của câu này thuộc thời quá khứ bất định để chỉ một việc đã hoàn thành trong thời quá khứ, nghĩa là trước khi thư Hê-bơ-rơ được viết. Như vậy, làm sao có chuyện đến năm 1844 thì Đức Chúa Jesus Christ mới vào nơi chí thánh? Thánh Kinh cũng không hề nói đến chuyện Đấng Christ thi hành sự phán xét kẻ sống và kẻ chết trong nơi chí thánh trên trời hoặc trước khi Ngài tái lâm trên đất. Thức tế, Thánh Kinh cho biết sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian thì Đức Chúa Trời phán xét thế gian trong một thời kỳ bảy năm và sau khi trời cũ đất cũ qua đi thì Đấng Christ sẽ gọi những kẻ chết không thuộc về Chúa sống lại và phán xét mỗi người tùy theo công việc họ làm.
6. Tín lý thứ 26 cho rằng người chết thì không còn ý thức gì cả.
Đấng Christ phán rằng người chết vẫn có ý thức, có cảm giác và có trí nhớ. Câu chuyện về người nhà giàu tội lỗi và người ăn mày tên La-xa-rơ được chép lại trong Lu-ca 16:19-31 chứng minh điều đó. Ngoài ra, những thánh đồ tử đạo thời đại nạn vẫn có ý thức và biết kêu cầu xin Chúa báo trả những kẻ ác (Khải Huyền 6:9-10).
7. Tín lý thứ 27 cho rằng vương quốc ngàn năm bình an là ở trên trời, còn trái đất lúc đó bị bỏ hoang, không có người ở, chỉ có Satan và các quỷ sứ của nó. Cuối ngàn năm bình an thì thành thánh sẽ từ trời giáng xuống trên đất. Khi đó những kẻ ác sẽ sống lại, hợp với Sa-tan và các quỷ sứ của nó bao vây thành thánh nhưng lửa từ Đức Chúa Trời sẽ thiêu hủy họ và thanh tẩy trái đất. Từ đó, vũ trụ sẽ không còn tội nhân và tội lỗi nữa.
Thánh Kinh cho biết vương quốc ngàn năm là ở trên đất. Sa-tan bị giam trong vực sâu suốt một ngàn năm. Không có chuyện những kẻ ác sẽ sống lại vào cuối ngàn năm bình an để hợp sức với Sa-tan bao vây thành thánh từ trời giáng xuống. Thành thánh chỉ từ trời giáng xuống đất sau khi đã có trời mới đất mới, là lúc Sa-tan và những thiên sứ phạm tội cùng những người không thuộc về Chúa đã bị ném vào hồ lửa đời đời (Khải Huyền 20-22). 
Ngoài 28 Niềm Tin Căn Bản, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật còn có những quan điểm thần học không đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh như sau:
8. Chỉ những ai biểu lộ kết quả xứng đáng của sự ăn năn (Ma-thi-ơ 3:8) [4] và công nhận Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm là phần sót lại của Hội Thánh thật của Chúa [5] mới được làm báp-tem.
Hai điều kiện này hoàn toàn không có trong Thánh Kinh.
9. Tín đồ không được ăn thịt các loài vật không tinh sạch [6].
Thánh Kinh cho biết, thời Tân Ước Đức Chúa Trời đã làm tinh sạch mọi thức ăn không tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15; Rô-ma 14:14; I Ti-mô-thê 4:4).
10. Những ai chỉ thờ phượng Chúa vào chủ nhật, không thờ phượng Chúa vào ngày thứ bảy, là mang dấu ấn của con thú được mô tả trong Khải Huyền 13 [6].
Dấu ấn của con thú chỉ xuất hiện khi con thú lên ngôi (thời đại nạn, Hội Thánh đã được cất lên trước đó) và dấu ấn đó sẽ ở trên tay hoặc trên trán của người đón nhận nó để người đó có quyền mua bán chứ không phải sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào chủ nhật là dấu ấn của con thú. Con dân của Chúa có thể nhóm họp thờ phượng Chúa vào bất kỳ lúc nào.
11. Chỉ những ai giữ ngày Sa-bát mới nhận được dấu ấn của Đức Chúa Trời và được cứu [7].
Dấu ấn của Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh ở trong chúng ta, do chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và vui lòng sống theo Lời Chúa (Ê-phê-sô 4:30).
Kết Luận
Trên cơ bản đức tin Cơ-đốc về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, về Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, về tội lỗi, về sự cứu rỗi, về sự thánh hóa, và về sự sống đời đời thì người Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật tin đúng những gì Thánh Kinh dạy. Những tín lý và quan điểm thần học nghịch lại Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật chẳng qua là hậu quả tất nhiên của sự hiểu sai một số Lời Chúa (II Phi-e-rơ 3:16) và sự dựa vào những điều gọi là "chiêm bao, khải tượng, thần cảm" hơn là dựa vào Lời Chúa. Tất cả các chiêm bao, khải tượng, thần cảm cần phải được đối chiếu với lẽ thật của Lời Chúa vì từ ngàn xưa đã có những sự chiêm bao, khải tượng (hiện thấy), và thần cảm không đến từ Đức Chúa Trời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:1-5; Truyền Đạo 5:7; Giê-rê-mi 14:14; 23:25-32; Xa-cha-ri 10:2; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2).
Tất cả những sự dạy dỗ không có trong Thánh Kinh hoặc nghịch lại Thánh Kinh đều là "tà giáo" nghĩa là những sự dạy dỗ không đúng với lẽ thật (tà là không ngay thẳng, không chính đáng; giáo là sự dạy dỗ). Tuy nhiên, các giáo hội khác không có tư cách để gọi Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm là "tà giáo" vì chính trong các giáo hội đó cũng có những sự dạy dỗ không đúng với hoặc là không có trong Thánh Kinh. Thậm chí, "tà giáo" trong một số giáo hội tự cho là truyền thống, theo sát Thánh Kinh, lại có mức độ nguy hiểm trầm trọng đến nổi khiến cho tín đồ tin theo những sự dạy dỗ đó có thể bị mất sự cứu rỗi, như tà thuyết: "Tin Chúa một lần, được cứu vĩnh viễn," dạy rằng, một người chỉ cần thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ là được cứu, cho dù sau đó đời sống của người ấy vẫn chưa từ bỏ tội lỗi.
Công bình mà nói, một người tin và sống theo những sự dạy dỗ của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật có nếp sống đạo chân thành và thánh khiết đúng với Lời Chúa hơn là một người tin vào tà thuyết "Tin Chúa một lần, được cứu vĩnh viễn."
Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận "nhìn trái biết cây" để nhận diện các tiên tri giả và giáo sư giả (Ma-thi-ơ 7:15-23); chúng ta có bổn phận đối chiếu lời giảng dạy của bất cứ người nào với Thánh Kinh để xem lời giảng dạy ấy có đúng với Thánh Kinh hay không (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Là con dân Chúa chúng ta có bổn phận vâng giữ các điều răn của Chúa và sống như Đấng Christ đã sống, làm theo những gì Đấng Christ đã làm (I Giăng 2:3-6). Là con dân Chúa, chúng ta thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời, do Đấng Christ dùng huyết Ngài để lập nên (I Cô-rinh-tô 1:2; I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6) chứ chúng ta không thuộc về một tổ chức tôn giáo nào, cho dù là những tổ chức mang danh Chúa, do loài người lập ra. Thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của con dân Chúa là Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16-17), chứ không phải giáo lý hay thẩm quyền của bất cứ một người nào hay một giáo hội nào. Để có sự khôn ngoan, hiểu biết đúng Lời Chúa, trước hết con dân Chúa cần có tấm lòng thuận phục, sẵn sàng vâng theo Lời Chúa (Giô-suê 1:8), kế tiếp, lấy đức tin cầu xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan, thông sáng (Gia-cơ 1:5).

Huỳnh Christian Timothy