Tôi được sinh ra ở thành phố Bello, bang Antioquia, xứ Columbia, vào ngày 22 tháng Sáu năm 1942. Mới đầu khi còn ở bậc tiểu học, tôi theo học ở viện Manuel José Caicido, do hội những người Anh Em Tín Đồ Cơ Đốc giảng dạy, một dòng tu đặc biệt chuyên về việc giảng dạy trẻ con. Tôi học ở đó trong sáu năm. Sau đó, tôi theo học ở trường do mấy ông cha Salesian giảng dạy trong năm năm. Năm cuối của bậc trung học tôi theo học ở thủ đô Bogota của xứ Columbia với mấy ông cha của dòng Dominican.
Leo Lên Nấc Thang của Giáo Hội
Sau khi học xong trung học tôi nhận được áo thầy tu của dòng Dominican và khởi đầu năm tu sinh. Tôi mặc bộ đồ trắng và cái mũ đen của người tu sinh. Đầu của tôi bị cạo trọc, chỉ để lại một vành tóc trên đầu. Năm đó tôi học luật lệ, phong tục, trách nhiệm và quyền lợi của đời sống tu hành trong giáo hội Công giáo La-mã.
Thật là một năm đầy khó khăn. Thể chế khắc khe ngăn cấm chúng tôi liên lạc với thế giới bên ngoài. Chúng tôi không được ăn thịt, ngoại trừ vào những ngày lễ đặc biệt. Mỗi thứ Sáu chúng tôi phải kiêng ăn. Mỗi ngày chúng tôi phải tâm niệm, ngoại trừ lúc cầu nguyện, cho đến 12:30 tối. Vào ngày Chủ Nhật chúng tôi phải xưng tội giữa các bạn cùng lớp và những giám thị của chúng tôi. Thường khi người có tôi bị bắt nằm xuống ngay giữa cửa ra vào, nơi đó mấy ông cha linh mục bước đi lên trên thân thể đuối sức của bị cáo.
Sau thời gian khổ hạnh tôi hứa nguyện sẽ ở trong dòng tu ba năm. Sau đó tôi bắt đầu học các môn triết lý ngay lập tức. Suốt ba năm tôi bỏ thời giờ ra để học siêu hình học, vũ trụ học, tâm lý học, phương pháp học, lịch sữ triết học, tiếng Hy-lạp và tiếng Do-thái.
Tiếp đến tôi thề nguyện làm tu sĩ trong một buổi lễ long trọng, rồi tôi bắt đầu học thần học. Vào năm 1961, tôi được dịp gặp gỡ những tư tưởng gia cấp tiến nhất của giáo hội Công giáo La-mã. Vào cuối năm học đó, tôi nhận được cấp bậc thứ nhất của dòng tu, một bước tiến để leo lên nấc thang của giáo hội.
Vào năm thứ hai của chương trình học thần học, tôi nhận được hai cấp bậc nữa, hay đẳng cấp, của hàng tu sĩ trong giáo hội Công giáo La-mã. Vào năm thứ ba, tôi học giáo lý, lịch sữ và về Ba Ngôi của Đức Chúa Trời, và tôi nhận được thăng cấp bậc thứ nhất của dòng tu sĩ, đó là chức phó-tế, có nghĩa là tôi có thể đem rượu đến bàn thờ, ban phát bánh và rượu thánh cho giáo dân, và đọc lời Thánh Kinh trong các thánh lễ. Vào năm cuối tôi học luân lý, trách nhiệm của người chăn bầy, và được tấn phong làm linh mục trong giáo hội Công giáo La-mã.
Lời Hằng Sống của Chúa
Nhưng Chúa kêu gọi tôi đi con đường khác, và tôi xin kể cho quý vị điều gì xảy ra trong lòng tôi đang khi tôi theo đuổi việc học vấn và việc leo lên nấc thang của giáo hội. Tôi đọc một bài nói chuyện của nhà văn Tây Ban Nha Donoso Cortez trong đó ông nói về sự vĩ đại phi thường của quyển Kinh Thánh và sự góp phần của quyển sách ấy vào nền văn chương thế giới. Ông kết luận bài nói chuyện với một đoạn ông nói rằng quyển Kinh Thánh là cuốn sách của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Lúc đó tôi mới hiểu sự quan trọng của quyển Kinh Thánh là cuốn sách của sự cứu rỗi.
Trong nhà của chúng tôi có một quyển Kinh Thánh thật đẹp trong đó chúng tôi ghi chép ngày đám cưới, ngày sinh tử, một cuốn Kinh Thánh là nhân chứng cho những sinh hoạt trong gia đình chúng tôi, và là nhân chứng không bao giờ nói với chúng tôi một điều gì vì chúng tôi không bao giờ được dạy rằng chúng tôi phải đọc nó. Khi tôi bắt đầu đọc một phần trong quyển Kinh Thánh ấy, nhiều nghi ngờ bắt đầu nẩy sinh trong lòng tôi, và tôi muốn chúng phải được giải thích hay có câu trả lời. Tôi tin rằng tôi phải làm quen với những người sống theo lời Kinh Thánh dạy. Vì thế tôi đến với một người bạn là người Tin Lành và qua người đó tôi mua một quyển Kinh Thánh và cùng với người đó chúng tôi đã thảo luận nhiều điều liên quan những điều dạy dỗ trong Kinh Thánh. Tôi theo học một lớp Thánh Kinh hàm thụ nhưng có nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải thích.
Một lần tôi tham dự một buổi họp mặt của thanh niên Tin Lành, tôi rất ngạc nhiên về kiến thức của những thanh niên này về Kinh Thánh. Vào ngày sinh nhật của tôi, người bạn Tin Lành cho tôi một cái thẻ đánh dấu trang sách trong đó có câu Kinh Thánh Giăng 3:16, lời của câu Kinh Thánh này đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời tôi: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế giant đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời."
Tôi đã từng theo học ở chủng viện và cứ đinh ninh rằng qua việc làm này tôi đã dâng cuộc đời tôi cho Chúa. Tôi đã lựa chọn một dòng tu có tiếng tăm nhất trong giáo hội vì những nhà thần học, những thầy giảng và dịch vụ của dòng tu này để bảo vệ niềm tin của giáo hội Công giáo La-mã (dòng tu của thánh Thomas Aquinas và cũng là của toà án Dị giáo). Nhưng tôi không có sự bình an trong chủng viện.
Chúa luôn luôn đặt trong lòng tôi câu kinh thánh trong Giăng 3:16. Tôi bắt đầu thắc mắc tại sao tôi phải ở trong tu viện nếu Chúa đã hoàn toàn cứu chuộc tôi. Mọi hành khổ trong tu viện và của giáo hội là phụ thuộc và không cần thiết nếu có sự cứu rỗi qua đức tin. Tôi cố tìm xem những thông lệ được thực hành trong giáo hội có ghi chép trong kinh thánh không, nhưng không thể tìm thấy ở đâu, và sự nghi ngờ này dẫn đến sự nghi ngờ khác.
Con Đường Đức Tin
Từ năm thứ hai của việc học vấn của tôi, tôi thường đọc tập tành đọc kinh thánh Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp. Vài bản dịch về sách Rô-ma và sách Ga-la-ti hầu như rất quái lạ cho tôi. Con đường đức tin được trình bày như là sự bảo đảm cho Cơ-đốc-nhân. Nhưng khi tôi hỏi vị giáo sư về bình luận Kinh Thánh của tôi về những thắc mắc của tôi, ông ta trả lời tôi bằng câu trả lời của thánh John Chrysostom, "Càng đọc nhiều về Phao-lô chừng nào, tôi càng hiểu ít hơn chừng ấy." Những nghi vấn trong tâm hồn tôi càng ngày càng chồng chất làm cho tôi bị khủng hoảng tâm thần. Vào lúc đó tôi không tin vào sự sống lại của Chúa Jêsus vì tôi theo quan niệm thần học tự do cấp tiến của nhà thần học Rudolf Bultmann làm kim chỉ nam cho tôi.
Qua sự nghiên cứu lời Chúa sâu rộng hơn tôi được thoát khỏi những nghi vấn trong tâm hồn. Một câu kinh thánh trong I Cô-rinh-tô 15:14 đem đến cho tôi câu trả lời: " Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích." Sự sống lại của Đấng Christ trở thành bằng chứng lịch sữ lớn lao nhất cho đời sống tôi. Tôi đã trở thành người tin theo phúc âm trong tấm lòng tôi. Tôi không còn tin vào những nghi thức lễ nghi của giáo hội mặc dầu tôi vẫn còn ở trong khuôn khổ của nó. Rồi tôi bắt đầu nhận ra rằng suốt cuộc đời tôi là một sự dối trá. Tôi đã sống một cuộc đời mà ngay chính tôi bây giờ không còn tin tưởng nữa.
Vì thế vào một buổi chiều tôi đi đến thăm viếng một vị mục sư Tin Lành. Đây là thời hạn nghỉ hè lần đầu tiên của tôi ở tại nhà trong bảy năm qua. Tôi và vị mục sư cùng học lời Chúa với nhau, nhất là chương mười một của sách Hê-bơ-rơ, chương nói về đức tin. Tôi hỏi vị mục sư này, "Nếu tôi tin điều này, thì tôi phải làm sao?" Chúng tôi cầu nguyện với nhau và tôi tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Chúa và Cứu Chúa của đời sống tôi, đầy đủ trọn vẹn. Ngay lúc đó tôi là một con người mới.
Phản Ứng của Gia Đình Tôi
Sau sự kiện này xảy ra, có lắm rắc rối chợt đến cho tôi, đặc biệt nhất liên quan đến gia đình tôi. Cho một gia đình theo Công giáo La-mã có một người là linh mục trong gia đình thật là quí hoá còn hơn là dâng một bàn thờ bằng vàng cho giáo hội. Cha tôi tuyên bố rằng, ‘Trong hai trăm năm gia đình họ Santamria chưa hề có một kẻ giết người, một người ăn trộm, một kẻ làm đỉ, hay là một người Tin Lành - ngươi là người đầu tiên.' Tôi đành phải từ bỏ gia đình thân yêu gồm có sáu người của tôi vì lợi ích của Phúc Âm, nhưng tôi nhận lại được một gia đình gồm có hàng ngàn người, những người tín hữu chân chính của Đấng Christ.
Giới thẩm quyền của giáo hội Công giáo La-mã cố tình cách bỏ tôi vào tù, nhưng nhiều giáo sĩ đã được tái sinh và nhiều tín hữu bênh vực cho tôi và Chúa đã giải cứu tôi một cách lạ lùng. Tôi phải rời khỏi xứ Columbia, nhưng Chúa đã cung cấp mọi nhu cầu cho tôi và mở cửa cơ hội cho tôi được học Lời Chúa ở một chủng viện giảng dạy Kinh Thánh.
Hiện giờ tôi có một sự nóng cháy trong tấm lòng tôi cho người Tây Ban Nha, và hiện nay tôi làm việc với tư cách giáo sĩ phục vụ Chúa qua tổ chức Conversion Center in the USA, tìm cách đem ánh sáng của lời Chúa cho những tâm hồn còn bị đen tối cho người nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi cần sự cầu nguyện của quý vị mỗi ngày để nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha có thể tìm được sự bình an trong Đức Chúa Jêsus: ‘Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.' (Rôma 5:1)