Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Dám Sống Trên Bờ Vực (4)


LÀM THẾ NÀO GIỮ MÌNH KHỎI SỰ THẤT BẠI

Trung tâm Cleveland, máy bay Alpha Charley 346 gọi đây. Tôi đang ở độ cao mười ngàn năm trăm bộ. Tôi đang ở giữa mây...Thiết bị chỉ dẫn định hướng không hoạt động. Cần rađa định hướng. Hết"


- "Alpha Charley Sáu, Cleveland đây. Roger. Đã biết anh không định được hướng. Hãy đặt máy liên lạc ở mã số 4582 để nhận tín hiệu của rađa. Hướng tiến của anh hiện bao nhiêu?



"Alpha Charley Sáu đang ở hướng tiến 250 độ. Xin lập lại mã số. Tôi đang nguy...Tôi đang mất định hướng...Tôi không thấy được mặt đất!



- Alpha Charley Sáu, Cleveland đây. Hãy gọi mã số 4582. Tập trung vào mạng chỉ thị thiết bị của bạn. Giữ nguyên mức độ canh và giảm ga để bắt đầu hạ xuống từ từ. Chúng tôi đã tiếp cận được với anh trên hệ thống rađa.



"Tôi mất kiểm soát rồi,..mất..Máy bay đang đảo...Tôi sắp lộn nhào. Tôi đang lộn nhào!...hướng nào đây! Cứu! Cứu tôi với!"



- "Alpha Charley sáu, thả lỏng bộ phận điều chỉnh đi! hãy nhìn vào mặt thiết bị chỉ dẫn của anh. Điều khiển bánh lái ngược lại! Bẻ ngược bánh lái lại!



"Cứu, Cứu tôi với ! Tôi không thể dừng được..."



- "Alpha Charley Sáu, Alpha Charley Sáu, anh có nghe thấy không?" 

(Yên lặng)



-"Liên lạc bằng rađa đã bị mất"



Mẫu đối thoại trên dựa vào một cuộc trao đổi được ghi lại giữa đài kiểm soát không lưu với một máy bay nhỏ đã bị rơi, làm chết viên phi công. Việc điều tra vụ rơi máy bay nầy cho thấy không có gì trục trặc với các thiết bị bay trên chiếc máy bay N346 Alpha Charley1. Phi công này chưa được huấn luyện để bay mà không bị ảnh hưởng bởi những cảnh vật thấy được bên ngoài, nên đã mất phương hướng và không điều khiển được máy bay của mình. Bảng thiết bị của anh ta bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để hoàn tất chuyến bay một cách an toàn. Vậy thì còn thiếu điều gì? Sự huấn luyện và kỷ luật giúp anh bỏ qua tiếng nói của bản năng mà chỉ tập trung bay bằng sự liên hệ với một nguồn thông tin từ bên ngoài: đó chính là các thiết bị của anh ta. Điều gì đã xảy ra? Sự thực mà anh cho là đúng đã hóa ra sai. Những cảm nhận của anh đã phản bội anh, và anh phải trả giá bằng mạng sống của mình.


Để học biết cách sống bằng đức tin trong lãnh vực tài chánh, chúng ta phải nhờ cậy vào một nguồn thông tin bên ngoài, chứ không chỉ dựa vào nhận định riêng của mình về các hoàn cảnh. Điều đó cũng giống như điều khiển một chiếc máy bay bằng thiết bị chỉ dẫn. Quang cảnh phía trước nhiều khi âm u và mù mịt, nhưng chúng ta cứ làm đúng chỉ dẫn và theo đúng hướng thông tin. Nguồn thông tin bên ngoài đó chính là Lời Chúa.



Lời thành văn của Chúa ban cho chúng ta rất nhiều nguyên tắc hướng dẫn các lãnh vực về tài chánh của chúng ta. Tôi muốn được nhắm vào những nguyên tắc cơ bản nhất. Những lẽ thật này đều là những nền tảng, dầu cho bạn đang có một công việc thuộc giới, làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hoặc bạn đang lao mình vào các chức vụ hầu việc tiên phong.



Nguyên Tắc Thứ I: Đừng Lo Lắng Về Tiền Bạc



Một trong các mạng lệnh đầu tiên của Kinh Thánh là chớ lo lắng. Mạng lệnh đó cũng dứt khoát như mạng lệnh chớ trộm cắp hoặc chớ phạm tội tà dâm. Các chữ "đừng sợ" hoặc những câu tương tự xuất hiện khoảng 100 lần trong Kinh Thánh.



Chúa Jesus đặc biệt bảo chúng ta đừng lo lắng về tiền bạc trong Bài Giảng Trên Núi của Ngài. Những gì chúng ta được dạy bảo và những gì chúng ta không được dạy về lời nói và việc làm của Chúa Jêsus đều được truyền dạy cách thiêng liêng. Vì vậy, thật có ý nghĩa khi Bài Giảng Trên Núi dành thật nhiều chỗ về mạng lệnh này. Bạn hãy suy nghĩ đến tất cả những điều ác của thế gian mà Chúa Jesus đã cảnh cáo chúng ta. Lẽ ra Ngài có thể kêu gọi chúng ta lưu ý đến những lỗi lầm thông thường và những thất bại phổ biến của con người, hoặc con số của những nỗi đau trên thế giới này. Nhưng Ngài lại tập trung vào nỗi bận tâm và lo lắng của chúng ta về tiền bạc.



Có lẽ bạn hiện đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chánh. Hãy lắng nghe những lời Chúa Jesus phán mà trước đây bạn chưa hề nghe.



"Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống, cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc . Sự sống há chẳng quý trọng hơn đồ ăn sao? Thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó . Các ngươi há chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao? Vả lại có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài hơn một khắc không? Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những loài hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào, chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ, nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu Vua Salômôn sang trọng đến đâu cũng không được mặc áo tốt như một loài hoa nào trong giống đó . Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi . Ấy vậy các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi ."



"Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài,thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa . Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai . Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy ". (Mathio  6:25-34)



Không còn gì rõ ràng hơn nữa, có một người đã tóm gọn khúc Kinh Thánh trên như vầy "Lo lắng là niềm tin đặt nơi ma quỷ". Bạn hãy đọc Thi Thien 37:1-40 sứ điệp chủ chốt của đoạn Kinh Thánh đó là chớ lo lắng về tiền bạc. Trong đoạn nầy ba lần lập lại câu "Chớ phiền lòng!" Trong câu 8 cũng nói sự lo phiền đó chỉ dẫn đến điều ác.



Dầu cho các mối lo của bạn về mặt tài chánh là hậu quả của một điều gì đó ở ngoài tầm kiểm soát của bạn, như tình trạng kinh tế hoặc tình trạng giảm lao động, hay do hậu quả của điều bạn đã làm, như quá lạm dụng thẻ tín dụng, thì mạng lệnh Kinh Thánh vẫn không thay đổi. Chớ lo lắng chi về tiền bạc. Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho bạn những bước nào cần phải thực hành để vượt qua mớ rối nùi của bạn về lãnh vực tài chánh. Có thể bạn cũng cần tìm những lời khuyên trong lãnh vực này và thực hiện các bước ăn năn và bồi hoàn nếu như nan đề tài chánh của bạn bắt nguồn từ việc lạm dụng tiền bạc hoặc do thiếu khôn ngoan. Song bạn không được lo lắng. Lo lắng chỉ dẫn đến những thái độ sai quấy và hành động sai trật.



Việc chọn lựa để không lo lắng nữa đòi hỏi nhiều đến sức mạnh của ý chí giống như viên phi công phải nhờ vào bảng thiết bị hướng dẫn thay vì dựa vào những cảm nhận của chính anh ta trong lúc bay qua đám mây mù. Có một phụ nữ quyết định không lo lắng về tiền bạc nữa. Tên cô là Lillian Trasher.



Cô Lillian Trasher đến Ai cập vào những năm đầu thập kỷ 1900, hoàn toàn chỉ vì Lời của Chúa, không có một sự chấp thuận chính thức hoặc sự hậu thuẫn về mặt tài chánh của một ban chấp hành của hội truyền giáo nào cả. Tại đó, tấm lòng của thiếu nữ độc thân trẻ tuổi nầy bị quặn thắt bởi nhu cầu của hàng ngàn trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Cô không có phương cách nào để cứu giúp chúng, vì chính cô cũng không có một nguồn thu nhập bảo đảm nào, lại càng không thể lo cho những đứa trẻ ăn theo được. Song cô tin chắc rằng Đức Chúa Trời đang bảo cô làm một điều gì đó.


Năm 1911, cô bắt đầu nhận nuôi các đứa trẻ và không bao lâu sau cô chịu trách nhiệm với 1500 đến 2000 trẻ em và bà góa. Trong suốt 51 năm, kể cả những năm khó khăn trong thế chiến thứ II, cô đã lệ thuộc vào Đức Chúa Trời và vào sự dâng hiến của đồng bào cô, để có thức ăn cho trẻ mồ côi hoặc thêm nhà ở cho chúng. Tin tức về việc làm của cô đã lan đi và nhiều người gởi tiền đến giúp cô. Nhưng nguyên tắc sống căn bản của cô vẫn là một lối sống lệ thuộc vào Chúa hàng ngày và quyết định không lo lắng. Cô viết trong một cuốn sách nói về một kinh nghiệm rất điển hình. 



"Ngày nọ tôi đến thăm một trong những người bạn Aicập bị bệnh. Tôi dành cả ba ngày ở với cô ta, và cô ta hỏi tôi có bao nhiêu trẻ em (ở tại viện mồ côi) tôi trả lời và cô hỏi tôi có bao nhiêu tiền. Tôi nói chưa đến 5 Mỹ kim và tôi có mượn 250 Mỹ kim nơi một người bạn.



Cô bạn của Lillian hoảng sợ. Biết rằng viện cô nhi dự định cất một khu nhà mới, cô ta hỏi "Dĩ nhiên là bạn không khởi công cho đến khi nào có thêm tài chánh trong tay chứ?" Lillian đáp: "Ô chúng tôi không đợi có tiền, nếu chỉ có năm mươi xu thôi, chúng tôi cũng khởi sự. Khi nào tòa nhà hoàn tất, thì tiền cũng được trả đủ".



Lillian tìm cách làm cho cô bạn mình yên tâm, nói cho cô biết rằng từ trước đến nay công việc vẫn tiến hành như vậy. Cô kể cho bạn mình về một khu ký túc xá hai tầng mới vừa xây xong dành cho các em gái mà họ không phải mắc nợ một xu nào. Sau một số câu chuyện như thế, người phụ nữ ấy trả lời: "Được rồi, Lillian à, nếu như tôi không biết điều đó là thật thì tôi đã bảo đó là những chuyện hoàn toàn dối trá!"



Lillian viết rằng "Chiều hôm đó tôi ra về, chồng cô ta đã trao cho tôi 25 Mỹ kim. Sáng hôm sau 55 Mỹ kim đến từ Hoa kỳ. Tôi trả bớt một phần trong số 250 Mỹ kim mà tôi đã nợ. 


"Chiều ngày hôm sau tôi đi đến gian nhà dành cho trẻ nhỏ. Khi xem xét giường của các bé, tôi thấy rất cần có các tấm trải bằng nylon. Các tấm cũ của chúng đã sờn cả rồi. Tôi nói với một trong các giáo viên "Ôi, phải chi tôi có 10 Mỹ kim ngay bây giờ". Khi đang còn trò chuyện, một bé gái chạy tới và nói "Thưa Mẹ, bà D. muốn nói chuyện với Mẹ qua điện thoại". Bà D. là một góa phụ Aicập rất giàu có. 

"Bà ta cho biết muốn đến thăm cô nhi viện, và chỉ một lát sau có hai chiếc xe hơi chạy vào. Một xe chở đầy cam cho các em, và bà ta phát cho mỗi em một trái khi chúng xếp hàng đi qua. Khi các em đã đi hết, bà ta trao cho tôi 150 Mỹ kim.



Cô Lillian đi ngay đến cửa hàng và mua các tấm trải bằng nylon mới cho giường ngủ của các bé, sau đó cô dùng số tiền còn lại để trả cho khoản nợ 250 Mỹ kim. Qua ngày hôm sau, 500 Mỹ kim đến từ một ân nhân ở tại Hoa kỳ một sự đóng góp thật quý báu cho dự án xây cất được tiếp tục. Cô gọi điện cho cô bạn lo lắng và thuật lại những gì Đức Chúa Trời đã làm trong một vài ngày qua.



"Ôi, cảm tạ Chúa", người phụ nữ đáp lời "Tôi thật không chợp mắt được buổi tối hôm ấy, cứ lo lắng cho chị và hết thảy những đứa trẻ ấy!"



Người thiếu phụ Aicập thì mất ngủ, nhưng Lillian thì không. Cô đã quyết định không lo lắng vì biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp.



Nguyên Tắc Thứ 2: Đặt Đúng Các Ưu Tiên



Chúng ta phải trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Điều nào giữ vị trí cao nhất trong tâm trí chúng ta thì điều đó sẽ làm hao tổn nhiều sức lực và thì giờ của chúng ta hơn hết. Điều đó sẽ là nền tảng của các quyết định của chúng ta và cũng sẽ là điều kích động chúng ta hơn hết. Nếu chúng ta thành thật, chúng ta sẽ thừa nhận rằng tiền bạc nhiều lúc giữ vị trí ưu tiên số một trong đời sống chúng ta, chứ không phải Đức Chúa Trời và Nước Ngài. Nếu Chúa đang nằm đúng vị trí của Ngài trong tấm lòng của chúng ta, chúng ta sẽ không bị gây ấn tượng quá mạnh mẽ đối với tiền bạc. Khi có tiền hay khi không có tiền, mắt chúng ta vẫn cứ chăm xem Chúa chứ không nhìn vào sổ chi thu của mình. Thông thường mức độ lo lắng chúng ta bày tỏ qua tiền bạc cho thấy chúng ta đã đặt các giá trị ưu tiên của mình ở đâu.



Nguyên Tắc Thứ 3: Hãy Chuyên Tâm và Có Tinh Thần Trách Nhiệm



Phải tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta phải vô trách nhiệm về mặt tài chánh. Chúa dạy chúng ta phải biết chắc và biết rõ cảnh trạng của bầy chiên mình (Cham Ngon 12:24) Mỗi người đều phải làm lụng và lo chăm sóc các nhu cầu riêng của chính mình (ITesalonica 4:11-12;IITesalonica 3:10)



Hãy nhớ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn: Chúng ta thường chỉ chú trọng vào một khía cạnh của điều răn nầy, đó là giữ ngày Sabát. Nhưng cũng không được quên một nửa phần còn lại của mạng lệnh này: Ngươi hãy làm việc trong sáu ngày.



Một số người cho rằng làm lụng là một sự rủa sả và rằng chúng ta sẽ sung sướng hơn nếu như không phải làm việc. Tôi không tin điều đó. Khi Đức Chúa Trời bảo Ađam rằng ông phải làm việc để trồng ra lúa gạo mà có bánh ăn, thì đó không hoàn toàn là một lời rủa sả. Lòng khao khát muốn được hữu dụng đã trồng sâu trong mỗi người chúng ta, vì thế vô dụng mới thật là một sự rủa sả. Đó là lý do vì sao có quá nhiều những người lớn tuổi mạnh khỏe bị buộc phải nghỉ hưu và về sau chết rất chóng. Chúng ta cần quay về với những lẽ thật về việc thiện của phái Thanh Giáo. Chúng ta cần phải làm việc và làm việc cần mẫn. Sau đó, Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho công việc của tay chúng ta.



Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải có trách nhiệm với gia đình của mình. Chúng ta được dạy phải chăm sóc gia đình hiện tại của mình và các bậc cha mẹ lớn tuổi của chúng ta (ITim 5:4). Cách mỗi người chăm lo đến các trách nhiệm về mặt tài chánh đều khác nhau, bởi vì Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người cách riêng biệt và trang bị mỗi người độc đáo riêng theo sự kêu gọi của người ấy. Nhưng chúng ta đừng trốn tránh trách nhiệm của mình.



Nguyên Tắc Thứ 4: Đầu Tư Tiền Bạc Và Nhìn Xem Nó Phát Triển



Chúa Jesus đã cho chúng ta câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng. Thí dụ đó giải tỏ rõ ràng rằng chúng ta có bổn phận làm hết sức điều mình có thể làm để thực hiện những cuộc đầu tư khôn ngoan. Tiền bạc của chúng ta phải được sử dụng và nẩy nở ra, đem lại phước hạnh cho nhiều người, chứ không được cất giấu đi. Tuy nhiên, phải cẩn thận một điều: Việc này không nhất thiết nhằm vào sự phát triển giàu có tiền bạc. Tài chánh có thể được kể vào, nhưng có những vấn đề khác quan trọng hơn. Tâm tánh của chúng ta có tăng trưởng không? Nước của Đấng Christ trên đất có được phát triển không? Tăng trưởng là một nguyên tắc của sự sống. Phải, một công ty hoặc một cuộc đầu tư cũng có thể bày tỏ ra ân điển của sự sống và sự nhân bội của Đấng Christ.



Nguyên Tắc Thứ 5: Hãy Rộng Rãi 



Mỗi một Cơ Đốc nhân đều phải rộng rãi. Đó là một phần của những thay đổi đã diễn ra trong bản chất của chúng ta khi chúng ta trở nên những tạo vật mới trong Đấng Christ. Khi được biến cải, chúng ta trở nên giống như Cha chúng ta ở trên trời, là Đấng rời rộng hơn tất cả mọi người.



Lý do đầu tiên chúng ta phải rộng rãi là để bày tỏ với Chúa lòng biết ơn và tình yêu chúng ta dành cho Ngài. Chúng ta không thể gởi các ngân phiếu đến thiên đàng, đề tên Chúa Jesus. Kể từ khi Ngài được cất lên trời, cách duy nhất chúng ta có thể dâng tặng tiền bạc cho Ngài là ban cho người khác. Bởi đó, việc dâng hiến là một hình thức thờ phượng.



Một trong những phương cách căn bản nhất để dâng hiến cho Chúa là phần mười, tức là dâng mười phần trăm thu nhập của bạn bằng việc nêu gương và bằng mạng lệnh trực tiếp, việc dâng phần mười được coi là điều bình thường đối với mỗi một người theo Chúa trong suốt thời Cựu ước. Việc dâng phần mười đã bắt đầu từ trước khi có luật pháp (Sang The Ky14:20) và Chúa Jesus đã tỏ rõ rằng việc dâng phần mười phải được tiếp tục giữ không được bỏ qua (Malachi 23:23).


Tuy nhiên việc dâng phần mười không làm cho chúng ta rộng rãi. Nếu chúng ta chỉ dâng mười phần trăm, thì điều đó khiến chúng ta khá hơn tên ăn trộm được một phần trăm. Lời Chúa cho chúng ta thấy Ngài coi mười phần trăm là tài sản của Ngài, và bất cứ số lượng nào kém hơn đều bị xem như là ăn trộm của Ngài (3:89và Le Vi Ky 27:30-32). Nhưng phần mười chỉ là một sự nhắc nhở để chúng ta nhớ rằng Ngài sở hữu mọi sự, Ngài là một trăm phần trăm của mọi nguồn cung cấp, Đức Chúa Trời phán rằng bạc và vàng đều là của Ngài (Aghe 2:8) và rằng đất và mọi vật thuộc về đất đều là của Ngài (Thi Thien 24:1). Theo lời Chúa, chúng ta không sở hữu điều gì cả. Bất cứ điều gì chúng ta có đều chỉ là mượn của Chúa và chúng ta chịu trách nhiệm để sử dụng cách khôn ngoan cho những mục đích của Ngài.



Đó là lý do vì sao khuôn mẫu dâng hiến của Tân ước vượt quá phần mười, sự rộng rãi thậm chí cũng chưa thành hình cho đến khi chúng ta vượt qua khoản phần mười tối thiểu của thời Cựu ước. Buồn thay, nhiều Cơ Đốc nhân vẫn chưa thôi lấy trộm mười phần trăm mà lẽ ra phải thuộc về Đức Chúa Trời. Thực tế, phần lớn những người thường xuyên đi nhà thờ, đều không dâng phần mười. Theo thăm dò của John và Sylvia Ronsvalle, mặc dầu tỉ lệ thu nhập tư bản gia tăng lạ lùng trong những năm từ 1968 - 1985, tỉ lệ thu nhập của những người đi nhà thờ lại giảm đi từ 3 xuống 2,8 phần trăm, và họ dự đoán rằng nếu khuynh hướng này cứ tiếp diễn thì chẳng bao lâu mức dâng hiến có thể thấp xuống mức 1,94 phần trăm. 



Lời Chúa tuyên bố rằng toàn bộ tình trạng tài chánh của chúng ta đều bị rủa sả nếu chúng ta không dâng phần mười (Malachi 3:9). Có thể bạn đang trong tình trạng này và không hiểu làm thế nào có thể tồn tại để trả hết mọi khoản nợ tồn đọng nếu dâng hết 100 phần trăm số thu nhập ít ỏi mà mình có. Tôi xin kể cho bạn một câu chuyện.


Một đầy tớ Chúa nhân dịp viếng thăm, vừa kết thúc một bài giảng sôi động về bổn phận phải dâng phần mười của mỗi một Cơ Đốc nhân. Ông nhấn mạnh cách Đức Chúa Trời vui lòng bày tỏ sự cung ứng thành tín của Ngài cho những ai tôn kính Ngài qua việc dâng phần mười. Sau đó, vị Mục sư chủ tọa của Hội thánh nhỏ bé đang vật lộn ấy mới tỏ riêng với vị đầy tớ đang thăm viếng tại đó rằng "Thật sự thì tôi và nhà tôi đã không thể dâng phần mười từ nhiều năm nay rồi. Chúng tôi đã phải chật vật lắm mới chỉ vừa đủ tiền thuê nhà và mua thức ăn!"



Vị Giáo sĩ lắng nghe với vẻ đầy thông cảm. Rồi ông đưa người bạn mới của mình đến một thách thức. Ông bảo vị mục sư của mình hãy thử dâng phần mười trong một năm, để ra mười phần trăm trước tiên, trước khi thanh toán bất cứ các hóa đơn nào hoặc chi tiêu một khoản tiền nào "Nếu có khi nào anh khám phá ra mình bị thiếu hụt một số tiền mà mình cần, bất cứ vì lý do gì..." ông ngừng lại và viết số điện thoại tại nhà lên một tấm bưu thiếp "thì hãy gọi cho tôi, tôi sẽ bù vào chỗ chênh lệch mà không đòi hỏi gì cả".



Một năm trôi qua và vị mục sư trẻ tuổi gọi điện thoại cho vị giáo sĩ lớn tuổi với một lời tường thuật thật phấn khởi "Thưa ông, suốt trong năm nay, tôi không phải gọi điện cho ông một lần nào cả đúng như điều ông đã nói, cứ mỗi tuần, chúng tôi biệt riêng mười phần trăm ra trước. Và rồi chúng tôi luôn luôn có đủ số tiền cần dùng. Tiền bạc đến thật đúng lúc. Thật sự tôi không hiểu là bằng cách nào nữa, nhưng chúng tôi luôn có đủ tiền cho các nhu cầu của mình".



"Thật cảm tạ Đức Chúa Trời, người anh em à". Vị giáo sĩ nói qua điện thoại và đi đến điểm gút của vấn đề "Nhưng vì sao ông lại có thể tin cậy vào sự hỗ trợ của tôi mà lại không tin vào Đức Chúa Trời?"



Chính Đức Chúa Trời là Đấng hứa chúc phước cho chúng ta nếu chúng ta dâng phần mười "Các ngươi khá lấy điều này mà thử ta, Chúa toàn năng phán: xem ta có mở các cửa sổ trên trời, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng" (3:10). Một tôi tớ Chúa nói rằng trong hết thảy những năm ông hầu việc Chúa cho những nơi tiêu điều ở các khu ổ chuột, ông chưa bao giờ gặp được một người ban cho hào phóng hoặc một người trung tín dâng phần mười cho Chúa.



Nếu sự rộng rãi của Tân ước vượt quá số lượng tối thiểu của phần mười, thì bạn phải dâng bao nhiêu đây? Bạn làm sao để biết khi nào thì phải đáp ứng cho một nhu cầu và khi nào phải để dành tiền để giải quyết các trách nhiệm của bạn về mặt tài chánh, kể cả các trách nhiệm gia đình riêng của bạn? Nguyên tắc của Tân ước thật là đơn giản: Mọi điều bạn sở hữu và bạn có, đều thuộc về Đức Chúa Trời. Và giống như Chúa Jesus, bạn phải cầu hỏi sự chỉ dẫn của Đức Chúa Cha trong mọi sự. Bạn chỉ cần nói "Lạy Chúa, con đây. Và đây là tất cả tiền bạc của con. Ngài muốn con làm gì?" Khi bạn biết được một nhu cầu nào, hãy cầu hỏi Chúa bạn có phải dâng hiến không và dâng bao nhiêu. Hãy vâng lời Chúa. Sự dâng hiến trong Tân ước đặt nền tảng trên sự đầu phục hoàn toàn, hãy lắng nghe tiếng Chúa và thuận phục bất cứ điều gì Ngài bảo bạn làm, rồi sau đó hãy tin cậy Ngài để làm điều bạn không thể làm.



Ghi chú : Chương 6 


1. Tên thật đã được đổi 
2. Tác phẩm Touched by the Fire: Eyewitness Accounts of the Early Twentieth Century Pentecostal Revival của Wayne E. Warnen, Logos International, 1978 trang 25-27 
3. "Nguyên nhân của việc tìm kiếm linh hồn" 
Tường Trình Viên của Hội The United Methodist ngày 16 tháng 11 năm 1990