Khi Chúa Giê-su ở trên đất, Ngài đã bị cám dỗ trong mọi mặt. Khi chịu khổ, Ngài cảm thấy đau đớn; khi bị hiểu lầm, Ngài cảm thấy buồn rầu. Ngài đã kinh nghiệm rất nhiều nỗi khổ và gặp phải nhiều sự bắt bớ. Khi kinh nghiệm những sự cám dỗ ấy, Ngài có những cảm xúc giống như chúng ta. Vì vậy, Ngài có thể cảm thông đối với những sự yếu đuối của chúng ta.
Chúa cảm thông đối với những sự yếu đuối của con người, nhưng không bao giờ cảm thông đối với tội. Chúa Giê-su đã bị cám dỗ trong mọi phương diện y như chúng ta, nhưng không có tội. Ngài không bao giờ nói: “Ta cảm thông với những tội lỗi của các ngươi; vì vậy, Ta tha thứ cho các ngươi”. Ngài cảm thông đối với sự yếu đuối của xác thịt con người. Sự yếu đuối của xácthịt là gì? Đó là sự yếu đuối trong hồn chúng ta. Ngài cảm thông đối với loại yếu đuối ấy. Khi chúng ta chịu khổ trong xác thịt, hồn chúng ta cảm thấy khó chịu. Chúa có thể cảm thông đối với cảm giác khó chịu ấy. Chúa bày tỏ sự cảm thông có nghĩa là Ngài cảm điều chúng ta cảm.
Chúng ta có bao giờ cảm điều những người khác cảm không? Chúng ta có bao giờ cảm thông với những người khác chưa? Nhiều khi chúng ta có thể giúp đỡ những người khác, nhưng không cảm thông với họ. Chúng ta không cảm được những nỗi khổ của người khác. Khi thấy họ thiếu thốn, chúng ta có thể giúp đỡ họ về mặt vật chất. Nhưng chúng ta chưa bao giờ cảm được nỗi đau khổ trong đời sống của họ. Khi thấy một người bị bệnh, chúng ta có thể cho người ấy ăn, mặc áo quần cho người ấy và phục vụ người ấy. Nhưng có thể chúng ta không cảm được nỗi đau đớn của người ấy. Bên ngoài có thể có ân điển, nhưng bên trong không có mối cảm thông. Tình trạng đó có nghĩa là chúng ta không cảm điều người ấy cảm.
Chúa là Chúa của ân điển, và cũng là Chúa của sự cảm thông. Kinh Thánh có hai danh hiệu dành cho Chúa: Cứu Chúa của các tội nhân và Bạn của các tội nhân (Math. 11:19). Danh hiệu Cứu Chúa nói lên sự cứu chuộc Ngài thực hiện cho các tội nhân, và danh hiệu Bạn nói lên mối liên lạc của Ngài với các tội nhân. Ngài có thể cảm được tất cả nỗi đau đớn và khổ sở của các tội nhân. Cảm tạ và ngợi khen Chúa. Chúa Giê-su không những là Cứu Chúa của các tội nhân, mà còn là Bạn của các tội nhân! Tại đây chúng ta thấy chút ít sựphong phú của vinh quang Ngài. Đôi khi chúng ta có thể gặp phải những khó khăn. Thỉnh thoảng chúng ta có thể cô đơn. Nhiều người có thể cau mặt với chúng ta; nhiều lời nói có thể làm cho chúng ta buồn rầu. Mọi sự quanh chúng ta có thể trông có vẻ ảm đạm. Nhưng chúng ta phải nhận biết rằng khi sóng gió đổ ập trên chúng ta, Chúa không chỉ là Cứu Chúa của chúng ta, mà còn là Bạn của chúng ta! Ngài cảm nỗi đau khổ chúng ta cảm. Ngài cảm thông với chúng ta, và cùng trải qua những kinh nghiệm ấy với chúng ta.
Cảm thông là đặc tính của Chúa khi Ngài ở trên đất. Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp Chúa cảm thông với con người. Ngài cảm thông với những người bệnh và đã chữa lành cho họ. Ngài cảm thông với những người phải chịu đói, và cấp bánh nuôi năm ngàn người và bốn ngàn người.Ngài đã nghe tiếng kêu xin: “Con Đa-vít ôi, xin thương xót tôi”, và Ngài đã chữa lành cho người mù. Khi thấy nỗi sầu khổ của người có thân nhân qua đời, Ngài đã làm cho người chết sống lại. Nếu lòng chúng ta mở ra, chúng ta sẽ nhận thấy sự cảm thông của Chúa tuôn đổ trên chúng ta. Trước khi làm Cứu Chúa của các tội nhận, Ngài đã là Bạn của các tội nhân.
Chúng ta biết Chúa chúng ta đến trên đất để chịu chết. Nếu là chúng ta, có lẽ chúng ta đã nghĩ rằng vì sứ mạng của chúng ta là chịu chết, nên tất cả những gì chúng ta phải làm là trải qua sự chết đã chỉ định cho mình. Chúng ta không lo lắng về bất cứ điều gì khác. Nhưng Chúa chúng ta thì không như vậy. Mặc dầu thập tự giá ở trước mặt Ngài, nhưng trước khi thời điểm của Ngài đến, trong khi Ngài đang trên đường đến sự chết, Ngài đã cảm thông với những người Ngài gặp và nhữngngười cần đến Ngài. Ồ, Ngài thật là một Chúa đầy yêu thương!
Nếu ai muốn cảm thông với người khác, có ba điều không thể thiếu được: Thứ nhấtlà kinh nghiệm. Để cảm thông với người khác, trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm. Nếu khỏe mạnh và chưa từng bị bệnh, thì anh em sẽ không thể nào cảm thông với người bệnh. Nếu chưa bao giờ bị nhức răng, anh em sẽ không thể cảm thông với người bị nhức răng. Nếu chưa bao giờ nhức đầu, thì anh em không thể cảm được cơn đau của những người bị nhức đầu. Nếu chưa từng trải qua một nỗi thống khổ nào đó, thì anh em không thể đồng cảm với những người có nỗi thống khổ ấy. Vì vậy, anh em không thể cảm thông với họ. Kinh nghiệm là cần thiết; kinh nghiệm giúp một người cảm thông với người khác.
Có lần một chị em nói: “Tôi thấy khó thắng hơn nhiều điều, và thất bại trong nhiều điều. Cuối cùng, tôi tìm những người tốt hơn tôi giúp đỡ mình. Nhưng họ không hiểu nan đề của tôi. Dường như họ bẩm sinh là ‘thánh nhân’, và họ chưa bao giờ bịquấy rầy bởi những thất bại”. Điều này cho thấy rằng một người thiếu kinh nghiệm không thể cảm thông với người khác.
Tại sao Chúa chúng ta không ngự xuống từ trời với tư cách là một người trưởng thành? Tại sao Ngài phải được sinh ra bởi một trinh nữ? Tại sao Ngài phải được cho bú, nuôi nấng và tăng trưởng dần dần? Tại sao Ngài phải trải qua ba mươi ba năm chịu khổ trên đất? Tại sao Ngài không bị đóng đinh ba ngày sau khi ra đời trên đất để hoàn thành công tác cứu chuộc của Ngài?
Ôi, lý do Ngài sẵn lòng chịu mọi loại giới hạn và chịu mọi nỗi khổ sở là vì Ngài muốn cảm thông với chúng ta. Ngài học tập những nguyên tắc của đời người. Ngài bị hiểu lầm và chịu bắt bớ. Ngài bị người ta lột trần, ngược đãi và từ bỏ.
Cuối cùng, Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã chịu đựng tất cả những nỗi khổ này để kinh nghiệm vị đắng của đời người và cảm thông với những sự yếu đuối của con người. Cuộc sống làm người của Ngài trong ba mươi ba năm và sự giảng dạy của Ngài trong ba năm không phải chỉ để hoàn thành sứ mạng và công tác của Ngài, mà còn để cảm thông với chúng ta. Ngài phải thực hiện điều ấy trước khi có thể cảm thông với những sự yếu đuối của chúng ta.
Nếu tại đây hôm nay có một tấm lòng tan nát và bị tổn thương, thì ngay bây giờ Chúa cảm điều bạn cảm. Ngài biết những nỗi thống khổ của bạn. Ngài không những có ân điển để cứu bạn, mà còn có tấm lòng cảm thông và đồng cảm với bạn.
Để cảm thông với người khác, chỉ cókinh nghiệm thôi thì vẫn chưa đủ. Điều thứ hai một người cần có là tình yêu. Một số người bị bệnh suốt nhiều năm; họ bị bệnh mỗi ba ngày và nghỉ ngơi mỗi hai ngày. Họ nếm biết vị đắng của tình trạng bệnh hoạn, nhưng vẫn không thể cảm thông với các bệnh nhân trên thế giới. Họ chỉ có thể cảm thông với những người họ yêu thương. Họ có kinh nghiệm, nhưng không nhất thiết có tình yêu. Do đó, họ không thể cảm thông với mọi người.
Chúa có thể cảm thông với mọi người khi Ngài ở trên đất, vì Ngài không những có kinh nghiệm, mà còn có tình yêu. Lần kia, khi Chúa vừa xuống núi, thì một người phung đến thờ phượng Ngài và thưa: “Nếu Ngài khứng (hay: Ngài muốn), chắc có thể làm cho tôi được sạch”. Ngay lập tức, Chúa lấy tay chạm đến người ấy và nói: “Ta khứng (hay: Ta muốn), hãy sạch đi” (Math. 8:1-3). Trong lòng Ngài có chỗ cho người phung. Ngài có thể cảm được nỗi đau khổ của người phung. Vì vậy, Ngài chạm đến người ấy. Chúa không chỉ có kinh nghiệm, mà còn có tấm lòng đầy yêu thương.
Chỉ riêng kinh nghiệm và tình yêu thìvẫn chưa đủ. Điều thứ ba anh em cần là không bận rộn với những công việc củamình. Điều này có nghĩa là không gì làm bận tâm anh em. Nhiều khi, tấm lòng của một người đã bận rộn với điều gì đó rồi; cho nên, lòng của người ấy khép kín. Do đó, người ấy không thể cảm thông với người khác. Có thể người ấy nói: “Thậm chí tôi không thể mang gánh nặng riêng của mình. Làm sao tôi có thể cảm thông với người khác được?”
Khi ở trên đất, Chúa có một đặc tính nổi bật là Ngài để sang một bên các nhu cầu riêng của mình. Những gì Chúa chúng ta không làm thì tuyệt diệu và đầy ý nghĩa hơn so với những gì Ngài đã làm. Khi đói bụng, Ngài đã không biến đá thành ra bánh. Khi bị kẻ thù bắt giữ, Ngài không xin Cha sai đến mười hai đạo quân thiên sứ để bảo vệ Ngài. Lòng Ngài không bận rộn với những việc riêng của mình. Ngài không bao giờ bận tâm đối với những công việc của Ngài đến nỗi không thể cảm thông với người khác.
Nhiều lúc, khi có gánh nặng và nỗi khổ riêng của mình, chúng ta không còn lòng dạ nào nghĩ đến những nỗi khổ của người khác. Nhưng Chúa thì không như vậy. Nếu chỉ quan tâm đến nỗi khổ Ngài sắp phải trải qua trên thập tự giá, thì ngày nào Ngài cũng bận tâm với nỗi khổ riêng của mình. Ngài đã không thể cảm thông với người khác. Nếu luôn luôn nghĩ về nỗi khổ của Ngài — thể nào đó là một nỗi khổ lớn nhất và khó khăn nhất — thì Ngài đã không thể chăm sóc và giúp đỡ người khác.
Nhưng Chúa sống như thể không có điều gì sắp xảy ra cả. Khi gặp người bệnh, Ngài chữa lành họ. Khi gặp người nghèo, Ngài rao giảng phúc âm cho họ. Ngài hành động như thể không có chuyện gì sắp xảy ra. Ngài hoàn toàn cảm thông với những người khác. Mỗi khi Ngài cảm thông với người khác, lòng Ngài giống như tờ giấy trắng mà người ta có thể viết hay vẽ gì lên cũng được. Ngợi khen và cảm tạ Chúa vì lòng Ngài trống không và hoàn toàn dành cho người khác.
Ngài không những cảm thông với dân chúng vào thời ấy, mà còn cảm thông với chúng ta ngày nay. Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, và ngày nay Ngài cảm thông với chúng ta ở trên trời. Những gì Ngài đã kinh nghiệm thì khó khăn hơn gấp ngàn lần những gì chúng ta kinh nghiệm. Chúng ta có thể trông cậy Ngài và cầu nguyện với Ngài. Bất cứ khó khăn gì chúng ta gặp phải, Ngài cũng đồng cảm với chúng ta. Ngài đầy ân điển đối với chúng ta, và Ngài giúp đỡ chúng ta. Ngài sẽ đem đến cho chúng ta sự bình an.
Hê-bơ-rơ 4:16 chép: “Vậy, chúng ta hãy dạn dĩ đến gần ngôi thi ân, hầu cho nhận lãnh sự thương xót và tìm được ân điển để giúp đỡ mình trong thì giờ cần dùng”.
Nhiều khi chúng ta cảm thấy người khác không xem các nan đề của chúng ta là quan trọng và không ai có thể cảm thông với chúng ta, an ủi chúng ta hay giúp đỡ chúng ta. Những lúc ấy, chắc chắn chúng ta cảm thấy gánh nặng của mình quá nặng nề và nỗi khổ của mình quá tolớn. Đấng ở trên trời cảm thông với chúng ta. Chúng ta có thể dạn dĩ đến ngai ân điển để cầu khẩn Ngài.
Trên trời có một Đấng cảm thông với chúng ta và thương xót chúng ta; Ngài cảm được gánh nặng của chúng ta. Ngài sẽ làm cho gánh nặng của chúng ta trở nên nhẹ nhàng. Nhiều khi, những người bạn trên đất có thể chia sẻ gánh nặng của chúng ta, nhưng Bạn trên trời thì luôn luôn sẵn sàng mang gánh nặng của chúng ta. Ngài mang gánh nặng của chúng ta không những trong cảm xúc, mà còn trong thực tại nữa. Ngài cảm thông với chúng ta, và Ngài đầy ân điển đối với chúng ta. Dường như chúng ta là người duy nhất được Ngài yêu thương. Ngài chỉ quan tâm đến những công việc của chúng ta. Ngài là một Chúanhư vậy đó! Cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời! Chúng ta có một Chúa như thế!
Watchman Nee
Watchman Nee