Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Dám Sống Trên Bờ Vực (1)


Qua năm tháng, tôi đã hình thành thói quen hễ khi nào lên đường trong một chuyến công tác hầu việc, là tôi mang theo bên mình hai ba cuốn sách để đọc. Mới đây trong chuyến đi đến Singapore, một trong những cuốn sách tôi mang theo là quyển Dám Sống Trên Bờ Vực. 



Tác giả: Loren Cunningham & Janice Rogers

1. Phá Hỏng Việc Tìm Kiếm Những Gì Bình Thường
2. Bạn Đã Từng Thấy Một Chú Chim Lo Lắng Bao Giờ Chưa
3. Vì Sao Phải Sống Bằng Đức Tin
4. Đức Chúa Trời Và Tiền Bạc
5. Vua Chứng Khoán Wall-Street.
6. Làm Thế Nào Giữ Mình Khỏi Sự Thất Bại
7. Đường Lối Kinh Tế Thích Hợp Của Đức Chúa Trời
8. Sự Cấp Dưỡng Của Hội Truyền Giáo, Phương Pháp Của Chúa Jesus
9. Sống Bằng Đức Tin Trong Giới Làm Việc từ 9 giờ Sáng - 5 giờ Chiều
10. Ban Cho Như Thế Nào?
11. Những Phương Tiện Cấp Dưỡng Mắt Không Thấy Được
12. Phải Xin Trợ Giúp Như Thế Nào?
13. Vấn Đề Sung Túc
14. Khi Công Việc Không Kết Quả
15. Nếu Bạn Rời Khỏi Mép Bờ?



LỜI NÓI ĐẦU

Qua năm tháng, tôi đã hình thành thói quen hễ khi nào lên đường trong một chuyến công tác hầu việc, là tôi mang theo bên mình hai ba cuốn sách để đọc. Mới đây trong chuyến đi đến Singapore, một trong những cuốn sách tôi mang theo là quyển Dám Sống Trên Bờ Vực.

Tôi đọc những cuốn sách khác mà tôi đã mang theo cách nhanh chóng và cũng toan làm vậy với quyển sách của tác giả Cunningham, song từng lời lẽ trong mỗi chương đã thu hút và giữ chặt sự chú ý của tôi. Tác giả nói đến một điều mà tôi hoàn toàn đồng cảm từ 36 năm nay trong chức vụ hầu việc Chúa. Tôi thấy mình bị toàn bộ cuốn sách cuốn hút khi nó đưa ra những minh họa thực tiễn về việc Đức Chúa Trời đã làm những phép lạ để đáp lại đức tin.

Cuốn sách chứa đựng những minh họa thật xúc động về lời hứa trong Philip 4:19"Đức Chúa Trời sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có vinh hiển của Ngài ". Hãy để cho những lời chứng này khích lệ mỗi một tôi tớ của Đức Chúa Trời để tiếp tục sống cách rộng rãi, tin cậy Ngài là Đấng sở hữu hết thảy mọi của cải trong thế gian này. Nhà truyền giáo tiên phong vĩ đại Hudson Taylor đã nói rằng: "Công việc của Đức Chúa Trời được thực hiện theo phương cách của Đức Chúa Trời, sẽ không bao giờ thiếu sự chu cấp của Đức Chúa Trời".



Tôi đã từng đọc một số các cuốn sách và bài báo nói về đức tin để sống mỗi ngày. Chính tôi cũng đã, đang viết và giảng về đề tài này, song cuốn DÁM SỐNG TRÊN BỜ VỰC là sự giải thích hùng hồn và sống động hơn hết, vượt xa tất cả những gì tôi đã đọc từ trước tới nay về điều mang ý nghĩa "sống bởi đức tin". Tác giả đã gọi đó là một cuộc phiêu lưu với Đức Chúa Trời. Đức tin ứng dụng vào đời sống và chức vụ của một người đòi hỏi phải có sự thành thật và lòng tin cậy trong sạch đặt nơi Đức Chúa Trời cũng như lòng tin trọn vẹn nơi những lời hứa của Ngài. Chính điều đó khiến cho Đức Chúa Trời phải thực hiện những chương trình của Ngài.

Tôi khuyên bạn hãy học quyển sách này và cũng báo cho bạn biết - điều đó có thể làm thay đổi đời sống bạn đấy!

Tiến sĩ Truyền giáo học Met Castillo
Hội Truyền Giáo Á-Châu


ĐÔI LỜI CỦA TÁC GIẢ

Quyển sách này dành cho hai lớp người... hai thành phần độc giả khác hẳn nhau, với những nhu cầu cũng như những lý do rất khác nhau.
Một thành phần độc giả gồm những người làm chức vụ hầu việc, cộng tác viên Cơ Đốc trọn thì giờ, hoặc nhân sự có tiềm lực. Người ấy cần biết cách để bước ra, tin cậy và vâng phục Chúa về mặt tài chánh.

Thành phần còn lại là những người ngồi trong các hàng ghế trong nhà thờ - những người đang giữ các công việc "thế tục". Những người này cũng cần học biết, không những về cách để vâng phục Đức Chúa Trời, mà còn để tin cậy Ngài về các phép lạ nữa.

Bạn thì không định viết một quyển sách cho hai tầng lớp độc giả khác nhau như vậy. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt như vậy hầu cho công việc của Ngài không thể thực hiện nếu không có sự hợp tác đó.

Nhiều điều trong quyển sách này nhằm dành cho mỗi một người trong số những người đang đóng vai trò chủ chốt trong thế giới: là những người hầu việc trung tín trong hội chúng ở địa phương, cầu nguyện và dâng hiến cho công việc Chúa, và là những người đi ra như người truyền giáo.

Bởi vì mỗi một người đều quan trọng trong chương trình của Đức Chúa Trời về các sự việc, nên tôi có một yêu cầu đặc biệc dành cho bạn. Liệu bạn có đọc cuốn sách nầy trong tính toàn vẹn của nó không? Mặc dầu chương 9 chủ yếu nhắm vào những người thuộc giới làm ăn buôn bán, song những nguyên tắc bình thường tương tự sẽ là quan trọng đối với những người ở trong công tác hoặc các sứ mạng Cơ Đốc trọn thì giờ.

Cũng vậy, những người làm việc thuộc giới 9-5 sẽ tìm thấy nhiều điều trong các chương từ 11 - 14 giúp đỡ họ khi họ trở thành những người dự phần với những người trong sứ mạng đó. Bạn sẽ để ý hầu hết các ví dụ của chúng tôi đến từ 31 năm ti
n cậy Đức Chúa Trời cung ứng cho công việc truyền giáo ở tại hơn 200 quốc gia. Tuy nhiên, như tôi đã chia xẻ những nguyên tắc về tài chánh đặt cơ sở trên những kinh nghiệm trong các cuộc hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những vị thuộc tổ chức C.E.O và những bậc lãnh đạo chính quyền trong một số các quốc gia, chúng tôi học biết rằng hết thảy chúng tôi đều đối diện với những thách thức như nhau - để bước ra, để dám sống cho Chúa nơi bờ mép. Ngoài ra hết thảy chúng tôi đều cần phải học hỏi với nhau nhiều hơn hầu cho chúng tôi có thể cộng tác hữu hiệu trong khi hoàn thành công việc Chúa trên trần gian.

Bước ra để hầu việc Chúa trong một hoàn cảnh căng thẳng như vậy không bao giờ dễ dàng. Hoặc đó là cơ hội thứ nhất hay thứ một ngàn của bạn để nghe và vâng theo Ngài, điều đó luôn luôn vui sướng. Nhưng một khi bạn đã kinh nghiệm được sự xúc động rộn ràng do sự vâng phục triệt để, thì bạn sẽ không bao giờ còn giống như trước. Tôi cầu nguyện với Chúa để khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ sẵn sàng bước bước đầu tiên, hoặc bước thứ một ngàn theo dấu Đấng Chỉ Huy can đảm của chúng ta.
Loren Cunningham
Kona, Hawaii

PHÁ HỎNG VIỆC TÌM KIẾM THEO CÁCH THƯỜNG TÌNH

Những đám bụi tung mù mịt khi chiếc xe của chúng tôi xóc chồm trên những đoạn đường đầy vết đất lún nằm ở địa phận phía Đông Nigeria vào đất Ibo. Tôi liếc nhìn qua người tiếp đón mình, ông Walter Kornelson, màu da hồng hào trên gương mặt ông giờ đây phủ đầy bụi bặm và mồ hôi. Tôi sẽ làm việc với vị giáo sĩ lớn tuổi này và vợ ông trong năm ngày. Năm ngày mà tôi đã thật sự trông đợi. Ông là một nhà truyền giáo to khỏe, có tính mạo hiểm. Vì vậy, mặc dầu còn trẻ và mới bắt đầu tham gia hầu việc Chúa với các hội truyền giáo, tôi cảm thấy dễ chịu với ý nghĩ tổ chức các buổi nhóm truyền giảng với ông. Viễn cảnh thú vị nhất là năm đêm truyền giảng cho người dân ngoại giáo Ibo.

"Loren này, chúng tôi thật vui mừng vì anh đã đến!", ông nói, xây mắt khỏi con đường trước mặt song không hề chạy chậm lại. Những chú gà con chạy tung kêu quang quác phản đối đằng trước mũi xe ô tô của chúng tôi.

"Tôi đã từng giảng dạy mỗi đêm ở tại một trong các ngôi làng này suốt bốn tháng không hề ngừng nghỉ", ông cười, nói tiếp "Thật là mừng khi nghe có một người khác để thay đổi!". 

Tôi gật, định trả lời thì Bùm! Rồi một tiếng nổ kinh hồn, và một tiếng thịch nện trên đường lộ cứng. Chiếc xe nghiêng sang một bên nhưng ông Walt đã giữ chặt tay lái và dừng được ngay. Không cần giải thích gì cả, tôi nhảy xuống khỏi xe cùng với ông ta để kiểm tra sự thiệt hại. Tiếng động do lớp xe nổ thì ở đâu trên thế giới này cũng giống nhau.

"Ôi Chúa ôi! Con phải làm sao đây!". Ông Walt kêu lên đi về phía sau xe chỗ để đồ dự phòng, hai vai ông xụi xuống với một vẻ mỏi mệt mới.


"Có gì trục trặc vậy? Thưa ông, chúng ta không thể mua được một chiếc lốp xe ở Enugu chăng?".


Tôi hỏi: "Được, có chứ, nhưng...", giọng ông hơi lạc đi, trong khi ông vật lộn với chiếc cờ lê và những tai bù-loong.

Ông không nói gì nhiều sau khi chúng tôi đã vào trở lại trong xe và chiếc xe rề rề trên đường lộ. Cuối cùng, ông nói "Tôi thật tiếc đã để cho anh buồn, Loren à, và tôi cũng thật tiếc đã không đến gặp những người đó, nhưng thật sự là còn một thời gian ngắn nữa trước khi chúng tôi có thể lấy tiền để thay chiếc lốp này. Cộng tiền thuế và mọi thứ sẽ tốn hết 45 đồng ở tại đây.. Tôi không biết chúng ta phải làm thế nào đây".

Một tiếng nhỏ nhẹ trong tôi khẽ bảo con có 45 đồng đấy - Phải, song đó là tất cả số tiền tôi có! Tôi phản đối, và trong vòng năm ngày nữa tôi sẽ rời nơi này cùng với sự an ổn có liên quan đến những người mà tôi quen biết và bay đến Khartoum, Sudan để nghỉ ngơi hai ngày. Hai ngày ở tại một thành phố xa lạ. Tôi phải có một chỗ để ở, có cái gì đó để ăn, vé xe buýt...45 đồng thậm chí cũng không đủ.
Thế rồi tôi nghĩ Bố và Mẹ mình hẳn sẽ cho ông ấy tiền, thậm chí đó là số tiền cuối cùng của bố mẹ. Tôi đã theo dõi bố mẹ tôi tin cậy Đức Chúa Trời và ban phát cho những người khác trong suốt 25 năm, và Ngài chưa bao giờ thất tín đối với họ.


"Ông Walt này", tôi nói "Hãy để tôi trả tiền lốp xe cho ông. Chúng ta hãy tìm chỗ thay ngay đi". Ông ta hơi phản đối "có chắc không, con trai? Anh còn một chuyến đi dài phía trước đấy!". Nhưng tôi cứ nhất định, và chúng tôi đã tìm được một cửa hiệu trên một con phố đầy bụi.

Việc thay một chiếc lốp mới mất tất cả là 42 đồng và tôi còn lại 3 đồng trong túi, song ông bà Mục sư Kornelson không hề biết điều đó. Chúng tôi lao vào năm ngày đêm gian khổ và tuyệt diệu. Ở mỗi ngôi làng, ngay khi đến nơi và bắt đầu dựng đồ trang bị để chiếu cuộn phim Tin lành của chúng tôi, các đám đông xuất hiện từ những bụi cây như thể bởi một phép mầu. Nhiều khi có đến 2000 người ngồi chen chật với nhau ở phía trước màn hình cho đến khi trời tối. Sau buổi chiếu, tôi truyền giảng với sự giúp đỡ của một thông dịch viên và một chiếc loa phóng thanh cầm tay chạy bằng pin. Thật là tuyệt vời.

Nhưng rồi thời điểm cuối cùng của ngày thứ bảy bí mật của tôi cũng đã đến. Tôi vẫn chỉ còn vỏn vẹn 3 đồng...tôi sẽ làm gì ở Khartoum đây?

Cứ mỗi ngày, khi ông bà Walt theo thói quen dừng lại nơi hòm thư bưu điện của họ, thì tôi lại thầm tự hỏi: Nhỡ như trong đó có một lá thư cho tôi...với cái gì đó ở bên trong. Nhưng có ai biết tôi ở đây đâu? Liệu bưu điện có tìm được tôi ở mãi tận xứ Ibo nầy không? Đến ngày cuối cùng, ông bà Walt đi ngang qua thùng thư một lần nữa trên đường chúng tôi ra khỏi bãi đất có nhiều lùm cây. Ông thong thả quay trở lại xe ô tô. Dáng người to lớn của ông hơi khom xuống khi ông lật lật chồng thư.

"Xem nầy, Loren", ông nói "Ở mãi tận đây mà người ta cũng tìm được anh đấy!". Và ông đưa tôi một lá thư duy nhất - của một số các bạn ở lại Los Angeles. Tôi mở thư và nuốt một cách khó khăn - 150 đồng. Của những người trước đây chưa hề gởi bất cứ thứ gì cho tôi cả.

Lẽ ra tôi không phải ngạc nhiên trước sự thành tín của Đức Chúa Trời. Song dầu sao, khi bạn đang sống trên bờ mép - tức là tin cậy nơi Đức Chúa Trời và không biết đồng tiền kế tiếp đang đến từ đâu - thì điều đó không bao giờ trở thành lệ thường được.

Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Bạn sẽ bảo "Phải rồi, Đức Chúa Trời đã hành động thời điểm đó, nhưng bạn thật sự chưa ở trong một sự nguy hiểm nào cả. Bạn chưa ở Khartoum mà không có tiền. Bạn vẫn có thể cứ ở lại với ông bà Kornelsons cho đến khi có trợ cấp đến". Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của Evey và Reona...

Evey Muggleton và Reona Peterson tin rằng Đức Chúa Trời muốn dẫn dắt họ đến Albania, một trong những quốc gia thù địch nhất đối với Tin lành vào đầu những năm 70. Vào năm 1967, Albania đã tự họ tuyên bố là quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới. Họ đóng cửa tất cả nhà thờ, nhà hội Do Thái giáo, đền thờ Hồi giáo và đối xử tàn bạo đối với những ai không chịu công nhận rằng không có Đức Chúa Trời. Họ bỏ những người đó vào những thùng tròn niêm kín và ném xuống biển Adriatic.

Evey và Reona đã cầu nguyện và hoạch định chương trình suốt trong ba năm. Vào một trong những lần cầu nguyện của họ, Reona thấy rõ rệt trong tâm trí cô hình ảnh của chính mình ở tại Albania, một chiếc xe buýt du lịch cùng khuôn mặt của một người phụ nữ.

Cuối cùng, họ đã được cho thị thực nhập cảnh Albania cùng đi với một nhóm du lịch đa số là các thanh niên Mácxít từ Tây Âu. Họ đi bằng xe buýt y như khải tượng Reona đã thấy.

Reona và Evey mang lén các sách Phúc âm bằng tiếng Albania qua biên giới bằng cách buộc chặt trong người họ. Khi đã vào được bên trong, mặc dầu bị giám sát gắt gao, họ vẫn có thể kín đáo đặt các quyển sách nhỏ đây đó để người ta có thể tìm đọc.

Một ngày nọ, một nữ hầu phòng người Albania bước vào căn phòng của Reona trong khách sạn, và thật lạ lùng đó chính là người phụ nữ mà cô đã được thấy trong buổi cầu nguyện cách đó ba năm! Cô biết mình phải tìm cách nói chuyện với người phụ nữ nầy và tặng cho cô ấy các quyển sách nhỏ nói về Tin lành. Reona đã phá vỡ hàng rào ngôn ngữ bằng những chữ đơn giản nhất mà cô có thể sử dụng "Mác, Lênin...không! Chúa Jesus...được!". Người phụ nữ mừng rỡ nhận quyển sách Phúc âm và áp chặt nó vào ngực mình. Nước mắt ràn rụa, cô nói: "Tôi cũng là một Cơ Đốc nhân" và nhét gọn quyển sách vào túi mình.

Vài giờ sau, Reona nghe những tiếng gõ lớn ở ngay cửa phòng mình và sau đó cô bị dẫn đến một căn phòng sáng mờ mờ, phủ một lớp khói xanh dương, có năm người đàn ông đang đợi ở đó. Reona trông thấy cuốn sách Phúc âm cô đã tặng cho người phụ nữ. Tim cô chùng xuống. Hẳn họ đã bắt được người bạn mới của cô cùng với quyển sách.

Họ bắt đầu chất vấn cô, tố cáo cô là một gián điệp và kết tội cô là chống lại nhân dân Albania. Trong khi Reona vẫn bình tĩnh, nhất định bảo mình vô tội, những người đàn ông càng lúc càng nóng nảy, bồn chồn. Sau đó người cầm đầu nhóm thẩm vấn hét lên "Cô không chịu hợp tác! Chúng tôi sẽ giữ cô ở đây cho đến khi nào công việc của cô bị vạch trần!".

Trong một phòng khác, Evey cũng đang chịu đựng một cuộc thẩm vấn dã man như vậy. Sự việc cứ tiếp tục như vậy trong hai ngày đêm với cả hai thiếu nữ. Họ không được cho ăn gì ngoài một chút nước uống và vài giờ để ngủ. Những người thẩm vấn tách riêng họ ra, thét lớn vào mặt họ những lời tố cáo tìm cách gây cho họ sợ hãi. Song hai thiếu nữ vẫn dịu dàng xác nhận mình vô tội.

Cuối cùng, một trong những người buộc tội họ lạnh lùng cho Reona hay: "Cô là một kẻ phản bội nhân dân của nước Cộng hòa Albania vinh quang, và những kẻ phản bội phải bị xử bắn. Chúng tôi sẽ đến gặp cô vào 9 giờ sáng ngày mai".




Sáng hôm sau họ đến và đưa hai cô ra khỏi phòng một cách khiếm nhã. Tuy nhiên thay vì bị xử tử, Evey và Reona bị trục xuất ra biên giới mà không có một lời giải thích. Vé xe trở về của họ đã bị tịch thu.


Dường như đó không phải là một vấn đề lớn lắm sau khi bạn đã đối diện với khả năng có thể xảy ra với một đội xử bắn - song họ vẫn còn phải đương đầu với một thách thức lớn lao đối với đức tin của mình. Hai thiếu nữ trẻ với các túi hành lý nặng nề phải băng bộ mười cây số trong vùng đất lầy lội không có người ở giữa các ranh giới thù địch, Albania và Yugoslavia. Sau đó, họ còn phải đi 1000 cây số (khoảng 700 dặm) dọc theo bờ biển Yugoslavia, băng qua miền Bắc nước Ý, vượt dãy Alps vào Thụy sĩ và bằng cách nào đó để đến nhà họ ở Lausanne. Liệu họ có thể tin cậy Chúa đưa họ về đến nhà với số tiền quá ít ỏi, không vé xe và cũng không biết gì về các vùng đất cũng như các thứ ngôn ngữ ấy không?

Họ đã phản ứng bằng đức tin. Rốt lại, Đức Chúa Trời, Đấng đã giải cứu họ khỏi đội xử tử chắc chắn là Đấng được tin cậy để giúp họ tìm cách về nhà.

Một loạt các phép lạ nhỏ đã xảy ra... một chiếc tắc xi không thể xuất hiện ở vùng đất không có người ở thậm chí người tài xế còn bằng lòng đưa họ đến biên giới mà không lấy tiền. Từ đó, họ đón một loạt các chuyến xe bằng cách sử dụng tập quán đi quá giang đã đi vào truyền thống. Nhưng điều đã xảy ra ngay trước biên giới Yugoslavia và biên giới nước Ý thì thật sự là một điều mầu nhiệm.

Đã bảy giờ tối mà hai cô vẫn còn cách biên giới Ý vài cây số, đang khi tìm xem phải quyết định làm gì. Họ không có tiền Ý. Liệu quá giang xe vào đất Ý ban đêm có an toàn không?

Ngay lúc ấy, một chiếc ô tô bóng loáng dừng lại bên cạnh. Evey ra dấu cho người lái xe, trỏ về hướng họ muốn đi - qua bên kia biên giới. Người đàn ông gật đầu không nói gì cả, cho hai cô gái và hành lý của họ vào sau xe rồi hướng thẳng đến biên giới. Đến nơi, họ thấy một dãy dài các xe hơi đang đợi kiểm tra và xét thẻ thông hành, người lái xe tăng tốc, tự động rẽ vào một đường riêng biệt và chạy thẳng qua bên kia biên giới Yugoslavia với một cái vẫy tay nhẹ nhàng.

"Người này là ai vậy?" Reona tự hỏi "Hẳn ông ta phải là một viên chức cao cấp của Yugoslavia mới rời khỏi một xứ Cộng sản dễ dàng như vậy!" Nhưng họ lại còn sửng sốt hơn khi đến tại Ý. Một lần nữa một đoàn xe dài đang kiên nhẫn đợi chờ để được thông qua và được cho vào. Lần nầy người lái xe thậm chí còn không chạy chậm lại hoặc vẫy tay nữa. Ông ta quẹo sang một lằn đường ở phía ngoài và chạy thẳng vào bên trong nước Ý, đỗ lại ở một trạm xe buýt. Ông đặt một đống tiền vào tay Reona, ngước nhìn cô và cuối cùng nói những lời đầu tiên "Đón xe buýt đến Trieste, từ Trieste đi xe lửa".

Chỉ thế thôi. Ông phóng xe đi mất. Nhưng theo chỉ dẫn đó, họ đã đón xe buýt đến Trieste và từ Trieste họ đi tàu lửa đến Lausanne, Thụy sĩ. Nhờ số tiền ít ỏi họ có, cộng với số tiền mà người khách lạ yên lặng cho, họ vừa đủ chi phí để về đến nhà.

Câu chuyện này có vẻ xa lạ hoặc vượt khỏi tầm mức kinh nghiệm của bạn chăng? Có phải Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu và thực tế, thậm chí có cả những chỉ dẫn chính xác để đưa họ về đến nhà cùng với sự cung ứng của Ngài chăng? Tôi tin khi đọc quyển sách này bạn cũng sẽ học được cách để tin cậy Ngài, bất cứ ở đâu và bất kỳ những thách thức nào mà bạn phải đối diện.

Trong lĩnh vực tài chính, có nhiều cách tin cậy Đức Chúa Trời. Chúng tôi có thể học tập để sống bằng đức tin trong sự cung ứng đa dạng của Ngài. Và chúng ta có thể bước ra và chứng kiến Ngài hành động vì lợi ích của chúng ta. Tốt nhất, chúng ta có thể học được những phương pháp của Ngài. Một khi bạn kinh nghiệm đời sống đức tin, điều đó sẽ phá hỏng việc tìm kiếm theo cách bình thường.

Khi người ta quan sát sự tăng trưởng nhanh chóng của một số người và chức vụ công tác trong tổ chức Thanh Niên Với Một Sứ Mạng (YWAM), họ thắc mắc làm thế nào mà nó có thể làm được quá nhiều việc và quá nhanh chóng như vậy. Tôi nói với họ rằng tôi không thành lập tổ chức YWAM (Thanh Niên Với Một Sứ Mạng) mà chính Chúa Jesus đã thành lập. Tôi hầu như chỉ là người quan sát những gì Ngài làm đối với chúng ta với tư cách một hội truyền giáo, phương cách Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta trong lãnh vực đức tin và tài chánh, và một bí quyết quan trọng để tăng trưởng nhanh chóng. Nếu bạn không hiểu rõ Đức Chúa Trời cùng quyền phép mầu nhiệm của Ngài, thì bạn không thể hiểu làm sao điều đó xảy ra được.

Tôi muốn chia xẻ với bạn những nguyên tắc chúng tôi đã học được, để giúp các Cơ Đốc nhân nhìn thấy những đường lối của Đức Chúa Trời và học tập để tin cậy Ngài hơn. Trong thế giới hiện đại, mỗi người đều cần tiền bạc, bởi vì hầu hết những thứ bạn làm đều liên quan đến tiền bạc. Nếu bạn sẵn lòng, Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt bạn vào một lối sống nơi mọi sự đều được thực hiện bằng đức tin trong Ngài, kể cả việc làm thế nào để bạn có được tiền và cách bạn sử dụng tiền bạc của mình.

Sứ điệp này áp dụng được cho hết thảy chúng ta. Dành cho...

Những gia đình trẻ, cố gắng dâng phần mười khi thu nhập của họ không đủ dùng.

. Vị Mục sư chủ tọa hội thánh đang vật lộn để làm thế nào trả lương cho nhân sự và sửa chữa nóc nhà thờ mặc dầu lượng tiền dâng giảm sút.
. Những người đã tốt nghiệp trung học hoặc Đại học băn khoăn không biết phải chọn hoặc sự đảm bảo về mặt tài chính hoặc một điều nào đó tốt hơn.
. Những cặp vợ chồng đã về hưu, cố gắng thu vén cho đủ sống với số thu nhập nhất định.
. Người truyền giáo ở chốn tiền đồn cô độc băn khoăn về việc không biết làm thế nào về số tiền mình có cần.


. Những người lớn tuổi, hoặc trẻ tuổi, đang ra đi lần đầu tiên để bước vào chức vụ hầu việc Chúa trọn thì giờ, băn khoăn không biết liệu mình có thể tự túc được không.
. Những người thấy mình có được một số tiền để dành nhưng không biết phải sử dụng cách nào để sáng danh Chúa. Cuốn sách này cũng dành cho những người ao ước một điều lớn lao hơn, một sự tham gia hào hứng vào những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện trên khắp thế giới.

Dầu bạn đang ở trong tình huống nào, tôi khát khao được thấy bạn thực hiện bất cứ điều gì Chúa kêu gọi bạn làm; dầu phải can đảm thế nào. Nhưng sự lựa chọn thuộc về bạn. Bạn có thể ổn định trong một nếp sống bình thường hoặc được cảm động để có một bước mới mẻ với Đức Chúa Trời - Bạn có sẵn sàng sống nơi bờ vực không?

BẠN ĐÃ TỪNG THẤY MỘT CHÚ CHIM LO LẮNG CHƯA?

Bạn đã từng thấy một con chim lo lắng bao giờ chưa? Con chim mà có những vết nhăn hằn trên trán nó? Có lẽ cặp mắt nó mệt mỏi và đỏ ngầu với những quầng thâm do nhiều đêm mất ngủ. Bằng cách nào đó, bạn biết được rằng nó đang cố gắng gánh chịu sự lo lắng vì không biết làm sao để trả số tiền thế chấp chiếc tổ của nó!

Chúa Jesus đã dùng loài chim để làm ví dụ về cách chúng ta nên đối diện với vấn đề tài chánh. Trong Mathio 6:26, Ngài phán:
Các ngươi hãy xem loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó . Các ngươi há chẳng quý trọng hơn loài chim sao?

Không, bạn chưa hề thấy một con chim lo lắng bao giờ đâu! Chúng ta có thể học hỏi bí quyết sống giống như loài chim vậy. Chúa Jesus bảo chúng ta không được lo lắng về những gì mình ăn, uống hoặc về những đồ mặc mà chúng ta cần. Thật vậy, Ngài phán, đời sống chúng ta phải khác biệt với những kẻ không tin là người phải chạy theo những thứ ấy. Chúng ta cũng phải vô tư lự như loài chim vậy.

Điều này có đúng với hầu hết những Cơ Đốc nhân mà bạn biết không? Điều này có đúng với bạn không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như ngày mai bạn bị mất việc? hoặc nếu công việc làm ăn của bạn bị phá sản, hoặc những đầu tư của bạn trở nên không thuận lợi? Điều gì xảy ra nếu Đức Chúa Trời kêu gọi bạn bán hết mọi sự bạn có và đi hầu việc Chúa ở các hội truyền giáo? Liệu bạn có thể tin cậy Ngài trong những nhu cầu của mình không?

Đó là điều mà nhiều Cơ Đốc nhân gọi là sống bởi đức tin - ý họ muốn nói rằng những nhà truyền giáo hoặc những mục sư trong các hội thánh nhỏ là người hầu việc Chúa không lương và có thể không thường xuyên có những người chu cấp hoặc không hề có một thu nhập nào cả. Tuy nhiên, tôi muốn mở rộng cụm từ này. Chúa Jesus muốn hết thảy chúng ta phải sống bằng đức tin như chúng ta sẽ thấy trong các chương tiếp theo của quyển sách này - Mọi người - được trả lương hoặc không được trả lương đều có đặc quyền chứng kiến Đức Chúa Trời cung ứng các nhu cầu của họ.

Nhưng trước hết, đức tin là gì? Và bạn làm thế nào để có được đức tin? Có phải đức tin bắt cặp mắt bạn phải nhắm lại và hoàn toàn tin cậy rằng ông già Noel là có thật không? Dầu bạn có dễ tin đến đâu thì ông già Noel cũng không bao giờ có thật. Một ý tưởng như vậy hoàn toàn là do tưởng tượng. Ngược lại Đức Chúa Trời là Đấng có thật dầu bạn có tin Ngài hay không. Sự hiện diện và quyền năng của Ngài không liên quan đến lượng đức tin bạn có nhiều hay ít.

Đức tin có đòi hỏi bạn phải loại bỏ lý trí và lao mình vào vách đá nguy hiểm của một tình huống bất khả thi không? Không đâu! Spren Kierkegaard đã phổ biến rộng rãi cụm từ "Một sự liều lĩnh của đức tin đui mù". Song đức tin theo Kinh Thánh thì không liều lĩnh và cũng không mù lòa nhưng là đức tin đang bước đi trong ánh sáng.

Kinh Thánh phán rằng đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy (Heboro 11:1). Nói khác đi đức tin là tin rằng điều đó sẽ xảy ra trước khi nó xảy ra. Đức tin tin rằng bạn sẽ có được điều mình cần ngay cả khi bạn không có gì cả. Đức tin là sự bảo đảm vững vàng nơi bản tánh của Đức Chúa Trời, biết rõ rằng dẫu bạn không nhìn thấy được giải pháp cho nan đề của mình thì Đức Chúa Trời vẫn làm được.

Đức tin theo Kinh Thánh không phải chỉ là sự ao ước của suy nghĩ - nó không dựa trên việc vì mong muốn cho những tham muốn vị kỷ của bạn quá sức, nên bằng cách nào đó làm cho bạn có được "đức tin" và được những điều đó. Cũng không phải đó là một sự tập trung nào đó của "các sức mạnh" tâm trí hoặc tâm linh của bạn để được điều bạn muốn.

Đức tin dựa trên Kinh Thánh đến từ việc...


. Biết rõ điều Chúa muốn bạn làm
. Vâng phục bất cứ điều gì Ngài bày tỏ cho bạn thực hiện, sau đó...
. Tin cậy Ngài để làm điều bạn không thể làm theo phương cách của Ngài và trong thời điểm của Ngài.


Có một bài thánh ca mà chúng ta thường hát, đó là "Tin cậy vâng lời, nào nhờ cách gì...". Tôi xin đề nghị, chúng ta hãy đảo thứ tự của các từ: "Vâng lời, tin cậy..." và để cho Chúa hành động.

Theo Roma 10:17 "...Đức tin đến khi người ta nghe sứ điệp, và sứ điệp được nghe qua Lời của Đấng Christ". Đức tin đặt cơ sở trên việc nghe những gì Đức Chúa Trời phán với bạn qua lời đã được viết ra của Ngài - lời Logos - và trong lời lẽ cụ thể, mạnh mẽ của Ngài dành cho riêng bạn - lời Rhema. Đức tin dựa trên Kinh Thánh không tuyên bố một điều gì đó lố bịch, rồi chờ đợi điều đó phải xảy ra. Dẫu cho Ngài có yêu cầu bạn phải làm một điều gì đó dường như bất khả thi, thì đó cũng sẽ không bao giờ là lố bịch cả. Đức tin dựa trên Kinh Thánh bắt đầu với việc nghe tiếng Chúa. Sự dẫn dắt thật của Đức Thánh Linh lời Rhema, không bao giờ mâu thuẫn với, hoặc lời Logos hoặc bản tánh của chính Đấng đã viết lời Logos. 


Biết rõ điều Chúa muốn bạn phải làm là phần thứ nhất của đức tin dựa trên Kinh Thánh. Thứ hai là bước những bước vâng lời mà Ngài tỏ cho bạn. Đức tin dựa trên Kinh Thánh đòi sự hành động về phía của bạn. Đó không phải là phần thụ động, tiêu cực.

Một điển hình đáng lưu ý của vấn đề này đã xảy ra vài năm trước, khi đang sống tại Trường Truyền Giáo của chúng tôi ở tại Thụy sĩ. Tôi thuộc trong một nhóm cầu thay cùng với các nhân sự trẻ tuổi, thì Chúa tỏ cho tôi một điều rõ ràng, sứ mạng của chúng tôi là chuẩn bị để bắt đầu một nông trại. Thật là một sự ngạc nhiên hoàn toàn. Chúng tôi nào có cầu nguyện cho chuyện nông trại, nhưng lời ấy đến với tâm trí tôi thật rõ ràng. Vào thời ấy, trong tổ chức YWAM, chúng tôi có một số đất đai được sử dụng cho việc huấn luyện và truyền giảng của các hội truyền giáo. Tôi thuật cho nhóm chúng tôi sự tỏ bày này, và chúng tôi hiệp nhau cầu hỏi Chúa hãy cho chúng tôi biết rõ có phải điều đó đến từ Ngài hay không. Tâm trí tôi mau chóng bắt đầu làm việc với ý tưởng ấy. Tôi có thể hình dung được nông trại là một nơi thích hợp để huấn luyện các nhà truyền giáo, cũng như cung cấp lương thực cho họ và những người khác.

Chẳng bao lâu, lời của Chúa đã được khẳng quyết với từng người hoặc từng cặp các anh em khác trong nhóm cầu nguyện; thế là chúng tôi kết thúc thì giờ của mình bằng sự tạ ơn Chúa. Chúng tôi tin cậy Ngài đã tỏ bày điều đó.

Ngày hôm sau là thứ bảy, trong lúc ra khỏi trường để tập chạy vào một buổi sáng mùa xuân mù sương, tôi băng ngang một trại gần trường. Một cuộc bán đấu giá đang diễn ra ở đó và tất cả các nông cụ đều được bán "xôn". Ngay lập tức, tôi biết mình phải làm một điều - một hành động của đức tin để tiếp tục đi tới cùng điều Chúa đã hứa ngày hôm trước. Tôi nhanh chóng quay về rủ Joe Portale và Heinr Siuter, hai nhân sự nói tiếng Pháp của chúng tôi. Chúng tôi quay trở lại bãi đấu giá kịp thời để mua được một chiếc xe ngựa, một cuộn dây thép gai và một thùng sữa.

Chúng tôi lôi chiếc xe ngựa về nhà bằng cách kéo nó như một toa móc đằng sau chiếc xe hơi. Rồi để nó ở bãi cỏ phía trước trường và dẹp hết các thứ khác cho đến khi Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi một nông trại của chính mình. Tôi đoán điều đó trông hơi lố bịch đối với một số người, song chúng tôi đơn sơ đủ để tin rằng Đức Chúa Trời đã hứa và Ngài sẽ làm thành.

Cuối tuần, một trong các thành viên hội YWAM của chúng tôi, là một người châu Âu trở về nhà để thăm bố mẹ. Cô nói với cha mình, là một Mục sư người Thụy sĩ rằng "Đức Chúa Trời vừa cho chúng con biết chúng con sẽ có một nông trại!"

Một số các bậc phụ huynh hẳn sẽ tức cười hoặc thậm chí phê phán một câu nói như vậy. Nhưng bố của cô gái trẻ này tình cờ lại thuộc ban chấp hành của một giáo đoàn nằm trong một nông trại xinh đẹp (trị giá hơn một triệu Mỹ kim vào thời điểm đó). Các vị lãnh đạo giáo đoàn nhận thấy rằng công việc của họ đã hoàn tất. Đã nhiều năm, họ vẫn đang muốn tìm một tổ chức Cơ Đốc để tặng lại nông trại đó.
Vì thế là chúng tôi được tặng không một nông trại trị giá một triệu Mỹ kim! Khoảng chi tiêu lớn nhất của chúng tôi cho nông trại là 1000 Franc Thụy sĩ mà tôi đã trả cho chiếc xe ngựa, cuộn dây thép gai và thùng sữa! Suốt hai mươi năm qua, hiện nay nông trại này đang nằm ở Burtigny, Thụy sĩ là một địa điểm để môn đệ hóa những người trẻ và chu cấp lương thực cho nhiều nhân sự của các hội truyền giáo. Chiếc xe ngựa còn lại như vật trang hoàng cho bãi cỏ phía trước trường cho đến khi nó được chuyển đến nông trại. Tại đó cuối cùng nó đã rã ra từng mảnh do tác động của thời tiết. Dầu vậy, Heinz Suter (người hiện lãnh đạo công việc ở nông trại) đã giữ lại một mảnh của chiếc xe ngựa và dùng nó làm một bảng đồng kỷ niệm, khắc lời Kinh Thánh và anh ta tặng cho tôi. Vật kỷ niệm ấy luôn nhắc nhở tôi rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp khi tôi bằng lòng bước những bước vâng phục bất cứ khi nào Ngài phán.

Bạn hãy nghĩ đến những phép lạ lớn lao trong Kinh Thánh. Chúng thường đòi hỏi những bước vâng lời trước nhất. Các bức tường của thành Giêricô đã đổ xuống, nhưng chỉ sau khi họ đã diễu hành suốt bảy ngày. Tướng quân Nahaman đã được chữa khỏi bệnh phung, nhưng chỉ sau khi ông đã thực hiện chuyến đi vài ngày, rồi sau đó phải nhúng mình bảy lần dưới sông Giôđanh, như lời truyền dạy của tiên tri Đức Chúa Trời. Chúa Jesus bảo người mù phải đi rửa mắt ở tại ao Silôê trước khi ông được chữa lành, Phierơ được bảo hãy đi câu cá để lấy đồng tiền và ông đã tìm thấy nó trong miệng của một con cá. Những bước vâng lời cụ thể sẽ dẫn đến phép lạ.

Phần thứ ba của đức tin là tin cậy Đức Chúa Trời thực hiện phần của Ngài.

Bất cứ khi nào chúng ta nói về sự tin cậy, chúng ta cũng phải biết rõ rằng Đấng mà chúng ta được kêu gọi để tin cậy nơi Ngài. Hãy thử tưởng tượng một người làm ăn buôn bán đến gặp bạn, yêu cầu bạn ký vào một hợp đồng, mà ông ta bảo "Anh không cần đọc hết văn kiện làm gì, cũng không cần biết gì về công ty cũng như các dịch vụ chúng tôi đang quảng cáo, chỉ cần tin tôi!". Liệu bạn có tin được ông ta không?

Đó là lý do vì sao lòng tin cậy và đức tin đặt nơi Lời Chúa phải được đâm rễ vững nền trong sự hiểu biết bản tánh của Đức Chúa Trời và những công việc mà Ngài đã làm. Nghiên cứu những thuộc tánh của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh - tức là đã xem xét những lời hứa của Ngài được ghi trong bản hợp đồng (thường ghi bằng chữ nhỏ, dầu rất quan trọng song dễ bị bỏ qua). Hãy đọc những câu chuyện về sự thành tín của Ngài, cả trong Kinh Thánh lẫn trong các thời hiện nay. Bạn hãy viết xuống tất cả những lần trong quá khứ khi bạn biết rõ ràng Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho bạn. Và rồi khi bạn đã xác quyết cách sâu nhiệm về sự đáng tin cậy hoàn toàn của Ngài, bạn sẽ có được đức tin.


Đôi khi sống bởi đức tin có nghĩa là chờ đợi, là cho Ngài cơ hội hành động. Một nông gia mô tả điều đó cho tôi như vầy: Đức Chúa Trời bảo bạn hãy đi ra leo lên một cành cây lớn. Khi đã leo lên và nghe tiếng động! Bạn quay lại và thấy ma quỷ với một chiếc cưa máy, đang cưa cành cây bạn ngồi. Đức tin dựa trên Kinh Thánh bảo hãy cứ ở trên đầu ngọn cây ấy và theo dõi satan tiếp tục cưa cho đến khi toàn bộ cả cây đổ nhào với cả hắn trong đó...và bạn vẫn ở trên đầu ngọn cây của mình! Đó là đức tin. Không phải đức tin đặt nơi thân cây, cũng không phải đức tin đặt nơi cành cây. Mà là đức tin đặt nơi Lời Đức Chúa Trời và đức tin đặt nơi Đấng đứng đằng sau Lời Ngài.

Nhiều Cơ Đốc nhân không bao giờ chứng tỏ được sự đáng tin cậy của Đức Chúa Trời trong phạm trù này của đời sống họ - họ tự lo liệu cho mình về mặt tài chánh, không bao giờ dám bước ra trong một hoàn cảnh bấp bênh! không hề dám làm một điều gì vượt khỏi bình thường. Thay vào đó, dường như họ đang hỏi các tài khoản có trong ngân hàng của họ như vầy "Ôi, tài khoản ngân hàng, cậu có cho phép tớ làm công việc này cho Đức Chúa Trời không?"

Những người lắng nghe tiếng Chúa phán sẽ tự họ khám phá ra rằng họ không thể nào hoàn thành công việc nếu không có sự giúp đỡ của Ngài. Họ sẽ bước những bước vâng lời, rồi sau đó để cho Đức Chúa Trời thực hiện phần của Ngài. Nói cách khác, đức tin dựa trên Kinh Thánh đòi hỏi bạn phải làm phần có thể làm được và giao cho Chúa phần không thể làm được. Đức tin chỉ hoạt động khi chúng ta không còn nguồn trợ giúp nào ngoài Đức Chúa Trời.

Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện về một thanh niên đã bước ra trong một tình huống bấp bênh đó. David Snider lúc ấy đang ở tại quần đảo British Virgin, giúp chúng tôi lo liệu những thứ còn thiếu sót cho các đội thanh niên chí nguyện trên các quần đảo khác nhau trong Kỳ Nhóm Mùa Hè của chúng tôi. Khi David đi đến St.John để mua đồ tiếp tế cho một đội, anh đã khám phá ra rằng đồ cung cấp tốn nhiều hơn khoản đã dự phòng. Anh phải trở về St.Thomas vào ngày Chúa nhật để dự các buổi nhóm, nhưng anh đã sử dụng tất cả các khoản tiền và không còn khoản riêng nào cho mình nữa. Anh cầu nguyện với đội thanh niên ở tại St.John và hết thảy đều thấy rằng anh phải lên đường ngay và trở về St. Thomas để kịp dự các buổi nhóm vào ngày Chúa nhật. Vấn đề duy nhất là làm thế nào để trả tiền tàu đây?

Đến ngày phải lên đường mà David vẫn không có tiền. Anh nhớ chuyến đi trước, tiền vé được thu vào giữa cuộc hành trình. Anh bắt đầu lên tàu, hơi ngần ngừ trước khi bước lên chiếc cầu thuyền. Anh đã thật sự lắng nghe đúng tiếng phán của Chúa chưa? Một lần nữa, một tiếng nói êm dịu bên trong anh rằng: Phải, hãy đi đi!

Anh tìm được một chỗ ngồi trên bong tàu giữa bảy mươi hành khách khác và không bao lâu sau đã bắt chuyện với những người ngồi kế bên anh - một Bác sĩ người Carib cùng với vợ ông ta. Họ lịch sự hỏi thăm anh về mục đích chuyến đi của anh giữa các quần đảo của họ, David đã giải thích một cách đơn sơ rằng anh đã ở đây với một nhóm thanh niên trẻ tuổi khác để nói về Chúa cho người dân vùng này.
Thời gian trôi đi thật nhanh chóng - quá nhanh đối với David, là người vẫn giữ được bầu không khí thoải mái tự nhiên trong lúc trò chuyện với các vị khách mới của mình. Họ sẽ nghĩ gì khi anh ta bị bắt gặp như một kẻ đi lậu vé sau khi đã chia xẻ về Chúa cho họ? Không lâu sau đó anh đã nhận ra người nhân viên trong đội hàng hải đang đến thu tiền vé. David tiếp tục cuộc trò chuyện vui vẻ, khẽ liếc xuống boong tàu để lưu ý buớc tiến của anh ta đang tiến về phía mình.

Rồi người nhân viên đã đến, đứng ngay trước mặt David. Trong khi David cho tay vào chiếc túi trống không của mình thì vị Bác sĩ bảo "Ồ không, đây, hãy để chúng tôi trả tiền tàu cho anh!"

Có lẽ bạn chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh của David. Và một lần nữa, có lẽ bạn khám phá ra chính mình trong những tình cảnh buộc phải có sự can thiệp triệt để từ nơi Đức Chúa Trời. Làm thế nào mà bạn biết chắc được rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ chặt bạn khi ma quỷ cưa đi cành cây của bạn? Bí quyết chính là vâng lời Chúa và có được sự hiểu biết riêng tư với Đấng mà bạn đang tin cậy.

Chúa có thể kêu gọi bạn giữ một công việc với một khoản tiền lương; nếu bạn vâng lời Ngài, điều đó có thể dẫn đến đời sống đức tin. Nếu bạn tiếp tục lắng nghe Ngài, cầu hỏi Ngài để biết cách sử dụng tiền lương của mình như thế nào và vâng lời Ngài trong mọi lãnh vực, bạn sẽ được sống bởi đức tin.

Ngài có thể dẫn dắt bạn để thực hiện các cuộc đầu tư. Nếu những đầu tư đó được thực hiện trong ý muốn của Đức Chúa Trời, vậy là bạn đang sống bởi đức tin dầu bạn kết thúc với một khoản lợi nhuận hay bị thua thiệt. Tôi được biết một nhà doanh nghiệp hiện nay vẫn thường được dẫn dắt để thực hiện các cuộc đầu tư vào Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong thời gian vài năm. Ông đã phải thua lỗ tiền bạc trong mỗi một chuyến đầu tư mạo hiểm đó, nhưng Chúa đã giúp ông kiếm được tiền ở các cuộc kinh doanh khác hầu cho các cuộc đầu tư dũng cảm của ông vào bên trong Trung Hoa có thể dọn đường cho các Cơ Đốc nhân đi vào đất nước này để truyền giáo. Ông cũng đã kết bạn với một số các nhà lãnh đạo chính phủ, và đã làm chứng cho họ. Tôi muốn nói rằng bạn tôi là một nhà truyền giáo đầy đức tin theo đúng ý nghĩa của từ ngữ ấy.

Đức Chúa Trời có thể kêu gọi bạn đi đến một quốc gia với tư cách một nhà truyền giáo mang ý thức truyền thống nhiều hơn. Có thể Ngài dẫn dắt bạn để chia sớt gánh nặng của bạn với những người khác ngõ hầu họ được đặc ân giùm giúp cho công việc của bạn. Hoặc, Ngài có thể bảo bạn ra đi mà không có đồng xu nào trong túi, không có mối liên hệ nào trong xứ sở đó, không có nơi chốn để ở hoặc làm việc khi bạn đến đó. Hoặc cách nào đi nữa, thì bí quyết để sống bằng đức tin không phải là nằm trong một phương pháp. Mà bí quyết là phải lắng nghe, vâng lời, và tin cậy Đức Chúa Trời. Khi chúng ta vâng lời Ngài, Ngài tham gia giải quyết những điều rắc rối trong đời sống chúng ta và bởi vì tiền bạc ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống, Đức Chúa Trời sẽ bước vào lãnh vực tiền bạc của chúng ta bằng nhiều cách thú vị nếu chúng ta để Ngài bước vào. Trước nay bạn vẫn thường nghe câu nói "Đó là thứ bạn có thể cất vào nhà băng!" Đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời và lời Ngài phán với bạn là điều chắc chắn đó - bạn có thể mang nó đến nơi cất giữ của cải theo nghĩa đen.

www.nguonsusong.com