Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

TOÀN THỂ GIA ĐÌNH CẦN ĐƯỢC CỨU RỖI


I. ĐƠN VỊ CỨU RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1) “Giê-su bèn phán cùng người rằng: Hôm nay sự cứu rỗi đã đến nhà nầy”(Lu-ca 19:9).
Lời này đã được Chúa Giê-su phán với một tội nhân hạng nặng, là viên thâu thuế Xa-chê, xác nhận rằng gia đình là đơn vị cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà Chúa đã đem đến. Chúa không nói rằng vào ngày đó sự cứu rỗi đã đến với người ấy, nhưng trái lại Ngài nói sự cứu rỗi đã vào nhà ấy. Chắc chắn là Chúa muốn cả nhà Xa-chê tin Ngài và được cứu. Lời của Chúa nói với Xa-chê ngay lập tức là một đề nghị và cũng là một thông báo dành cho ông vậy.

2) “Rồi đưa họ [tức sứ đồ Phao-lô và Si-la] ra mà hỏi rằng: Thưa hai ông, tôi cần phải làm gì để được cứu? Họ đáp rằng: Hãy tin Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu” (Công-vụ 16:30-31).
Đây là lời đối thoại giữa viên cai ngục người Phi-líp và hai sứ đồ. Viên cai ngục hỏi rằng ông phải làm gì để được cứu, nhưng các sứ đồ trả lời rằng không những một mình ông mà ông và những người nhà của ông sẽ được cứu. Điều này chứng tỏ rằng trong lòng của các sứ đồ là những người được Chúa phái đi rao giảng phúc-âm của Ngài thì sự cứu rỗi của Chúa là dành cho từng cá nhân trong khi đơn vị cứu rỗi là gia đình. Một lần nữa, lời của các sứ đồ nói với viên cai ngục vừa là một lời đề nghị vừa là một thông báo rằng ông không nên chỉ chú ý đến sự cứu rỗi cá nhân của mình mà còn phải chú ý đến sự cứu rỗi của cả gia đình ông.
II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP VỀ
GIA ĐÌNH ĐƯỢC CỨU RỖI
A. Trong Cựu Ước
1. Cả Nhà Nô-ê
1) “Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu”(Sáng-thế Ký 7:1); “Lại cũng trong một ngày đó, Nô-ê với vợ, ba con trai: Sem, Cham và Gia-phết, cùng ba dâu mình đồng vào tàu” (Sáng-thế Ký 7:13).
Ở đây Chúa Đức Chúa Trời truyền bảo Nô-ê vào trong tàu cùng cả nhà ông để khỏi bị trận lụt hủy diệt. Điều này chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời mong muốn lấy gia đình làm đơn vị để Ngài áp dụng sự cứu rỗi. Chúng ta cũng được cho biết rằng Nô-ê đem cả nhà mình, gồm vợ ông, các con trai, và các con dâu của ông vào trong tàu theo ước muốn của Đức Chúa Trời và kết quả là ông và cả gia đình ông đều được Đức Chúa Trời giải cứu. Đây thật là một tấm gương mà ngày nay tất cả chúng ta cần phải noi theo.
2. Các Nhà Của Người Y-sơ-ra-ên
1) “Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày mồng mười tháng nầy, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải bắt một con chiên con. Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người rất lân cận mình [cả gia đình người ấy nữa], tùy theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tùy sức người ăn hết” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:3-4).
Khi Đức Chúa Trời sửa soạn giết chết con đầu lòng của người Ai-cập, thì Ngài thiết lập lễ Vượt-qua cho dân Y-sơ-ra-ên để cứu họ khỏi cơn phán xét hủy diệt các con đầu lòng. Đức Chúa Trời đã chỉ dạy họ là đừng bắt một con chiên cho từng người mà cho cả nhà. Điều này cũng chứng minh mạnh mẽ rằng đơn vị cứu rỗi của Đức Chúa Trời là gia đình. Hơn nữa, Đức Chúa Trời bảo nếu gia đình nào ít người quá không ăn hết một con chiên thì họ phải chia sẻ với người lân cận cạnh nhà mình. Hiển nhiên là người lân cận cũng được kể là một gia đình chứ không phải từng cá nhân. Điều này càng chứng tỏ rằng chúng ta không nên chỉ đem gia đình mình đến nhận lãnh sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng cũng nên dẫn dắt các gia đình lân cận mình đến chia sẻ sự cứu rỗi phong phú và vô tận, mà gia đình chúng ta không thể nào tận hưởng hết được.
3. Cả Nhà Người Kỵ Nữ Ra-háp
1) “Vậy bây giờ, vì tôi đã làm nhơn cho hai ông, thì hai ông cũng phải làm nhơn lại cho nhà cha tôi; hãy chỉ Đức Giê-hô-va mà thề cùng tôi, và cho một dấu quả quyết rằng các ông sẽ để cha mẹ, anh em, chị em tôi, và hết thảy người bà con của họ đều còn sống, cùng cứu chúng tôi khỏi chết” (Giô-suê 2:12-13). “Đoạn, chúng phóng hỏa cái thành, và mọi vật ở trong... Vậy Giô-suê bảo tồn sự sống của Ra-háp là kỵ nữ, luôn nội nhà của cha nàng, và mọi vật chi thuộc về nàng”(Giô-suê 6:24-25).
Đây là câu chuyện thuật lại việc kỵ nữ Ra-háp và người nhà của cô được cứu như thế nào khi Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào hủy phá thành Giê-ri-cô. Cô sẵn lòng tiếp nhận các thám tử người Y-sơ-ra-ên và năn nỉ họ cứu cô và cả nhà cô khỏi sự hủy diệt. Giô-suê thỏa đáp nguyện vọng của cô. Điều này cũng xác nhận rằng gia đình là đơn vị cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
B. Trong Tân Ước
1. Nhà Viên Thâu Thuế Xa-chê
1) “Khi Giê-su đến chỗ ấy, ngó lên mà bảo rằng: Hỡi Xa-chê, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta cần phải trú tại nhà ngươi. Người vội vàng xuống, và mừng rước Ngài... Giê-su bèn phán cùng người rằng: Hôm nay sự cứu rỗi đã đến nhà nầy”(Lu-ca 19:5-6, 9).
Đây là câu chuyện cứu rỗi của viên thâu thuế Xa-chê. Trong câu chuyện này, điều Chúa làm là ở lại trong nhà Xa-chê, và điều Ngài nói là hôm nay sự cứu rỗi đã đến nhà này. Đây cũng là bằng cớ chứng tỏ rằng gia đình là đơn vị cứu rỗi mà Chúa đã đem đến.
2. Nhà Cọt-nây
1) “Hãy sai qua Giốp-bê, rước Si-môn cũng gọi là Phi-e-rơ về; người sẽ nói cho ngươi những lời mà nhờ đó ngươi và cả nhà ngươi sẽ được cứu” (Công-vụ 11:13-14). “Cọt-nây với bà con và bạn thiết mà người đã mời nhóm lại, đều đương trông đợi” (Công-vụ 10:24). “Khi Phi-e-rơ còn đương nói những lời ấy, thì Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo” (Công-vụ 10:44). “Người bèn truyền làm báp-têm cho họ nhơn danh Giê-su Christ” (Công-vụ 10:48).
Đây là câu chuyện cứu rỗi của gia đình Cọt-nây, một đội trưởng của quân đội La-mã, và của những người bạn thân ông. Câu chuyện này chứng tỏ rằng cả gia đình của một người là đơn vị cứu rỗi mà Chúa thực hiện trên con người. Cọt-nây đã đưa dẫn không những gia đình ông mà còn cả các bạn thân của ông tiếp nhận Chúa nữa. Điều này trùng hợp với điều đã được đề cập trước đây là cả gia đình người Y-sơ-ra-ên phải chia sẻ chiên con lễ Vượt-qua với láng giềng mình.
3. Nhà Ly-đy
1) “Ly-đi... vẫn kính thờ Đức Chúa Trời, nghe chúng tôi. Chúa mở lòng nàng lưu ý đến lời Phao-lô nói. Khi nàng và cả nhà đã chịu báp-têm...” (Công-vụ 16:14-15).
Câu chuyện của người nữ tín đồ cùng cả nhà bà tin Chúa và chịu báp-têm cũng là một thí dụ về gia đình là đơn vị cứu rỗi của Chúa.
4. Nhà Viên Cai Ngục Người Phi-líp
1) “Họ bèn giảng đạo Chúa cho người, và cho hết thảy kẻ ở trong nhà người nữa. Chính giờ ấy đang đêm, người đem họ ra rửa vết thương cho, rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về người đều chịu báp-têm” (Công-vụ 16:32-33).
Trường hợp người cai ngục được cứu nêu lên một bằng chứng mạnh mẽ đặc biệt rằng gia đình là đơn vị cứu rỗi của Chúa.
Ngoài những trường hợp này, còn có gia đình của viên chức thuộc hoàng gia tại Ca-na (Giăng 4:46, 53), gia đình của Cơ-rít-bu, là chủ nhà hội tại Cô-rin-tô (Công 18:8), và gia đình của Sê-pha-na, là một tín đồ khác ở Cô-rin-tô (1 Côr. 1:16). Câu chuyện về sự cứu rỗi của họ và của cả gia đình họ chứng tỏ rằng gia đình là đơn vị cứu rỗi của Chúa. Đây là vấn đề vui thỏa trong lòng của Đức Chúa Trời tức Đấng yêu thương tội nhân và là mục tiêu của Chúa trong việc hoàn tất sự cứu chuộc. Chúng ta phải noi gương các tín đồ ngày xưa trong việc quan tâm đến nỗi ao ước của lòng Đức Chúa Trời để dẫn dắt cả gia đình đến sự cứu rỗi hầu mục tiêu cứu chuộc của Chúa được thành tựu.
III. KẾT QUẢ CỦA SỰ CỨU RỖI
1) “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15).
Đây là lời tuyên bố cuối cùng của Giô-suê với dân Y-sơ-ra-ên trước khi ông qua đời. Lời này không những cho thấy ông và cả nhà ông là đối tượng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà cũng bày tỏ kết quả sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời với gia đình là đơn vị, ấy là ông và cả nhà ông sẽ hầu việc Đức Giê-hô-va. Nguyện lời này cũng là nỗi ước ao của mỗi một chúng ta trước Đức Chúa Trời và cũng là lời tuyên bố của chúng ta trước toàn cõi vũ trụ.

Witness Lee