Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Tình Yêu Vô Giá




Thánh Kinh: Giăng 3:16-21
Có người kể câu chyện sau đây: "Một cậu bé ở gần hoàng cung. Mỗi ngày đi học, cậu thường đi qua vườn cây của nhà vua. Một ngày nọ, cậu bé bị đau. Trong khi săn sóc con, bà mẹ hỏi cậu bé: "Con có muốn ăn gì không, mẹ sẽ mua cho con?"


Cậu ta trả lời: "Con muốn ăn nho tươi trong vườn cây của nhà vua." Chiều đứa con đang đau, bà mẹ tất tả đến vườn cây của nhà vua hỏi mua một chùm nho tươi. Người giữ vườn nhà vua chẳng những không bán mà còn thẳng thắn mời bà ta ra khỏi vườn. Bà nầy nhất định mua cho được, nên trở lại lần thứ hai đem theo nhiều tiền hơn và một cái giỏ mây, nhưng bị người giữ vườn nổi giận đẩy bà ta ra khỏi cửa vườn như lần trước.
Ðang khi hai người to tiếng, thì cô công chúa đi qua. Dừng lại nghe xong câu chuyện, cô công chúa nói với bà ta: "Thưa bà, bà lầm rồi! Ðây là vườn cây ăn trái của cha tôi, chứ không phải hàng bán trái cây ngoài chợ. Cha tôi cũng không phải là người bán trái cây. nhưng là vua. Cha tôi không bán, chỉ CHO mà thôi." Nói xong, cô công chúa sai người giữ vườn cắt một chùm nho tươi chín mọng và đặt vào trong chiếc giỏ mây của bà mẹ để đem về tặng cho cậu bé đang đau.
Thưa quí vị! Câu chuyện nầy phản ánh rất đúng về Ðức Chúa Trời của chúng ta! Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa, Ngài là chủ nhân của vũ trụ, Ngài là Ðấng giàu có vô cùng! Nhưng Ðức Chúa Trời cũng là Ðấng đầy lòng nhân từ và thương xót! Lòng nhân từ thương xót của Ðức Chúa Trời chính là lý do tại sao Ngài ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Cũng như ông vua trong câu chuyện, Ðức Chúa Trời "BAN CHO" chúng ta ơn cứu rỗi, chứ không phải "bán cho" chúng ta, như Giăng 3:16 đã chép, "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã BAN Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời."
I. Tình Yêu Vô Giá. . . . .
Quí vị có thường hay đi shopping không? Ở Mỹ, đi shopping không nhất thiết là đi để mua sắm đồ đạc nhưng còn để giải trí, để relax, để đi bộ theo kiểu tập thể thao v.v... Có một ông già về hưu đã viết trong báo nói rằng sáng nào ông ta cũng đi bộ trong Nortgate Mall khoảng hai tiếng đồng hồ, vừa an toàn vừa ấm áp vừa sạch sẽ mà lại vừa vui vẻ khỏe khoắn, vì vậy mà ông ta ăn ngon ngủ kỹ và sống dai! Chúng ta cũng quen thuộc với từ "window shopping", Việt Nam gọi là "đi bát phố". Ðiều mà ai cũng biết trong khi đi shopping là hàng hóa bày bán trong các cửa hiệu đều có giá và có những món hàng giống nhau nhưng giá cả khác nhau, chẳng hạn như giá cả của giày dép. Tôi không phải là bà Imelda Marcos có đến mấy ngàn đôi giày, nhưng đi đâu tôi cũng thích xem giày nên rất sành về giá giày. Cũng một đôi giày mới thoáng qua trông có vẻ giống nhau, nhưng rất nhiều giá, có đôi chỉ $19.95 nhưng có đôi thì $99.95 hoặc $199.95. Tuy nhiên, một đôi giày bán giá $19.95 ở Payless Shoe với một đôi giày Rockport bán giá $149.95 ở Norstrom hoàn toàn khác nhau. Nhìn bên ngoài có lẽ chúng ta chỉ thấy khác nhau một chút ít mà thôi, chẳng hạn như da mịn, đường may khéo, kiểu đẹp v.v... nhưng cho đến khi cho đôi chân vào đôi giày và đi thử thì chúng ta mới biết tiền nào của nấy!
Trên thực tế, bất cứ cái gì tốt và quí cũng đều có giá và giá rất cao, từ đôi giày cho đến đôi bông tai, từ chiếc xe đạp cho đến chiếc xe hơi! Và tình yêu cũng vậy. Có những thứ tình yêu giả dối rẻ tiền, mua bằng tiền được, nhưng tình yêu chân thật thì vô giá, và không thể dùng tiền mua được. Mặc dù không ai định nghĩa được tình yêu là gì như nhà thơ Xuân Diệu đã lẩm cẩm viết "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?", nhưng khá nhiều người đã vì si tình mà chết dù đó chỉ là thứ tình yêu trai gái tầm thường, tạm thời, và dễ chóng phai tàn bởi thời gian!
Lúc còn đi học, tôi rất thích thi sĩ Tế Hanh với những bài thơ bình dị mộc mạc nhưng rất hay, chẳng hạn như bài "Quê Hương", "Lời Con Ðường Quê", hay bài "Vu vơ". Nhưng bài thơ lạ nhất của thi sĩ Tế Hanh là bài "Ao Ước". Ðây là bài thơ mô tả tâm trạng của một chàng trai si tình nhưng nhút nhát, yêu một cô gái mà không dám tỏ tình với cô ta, nên "Ao Ước" cho cô ta chết, để rồi lẩn thẩn ra ngồi ngoài mộ mà tỏ mối tình lặng lẽ của mình.
Bài thơ có nội dung như sau:
"Anh là kẻ say mê nhưng nhút nhát, không hiểu giùm, em lại nỡ cho anh Là không yêu, là một kẻ vô tình. Anh tức quá đem lòng ao ước tệ. Nếu em chết, chắc là anh có thể tỏ mối tình lặng lẽ, quá sâu thâm. Anh tìm nơi em nghỉ giấc ngàn năm, ngồi điên dại, sầu như cây liễu rũ! Anh không uống, anh không ăn, không ngủ, Anh khóc than, than khóc đến bao giờ. Nước mắt anh lầy lội cả nấm mồ, nhỏ từng giọt xuống thân em lạnh lẽo. Rồi anh chết, anh chết sầu, chết héo; Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em. Và ở đâu kia, ở cõi đời đêm, chắc em chẳn nghi ngờ tình anh nữa..."
Quí vị có đồng ý với tôi là một bài thơ rất lạ không? Tôi suy nghĩ, người nầy yêu người kia mà còn si mê như vậy, còn Chúa yêu chúng ta thì như thế nào?
Trước hết, tôi dám nói tình yêu của Chúa không thể nào tính ra thành giá cả được, vì bảng giá cả tình yêu của Chúa là vô cực, như dấu vô cực (infinity) trong toán học. Và Chúa cũng say mê chúng ta đến nỗi "đang khi chúng ta còn là người có tội" (Rô-ma 5:8) thì Chúa Giê-xu "vì chúng ta chịu chết". Tình yêu thương của Chúa cũng không tùy thuộc vào thời gian hoặc là có giới hạn, vì tình yêu của Ðức Chúa Trời là "tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ!" (I Cô-rinh-tô 13)
Nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta cho rằng không thể cắt nghĩa tình yêu. Ðúng như vậy, khó mà định nghĩa được tình yêu của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta! Ðức Chúa Trời không chỉ yêu những người đáng yêu, mà Ngài yêu cả những người đáng ghét! Chúa không chỉ yêu những con người thánh thiện, mà Ngài còn yêu cả những kẻ tội lỗi! Cho nên muốn hiểu được tình yêu của Ðức Chúa Trời, chúng ta chỉ có thể hiểu qua cách Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta mà thôi.
I. Tình Yêu Lạ Lùng. . . . .
Tình yêu của Ðức Chúa Trời cũng vô cùng lạ lùng. Tĩnh từ "lạ lùng" không lột hết được tình yêu của Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu được phần nào tính chất lạ lùng nầy qua cách Ðức Chúa Trời bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Trong Giăng 3:16, cách Chúa yêu chúng ta được gom lại trong mấy chữ "vì", "đến nỗi", và "ban".
A. Tình Yêu "vì".
Trước hết là chữ "vì". Chữ "vì" trong tình yêu của Ðức Chúa Trời hoàn toàn khác với chữ "vì" trong tình yêu của chúng ta. Chữ "vì" trong tình yêu của loài người ÐỨNG SAU hành động yêu, chữ "vì" nầy là có điều kiện, hay tùy thuộc vào người chúng ta yêu. Chúng ta yêu ai "vì" người đó đẹp, "vì" người đó dễ thương, "vì" người đó yêu lại chúng ta, "vì" người đó là máu mủ ruột thịt của chúng ta. Chúng ta thương ai "vì" người đó làm ơn cho chúng ta, "vì" người đó đối xử tốt với chúng ta, "vì" người đó tôn trọng chúng ta... Chữ "vì" hướng về đối tượng của tình yêu chúng ta.
Nhưng chữ "vì" trong tình yêu của Ðức Chúa Trời ÐỨNG TRƯỚC hành động yêu, và do đó không đòi điều kiện, không đặt điều kiện. Ðức Chúa Trời yêu chúng ta không phải "vì" chúng ta là đối tượng của tình yêu, nhưng "vì" chính Ngài là chỗ xuất phát tình yêu. Thư I Giăng 4:8 nói rằng "Vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương." Vì bản thể của Ðức Chúa Trời là tình yêu nên Ngài yêu chúng ta, "mặc dù" chúng ta tội lỗi, gian ác, xấu xa, dơ nhớp, phản bội, ương ngạnh, bướng bỉnh vong ân bội nghĩa, và nhiều lần làm ngơ hay chà đạp tình yêu của Ngài.
Ðọc kỹ lại lịch sử của dân Do Thái là dân tộc được Chúa chọn làm dân thuộc riêng về Ngài, dân tộc được Chúa yêu và ban phước một cách đặc biệt, dân tộc được Chúa gọi là dân thánh: tôi không thấy vì một lý do nào khác hơn nơi người Do Thái khiến cho Ðức Chúa Trời phải yêu họ cả, mà chỉ "vì Ðức Chúa Trời" muốn yêu họ mà thôi! Ngay cả những cá nhân được Chúa yêu như Áp-ra-ham, Gia-cốp, Môi-se, Ða-vít, Sa-lô-môn, Phi-e-rơ, Giăng, Phao-lô v.v... Tôi cũng không thấy là những con người toàn hảo đáng được yêu mà cũng chỉ là những người yếu đuối, xấu xa, tội lỗi v.v... như tất cả chúng ta. Trong kinh nghiệm riêng của tôi, càng cố gắng đi tìm lý do tại sao Chúa yêu tôi, tôi lại càng đi lạc vào trong rừng tình yêu vô biên, trên biển tình yêu vô bờ của Ngài chừng nấy! Trong cuộc đi tìm kiếm lý do Chúa yêu tôi, tôi chỉ có thể quì xuống nức nở khóc mà tiếp nhận tình yêu cao quí của Chúa mà thôi!
B. Tình Yêu "đến nỗi".
Tình yêu của Ðức Chúa Trời xuất phát từ chính Chúa, "vì" Chúa, nhưng còn vô cùng lạ lùng qua hai chữ "đến nỗi" trong Giăng 3:16, "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương chúng ta, ÐẾN NỖI đã ban Con Một của Ngài...".
"Ðến nỗi" là đến mức nào? Là "đến chỗ vượt quá mức bình thường." Các bạn trẻ yêu nhau đến nỗi bỏ ăn bỏ học bỏ cha bỏ mẹ chạy theo người mình yêu! Có lẽ sứ đồ Giăng ngày xưa cũng đã lúng túng như tôi khi đi lạc vào rừng tình yêu vô biên của Chúa, nên ông cũng không thể mô tả cách nào hơn về tình yêu của Ðức Chúa Trời mà chỉ có thể viết trong I Giăng 4:9 như sau: "Lòng Ðức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Ðức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống." Sứ đồ Phao-lô cũng vậy, đã viết trong Rô-ma 5:8, "Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Chirst vì chúng ta chịu chết."


Thưa quí vị! Tôi gọi hai chữ "đến nỗi" là chiếc cầu mà Ðức Chúa Trời đã bắc ngang qua hố sâu thăm thẳm của tội lỗi đã ngăn cách chúng ta với Ngài! Hai chữ "đến nỗi" là xa lộ thêng thang nhưng độc đạo mà Chúa Giê-xu đã đi đến gặp chúng ta! Hai chữ "đến nỗi" là làn sóng điện thiêng liêng mà Ðức Thánh Linh đã phát thanh bản nhạc tình yêu vào linh hồn chúng ta. Hai chữ "đến nỗi" không đòi hỏi điều kiện gì cả nơi chúng ta là đối tượng của tình yêu Ðức Chúa Trời. Khi mức độ tình yêu của Ðức Chúa Trời là mức độ vô cự (infinity) rồi, thì tội lỗi của chúng ta dù nhiều đến mấy cũng không còn là vấn đề cản trở cho tình yêu của ngài nữa." Thư Rô-ma 5:20 chép: "Nhưng nơi nào tội lỗi đã gia tăng, thì ân sủng lại càng dư dật hơn nữa." Thư Rô-ma cũng cho chúng ta biết Ðức Chúa Trời không thể dùng luật pháp để cứu chúng ta được, vì "luật pháp cho người ta biết tội lỗi" (3:20), nên Ngài đã cứu chúng ta bằng sự công bình "bày tỏ ra ngoài luật pháp" (3:21). Ðức Chúa Trời đã "nhốt" tất cả mọi người dưới luật pháp để chúng ta biết mình là người có tội, nhưng Ngài "giải phóng" chúng ta bằng tình yêu của Ngài để cứu chuộc chúng ta!
C. Tình Yêu "ban cho".
"Vì" Ðức Chúa Trời yêu chúng ta "ÐẾN NỖI" đã "BAN" Con Một của Ngài" là Chúa Giê-xu cho chúng ta. Khi đã thật sự yêu ai, chúng ta thường cho người ấy điều gì tốt nhất, quí nhất, phải không quí vị? Người ta cho hay trước đây đã lâu, người con trai duy nhất của ông chủ công ty kỹ nghệ chuyên sản xuất đồ hộp "Campell" ở New Jersey vì quá giàu nên không biết có cô nào thật sự yêu mình hay chỉ yêu gia tài đồ sộ của cha mình, nên đã đến một nơi xa lạ xin làm một người thợ máy.
Khi gặp được một cô gái thật sự yêu anh ta rồi, anh ta mới dẫn cô ta về Camden, chỉ cho cô ta thấy tất cả nộng trại, hãng xưởng, và tòa lâu đài của gia đình, và nói: "Anh đã cho em quả tim nầy rồi, thì tất cả những gì em thấy đều là của em cả!"
Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta chính Ngài. Chúa Giê-xu là "hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được" như Phao-lô viết trong Cô-lô-se 1:15, hay nói cách dễ hiểu hơn, Chúa Giê-xu là "hình ảnh chúng ta thấy được của Ðức Chúa Trời chúng ta không thấy được". Quí vị đã học với tôi trong mấy bài giảng đầu tiên của phúc âm Giăng nầy, và biết Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời, là Ðấng Tạo Hóa, là "Ngôi Lời trở nên xác thịt", cho nên khi nói Ðức Chúa Trời "ban Con Một của Ngài" cho chúng ta thì cũng có nghĩa là "ban chính Ngài" cho chúng ta.
Hiểu được sự kiện Ðức Chúa Trời ban chính bản thân của Ngài cho chúng ta, quí vị sẽ bước một bước "nhảy vọt" trong đời sống tâm linh. Chúng ta sẽ không còn lo lắng bồn chồn gì nửa trước những nghịch cảnh trong đời, hay khi phải đối diện với thiếu thốn hay khổ đau. Rô-ma 7:32, 38-39 chép: "Ðức Chúa Trời đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?... Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Ðức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Ðức Chúa Giê-xu Christ là Chúa chúng ta."
II. Tình Yêu Ðời Ðời. . . .
Tình yêu của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta chẳng những vô giá, chẳng những lạ lùng, nhưng còn là tình yêu đời đời. Vì tình yêu của Chúa là "tình yêu chẳng hề hư mất bao giờ" nên những ai tiếp nhận tình yêu của Ngài sẽ được "sự sống đời đời", "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, ÐẾN NỖI đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được SỰ SỐNG ÐỜI ÐỜI."
Tất cả mọi hình thức tình yêu của con người trên đời nầy đều có giới hạn, dù vài ba năm rồi ly dị, hoặc và ba chục năm khi một trong hai người chết, hay cho dù kéo dài cho đến đầu bạc răng long đi nữa thì cũng đều có giới hạn. Nhưng tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta thì vô hạn và đời đời như bản chất đời đời của ngài. Giăng 13:1 chép rằng Chúa yêu ai, "thì cứ yêu cho đến cuối cùng."
Nhưng tình yêu vô giới hạn và đời đời của Chúa chỉ đến với những ai "tin Con ấy", tức là tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, "hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được SỰ SỐNG ÐỜI ÐỜI." Số phận chung của tất cảchúng ta thật là vô cùng ghê rợn: "hư mất đời đời"! Nhưng nếu chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu thì tình yêu của Ðức Chúa Trời sẽ thay đổi hẳn số phận của chúng ta: từ hư mất đời đời đến SỰ SỐNG ÐỜI ÐỜI!
KẾT LUẬN:
Thưa quí vị! Ðừng bao giờ bị ru ngủ bởi lý luận con người chỉ hiện hữu mấy chục năm trên đời nầy mà thôi! Vì con người chúng ta do chính Ðức Chúa Trời là Ðấng có bản thể đời đời tạo dựng, nên chúng ta cũng hiện hữu đời đời. Theo tôi nghĩ thì cuộc đời của mỗi người chúng ta có 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu là khoảng trên dưới 9 tháng trong bụng mẹ, giai đoạn giữa là mấy chục năm sống trên trần gian nầy, và giai đoạn sau cùng là cõi đời đời. Do đó, mấy chục năm sống trên trần gian nầy chỉ là một phần của cả cuộc đời chúng ta mà thôi.
Quí vị và tôi đã đi qua giai đoạn đầu khoảng 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ rồi. Quí vị và tôi hiện đang đi trong giai đoạn giữa của cuộc đời, giai đoạn nầy dài hay ngắn chúng ta không biết trước được, nhưng dài lắm thì cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày mà thôi.
Nhưng rồi đây quí vị và tôi sẽ bước vào giai đoạn ba trong cõi đời đời. Giai đoạn ba nầy kéo dài mãi mãi, không có ngày kết thúc, vấn đề chỉ là "hư mất đời đời" hay "sự sống đời đời" mà thôi. Quí vị có muốn được sự sống đời đời không? "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, ÐẾN NỖI đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được SỰ SỐNG ÐỜI ÐỜI."

Mục sư Nguyễn Bá Quang