Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 10)



Trong các Câu Chuyện Gia Đình gần đây, chúng tôi có trình bày về cách giải quyết bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng. Theo tác giả James Fairfield, năm phương cách mà chúng ta thường áp dụng khi có chuyện bất hòa với người chung quanh là: 

1. Rút lui để tránh căng thẳng
2. Lấn lướt để thắng
3. Nhượng bộ để giữ hòa khí
4. Dung hòa hay thỏa hiệp để được lòng đôi bên
5. Quyết tâm tìm một giải pháp để giải quyết bất đồng ý kiến

Trong năm phương cách này, quý vị thấy cách nào là hữu hiệu nhất? Thật ra, khi có chuyện bất đồng ý kiến với người phối ngẫu, chúng ta nên phản ứng bằng những phương cách khác nhau tùy theo từng vấn đề, từng trường hợp và tùy cá tính của mỗi người. Nếu lúc nào chúng ta cũng áp dụng cùng một phương cách, có thể đem lại thiệt hại cho chính mình, cho người bạn đời và cho tình cảm giữa hai người. Có lúc chúng ta phải nói mạnh để người kia nhìn thấy vấn đề hầu tránh được nguy hiểm hoặc không ngã vào cám dỗ và tội lỗi. Có lúc chúng ta phải dung hòa ý kiến của đôi bên để tìm một giải pháp chung. Trong trường hợp vợ chồng bất đồng ý kiến trong những vấn đề mà một người có nhiều hiểu biết hay nhiều kinh nghiệm hơn hoặc thuộc sở trường, lãnh vực chuyên môn của người này thì người kia nên nhường. Ví dụ như về chuyện tiền bạc, sổ sách, thuế má; về các loại thuốc men, về cách mua sắm, cách sử dụng các loại máy móc, v.v... Người hiểu biết ít về những vấn đề này nên nhường theo ý của người hiểu biết nhiều hơn. Chẳng hạn khi con bị đau, vợ chồng có ý kiến khác nhau về cách chăm sóc hay chữa trị cho con. Người mẹ thường gần với con hơn và cũng nhiều kinh nghiệm về cách chăm sóc con, người chồng nên nhường và làm theo ý vợ. Dĩ nhiên, nếu vợ lo lắng quá đáng hay có những ý kiến không chính đáng hoặc thiếu khôn ngoan, người chồng không thể nhường vì có thể nguy hiểm cho con. Khi vợ chồng bất đồng ý kiến về chuyện ăn uống, nấu nướng, chăm sóc nhà cửa, v.v... là lãnh vực chuyên môn của các bà, các ông cũng nên chiều theo ý vợ. Ngược lại, khi vợ chồng bất đồng ý kiến về những chuyện liên quan đến công việc bên ngoài, đến máy móc, xe cộ, tài chánh, thuế má, về computer, v.v... thường là lãnh vực của các ông thì các bà nên nhường cho chồng quyết định.


Có những trường hợp chúng ta nên áp dụng phương cách rút lui, chấp nhận thiệt thòi nhỏ để tránh những tai hại to lớn, như nguy hiểm đến tính mạng, tổn thương danh dự hoặc hư hại vật chất. Chẳng hạn như, biết vợ hay chồng mình là người nóng tính, thường phản ứng mạnh khi nghe điều gì không vừa ý, chúng ta nên rút lui khi bất đồng ý kiến vừa mới xảy ra. Ngoài ra, lúc có chuyện rủi ro bất ngờ, vợ chồng quá sợ hãi nên mất bình tĩnh và trở thành nóng giận. Lúc đó chúng ta cũng nên yên lặng rút lui để giây phút căng thẳng đó lắng xuống. Nếu trong lúc tinh thần căng thẳng mà chúng ta giải thích, phân bua hay nói lên ý kiến khôn ngoan của mình thì chỉ vô ích mà thôi. Những lời nói hay hành động trong lúc mất bình tĩnh thường thiếu khôn ngoan và dễ gây tai hại hơn là đem lại ích lợi. Ví dụ, hai vợ chồng đang chơi với con. Đứa con vì quá năng động hoặc vì sự sơ ý của cha mẹ mà bị té và có thương tích. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là hoảng sợ, lo lắng và đổ lỗi cho nhau, vì thế giận nhau hoặc cãi nhau. Trong lúc đó, dù mình có lỗi hay người kia có lỗi, tốt nhất là chúng ta yên lặng và chú tâm lo cho con chứ không nên phân bua, hay giải thích gì cả. Câu mà chúng ta cần tránh nói là: Tôi biết mà! hoặc: Tôi đã nói mà không nghe! Những câu nói đó không giúp thay đổi việc rủi ro đã xảy ra mà có thể khiến vợ chồng giận nhau nhiều hơn. Lời Chúa dạy rằng khi đang giận chúng ta không nên hành động. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu anh em đang cơn giận thì chớ phạm tội, ... và đừng cho ma quỷ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:26, 27).
Tuy nhiên chúng ta không thể luôn luôn áp dụng phương cách rút lui mỗi khi vợ chồng có chuyện bất đồng ý kiến. Trong hoàn cảnh bình thường, phương cách này có hại hơn là có lợi. Nó sẽ khiến vợ chồng ngày càng ngăn cách. Nếu không dám nói lên suy nghĩ hay ý kiến của mình, giữa vợ chồng sẽ thiếu sự thông cảm. Người lúc nào cũng rút lui chưa hẳn là người có tính mềm mại, nhu mì nhưng có thể vì sợ hãi, vì biết mình không được người kia tôn trọng hoặc vì mặc cảm tự ti, thấy mình không có giá trị gì đối với người phối ngẫu. Đây là điều thường xảy ra trong những gia đình theo truyền thống xưa cũ, chồng chúa vợ tôi. Trong gia đình người chồng có quyền quyết định mọi việc theo ý mình, còn vợ không được có ý kiến mà có nói lên ý kiến chồng cũng không nghe. Nếu chúng ta lúc nào cũng phải nhịn, dù phải hay quấy cũng phải im lặng để giữ hòa khí trong gia đình, vợ chồng sẽ không sống trong yêu thương mà là trong sợ hãi. Sợ vì người phối ngẫu quá độc tài và hung dữ hoặc vì thiếu tin tưởng ở chính mình. Thánh Kinh dạy: Không có sự sợ hãi trong tình yêu thương, trái lại tình yêu toàn vẹn loại bỏ sợ hãi, vì sợ hãi có hình phạt và ai sợ hãi thì không được toàn vẹn trong tình yêu thương (I Giăng 4:18, Bản Dịch Mới). Lời dạy này hàm ý rằng trong tình yêu chúng ta không phải sợ hãi hay lo sợ, vì tình yêu thật, tình yêu trọn vẹn xua tan tất cả nỗi lo sợ. Nếu quý vị sợ người phối ngẫu, tình yêu của vợ chồng quý vị chưa trọn vẹn.

Trong đời sống vợ chồng mà lúc nào người này cũng phải sợ người kia, tình yêu của hai người chưa phải là tình yêu thật, cũng không phải là tình yêu của người trưởng thành. Nếu vợ chồng thật sự yêu thương nhau, chúng ta sẽ tôn trọng nhau và quý nhau, sẵn sàng nói cũng như sẵn sàng lắng nghe ý kiến của nhau. Chúng ta bằng lòng cho người kia có ý kiến khác với mình mà không giận dữ hay buồn phiền. Nếu quý vị áp dụng phương cách rút lui trong những trường hợp đặc biệt thì không sao, nhưng nếu mỗi khi vợ chồng có điều bất đồng ý kiến một người luôn luôn rút lui, tình cảm vợ chồng sẽ không tăng trưởng và không bền chặt. Người hay rút lui sẽ không dám nói lên ý kiến, suy nghĩ hay ước mơ của mình. Sẽ phải chịu thiệt thòi vì có những nhu cầu không được đáp ứng. Giải quyết bất hòa theo phương cách rút lui cũng không tốt cho hạnh phúc gia đình vì vợ chồng không có cơ hội nói lên ý kiến của mình cách cởi mở và bình đẳng. Người rút lui sẽ ngày càng rút lui nhiều hơn còn người kia sẽ ngày càng áp chế và lấn lướt nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn luôn áp dụng phương cách lấn lướt mỗi khi vợ chồng có điều bất hòa để dành phần thắng về mình, chúng ta cũng gây tổn hại cho hạnh phúc chung. Khi lấn lướt chúng ta có thể đạt được điều mình muốn nhưng sẽ có những bất lợi khác. Người hay lấn lướt thường không được lòng yêu thương và quý trọng của người phối ngẫu, vì đó là người ích kỷ, không trưởng thành, chỉ nghĩ cho mình chứ không quan tâm đến nhu cầu hay ước mơ của người khác. Lời Chúa dạy như sau về cách ứng xử với người chung quanh: Đừng làm điều gì vì tham vọng ích kỷ hoặc hư vinh nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình. Mỗi người trong anh chị em chớ tìm lợi riêng cho mình, nhưng hãy chú trọng đến lợi ích của người khác nữa (Phi-líp 2:3, 4, Bản Dịch Mới). Vợ cần nghĩ đến phúc lợi của chồng và chồng cũng nghĩ đến phúc lợi của vợ. Người hay lấn lướt cũng có thể khiến cho người phối ngẫu uất ức, trở nên cay đắng và sẽ tìm cách tránh xa để khỏi đụng chạm và khỏi bị tổn thương nữa.


Một nguy hiểm khác là người bị lấn lướt hay ức hiếp có khuynh hướng tìm sự an ủi hay thỏa nguyện nơi người khác hay những điều khác trong đời sống. Từ đó đưa đến chỗ không dành trọn vẹn tình yêu cho người phối ngẫu. Vì thấy mình không có tiếng nói trong gia đình, ý kiến của mình không được tôn trọng, người bị lấn lướt cảm thấy chán nản, không tha thiết với việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người phối ngẫu nhưng dành thì giờ và tâm lực vào những điều khác như công việc, con cái hay bạn bè. Vì những tai hại này, chiến thắng của người có tính lấn lướt là chiến thắng tạm bợ và nông cạn. Người đó có thể được việc cho mình, đúng theo ý mình nhưng dần dần mất đi lòng thương yêu của người bạn đời. Điều đáng tiếc là, đây là hình ảnh thường thấy trong một số gia đình chung quanh chúng ta. Có khi là người vợ, nhưng thường người chồng là người lấn lướt, người vợ sẵn sàng rút lui để tránh không khí căng thẳng trong gia đình. Chúa đặt người chồng là chủ gia đình nhưng có người chẳng khác gì một vị lãnh chúa, nói gì vợ con cũng phải răm rắp vâng theo. Đây là điều đi ngược với lời Kinh Thánh dạy. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, phó chính mình vì hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). “Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người” (Cô-lô-se 3:19) (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành