Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Nỗi Thất Vọng Của Sự Cô Đơn



Tôi bị chúng quên đi như kẻ chết mà lòng không còn nhớ đến; tôi giống như một cái bình bể nát. (Thi-thiên 31:12)

Sau khi chồng qua đời, Nữ-hoàng Victoria bảo rằng “Không còn ai để gọi tôi là Victoria”. Dù là nữ hoàng nhưng bà cũng hiểu thế nào là cô đơn.


 H.G. Wells nói trong sinh nhật sáu mươi lăm, “Tôi đã 65 tuổi, cô đơn và không tìm thấy bình an.”Isadora Duncan vũ nữ ba-lê từng trình diễn trước các hoàng gia Au châu và được coi là nghệ sĩ ba-lê danh tiếng nhất đã nói, “Tôi chưa bao giờ phải ở một mình, nhưng lòng tôi đau đớn, mắt tôi ngấn lệ và tay tôi run rẩy mong có sự bình an và niềm vui tôi chưa bao giờ tìm được.” Cô nói thêm là ở giữa hàng triệu người ái mộ, cô vẫn thực sự là một phụ nữ vô cùng cô đơn.


 Ít năm trước đây, một ngôi sao màn bạc Hollywood trẻ đẹp, có đủ mọi sự nhưng đã quyên sinh. Trong bức thư tuyệt mệnh ngắn ngủi là một lời giải thích vô cùng đơn giản, cô không thể chịu nổi nỗi cô đơn.


 Tác giả Thi-thiên bảo rằng: “Tôi trở giống như con chàng bè nơi rừng vắng, khác nào chim mèo ở chốn bỏ hoang. Tôi thao thức, tôi giống như chim sẻ hiu quạnh trên mái nhà” (Thi-thiên 102: 6,7). Một chỗ khác, tác giả Thi-thiên nói, “Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; tôi trông đợi có nhiều người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai; Tôi mong nhờ người an ủi, song nào có gặp.”


 Nỗi Cô Đơn Trong Cảnh Cô Liêu 


 Nỗi cô đơn đầu tiên là nỗi cô đơn trong cảnh cô liêu. Tôi đã từng cảm thấy nỗi cô đơn của đại dương, nơi không có một âm thanh nào ngoài tiếng sóng ì ầm vỗ vào bờ đá. Tôi đã từng cảm thấy nỗi cô đơn của đồng hoang nơi chỉ lâu lâu mới nghe một tiếng tru của chó rừng. Tôi đã từng cảm thấy nỗi cô đơn của núi đồi trong tiếng thở than của gió ngàn.


 Người lính gác trong chòi canh, hàng ngàn con người trong các bệnh viện tâm thần, những người tù biệt giam hay trong các trại tập trung hiểu rất rõ cô đơn trong cảnh cô liêu là gì.


 Louis Zamperini, vận động viên điền kinh Olympic nổi tiếng kể lại về nỗi cô đơn kinh khủng khi phải lênh đênh trên một cái bè trong suốt 48 ngày trong thế chiến thứ hai.



 Trong cuốn sách kỳ thú tựa đề Alone (Một Mình), Đô-đốc Richard E. Byrd kể lại thời gian ông sống trong bối rối và trong bóng đêm tàn phá linh hồn. Ông sống một mình trong một cái lều vùi dưới khối băng giá ở Nam Cực ròng rã suốt 5 tháng. Ngày tối như đêm và không có một sinh vật nào hiện hữu trong vòng 100 dậm Anh. Cái lạnh giá kinh khủng đến độ ông có thể nghe được tiếng hơi thở đóng băng khi gió thổi ngang tai. Ông bảo rằng ban đêm trước khi tắt đèn, ông phải tập thói quen hoạch định công việc cho ngày hôm sau để giữ cho tâm trí tỉnh táo. Ông nói, “Còn được phân bố thì giờ như thế này đã là rất hay. Nó đem lại cho tôi một ý thức rất quan trọng về việc làm chủ chính mình. Nếu không có hoạt động liên tục, ngày tháng sẽ không còn mục tiêu, mà không có mục tiêu nó sẽ chấm dứt - vì những ngày như thế luôn luôn kết thúc, kết thúc trong tan rã.”


 Nỗi Cô Đơn Trong Xã Hội


 Có lẽ bạn nghĩ rằng trong vùng đất hoang vu băng giá kia Richard Byrd hẳn là con người cô đơn hơn hết. Tuy nhiên cái cô đơn trong xã hội còn kinh khủng hơn cái cô đơn của ông ta trong cảnh cô liêu nhiều và đây là nỗi cô đơn trong các đô thị lớn.


 Có những con người nghèo khổ sống trong các căn nhà ổ chuột dơ bẩn, những người chẳng bao giờ nhận được một lá thư, không bao giờ được nghe một lời khen khích lệ, không bao giờ kinh nghiệm một cái bắt tay thân mật. Nhưng cũng có những lãnh tụ xã hội giàu có đến nỗi có tiền mua mọi thứ trừ tình yêu và hạnh phúc. Cả hai thành phần này đều có nỗi cô đơn ít ai hiểu được.


 Có nỗi cô đơn của những con người sống bên hè phố, dưới những mái che bằng bìa các tông, ăn thức ăn thừa bươi từ các đống rác. Đây là nỗi cô đơn độc đáo.


 Gần đây có một chương trình truyền hình nói lên nỗi cô đơn tàn nhẫn về những người già bị quên lãng trong các viện dưỡng lão tồi tàn. Hình ảnh những con người ngồi như cái bóng với cặp mắt xa vắng ám ảnh tôi. Họ là những người chết đang sống. Phía sau là một ông già khác, đang dùng một ngón tay gõ lên chiếc đàn dương cầm cũ kỹ bản thánh ca “Chúa Giê-xu Là Bạn Thật”.


 Trong Phúc Am Giăng đoạn 5 thuật lại việc Chúa Giê-xu đi trên những con đường chật hẹp ở Giê-ru-sa-lem, khi đến vòm cửa Chiên ở ao Bê-tết-đa, Chúa thấy cả một đám đông người tật nguyền đau ốm nằm ngồi la liệt trên bờ ao chờ dịp lội xuống nước. Chợt để ý thấy một người khốn khổ, trông buồn thảm hơn tất cả những người khác, Chúa hỏi, “Ngươi có muốn lành không?” Anh ta ngước nhìn lên, trả lời, “Tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động”. Suốt ba mươi tám năm dài vất vưởng, con người khốn khổ này bị cả một làn sóng người ở Giê-ru-sa-lem ngăn cản, và sau bao nhiêu năm đó, anh đã phải tha với Chúa, “Tôi chẳng có ai...” Anh ta hoàn toàn không bè bạn.


 Hôm nay bạn có thể có một người gần gũi khắng khít hơn anh em ruột. Chúa Cứu Thế Giê-xu có thể làm đời bạn vui mừng, thỏa nguyện, tươi sáng. Trên thế giới có hàng triệu người đang yêu mến và hầu việc Chúa Giê-xu, cho nên chính giây phút bạn tiếp nhận Ngài, bạn sẽ trở nên gần gũi với những Cơ Đốc Nhân đó hơn cả với những người ruột thịt.


 Không một thành phố nào tại Hoa Kỳ không có những nhà thờ ấm cúng, là nơi bạn có thể đến, gặp gỡ những con người thân thiện nhất nước Mỹ. Tại đất nước này có cả một mạng lưới tín đồ chân thật trong tất cả các cộng đồng. Ngay lúc bắt tay họ, bạn sẽ biết rằng bạn đã có những bằng hữu chân tình. Nhưng trước hết bạn cần phải ăn năn, trao dâng tấm lòng và cả cuộc đời bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hãy để Ngài tha thứ cho bạn mọi lỗi lầm trong quá khứ rồi Ngài sẽ đưa bạn vào trong đại gia đình của Ngài; Ngài sẽ đưa bạn đến ngồi bên lò sưởi, bên ngọn lửa ấm áp của gia đình. Nếu bạn đang cô đơn, tôi mời bạn đến với Chúa Giê-xu để có thể kinh nghiệm mối tương giao thân ái nơi Ngài.


 Nỗi Cô-Đơn Vì Đau Đớn


 Nỗi cô đơn thứ ba là nỗi cô đơn vì đau đớn. Ít năm trưóc đây chúng tôi nhận được lá thư của một thính giả chương trình phát thanh đã năm năm bị tàn phế vì bệnh thấp khớp. Trong suốt năm năm dài đau đớn, bà không thể duỗi tay chân ra hoặc nằm xuống mà chỉ ngồi. Bà viết, “Đã bao nhiêu ngày tôi ở một mình, nhưng không một ngày nào cô đơn.” Tại sao? Đó là vì bà có Chúa Giê-xu. Chúa Cứu Thế là Chúa nhưng cũng là người bạn không rời. Hôm nay, bạn có thể có Ngài, khi đó dù chỉ có một mình, bạn cũng sẽ không bao giờ cô đơn.



 Nếu hôm nay bạn là người đang nằm trên giường bệnh, trong nhà thương, đang chịu nỗi cô đơn vì đau đớn, bạn có thể chắc chắn rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu có thể ban cho bạn ân sủng và sức mạnh của Ngài. Trong khi nằm đó, bạn vẫn có thể trở thành hữu dụng cho Chúa nếu biết chức vụ cầu thay là chức vụ lớn nhât trên trần gian khi bạn khởi sự cầu nguyện cho người khác.


 Nỗi Cô Đơn Vì Buồn Thảm
 

 Nỗi cô đơn thứ tư là cô đơn vì buồn thảm. Phúc âm Giăng chương 11 ghi lại câu chuyện về Ma-ri và Ma-thê với người anh là La-xa-rơ vừa qua đời mà Chúa Giê-xu chưa đến. Họ đứng bên xác anh, than khóc.


 Bạn cũng vậy. Có thể trần gian này đã trở thành một nghĩa trang mênh mông với một ngôi mộ duy nhất. Bạn đang đứng bên giường bệnh, nhìn một người thân yêu quí giá hơn cả trần gian đang đi dần ra khỏi tầm tay. Bạn đang khát khao một mối tương giao. Bạn cần có một bàn tay mạnh mẽ bên cạnh để lau những giọt nước mắt và để gắn lại nụ cười trên môi, và để đem đến cho bạn niềm vui qua cơn sầu khổ. Đây chính là điều Chúa Giê-xu có thể làm cho bạn. Kinh Thánh dạy rằng”Hãy trao mọi lo lắng cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:7). Đức Chúa Trời yêu thương con cái Ngài. Nếu bạn sẵn lòng tin cậy, trao dâng chính bạn cho Ngài, Chúa sẽ mang hết mọi nỗi sầu khổ của bạn.


 Nỗi Cô Đơn Vì Tội Lỗi


 Nỗi cô đơn thứ năm là cô đơn vì tội lỗi. Phúc âm Giăng 13 ghi lại câu chuyện Chúa thiết lập Lễ Tiệc Thánh, trong đó Chúa tiên báo việc một người trong vòng họ sẽ phản bội. Các sứ đồ kinh ngạc nhìn nhau. Giăng hỏi, “Lạy Chúa, người đó là ai?” Chúa trả lời, “Đó là người ta trao cho miếng bánh ta sẽ nhúng đây.” Rồi Chúa lấy một miếng bánh, nhúng và trao cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con trai Si-môn. Kinh thánh cho biết sau đó, quỉ Sa-tan nhập vào Giu-đa. Chúa Giê-xu bảo người, “Việc ngươi làm hãy làm mau đi.” Sau khi nhận miếng bánh, Giu-đa đi ra, lúc đó trời đã tối.



 Có lẽ bạn đã từng biết niềm vui và sự bình an của người được tái sinh vào trong gia đình Đức Chúa Trời, bạn kinh nghiệm được mối thông công ngọt ngào trong cộng đồng dân Chúa. Bạn cũng đã kinh nghiệm niềm hạnh phúc trọn vẹn và thỏa nguyện trong sự hiện diện diện của Chúa, nhưng bạn cũng đã phạm tội. Bạn ra khỏi sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, rơi vào đêm tối mênh mông. Bạn mất tương giao với các Cơ Đốc Nhân mà cũng không tương giao được với tội các nhân, và lại càng không thể tương giao với Chúa Cứu Thế. Có lẽ không có nỗi cô đơn nào kinh khủng hơn là nỗi cô đơn của người tín đồ sa ngã.


 Tuy nhiên sự tha thứ từ Chúa vẫn dành cho bạn. Khi bạn ăn năn xưng nhận và từ bỏ tội lỗi, mối tương giao với Chúa sẽ được phục hồi. Lời Chúa dạy rằng, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài thành tín, công bình tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9).


 Có lẽ bạn bảo rằng phạm tội là những giây phút thích thú, có thể như vậy, vì Kinh Thánh bảo rằng có “những điều vui sướng của tội lỗi”. Tuy nhiên đó là những điều ngắn ngủi đem lại hậu quả chết người. Có lẽ bạn đã từng đọc báo cáo của tiến sĩ Kinsey hay những công trình khảo cứu khác và sung sướng thấy rằng có vô số những tội nhân khác giống như bạn, có khi còn tệ hơn bạn. Bạn không cô đơn. Không, bạn đang ở trong thành phần tuyệt đại đa số! Như vậy bạn tự hỏi, nhiều người phạm tội như thế thì cô đơn sao được? Có thể bây giờ bạn đang ở giữa đám đông, nhưng sẽ có một ngày khi mỗi người trong chúng ta phải đứng một mình trước mặt Đức Chúa Trời Toàn năng để chịu phán xét. Đó sẽ là cao điểm của tất cả các nỗi cô đơn trên trần gian, nhưng cũng chỉ là hương vị đầu tiên của nỗi cô đơn trong hỏa ngục.


 Đối với tất cả những người đang trẩy bước trên lối mòn tội lỗi, có một màn đêm mênh mông đang ngăn cách họ với tất cả mọi mối tương giao tốt lành, chân thật. Tội lỗi muôn thuở là tăm tối và sẽ mãi mãi là sự tối tăm. Giu-đa cô đơn vì tội lỗi. Trong sách Ô-sê 4:17 Đức Chúa Trời phán rằng, “Ép-ra-im sa mê thần tượng, hãy để mặc nó!” Vì sự tham lam và thờ hình tượng của người Ép-ra-im, Đức Chúa Trời đã phán, “Đừng tương giao gì với nó, hãy để nó một mình!” Tiên tri Ê-sai bảo rằng, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.” Đây cũng là một hình ảnh khác của nỗi cô đơn vì tội lỗi.


 Một giờ trước cuộc đấu súng với Alexander Hamilton, Aaron Burr ngồi trong thư viện riêng ở Richmond Hill tại Nữu Ước, viết cho con gái những lời như sau, “Một người rất khôn ngoan đã nói rằng ‘Hỡi những kẻ khờ dại, là người nghĩ rằng cô đơn là ở một mình”. Ngay cả trước khi phát súng giết người bắn ra và hành vi đẫm máu thực hiện, Aaron Burr đã cảm nhận được nỗi cô đơn của tội lỗi ông ta. Chỉ trong vài giờ sau đó ông ta trở thành một kẻ bôn đào vì lòng thù hận bất ngờ, sâu đậm đối với một công dân khác. Sự nghiệp chính trị của ông ta tiêu tan vĩnh viễn, và tham vọng lớn lao của ông ta hoàn toàn xụp đổ.


 Có hàng nghìn những con người cô đơn trong thành phố và trong đất nước này mang những gánh nặng đầy đau thương, lo lắng, ưu sầu, thất vọng, nhưng linh hồn cô đơn nhất là linh hồn của những người có cuộc đời chất chồng tội lỗi. Tôi muốn nói với bạn rằng mỗi tội lỗi bạn cố ý phạm đều trở thành một sức mạnh ghê gớm cầm giữ bạn trong nỗi cô đơn. Càng lớn tuổi, bạn càng cô đơn hơn cho nên tôi xin bạn hãy đến dưới chân thập tự giá, nhận mình là một tội nhân và từ bỏ tội lỗi.


 Chúa Cứu Thế Giê-xu có thể ban cho bạn năng quyền đắc thắng tội lỗi cũng như những thói quen phạm tội hàng ngày. Ngài có thể bứt đứt xiềng xích cột trói của tội lỗi, nhưng bạn cần phải ăn năn, xưng tội, cam kết phó thác, giao nạp chính bạn cho Ngài trước. Ngay lúc đó bạn sẽ thấy cuộc đời mình được ổn cố, và chính bạn sẽ kinh nghiệm niềm vui, sự bình an, và mối tương giao với Chúa Cứu Thế.


 Nỗi Cô Đơn Của Chúa Cứu Thế


 Cuối cùng là nỗi cô đơn của Chúa Cứu Thế. Hàng nghìn người chen lấn vây bọc Ngài. Không khí vui mừng, nô nức của mùa lễ Vượt Qua lan khắp nơi, nhưng riêng Chúa Giê-xu là một người “bị khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đuờng nấy: Chúa Hằng Hữu đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:3-6).


 Chúa Giê-xu cô đơn. Ngài đã đến với dân Ngài, nhưng họ không tiếp nhận. Phúc -âm Ma-thi-ơ viết như sau, “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các Đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm. Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài trốn đi.” Đám đông vừa mới reo “Hô-sa-na” thì nay đang gào lên “Đóng đinh nó lên cây thập tự! Đóng đinh nó lên cây thập tự!” Ngay cả mười hai môn đệ trung thành cũng bỏ trốn.


 Cuối cùng, chúng ta nghe Ngài kêu thống thiết, “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34). Chúa không chỉ bị con người bỏ rơi, mà nay trong giờ cô đơn, cùng quẫn nhất, Chúa Giê-xu vì mang tất cả tội lỗi chúng ta trong thân Ngài trên thập tự, còn bị chính Đức Chúa Trời từ bỏ. Chúa Giê-xu đã chịu tất cả những đau thương và phán xét của địa ngục vì bạn và tôi.


 Yếu tính của địa ngục là ngăn cách với Đức Chúa Trời. Địa ngục là nơi cô đơn nhất trên toàn vũ trụ. Chúa Giê-xu đã chịu tất cả những nỗi thống khổ của địa ngục vì bạn, thế chỗ cho bạn. Vì vậy Đức Chúa Trời bảo bạn ăn năn, đặt đức tin nơí Chúa Cứu Thế, tiếp nhận Ngài, bạn sẽ không không bao giờ nếm trải nỗi thống khổ, cô đơn, đau buồn của địa ngục, vì Kinh Thánh khẳng định rằng “ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu rỗi” (Rô-ma 10:13).