Câu hỏi 1: Giáo lý Phật Giáo phủ nhận Thượng Đế, trong khi hầu hết quần chúng
Phật tử tin có Thượng Đế; tu sĩ Phật Giáo dường như không nói với quần chúng
Phật tử, Phật giáo là vô thần, tại sao như thế?
Trả lời: Trên lý thuyết, Phật Giáo có vô số giáo lý khác nhau và mâu thuẫn
với nhau. Trên thực tế, Phật Giáo có nhiều tông phái và nhiều phương pháp tu
hành khác nhau cũng như nhiều niềm tin khác nhau. Cũng có giáo lý Phật Giáo tin
theo khuynh hướng vô thần như giáo lý Nhân Duyên Sanh. Tuy nhiên niềm tin của
người Phật Giáo bình dân thì không vô thần, vì họ tin có linh hồn. Họ gọi linh
hồn người chêt là hương linh, vong linh, giác linh, chơn linh,... tùy theo
trình độ tu chứng hay hiểu đạo của người đã chết. Ví dụ, một tu sĩ chết thì
linh hồn ấy gọi là giác linh (linh hồn đã giác ngộ). Một linh hồn tín đồ chết
thì gọi là chơn linh (linh hồn chân chính). Tuy nhiên Phật Giáo không tin có
Thượng Ðế, mặc dù họ nói cầu Trời khẩn Phật. Chữ Trời khẩn Phật của họ rất mơ hồ.
Ngay cả giáo lý Phật Giáo cũng dạy rằng đức Phật không ban phước, không giáng
họa, không phù hộ cho ai hết, nhưng họ vẫn cầu khẩn chư Phật. Ngược lại, giáo
lý Phật Giáo cũng nói đến Phật Bà Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn. Trong nhiều tông
phái, giáo lý Phật Giáo mâu thuẫn với nhau 100%.
Trong giáo lý Luân Hồi, Phật Giáo xem
Trời là loài cao cấp nhất trong sáu loài đang bị luân hồi. Loài trời ở đây được
diễn tả như loài thiên (trời) hay là thiên thần, là loài có tuổi thọ rất cao và
có cuộc sống an lành phước hạnh. Nhưng nếu làm trời được hưởng phước, mà không
lo công đức tu hành thì sau khi hưởng hết phước cũng sẽ bị đọa xuống làm người
hoặc làm súc vật như các loài khác. Sáu loài trong thuyết luân hồi là: trời,
người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Câu hỏi 2: Có tu sĩ Phật Giáo tuyên bố chống cộng sản vô thần, mà giáo lý
Phật Giáo, chối bỏ hữu thần, thì lời tuyên bố đó mang ý nghĩa gì?
Trả lời: Nhiều tu sĩ Phật Giáo chống cộng sản vì lập trường chính trị hoặc
tình cảm chính trị của họ khác với cộng sản chứ không phải vì quan điểm giáo
lý. Có thể một tu sĩ Phật Giáo hô hào chống cộng sản vô thần, nhưng trong thâm
tâm, ông ta cũng là một người vô thần mang mầu sắc tôn giáo. Có rất nhiều người
Phật Giáo (tu sĩ và tín đồ) không phân biệt rõ ràng thế nào là vô thần, thế nào
là hữu thần. Khi nói đến vô thần và hữu thần, họ dựa vào cách giải thích của
người tây phương, hoặc của người tin theo Chúa.
Câu hỏi 3: Phật giáo dạy có thể tự cứu: “thắp đuốc lên mà đi,” nhưng các vị
sư vẫn tụng kinh, gõ mõ, cầu nguyện, như thế các ngài đã không còn tin có thể
tự cứu, có phải không?
Trả lời: Ðây là một điểm mâu thuẫn nổi bật của Phật Giáo. Một mặt họ nói tự
mình cứu lấy mình, nhưng trong kinh Phật cũng có chỗ nói Ðức Phật hóa độ người
gian ác và người ngu si. Sự mâu thuẫn nầy phát xuất từ các nội dung giảng dạy
của Ðức Phật. Thật ra, sự tụng kinh gõ mõ của các tu sĩ Phật Giáo là sự thể
hiện nếp sống tăng lữ bề ngoài nhiều hơn là vì niềm tin và lòng cầu khẩn bên
trong tâm hồn. Họ có thể tụng hàng ngàn bài kinh cầu nguyện với âm điệu vang
rền, nhưng trong thâm tâm họ không tin một cái gì rõ ràng dứt khoát cả. Họ quan
niệm rằng thái độ tin và hành động cầu khẩn ấy cũng là thái độ không tin và
không hành động, không cầu khẩn gì cả. “Hành nhi xả” mà! Nghĩa là mình đang
hành động, nhưng mình không chấp rằng mình đang hành động. Phật Giáo hay diễn
dịch ý nghĩa giáo lý nầy với ý niệm uyên thâm, nhưng tôi thấy họ càng tỏ ra
uyên thâm càng phơi bày bản chất mâu thuẫn và mù mờ.
Câu hỏi 4: Phật giáo dạy cấm sát sinh, nhưng các vị sư tự thiêu, như thế có
trái với giáo lý Phật giáo không?
Trả lời: Giới cấm sát sanh của Phật Giáo là cấm giết hại kẻ khác. Khi một
tu sĩ tự thiêu hay tự tử thì họ không cảm thấy mình phạm tội sát sinh. Vì họ
nghĩ rằng mạng sống của họ là quyền quyết định của họ. Họ tình nguyện chết hoặc
tình nguyện sống theo ý họ. Ở điểm nầy Phật Giáo rất khác với Kinh Thánh. Kinh
Thánh dạy rằng con người được mặc ảnh tượng thiêng của Ðức Chúa Trời, vì thế
mạng sống con người là thiêng liêng và linh hồn con người là trường cửu. Vì thế
ai giết người là có tội, dù là hành động tự giết mình. Ở đây thì Phật Giáo xem
giá trị mạng sống của mọi loài là ngang nhau, và mọi loài đều có “linh hồn
trường cửu” như nhau. Mọi loài tự mình tạo ra mạng sống của mình (nhất thiết
duy tâm tạo), vậy, hành động giết người khác, hay giết con vật khác đều có tội;
vì Phật Giáo cho rằng mọi sinh vật đều ham sống sợ chết như nhau, nên không
được giết sự sống của người khác, hay của loài vật khác. Tuy nhiên, nếu ai thấy
một con mèo ăn nhiều con chuột mà không chịu giết con mèo ấy, để cứu nhiều con
chuột ấy, thì cũng có tội. Câu nói biện bạch của họ là “sát nhất miêu cứu vạn
thử.” Tức là lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Câu hỏi 5: Đức Phật dạy: “Uống một ly nước là giết 84,000 sinh vật; mỗi bước
đi là giết nhiều côn trùng.” Dạy như thế thì ai giữ được luật “cấm sát sinh”?
Bởi ai cũng phải ăn, uống, đi lại; dù ăn chay theo nhà Phật thì cũng đầy rẫy vi
sinh vật trong tương, chao, đậu hũ, rau, cơm, sữa, trái cây?
Trả lời: Tôi đoan chắc rằng không có một người nào trên đời nầy có thể giữ
được giới cấm sát sinh của Phật Giáo, kể cả Ðức Thích Ca. Và nếu có giữ được
một phần nào thì cũng không nhờ đó mà người ấy có thể giải quyết được vấn đề
tội lỗi của mình trong thế gian nầy. Phật Giáo tin rằng dù vô tình hay cố ý giết
một con vật, dù con vật ấy nhỏ như con bọ chét, thì cũng đã phạm tội với con bọ
chét đó. Vậy người giết con bọ chét sẽ chịu quả báo luân hồi hóa kiếp thành con
bọ chét để thế mạng. Nhưng Phật Giáo không cho biết ai là người tạo ra luật quả
báo luân hồi ấy để bắt kẻ giết con bọ chét đầu thai làm kiếp thế mạng con bọ
chét! Ðây là một niềm tin không thể nào lý giải nổi. Nhưng Phật Giáo đã tin như
thế. Chúng ta cũng phải tôn trọng niềm tin của họ và cầu nguyện cho họ được mở
mắt, mở lòng để nhìn biết Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên cả vũ trụ và dựng nên
con người giống như ảnh tượng của Ngài. Ðức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của
nhân loại. Bao giờ Phật tử tin vào Ðấng Tạo Hóa thì những niềm tin phát nguồn
từ Hindu sẽ bị loại bỏ. Ðạo Phật là một phần của Ấn Ðộ Giáo. Ấn Ðộ Giáo tin
rằng mỗi người hay mỗi con vật là một vị thần, vì thế ai làm cho một vật chết
đều là có tội với con vật đó. Nhưng khi Phật Giáo phủ nhận Thượng Đế thì họ
không thấy mình có tội. Ví dụ như một đứa con từ chối cha mình mà không chấp nhận
hành động ấy là bất hiếu. Thay vào đó, nó khoe khoang rằng mình biết tôn trọng
mạng sống của con kiến, hoặc con bọ chét nên đã có đầy đủ đạo đức rồi; mà đã
đầy đủ đạo đức như thế thì không phải tôn kính cha thiêng liêng của mình, cũng
vẫn là đạo đức! Tôi đã xuất thân từ Phật Giáo, tôi quen biết nhiều Phật tử. Tôi
nghĩ rằng chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho Phật tử. Chúng ta tránh tranh cãi
với họ vì làm như thế càng gây thêm vấp phạm cho họ. Họ cần tình yêu và sự tôn
trọng của chúng ta. Chúng ta chỉ nhờ Ơn Chúa làm thay đổi những quan niệm, niềm
tin lâu đời của họ.
Câu hỏi 6: Phật dạy: “khoan vội tin những lời Phật nói, chừng nào kiểm chứng
là thật mới tin.” Nhưng làm sao kiểm chứng có luân hồi?
Trả lời: Ðây cũng là một điểm mâu thuẫn nổi bật của Ðức Phật. Trong khi Ðức
Phật giảng về giáo lý nầy thì Ngài cũng nói đến tam thiên đại thiên thế giới,
nói đến cõi niết bàn, tây phương cõi cực lạc, nói đến địa ngục a tỳ, luật luân
hồi, nói đến thần thông vi diệu... là hàng ngàn thứ mà không ai kiểm chứng nổi.
Thế nhưng ngài không bao giờ biểu đệ tử mình kiểm chứng lời dạy của mình trước
khi tin. Có lẽ Ðức Phật giảng giáo lý trên để khuyên đệ tử phải kiểm chứng các
niềm tin khác, riêng các niềm tin của Ngài thì không nên kiểm chứng mà cứ tin
đại đi là xong. Ngày nay các Phật tử hay nêu cao giáo lý nầy để chứng minh niềm
tin của họ là sáng suốt, nhưng họ quên rằng chính cái giáo lý nầy đang chưởi
vào cách thức mà họ đang tin theo Phật giáo, bất kể kiểm chứng hay không kiểm
chứng. Nghĩa là họ không hề biết họ sai trật, mâu thuẫn gì cả. Giống như mấy
ông đảng viên cộng sản Việt Nam
đã từng dằn mặt tôi rằng: “chế độ cộng sản là chế độ nhân đạo, hòa bình và
chính nghĩa nhất, vì thế ai không theo chế độ nầy thì sẽ bị chế độ nầy tiêu
diệt!” Khi nói như thế, họ tưởng rằng họ đang ca tụng chủ nghĩa Cộng sản. Cũng
giống như nhiều người đàn ông đòi hỏi vợ mới cưới của mình phải còn trinh tiết
sau khi chính họ đã phá hoại nhiều cô gái trinh nguyên chưa lấy chồng. Họ không
cảm thấy hành động phá hoại nhiều cuộc đời con gái do mình gây ra là điều đáng
lên án, nhưng họ lên án bất cứ người con gái nào đến với họ mà đã thất thân với
người khác rồi. Nghĩ cho cùng thì Ðức Phật là một người đã từng đi tìm chân lý,
dù Ngài cho rằng mình đã giác ngộ (theo ý Ngài), nhưng trên thực tế, đã làm
người thì ít khi người ta thấy được điều sai sót của chính mình, trừ phi mình
chịu khó lắng nghe người hiểu biết hơn mình.
Câu hỏi 7: Những người theo Phật nghĩ sao có những ông vua không tiếp tục tu
để về niêt bàn? Họ đã tu nhiều kiêp để hôm nay làm vua, nhưng hôm nay họ làm
nhiều tội ác. Như thế phải chăng có kiếp trước hay không có kiếp trước, cũng
chẳng giúp gì cho họ ở kiếp này? Và làm sao kiểm chứng có kiếp trước?
Câu hỏi 8: Những người theo Phật nghĩ sao con cọp được gọi là chúa sơn lâm?
Có lẽ kiếp trước nó khéo tu, nên kiếp này được làm chúa sơn lâm? Nếu cọp đừng
ăn thịt các con thú khác, có lẽ kiếp kế tiếp của nó là người chăng? Nhưng có
con cọp nào không ăn thịt các con thú khác? Như thế, cọp lại phải trở lại kiếp
trâu, kiếp chó chăng? Và như thế thú vật đến bao giờ mới thành người được? Phải
chăng luân hồi là thuyết không đáng tin cậy?
Trả lời cho cả 7 và 8: Ðây chỉ là một trong những điểm mâu thuẫn rất phổ biến của giáo lý
Phật Giáo mà chính họ không thể lý giải được. Nhưng khi đã tin như thế thì
không ai muốn niềm tin của mình bị bài bác, mặc dù người ta có cái tật bài bác
những niềm tin khác.
Câu hỏi 9: Đức Phật dạy: “Mọi sự có là do vọng tưởng mà ra, kể cả bản thân
ta: „sắc sắc không không, vô ngã.‟” Dạy như
thế thì phải chăng Thái tử Tất Đạt Đa không có thật, và thái tử thành Phật cũng
không có thật?
Trả lời: Vâng, trên lý luận thì quả đúng như thế. Và định nghĩa cuối cùng
của chữ Phật trong kinh điển đại thừa Phật Học là không có gì cả. Tuyệt đối
không. Từ ngữ chuyên môn PG là “chơn không diệu hữu.“
Câu hỏi 10: Đức Phật đã dạy “vô ngã” mà có lần ngài nói về chính ngài là “duy
ngã độc tôn,” như thế phải hiểu lời ngài như thế nào?
Trả lời: Câu nầy vẫn còn nhiều tranh cãi rắc rối lắm. Nhiều tranh cãi và
nhiều mâu thuẫn đến nỗi có người cho rằng Ðức Phật không bao giờ nói ngược đời
như thế. Nhưng cũng có người gượng ép chữ nghĩa để giải thích rằng chữ “ngã” ở
đây không phải là cái “ta” của Ðức Phật, mà là “chân lý.” Nhưng theo lý luận
của Phật Giáo thì hiểu cách gì cũng mâu thuẫn hết. Nếu hiểu chữ “ngã” là cái
“ta” của Ðức Phật thì chính Ðức Phật đã tự mâu thuẫn với giáo lý “vô ngã” của
Ngài. Nếu hiểu một cách gượng ép rằng chữ “ngã” có nghĩa là chân lý, thì trong
Phật Giáo không bao giờ công nhận có một cái gì gọi là chân lý. Phật Giáo không
công nhận một điều gì là thật hữu, hằng có; tất cả đều là ảo vọng, hư
huyễn, vô thường; vậy thì làm gì có chân lý độc tôn trong Phật Giáo!