Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

CẦU NGUYỆN


Điều quan trọng nhất mà một trẻ sơ sinh phải làm là hít thở. Trong đời sống thuộc linh của chúng ta, cầu nguyện là sự hô hấp [thuộc linh] và rất quan trọng đối với một tín đồ mới như việc hít thở đối với trẻ sơ sinh. Vì thế, sau khi tin Chúa và kêu cầu danh Ngài để được cứu, chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện và kêu cầu Chúa. Khi ấy chúng ta có thể tiếp nhận không khí thuộc linh, là Linh sự sống của Chúa, để chúng ta có thể tăng trưởng và mạnh mẽ trong đời sống thuộc linh.

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
Ý nghĩa thật của sự cầu nguyện là tiếp xúc với Đức Chúa Trời trong linh mình và hấp thụ chính Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện là sự tiếp xúc của linh con người với Linh của Đức Chúa Trời, mà qua đó con người “hít” Đức Chúa Trời vào trong chính mình. Vì thế sự cầu nguyện không nhấn mạnh việc cầu xin Đức Chúa Trời về các sự việc mà là tiếp xúc và hấp thụ Đức Chúa Trời.
II. QUAN NĂNG DÙNG ĐỂ CẦU NGUYỆN
Khi làm bất cứ điều gì, con người cần có quan năng thích hợp. Chúng ta cần mắt để nhìn, tai để nghe và linh của mình để cầu nguyện.
1) “Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy [bao gồm việc cầu nguyện với] Ngài thì cần phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).
2) “Cầu nguyện mọi lúc trong linh” [tức là, cầu nguyện bằng linh] (Ê-phê-sô 6:18, nguyên văn).
Hai câu trên nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Linh. Để thờ phượng và cầu nguyện với Ngài, chúng ta phải ở trong linh mình, tức là chúng ta phải sử dụng linh mình. Linh chúng ta là phần sâu thẳm nhất của bản thể mình. Cầu nguyện trong linh, hay cầu nguyện bằng linh mình, là sử dụng phần sâu thẳm nhất của mình để tiếp xúc với Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta phải cầu nguyện không chỉ theo những tư tưởng trong tâm trí, mà phải theo cảm nhận sâu xa bên trong linh mình. Quan năng dùng để cầu nguyện không phải là tâm trí mà là linh.
III. PHƯƠNG TIỆN ĐỂ CẦU NGUYỆN
1) “Hỡi anh em, vì chúng ta đã nhờ huyết của Giê-su mà được dạn dĩ vào Nơi Chí Thánh” (Hê-bơ-rơ 10:19).
Bước vào Nơi Chí Thánh là đến trước mặt Đức Chúa Trời để tiếp xúc với Đức Chúa Trời và cầu nguyện với Ngài. Việc ấy [được thực hiện] là nhờ huyết cứu chuộc mà Chúa Giê-su đã đổ ra trên thập tự giá, là huyết rửa sạch mọi tội lỗi ngăn trở sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời.
2) “Hầu cho hễ điều gì các ngươi nhơn danh Ta xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi” (Giăng 15:16).
Tại đây chúng ta được dạy bảo là phải cầu nguyện với Cha trong danh Chúa Giê-su. Ở trong danh Giê-su là ở trong chính Chúa. Khi cầu nguyện, không những chúng ta cần cầu nguyện nhờ huyết Chúa mà cũng nhờ danh Chúa, tức là nhờ chính Chúa. Chúng ta không thể nào đến trước mặt Chúa để cầu nguyện nhờ dựa vào phẩm hạnh của mình. Dù phẩm hạnh chúng ta có tốt đẹp, thì cũng chỉ giống như giẻ rách (Ê-sai 64:6) trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không thể dựa vào bản thân mình vì chúng ta cũng dơ bẩn và không thể được Đức Chúa Trời chấp nhận. Vì thế, khi đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện với Ngài, chúng ta phải dựa trên huyết Chúa để rửa sạch sự dơ bẩn trong phẩm hạnh của mình, và phải dựa vào chính Chúa để thay thế cho con người dơ bẩn của mình hầu cho như thể là chính Chúa đến cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Chỉ những lời cầu nguyện như thế mới có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận.
IV. CẦU NGUYỆN THEO NHỮNG ĐIỀU GÌ
Cầu nguyện không dựa theo những gì tâm trí anh em suy nghĩ, nhưng dựa theo những gì anh em cảm nhận trong linh mình. Anh em cầu nguyện bằng môi miệng bất cứ điều gì anh em cảm nhận trong linh. Khi đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, đừng nói điều gì với Đức Chúa Trời dựa theo những gì mình đã định trước, nhưng trái lại hãy nói với Đức Chúa Trời điều anh em cảm thấy trong linh mình vào lúc đó. Hãy xưng nhận tội lỗi mình nếu trong linh mình anh em cảm thấy phải xưng tội, và ngợi khen Chúa nếu trong linh mình anh em cảm thấy phải ngợi khen. Hãy làm bất cứ điều gì mà cảm nhận trong linh anh em dẫn dắt mình làm.
V. CẦU NGUYỆN KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ
Để việc cầu nguyện không bị ngăn trở đòi hỏi một lương tâm tốt, tức là một lương tâm không lên án. Một khi có sự vi phạm hay lên án trong lương tâm anh em, lời cầu nguyện của anh em sẽ lập tức bị ngăn trở và thậm chí bị bế tắc nữa.
1) “Chúng ta hãy tiến đến Nơi Chí Thánh... có lòng được rảy khỏi lương tâm xấu...” (Hê-bơ-rơ 10:22, nguyên văn).
Vì chúng ta tội lỗi nên chúng ta cần được huyết của Chúa Giê-su tưới sạch khỏi lương tâm xấu để chúng ta có thể tiến đến Nơi Chí Thánh mà đến gần với Đức Chúa Trời và cầu nguyện với Ngài. Vì vậy, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta phải xin Chúa dùng huyết Ngài rưới và tẩy sạch chúng ta hầu cho lương tâm của chúng ta không bị chê trách. Khi ấy chúng ta có thể dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời để cầu nguyện từ linh mình.
VI. VIỆC XỬ LÝ TRONG SỰ CẦU NGUYỆN
Việc xử lý trong sự cầu nguyện là việc xưng nhận tội lỗi. Khi anh em đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, đến gần với một tấm lòng chân thật và linh cởi mở, thì Đức Chúa Trời là sự sáng sẽ chiếu sáng trong anh em để phơi bày bản ngã thật và tình trạng thật của anh em. Khi ấy, anh em phải xưng nhận tội lỗi mình. Sau khi xưng tội thứ nhất, anh em cảm nhận một tội khác, và sau khi xưng tội đó, anh em vẫn có thể cảm nhận một tội khác nữa. Anh em phải triệt để xưng hết tất cả tội lỗi của mình dựa theo các cảm nhận như vậy trong linh mình. Nếu anh em không để ý đến cảm nhận lên án ở bên trong, lời cầu nguyện của anh em chắc chắn sẽ không chạm đến Đức Chúa Trời. Anh em sẽ khó cầu nguyện vì vẫn còn hàng rào tội lỗi giữa anh em và Đức Chúa Trời. Vì vậy, anh em phải xưng nhận và xử lý mỗi một tội. Sau khi đã xử lý tất cả tội lỗi của mình từng tội một, anh em nên cầu nguyện theo cảm nhận trong linh mình. Khi ấy anh em chắc chắn sẽ chạm đến Đức Chúa Trời và hấp thụ Ngài.
VII. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
1) “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào sự cám dỗ” (Ma-thi-ơ 26:41).
Cầu nguyện làm cho chúng ta có thể hấp thụ Đức Chúa Trời. Ngoài điều này ra, lợi ích chính yếu của sự cầu nguyện với thức canh là giữ chúng ta khỏi sa vào sự cám dỗ hầu chúng ta không bị Ma quỉ cám dỗ và dẫn dụ đi lạc xa khỏi Chúa.
2) “Vậy, chúng ta hãy dạn dĩ đến gần ngôi thi ân, hầu cho nhận lãnh sự thương xót và tìm được ân điển để giúp đỡ mình trong thì giờ cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16).
Lợi ích lớn lao nhất trong việc cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời và tiếp xúc với Đức Chúa Trời là chúng ta nhận lãnh sự thương xót và tìm được ân điển để được giúp đỡ đúng lúc hầu đáp ứng mỗi một nhu cầu của chúng ta.
3) “Chớ lo lắng chi hết, nhưng trong mọi điều hãy nhờ sự cầu nguyện, nài xin và sự cảm tạ mà tỏ các điều nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời biết. Rồi sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ canh giữ lòng và ý tưởng của anh em trong Christ Giê-su” (Phi-líp 4:6-7).
Một lợi ích sâu xa khác mà chúng ta nhận lãnh khi đến trước mặt Đức Chúa Trời cầu nguyện và nài xin là chúng ta sẽ có sự bình an của Đức Chúa Trời, [là sự bình an] vượt quá mọi sự hiểu biết, canh giữ tấm lòng và tư tưởng chúng ta khỏi mọi điều lo âu. Được giải thoát khỏi mọi điều lo lắng của đời người là một ơn phước sâu xa biết bao.
Ngoài ra, theo Kinh Thánh, những lợi ích mà chúng ta nhận được từ sự cầu nguyện không thể nào kể xiết. Nguyện chúng ta là những người thuộc về Chúa không bao giờ xao lãng việc cầu nguyện, mà phải cầu nguyện mọi lúc (Lu 21:36), thậm chí không ngừng (1 Tê 5:17). Rồi chúng ta chắc chắn sẽ vui hưởng chính Đức Chúa Trời và tất cả sự phong phú của Ngài, và sẽ được Ngài ban phước dồi dào. Ngài “giàu có đối với mọi kẻ kêu cầu Ngài” (Rô 10:12)!

Witness Lee