Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA

II Ti-mô-thê 2: 3 – 6
Image result for serve  the Lord
Trong bức thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô đã kêu gọi người học trò của mình hãy mạnh mẽ trong ân điển của Đức Chúa Trời, phải nỗ lực hầu việc Chúa giữa nhiều lao khổ trong chức vụ. Để động viên tinh thần Ti-mô-thê, vị sứ đồ đã sử dụng ba hình ảnh khác nhau nhằm minh họa cho công tác phụng sự Chúa: Sự tận hiến của người lính trong chiến trận, tinh thần kỷ luật của vận động viên trong cuộc thi đấu thể thao và sự cần cù, siêng năng của người nông phu trên cánh đồng.

1. CHIẾN BINH
Chiến binh là hình ảnh đầu tiên được sứ đồ Phao-lô dùng để so sánh ở đây. Lời kêu gọi “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ” cho thấy chức vụ của người hầu việc Chúa phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn giống y như đời binh nghiệp. Muốn chu toàn chức vụ, Ti-mô-thê nói riêng và các người hầu việc Chúa nói chung phải trang bị cho mình sự tận tâm phục vụ như người lính đang phục vụ trong quân đội. Trách nhiệm của người lính là không “còn vấn vương việc đời, hầu làm đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình” (c.4). Muốn được như vậy người lính trong chiến trận phải dứt bỏ mọi vướng bận của đời sống dân sự để xông pha nơi lằn tên, mũi đạn.
Trong thời của Phao-lô, Đế quốc La-mã hùng mạnh luôn hiện diện thường trực trên dưới ba mươi binh đoàn bộ binh,[1] và thời gian phục vụ tại ngũ tự nguyện của mỗi chiến binh La-mã là 25 năm.[2] Do đó, khi sứ đồ Phao-lô nhắc đến hình ảnh người lính thì độc giả của ông đều nhận biết lời dạy dỗ này. Là người lính của Chúa Jesus, người hầu việc không được để cho “việc đời làm lụy lòng” mình nhưng chiến đấu vì Phúc âm để mở mang Vương quốc Đức Chúa Trời.[3] Sự hầu việc Chúa phải là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu quan trọng nhất. Còn những “việc đời” như: “ăn gì, uống gì, mặc gì” dĩ nhiên phải có nhưng chỉ là thứ yếu. Không để “việc đời làm lụy lòng” là người thật sự có thái độ phân rẽ với thế gian, sẵn sàng vâng lệnh và làm đẹp lòng Chúa mọi lúc mọi nơi. Tinh thần phục vụ, sự hy sinh, lòng thương yêu Chúa sẽ khiến những chiến binh của Nước Trời xem nhẹ những điều thuộc về đời này.[4] Đây là mục đích sống của mỗi chiến binh Cơ-đốc hôm nay.
2. VẬN ĐỘNG VIÊN
Hình ảnh thứ hai được vị sứ đồ dùng để minh họa là vận động viên trong một cuộc tranh tài: “Hễ ai đấu sức trong diễn trường nếu không đấu cách hợp pháp, thì chẳng được mão miện” (c. 5). Hình ảnh các vận động viên trong cuộc thi đấu thể thao cho thấy sự nỗ lực hết mình trong tinh thần kỷ luật cao nhất để tranh ngôi vô địch. Thời bấy giờ, các kỳ Thế vận hội Olympic tại Hy-lạp vốn được tổ chức bốn năm một lần từ năm 776 (B.C),[5] tức trước thời Phao-lô hơn 800 năm. Khi ấy trong đấu trường Olympic, các vận đông viên phải gắng sức và phải thi đấu đúng luật để giành vòng nguyệt quế.
Liên tưởng đến hình ảnh này, vị sứ đồ đã khuyên Ti-mô-thê phải trang bị tinh thần kỷ luật của Chúa và sự tận hiến trong chức vụ. Người hầu việc Chúa, phải khép mình vào kỷ luật Cơ-đốc. Đó là luật yêu thương (Math 5: 43 – 48; 22: 34 – 40), kỷ luật bản thân (I Côr 9: 27), sử dụng khí giới thuộc linh thay vì khí giới xác thịt (II Côr 10: 4), phải giữ mình thánh khiết, phải nhịn nhục (II Tim 2: 22 – 26)… để hoàn tất cuộc đua, giựt giải của sự kêu gọi từ trên (Phi-líp 3: 14). Trong thực tế có nhiều người hầu việc Chúa đã ngã gục trước khi đến đích do không vâng giữ Lời Chúa, là sự cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.[6] Do đó, giữ mình theo các tiêu chuẩn thuộc linh Cơ-đốc để nhận mão miện vinh hiển chẳng hề tàn héo từ Chúa Jesus (I Phi 5: 4) là mục tiêu của tất cả các thánh đồ hôm nay (II Tim 4: 8).[7]
3. NÔNG GIA
“Kẻ làm ruộng chịu lao khổ thì phải hưởng hoa lợi trước nhất” (c. 6) Vị sứ đồ chuyển sang hình ảnh thứ ba: người nông phu đang lao động vất vả trên cánh đồng. Đây là hình ảnh lao động rất phổ biến trong xã hội, ấy là người cày ruộng phải kiên trì, chịu lao khổ trong cảnh một nắng hai sương để gieo trồng và gặt hái mùa màng. Nông gia phải làm việc bất chấp thời tiết nóng hay lạnh, mưa bão hay hạn hán.[8] Sự kiên nhẫn, bền bỉ và chịu khó là bài bài học quan trọng cho những ai muốn phụng sự Chúa hôm nay. Để lao tác trên cánh đồng thuộc linh, người hầu việc Chúa phải có tinh thần nhẫn nại, chịu đựng, kiên trì để “cày” ruộng của Đức Chúa Trời (I Côr 3: 9) và chăm sóc các cây trong vườn của Ngài (I Côr 3: 6).
Bài học ở đây là tinh thần trách nhiệm cao của người hầu việc Chúa, kiên trì giảng Đạo dù gặp thời hay không gặp thời. Kinh Thánh khẳng định rằng sự khó nhọc của nhà nông sẽ được đền đáp xứng đáng, bởi chính họ là người hưởng hoa lợi trước nhất. Chính sứ đồ Phao-lô trong bức thư gửi cho Hội Thánh Cô-rin-tô cũng từng viết rằng: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Côr 15: 58). Những ai đang chịu khó nhọc trong công tác rao giảng Phúc âm, dẫn dắt Hội thánh, chăm sóc bầy chiên, phục vụ, dâng hiến… sẽ được tưởng thưởng xứng đáng khi Chúa Jesus Christ tái lâm (Khải 22: 12).
KẾT LUẬN
Tinh thần từ bỏ mọi sự và hy sinh quên mình của người lính tại ngũ; nếp sống khép mình vào kỷ luật của vận động viên trong cuộc quyết đấu; gương nhẫn nại, chịu khó của nông gia khi chăm sóc vụ mùa là những bài học quan trọng cho tất cả Cơ-đốc-nhân nói chung và người hầu việc Chúa nói riêng hôm nay. Một mục vụ thành công đòi hỏi người hầu việc phải từ bỏ thế gian, tận hiến, làm đẹp lòng Chúa là Đấng kêu gọi và chiêu mộ mình. Một đời sống đắc thắng, giật giải sự kêu gọi từ trên đòi hỏi người hầu việc phải sống và bước theo luật của Chúa Jesus. Một chức vụ kết quả được Chúa khen ngợi, ban thưởng trong ngày cuối cùng đòi hỏi người hầu việc phải kiên trì, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh khi công tác cho Nhà Chúa!
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta có đời sống đắc thắng, có chức vụ kết quả, được Chúa khen ngợi và ban thưởng khi Ngài tái lâm. A-men!

July 06, 2017
An Joseph (Thien An Dang.,Th.D)

_________
[1] Goldsworthy & Adrian Keith, The Complete Roman Army (London: Thames & Hudson 2005),183. 
[2] Olivier J. Hekster, Fighting for Rome: The Emperor as a Military Leader in Impact of the Roman Army 200 BC–AD 476 (Brill, 2007), 96.
[3] John MacArthur, 2 Timothy (Chicago: Moody Press, 1996), S. 43
[4] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1083.
[5] Thế Vận Hội Olympic bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại từ năm 776 trước Công Nguyên cho đến khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I cấm đoán vào năm 394 (Will Durant, Caesar and Christ: A history of Roman civilization and of Christianity from their beginnings to A.D. 325 (New York: Simon and Schuster, 1944), 486).
[6] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1083.
[7] John MacArthur, 2 Timothy (Chicago: Moody Press, 1996), S. 46
[8] John MacArthur, 2 Timothy (Chicago: Moody Press, 1996), S. 46