Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

THUYẾT TIẾN HÓA HỮU THẦN

Hiện nay trong giới khoa học tiếp cận với thuyết tiến hóa của Charles Darwin theo hai quan điểm: (1) Những người sử dụng thuyết tiến hóa như một chứng cứ để phủ nhận quyền tạo hóa của Đức Chúa Trời, họ là những nhà tiến hóa vô thần. (2) Những người xem tiến hóa như là một tiến trình trong sự sáng tạo của Đấng Tạo hóa. Đây là những nhà khoa học có niềm tin nơi Thượng Đế. Như chúng ta biết chính Darwin cũng là người đã tin nơi Thượng Đế, ông đã từng học ba năm trong trường đại học Cambridge về khoa thần học để làm mục sư, nhưng sau chuyển sang nghiên cứu sinh vật học. Như chúng ta đã nghe Darwin nó về Chúa, về niềm tin rõ ràng rồi. Trong những môn đệ của ông có những nhà khoa học vừa tin vào Thượng Đế nhưng cũng vừa chấp nhận thuyết tiến hóa và không có gì  mâu thuẫn ở đây, khi chúng ta xem xét kỹ sự trình bày của các nhà tiến hóa hữu thần, qua lăng kính khoa học. Nhứt là bảng mã gen của tiến sĩ Francis Collins sẽ cho chúng ta thấy nhiều điều thú vị trong sự sáng tạo Chúa đối với muôn loài, đặc biệt là loài người. Trong bài nầy tôi sẽ nói về THUYẾT TIẾN HÓA HỮU THẦN.


I. THẾ NÀO LÀ TIẾN HÓA HỮU THẦN?

Tiến hóa hữu thần là một quan điểm nghiên cứu thuyết tiến hóa theo chiều hướng thừa nhận và tin vào Nguyên Nhân Đầu Tiên hay Nguyên Nhân Tối Cao trong công cuộc sáng tạo vũ trụ vạn vật hiện hữu và tin rằng chính Nguyên Nhân Đầu Tiên đó đã đặt để luật tiến hóa trong các loài vật để ngày càng phát triển tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Họ cũng tin rằng Đức Chúa Trời đã điều khiển tiến trình của sự tiến hoá trong các loài vật. Tiến hóa hữu thần chứng minh các sinh vật ra từ một gốc. Nhưng cái “Gốc” ở đây không phải là từ một tế bào hay một con vật hạ đẳng, mà từ Nguyên Nhân Đầu Tiên khôn ngoan tuyệt vời, đã phối trí và điều khiển mọi sự vật sinh ra và phát triển theo quy luật mầu nhiệm và kín giấu.

II. SỰ RA ĐỜI CỦA THUYẾT TIẾN HÓA HỮU THẦN

Sự xuất hiện của tiến hóa hữu thần trong bối cảnh phản ứng của Cơ Đốc giáo đối với thuyết tiến hóa của Darwin và sự thất bại của các tổ chức Thiên Chúa giáo nhằm bảo vệ niềm tin Cơ Đốc tại Hoa kỳ, như Sáng Tạo luận và Thiết kế Thông minh, làm cho Thánh Kinh dường như phản khoa học. Bây giờ chúng ta tìm hiểu về các tổ chức trên trước khi đi vào nghiêm cứu Tiến hóa hữu thần.

1. Thất bại của các tổ chức bảo vệ niềm tin Cơ Đốc

Vào năm 2004, tổ chức Gallup đưa ra ba câu hỏi về nguồn gốc và sự phát triển con người:

(1) Con người đã phát triển qua hơn một triệu năm từ những dạng thức kém phát triển, nhưng Chúa là người hướng dẫn quá trình đó?
(2) Con người đã phát triển trải qua hằng triệu năm, từ những dạng thức kém phát triển hơn, nhưng Chúa không có vai trò gì trong quá trình đó?
(3) Chúa đã dựng nên con người khá giống với hình dạng hiện tại, vào một thời điểm nào đó trong khoảng 10.000 năm?  Và kết quả như sau:
      43% chọn phương án 3.
      13% chọn phương án 2.
      3,38% chọn phương án 1. (1)

Trong giới khoa học hiện đại đã hình thành một quan điểm gọi là Tiến Hóa Hữu Thần. Đây là quan điểm tương đối mới đối với thế giới. Tiến sĩ Collins là người tiêu biểu cho các nhà tiến hóa hữu thần. Francis Collins đưa ra tỉ lệ mà Google thống kê về các quan điểm thuyết tiến hóa như sau: (2)
      Tiến hóa hữu thần:      01
      Sáng tạo luận:            10
      Thiết kế thông minh:   140

Chúng ta cần biết qua về các quan điểm trên đây

a.  Sáng tạo luận (YEC) và những người theo Sáng tạo luận gọi là Creationest, là những người tin rằng:

(1) Ađam và Êva do Chúa tạo dựng chứ không có tổ tiên nào khác. 
(2) Họ tin rằng mọi vật từ ban đầu cứ giữ nguyên như vậy cho đến ngày nay. 
(3) Họ tin Sáng thế ký đoạn 1 và 2 theo nghĩa đen với ngày 24 giờ! 
(4) Chấp nhận “tiến hóa vi mô”, nghĩa là những thay đổi nhỏ trong các loài xảy ra thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên và biến dị.
(5) Phủ nhận “tiến hóa vĩ mô” quá trình cho phép tiến từ loài nầy sang loài khác. 
(6) Căn cứ những di chỉ hóa thạch cho thấy sự sai sót trong học thuyết của Darwin là không tìm thấy các vật trung gian của chim, rùa, voi, ca heo. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học đã tìm thấy di chỉ hóa thạch của những loài vật trên. Vì vậy thách thức đối với Sáng tạo luận là:
(1) Không giải thích được sự khác nhau giữa tuổi thọ của vũ trụ theo TK và khoa học.
(2) Không thể hiểu Sáng thế ký 1, 2 theo nghĩa đen.
(3) Những di chỉ hóa thạch về chim, voi, rùa, cá heo gây khó khăn giữa Sáng tạo luận và khoa học.


Theo Sáng tạo luận những tiến bộ của khoa học là một mối đe dọa đối với Chúa nên họ ra sức bảo vệ Ngài trước các chủ thuyết khoa học. Tuy nhiên, tiến sĩ Collins trả lời rằng: “Liệu Đức Chúa Trời có cần được bảo vệ không? Chúa chẳng phải là tác giả của các quy luật vũ trụ? Ngài chẳng phải là nhà khoa học vĩ đại nhất hay sao? Đã đến lúc tín nhân Cơ Đốc phải đối mặt với khoa học. Vì vậy, tín nhân Cơ Đốc phải nghiên cứu kỹ Lời Chúa để hiểu đúng và giữ đức tin, đồng thời cũng nhìn thấy khoa học không phải là mối đe dọa cho niềm tin Cơ Đốc, ngược lại nó là một trong những chứng cứ củng cố niềm tin Cơ Đốc và các dữ kiện Thánh Kinh. Các nhà khoa học hữu thần tin rằng khi khoa học càng tiến bộ sẽ giúp làm sáng tỏ chân lý Thánh Kinh hơn.

b. Thiết kế thông minh (Intelligent Design: ID)

Xuất hiện từ năm 1976-1991, người sáng lập là Phillip Johnson, một luật sư Thiên Chúa giáo tại đại học California, Berkeley. Với ông còn có Michael Behe, giáo sư sinh học và William Dembski, nhà toán học. Thiết kế thông minh xuất hiện trong bối cảnh ngành tư pháp Mỹ thất bại trong việc đưa Sáng tạo luận vào dạy trong các trường học. Sáng tạo luận thất bại đã ảnh hưởng đến Thiết kế thông minh, làm cho Thiết kế thông minh bị phê bình chỉ trích. Nhưng thực sự Thiết kế thông minh có những điểm tốt như tiến sĩ Collins đã phát biểu: “Phong trào nầy xứng đáng được cân nhắc nghiêm túc”. Thiết kế thông minh gồm có ba định đề chính:

(1) Sự tiến hóa thúc đẩy quan điểm vô thần và do vậy chắc chắn bị những người tin vào Chúa bác bỏ.

(2) Thuyết tiến hóa về cơ bản là chưa hoàn thiện, vì nó không thể lý giải cho sự phức tạp của tự nhiên. Các nhà khoa học trong nhóm Thiết kế thông minh đã chứng minh cho thấy, sự phức tạp của sự phát triển đồng bộ các tế bào trong sinh vật là không thể do sự tiến hóa đồng bộ mà “tất cả các cơ quan hình thành từ hằng tỉ hay tỉ tỉ tế bào được tạo dựng khiến các nhà khoa học phải kính nể. Chẳng hạn đôi mắt con người là một camera phức tạp với cấu trúc phực tạp, khiến cho cả đến các chuyên gia quang học xuất sắc nhất cũng phải cảm thấy ngưỡng mộ.” Vì vậy, Thiết kế thông minh đã giúp những người hoài nghi nhận thức có một nhà thiết kế thông minh bằng ngôn ngữ của khoa sinh hóa học, di truyền học và toán học.

(3) Nếu tiến hóa thuyết không thể đưa ra lý giải sự phức tạp, thì phải tin rằng có một người thiết kế thông minh vào quá trình đó. Và quá trình hình thành các thành phần trong hằng tỉ tỉ tế bào phải do nhà thiết kế đó điều khiển. Dầu không nói rõ ra nhưng ai cũng hiểu nhà thiết kế thông mình đó không ai khác hơn là Đức Chúa Trời.(3)

Tuy nhiên, Thiết kế thông minh cũng chưa phải là câu giải đáp tối ưu cho vấn đề khoa học và niềm tin Cơ Đốc. Các nhà thần học cho rằng Thiết kế thông minh “mô tả Chúa như một Đấng sáng tạo vụng về chuyên chỉnh sửa những thiếu sót từ kế hoạch sáng tạo ban đầu. Đối với người có đức tin thì Chúa là Đấng thông thái tuyệt diệu, sự sáng tạo thiên tài của Chúa là trọn vẹn.” (4) 

Thách thức đối với Thiết kế thông minh:

(1) Không được các nhà khoa học đón nhận vì người chủ xướng không phải là nhà khoa học.
(2) Thiết kế thông minh không phải là một khoa học.
(3) Không phù hợp với những phát minh mới của khoa học.
(4) Mô tả Chúa là vụng về chuyên chỉnh sửa những sai sót trong quá trình sáng tạo.

III. SỰ XUẤT HIỆN CỦA TIẾN HÓA HỮU THẦN

Tiến hóa hữu thần do tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc dự án giải mã gen người sáng lập và công bố qua tập sách THE LANGUAGE OF GOD (Ngôn ngữ của Chúa), xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006. Collins rất thận trọng khi dùng từ ghép Bio-Logos để mô tả quan điểm tiến hóa hữu thần của mình. Chữ Bios có nghĩa là sự sống, còn Logos là Lời, đồng nghĩa với Chúa. Như vậy, Biologos có nghĩa: 
“Chúa là cội nguồn của tất cả sự sống và sự sống thể hiện ý chí của Chúa.”

1. Vài nét về Francis Collins

Tiến sĩ Francis Collins sinh tại Shemandoah, bang Virginia, Hoa kỳ trong thập niên 40 của thế kỷ 20. Cha mẹ ông đều là tín đồ Tin Lành nên Collins được đưa vào ban hát nhà thờ từ khi Collins mới lên năm tuổi. Collins được nuôi dạy trong lời Chúa. Có lần vào năm lên 9 tuổi, Collins ham thích xem ca nhạc, mà hôm ấy trời lại mưa, nên Collins cầu nguyện xin Chúa ngừng cơn mưa để ông đi xem ca nhạc và hứa sẽ không hút thuốc lá nữa. Quả thật, Chúa làm cho trời ngừng mưa. Từ đó Collins không bao giờ hút thuốc. Lớn lên Collins theo đuổi ngành hóa học, nhưng không cảm thấy hứng thú nên ông vào học y khoa tại trường đại học Virginia. Sau đó ông theo học chương trình tiến sĩ hóa tại đại học Yale. Nhưng khi càng tiến sâu hơn vào việc nghiên cứu khoa học, ông trở thành người bất khả tri và cuối cùng ông trở thành người vô thần.

Con đường nghiên cứu khoa học của Collins mở sang một lối mới, đó là vào tháng 12/1973 ông bắt đầu chọn công trình giải mã gen người. Đang miệt mài vừa khám bịnh vừa nghiên cứu gen người. Ngày kia có một bà cụ đến khám bịnh và trong khi chuyện trò, bà cụ hỏi Collins: Anh tin vào điều gì? Collins trả lời: “Cháu không chắc lắm!” Câu hỏi đã đánh thức lương tâm Collins và ông trăn trở nhiều ngày trước quyết định hoặc làm chứng nhân ủng hộ Chúa hay là chống lại đức tin. Đang lúc hoang mang, ông đến với một Mục sư để xin tư vấn, vị Mục sư đã trao cho Collins quyển sách: Mere Christianity của C.S. Levis (đã dịch ra tiếng Việt). Levis vốn là một học giả xuất thân từ trường đại học Oxford, những luận cứ Levis nêu ra trong sách đã thuyết phục Collins và khôi phục niềm tin nơi Chúa. Từ luật đạo đức trong con người cho đến lòng vị tha đến nỗi phải hi sinh thân mình. Collins suy nghĩ từ đâu con người có những giá trị tinh thần đó, há chẳng phải nó đến từ Chúa sao? Ông tự vấn mọi điều đó có phải đến từ Đức Chúa không? Ngài có phải là người sáng tạo vật lý học, toán học và khơi nguồn cho sự vận hành của vũ trụ 14 tỉ năm về trước không? Dầu ông rất ái mộ nhà bác học Einstein, nhưng Collins không theo quan điểm bất khả tri của Einstein, ngược lại Collins còn tin chắc rằng: Chúa thực hữu, Ngài có quan hệ mật thiết với thế giới loài người. Chính Chúa ban cho chúng ta những trải nghiệm về Chúa, để chúng ta có thể hiểu về Ngài (khác với nhóm Bất khả tri), Đức Chúa thiêng liêng chính trực, đầy lòng khoan dung, yêu điều thiện, ghét điều ác. Cuối cùng Collins nhận thấy rằng: “Niềm tin vào Chúa giờ đây dường như là hợp lý hơn là hoài nghi.” (5)

Một cụ già ngồi bên bờ sông Hằng cố gắng vớt con bọ cạp, nhưng mỗi lẫn đụng đến nó thì nó cắn. Cứ như thế sau nhiều lần bị cắn đau đớn mà không vớt được nó. Có người quở bà sao dại thế, nhưng bà cụ nói: “Cắn là bản tánh của bọ cạp. Tại sao chúng ta không chối bỏ bản tánh của mình để cứu lấy nó?”

Collins nhìn nhận trải qua dòng lịch sử, tôn giáo ở nhiều giai đoạn có những sai trật, gây ảnh hưởng không tốt giữa vòng nhân loại, nhưng không vì đó mà chúng ta loại bỏ Chúa. Vì vậy, sự đánh giá chân thực về chân lý của tôn giáo là dựa vào việc nhìn nhận dòng nước trong sạch, tinh khiết chứ không phải chiếc thùng gỉ sét! “Phần lớn những đau khổ xảy ra trên thế giới nầy là do con người gây ra cho nhau. Chính con người chứ không phải là Chúa tạo ra những con dao, mũi tên, khẩu súng, quả bom và tất cả những dụng cụ tra tấn hằng thế kỷ”. Chúa đã ban cho con người ý chí tự do và khả năng làm những điều con người mong muốn. Nhưng đáng tiếc là con người không làm theo luật đạo đức và không sống theo ý muốn Chúa nên gây ra bao thảm họa cho thế giới nầy.

Chúa có nhiều cách dạy dỗ con người, riêng với Collins, nhà khoa học, Ngài dạy ông qua công việc giải mã gen người, một công việc hết sức trí tuệ và phức tạp. Trong đời sống gia đình ông rất đau khổ khi con gái ông bị kẻ bất lương xâm hại tình dục. Nhưng ông cảm nhận rằng trong trải nghiệm đau đớn đó, con gái ông có thể chia sẻ và khuyên nhủ làm an lòng kẻ nào rơi vào tình trạng tương tự.

2. Lý thuyết của tiến hóa hữu thần: Bao gồm

(1) Vũ trụ hình thành từ không không cách đây hằng tỉ năm.
(2) Đặc tính của vũ trụ dường như có sự điều chỉnh để phù hợp với sự sống.
(3) Ngay sau khi sự sống hình thành trên trái đất thì quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên đã tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và phức tạp qua nhiều giai đoạn.
(4) Khi tiến hóa diễn ra không đòi hỏi phải có sự can thiệp của siêu nhiên.
(5) Con người là một phần của quá trình nầy, có cùng tổ tiên với loài khỉ dạng người.
(6) Con người có bản chất tâm linh, có luật đạo đức và biết tìm kiếm Chúa, có văn hóa và lịch sử.

Collins trích lời Jastrow cho rằng: “Các bằng chứng của thiên văn học có liên quan tới cội nguồn của thế giới trong Thánh Kinh. Chi tiết có thể khác nhau, nhưng cốt lõi thì giống như những lý giải của Sáng thế ký: Con người xuất hiện bất ngờ và nhanh chóng, vào một thời điểm nhất định, trong một chớp nhoáng của năng lượng và ánh sáng”. Điều đó cho thấy con người được tạo dựng chứ không do tiến hóa từ loài vật hạ đẳng.

3. Tiến hóa hữu thần và niềm tin vào Chúa

Với 06 lý thuyết căn bản của tiến hóa hữu thần trên đây và những phát biểu về niềm tin vào Chúa của nhà khoa học Collins, đã cho chúng ta thấy giữa khoa học thực thụ với niềm tin vào Chúa không mâu thuẫn hay đạp đổ lẫn nhau mà có sự hỗ trợ cho nhau. Thánh Kinh cung cấp những dự kiện mà khoa học cần tìm kiếm, ngược lại khoa học làm sáng tỏ chân lý Thánh Kinh, nhờ đó củng cố niềm tin Cơ Đốc thay vì đạp đổ. Đúng như nhà bác học gốc Do Thái Einstein đã nói: “Khoa học mà không có tôn giáo là khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học là mù quáng” (6)  Với Collins: 
“Khoa học thôi là chưa đủ để trả lời cho những câu hỏi quan trọng”.

Khi nghiên cứu về gen người và gen các loài vật cho thấy một kế hoạch tổng thể của cùng một Chúa, Người đã tạo nên vũ trụ, lập từng thông số vật lý chính xác tới mức cho phép nó tạo ra những tinh cầu, hành tinh, các nguyên tố nặng và bản thân sự sống. Đây là một tổng hợp logic, nhất quán, thỏa mãn về mặt tuệ và hoàn toàn hợp lý, khẳng định Chúa đã tạo dựng vũ trụ và thiết lập các quy luật chi phối nó, song Chúa thì không hề bị giới hạn bởi không gian hay thời gian.

Collins còn khẳng định niềm tin vào Chúa khi nói: “Chúa đã tạo ra sinh vật người rất đặc biệt có trí tuệ, có khả năng phân biệt đúng sai, tự do về ý chí và khao khát tương giao với Chúa. Ngài cũng biết tạo vật nầy cuối cùng sẽ chọn không vâng theo luật đạo đức.” (7)  Và Collins đã kết luận: “Niềm tin vào Chúa giờ đây dường như hợp lý hơn là hoài nghi”.

Dầu bị tòa pháp đình của Công giáo xử, nhưng Galileo vẫn giữ đức tin mạnh mẽ nơi Chúa cho đến cuối đời. Galileo còn nói rằng:“Khám phá khoa học là mục tiêu cao quý đối với người có đức tin, không lẽ nào Chúa ban cho chúng ta cảm quan, lý trí , trí năng, rồi sau đó cố tình làm cho chúng ta quên đi cách sử dụng chúng.” (8)

Chính Charles Darwin đã từng nói: “Cả vũ trụ mênh mông kỳ ảo nầy, trong có con người với khả năng nhìn lùi về quá khứ và hướng về tương lai, lại có thể là kết quả của sự ngẫu nhiên mù quáng!”. Do không tìm ra nguồn gốc mọi sự vật nên Darwin “đành cam nhận mình là người theo chủ trương Lý trí hữu hạn hay Bất khả tri". Thật đáng tiếc, Charles Darwin đã học ba năm trong trường thần học, với một quãng đời thanh niên theo Chúa mà chưa học hiểu về Đấng Tạo hóa. Trong khi đó hơn 80% các nhà bác học của thế kỷ 17-20 thuộc giới lỗi lạc thì đã tin vào Chúa. Ngay cả các nhà khoa học nghiên cứu học thuyết của Charles Darwin, họ cũng tìm được câu giải đáp và quay trở về với niềm tin nơi Đấng Tạo hóa. Ước ao các bạn cũng sẽ tìm được niềm tin nơi Chúa ngay hôm nay. Chúa đang kêu gọi các bạn: “Hỡi các ngươi hết thảy ở nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác” (Êsai 45:22)

Doulos

Theo http://hoithanhtinlanhvietnam.org/?do=news&act=detail&id=3035

-----------------------------
(1) Francis Collins, Ngôn Ngữ của Chúa, p.167
(2) Ibid, p. 243
(3) Ibid, p.229, 230.
(4) Ibid, p.238
(5) Ibid p.47 
(6) Ibid, p. 177
(7) Ibid, p. 245
(8) Ibid, p.196