Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

CÂY THÔNG GIÁNG SINH


Có một sự kiện vĩ đại nhất, ý nghĩa nhất trong cõi thời gian này đó là Đức Chúa Trời đã trở nên con người (Giăng 1: 14), hầu qua đó Ngài có thể cứu toàn thể nhân loại. Vì vậy, Chúa Jesus Giáng sinh là một tin mừng lớn cho muôn dân, là một bước ngoặc vĩ đại để cứu rỗi con người tội lỗi. Hai mươi thế kỷ đã trôi qua mà giá trị sự Giáng sinh của Chúa Jesus vẫn không thay đổi. Trong suốt lịch sử lâu dài ấy, Hội thánh đã có rất nhiều sự pha trộn của hình tượng ngoại giáo vào dịp kỷ niệm Giáng sinh của Chúa. Xưa nay, khi một người tin nhận Chúa, họ từ bỏ hình tượng và các sự thực hành của ngoại giáo để bước theo Chúa. Tuy nhiên, trong Hội thánh lại có những hình tượng đẹp đẽ, quen thuộc cứ luôn song hành trong đời sống Cơ đốc mà chúng ta không ngờ. Bởi vì hình tượng là một điều gì đó xen vào giữa đời sống tín hữu và Chúa, khiến cho họ yêu mến nó và làm xao lãng Cứu Chúa. Hôm nay, người viết muốn đề cập đến hình ảnh cây thông Giáng sinh.



I. NGUỒN GỐC CỦA CÂY THÔNG GIÁNG SINH

Mặc dù Giáng sinh xuất phát từ Cơ-đốc-giáo (Christianity) nhưng thực ra nguồn gốc của cây thông Giáng sinh (Christmas tree) đã có từ trước khi Chúa Jesus ra đời.

Giữa năm 2000 và 1200 trước Công nguyên, người ta từng nói về một loại cây thông Épicéa vào ngày 24 tháng 12, bởi vì người ta xem ngày này là ngày tái sinh của Mặt trời. Dân tộc Celte dùng lịch theo chu kỳ Mặt trăng. Mỗi tháng của năm đều liên kết với một loại cây. Cây Épicéa liên kết với ngày 24 tháng 12. Để kỷ niệm ngày Đông chí bằng một cây xanh tượng trưng cho sự sống được trang trí bởi hoa, quả và lúa mì.[1]
Vào dịp Đông Chí là ngày ngắn nhất của tháng 12, người Hy Lạp cổ đại thường mang về nhà những tàu lá cọ như biểu tượng sự chiến thắng của cuộc sống trước cái chết. Để mừng thần Nông họ đã trang trí ngôi nhà bằng những chiếc lá xanh trong ngày lễ mùa đông Saturnaly. Đã từ lâu màu xanh và những mầm cây tươi mới đã được coi là biểu tượng của sự sống. Vào mùa đông lạnh giá, trong khi mọi cây cối đều khô héo thì riêng cây thông (Pinetree) vẫn xanh tươi. Vì vậy, người cổ đại đã xem cây thông là loại cây phục sinh. Vào ngày đông chí, họ trang trí cây thông với trái cây, hoa và lúa mì.

Năm 354 A.D, nhà Thờ làm lễ Giáng sinh đầu tiên cho Chúa Jesus, lấy ngày 25 tháng 12 để cạnh tranh với lễ đa thần trên. Nếu lễ Giáng sinh được phát minh vào ngày 25/12/354, thì cây thông được phát minh rất trễ sau này.
Ảnh động cây thông NoelLần đầu tiên cây thông được biết đến như loại cây của ngày lễ Giáng sinh là ở Đức. Truyền thuyết kể lại rằng vào cuối thế kỷ VII, thánh Boniface (sinh năm 680) đã cố gắng thuyết phục các đạo sĩ rằng cây sồi (Oak tree) không phải là cây thánh bằng cách cho đốn một cây sồi. Khi cây sồi đổ, nó đè bẹp mọi vật nằm dưới đường đổ của nó, trừ một cây thông nhỏ. Từ huyền thoại này, chuyện kể thêm rằng thánh Boniface  tin rằng sự ngẫu nhiên đó là một phép lạ và ông tuyên bố: “Kể từ nay, ta gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jesus.” Vì vậy, người ta trồng cây thông con để làm lễ Giáng sinh.[2] Từ đó, ra đời ý nghĩa cây thông là cây của Chúa Jesus. Bởi vậy, vào dịp lễ Giáng sinh, người Đức đã từng có truyền thống trồng những cây thông nhỏ. Sau này, các nước khác thường dùng những cây thông lớn hơn và đặc biệt ở Mỹ thì những cây thông cao đến trần nhà lại được ưa chuộng hơn cả.
Vào thời Trung cổ cây thông còn được gọi là cây thiên đường (Paradise tree) cũng được coi là biểu tượng của ngày hội Adam và Eva vào ngày 24-12. Điều này giải thích lý do vì sao mà người ta còn treo thêm lên cây những trái táo đỏ - biểu tượng cho tình yêu của Adam và Eva. Đến thế kỷ 14, cây thông Giáng sinh được gắn thêm ngôi sao ở trên đỉnh cây. Đây chính là biểu tượng của ngôi sao Bethlehem chiếu sáng trên bầu trời khi Chúa Hài đồng (Jesus Christ) ra đời. Ngôi sao này đã dẫn đường cho ba vị bác sĩ cư ngụ ở phương đông là Gaspard, Melchior  Balthasar đến gặp Chúa.[3]
Từ thế kỷ thứ XI
I cây thông Giáng sinh xuất hiện tại Châu Âu, chính xác hơn là vùng Alsace. Từ ngữ "Cây Noel" được gọi lần đầu tiên tại Alsace vào năm 1521. Cũng vào thời kỳ đó, hình ảnh ngôi sao gắn trên đỉnh cây tượng trưng cho ngôi sao Bethlehem trở nên phổ biến.
          Năm 1560, thời Cải Chánh, giáo hội Tin Lành không chấp nhận máng cỏ Giáng sinh của người Công Giáo. Họ muốn xây dựng truyền thống cây Giáng sinh, tượng trưng cho vườn Địa Đàng của A-đam và Ê-va và hiểu biết thiện ác. Truyền thống cây Giáng sinh từ đó phổ biến ở các vùng Tin Lành của châu Âu, Đức và Scandinavia.[4]
Một truyền thuyết khác là về Martin Luther, nhà cải chánh của giáo hội Tin Lành. Khi đang đi qua một khu rừng trong đêm Noel, ông đã sững sờ trước vẻ đẹp của hàng triệu ngôi sao đang chiếu sáng lấp lánh trên những cây thường xanh. Luther đã quyết định cắt một cây nhỏ và mang về nhà. Để thấy lại được vẻ đẹp của những ánh sao như khi ở trong rừng, ông đã treo rất nhiều nến lên cây.[5]

Kể từ đó cây thông Giáng sinh đã trở nên phổ biến trong các nhà thờ Tin lành trải năm trăm năm qua. Cây thông là biểu tượng phổ biến nhất của lễ Giáng sinh. Hễ nhìn thấy cây thông thì ai ai cũng biết lễ Giáng sinh đang đến gần… Vào đầu tháng tháng 12 vừa qua, có hai trăm cây thông Giáng sinh được thắp sáng trên đại lộ Champs Élysées nổi tiếng của Paris tạo nên quang cảnh vô cùng diễm lệ.[6] Hơn nữa, ở Brazil vừa khánh thành cây thông lớn nhất thế giới (cao 85m) tại thành phố Rio de Janeiro được thắp sáng bởi ba triệu bóng đèn![7]

II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÂY THÔNG GIÁNG SINH

                        Nhiều thế kỷ trôi qua, cây thông đã đi vào đời sống của mỗi chúng ta, và để lại tình cảm sâu đậm trong tâm tưởng của hàng triệu tín hữu, kể cả người vô tín. Xét về mặt kinh tế cây thông này đã đem lại lợi nhuận to lớn cho không ít người làm ra và kinh doanh nó. Có lẽ cách đây 500 năm nhà cải chánh Martin Luther cũng không ngờ cây thông đã đi vào đời sống Cơ đốc, lịch sử Hội thánh và cộng đồng như thế nào. Xét theo lăng kính của Kinh thánh, cây cối cũng thường liên quan đến việc thờ lạy hình tượng, Phục truyền 16: 21 cấm: “Chớ dựng lên thần tượng… bằng thứ cây nào.”[8]

                      Dù nhiều người vẫn cho rằng cây thông cũng là biểu tượng cho Giáng sinh, nhìn thấy cây thông là nhớ đến lễ Giáng sinh. Thậm chí có người còn nghĩ rằng nếu lễ Giáng sinh mà không có cây thông thì sẽ cảm thấy thiếu thốn, trống vắng cho tâm hồn. Thật sự không phải như vậy, nếu chúng ta cảm thấy thiếu vắng là do thiếu hiện diện Chúa và đầu óc đã bị thế tục hóa. Cây thông không hề bày tỏ Chúa hay dắt đưa con người đến với Chúa mà chỉ làm lòng người xao lãng. Thay vì lắng nghe sứ điệp Giáng sinh các bạn trẻ lại ngắm nhìn các cây thông đẹp đẽ được trang trí hào nhoáng! Có bao giờ bạn tự hỏi cây thông là gì? Có cần dẹp bỏ cây thông khỏi đời sống Cơ đốc không? Cây thông thật ra chỉ là “Hình tượng” làm che khuất Chúa Jesus, nhân vật chính, và sự cứu rỗi của Ngài là nội dung chính của sự kiện Giáng sinh. Quan tâm đến cây thông là đánh mất điều chính yếu mà con người đang cần để chăm lo những ảo ảnh phù phiếm, vô ích. Thay vì tập trung vào Chúa Jesus, con người bị xoay hướng vào những hình tượng đẹp đẽ, hấp dẫn.

Cây thông Noel đầy đủ sắc màu
                         Cây thông, vòng ô-rô, hoa trạng nguyên, nơ, nến, ông già Noel, mũ, áo, gậy, quà, lễ... là những du nhập từ ngoại giáo, thế gian, chúng không có nguồn gốc từ Kinh-thánh hoặc lời dạy của Chúa Jesus hay các sứ đồ. Tại sao chúng ta phải giữ những hình tượng không ra chi như thế trong Hội thánh ngày nay? Xin Chúa xây mắt chúng ta khỏi những hình tượng, vật hư không và những điều “hình như ác” để chỉ nhìn xem Chúa, tập trung nơi Chúa Jesus là nội dung chính của Giáng sinh.

                         Nhiều người đang nói về Giáng sinh, các công ty kinh doanh cũng có những bài viết về Giáng sinh bên cạnh những sản phẩm ngọt ngào, đẹp mắt của họ. Nhiều trung tâm thương mại, cơ quan… cũng treo băng rôn chào mừng Giáng sinh để hưởng ứng phong trào và thu hút khách. Nhưng nếu nhìn kỹ thì chúng ta sẽ thấy họ chỉ viết: “Giáng sinh” một cách trơ trọi mà không có Chúa Jesus, đó chỉ là một câu chào mừng thiếu chủ từ, khiến cho người đọc không hề biết Chúa Jesus là ai, hay Chúa giáng sinh để làm gì (Còn hãn hữu thì chỉ viết bằng tiếng Anh: “Merry Christmas!” chứ không bao giờ viết bằng tiếng Việt). Tại sao vậy? Vì họ không được cảm Thánh Linh nên không thể xưng nhận Jesus là Cứu Chúa, mà chỉ lợi dụng cơ hội Giáng sinh để kinh doanh.

            III. TÁC HẠI CỦA CÂY THÔNG GIÁNG SINH

                       Giáng sinh là một trong những lẽ đạo chính của niềm tin Cơ đốc.[9] Tuy nhiên, ngày nay sự giáng sinh của Chúa Jesus đã bị thế tục hóa như thế nào, chúng ta cũng khó nhận biết hết. Từ những cây thông, tranh ảnh, những bài hát sai lạc mục tiêu, lễ, tiệc… làm cho Giáng sinh của Chúa bị nhuốm màu thế tục. Do đó, thay vì tìm hiểu về Cứu Chúa thì những người ngoại đạo lại tìm hiểu về những vật hư không ở bên lề Giáng sinh. Trong những ngày này, thay vì đọc Kinh thánh, cầu nguyện, suy gẫm, chứng đạo, cầu thay cho những linh hồn đang hư mất… thì các tín hữu lại bận rộn chuẩn bị vô số những công việc để trang trí cho ngày lễ Giáng sinh. Hôm nay có bao nhiêu “Cây thông’’ đang che lấp Chúa Jesus trong đời sống chúng ta, Hội thánh chúng ta và cộng đồng 90 triệu dân của chúng ta? Như vậy là chúng ta đang làm đánh mất nội dung chính, đánh mất chứng cớ sống động mà chúng ta không ngờ. Đừng cho rằng như vậy là chúng ta hội nhập văn hóa với dân ngoại để rao giảng Phúc âm. Dù người viết không phủ nhận rằng qua ngày lễ Giáng sinh này chúng ta có cơ hội rao giảng Phúc âm và  mọi người trong cộng đồng có thêm cơ hội được biết Chúa. Nhưng có bao nhiêu phần trăm người vô tín thật sự biết Chúa, tiếp nhận Chúa hay chỉ tiếp nhận những thực hành của ngoại giáo vào đời sống đã vốn đa thần của họ. Hội nhập là để chúng ta rao giảng Phúc âm cách hiệu quả hơn, chứ không phải để đánh mất sự thuần khiết của Hội thánh.

                         Hình tượng của ngoại giáo không thể rao giảng Phúc âm, người vô tín cũng không thể rao giảng phúc âm. Bởi vì chúng sẽ bày tỏ cách sai lạc, thiếu sót, khiến cho người ta hiểu sai, lệch lạc và không thể đem con người đến với sự cứu rỗi, mà chỉ làm “vắc-xin” kháng Phúc âm mà thôi. Nhiều người không biết Chúa, không tin Chúa, thậm chí chống Chúa cũng trưng bày cây thông trong nhà vào ngày lễ và xem như đã ấm áp, đầy đủ lắm rồi. Những điều này khiến người ta bị lừa dối, vì họ lầm tưởng như vậy là đủ trong khi linh hồn đang hư mất mà họ không ngờ.

                         Có bao giờ bạn cảm thấy tâm linh mệt mỏi và gánh nặng trong khi bận rộn chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh hay không? Đó là vì bạn đang hầu việc Đức Chúa Trời nhưng lại không có chính Chúa Jesus trong linh, trong đời sống và trong chức vụ của bạn. Thay vì tiếp lấy Chúa làm sự sống, ăn Lời Chúa, tương giao với Chúa thì bạn lại tiếp lấy những hình tượng trá hình. Như người Pha-ri-si khi xưa chỉ biết gánh nặng của 613 Điều Luật một cách nhọc nhằn để hầu việc Đức Chúa Trời mà lại đánh mất Đấng Christ. Ngày nay có bao nhiêu tín hữu đang cố gắng hầu việc Chúa trong khâu chuẩn bị Giáng sinh mà lại thiếu vắng chính Cứu Chúa, tâm linh khô hạn và đói khát?

                         Còn bao nhiêu điều ngoại giáo đã, đang và sẽ còn đưa vào Hội thánh? Đó không chỉ là Phúc âm xã hội mà còn là sự lừa dối của Sa-tan, khiến cho biết bao người vô tín cảm thấy đủ vì tưởng rằng họ đã có Chúa trong khi đang bị hư mất. Trách nhiệm của chúng ta là phải chia sẻ cho họ về Cứu Chúa mà chúng ta đã tin nhận, đang sống, đang kinh nghiệm chứ không phải là đem vào Hội thánh những gì của thế gian, ngoại giáo và Sa-tan. Chúa Jesus đã trở nên con người để cứu chúng ta, để chúng ta ngày càng giống Chúa hơn. Sứ đồ Phao-lô đã trở nên mọi cách để cứu mọi người (I Côr 9: 22). Chính ông đã kêu gọi các tín hữu hãy bắt chước ông như ông đã bắt chước Chúa (I Côr 11: 1), chứ Phao-lô tuyệt đối không bắt chước thế gian, ngoại giáo, hình tượng hầu cho hai bên giống nhau để giảng Tin lành.


                      Hãy để cho tất cả mọi thứ lu mờ đi và để cho Chúa Jesus được chói sáng khi chúng ta rao giảng về Ngài!

                      Hai mươi thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Chúa Giáng sinh, có ai hay rằng biết bao nhiêu điều của thế gian, ngoại giáo và Sa-tan đã pha trộn vào lễ Giáng sinh, khiến cho những ai thực sự sống cho Chúa không khỏi chạnh lòng. Chúa Jesus đã đến thế gian cách khiêm nhường nơi chuồng chiên máng cỏ để cứu chúng ta, tại sao chúng ta lại tổ chức những lễ Giáng sinh xa hoa, hào hoáng không phù hợp về mặt lịch sử, chứ chưa nói đến phương diện thuộc linh? Bên ngoài lễ Giáng sinh đã bị người vô tín thương mại hóa, còn bên trong Hội thánh thì bị thế tục hóa khiến cho hai bên gặp nhau ở điểm chung qua sự cung và cầu.

           KẾT LUẬN

                      Từ bao giờ chúng ta ít nghe, thấy nói đến sự Giáng sinh thuần túy của Chúa hay là rao giảng về Đức Chúa Trời đã trở nên con người để cứu chúng ta, hầu cho chúng ta có cơ hội được biến đổi để ngày càng giống Chúa hơn? Từ đó Chúa sẽ xây dựng chúng ta nên Hội thánh vinh hiển, trong sạch, không vết, không nhăn[10] để chờ đón Ngài tái lâm. Hôm nay Chúa Jesus sắp trở lại, chúng ta đã chuẩn bị gặp Chúa chưa? Hay còn đang bận rộn chuẩn bị trang trí cây thông cho ngày lễ Giáng sinh?

Cách đây khoảng 2.000 năm khi Chúa Jesus Giáng sinh, cả kinh thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối (Mathiơ 2: 3), nếu hôm nay Chúa Jesus tái lâm, tất cả chúng ta có bối rối không?

  KND - Kim Ngon Dang - 5/12/2013



[8] I. Howward Marshall, et. al. Thánh Kinh Tân Từ Điển (Union University fo California, 2011), 290.
[9] Những lẽ đạo cứu rỗi là: 1) Giáng sinh 2) Chịu thương khó 3) Chịu chết 4) Phục sinh 5) Thăng thiên 6) Tái lâm.
[10] Ê-phê-sô 5: 27.