Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

TÌNH MẸ



Nhân ngày Lễ Mẹ (Mother's Day), tôi muốn dành thì giờ để nói đến Tình Mẹ trong Kinh Thánh. Nhắc đến Tình Mẹ, tôi nhớ một câu danh ngôn: “Vì Thượng Đế không thể ở khắp mọi nơi, nên đã dựng nên người mẹ”. Dĩ nhiên câu nói nầy không đúng Giáo lý về Đức Chúa Trời như Kinh Thánh dạy, nên tôi xin được chỉnh lại như sau: ‘Vì Thượng Đế muốn chứng minh Ngài ở khắp mọi nơi nên đã dựng nên người mẹ.
Kinh Thánh nói gì Tình Mẹ?
I/. HÌNH ẢNH CHIM PHỤNG HOÀNG
Phục Truyền 32:11-12, “Như phụng hoàng phấp phới giởn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy, không có thần nào khác ở cùng người”.

Chim Phụng Hoàng, còn gọi là Đại Bàng, hay gọi là chim ưng, đây là một loài chim được xem là vua của các loài chim. Phụng Hoàng bay cao nhất và thích sống ở những nơi có núi cao, rất khỏe, có thể tấn công các loài thú dữ trên đất. Đặc điểm của chim Phụng Hoàng là làm tổ, đẻ trứng và ấp trứng trên núi cao.
Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời cũng dùng hình ảnh của chim phụng hoàng mẹ nuôi con để mô tả tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người chúng ta.
Một trong những câu Kinh Thánh nói đến tình yêu thương của chim phụng hoàng mẹ là Phục truyền 32:11-12, mô tả tình yêu thương của chim mẹ đối với chim con rất sống động:
“Như phụng hoàng phấp phới dởn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình” (câu 11a),
Đây là hình ảnh chim mẹ đang bay quanh tổ, đùa giởn với bầy chim con của mình. Thật là vui, thật là hạnh phúc trong tình mẹ con. Chắc chắn đây là hình ảnh quen thuộc của những người mẹ đối với con mình thời thơ ấu, đôi khi cả những lúc con khôn lớn - nhất là con trai, người mẹ thương con hay nói: Mẹ đánh mầy bây giờ, có khi chỉ nói mà không đánh; có khi cũng nện vài cái chẳng ăn nhằm gì với sức voi của thằng con trai nghịch ngợm đang vòi tiền. Thật đầy tình yêu thương.
  • câu 11b, “Sè cánh ra sớt nó, và cõng nó”
Đây là hình ảnh hết sức đặc biệt của chim phụng hoàng. Người ta nói khi chim mẹ tập cho chim con bay, chim phụng hoàng mẹ sẽ chở con trên cánh rồi bay lên cao. Đến một độ cao nào đó, chim mẹ sẽ hất chim con khỏi cánh để chim con rơi xuống. Đang lúc rơi, bản năng sự sống khiến chim con sẽ tung đôi cánh yếu ớt của nó ra dù không bay được. Đến khi rơi đủ rồi, chim mẹ lại bay từ dưới lên sớt con mình chở về tổ. Mỗi ngày chim mẹ làm như vậy đến một hôm chim con có thể tự bay.
  • Đến câu 12, Chúa đã áp dụng hình ảnh chim phụng hoàng thương con, săn sóc con, nuôi dưỡng chim con cho chính Ngài: Thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy, và Chúa khẳng định: KHÔNG CÓ THẦN NÀO KHÁC Ở CÙNG NGƯỜI - Chúa khẳng định ngoài Chúa ra không có một thần nào dẫn dắt, loài người chúng ta.
Tại sao Đức Chúa Trời lại khẳng định như vậy?
Câu trả lời là loài người chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống thực tế để thấy những việc mà chỉ Đức Chúa Trời Tạo Hóa làm cho loài người chúng ta:
  • Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vũ trụ cùng loài người chúng ta - ngoài Đức Chúa Trời ra, chúng ta có cách nào chứng minh một thần nào khác dựng nên vũ trụ nầy không?
  • Nhìn vào những điều mà loài người hưởng nhận hằng ngày như: mưa, nắng, không khí… có thần nào làm cho loài người chúng ta không? (Trời mưa, trời nắng, trời cho không khí…)
  • Chính Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người chúng ta giống như ảnh tượng bản tánh của Chúa - bản tánh công bình, thánh thiện. Có thần nào dựng nên loài người chúng ta không? Người Việt-nam chúng ta đã học câu trả lời từ xa xưa: ‘Thiên sinh vạn vật, duy nhơn tối ư linh’.
Thật sự tôi phải nói điều nầy, rất nhiều lần tôi giảng về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng rất nhiều lần người Việt-nam chúng ta cảm thấy xa lạ với Đức Chúa Trời - dù miệng lúc nào cũng kêu ‘Trời’, nhất là những lúc gian khổ, khó khăn.
Tôi có cảm giác người Việt-nam chúng ta ngày nay đối với Đức Chúa Trời Tạo Hóa giống như các Thanh Thiếu nhi trên, khi còn bé bú sữa bò sữa hộp nhiều hơn là bú sữa mẹ. Rồi lớn lên một chút, khi bắt đầu tập ăn, thì ăn thức ăn nghiền sẵn trong những hũ, những lọ làm sẵn, không được ăn thức ăn do chính tay người mẹ nghiền, hoặc từ miệng người mẹ nhai mớm cho con ăn, nên ít thấy thương mẹ như những người Việt-nam ngày trước.
Ngày nay, khi nghe những bài ca về người mẹ như: ‘Lòng mẹ’ của Y-vân, ‘Ngày trở về của Phạm Duy’ với những câu: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…, hoặc nghe ca sĩ Duy Khánh hát những lời trong bài “Cảm ơn”, Nầy là bánh chưng, mẹ già tự tay gói gởi cho con, hoặc như bài: “Xuân nầy con không về”, Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…
Bây giờ mà nghe những bài ca đó, nhiều thanh thiếu nhi tưởng “Mẹ” của mình có vấn đề thần kinh.
Anh chị em hãy thử nghĩ xem thái độ của mình đối với Đức Chúa Trời Tạo Hóa có khác gì đâu. Ai còn thương mẹ, chắc chắn không thể quên Đức Chúa Trời Tạo Hóa được.
II. HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ CHO CON BÚ
Ê-sai 49:15, “Đờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”.
Thông thường các anh chị em tín hữu cũng như Quý Vị Thân hữu nghe đến hai chữ Kinh Thánh, thì lập tức nghĩ ngay đến những cái gì cao xa, huyền bí hay nghi lễ tôn giáo.
Tôi không biết Quý Vị nghĩ gì về các Kinh sách tôn giáo, nhưng tôi quả quyết rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời đây, ngay như câu Kinh Thánh Ê-sai 49:15 mà chúng ta vừa nghe đọc, chẳng có gì là kinh kệ, chẳng có gì là huyền bí, mơ mộng cả phải không?
Kinh Thánh đã hình tượng hóa tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng hình ảnh một người mẹ cho con trai mình bú sữa của mẹ, một hình ảnh đẹp đẽ, yêu thương, ai cũng biết cả.
Anh chị em hãy nghe Kinh Thánh nói về người mẹ thương con qua hành động cho con bú sữa mẹ - không phải sữa bò, sữa hộp, hay sữa của mẹ nuôi, mà chính sữa mẹ ruột.
Lời Chúa phán:
  • Đờn bà há dễ quên con mình cho bú?
Câu nầy có lẽ ngày nay sẽ được trả lời là CÓ, vì sữa mẹ đã được thay thế bằng sữa bò, sữa hộp, hoặc sữa những bà vú nuôi - Nhưng nói cho nghiêm túc, thật lòng, thì câu trả lời sẽ là KHÔNG! Không có người mẹ nào quên cho con bú, dù ngay trên biển cả linh đinh trong những ngày vượt biên gian khổ; dù trước giây phút gục chết. Người ta thuật rằng: Sau một trận động đất tại Hàn quốc, người ta đào lên thấy một em bé còn sống miệng đang ngậm vú mẹ. Mẹ cháu bé trước khi chết vẫn nhớ con mình cho bú. Không Người Mẹ nào quên cho con bú.
  • Lời Chúa phán tiếp: …không thương đến con trai ruột mình sao?
Hãy nghĩ đến cái thời ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’ (sinh một con trai thì kể là có, sinh 10 con gái cũng kễ là không có đứa con nào), để thấy người mẹ thương con biết bao nhiêu. Chúa còn nhấn mạnh: Con Trai Ruột, không phải con nuôi.
Tuyệt điểm của câu Kinh Thánh nầy là một giả định: ‘Dầu đờn bà quên con mình’ - giả định như trên thế giới có người mẹ nào quên cho con bú - Chúa phán: ‘ta cũng chẳng quên ngươi’.
Anh chị em hãy nghĩ xem, có ngày nào Đức Chúa Trời yêu thương thế gian quên cho nắng, cho mưa, quên cho không khí để con người thở không? Tuyệt điểm tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người chúng ta là: ĐANG KHI CHÚNG TA CÒN LÀ NGƯỜI CÓ TỘI - TỘI CHỐI BỎ TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA, thì Chúa cũng không quên loài người chúng ta, Chúa là Đức Chúa Trời Tạo Hóa bằng lòng hạ mình xuống giáng sanh làm người là Chúa Jêsus - chịu chết đền tội cho chúng ta trên cây thập tự, giang tay khuyên mời con người tội lỗi quay về với tình yêu thương của Ngài, để được tha thứ tội lỗi, để không bị hư mất đời đời nơi địa ngục hồ lửa hình phạt, để được bình an sống thỏa lòng những ngày trên đất, để được tương lai đời đời ở nơi Thiên đàng vinh hiển với Chúa.
Chúa yêu thương đã không quên tôi, không quên Quý Vị, Chúa đã cho chúng ta nghe được tiếng phán yêu thương của Ngài: “Đờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:14-15).
III. HÌNH ẢNH GÀ MẸ TÚC CON
Mathiơ 23:37, “…Bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng”.
Một lần nữa chúng ta phải nói mặt trái của những tiến bộ văn minh mà nhân loại đã có được:
  • Khi ông Alfred Nobel phát minh ra chất nổ TNT, ông nghĩ rằng nhân loại đã có thể hòa bình, vì thấy chất nổ gây chết chóc quá. Nhưng nhân loại lại dùng thuốc nổ giết nhau nhiều hơn.
  • Khi thấy thảm họa quá sức của hai trái bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagashaki, người ta nghĩ rằng nhân loại không dám chiến tranh nữa. Nhưng kết quả đã ngược lại, hiệu quả của bom nguyên tử lại khuyến khích nhiều nước đua nhau chế tạo, đòi chế tạo, bất chấp dân trong nước đói nghèo, lạc hậu.
Khi người ta tạo ra những giống gà công nghiệp đẻ trứng liên tục, thì ai cũng sung sướng ăn món trứng ‘opla’, nhưng dường như cũng từ đó người ta không còn biết đến hình ảnh ‘Gà Mẹ Túc Con’ để nhớ đến tình yêu thương của Người Mẹ đối với bầy con.
Tôi thật sự không biết làm sao tìm được hình ảnh ‘Gà Mẹ Túc Con’ để giải thích cho các em Thanh Thiếu Nhi, để các em hiểu được tình yêu thương của Chúa Jêsus Christ đối với chúng ta - trong đó có các em. May mắn là hình ảnh ‘Gà Mẹ Túc Con’ còn được trong ký ức của những người Việt-nam lớn tuổi chúng ta, tôi ước Quý Vị Phụ Huynh hãy tả lại cảnh ‘Gà Mẹ Túc Con’ cho con em của mình biết, và kế đó mở lại Mathiơ 23:37 nầy nói với con em chúng ta rằng:
  • Hình ảnh ‘Gà Mẹ Túc Con’ đó nói lên tình yêu thương của Chúa Jêsus Christ yêu thương loài người chúng ta.
  • Hãy nói với con em chúng ta rằng: Con Gà Mẹ xù lông, túc con lại ấp trong cánh, che chở cho đàn gà con khỏi những hiểm nguy của lũ diều, lũ quạ, là hình ảnh của Chúa Jêsus Christ yêu thương loài người giang tay trên cây thập tự bảo vệ, che chở người tin Ngài thoát khỏi hình phạt đời đời nơi địa ngục, cứu chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ. Chúa muốn ban cho người tin Ngài sự bình an thỏa lòng hiện tại, và vinh quang nơi Thiên đàng tương lai.
Quý Vị có nghe tiếng than yêu thương của Chúa Cứu Thế Jêsus khi Ngài thấy những người khước từ tiếng ‘túc’ gọi yêu thương của Ngài: bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mẹ túc con mình lại ấp trong cánh, MÀ CÁC NGƯƠI CHẲNG KHỨNG!
Tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn của Chúa Yêu thương khi những đứa con không chịu chạy đến núp dưới cánh tay yêu thương của Ngài. Có ai nghe được tiếng yêu thương của Chúa khuyên mời: "Hãy đến… dù tội các ngươi như hồng điều sẽ trắng như tuyết, dù đỏ như son cũng sẽ trắng như lông chiên … Ta đã xóa tội lỗi ngươi như mây đậm, và tội lỗi ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng ta, vì ta đã chuộc ngươi" (Êsai 1:18; 44:22).

Mục sư Trần Thái Sơn.