Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Sự lo lắng


                             ·      Ms Lê Văn Thể

·         Kinh Thánh: Mathiơ: (6:24-34)
·         Câu gốc:
 “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va , thì mưu ý mình sẽ được thành công.”  (Châm ngôn 16:3)


              
         Kính thưa quý ông bà anh chị em!

            Cuộc sống của mỗi con người chúng ta trên đất là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ.  Ở bất cứ lứa tuổi nào chúng ta cũng có những nỗi lo toan.  Dường như đó là con bịnh nan y không thuốc chữa.  Cho dù y học ngày nay đã phát triển vượt bực, có thể thay gan, ghép thận, thông tim và dùng những phương  tiện kỹ thuật, máy móc tối tân để soi rọi chẩn đoán tìm ra căn nguyên của con bịnh.  Thế mà sự lo lắng dường như khoa học cũng đành bó tay.  Tuy nhiên, có một toa thuốc không hề tốn tiền, mà lại hiệu quả lại tìm thấy được từ trong Kinh thánh Tân ước (Ma-thi-ơ 6: 24-34).

       Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa và sự dạy dỗ nào qua phân đoạn Kinh thánh này; để có thể giúp Cơ đốc nhân chữa lành chứng bịnh lo lắng chăng?

I.   Các ngươi không thể làm tôi hai chủ… (câu 24)

          Lỗi lầm thông thường nhất của con người là hay đứng núi này trông núi nọ; bởi vì ít ai thật sự thỏa lòng với cuộc sống.  Chính vì vậy, con người có khuynh hướng đeo đuổi nhiều tham lam cùng một lúc: vừa muốn có đời sống tâm linh bình an lại vừa muốn có thật nhiều tiền bạc, của cải vật chất.  Thấy được nguy cơ của dục vọng này, nên Chúa Jesus đã răn dạy môn đồ của Ngài:

      “Các ngươi không thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa.”

       Vâng, quả đúng như vậy.  Nếu ai đó mãi mê tìm kiếm của cải vật chất của đời này; không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, thì làm sao có thể bước theo Chúa một cách hết lòng được!

1.     Không thể trung thành với cả hai:

           Khi con người vừa tôn thờ Chúa, vừa tôn thờ tiền bạc chẳng khác gì một phế nhân bước đi bằng đôi nạn gỗ.  Những bước đi khập khiễng, không thể nào bước nhanh hơn và bị bỏ lại đàng sau.

         Gia đình không thể hạnh phúc khi người đàn ông có hai bà vợ.  Xã hội không khuyến khích, luật của Chúa không cho phép.  Thực tế cuộc sống chỉ đem đến đổ vỡ, vì tình yêu không thể san sẻ đồng đều, tạo nên sự ghen tương và lòng thù hận.  Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm.”

         Kinh Thánh Cựu ước cho ghi lại câu chuyện Áp-ram khi ông ăn nằm với con đòi của vợ mình là A-ga theo yêu cầu của bà vợ chính là Sa-ra.  Hậu quả là gia đình chia cắt vì sự ghen ghét xuất hiện giữa chủ và tớ.   Cuối cùng một người đàn bà phải ra đi bởi vì A-ga không thể làm tôi trung thành giữa hai người chủ. (Sáng thế ký 16:1-6)

2.     Sự phù du của vật chất:

          Có lẽ mỗi chúng ta đều có ít nhiều kinh nghiệm khi đặt lòng mình vào của cải vật chất.  Sống trên đời  tất nhiên ai cũng phải tranh đấu, phải làm việc và cần có những tiện nghi.  Điều đó không có gì là sai trái.  Nhưng nếu mục đích của đời người chỉ cốt chạy đua với nhu cầu vật chất, xem nó như là thứ tự ưu tiên của cuộc sống, thì quả thật đáng buồn biết bao nhiêu!  Chúng ta quá biết mọi thứ sẽ có một ngày không còn nữa.  Sa-lô-môn, một vị vua quyền thế, giàu có và sang trọng khó ai bì.  Ông sống trong lâu đài nguy nga tráng lệ, ăn những mỹ vị cao lương.  Xung quanh là cung phi mỹ nữ, châu báu ngọc ngà, muốn gì được nấy.  Thế nhưng, ông đã giải bày tâm trạng của mình về những bài học để đời qua những câu Kinh Thánh được chép trong sách Châm Ngôn như sau:

        Con há liếc vào sự giàu có sao? Nó chẳng còn nữa rồi; vì nó quả hẳn có mọc cánh và bay lên trời như chim ưng vậy.” (Châm ngôn 23: 5)

         Cùng một ý nghĩa về sự chóng phai tàn của vật chất, và lòng người bị   tù đày, giam hãm bởi của cải, tiền bạc; Chúa Jesus đã phán dạy cho các môn đồ của Ngài tại một ngọn núi như sau:


        “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét, làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Ma-thi-ơ 6: 19,20,21)

  II. Sự sống quí trọng hơn đồ ăn, thân thể quí trọng hơn quần áo (câu 25)

1.     Sự sống là gì?

       Sự sống ở đây không phải chỉ là hơi thở và tồn tại của xác thịt trên trần gian này; mà là sự sống thiêng liêng ở trong cõi vĩnh hằng, trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

     “Quả thật ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến cùng sự sống…”(Giăng 5:24)

         Sự sống ấy mang tính siêu nhiên, vượt lên trên sự hiểu biết của con người.  Sự sống đó nằm trong bàn tay quyền phép của Đấng Toàn Năng, khi tiếng kèn chót vang lên, và những ai thuộc về con dân của Đức Chúa Trời sẽ sống lại từ mồ mả dầu đã chết rồi:

         “Chớ lấy điều đó mà làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài mà ra khỏi: (Giăng 5: 28)

           Tuy nhiên sự sống thiêng liêng đó không phải dành cho tất cả mọi người; nhưng dành cho những ai tin nhận Chúa Jesus, và vâng theo lời dạy của Ngài, ấy là những người hưởng được sự sống đời đời:

          “ …Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn. Người hỏi: những điều răn gì? Đức Chúa Jê-sus phán rằng: Những điều này:  Đừng giết người, đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối. Hãy hiếu kính cha mẹ; hãy yêu kẻ lân cận như mình.”  ( Mathiơ 19: 17,18,19)

2.      Sự lo lắng có làm cho đời mình dài thêm một khắc không? (Câu 27)

         Kinh nghiện thực tế cho thấy rằng, sự lo lắng không những làm cho đời người dài thêm ra, nhưng lại rút ngắn hơn, bởi vì lo lắng thường sinh ra bệnh tật.  Ưu phiền và lo lắng thường làm cho con người mau già; và cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra chứng đau bao tử:

        “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.  Sự khó nhọc cho ngày nào đủ cho ngày ấy.” ( Mathiơ 6: 34)

III.         Bí quyết sống bình an

           Thật không dễ dàng chút nào để có một đời sống an nhiên tự tại, giữa những phong ba bão táp của đời người.  Lý do dễ hiểu là cuộc sống vốn phức tạp mà con người muốn tồn tại thì phải đấu tranh để sống còn.  Chúng ta không nhữn chỉ chống chọi với thiên nhiên hay thời tiết nghiệt ngã, thiên tai, động đất, mà còn đấu tranh với thú dữ, côn trùng, và nhất là giữa con người với nhau đầy mưu sâu, kế độc.  Cũng chình vì vậy mà nhà nho Cao Bá Quát đã từng than thở:

    “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
    “Trần có vui sao chẳng cười khì?

Thi nhân Nguyễn Du cũng cùng tâm trạng:

    “Trải qua một cuộc bể dâu
    “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương thì muốn chối bỏ hiện thực, ước mơ được sống ở một thế giới khác:
  
       “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
      “ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
      “ Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
      “Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
       ………
     “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
      “Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

Còn Huy Cận thì xin được giã từ cuộc đời mặc cho “số phận” đẩy đưa:

  “Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
  “Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
  “Sầu đã  chính xin người thôi hãy hái
  “Nhận tôi đi dầu địa ngục thiêng đàng!
  
        Thưa quý ông bà anh chị em!

        Như vậy phải chăng cuộc đời chỉ có “bể khổ” mà không có niềm hoan lạc, sự bình an?  Tôi không nghĩ như vậy, mà cho rằng vấn đề ở đây là thái độ của mỗi con người khi đối diện trước những nan đề của cuộc sống.
Chúng ta chỉ than vãn, oán trách “ông xanh” hay biết cảm tạ Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh?  Chúng ta có tin rằng Đức Chúa Trời luôn luôn ban cho chúng ta những điều tốt nhất không?  Tôi hoàn toàn tin như vậy. Đứng trước nghịch cảnh, thái độ của chúng ta trước hết là biết tạ ơn Đức Chúa Trời.  Hãy học bài học này qua ông Gióp:

        “Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?  Trong mọi việc đó Gióp không phạm tội trong môi miệng mình.” (Gióp 2: 10).

Muốn có được sự bình an trong mọi hoàn cảnh, Cơ đốc nhân chúng ta phải học bài học căn bản đó là:

1. Phó thác mọi sự cho Đức Chúa Trời:

     “Hãy phó thác việc mình cho Đức-Giê-hô-va, thì những mưu ý mình sẽ được thành công.” (Thi Thiên 37: 5)

 2. Cầu nguyện không thôi:

      “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dung lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.  Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:6, 7)

3.     Tin cậy Chúa tuyệt đối:

     “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững long, Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 16: 33)

4.     Làm theo lời Chúa dạy:

      “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy,gió lay, xô động nhà ấy, song không sập, vì đã cất trên đá.” (Mathiơ 7:24)


          Kết luận

           Tôi xin mượn câu chuyện sau đây để  kết thúc bài chia sẻ hôm nay. (1)  
 Một bà giàu có kia, trong lúc sanh thời có địa vị rất cao trong xã hội.  Khi chết bà được thánh Phi-e-rơ tiếp đón. Thánh  Phi-e-rơ dẫn bà đi và chỉ cho bà xem một biệt thự lộng lẫy:

-         Đây là ngôi nhà của đứa tớ gái của bà.

Bà nhà giàu nghĩ thầm rằng, đứa đầy tớ của mình mà có được ngôi nhà đẹp như vậy, thì chắc ngôi nhà của mình phải tráng lệ gập bội.  Đi thêm một lúc nữa, thánh Phi-e-rơ chỉ cho bà cái chòi nhỏ bé:

-         Đây là nhà của bà!

Bà nhà giàu cau mày, bực dọc thưa lại:

-         Làm sao tôi có thể ở trong ngôi nhà này được?

Thánh Phi-e-rơ thản nhiên trả lời:

-         Rất đáng tiếc, nhưng với những gì bà đã gửi lên đây làm sao có thể xây một cái nhà cho bà cái nhà khá hơn được!

Câu chuyện dạy chúng ta bài học: nên biết đầu tư của cải cho thiêng đàng mới còn lại đời đời.

        Nguyện xin Lời của Chúa hôm nay thức tỉnh mỗi tấm lòng của chúng ta biết sống trung thành với chủ mình chính là Đức Chúa Trời.  Không thể vừa bước đi với Chúa vừa bước đi với tiền bạc.  Có như vậy, chúng ta mới hưởng được sự bình an trong tâm hồn.

      Thân ái kính chào quý ông bà anh chị em trong tình yêu của Chúa Jesus.

MS Lê Văn Thể
__________________________________________
(1)   Ms Nguyễn Văn Bình Chuyện Hay Ý Đẹp ( Q. 3) Tr. 11; Paris 1995