Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Thương Người Khó Thương


Kính thưa quý thính giả,

Nếu trong đời sống vợ chồng bể chứa tình yêu đã khô cạn từ lâu, những lời tử tế yêu thương không còn bao giờ được nghe nữa. Thay vào đó là những lời cay đắng cộng với thái độ xa lánh, hất hủi. Liệu một hôn nhân đã chết như vậy có thể hồi sinh được không. Tiến sĩ Gary Chapman sẽ gởi đến quý vi kinh nghiệm trong vấn đề này qua câu chuyện thật của Ann như sau:

Một ngày thứ Bảy tháng chín tươi đẹp, vợ chồng tôi đang tản bộ qua vườn hoa Reynolda Gardens để thưởng ngoạn, nơi đó có một số hoa cảnh nhập từ khắp thế giới. Khu vườn này lúc đầu được ông R. J. Reynolds khai thác như một phần của điền trang riêng. Bây giờ nó là một phần của khu đại học Wake Forest University. Vừa qua khỏi một vườn hoa hồng, thì tôi thấy Ann, một phụ nữ mới bắt đầu buổi tư vấn với tôi hai tuần trước đây, tiến lại gần chúng tôi. Chị đang nhìn xuống lối đi rải đá cuội và có vẻ đang đắm chìm trong suy tư. Khi tôi chào chị giật mình nhìn lên và mỉm cười. Tôi giới thiệu chị với Karolyn, và chúng tôi trao đổi những lời bông đùa. Sau đó, chẳng cần mở đầu, chị hỏi một trong những câu sâu sắc nhất mà tôi được nghe: “Thưa tiến sĩ Chapman, có thể nào yêu người mình ghét hay không?”

Tôi biết câu hỏi này được xuất phát từ những nỗi đau sâu thẳm và xứng đáng được trả lời cách thấu đáo. Biết mình sẽ gặp chị ấy vào tuần kế cho buổi tư vấn tiếp theo, nên tôi nói: “chị Ann à, đó là một câu hỏi gây suy nghĩ nhất mà tôi nghe được. Sao mình không thảo luận vào tuần sau nhỉ?” Chị đồng ý và Karolyn cùng tôi tiếp tục tản bộ. Nhưng câu hỏi của Ann không ra khỏi sự suy nghĩ của tôi. Sau đó, trên đường lái xe về nhà, Karolyn và tôi thảo luận câu hỏi. Chúng tôi nhớ lại ngày đầu hôn nhân của mình và nhớ rằng chúng tôi cũng thường có những tình cảm đáng ghét như vậy. Những lời chúng tôi lên án nhau đã gây thương tổn và theo sau thương tổn là giận dữ. Giận dữ chất chứa bên trong trở thành sự ghen ghét. Điều gì đã thay đổi chúng tôi? Cả hai chúng tôi đều biết yêu là sự lựa chọn. Chúng tôi nhận biết nếu mình cứ tiếp tục cái lối yêu sách và lên án, thì điều này sẽ hủy phá hôn nhân của mình. May mắn là sau thời gian khoảng một năm,chúng tôi học tập cách thảo luận những dị biệt mà không lên án nhau, cách thực hiện quyết định mà không hủy phá sự hiệp một, cách đưa ra những đề nghị xây dựng mà không yêu sách, và cuối cùng là cách nói ngôn ngữ yêu thương chính của nhau. Chúng tôi lựa chọn yêu thương ngay khi chúng tôi có những tình cảm tiêu cực đối với nhau. Khi chúng tôi bắt đầu nói ngôn ngữ yêu thương chính của nhau, những tình cảm tiêu cực giận giữ và ghen ghét đã dịu bớt.

Tuy nhiên trường hợp của chúng tôi khác với của Ann. Karolyn và tôi cả hai đều cởi mở học hỏi và tăng trưởng. Tôi biết chồng của Ann không như vậy. Tuần trước chị nói với tôi rằng đã có yêu cầu anh đi gặp tư vấn. Chị đã năn nỉ anh đọc sách hoặc nghe băng về hôn nhân. Nhưng anh từ chối hết mọi nỗ lực nhằm tăng trưởng trong hôn nhân của chị. Theo chị, thái độ của anh là: “Tôi chẳng có vấn đề nào cả. Chính bà mới là người có vấn đề.” Trong trí anh, anh là người đúng; chị sai - đơn giản chỉ có vậy thôi. Tình cảm chị dành cho anh đã bị giết chết theo tháng năm bởi sự chỉ trích và lên án liên tục của anh. Sau mười năm kết hôn, năng lực tình cảm của chị bị cạn kiệt và giá trị bản thân của chị hầu như tiêu tan. Liệu có hy vọng nào cho hôn nhân của Ann không? Chị có thể nào thương được người chồng khó thương không? Có bao giờ anh đáp ứng được tình thương trong chị không?

Tôi biết Ann là người rất tin kính và chuyên cần đi nhà thờ. Tôi phỏng đoán rằng có lẽ hy vọng duy nhất của chị để duy trì hôn nhân là đức tin trong chị. Ngày hôm sau, với ý nghĩ về Ann, tôi đọc câu chuyện về Chúa Giê-Xu trong sách Lu-ca. Tôi vẫn luôn ái mộ câu chuyện của Lu-ca vì ông vốn là một y sĩ chú ý đến chi tiết và trong thế kỷ thứ nhất đã viết được một chuyện kể thật thứ tự về lời dạy cùng lối sống của Chúa Giê-Xu là người ở vùng Na-xa-rét. Trong cái mà nhiều người gọi là bài giảng vĩ đại nhất của Chúa Jesus, tôi đọc những dòng sau mà tôi gọi là thách thức lớn nhất của tình yêu.
“Ta phán cùng các ngươi là người nghe ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, cầu nguyện cho kẻ sĩ nhục mình…Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy. Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người “có tội” cũng yêu kẻ yêu mình”

Đối với tôi dường như thách thức sâu sắc đó, được viết gần hai ngàn năm trước, có thể là hướng mà Ann đang nhắm tới. Nhưng liệu chị có thể làm được không? Có thể nào yêu người đã nguyền rủa mình, ngược đãi mình, và tỏ ra khinh khi ghét bỏ mình hay không? Và nếu chị ấy làm được, liệu có được đáp ứng chăng? Liệu chồng chị có bao giờ thay đổi và bắt đầu bày tỏ yêu thương và chăm sóc chị hay không? Tôi kinh ngạc khi đọc tiếp những lời trong bài giảng xưa của Chúa Jesus: “Hãy cho, người sẽ cho mình. Họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi. Vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.”

Có thể nào nguyên tắc xưa, bảo thương người khó thương, sẽ hiệu quả trong một hôn nhân đã tới tình trạng như của Ann không? Tôi quyết định làm một thí nghiệm. Tôi sẽ đặt giả thuyết là nếu Ann có thể học biết ngôn ngữ yêu thương chính của chồng chị và nói ngôn ngữ ấy trong một thời gian để cho nhu cầu tình cảm yêu thương của anh được đáp ứng, thì cuối cùng anh sẽ đáp trả và bắt đầu bày tỏ tình yêu với chị. Tôi tự hỏi “Sẽ hiệu quả không nhỉ?”

Tôi gặp Ann tuần kế tiếp và lại lắng nghe khi chị ôn lại nỗi kinh hoàng trong hôn nhân của chị. Cuối bản lược thuật, chị nhắc lại câu hỏi đã nêu tại vườn hoa Reynolda Gardens. Lần này, chị đặt lại câu hỏi dưới dạng câu khẳng định: “Thưa Tiến Sĩ Chapman, tôi không biết mình có bao giờ yêu anh ấy lại, sau mọi chuyện anh ấy đã làm cho tôi không.”

Tôi hỏi: “Chị có kể trường hợp của mình cho bạn nào của chị chưa?”

Chị nói: “Với hai bạn thân nhất, và kể sơ qua cho vài người khác.”

“Và họ phản ứng ra sao?”

Chị nói: “Bỏ đi. Tất cả đều bảo tôi bỏ đi, anh ta không bao giờ thay đổi đâu, và tôi chỉ kéo dài thêm nỗi đau thôi. Nhưng thưa Tiến Sĩ Chapman, tôi không thể buộc mình làm được chuyện đó. Có lẽ tôi phải làm như vậy, nhưng tôi không thể tin làm như vậy là đúng.”

Tôi nói: “Tôi thấy dường như chị bị giằng co giữa niềm tin tôn giáo và đạo đức, niềm tin của chị bảo rằng thoát ly hôn nhân như vậy là sai, trong khi nổi đau tình cảm của chị bảo rằng thoát ly là cách duy nhất để sống còn.”

“Thưa Tiến Sĩ Chapman, chính xác là như vậy. Đó thật là chính xác cách tôi cảm nhận. Tôi không biết chính xác phải làm gì.”

Tôi nói tiếp: “Tôi đồng cảm sâu xa với sự tranh chiến trong chị. Chị đang gặp hoàn cảnh rất khó xử. Tôi ước ao có thể cho chị lời giải đáp dễ dàng. Rất tiếc là tôi không làm được. Cả hai lựa chọn chị đề cập, bước ra hay ở lại, có thể sẽ gây nhiều đau đớn cho chị. Trước khi chị thực hiện quyết định đó, tôi xin có một ý kiến. Tôi không chắc nó sẽ hiệu quả hay không, nhưng tôi mong chị cố gắng thử. Qua lời chị nói, thì niềm tin tôn giáo là quan trọng đối với chị và chị rất tôn kính những lời dạy của Chúa Giê-Xu.”

Chị gật đầu xác nhận. Tôi tiếp tục: “Tôi muốn đọc lời Chúa Jesus đã có lần nói, mà tôi nghĩ là có thể áp dụng cho hôn nhân của chị”. Tôi đọc chậm rãi và thong thả.

“Ta phán cùng các ngươi là người nghe ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình…Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy. Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người “có tội” cũng yêu kẻ yêu mình”

Kính thưa quý thính giả,

Tin vào nguyên tắc yêu thương của Chúa Giê-Xu và dựa theo phương pháp năm ngôn ngữ của tình yêu của tiến sĩ Gary Chapman có dẫn đến một kết quả thực tiễn nào không trong việc hồi sinh lại đời sống hôn nhân của Ann. Xin mời quý thính giả theo dõi phần tiếp theo trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.


Dr. Gary Chapman