Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

ĐƯỢC ĐỔ ĐẦY THÁNH LINH BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI


     Trong bài học thứ mười, chúng ta đã thấy Thánh Linh là sự bày tỏ sau cùng của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Ngài là Đức Chúa Trời Tam Nhất đến và vào trong các tín đồ. Vì vậy, Thánh Linh đến là để chúng ta kinh nghiệm Đức Chúa Trời Tam Nhất. Để kinh nghiệm Đức Chúa Trời Tam Nhất, chúng ta phải có kinh nghiệm thực tiễn về Thánh Linh. Phần lớn kinh nghiệm thực tiễn của chúng ta về Thánh Linh liên quan đến việc chúng ta được đổ đầy Thánh Linh bên trong và bên ngoài.
I. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA THÁNH LINH
Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng rằng Thánh Linh ở với chúng ta theo hai phương diện:
A. Ý Nghĩa Của Hai Phương Diện
1. Ở Trong
1) “Linh của lẽ thật... sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 14:17).
Tại đây Chúa nói rõ với chúng ta rằng Thánh Linh sẽ ở trong chúng ta.

2. Ở Trên
1) “... Thánh Linh giáng trên các ngươi” (Công-vụ 1:8).
Một mặt, Chúa nói về Thánh Linh ở bên trong chúng ta, mặt khác, Ngài nói về Thánh Linh ở bên trên chúng ta. Ở bên trên chúng ta là bên ngoài và hoàn toàn khác với việc ở bên trong chúng ta.
B. Những Lời Hứa Về Hai Phương Diện
1. Lời Hứa Của Chúa
Về “Đấng Yên Ủi” Trước Khi Ngài Chết
1) “Ta sẽ xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi Đấng Yên Ủi khác... tức là Linh của lẽ thật... sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 14:16-17); “Nếu Ta đi, thì Ta sẽ sai Ngài [tức Đấng Yên Ủi] đến” (Giăng 16:7).
Đây là những lời Chúa nói trước khi Ngài chết. Ngài hứa cùng các môn đồ rằng Ngài đi để sai Thánh Linh đến với tư cách là Đấng Yên Ủi.
2. Lời Hứa Của Cha Về “Quyền Năng”
Trong Cựu Ước Và Được Chúa Giê-su Lặp Lại Sau Khi Ngài Phục Sinh
1) “Ta sai Đấng Cha Ta đã hứa giáng trên các ngươi... cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Lu-ca 24:49); “Hãy chờ đợi Đấng Cha đã hứa... Khi Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng”(Công-vụ 1:4-8).
Chúa nói những lời này với các môn đồ sau khi Ngài sống lại và trước khi Ngài thăng thiên. Ngài lặp lại lời hứa của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước về Thánh Linh. Ngài hứa rằng, sau khi Ngài lên trên các từng trời, Ngài sẽ sai Thánh Linh đến để trở thành quyền năng của họ. “Quyền năng” khác với “Đấng Yên Ủi”. Đấng Yên Ủi là Đấng sẽ vào bên trong các môn đồ và ở “trong” họ, trong khi quyền năng sẽ đến “trên” họ. Như vậy, điều Chúa nói trước khi chết và điều Ngài nói sau khi sống lại là hai lời hứa khác nhau.
C. Sự Ứng Nghiệm Hai Phương Diện
1. Lời Chúa Hứa Về Đấng Yên Ủi
Được Ứng Nghiệm Vào Buổi Tối Ngày Phục Sinh
1) “Đến chiều tối ngày đó, là ngày thứ nhất trong tuần lễ... Giê-su bèn đến đứng giữa họ... hà hơi trên họ mà rằng: Hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Giăng 20:19-22).
Vào buổi tối ngày Chúa sống lại, chính Chúa đã đến giữa vòng các môn đồ và thở vào trong họ để họ nhận lãnh Thánh Linh. Điều này ứng nghiệm lời Ngài đã hứa trước khi chết, liên quan đến Đấng Yên Ủi.
2. Lời Cha Hứa Về Quyền Năng
Được Ứng Nghiệm Vào Ngày Lễ Ngũ-Tuần
1) “Vào ngày lễ Ngũ-tuần, tất cả môn đồ nhóm lại một chỗ. Thình lình... từ trời đến như gió lốc thổi ào ào, đầy cả nhà họ ngồi... Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:1-4).
Câu này mô tả việc Thánh Linh đến vào ngày lễ Ngũ-tuần, ứng nghiệm lời hứa về Thánh Linh quyền năng mà Cha đã hứa và Chúa đã phán với các môn đồ ngay trước khi Ngài lên trời. Vì vậy, Thánh Linh giáng xuống ở đây theo phương diện quyền năng, không theo phương diện Đấng Yên Ủi, khác với điều Chúa ban vào ngày phục sinh của Ngài. Thánh Linh được ban cho vào ngày phục sinh là “Đấng Yên Ủi”, và Thánh Linh giáng xuống vào ngày lễ Ngũ-tuần là “quyền năng”.
D. Chức Năng Của Hai Phương Diện
1. “Đấng Yên Ủi” Là Vì Sự Sống
1) “Đấng Yên Ủi... ở lại với các ngươi... cũng sẽ ở trong các ngươi nữa” (Giăng 14:16-17).
Ở đây nói rằng, Thánh Linh là Đấng Yên Ủi sẽ ở với chúng ta và ở trong chúng ta. Điều này nói lên chức năng của Thánh Linh về phương diện sự sống. Vì vậy, Đấng Yên Ủi, tức là Thánh Linh về phương diện sự sống, là vì sự sống bề trong của chúng ta.
2. Quyền Năng Dành Cho Công Tác
1) “Khi Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng, rồi làm chứng nhân cho Ta...” (Công-vụ 1:8).
Ở đây nói rằng, sự giáng xuống của Thánh Linh bên trên chúng ta là để chúng ta có quyền năng làm chứng cho Chúa. Điều này bày tỏ chức năng của Thánh Linh là quyền năng thì không dành cho sự sống bề trong mà chúng ta nhận được từ nơi Chúa, nhưng dành cho công tác bên ngoài mà chúng ta thực hiện cho Ngài. Vì sự sống bên trong, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Thánh Linh là Đấng Yên Ủi, là một Thân vị làm Chúa ở trong chúng ta, để Ngài trở nên sự sống bên trong, là Đấng cung ứng và duy trì sự sống của chúng ta. Vì công tác bên ngoài, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Thánh Linh là quyền năng ở bên ngoài để chúng ta có thể sử dụng như quyền năng, uy quyền, khả năng và kỹ năng trong công tác của mình.


E. Những Biểu Tượng Về Hai Phương Diện
1. Hơi Thở
1) “Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên họ mà rằng: Hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Giăng 20:22).
Đây là việc Chúa thở Thánh Linh, tức Đấng Yên Ủi, như hơi thở vào trong các môn đồ vào buổi tối ngày phục sinh. Hơi thở dành cho sự sống và chỉ về sự sống. Vì vậy, ở đây hơi thở là biểu tượng của Thánh Linh như sự sống ở bên trong.
2. Nước Sống
1) “... sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều ấy chỉ về Thánh Linh [Thánh Linh của sự sống bên trong] mà kẻ tin Ngài sẽ nhận lãnh” (Giăng 7:38-39).
Lời hứa ở đây bày tỏ cho chúng ta rằng Thánh Linh sẽ tuôn chảy như nước sống từ bên trong chúng ta. Chắc chắn điều này chỉ về Thánh Linh là sự sống bên trong chúng ta được chúng ta uống như nước sống, là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta. Vì vậy, nước sống cũng là biểu tượng cho Linh sự sống ở bên trong.
3. Gió
1) “Gió lốc thổi ào ào... Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:2-4).
Đây là sự kiện các môn đồ nhận lãnh Thánh Linh quyền năng đến trên họ vào ngày lễ Ngũ-tuần trong phòng cao tại Giê-ru-sa-lem. Điều này không giống hơi thở từ bên trong Chúa được thở vào bên trong họ ngày phục sinh, nhưng giống như một cơn gió mãnh liệt ào ạt thổi trên họ từ bên ngoài, chỉ về Thánh Linh quyền năng. Vì vậy, gió ở đây là một dấu hiệu của Thánh Linh, tức là Linh quyền năng bên ngoài, khác với hơi thở.
4. Áo Choàng
1) “Ta sai Đấng Cha Ta đã hứa [Linh quyền năng bên ngoài] giáng trên các ngươi... cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Lu-ca 24:49).
Lời Chúa ở đây cũng bày tỏ rằng, chúng ta cần phải mặc lấy Thánh Linh quyền năng bên ngoài mà Cha đã hứa, giống như một chiếc áo choàng chúng ta mặc vào làm quyền năng của mình. Chiếc áo choàng mà Ê-li-sê đã nhận từ Ê-li tượng trưng cho điều này (2 Vua 2:13-14). Vì vậy, áo choàng này cũng là dấu hiệu của Thánh Linh quyền năng bên ngoài và khác với nước sống. Linh áo choàng này cũng giống như bộ đồng phục của một công chức, đem lại uy quyền và hữu ích cho chúng ta để thi hành sứ mạng của Đức Chúa Trời. Linh sự sống bên trong là nước sống mà chúng ta có thể uống để được cung ứng bề trong; Thánh Linh quyền năng bên ngoài là áo choàng mà chúng ta có thể mặc để có uy quyền bên ngoài.
F. Những Kinh Nghiệm Về Hai Phương Diện
1. Kinh Nghiệm Của Chúa Giê-su
1) “... điều [tức Giê-su] đã được thai dựng trong nàng là bởi Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 1:20).
Chúa Giê-su đã được thai dựng và sinh ra bởi Thánh Linh. Sự sống bên trong Ngài hoàn toàn là của Thánh Linh.
2) “Khi chịu báp-têm rồi... Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như bò câu, đậu trên Ngài” (Ma-thi-ơ 3:16).
Mặc dầu Chúa Giê-su đã được thai dựng và sinh ra bởi Thánh Linh, và sự sống bên trong Ngài là hoàn toàn của Thánh Linh, nhưng chỉ sau khi chịu báp-têm Ngài mới kinh nghiệm Thánh Linh đến trên Ngài, làm quyền năng của Ngài để công tác cho Đức Chúa Trời.
2. Kinh Nghiệm Của Các Môn Đồ
1) “Đến chiều tối ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ... Giê-su bèn đến đứng giữa họ… hà hơi trên họ mà rằng: Hãy nhận lãnh Thánh Linh” (Giăng 20:19-22).
Nhờ hơi thở Chúa thở vào trong các môn đồ vào buổi tối ngày phục sinh mà họ đã nhận lãnh Thánh Linh vào bên trong mình.
2) “Vào ngày lễ Ngũ-tuần, tất cả môn đồ nhóm lại một chỗ... từ trời đến như gió lốc thổi ào ào”; “... Thánh Linh giáng trên các ngươi” (Công-vụ 2:1-4; 1:8).
Mặc dầu các môn đồ đã nhận lãnh Thánh Linh vào trong họ buổi tối ngày phục sinh, Thánh Linh vẫn đến trên họ vào ngày lễ Ngũ-tuần.

II. SỰ ĐỔ ĐẦY THÁNH LINH BÊN TRONG
Đối với chúng ta, Thánh Linh có hai phương diện bên trong và bên ngoài. Vì vậy cũng có sự đổ đầy Thánh Linh bên trong và sự đầy dẫy bên ngoài. Kinh Thánh Tân Ước dùng hai từ ngữ khác biệt trong nguyên văn [Hi-lạp] để diễn tả sự đổ đầy Thánh Linh bên trong và bên ngoài. Nói về sự đổ đầy Thánh Linh bên trong, Tân Ước dùng chữ pleroo còn nói về sự đầy dẫy Thánh Linh bên ngoài, Tân Ước dùng chữ pletho. Trước hết, chúng ta xem xét sự đổ đầy Thánh Linh bên trong.
A. Sự Kiện
Đổ Đầy Thánh Linh Bên Trong
1) “Còn các môn đồ thì được đầy dẫy sự vui mừng và Thánh Linh” (Công-vụ 13:52).
Câu Kinh Thánh này nói về việc các môn đồ được đổ đầy Thánh Linh bên trong. Linh này đổ đầy chúng ta là vì sự sống và đời sống, vì Ngài được đề cập cùng với sự vui mừng trong đời sống hằng ngày.
B. Chức Năng
Của Sự Đổ Đầy Thánh Linh Bên Trong
1) Dành cho đời sống thuộc linh để sự sống thuộc linh có thể trưởng thành — Sự đổ đầy Linh bên trong thì dành cho đời sống thuộc linh của chúng ta để sự sống thuộc linh của chúng ta có thể trưởng thành. Chúng ta có thể minh chứng điều này bằng Công-vụ 13:52 đã được trích dẫn ở trên, là câu Kinh Thánh mà trong đó sự vui mừng và Thánh Linh được đề cập chung với nhau.
C. Tình Trạng Của Các Tín Đồ
Sau Khi Được Đổ Đầy Thánh Linh Bên Trong:
“Đầy Dẫy” Thánh Linh
Sau khi được đổ đầy Thánh Linh bên trong, chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh ở bề trong. Trong nguyên văn, chữ “đầy dẫy” là pleres, một tính từ. Được đổ đầy Linh là một tiến trình và cần phải xảy ra nhiều lần, trái lại được đầy dẫy Linh là một tình trạng vốn là kết quả của tiến trình đó và tình trạng đầy dẫy ấy cần phải liên tục.
1) “Anh em hãy chọn trong vòng mình bảy người có chứng tốt, đầy ThánhLinh và sự khôn ngoan” (Công-vụ 6:3).


Vào ngày lễ Ngũ-tuần, sinh hoạt cộng đồng của hội-thánh khiến họ cần có vài người phục vụ bàn ăn. Vì vậy, bảy người đầy dẫy Linh và sự khôn ngoan được tuyển chọn. Ở đây, Thánh Linh và sự khôn ngoan được đề cập chung với nhau, chứng tỏ rằng Thánh Linh dành cho sự sống và đời sống. Việc phục vụ nhiều bàn ăn thì khó nhọc, cần những người có một sự sống đúng đắn và một đời sống thuộc linh. Họ phải là những người đầy dẫy Thánh Linh.

2) “Ê-tiên là người đầy đức tin và Thánh Linh” (Công-vụ 6:5).
Câu này nói rằng Ê-tiên là một người đầy dẫy đức tin và Thánh Linh. Ông không những chỉ thỉnh thoảng mới được đổ đầy Thánh Linh nhưng là người luôn luôn đầy dẫy Thánh Linh. Vì vậy, không những ông có sự sống phong phú và sự khôn ngoan để lo việc ăn uống cho nhiều người, mà cũng có một sự sống đắc thắng và đức tin để đứng vững vì Chúa cho đến chết (Công 7:59-60).
3) “Nhưng người [Ê-tiên] được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 7:55).
Ê-tiên duy trì tình trạng đầy dẫy Thánh Linh. Mặc dù những người bắt bớ căm ghét và nghiến răng với ông, ông vẫn đầy dẫy Thánh Linh. Do đó, ông có thể trung thành cho đến chết, chịu tử đạo vì cớ Chúa.
4) “Vì Ba-na-ba là người lương thiện, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” (Công-vụ 11:24).
Ba-na-ba cũng đầy dẫy Thánh Linh, và đó là lý do tại sao ông có thể là một người tốt, đầy đức tin.
D. Sự Biểu Lộ Của Những Tín Đồ
Được Đổ Đầy Thánh Linh Bên Trong
1. Bày Tỏ Sự Sống
1) “... sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy... Ngài nói điều đó chỉ về Thánh Linh mà kẻ tin Ngài sẽ nhận lãnh...” (Giăng 7:38-39).
Vì Thánh Linh ở trong chúng ta là Linh sự sống, và việc [chúng ta] được đổ đầy Thánh Linh bên trong là để chúng ta trưởng thành trong sự sống, nên biểu hiện của việc [chúng ta] được đổ đầy Thánh Linh bên trong phải là sự bày tỏ sự sống phong phú, đầy tràn, tuôn ra như những dòng sông nước sống từ trong bản thể sâu thẳm của chúng ta.
2. Trái Của Linh
1) “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là thương yêu, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhơn từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết chế” (Ga-la-ti 5:22-23).
Trái sự sống sinh ra bởi Thánh Linh từ trong chúng ta như các mỹ đức khác nhau được liệt kê trong những câu Kinh Thánh này cũng là biểu hiện của việc chúng ta được đổ đầy Thánh Linh.


E. Phương Cách
Để Được Đổ Đầy Thánh Linh Bên Trong
1. Tiếp Nhận Sự Đồng Chết Với Đấng Christ
Trên Thập Tự Giá
1) “... xác thịt ưa muốn trái với Thánh Linh... đã đóng đinh xác thịt” (Ga-la-ti 5:17-24).
Xác thịt chúng ta ham muốn nghịch lại với Linh. Vì vậy, để được đổ đầy Thánh Linh, trước hết chúng ta phải tiếp nhận sự xử lý xác thịt mình nhờ sự chúng ta đồng chết với Đấng Christ trên thập tự giá. Chỉ khi nào chúng ta làm cho chết xác thịt và mọi điều thuộc về xác thịt trong sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá, không cho phép xác thịt và mọi điều thuộc xác thịt có một chỗ nào trong chúng ta, thì Thánh Linh mới có thể có được chỗ đứng trong chúng ta, hoàn toàn chiếm hữu và đầy dẫy chúng ta.
2. Dâng Chính Mình Trọn Vẹn cho Chúa
Sau khi tiếp nhận sự xử lý của thập tự giá đối với xác thịt, chúng ta cần dâng hiến chính mình trọn vẹn cho Chúa để Ngài sử dụng, khi ấy Linh của Chúa sẽ chiếm hữu và đầy dẫy chúng ta.
3. Tin Rằng Thánh Linh Đổ Đầy Bên Trong Chúng Ta
Sau khi đã xử lý xác thịt và dâng hiến chính mình, chúng ta phải tin rằng:
1) Thánh Linh sẽ đổ đầy chúng ta — Thánh Linh đã sống trong chúng ta rồi. Ngài khao khát đổ đầy chúng ta và đang chờ đợi chúng ta nhường chỗ cho Ngài. Bây giờ nếu chúng ta đã xử lý chính mình cách triệt để, dâng tất cả cho Ngài, Ngài chắc chắn sẽ đến và đổ đầy chúng ta.
2) Thánh Linh đã đổ đầy chúng ta — Vì Thánh Linh sống trong chúng ta, khao khát và chờ đợi đổ đầy chúng ta, một khi chúng ta làm chính mình trống không và dâng mình cho Ngài, không những Ngài sẽ đổ đầy chúng ta mà Ngài đã đổ đầy chúng ta rồi. Bởi vì khi chúng ta trống không và đã hiến dâng, Ngài lập tức đổ đầy chúng ta. Điều này không căn cứ trên cảm xúc nhưng trên đức tin. Ngay cả nếu có cảm xúc thì đức tin vẫn đi trước, còn cảm xúc theo sau.
4. Bước Đi Theo Linh
1) “... chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh... chí hướng về những sự thuộc Thánh Linh” (Rô-ma 8:4-5).
Sau khi chúng ta đã tiếp nhận sự xử lý của thập tự giá, hiến dâng chính mình và tin, chúng ta vẫn phải bước đi theo linh, không bước đi theo xác thịt, và phải đặt tâm trí vào những điều của Linh. Như vậy, Thánh Linh sẽ chiếm hữu và đổ đầy bên trong chúng ta.
2) “Nhờ Thánh Linh mà bước đi” (Ga-la-ti 5:16, 25).
Nếu chúng ta thật sự bước đi theo linh, chắc chắn chúng ta sẽ bước đi bởi Linh, không làm bất cứ điều gì bởi xác thịt hay tùy thuộc vào sức mạnh của xác thịt. Bằng cách ấy, chúng ta không những có thể được đổ đầy Thánh Linh ngay lập tức mà cũng được đầy dẫy Thánh Linh liên tục.



III. SỰ ĐỔ ĐẦY THÁNH LINH BÊN NGOÀI
Các tín đồ cần có sự sống bên trong lẫn quyền năng bên ngoài. Theo hai phương diện của Ngài, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đáp ứng được nhu cầu hai mặt của các tín đồ. Công tác sau cùng của Thánh Linh thuộc sự sống bề trong là đổ đầy bên trong các tín đồ theo phương diện sự sống để họ có thể sống một cuộc sống thuộc linh và đắc thắng. Công tác chính yếu của Thánh Linh quyền năng bên ngoài trên các tín đồ là đổ đầy bên ngoài các tín đồ theo phương diện công tác để họ có thể thi hành công tác đầy uy quyền cho Chúa. Vì vậy, chúng ta cần được Thánh Linh đổ đầy bên trong và bên ngoài.
A. Báp-Têm Trong Thánh Linh
Kinh Thánh cho chúng ta thấy một cách rõ ràng sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài là báp-têm trong Thánh Linh.
1. Lời Tiên Tri
1) Lời tiên tri của Giăng Báp-tít — “Ngài [tức Đấng Christ] sẽ làm báp-têm cho các ngươi bằng Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 3:11).
Người đầu tiên đề cập đến báp-têm trong Thánh Linh là Giăng Báp-tít. Khi ông đi ra làm báp-têm cho dân chúng trong nước, ông nói tiên tri với họ rằng Chúa Giê-su sẽ báp-têm cho người ta trong Thánh Linh để họ có thể nhận lãnh báp-têm của Linh.
2) Lời tiên tri của Chúa Giê-su — “Nhưng không bao nhiêu ngày nữa, các ngươi sẽ chịu báp-têm bằng Thánh Linh” (Công-vụ 1:5).
Sau khi sống lại và trước khi Ngài lên trời, đây là lời tiên tri của Chúa dành cho các môn đồ căn cứ vào lời tiên tri của Giăng Báp-tít.
2. Sự Ứng Nghiệm Lời Tiên Tri
1) Về một mặt cho những tín đồ Do-thái vào ngày lễ Ngũ-tuần — “Nhưng không bao nhiêu ngày nữa các ngươi [tức nhóm tín đồ Do-thái đầu tiên] sẽ chịu báp-têm bằng Thánh Linh” (Công-vụ 1:5), “Vào ngày lễ Ngũ-tuần, tất cả môn đồ nhóm lại một chỗ... gió lốc thổi ào ào, đầy cả nhà họ ngồi... Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:1-4).
Những lời tiên tri của Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su về việc báp-têm trong Thánh Linh bắt đầu được ứng nghiệm vào ngày lễ Ngũ-tuần. Theo Kinh Thánh, sự ứng nghiệm lời tiên tri này được chia làm hai phần. Phần đầu được thực hiện tại một nơi, trong khi phần sau được thực hiện tại một nơi khác. Dầu được chia làm hai phần và thực hiện tại hai chỗ, đây là sự ứng nghiệm trọn vẹn. Lời tiên tri được ứng nghiệm riêng hai phần vì hội-thánh bao gồm hai dân tộc: người Do-thái và người Ngoại-bang. Như được mô tả trong những câu Kinh Thánh trên, phần thứ nhất đã được ứng nghiệm giữa nhóm tín đồ Do-thái đại diện đầu tiên ở trên phòng cao tại Giê-ru-sa-lem vào ngày lễ Ngũ-tuần.
2) Về mặt khác, cho những tín đồ Ngoại-bang tại nhà Cọt-nây — “Tôi [tức Phi-e-rơ] mới khởi sự nói, thì Thánh Linh giáng trên họ [tức những tín đồ Ngoại-bang], cũng như trên chúng ta [tức nhóm tín đồ Do-thái đầu tiên] lúc ban đầu vậy. Tôi bèn nhớ lại lời của Chúa, thể nào Ngài đã phán... các ngươi sẽ chịu báp-têm bằng Thánh Linh” (Công-vụ 11:15-16).
Phần thứ hai của báp-têm trong Thánh Linh đã được hoàn thành tại nhà Cọt-nây, được hoàn thành trên các tín đồ đại diện cho người Ngoại-bang, như đã được mô tả trong các câu Kinh Thánh trên. Theo nguyên tắc đại diện, y như Chúa Giê-su làm báp-têm trong Thánh Linh cho tất cả những tín đồ Do-thái trải qua mọi thế hệ một lần đủ cả vào ngày lễ Ngũ-tuần, cũng vậy, Ngài đã làm báp-têm trong Thánh Linh cho tất cả các tín đồ Ngoại-bang trải qua mọi thế hệ một lần đủ cả tại nhà Cọt-nây. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, tất cả các tín đồ Do-thái của mọi thế hệ đã được báp-têm trong [Thánh] Linh vào ngày lễ Ngũ-tuần như thế nào thì tất cả các tín đồ Ngoại-bang của các thế hệ đã nhận lãnh báp-têm trong [Thánh] Linh tại nhà Cọt-nây thể ấy. Hai phần này của báp-têm trong [Thánh] Linh kết hợp nên một báp-têm đầy đủ trong [Thánh] Linh. Ấy là trong báp-têm đầy đủ trong [Thánh] Linh như vậy mà Đấng Christ là Đầu đã báp-têm tất cả chúng ta là những người tin vào Ngài, dầu là Do-thái hay Ngoại-bang (đại diện là người Hi-lạp), trong một Thánh Linh vào trong một Thân Thể (1 Côr. 12:13).
3. Sự Kiện
1) Được báp-têm trong Thánh Linh nhờ tin — “Vì chưng chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hi-lạp, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, thảy đều đã chịu báp-têm trong một Thánh Linh để nên một thân” (1 Cô-rin-tô 12:13).
Vì Đấng Christ đã báp-têm tất cả tín đồ của mọi thế hệ trong Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ-tuần và tại nhà Cọt-nây, nên Ngài đã hoàn thành việc báp-têm hội-thánh trong [Thánh] Linh qua hai trường hợp này. Báp-têm trong Thánh Linh là một sự kiện đã hoàn tất trên hội-thánh. Ngày nay, khi một người Do-thái hay Ngoại-bang tin vào Chúa, người ấy dự phần vào hội-thánh và vì vậy được dự phần trong sự kiện đã được hoàn tất này trên hội-thánh. Chúng ta là những người tin vào Chúa và thuộc về hội-thánh không được báp-têm trong Thánh Linh từng người một, vào những thời điểm khác nhau, trái lại, chúng ta đã nhận lãnh toàn bộ báp-têm trong [Thánh] Linh bao gồm tất cả các tín đồ một lần đủ cả.
4. Kinh Nghiệm
1) Được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài là kinh nghiệm báp-têm trong Thánh Linh — “Nhưng không bao nhiêu ngày nữa, các ngươi sẽ chịu báp-têm bằng Thánh Linh” (Công-vụ 1:5); “Vào ngày lễ Ngũ-tuần... Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:1-4); “Thánh Linh giáng trên họ... Tôi bèn nhớ lại lời của Chúa, thể nào Ngài đã phán... Các ngươi sẽ chịu báp-têm bằng Thánh Linh”(Công-vụ 11:15-16).
Những câu Kinh Thánh này bày tỏ rằng vào ngày lễ Ngũ-tuần và tại nhà Cọt-nây, chịu báp-têm trong Thánh Linh tức là kinh nghiệm sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài. Như vậy, khi chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh ở bên ngoài, Thánh Linh quyền năng đến trên chúng ta, và chúng ta kinh nghiệm báp-têm trong Thánh Linh.
2) Sự kiện báp-têm trong Thánh Linh đã được hoàn thành một lần đủ cả trên hội-thánh vào ngày lễ Ngũ-tuần và tại nhà Cọt-nây. Tuy nhiên, kinh nghiệm báp-têm trong Thánh Linh trên các tín đồ thì xảy ra vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và xảy ra nhiều lần cho mỗi tín đồ — Sự kiện báp-têm trong Linh đã được hoàn thành một lần đủ cả trên hội-thánh. Kinh nghiệm báp-têm trong Linh trên mỗi cá nhân tín đồ xảy ra vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và nhiều lần. Một tín đồ có thể nhận lãnh sự kiện báp-têm trong Thánh Linh chỉ một lần, nhưng người ấy có thể kinh nghiệm báp-têm trong Linh nhiều lần.
B. Chức Năng
Của Sự Đổ Đầy Thánh Linh Bên Ngoài
1. Để Đầy Dẫy Quyền Năng Cho Công Tác Thuộc Linh
1) “Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng, rồi làm chứng nhân cho Ta... cho đến cùng trái đất” (Công-vụ 1:8);“Vào ngày lễ Ngũ-tuần... hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:1-4).
Sự đổ đầy Thánh Linh bên trong là dành cho đời sống thuộc linh để sự sống thuộc linh có thể trưởng thành, trong khi sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài dành cho công tác thuộc linh để công tác ấy có thể đầy dẫy quyền năng. Chỉ được đổ đầy Thánh Linh bên trong thì đủ cho sự sống nhưng không đủ cho công tác. Trước lễ Ngũ-tuần, dầu Phi-e-rơ và các sứ đồ đầu tiên đã được đổ đầy Thánh Linh bên trong, nhưng họ không thể công tác cho Chúa vì họ chưa được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài để nhận lãnh quyền năng công tác cho Chúa. Ấy là khi họ được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài vào ngày lễ Ngũ-tuần và nhận lãnh Thánh Linh đến trên họ như Linh của quyền năng mà họ được ban quyền năng thực hiện công tác vô cùng hiệu quả cho Chúa.
2. Để Xác Định Rằng Chúa Giê-su Đã Lên Trời
Và Đã Được Chỉ Định Làm Chúa Và Đấng Christ
1) “Vậy, vì Ngài đã được tôn cao lên bên hữu Đức Chúa Trời, và đã nhận lãnh Thánh Linh mà Cha đã hứa, nên Ngài đã đổ Thánh Linh ra như các ông đương thấy và nghe... Vậy... khá biết chắc rằng, Giê-su nầy mà các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, thì Đức Chúa Trời đã lập lên làm Chúa và Christ” (Công-vụ 2:33-36).
Sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài cũng khẳng định với chúng ta về việc Chúa đã được thăng thiên, được tôn cao, và được chỉ định làm Chúa và Đấng Christ. Sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài làm cho chúng ta có quyền năng vì đem quang cảnh thiên thượng đến với chúng ta. Thánh Linh, Đấng đổ đầy chúng ta bên ngoài, được đổ xuống bởi Chúa thăng thiên và vì vậy Ngài đem các từng trời và quang cảnh về Chúa trên các từng trời đến với chúng ta, ban cho chúng ta cảm nhận là các từng trời rất gần gũi và quang cảnh thiên thượng đã giáng xuống trước mắt ta. Vì cảnh tượng Chúa Giê-su đã được tôn cao và tôn vinh trên ngai thiên thượng dường như xuất hiện trước mắt, nên chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trên các từng trời bằng quyền năng thiên thượng, bất kể hoàn cảnh và những nỗi khó khăn trên đất.



C. Biểu Hiện
Của Sự Đổ Đầy Thánh Linh Bên Ngoài
1) Nói các thứ tiếng (tiếng lạ) (Công-vụ 2:4, 10:44-46, 19:6). Có ba nhóm người — các môn đồ vào ngày lễ Ngũ-tuần, những người tại nhà Cọt-nây và các môn đồ tại Ê-phê-sô — đã nói các thứ tiếng (tiếng lạ) khi họ được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài. Vậy, nói các thứ tiếng là một biểu hiện về sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài.
2) Nói tiên tri (Công-vụ 19:6). Trong khi được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài, những tín đồ tại Ê-phê-sô không những chỉ nói các thứ tiếng mà cũng nói tiên tri nữa. Vì vậy, nói tiên tri cũng là một biểu hiện về sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài.
Trong nhiều trường hợp đổ đầy Thánh Linh bên ngoài được ghi lại trong sách Công-vụ Các Sứ Đồ, chỉ có ba trường hợp liên hệ đến ba nhóm người được đề cập ở trên nói các thứ tiếng. Trong những trường hợp khác, Kinh Thánh không đề cập gì đến việc nói các thứ tiếng. Điều này minh chứng rằng việc nói các thứ tiếng không phải là sự biểu hiện thiết yếu của sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài.
3) Có sự dạn dĩ và quyền năng — “Ai nấy đều được đầy dẫy Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công-vụ 4:31); “Bấy giờ Phi-e-rơ đầy dẫy Thánh Linh, nói rằng...” (Công-vụ 4:8). Phát ngôn cho Đức Chúa Trời cách dạn dĩ và quyền năng cũng là một sự biểu hiện mạnh mẽ của sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài. Sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài chính yếu là để người ta có thể nói cho Đức Chúa Trời một cách can đảm và đầy quyền năng.
4) Có uy quyền — “Phao-lô đầy dẫy Thánh Linh, nhìn chăm người, nói rằng: Ớ người đầy mọi thứ quỉ quyệt và độc ác, con cái của ma quỉ, thù nghịch của cả sự công nghĩa… cứ làm sai lệch đường ngay thẳng của Chúa... Nầy, bây giờ tay Chúa giá trên ngươi, ngươi sẽ bị mù, không thấy mặt trời trong ít lâu. Tức thì có sự mù mịt tối tăm phủ trên người” (Công-vụ 13:9-11). Lời này bày tỏ cho chúng ta rằng khi sứ đồ Phao-lô được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài, ông có uy quyền để xử lý một người gian ác đang bị Ma quỉ sử dụng. Loại uy quyền này cũng là một biểu hiện về sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài.
D. Phương Cách
Để Được Đầy Dẫy Thánh Linh Bên Ngoài
1) Ăn năn và xử lý tội lỗi — “Hãy ăn năn... để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh” (Công-vụ 2:38). Ăn năn để được tha thứ tội lỗi sẽ khiến cho chúng ta nhận lãnh được Thánh Linh. Vì vậy, để được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài cần phải ăn năn triệt để và xử lý mọi tội lỗi.
2) Tin — Tin rằng vào lúc một người tin Chúa, người ấy được báp-têm trong Thánh Linh. Sau khi đã xử lý tội lỗi hoàn toàn, chúng ta phải tin vì báp-têm trong [Thánh] Linh là một sự kiện được Chúa hoàn thành trên hội-thánh và vì chúng ta là một phần của hội-thánh nên sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài do báp-têm trong [Thánh] Linh bây giờ là phần của chúng ta.
3) Vâng phục — “... Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng phục Ngài cũng vậy” (Công-vụ 5:32). Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho những ai vâng phục Ngài. Vì vậy, để nhận lãnh sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài, chúng ta phải vâng phục Đức Chúa Trời.
4) Cầu nguyện trong sự hiệp một — “Hết thảy những người ấy [tức những người được đổ đầy Thánh Linh bên ngoài vào ngày lễ Ngũ-tuần] đều đồng lòng hiệp ý, cứ bền đỗ mà cầu nguyện luôn” (Công-vụ 1:14). Để nhận lãnh sự đổ đầy Thánh Linh bên ngoài, mỗi cá nhân cần phải cầu nguyện riêng nhiều cũng như cần cầu nguyện chung trong sự hiệp một với những người tìm kiếm Chúa. Đây là điều nhóm tín đồ đầu tiên đã làm để được nhận lãnh sự đổ đầy Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ-tuần.

WITNESS LEE