Tìm thấy được sự bình an nội tâm: trong những thời điểm bất an, làm thế nào bạn có sự bình an trong tâm trí thay vì lo âu và bối rối?
Dù bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới hay trong cuộc sống mỗi người chúng ta, liệu có nơi nào ta có thể quay trở về tìm sự bình yên không? Liệu chúng ta có thể mong đợi một tương lai đầy hy vọng bất kể mọi hoàn cảnh của cuộc sống trên thế giới? Ngày nay, nhiều sinh viên nhìn nhận Ðức Chúa Trời là Ðấng Bất Biến. Thế giới xung quanh chúng ta luôn luôn đổi thay nhưng Chúa không hề thay đổi. Ngài luôn đáng tin cậy và không bao giờ thay đổi. Chúa phán: “Ngoài ta có Đức Chúa Trời nào khác không? Thật, chẳng có Vầng Đá nào khác; ta không biết đến! Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi.”1 Chúa luôn hiện hữu. Con người có thể tin chắc vào Ngài. Chúng ta có thể trông cậy vào Chúa. Đức Chúa Trời “hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.”2. Và Chúa có thể tỏ chính Ngài cho chúng ta, ban cho ta một tâm trí bình an và khiến tâm hồn ta chắc chắn được yên nghỉ.
Có chăng sự bình an nội tâm?
Heather, một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Stanford, đã diễn giải sự bình an nội tâm như sau: "Ở trong mối tương giao thật sống động với Đức Chúa Trời là một thực tế đáng kinh ngạc và đẹp đẽ mỗi ngày. Ấy là ‘tình bằng hữu vĩ đại’ mà tôi sẽ không bao giờ đánh đổi để lấy cả thế gian này. Chúa biết rõ tôi và yêu tôi theo cách mà tôi chỉ có thể trông chờ để được tương giao sao cho xứng đáng.”
Steve Sawyer, một sinh viên bị bệnh máu loãng khó đông, đã tìm kiếm sự bình an khi phát hiện ra mình đã nhiễm HIV sau một ca truyền máu. Thoạt đầu, Steve thật sự tuyệt vọng. Anh đã oán trách Chúa. Sau đó, Steve chạy đến với Chúa. Kết quả là trong những năm cuối đời, Steve đã đến vô số trường Đại học (mang theo nỗi đau khủng khiếp của căn bệnh) chỉ để nói cho những sinh viên khác làm thế nào để họ nhận biết Chúa và kinh nghiệm sự bình an cậu từng trải qua khi nhận biết Ngài. Chúa phán: "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!"3
Giống như Steve, các sinh viên khác biết rằng dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc đời này, thì đó chưa phải là "ngày tận thế" -- bởi vì thế giới này vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Đức Chúa Trời, hầm trú ẩn của chúng ta
Phải thừa nhận rằng nhiều người cứ chần chờ mãi cho đến lúc thật sự gặp khó khăn mới quay trở lại với Chúa. Một mục sư tuyên uý trong chiến tranh thế giới thứ hai giải thích rằng "Không có người vô thần nào nấp ở hầm trú ẩn (hầm do những người lính đào dưới đất làm nơi ẩn nấp chống lại sự bắn phá của kẻ thù và là nơi để bắn trả - ND)." Khi đời là rượu ngọt và hoa thơm, người ta không cảm thấy cần Chúa. Nhưng suy nghĩ ấy thường thay đổi khi mọi thứ trở nên rối rắm, khi đó chúng ta nhận ra mình đang ở trong hầm trú ẩn!
Caryn, một sinh viên ở Virgina, chia sẻ con đường cô đến với Chúa như sau: "Tôi nghĩ mình là một Cơ Đốc Nhân bởi vì tôi đi đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật, nhưng tôi không biết Chúa là ai. Năm cuối trung học của tôi cũng trôi qua giống như ba năm trước đây. Tôi giành hầu hết thời gian của mình vào chuyện nhậu nhẹt, thăng tiến hay cố tìm cách để làm cho ai đó yêu mình. Tâm tôi chết dần chết mòn và tôi không thể kiểm soát được cuộc sống của mình nữa. Khi tôi nhận ra tôi muốn kết liễu cuộc đời của mình nhiều thể nào thì cũng là lúc tôi biết rằng tôi phải tìm cho mình một niềm hy vọng nào đó sau khi ra trường. Thế rồi, tôi đến xin Chúa bước vào đời sống của tôi. Ngài đã cho tôi thấy tình yêu thương, sự yên ninh, sự tha thứ, sự nâng đỡ, niềm an ủi, sự chấp nhận và mục đích sống. Chúa là sức mạnh của tôi. Hôm nay, nếu không phải vì Ngài thì có lẽ tôi sẽ không thể có mặt ở đây.”
Ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong thiên niên kỷ mới này? Nhiều sinh viên có thể cảm thấy họ đang ở trong hầm trú ẩn nào đấy. Cuộc đời có thể là một trận chiến. Sự bình an trong tâm trí chúng ta có thể bị dao động nhiều. Những lúc dầu sôi lửa bỏng, chúng ta thường chạy đến với Chúa. Điều đó tốt thôi, vì Chúa, Đấng Bất Biến, luôn bên chúng ta và Ngài thật sự muốn tương giao với chúng. Chúa phán: "Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu Chúa nào khác… hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác."4
Thật vậy, chúng ta có thể nghĩ Chúa như là “cái nạng”, nhưng có vẻ như Ngài là Đức Chúa Trời đích thực duy nhất.
Hầm trú ẩn vô hình
Tuy nhiên, một số người luôn hướng về Đức Chúa Trời, cho dù mọi sự dường như tốt đẹp. John, một sinh viên ở Texas, đã giải thích điều này như sau: “Trước khi năm cuối kết thúc, tôi đã đạt được mọi thứ mà người ta bảo tôi phải hoàn tất -- giữ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức của trường, tham dự tiệc tùng, đạt nhiều điểm cao, hẹn hò với nhiều cô gái thật quyến rũ. Mọi thứ tôi muốn làm và muốn có trong khi còn đang học đại học đều qua đi, tuy nhiên, tôi vẫn thấy chưa thoả lòng. Tôi vẫn còn thấy thiếu điều gì đó nhưng tôi không biết nơi nào khác để đi. Hẳn nhiên, không ai biết tôi cảm nhận như thế về cuộc đời, vì tôi không để lộ cho một ai biết.”
Thậm chí khi mọi thứ đều tốt đẹp, cuộc sống vẫn cho thấy có những hầm trú ẩn - những hầm nội tâm, vô hình đối với mắt trần, nhưng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Becky, một sinh viên ở Illions, đã mô tả hiện tượng này như sau: "Bạn đã bao lần nghĩ rằng nếu bạn có được bộ đồ đó, người bạn trai đó, hay đi tham quan nơi nào đó thì cuộc đời bạn sẽ hạnh phúc và hoàn hảo? Và bao nhiêu lần sau khi bạn mua chiếc áo sơ mi đó, hẹn hò với người con trai ấy, hoặc đã đến tham quan nơi đó, rồi vừa thả bộ trên đường vừa thấy lòng mình trống vắng hơn lúc đầu?”
Chúng ta không cần phải thất bại hay rơi vào bi kịch để thấy những hầm trú ẩn ấy. Hầu hết sự bất an là kết quả của sự trống vắng Đức Chúa Trời trong đời sống con ngưòi. Becky chia sẻ về việc đến với Chúa như sau: "Kể từ lúc ấy, tôi có nhiều tranh chiến và thay đổi trong đời sống nhưng mọi việc tôi làm đều mang một viễn cảnh mới khi tôi biết có một Đức Chúa Trời đời đời đầy yêu thương luôn bên cạnh mình. Tôi tin rằng không có gì mà tôi và Đức Chúa Trời không thể cùng nhau giải quyết – cũng giống như sự hoàn hảo mà tôi khó nhọc tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng tìm thấy nó.”
Với sự hiện diện của Chúa trong đời sống, chúng ta có thể yên nghỉ cách thanh thản. Khi chúng ta dần biết Chúa và lắng nghe những gì Ngài dạy trong Kinh, Ngài sẽ đem đến sự bình an nội tâm trong đời sống chúng ta vì chúng ta nhận biết Ngài. Chúng ta sẽ nhìn cuộc đời từ góc nhìn của Chúa và nhận thức về sự thành tín cùng quyền năng của Ngài khi Ngài chăm sóc chúng ta. Vì thế, dẫu bất cứ điều gì xảy ra trong thiên niên kỷ mới này, chúng ta có thể đặt niềm trông cậy của chúng ta nơi Chúa, là Đấng Bất Biến. Đức Chúa Trời đang chờ đợi để tỏ chính Ngài ra trong cuộc đời của chúng ta, nếu chúng ta trở lại tìm kiếm Ngài.
Sự bình an nội tâm đích thực – Xây trên Vầng đá
Bạn có đang xây dựng cuộc đời mình trên điều nào đó không? Dù tin hay không, mỗi người đều đang xây dựng cuộc đời mình trên điều gì đó. Mỗi một chúng ta đều có một cái nền, là thứ chúng ta đặt niềm tin và hy vọng lên đó. Có thể cái nền ấy là chính chúng ta -- "Tôi biết tôi có thể khiến cuộc đời mình thành công nếu như tôi cố gắng hết sức." hoặc là một lối sống -- "Nếu như tôi kiếm đủ tiền, cuộc sống sẽ thật tuyệt", hay thậm chí một giai đoạn nào đó -- "Thiên niên kỷ mới này sẽ thay đổi mọi thứ."
Quan điểm của Đức Chúa Trời thì khác hẳn. Ngài bảo đặt niềm tin, hy vọng vào chính mình, vào con người hay bất kì điều gì thế gian này mời gọi đều là đặt trên nền dễ rúng động. Thay vào đó, Ngài muốn chúng ta tin cậy nơi Ngài. Chúa phán rằng: "Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều."5
Khôn ngoan là nên để Chúa can dự vào đời sống chúng ta trong những lúc tai ương đến. Nhưng ý định của Chúa là chúng ta phải có một đời sống sung mãn càng hơn trong mọi hoàn cảnh. Ngài muốn có sự ảnh hưởng tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống chúng ta. Khi chúng ta tin cậy Chúa và lời Ngài, chúng ta đang xây dựng cuộc đời mình trên Vầng đá.
Sự bình an tột bực của tâm trí
Nhiều sinh viên cảm thấy bình an khi họ làm con của một nhà tỉ phú hay biết rằng họ có thể dễ dàng đạt thứ hạng cao. Nhưng có bình an lớn hơn nhiều khi chúng ta có mối tương giao với Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng. Không như chúng ta, Chúa biết mọi điều sẽ xảy ra trong ngày mai, tuần tới, năm tới và thập niên tới. Ngài phán: "Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta."6 Ngài biết mọi điều sẽ xảy ra trong thiên niên kỷ mới này. Quan trọng hơn, Ngài biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của bạn và Ngài sẽ luôn bên cạnh bạn khi điều đó xảy ra, nếu như bạn chọn có Ngài trong cuộc đời bạn. Ngài bảo chúng ta rằng Ngài có thể là "nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân."7 Nhưng chúng ta phải thật tìm kiếm Ngài. Chúa phán: "Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được ta khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng."8
Điều đó không có nghĩa những ai biết Chúa sẽ không trải qua những thời khắc khó khăn. Họ sẽ gặp khó khăn. Nếu đất nước chúng ta phải đối diện với những cuộc tấn công của bọn khủng bố, những người tin Chúa cũng cùng chung số phận. Nhưng sự hiện diện của Chúa đã đem đến bình an và sức mạnh. Một tín hữu theo Chúa Jêsus đã mô tả: "Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất."9 Thực tế cho thấy chúng ta sẽ đương đầu với nhiều nan đề. Dầu vậy, nếu chúng ta trải qua chúng trong mối quan hệ với Chúa, chúng ta có thể phản ứng với nan đề theo cách khác hẳn và bằng sức mạnh không phải là sức riêng chúng ta. Không nan đề nào nằm ngoài tầm tay của Chúa. Ngài lớn hơn mọi nan đề chúng ta có thể gặp phải và chúng ta không bị bỏ một mình để giải quyết nan đề ấy.
Đức Chúa Trời hay săn sóc. Quyền năng lớn lao của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong đời sống chúng ta luôn đi đôi với tình yêu sâu đậm của Ngài. Thiên niên kỷ mới này có thể là thời kỳ hoà bình trên khắp thế giới mà trước nay chúng ta chưa bao giờ chứng kiến, hay cũng có thể có thêm nhiều bạo lực và căm thù giữa các sắc tộc hơn, ly dị nhiều hơn .v.v… Trong trường hợp nào cũng vậy, sẽ không ai yêu thương chúng ta như Chúa yêu chúng ta. Lời Chúa chép: "Đức Giê-hô-va là tốt lành, làm đồn lũy trong ngày hoạn nạn, và biết những kẻ ẩn náu nơi Ngài."10 "lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em."11 và "Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công việc Ngài. Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài, tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài. Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho."12
Chúa Jêsus phán cho các môn đồ của Ngài những lời an ủi sau: "Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ."13 Nếu bạn quay trở về với Chúa, không ai giống như Ngài sẽ chăm sóc bạn theo cách mà không ai khác có thể chăm sóc bạn được như thế.
Tâm trí bình an bởi Chúa
Chúng ta không biết điều gì sẽ đến trong thiên niên kỷ mới này. Nếu thiên niên kỷ mới đem đến nhiều thời khắc khó khăn, Đức Chúa Trời sẽ luôn bên cạnh ta. Nếu nó đem lại cho ta nhiều thời kỳ dễ chịu, chúng ta vẫn cần Chúa để khoả lấp những khoảng trống trong tâm hồn và ban cho chúng ta một đời sống có ý nghĩa.
Trên hết, điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn? Điều thật sự có ý nghĩa là chúng ta không còn bị phân rẽ với Chúa. Chúng ta có biết Chúa không? Ngài có biết chúng ta không? Chúng ta có đặt Chúa ở ngoài cuộc đời chúng ta không? Hay chúng ta để Ngài bước vào? Qua việc nhận biết Chúa, Ngài khiến chúng ta có cách nhìn mới và ban cho chúng ta hy vọng. Qua việc ở trong mối tương giao với Chúa, chúng ta luôn có bình an thật trong mọi hoàn cảnh.
Tại sao Chúa phải là trung tâm đời sống chúng ta? Bởi vì, không có bình an hay hy vọng nào mà tách rời khỏi sự nhận biết Chúa. Ngài là Đức Chúa Trời, chúng ta không phải là Chúa. Ngài không lệ thuộc chúng ta mà chúng ta phải lệ thuộc Ngài. Ngài tạo nên chúng ta là tạo vật cần sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Chúng ta có thể đang cố sống mà không có Chúa, nhưng điều đó thật vô ích.
Chúa muốn chúng ta tìm kiếm Ngài. Ngài muốn chúng ta nhận biết Ngài và có mối liên hệ với Ngài. Nhưng nan đề là tất cả chúng ta không muốn Ngài dự phần vào. Kinh Thánh mô tả điều này như sau: "Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy."14Chúng ta cố gắng sống không có Chúa. Đó là điều Kinh Thánh gọi là "tội lỗi".
Heather, như đã được đề cập ở trên, nói về tội lỗi như sau: "Khi bước vào Đại học Stanford, tôi không phải là Cơ Đốc Nhân. Cả thế giới đang phủ phục dưới chân tôi, chờ đợi để được tôi cách mạng hoá. Tôi tham dự những cuộc họp chính trị, các lớp về chủ nghĩa phân biệt sắc tộc và công bằng xã hội, mải mê với trung tâm phục vụ cộng đồng. Tôi tin vào năng lực của chính mình để làm nên sự khác biệt có ý nghĩa trong thế giới này. Tôi dạy những đứa trẻ cấp một không đủ điều kiện đi học, ban ngày tôi điều hành một khu nhà dành cho người vô gia cư, tôi quyên góp thức ăn thừa để nuôi người đói khổ. Song, càng cố gắng thay đổi thế giới đến đâu, tôi lại càng trở nên thất vọng đến đó. Tôi đối đầu với nạn quan liêu, hách dịch và …tội lỗi. Tôi bắt đầu suy nghĩ có lẽ bản chất của con người cần phải được thay đổi tận gốc rễ."
Sự bình an thật = bình an với Đức Chúa Trời
Thời đại thay đổi cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật không thật sự là vấn đề lớn trong tình hình hiện nay. Tại sao vậy? Bởi vì, vấn đề chính của nhân loại là chúng ta tự tạo khoảng cách với Đức Chúa Trời. Vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải là vấn đề vật chất mà là vấn đề tâm linh. Đức Chúa Trời biết điều này, vì thế Ngài đã ban cho chúng ta một giải pháp cho tình trạng phân cách giữa chúng ta với Chúa. Ngài mở một con đường cho chúng ta nhận biết để quay trở lại cùng Ngài… qua Chúa Jêsus Christ.
Kinh thánh chép rằng: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho những ai tin Con ấy không bị hư mất mà sẽ được sự sống đời đời.15 Chúa Jêsus đã bị đóng đinh (một hình thức xử tử cổ xưa) vì cớ tội lỗi chúng ta, thay cho chúng ta. Ngài đã chết, đã được chôn và và sau đó đã sống lại từ cõi chết. Qua sự chết hy sinh của Ngài mà chúng ta được tương giao với Đức Chúa Trời. "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài."16
Thật đơn giản: Chúa muốn có mối tương giao tốt nhất với chúng ta, do đó Ngài khiến mối tương giao đó thực hữu qua Chúa Jêsus. Phần của chúng ta là phải tìm kiếm Chúa và mời Ngài bước vào đời sống. Nhiều người đã làm điều này qua sự cầu nguyện. Cầu nguyện là trò chuyện chân thành với Chúa. Bây giờ chúng ta có thể đến với Chúa bằng cách nói với Ngài những lời chân thành sau: "Lạy Đức Chúa Trời, con muốn nhận biết Ngài. Con đã không để Ngài bước vào đời sống của con bấy lâu, nhưng con muốn thay đổi. Con muốn tiếp nhận giải pháp của Ngài cho vấn đề phân rẽ giữa con với Ngài. Con tin Chúa Jêsus đã chết vì cớ con để con được tha tội và trở nên công bình trước mặt Ngài. Con mời Ngài ngự vào đời sống của con từ nay cho đến muôn đời."
Bạn có chân thành mời Chúa ngự vào đời sống mình chưa? Chỉ có Chúa và bạn biết chắc điều đó. Nếu bạn đã mời Ngài, bạn sẽ có nhiều điều để trông đợi. Ngài hứa sẽ khiến cho cuộc sống hiện của bạn được dư dật hơn vì cớ mối quan hệ giữa bạn với Ngài.17 Ngài hứa Ngài sẽ đến ở cùng bạn18. Và ban cho bạn sự sống đời đời.19
Melissa, một sinh viên ở New England, nói về Chúa như sau : "Bố mẹ tôi ly dị nhau khi tôi còn rất nhỏ, và tôi thật sự không chắc điều gì sắp xảy đến với mình. Tôi chỉ biết rằng bố tôi không về nhà nữa. Thế rồi, ngày nọ, tôi đến thăm bà tôi và tôi kể với bà rằng tôi không hiểu tại sao bố có thể làm tổn thương tôi rồi bỏ nhà đi. Bà âu yếm ôm tôi vào lòng và bảo rằng có một người sẽ không bao giờ lìa bỏ tôi, và người ấy chính là Chúa Jêsus. Bà trích câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 13:5 và Thi Thiên 68:5: "Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” Và “Ngài sẽ làm Cha của những người mồ côi" Tôi thật sự vui sướng khi nghe Đức Chúa Trời muốn làm Cha của tôi."
Bất kể điều gì xảy ra xung quanh bạn, sự bình an trong tâm trí qua sự nhận biết Chúa sẽ luôn ở với bạn. Dù cho thiên niên kỷ mới này mang đến điều gì chăng nữa, bạn vẫn có Chúa là Đấng Bất Biến.
Để lớn lên trong sự hiểu biết về Chúa và tình yêu sâu rộng Ngài dành cho bạn, bạn hãy đọc sách Phúc Âm Giăng trong Kinh Thánh. Nếu bạn có bất kì câu hỏi về bất cứ vấn đề nào trong bài viết này, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
(1) Kinh Thánh: Ê-sai 44:8 và Ma-la-chi 3:6
(2) Hê-bơ-rơ 13:8
(3) Giăng 14:27 và 16:33
(4) Ê-sai 43:11 và 45:22
(5) Ma-thi-ơ 7:24-27
(6) Ê-sai 46:9-10
(7) Thi thiên 46:1
(8) Giê-rê-mi 29:13
(9) 2 Cô-rinh-tô 4:8-9
(10) Na-hum 1:7
(11) 1 Phi-e-rơ 5:7
(12) Thi thiên 145:17-19
(13) Ma-thi-ơ 10:29-31
(14) Ê-sai 53:6a
(15) Giăng 3:16
(16) Giăng 1:12
(17) Giăng 10:10
(18) Giăng 14:23
(19) 1 Giăng 5:11-13
(2) Hê-bơ-rơ 13:8
(3) Giăng 14:27 và 16:33
(4) Ê-sai 43:11 và 45:22
(5) Ma-thi-ơ 7:24-27
(6) Ê-sai 46:9-10
(7) Thi thiên 46:1
(8) Giê-rê-mi 29:13
(9) 2 Cô-rinh-tô 4:8-9
(10) Na-hum 1:7
(11) 1 Phi-e-rơ 5:7
(12) Thi thiên 145:17-19
(13) Ma-thi-ơ 10:29-31
(14) Ê-sai 53:6a
(15) Giăng 3:16
(16) Giăng 1:12
(17) Giăng 10:10
(18) Giăng 14:23
(19) 1 Giăng 5:11-13