Tôi là một thanh niên đã quen
tự lập từ thuở 14, 15 nên không hề chủ quan khi tin mình có cái nhìn không đến
nỗi tệ. Nhờ thế, mọi người có vẻ an tâm, sau đó thân mật chào đón em.
Em vừa trở thành con dâu chính
thức của gia đình, ba mẹ tôi bỗng dưng ngã bệnh. Ba bị tai biến phải sống thực
vật đến cuối đời, mẹ bệnh nan y, mất sau ngày cưới của chúng tôi vài tháng.
Biến cố đau buồn cứ dồn dập đến với gia đình tôi. Các cô chú trong dòng họ đổ
lỗi tại em “cao số”, không hạp với gia đình nên mới xảy ra cơ sự. Tôi giải
thích, chứng minh vợ mình vô tội để xua tan định kiến cổ hủ đeo bám mọi người.
Dù vậy, em vẫn buồn và luôn hết lòng với gia đình như thể “chuộc lỗi”.
Em về thay thế vai trò “dâu
trưởng” của mẹ. Ở nhà mỗi năm có tới sáu cái giỗ, mẹ đều vén khéo chu toàn,
được lòng cả dòng họ. Ban đầu tôi nghĩ, em không thể nào vượt qua cái bóng quá
lớn của mẹ và tôi cũng không kỳ vọng vào điều đó, bởi mỗi thời mỗi lối sống,
mỗi quan niệm khác nhau. Vậy mà em bắt tay vào tiếp quản gia đình nhà chồng một
cách mau chóng, dù sự hỗ trợ của tôi rất hạn chế. Ngày trước, mẹ tôi còn có ba
đỡ đần, vì ba làm nghề tự do, có điều kiện chia sẻ với mẹ trong mọi việc. Tôi
thì khác, vì tính chất công việc nên chẳng mấy khi phụ giúp được cho vợ, có
chăng chỉ là những lời động viên suông ra chiều... nịnh nọt. Với vợ, được như
thế đã là hạnh phúc. Nhớ mỗi khi đến ngày giỗ, vợ thức suốt đêm để làm bớt
việc. Sáng ra, khi phụ nữ trong dòng họ đến phụ giúp thì hình như mọi việc đâu
đã vào đấy, khiến ai cũng khâm phục cô dâu “bé hạt tiêu” mà đảm đang, tháo vát.
Lại nói về bệnh tình của ba mới
thấy thương vợ tôi hơn. Việc nuôi một người sống thực vật là hết sức gian nan,
vất vả. Nhìn vợ bón từng muỗng cháo, chăm từng hớp nước, giặt từng chiếc khăn,
đến cái quần, cái áo... cho cha chồng đến nay đã bảy năm ròng, tôi càng áy náy
vì lẽ ra mình phải đỡ đần cho vợ nhiều hơn. Tôi lại càng cảm phục hơn khi vợ
chưa một lời than vãn, cũng không một lời trách móc, vẫn vui vẻ vượt qua những
khó khăn để “hoàn thành nhiệm vụ”. Nhìn các thao tác con dâu chăm sóc cha chồng
một cách tận tâm, chuyên nghiệp, ai cũng khâm phục vợ tôi. Tôi tin chắc, dù
không nói được bằng lời nhưng ba tôi cảm nhận tình cảm con dâu dành cho ba như
bát nước đầy. Có lẽ vì thế mà ba hay cười, nụ cười vô thức nhưng vẫn toát lên
sự hàm ơn lẫn hạnh phúc.
Và dường như vợ tôi ít cho phép
mình nghỉ ngơi. Dù ham công tiếc việc, nhưng cô ấy không quên nhiệm vụ chính là
chăm sóc gia đình, chồng con và giúp chồng thăng tiến trong sự nghiệp. Đến nỗi,
trong một cuộc “bình bầu” dâu đảm của dòng họ, vợ tôi còn được xếp đầu bảng.
Tôi thấy mình thật “có phước”!
KHANH KHANH