Câu chuyện làm rúng động cả nước Mỹ trong tháng 11 năm 1994 là chuyện cô Susan Smith, một bà mẹ trẻ sống ở thành phố Union, tiểu bang South Carolina, đã giết hai đứa con nhỏ để không mất tình nhân. Trước một thảm cảnh gia đình quá đau thương như thế, nhiều người chỉ biết lắc đầu hỏi: Tại sao một người mẹ có thể giết chết con của mình một cách tàn nhẫn như thế?
Nhìn lại cuộc đời của cô Susan Smith, người ta thấy rằng cô đã bước vào hôn nhân một cách vội vàng, khi chính cô cũng như người chồng trẻ đều chưa sẵn sàng. Hôn nhân của hai người không được gây dựng trên một nền tảng vững chắc nên đã sụp đổ mau chóng. Không những thế, khi ngã vào tình yêu lần thứ hai, cô Susan Smith cũng không biết rõ những yếu tố cần thiết để gây dựng một hôn nhân vững bền nên cô đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cô nghĩ là cần phải làm để nắm giữ tình yêu đó. Kết quả là, khi thấy người yêu tỏ vẻ không thích trẻ con, cô Susan Smith đã giả vờ bị tai nạn để hai đứa con nhỏ chết chìm dưới sông!
Viên đá thứ ba làm nền tảng cho một hôn nhân hạnh phúc là lòng chân thật. Bạn bè hay anh chị em mà không thành thật đã thấy khó sống chung với nhau, huống gì là vợ chồng. Khi đã nên vợ chồng, cuộc đời chúng ta không những nối liền với nhau và tùy thuộc vào nhau nhưng còn gắn bó làm một với nhau. Vì thế chân thật là điều không thể thiếu được.
Để có một hôn nhân bền vững và để được người phối ngẫu tin cậy, trước hết chính chúng ta phải là người chân thật. Chân thật từ việc lớn đến việc nhỏ, trong mọi nơi và mọi lúc. Nhất là chân thật trong tình yêu chúng ta dành cho nhau. Lời Chúa trong Kinh Thánh khuyên:
Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành (Thư Rô-ma 12:9a)
Bản Diễn Ý dịch câu này là:
Tình yêu thương phải chân thành, phải ghét bỏ điều ác và gắn bó điều thiện
Nếu vợ chồng thiếu lòng chân thật với nhau sẽ đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại. Lý do là vì khi lỡ nói dối một lần, chúng ta thường phải nói dối thêm để che lấp sự dối trá ban đầu, và cứ như thế ta phải tiếp tục nói dối. Dần dần dối trá trở thành một thói quen và chúng ta không còn thấy khó chịu khi nói dối nữa. Có người cho rằng nói dối không phải là tội vì đó chỉ là khôn khéo hay khôn ngoan mà thôi. Đây là điều nguy hiểm vô cùng, vì đối với Chúa, tội dối trá cũng không khác gì những tội gian dâm, giết người, thờ hình tượng... Thánh Kinh cho biết: “Những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và PHÀM KẺ NÀO NÓI DỐI, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai” (Khải huyền 21:8). Nếu đã lỡ có những điều không chân thật với vợ hay chồng, chúng ta cần sửa lại điều không chân thật đó ngay, và tập nói thật với nhau để không trở thành những người giả dối, luôn luôn sống trong giả dối.
Một nguy hiểm khác của tội nói dối là, tất cả mọi sự dối trá không sớm thì muộn cũng sẽ bị lộ ra. Không những thế, khi người bạn đời biết được những điều không thành thật của chúng ta, người ấy sẽ bị tổn thương, thất vọng, và có thể sẽ không kính phục hay tin cậy chúng ta nữa. Hạnh phúc gia đình do đó cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thánh Kinh dạy rằng: “Môi chân thật được bền đỗ đời đời, song lưỡi giả dối chỉ còn một lúc mà thôi” (Châm Ngôn 12:19).
Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên: “Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau” (Ê-phê-sô 4:25). Lời khuyên này áp dụng cho anh chị em trong đại gia đình của Chúa và cũng áp dụng cho gia đình nhỏ bé của mỗi chúng ta. Vợ chồng cũng như cha mẹ và con cái cần phải sống với nhau trong tình thương yêu và lòng chân thật.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta vẫn thấy có những cặp vợ chồng sống bên nhau nhưng không chân thật với nhau. Nhiều người lúc mới quen nhau, vì tự ái hoặc vì muốn tạo một ấn tượng tốt đẹp với người yêu nên đã nói những điều không thật hoặc che giấu sự thật về gia đình, dòng họ hay quá khứ của mình. Có người vì muốn lấy được người yêu nên đã không ngại thêu dệt ra những câu chuyện oai hùng của gia đình, hoặc gán cho mình những bằng cấp, những công trạng mà mình chưa bao giờ đạt được. Khi người kia khám phá ra những điều không thật đó, tự nhiên lòng tin cậy sẽ mất đi. Không những thế, nghi ngờ và khinh miệt có thể chen vào và khiến hạnh phúc gia đình bị sứt mẻ. Có những cặp vợ chồng không bao giờ dám thành thật với nhau nhưng lúc nào cũng phải giữ kẽ hay giữ thể diện và vì thế cứ phải tiếp tục sống với nhau trong giả dối.
Có một ông chồng kia đầy mặc cảm và tự ái. Lúc nào cũng sợ vợ khinh khi nên hay khoe những tài năng mà mình không có. Khi đi làm về ông thường kể cho vợ nghe ở sở ông được khen điều này, thưởng điều kia. Một ngày nọ ông bị mất việc làm nhưng vì xấu hổ ông không dám nói cho vợ biết. Ông cứ giả vờ sáng đi chiều về như là vẫn đi làm. Bà vợ cứ yên trí là chồng đi làm đều đặn chứ không có nan đề gì nên cũng chỉ lo công việc của mình chứ không để ý hay thắc mắc gì cả. Bà chỉ hơi lạ một điều là thấy sao chồng mình lúc này hay cau có, khó chịu và hay nóng giận một cách vô lý. Cuối cùng khi bà biết được là chồng bị mất việc đã mấy tháng nay thì ông xấu hổ bỏ nhà đi đến tiểu bang khác.
Hơn bao giờ hết, trong đời sống mới mẻ và nhiều khó khăn ở tại xứ người, vợ chồng cần thành thật với nhau. Dù sao chúng ta phải công nhận rằng khi bỏ nước ra đi để đổi lấy tự do chúng ta đã mất mát rất nhiều. Có người mất tiền bạc, sự nghiệp, chức phận, địa vị trong xã hội. Người thì mất đi sự vững chãi trong đời sống tinh thần hoặc những tình cảm sâu đậm của xóm giềng và người thân yêu. Trước những mất mát lớn lao đó, vợ chồng cần thành thật chia xẻ với nhau những cảm nghĩ, những ưu tư lo lắng để có thể thông cảm với nhau, nâng đỡ nhau và giúp nhau gây dựng lại đời sống. Nếu chúng ta buồn mà làm như mình không buồn, lo lắng mà làm như không có gì đáng lo, cần vợ hay chồng an ủi mà làm như không cần ai cả, như thế là thiếu thành thật. Sự thiếu chân thật đó sẽ khiến chính ta khổ tâm và cũng làm khổ người thân yêu của chúng ta nữa.
Ngày trước ở Việt Nam, hầu hết các ông không cần đến sự giúp đỡ của vợ về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bây giờ vì đời sống chưa ổn định hoặc vì nhu cầu, nếu cần vợ đi làm để giúp cho gia đình khỏi thiếu thốn, các ông cũng nên thành thật chấp nhận điều đó. Đừng vì tự ái hay mặc cảm mà phủ nhận hay bực bội trước sự kiện gia đình mình cần đến đồng tiền của vợ làm ra. Tương tự như thế, ngày trước các bà có thể một mình quán xuyến mọi việc trong nhà, nhưng nếu bây giờ vì hoàn cảnh hay vì sức khoẻ, phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng, điều đó cũng không có gì đáng trách hay đáng xấu hổ. Đời sống đã có quá nhiều lo lắng, khiến tinh thần chúng ta lúc nào cũng căng thẳng, nếu vợ chồng thành thật với nhau, không giữ kẽ hay che giấu nhau, chúng ta không những bớt đi những căng thẳng không cần thiết, mà còn có thể giúp nhau đối diện với khó khăn trong đời.
Có người không thành thật với nhau trong những chuyện nhỏ nhặt, như điều gì thích thì bảo là không thích, cần nhưng làm ra vẻ không cần. Có những bà vợ muốn chồng nghĩ đến mình, làm điều này điều kia cho mình, nhưng khi chồng làm thì lại không thích và trách chồng tại sao bận tâm lo lắng quá như vậy. Cũng có những cặp vợ chồng vì không quen thành thật với nhau nên muốn điều gì không bao giờ nói ra, rồi khi người kia không biết, không làm hay làm sai ý mình thì buồn giận hoặc thầm trách người đó vô tình, ích kỷ, không nghĩ đến mình. Tất cả những điều này xem như nhỏ nhặt nhưng thật ra có ảnh hưởng lớn lao. Sự thành thật và cởi mở trong những điều nhỏ nhặt sẽ khiến vợ chồng hiểu nhau, thông cảm với nhau và gắn bó với nhau hơn. Ngược lại, thiếu thành thật sẽ khiến vợ chồng ngày càng xa nhau vì không hiểu nhau, không thông cảm và dần dần cảm thấy không còn cần đến nhau nữa.
Có đôi vợ chồng kia không chân thật với nhau ngay từ lúc mới quen nên phải tiếp tục nói dối nhau để che giấu những điều không thật của mình. Kết quả là khi biết rõ sự thật của nhau, hai người đã đưa nhau ra tòa ly dị! Người chồng là một thanh niên qua Mỹ từ năm 1975, đã có gia đình nhưng đã ly dị. Vào đầu thập niên 90, khi có phong trào thanh niên Việt Nam về quê kiếm vợ, anh cũng trở về để tìm một người vợ khác. Về lại quê hương, với nhãn hiệu “Việt kiều,” anh được bao nhiêu gia đình có con gái săn đón. Để được mọi người khâm phục, anh đã nói những điều không thật về chính mình. Anh nói rằng anh còn độc thân, tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư, đang làm phó giám đốc trong một hãng lớn, xe hơi thì hai ba chiếc, v.v... Khi tìm được người vừa ý, anh mượn bạn một số tiền và về làm đám cưới thật linh đình.
Khi người vợ mới cưới qua đến Mỹ mới vỡ lẽ ra là anh đã một lần ly dị, có hai đứa con. Anh làm công nhân trong một hãng xưởng nọ với đồng lương đủ ăn nhưng đời sống chật vật vì ngoài những món nợ phải trả hằng tháng anh còn phải cấp dưỡng tiền cho vợ trước nuôi con. Đã thế, anh là người say sưa, nóng nảy và hung dữ. Cô vợ mới thật ra cũng chẳng yêu thương gì anh, vì hai người chỉ quen nhau trong vòng hai tháng, gặp nhau khoảng bốn, năm lần trước khi làm đám cưới. Mục đích của cô gái khi lấy anh là mong ra khỏi nước rồi tìm cách liên lạc với người tình cũ!
Ngày nay có nhiều người dùng chuyện hôn nhân, cưới hỏi để làm những chuyện gian dối. Người thì bỏ tiền ra “mua” một người chồng, người vợ, để được đi ra nước ngoài. Người thì “bán” cái danh nghĩa Việt kiều, làm đám cưới với người ở Việt Nam để kiếm vài ngàn Mỹ kim. Khi chúng ta làm những điều thiếu chân thật và không ngay thẳng như thế sẽ không tránh được hậu quả về sau. Thánh Kinh cảnh cáo: “Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).
Để tạo lòng tin cậy ở nhau, vợ chồng cần sống với nhau trong chân thật. Dù là điều tốt hay điều xấu, ưu điểm hay khuyết điểm, thành công hay thất bại, chuyện vui cũng như chuyện buồn, chúng ta nên nói cho nhau biết. Dù gặp chuyện may, chuyện rủi; dù nhờ tài năng mà được điều tốt hay vì sự vụng về của mình mà xảy ra những chuyện không hay, chúng ta cũng nên nói cho nhau biết chứ đừng giấu nhau. Tuy nhiên, điều gì cũng cần phải có sự quân bình. Nếu chúng ta quá thành thật và thẳng thắn mà thiếu tế nhị, có thể gây tổn thương cho người khác. Quá thành thật mà thiếu khôn ngoan cũng có thể gây thiệt hại cho chính mình.
Có người khi nóng giận hay bất bình điều gì là nói thẳng ra hết tất cả những phiền giận chất chứa trong lòng, không cần biết người nghe có bị tổn thương hay không. Đây cũng là điều chúng ta phải tránh. Lời Chúa khuyên chúng ta phải nói thật nhưng nói với lòng yêu thương, để không gây thương tổn cho người nghe. Trong thư gởi cho các tín hữu tại thành Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô viết: “Chúa muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc… nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Thư Ê-phê-sô 4:14-15).
Lòng chân thật cũng như yêu thương và tin cậy, phải là điều hỗ tương. Nói như thế có nghĩa là vợ chân thật với chồng thì chồng cũng phải chân thật với vợ, nếu vợ không giấu chồng điều gì thì chồng cũng không nên nghi kỵ hay che giấu vợ điều gì. Không gì tội nghiệp cho bằng những bà vợ yêu chồng với tình yêu chân thật, nhưng người chồng thì thiếu chân thật, nay giấu vợ điều này, mai lừa dối vợ điều kia. Ngược lại, cũng thật tội nghiệp cho những ông chồng chân thật nhưng sống bên một người vợ giả dối.
Minh Nguyên