Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Dám Sống Trên Bờ Vực (3)


ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TIỀN BẠC

Bạn hãy thò tay vào túi và lấy ra một đôla nếu có. Mở rộng tờ bạc ra và nhìn vào đó. Hãy nhìn vào mặt trước, có các hình vẽ và hình in khắc, lật sang bên kia và nhìn vào các dấu hiệu đặc biệt trên mặt sau.

Nó là một tờ giấy ,được in khắc với sự pha trộn của mực đen và xanh lá. Một tờ giấy chứng nhận có giá trị cao với những sợi lông chỉ xanh đỏ trên nó. Đó chỉ là một tờ giấy và mực. Mỗi năm, chính phủ Hoa kỳ phát hành 1.600.000.000 tờ giấy bạc một đôla; bốn, năm tỉ tờ năm, mười, hai mươi, năm mươi và một trăm đôla. Những tấm giấy lớn màu xanh lá cây chạy qua máy in, được cắt và niêm cẩn thận, rồi chuyên chở đến các nhà băng trên toàn quốc để được cất giữ.

Đó là một loại hàng hóa đặc biệt, những chiếc máy in tương tự chỉ có thể sản xuất dễ dàng các thứ nhãn hiệu đủ loại. Nhưng những máy in tiền là thứ giấy cho phép giá trị công việc hoặc sản phẩm của một người được chuyển đổi thành một hình thức mà người ta có thể mang trong túi và trao đổi với các thứ hàng hóa khác hoặc các dịch vụ mà người đó cần, thậm chí mang theo đến nửa vòng trái đất cũng được. Đó là tiền.



Tuy nhiên, điều gì đó trong những mảnh giấy được in khắc này có thể hủy hoại một cuộc hôn nhân hoặc làm cho người nam người nữ phải hy sinh thì giờ nhàn nhã với gia đình và bạn bè, thậm chí cả sức khỏe để kiếm được chúng. Tờ giấy vô tội mà bạn đang cầm trên tay đã xô đẩy các thanh niên sống trong thành phố dụ dỗ các bạn bè họ nếm thử các chất kích thích giết người. Nó đã làm hỏng sự công nghĩa của người muốn bắt đầu đời sống ngay thẳng theo luật pháp. Lòng tham muốn tiền bạc đã dẫn người lớn đến chỗ thi hành cho trẻ những điều xấu xa không thể tả xiết, làm cho hàng triệu trẻ em phải ở trong tình trạng bị kinh doanh mại dâm. Sự tham muốn giàu sang thậm chí đã gây ra chiến tranh. Bằng cách nào đó, tiền bạc đã có được năng lực khủng khiếp để giành quyền kiểm soát linh hồn con người.



Sức mạnh của tiền bạc có thể mang lại sự sống hoặc sự chết. Tôi xin kể cho bạn nghe hai câu chuyện



Gần 20 năm trước, có một người ở miền Nam bang California đã dâng 2.000 Mỹ kim cho tổ chức YWAM để mua một bất động sản nằm tại một quốc gia ở Nam Thái bình dương thuộc đảo Fiji, không xa phi trường ở Nadi lắm. Trong nhiều năm, bất động sản này đợi ở đấy. Cuối cùng, vào năm 1983, một đội ngũ do Neville Willson hướng dẫn đã đến để đi tiên phong trong một công tác lâu dài ở Fiji. Chúng tôi có kể về một số người trong câu chuyện của ông Neville trong chương trước. Họ bắt đầu sử dụng căn nhà đó, một cấu trúc xây dựng đơn giản, phần lớn giống như căn nhà của những người hàng xóm trong các cánh đồng mía. Căn nhà ấy được sử dụng cho rất nhiều công tác hầu việc, kể cả việc phát động một dây chuyền cầu nguyện liên tục 24 giờ cho công việc truyền giáo của từng quốc gia trên thế giới. Họ đã cầu nguyện liên tục kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1989 cho đến nay, hơn 24.000 giờ, cho những nơi như Mông cổ, Ả rập, Saudi và nước Nga.



Về cơ bản, họ chẳng bao giờ có nhiều tiền bạc, nhưng họ có những tham vọng lớn để ảnh hưởng đến các quốc gia. Tám nhà truyền giáo người đảo Fiji đã đến những nơi như Ấn độ và các quốc gia khác nữa. Họ cũng muốn thực hiện một cuộc thay đổi ở tại đảo Fiji. Vì vậy, họ bắt đầu giúp đỡ những đứa bé nghèo nhất trên đảo, là con em của các công nhân sống trong ruộng mía mà nhiều người trong số họ từ Ấn độ đến, bằng cách bắt đầu một trường dành cho những trẻ em trước tuổi đến trường.



Trong các trường tiểu học của người Ấn độ ở tại Fiji, những đứa trẻ học giỏi được ngồi chỗ danh dự trên các hàng ghế đầu. Những em học kém thì phải ngồi ở các hàng ghế sau. Dân địa phương nói rằng con em của công nhân ruộng mía không bao giờ được ngồi ở các hàng ghế đầu. Từ nhiều thế hệ, chúng luôn học dở và cứ phải ngồi ở các hàng ghế sau. Ngày nay, nhờ có trường của hội YWAM dành cho trẻ trước tuổi đi học, con em của các công nhân ruộng mía đã được ngồi trên những dãy ghế đầu! Và một số phụ huynh của các em đã được hoán cải từ Ấn độ giáo đến chỗ đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus.



Tất cả những điều này, nào là trẻ em với một tương lai sáng lạng, các bậc cha mẹ với một đức tin mới mẻ, các nhà truyền giáo trẻ được sai phái ra đi sau một kỳ cầu nguyện kéo dài trên ba năm cho các dân tộc, đều là do một người từ California đã bằng lòng đầu tư 2.000 Mỹ kim cho công việc Chúa ở xa xôi mãi tận các hòn đảo của người Fiji. Như thử số tiền ấy đã đem lại sự sống, như một hạt giống được trồng và Đức Chúa Trời làm cho nó lớn lên.
Không phải lúc nào người ta cũng dâng tiền một cách rộng rãi và không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại sự sống. Nó có thể mang lại sự chết nữa đấy. Tôi xin kể cho bạn nghe câu chuyện thứ hai.



Năm ngoái, một cột lửa đỏ rực cùng các cuộn khói đen kịt cuốn lên bầu trời đêm của khu Austin, thuộc tiểu bang Texas, khi các nhân viên cứu hỏa vừa đến một căn hộ hai tầng rực lửa. Trong lúc các còi cứu hỏa hú rầm rĩ từ từ ngừng lại, nhiều người trong bộ đồ ngủ, đồ lót, thậm chí trong các tấm trải giường chạy ra khỏi tòa nhà. Một người lính cứu hỏa trẻ tuổi kinh hoàng nhìn lên khi trông thấy rõ ràng một phụ nữ mang thai đang đứng gào thét tuyệt vọng bên trong một cửa sổ của tầng hai. Và rồi, để đáp lại những tiếng gọi khẩn cấp bằng tiếng Tây ban nha của một thiếu phụ trẻ tuổi đang đứng dưới đất, cô ta nhảy xuống và chạm đất rơi đánh uỵch với tiếng rên rỉ đau đớn.


Những người lính cứu hỏa vội vàng nối các vòi nước và tiến thẳng vào giữa sức nóng kinh hồn, nhưng kinh nghiệm cho họ biết rằng đã quá trễ để cứu lấy tòa nhà hoặc bất cứ ai còn kẹt trong đó. Đây là một đám cháy nổ, có lẽ đã bắt đầu bởi dầu hỏa hoặc một chất dễ cháy nào đó.



Ở tầng trệt, một người đàn ông và một phụ nữ lảo đảo xông ra như những ngọn đuốc biết đi. Các y tá chạy đến, phủ những tấm mền lên mình họ để dập lửa, cố gắng yên ủi và dìu họ vào xe cứu thương.



"Không, tôi không đi đâu!", người phụ nữ gào lên, gương mặt bà đầm đìa nước mắt "Con gái tôi còn trong đó! Tôi không đem nó ra được!"



Ngay khi ấy căn hộ của họ đã chìm trong biển lửa, người y tá trẻ tuổi lắc đầu buồn bã và cương quyết đưa bà về phía xe cứu thương.



Trời hầu như đã hừng sáng trước khi họ tìm thấy thi hài của bé gái 15 tháng trong đống đổ nát vẫn còn ngún khói. Nhưng trước khi tìm ra thi thể của em, giới chức trách đã tìm được sự thật khủng khiếp về nguyên nhân của vụ hỏa hoạn.



Một người đàn ông tức giận bởi ai đó không chịu trả cho ông 8 Mỹ kim, đã bắn súng pháo vào căn hộ qua một cánh cửa sổ và trúng vào một chất dễ bắt lửa. Tòa nhà bị thiêu rụi, bốn mươi tám người không có chỗ ở, bảy người phải vào nhà thương và một em bé bị chết. Tất cả chỉ vì một vụ cãi vả và 8 Mỹ kim.



Vì sao tiền bạc lại có một sức mạnh ghê gớm như vậy trên con người?



Đức Chúa Trời nghĩ gì về tiền bạc? Ngài có xem nó như là một điều ác bắt buộc phải có không? Có phải Chúa Jesus đã đặt Đức Chúa Trời và tiền bạc vào hai vị thế chống nghịch nhau khi Ngài phán "Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa" không? (Mat Mt 6:24).



Tiền bạc không phải là điều xấu, nhưng yêu mến tiền bạc là một điều ác. Phao Lô nói rằng lòng yêu tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác (ITi1Tm 6:10). Tiền bạc tự nó không có gì là xấu cả. Nhưng chính vì tội lỗi ở trong tấm lòng con người, chính lòng yêu tiền bạc đã đem người ta đến chỗ đau đớn và nô lệ, ngay cả đối với những Cơ Đốc nhân. Tiền bạc cũng giống như một con tắc kè hoa, thay đổi màu sắc tùy theo tấm lòng của chủ nó.



Có loại tiền bạc được xem như thứ tiền ô uế hoặc "đồng tiền bị vấy máu". Ngay đến các thầy tế lễ cả cũng hiểu được điều đó, họ đã từ chối cất lại tiền của Giuđa vào kho.



Tuy nhiên, tiền bạc tự nó không xấu. Nó chỉ là mảnh giấy có mang dấu mực. Tiền bạc và Đức Chúa Trời cũng không chống nghịch nhau. Thật ra, Đức Chúa Trời vẫn thường sử dụng tiền bạc như một công cụ hữu ích cho nhiều công việc. Ngài dùng tiền bạc, hoặc việc thiếu tiền bạc để thử luyện chúng ta, để xem điều có trong lòng chúng ta. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc là đồng hồ đo lường giá trị ưu tiên của bạn.



Khi một người trúng lô xổ số của nhà nước, một trong những câu hỏi đầu tiên mà các phóng viên thường hỏi người ấy là "Anh sẽ làm gì với số tiền này?". Điều chúng ta không nhận ra đó là Đức Chúa Trời cũng hay hỏi chúng ta câu hỏi đó đối với mỗi một đồng bạc được đặt vào tay chúng ta. Điều chúng ta thực hiện với số tiền mình có sẽ bộc lộ bản tánh của chúng ta. Nếu trung tín trong lãnh vực tiền bạc, Chúa Jesus phán rằng chúng ta cũng sẽ được giao cho những của cải thuộc linh (LuLc 16:11)



Đức Chúa Trời cũng dùng tiền bạc để dạy chúng ta tin cậy Ngài. Bạn còn nhớ cách Êli được Chúa dẫn dắt đến một khe nước nơi Ngài giấu ông một thời gian trong suốt cơn đói kém lớn không? Chắc chắn ông đã nhanh chóng ổn định cuộc sống trong một thói lệ thông thường, mỗi ngày ông biết rõ giờ nào phải trông đợi quạ mang bánh buổi sáng và buổi chiều. Ông ngồi bên con suối mát mẻ dưới bóng mát của nó. Thế rồi, chậm chạp nhưng chắc chắn, con suối của ông cũng phải khô cạn đi.



Đức Chúa Trời không để cho ông thoải mái tin cậy vào con suối đó, mặc dầu nó đã từng là điều Ngài dự bị cho ông. Ngài sửa soạn dẫn Êli đến một nơi khác, bởi vì Ngài đã làm cho con suối của Êli cạn đi.



Khi nguồn tài chánh của chúng ta cạn đi, chúng ta sẽ sẵn sàng lắng nghe Chúa là Đấng muốn sự độc lập có tính ngoan cố của chúng ta phải lệ thuộc vào Ngài. Mục đích duy nhất của Ngài là để dạy dỗ chúng ta và đem chúng ta đến gần Chính Mình Ngài hơn. Chúng ta rất dễ đi vào một mức độc lập lớn hơn mức mà Ngài thấy là tốt nhất cho chúng ta.



Chúng ta cần nhận biết rằng việc thiếu thốn tiền bạc dứt khoát là điều đến từ Chúa cũng như việc được cung ứng tiền bạc vậy. Mới đây, trong lúc tôi đang trên một chuyến đi đến với các quốc gia đang phát triển, "khe suối" tài chánh của riêng tôi dường như đã bị cạn đi trong một lúc. Darlene về quê nhà tại Hawaii, mà không hề biết nguồn tài chánh của chúng tôi đã cạn kiệt như thế nào. Rồi ngày nọ, không còn tiền trong ngân hàng. Cũng chẳng còn tiền trong bất cứ chiếc ví nào. Vậy mà nàng lại đã lên chương trình đi ăn tiệm với một số bạn hữu. Nàng lục tìm khắp các tủ trong nhà để xem có đồng nào còn lạc loài. Và cuối cùng, dẫu không nhiều nhưng cũng vừa đủ ít nhất để trả cho nhà hàng mà nàng đã chọn.



"Đức Chúa Trời muốn em phải lưu tâm". Về sau nàng kể lại cho tôi, "Vì vậy em hỏi Ngài vì sao hôm ấy chúng ta lại không có tiền". Khi Darl yên tịnh và lắng nghe thì Chúa phán rằng "Lâu nay, con đã tin cậy ta về những nhu cầu nhỏ mọn hằng ngày, chẳng hạn như việc cung cấp một ống kem đánh răng. Hàng ngàn người trẻ tuổi trong tổ chức YWAM cũng đang trải qua bài học này mỗi ngày. Ta chỉ muốn nhắc nhở con rằng những nhu cầu của con cũng như của họ đều được chính Ta thỏa đáp".



Từ trước đến nay, tôi vẫn được nghe về việc những khe suối của người khác cạn kiệt, một số trường hợp còn nghiêm trọng hơn tình huống tạm thời nầy của chúng tôi nhiều. Một tôi tớ Chúa đã dốc đổ lòng ông ra với chúng tôi, ông nói ông và vợ đã chia xẻ những nhu cầu của công tác chức vụ trong các hội thánh suốt một năm mà không hề nhận được lời cam kết ủng hộ nào. Không có một đồng. Tôi nghĩ mình có thể nhận định được một số lý do về việc đó, nhưng vì để đẩy ông vào chỗ nhận được sự hiểu biết từ nơi Chúa. 

Tuy nhiên, tôi đã biết rõ được một điều. Những sự thiếu thốn lạ lùng như vậy cũng là một phép lạ nữa. Sự thiếu thốn đó cũng là một phép lạ giống như sự tiếp trợ dư dật bất ngờ về mặt tài chánh. Bởi vì một cặp vợ chồng đáng mến và đáng kính như vậy mà phải thiếu thốn suốt trong một năm mà không cá nhân nào hay một hội thánh nào dâng hiến giúp đỡ thì đó cũng là một phép lạ. 
Khi khe nước khô cạn, chúng tôi cần cầu hỏi Chúa phải dời chuyển đến đâu, cũng như Êli đã làm.



Bởi vì tiền bạc là quan trọng trong đời sống chúng ta. Lời Chúa dành nhiều chỗ để nói đến nó. Thật vậy có 3225 câu Kinh Thánh nhắc đến vấn đề tài chánh. Chúng ta không phải thắc mắc xem Đức Chúa Trời nghĩ gì về tiền bạc và công dụng của nó khi chúng ta tra xem các câu Kinh Thánh ấy. Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy những gì Kinh Thánh phải nói về một số trong các lãnh vực quan trọng nầy. Với những nền tảng đó, chúng ta có thể tiếp tục làm bất cứ điều gì Chúa dẫn dắt trong sự tự do hoàn toàn.


Có nhiều kế hoạch làm giàu hứa hẹn sự tự do về mặt tài chánh. Đức Chúa Trời cũng hứa ban cho sự tự do về mặt tài chánh, nhưng sự tự do của Ngài hoàn toàn khác với những hứa hẹn rỗng tuếch của những người môi giới và buôn bán. Ngài hứa rằng chúng ta sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha chúng ta. Điều đó gồm cả việc học biết lẽ thật về tiền bạc. Chúng ta có thể thật sự được buông tha.



Nhưng trước hết, cần học biết một số điều về đối thủ của chúng ta và về tiền bạc. Đức Chúa Trời không phải là Đấng duy nhất quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Kẻ thù của chúng ta, Satan cũng dính dáng rất nhiều đến tiền bạc, cả trên bình diện lớn, quốc tế, lẫn trong lĩnh vực riêng tư chống lại chúng ta với tư cách mỗi cá nhân.



VUA CHỨNG KHOÁN WALL STREET


“Còn như kẻ muốn nên giàu có ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt . Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác ” (ITi1Tm 6:9-10).


Đó là vào năm 1851. California chỉ vừa mới trở thành tiểu bang được hơn một năm. Nhưng đã có một thứ màu vàng sáng và lấp lánh được tìm thấy trong các con sông chưa bị đào phá ở phía Bắc. Thứ đã bắt lấy con người ta và làm thay đổi đời sống họ. Vàng!



Một người đàn ông, Đại tá Reddick Mc Kee được cử đến để đứng đầu một trong ba nhóm khảo sát do Nha Sự Vụ Anh Điêng chỉ định. Nhóm của ông ta đã lần theo con đường tiến lên phía Bắc dọc theo sông Klamath đến thung lũng Scott, quê hương của người Da đỏ Shasta. Họ được những người Mỹ bản xứ tại đó tiếp đón một cách nồng hậu, những người nầy cũng đã đối xử rất tử tế với một vài người khai thác mỏ đã đến đây trước đó. Không giống phần nhiều các bộ tộc hiếu chiến, người dân Shasta lịch sự và thân thiện, giản dị và có lòng tin cậy.





Đại tá McKee triệu tập một buổi mít ting với người dân Shast để thảo ra một hiệp ước, tức là một thỏa thuận nhằm cho phép họ có những quyền hạn khi có thêm nhiều người da trắng đến đây, vì việc tìm vàng, một làn sóng người chắc chắn gia tăng, McKee và chính quyền biết rõ điều đó. Có ba ngàn chiến sĩ người Shasta hưởng ứng lời kêu gọi triệu tập buổi mít ting của ông và cắm trại gần Fort Jones.



Cuối cùng, các thỏa thuận đã hoàn tất và 13 tù trưởng người Shasta ký vào hiệp ước cùng với đại tá McKee và các nhân chứng khác. 
"Và bây giờ, chúng tôi muốn mời các bạn trở thành các vị khách quý của chúng tôi trong một một buổi đại tiệc!". Đại tá McKee tuyên bố qua thông dịch viên để bày tỏ với đám đông dân Da đỏ này. "Chúng ta gọi đó là một buổi liên hoan ngoài trời, ăn thức ăn nướng! Chúng tôi muốn đãi các bạn một bữa đặc biệt để đánh dấu cho tình bạn của chúng ta".



Có một số người Da đỏ không đến dự buổi liên hoan ngoài trời. Họ không tin Đại tá McKee và những người da trắng. Nhưng phần lớn dân chúng đều đến trong ngày ấy. Hàng ngàn người Da đỏ ngồi đầy những chiếc bàn dài, nhận các đĩa thức ăn đầy thịt thái mỏng mới nướng kèm với các ổ bánh mì nhỏ. Họ ngồi trong ánh nắng khô lạnh của tiết trời mùa thu theo từng nhóm nhỏ và bắt đầu ăn. Chỉ một vài người để ý rằng các vị chủ tiếp đãi họ, những người da trắng là không ăn gì cả. Một vài phụ nữ Da đỏ đã kết hôn với những thợ khai thác mỏ cũng không ăn gì cả.



Qua ngày sau, một bác sĩ trên chiếc xe ngựa đi qua thung lũng Scott nhìn thấy những hình thù kỳ dị ở bên đường. Người đánh xe dừng lại và vị bác sĩ vội vàng leo ra, ông kinh khiếp đến buồn nôn khi nhận ra những đống hình thù kỳ dị ấy chính là những xác chết. Trong đời ông chưa bao giờ chuẩn bị để thấy những gì ông đã nhìn thấy trên đường trong buổi sáng hôm ấy. Hàng trăm người Da đỏ chết nằm la liệt dọc theo con đường mòn, thi thể của họ vẫn còn biểu hiện của sự quằn quại đau đớn cực độ.



Thoạt đầu vị bác sĩ e rằng họ đã chết vì một loại bịnh dịch nào đó. Song họ chết trên đường từ bữa tiệc liên hoan về nhà! Họ là nạn nhân của thịt bò bánh mì có tẩm thuốc độc Stricnin. Trước khi chiều tối, bác sĩ và những người khác đã tìm thấy hơn 300 xác chết. Một trong số ít ỏi những người Da đỏ còn sống sót, Tyee Jim đã chôn cất những xác chết đó. Bản tin nầy được tường thuật trên tờ Alta News, từ Alta tiểu bang California, đề ngày 5 tháng 11 năm 1851. Không có một cuộc điều tra chính thức nào về cuộc tàn sát nầy được xúc tiến. Những con người Da đỏ Shasta không còn nữa. Rốt cuộc thì điều đó đơn giản hơn nhiều so với việc phải bận tâm đến các hiệp ước cùng với các quyền lợi về đất đai trong thời mà người ta đổ xô đi tìm vàng ở California.



Câu chuyện khủng khiếp về việc thảm sát người Da đỏ Shasta đã xảy ra chỉ tiêu biểu cho một phần rất nhỏ những tội ác ra từ satan kể từ buổi khai thiên lập địa. Tội ác thường đi đôi với lòng tham của cải. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bỏ qua câu Kinh Thánh mà chúng ta được nghe rất nhiều lần. Câu Kinh Thánh ấy phán như vầy: Vì lòng yêu tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác .



Exe Ed 28:12-19 cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua có sức hấp dẫn lớn về quá khứ, trước khi Luxiphe nổi loạn và trở thành Satan. Hãy chú ý lòng tham mê giàu sang bằng cách này hay cách khác có liên quan đến sự chống nghịch của hắn. Cũng vậy, bạn hãy chú ý đến sự sang trọng được mô tả sau đây:



Hỡi con người, hãy làm một bài ca thương về Vua Tyrơ và nói cùng người rằng: Chúa Giêhôva phán như vầy Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn . Ngươi vốn ở trong Eđen, là vườn của Đức Chúa Trời . Ngươi đã có đầy mình mọi thứ ngọc báu, là ngọc mã não, hoàng ngọc, kim cương, lục ngọc thạch, hồng ngọc, ngọc thạch anh, ngọc lam,bích ngọc và ngọc lục bảo . Nghề làm ra trống cơm ống sáo thuộc về ngươi . Tất cả đều cân trên vàng ròng và được ban cho ngươi trong ngày ngươi được sáng tạo . Ngươi là một Chêrubin được xức dầu đương che phủ, ta đã lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời, ngươi đã đi dạo giữa những hòn ngọc sáng như lửa . Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi .



Nhơn ngươi buôn bán thạnh lợi, lòng ngươi đầy sự hung dữ, và ngươi đã phạm tội . Vậy ta đã xử ngươi như là vật ô uế xuống khỏi núi Đức Chúa Trời, hỡi chêrubin che phủ kia, ta diệt ngươi giữa các hòn ngọc sáng như lửa!



Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm hư khôn ngoan mình . Ta đã xô ngươi xuống đất, đặt ngươi trước mặt các vua, cho họ xem thấy . Ngươi đã làm ô uế nơi thánh ngươi bởi tội ác ngươi nhiều quá và bởi sự buôn bán ngươi không công bình, ta đã khiến lửa ra từ giữa ngươi, nó đã thiêu nuốt ngươi và ta đã làm cho nguơi trở nên tro trên đất, trước mặt mọi kẻ xem thấy . Hết thảy những kẻ biết ngươi trong các dân sẽ sững sờ về ngươi . Kìa ngươi đã trở nên một cớ kinh khiếp, đời đời ngươi sẽ không còn nữa.

Kinh Thánh cho chúng ta biết những gì chúng ta cần biết chứ không phải luôn luôn nói hết mọi điều. Chúng ta không được cho biết Luxiphe đã bắt đầu tham gia vào việc buôn bán như thế nào, hay là đã buôn bán với ai, nhưng hắn đã giữ một loại vai trò giám sát nào đó trên sự giàu có. Đoạn Kinh Thánh nầy gọi hắn là "Vua Tyrơ"



Hẳn nhiên, tiên tri Êxêchiên đã được ban cho một lời tiên tri với một sự liên hệ hai chiều, đó là một phần dành cho vị vua Tyrơ có thật, một nhân vật lãnh đạo quốc gia đứng đầu thương mại vào thời đó. Nhưng phần kia ám chỉ đến Luxiphe. Không một vị vua nào của nhân loại có thể được nhắc đến như là một người đã từng "ở Êđen" hoặc là một "Chêrubin được xức dầu" ở trên "Núi thánh của Đức Chúa Trời". Những điều trưng dẫn trên trong Êxêchiên đoạn 28 rõ ràng thuộc về một nhân vật được biết đến như Satan.



Ngày nay chúng ta sẽ mô tả vai trò đó của Satan như thế nào? Chúng ta không gọi hắn là Vua Tyrơ được. Mà có thể gọi nó là Vua của thị trường tiền tệ Mỹ, tức là Vua của phố Wall. Bạn thấy đấy, Satan đang tìm cách kiểm soát thị trường buôn bán của cả thế giới. Nó cai trị con người bởi lòng tham muốn tiền bạc của họ. Qua việc trao đổi bất chánh, nó cố gắng khống chế không những lãnh vực kinh doanh mà cả những lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, việc chăm sóc sức khỏe; quan điểm chính trị và việc thống lĩnh phương tiện truyền thông, nghệ thuật, giải trí và thể thao, giáo dục, thậm chí ở các giáo hội và gia đình.



Satan sử dụng các chiến thuật đó để buộc con người bị nô lệ về mặt tài chánh như lòng tham, tham vọng về quyền lực, sự kiêu ngạo, và sự sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi những bất ổn về tài chánh.



Khi nhắc đến lòng tham, có lẽ chúng ta liên tưởng đến một người giàu có, keo kiệt. Một kẻ bủn xỉn như gã Scrooge bần tiện, ngồi trên đống tiền săm soi những đồng xu và tiền giấy của gã. Tuy nhiên, tham lam còn phổ biến hơn giữa vòng những người nghèo và người không giàu lắm. Những ai tiêu xài nhiều nhất với lòng tham dục vì cớ quyền lợi của chính mình là kẻ có ít nhất. Lòng tham đã đưa các bậc cha mẹ ở tại Ấn Độ tới chỗ đánh gãy chân con cái mình, dùng chúng làm những đứa trẻ ăn xin, moi thêm lòng thương hại do tình trạng què quặt. Tại Hoa Kỳ, những đứa bé sống trong thành phố đang giết các trẻ khác chỉ để chiếm lấy đôi giày thể thao đắt tiền.



Mặt khác, những người đã nắm quyền trên của cải lại bị cám dỗ nhiều hơn bởi lòng tham muốn được thống trị trên những người khác. Bởi lòng tham của những người nghèo, người giàu dùng sự giàu có của mình để điều khiển người nghèo. Mới đây tại Connecticut, một người chủ cửa hàng giày dép tuyên bố phá sản, ông nói điều đó đã xảy ra là vì một dấu hiệu mà ông đặt trong tủ kính của mình, để cho các tay buôn bán ma túy biết rằng ông không cần việc mua bán của họ trong cửa hàng của ông. Trước đó nhiều tháng, ông đã từng tiếp xúc với những người đại diện hãng sản xuất của một trong những mặt hàng hấp dẫn nhất thuộc giày thể thao. Họ cho biết họ đang khai trương nhiều cửa hàng giày trong thành phố của ông. Khi ông phản đối và bảo rằng không có nhiều nhu cầu trong khu vực này, những người đại diện đã nói với ông "Hãy kiếm thêm khách hàng. Tìm các tay buôn bán ma túy. Họ sẽ mua những đôi giày đắt tiền nhất của chúng ta".


Song ông từ chối làm điều đó. Và ông đã vỡ nợ. Khi nhà báo phỏng vấn, hỏi rằng làm cách nào ông biết được ai là những tay buôn bán ma túy. Ông đáp: "Khi một thanh niên trạc 19 đến 22 tuổi trong một chiếc xe hơi bóng loáng kiểu thể thao đắt tiền đỗ lại, bước xuống, mang trên mình các sợi dây chuyền vàng trị giá hàng ngàn Mỹ kim và đi vào cửa hàng của bạn, chọn ngay đôi giày đắt nhất cửa hàng, chi ra hàng trăm Mỹ kim mà chẳng thèm bận tâm đến việc đợi bạn thối tiền, thì bạn phần nào hình dung được anh ta kiếm đâu ra nhiều tiền vậy.



Nhưng đằng sau lòng tham mê đó là những con người thế nào? và họ tìm kiếm những gì? Ban đầu bạn chỉ sở hữu thật nhiều giày dép, thật nhiều Tivi và đầu máy(VCRs), thật nhiều xe hơi và nhà cửa. Nhưng rồi sự sở hữu trở thành nỗi mê đắm trong chính trò chơi ấy, tức là sức mạnh trên những của cải mà tiền bạc có thể đem lại.



Lòng kiêu ngạo cũng là một phương thức nữa để Satan thống trị con người và tiền bạc của họ. Bạn có khi nào nghe những lời quảng cáo hứa hẹn về "niềm kiêu hãnh của người sở hữu". Một hãng quảng cáo trên Tivi giới thiệu kiểu xe hơi sang trọng với giọng nói thật ngọt ngào của phát thanh viên rót vào tai, "Điều gì sẽ nuôi được tâm linh của bạn đây?" lời gọi mời lòng kiêu hãnh một cách sống sượng như vậy khiến chúng ta nhớ đến Satan, vua Tyrơ, kẻ đã đem lòng kiêu ngạo và bị hư nát khi hãnh diện về sự lộng lẫy của mình.



Vua Tyrơ cũng khống chế người ta qua nỗi lo sợ của họ về những bất ổn trong lãnh vực tài chánh. Người ta thường sợ không có đủ tiền, sợ mất tự chủ, quyền hành. Nếu sợ hãi ngăn trở chúng ta vâng lời Chúa trong bất cứ lãnh vực nào Ngài khuyên dạy, thì chúng ta thật yếu đuối trước sự sai khiến của Vua Tyrơ.
Ví dụ, một ông vua chuyên buôn bán bất chánh có thể xúi giục kẻ độc tài xâm lăng một xứ sở khác và giữ lại hai mươi lăm phần trăm nguồn cung cấp dầu của thế giới. Điều đó đánh vào nỗi sợ hãi trong thâm tâm của giới thương mại từ Tokyo đến Nữu ước hay Frankfurt. Giá dầu tăng vọt, mặc dầu nguồn cung cấp vẫn còn nhiều. Các nhà đầu tư bắt đầu mất lòng tin tưởng. Lãi suất trên các khoản vay mới tăng lên. Người ta thôi mua. Lượng tiền bị giảm sút hoặc thậm chí ngưng lại. Sự suy thoái hoặc trì trệ bắt đầu, tất cả sự sợ hãi đã làm tổn hại đến bầu không khí. Sự sợ hãi, chính nó có thể đẩy các nền kinh tế quốc gia vào chỗ rối rắm và hoảng sợ, dẫn đến việc hàng triệu người phải mất việc làm.
Vì vậy, Satan vẫn thường thống trị con người qua lãnh vực tiền bạc, nó lợi dụng lòng tham, tham vọng về quyền lực, kiêu hãnh và sự sợ hãi của con người.



Chúng ta phải làm gì đối với vấn đề này đây? Có phải chúng ta nên tránh xa những lãnh vực tài chánh của đời nầy và giữ tâm trí mình hướng vào những điều thuộc về trời nhiều hơn chăng? Chúng ta có nên bỏ việc mua bán của đời lại cho kẻ thù không? Dầu sao đi nữa, tôi cũng không tin đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Ngài cũng không muốn chúng ta phải rời bỏ nhà trường, chức vụ trong chính phủ, hoặc những vị trí có ảnh hưởng trong ngành nghệ thuật, truyền thông, giải trí và thể thao. Đây chính là những lãnh vực chúng ta phải bước vào. Bằng sự cầu nguyện và bằng việc nhận lấy bất cứ một hành động phải lẽ nào mà Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta nắm giữ, chúng ta hầu việc vì cớ Nước của Chúa Jesus và chính nghĩa của Ngài. Chúa Jesus đã đến để cứu chuộc thế gian này, mỗi một cá nhân, mỗi một tổ chức. Chúng ta không cần phải sợ vua Tyrơ, miễn là bao lâu chúng ta đừng để nó có ảnh hưởng hoặc lập mưu kế nào có thể sai khiến chúng ta. Chúa Jesus đã phán với satan rằng "Ngươi chẳng có chi hết nơi ta " (Giang 14:30)
Nền tài chánh của thế giới hoạt động trên lãnh vực mua và bán, mức cung và mức cầu. Nhu cầu đó thường đặt trên các nhu cầu không có thật, mà đặt trên lòng tham dục, trên sự kiêu ngạo và những nỗi lo sợ của con người. Song Nước Đức Chúa Trời thì khác hẳn và có một sức mạnh lớn hơn nhiều. Nước của Ngài vận hành trên việc ban cho và nhận lãnh. Người nào lắng nghe Thánh Linh, vâng theo Chúa và ban phát rộng rãi là đang làm giảm đi sức mạnh của vua Tyrơ.



Loại ban cho đó làm rúng động sự kiểm soát của Satan trên thế gian nầy. Chúng ta phá vỡ những song sắt của lòng tham bằng sự ban cho rộng lượng được Thánh Linh dẫn dắt. Chúng ta đáp lại tinh thần áp đặt và khống chế bằng cách giữ tấm lòng của người tôi tớ. Chúng ta đối đầu với kiêu ngạo bằng sự hạ mình và một nhân cách dịu dàng; đối đầu với sự sợ hãi bằng tình yêu thương trọn vẹn của Đức Chúa Trời, giống như ánh sáng xua đuổi tối tăm đi.
Khi Giăng Báptít rao giảng về sự sẽ đến của Đấng Mêsi, ông bảo các thính giả của mình hãy ăn năn, ông nói rằng cái búa đã để kề gốc cây... hễ cây nào không ích lợi sẽ bị chặt đi. Khi họ đáp ứng và hỏi rằng họ phải làm gì để ăn năn, Giăng đã liên hệ việc ban cho rộng rãi với việc cái búa để kề gốc cây mà ông mới rao giảng (LuLc 3:1-38). Ông nói, "Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có, và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy". Với những người thâu thuế ông nói "Đừng đòi chi ngoài số luật định", và với những người lính, ông nói "đừng tống tiền ai nhưng hãy bằng lòng với lương hướng của mình". Hầu hết những hành động cụ thể của sự ăn năn đều tập trung quanh vấn đề tiền bạc.


Vì vậy sự ban phát rộng rãi được nối kết với sự ăn năn và với việc chặt đốn những gốc rễ của các cây gian ác. Chúng ta vẫn thường thấy điều đó theo một đường lối thực tiễn. Lần đầu tiên khi chúng tôi bước vào các cuộc thương lượng về mảnh đất dành cho trường Kona thuộc Hawaii của chúng tôi, là trường đại học của các dân tộc, chúng tôi được Chúa dẫn dắt để đối đầu với lòng tham lam bằng sự rộng rãi. Câu chuyện đó được kể chi tiết trong cuốn sách của tôi, quyển "Winning, God's Way" ("Đắc Thắng, Phương Cách Của Đức Chúa Trời")



Hội Nữ Truyền Giáo Mary (The Evangelical Sisterhood of Mary) cũng đã từng có một kinh nghiệm tương tự. Mẹ Basilea Schlink là người sáng lập chức vụ này, là chức vụ được bắt đầu tại Đức trong những ngày đen tối sau thế chiến II. Các chị em thuộc trường Mary vẫn duy trì các cộng đồng tôn giáo chú trọng đến một đời sống thờ phượng Chúa, tin cậy Ngài lo liệu những nhu cầu hằng ngày của họ. Với một nhóm các Tu sĩ Tin lành, phần lớn còn non trẻ, họ đã mua được bất động sản đầu tiên cho mình tại Darmstadt. Những người nữ này đã học biết cách tự xây lấy khu nhà của họ. Họ tin cậy Chúa về khoản thu nhập để xây dựng dần dần: trước hết là một nhà nguyện, rồi sau đó đến các khu nhà khác để làm trung tâm dưỡng linh giúp các vị khách từ mọi giáo phái có thể đến tìm kiếm Chúa.



Tuy nhiên, có một miếng đất nhỏ có hình dạng kỳ dị nằm kế bên khu đất của họ. Các chị em nữ tu bắt đầu tin chắc rằng bằng sự cầu nguyện, người ta phải bán miếng đất ấy để làm một nơi Hội Thảo về Chúa Jesus. Họ đã mua được tất cả những mảnh đất cần thiết khác nhưng chỉ trừ có miếng đất này. 
Mảnh đất đó thuộc về một phụ nữ cao tuổi, bà ta từ chối bán hoặc đổi nó cho bất cứ miếng đất nào khác. Bà ta nhất mực cho rằng dầu hoàn cảnh nào con người cũng không được bỏ những gì cha mẹ để lại.



Lần nọ, Sơ Eulalia đi đến nhà của người phụ nữ cao tuổi này, hy vọng thuyết phục được bà ta. Bà cụ không có nhà, nhưng có người cháu của bà. Anh ta đưa vị nữ tu vào gian phòng của bà dì mình. Chỉ cần nhìn qua là Sơ biết rằng bao lâu bà cụ còn sống bà sẽ không bao giờ chịu bỏ đi bất cứ một thứ gì mình sở hữu. Căn phòng đầy chật đồ đạc, nhiều hơn số đồ đạc mà bất cứ một con người nào có thể dùng, hoặc thậm chí có thể giữ được. Đồ đạc đủ để trang hoàng cho cả tòa nhà lớn đều nằm trong gian phòng đó. Hầu hết đều đã ọp ẹp. Sau đó người cháu cho vị nữ tu xem chiếc thang mà bà dì của cậu thường dùng để leo vào giường, chiếc giường của bà là một chồng nệm được thừa hưởng từ các vị tổ tiên, cái này chồng trên cái kia. Rõ ràng bà cụ này không hề bỏ đi một thứ đồ đạc nào trong số bà đã thừa kế.



Khi Sơ Eulalia thuật lại điều đã thấy, các Sơ trong trường Mary quyết định rằng bất cứ người nào quá bị ràng buộc vào những thứ thuộc về thế giới này, cách duy nhất để giải phóng người ấy là sự cầu nguyện sốt sắng, sự cảm thông sâu sắc và không ngưng nghỉ. Lý do của trận chiến này không phải là mảnh đất để xây dựng một căn nhà thờ phượng. Nhưng là một linh hồn bị cột trói. Họ quyết định kiêng ăn, nhớ lời Chúa Jêsus phán, "Những thứ quỷ này nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được" (Mat Mt 17:21). Để thêm vào việc kiêng các thức ăn, họ còn kiêng ăn theo một cách khác, là từ bỏ một số điều có liên hệ mật thiết với tình trạng nô lệ của bà cụ.



Các chị em trong dòng tu Mary đều sẵn sàng sống rất giản dị. Họ không có nhiều tiền, và không có bất cứ những tài sản riêng nào. Nhưng mỗi chị em đều tìm kiếm Chúa, cầu xin Ngài tỏ cho mình nếu như có bất cứ một tinh thần chất chứa nào như vậy trong chính mình, tức là có sự yêu mến gắn bó nào lớn hơn là sự gắn bó với Chúa Jesus chăng.



Sự yêu mến của người này có thể là một chiếc thập tự nhỏ bằng gỗ, với người kia là một tấm bưu thiếp có hình ảnh đẹp... trị giá tiền bạc của nó không phải là điều quan trọng, nhưng quan trọng là thái độ phụ thuộc của chúng ta đối với vật ấy. Sau "tuần lễ đầu phục", một phái viên trong vòng các chị em đến viếng thăm bà cụ hàng xóm một lần nữa.



Người chị em không thể tin ở tai mình khi bà cụ bảo "Tôi không tiếc miếng đất lắm, nhưng tôi tiếc mấy cây mận. Tôi thật không muốn phải mất mấy cây mận đó!". Bà cụ nói bà sẵn sàng bán miếng đất lẻ loi nầy cho họ, nhưng rồi bà lại nhớ tiếc mấy cây mận trên mảnh đất ấy. Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ.



Họ bèn thảo một cam kết cho việc bán đất, quy định rằng mọi vật ở trên các cây mận đều thuộc về bà cụ. Và rồi sau đó, hàng năm họ đều gởi tất cả số mận đến cho bà cho đến khi bà qua đời.



Satan đang kiểm soát của cải mà đúng ra chúng thuộc về Đức Chúa Trời. Cuộc chiến mạnh mẽ nhất của chúng ta nhằm chống lại hắn sẽ xảy đến khi chúng ta đầu phục Chúa và vâng lời, chứ không phải của lễ mà Đức Chúa Trời muốn (ISa1Sm 15:22). Sự vâng lời của chúng ta thường sẽ mang ý nghĩa như một của dâng. Của lễ không phải là sự đánh bại kẻ thù, mà chính là sự vâng lời Đức Chúa Trời. Chỉ dốc hết các túi tiền của mình thì chưa phải là khôn ngoan. Tôi đọc được câu chuyện về một bà góa nghèo, bà ta thật căm phẫn khi phát hiện được sự tiêu xài vung vãi của một người hầu việc Chúa, là người bà đã dâng cho. Bà ta nói "Thử nghĩ mà xem, tôi đã chẳng ăn gì ngoài bắp nổ suốt một tuần lễ để dâng số tiền mua thức ăn của mình cho vị mục sư đó!"



Thậm chí nếu như bạn chỉ dâng cho những người hầu việc Chúa đáng tin cậy, để biết chắc rằng họ không phí phạm của dâng của bạn, thì bạn cũng không thể dâng cho mọi người được. Đức Chúa Trời không bảo mọi người phải ban cho mọi điều mình có hoặc phải cố gắng mà đáp ứng mọi nhu cầu. Điều Ngài muốn chính là sự vâng lời đối với sự nhắc nhở, thúc đẩy của Ngài. Và nếu như có đôi khi Ngài bảo bạn cho đi tất cả mọi sự thì Ngài sẽ chu cấp các nhu cầu của bạn một cách lạ lùng.



Sự vâng lời trong việc dâng hiến là một hành động của cuộc xung trận thuộc linh. Lấy một ví dụ, nếu như một người ở Chicago hưởng ứng một cách rộng rãi, dâng hết tiền bạc của mình... giả sử như vậy, để giúp cho dự án truyền giáo trên nửa vòng trái đất...thì các sức mạnh của Satan đang bị đẩy lùi ở tại Chicago. Số lượng tiền không quan trọng, song thái độ dâng hiến mới là quan trọng. Bất cứ số lượng nào, thậm chí sự đóng góp thật khiêm tốn của người đàn bà góa, được dâng hiến một cách vô kỷ trong thái độ vâng lời cũng đánh tan được các thế lực của sự tối tăm nhằm ngay vào chính Luxiphe. Việc dâng hiến cách không vị kỷ có nghĩa là của dâng đó sẽ không giúp ích gì cho kẻ dâng bằng bất cứ cách nào. Không phải dâng để cho người đó có được một chỗ ngồi dễ chịu hơn, hay là có mối quan hệ lân cận an toàn hơn. Nó được dâng đi, và chỉ Đức Chúa Trời là Đấng có thể báo trả lại ơn phước cho người đó. Loại dâng hiến đó làm rúng động Satan, làm lỏng lẻo quyền kiểm soát của Satan trong khu vực nhận được của dâng, và thậm chí còn làm lỏng lẻo quyền kiểm soát của nó trong khu vực của người dâng hiến nữa.



Đó là lý do vì sao các Cơ Đốc nhân tại Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cần được dạy phải dâng hiến cho các hội truyền giáo và những người nghèo thiếu trong các quốc gia khác. Nếu chúng ta không dạy cho các quốc gia đang phát triển về sức mạnh của sự ban cho, thì những người nghèo sẽ cứ bị giữ trong tình trạng nghèo thiếu.



Đó là điều đã làm cho lễ Giáng sinh trở nên quá đặc biệt, thậm chí đối với những người không hiểu gì về Đức Chúa Trời lẫn Con Một của Ngài là Đấng mà chúng ta mừng kỷ niệm sinh nhật của Ngài. Giáng sinh, bất chấp tính thương mại và các hình thức bề ngoài của nó, vẫn là một mùa tặng quà và ban cho rộng rãi. Và một số điều đã xảy ra nhờ tất cả những sự ban cho rộng rãi ấy đó là hàng năm nền kinh tế được chúc phước ít nhất là năm tháng sau đó.



Sự dâng hiến có tính cách hy sinh, tức là đạt đến chỗ bạn tin cậy Chúa đáp ứng các nhu cầu của mình, cũng xua đuổi được Satan trong lãnh vực sợ hãi. Đức tin của bạn đặt nơi Đức Chúa Trời khi bạn lắng nghe tiếng phán của Ngài, làm điều Ngài bảo bạn và sau đó chờ đợi với lòng tin cậy đơn sơ để Ngài cung ứng cho bạn, thẳng thắn đối đầu với sự sai khiến của vua Tyrơ qua về vấn đề sợ hãi. Đối diện với nỗi sợ bất ổn về mặt tài chánh và đặt lòng tin cậy trực tiếp vào Chúa. Bạn sẽ học được qua kinh nghiệm Ngài là Đấng thành tín biết bao.



Tôi đã từng trãi một trường hợp lạ lùng, học tập để từ bỏ khả năng chi tiêu trong một lãnh vực đặc biệt suốt trong ba năm. Đức Chúa Trời đã trực tiếp đáp ứng các nhu cầu của tôi. Trong trường hợp nầy, nhu cầu của tôi là y phục. Chúa Jesus hứa rằng: Cha trên trời của chúng ta, là Đấng mặc cho hoa huệ ngoài đồng, chắc chắn sẽ ban cho chúng ta áo đẹp và phù hợp.





Trong suốt những năm đầu của chức vụ chúng tôi, có một phụ nữ đến gặp tôi sau bài giảng của tôi ở tại hội thánh của bà, và ngỏ ý muốn được mua cho tôi một bộ đồ. Tôi tưởng rằng bà sẽ viết một ngân phiếu hoặc gặp tôi và Darlene tại một quầy hàng, nơi tôi có thể chọn bộ đồ. Nhưng hóa ra bà ta là một thợ may trong bộ phận cắt may đồ nam thuộc Cửa Hàng Bách Hóa Thời Trang. Sau khi đã lấy các số đo của tôi, bà ta chờ đợt hàng hạ giá, và mua bộ đồ với giá được giảm dành cho bà, sửa lại cho vừa, rồi gởi đến nhà tôi.



Thật là một sự chu cấp tuyệt diệu, vì là một diễn giả, thỉnh thoảng tôi cũng cần có một bộ lễ phục phù hợp. Ba năm tiếp theo đó, bà ta đã gởi đến cho tôi ba hoặc bốn bộ lễ phục như vậy. Nhưng mặc dầu điều đó đã đáp ứng một nhu cầu thật rõ ràng và chúng luôn luôn là những bộ đồ đường hoàng, thích hợp cho buổi thờ phượng, tôi đã khám phá được đó cũng là một thử nghiệm "may đo" từ Đức Chúa Trời đối với lòng tự cao của tôi. Tôi không bao giờ phải chọn lựa các bộ đồ. Đó là một bài học nhỏ, nhưng thật riêng tư giữa tôi và Chúa. Ngài đang tỏ cho tôi thấy hãy giao phó quyền hạn nhỏ nhặt đó, lãnh vực chọn lựa đó cho Ngài. Ngài đã chu cấp đầy đủ nhu cầu của tôi và dạy tôi hiểu rằng sự thành tín của Ngài nhằm đáp ứng các nhu cầu của tôi. Điều đó chỉ kéo dài trong một thời gian ba năm. Nhưng tôi học biết rằng khi tôi đầu phục các quyền hạn của mình thì Đức Chúa Trời sẽ lo liệu các nhu cầu cơ bản nhất.


Điều mà vua Tyrơ sợ nhất là những con người đầu phục các quyền hạn của mình và đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Satan chẳng có gì để nắm quyền trên chúng ta nếu chúng ta đã ăn năn về sự tham lam của mình, nếu chúng ta liên tục đáp ứng trong sự dâng hiến rời rộng và ban cho cách nhưng không, không phải vì những sợi dây trói buộc nào. Hắn có thể làm được gì nếu chúng ta đã từ bỏ lòng kiêu ngạo, đã bằng lòng hạ mình và lao mình vào trong sự chăm sóc của Đức Chúa Trời mà không hề sợ sệt? Satan có thể làm được gì? Hắn có thể chi phối trên chúng ta bởi sức mạnh gì? Tài chánh của chúng ta? Những quyết định nghiệp vụ của chúng ta? hay là sự nghiệp kinh doanh của chúng ta? Sẽ không còn gì dành cho quyền lực của hắn. Như được dự đoán trong Êxêchiên 28, hắn sẽ bị trở thành tro bụi trên đất trước mắt mọi người. Bạn dường như nghe được tiếng cười hoài nghi của những người trong EsIs 14:16 là phần nói tiên tri một ngày trong tương lai khi mọi người nhìn thấy Satan bởi điều mà hắn thật sự có "Có phải người này là kẻ đã làm rung rinh đất, day động các nước...?" Chúng ta không cần phải chờ đến ngày đó để thấy Satan thật sự là con người thế nào. Chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ bằng cách nhìn xem Đức Chúa Trời để nhận biết Ngài là ai và ghi nhớ lời Ngài, bằng cách vâng theo sự dẫn dắt của Ngài, chúng ta có thể tước đoạt ảnh hưởng của vua Tyrơ trên những cá nhân, những cộng đồng, những hiệp hội và những quốc gia.




Tác giả: Loren Cunningham & Janice Rogers