Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

CON GÁI CỦA TIỂU MỤC SƯ

Con bé bảy tháng tuổi. Mắt một mí. Đôi má hồng. Miệng chúm chím. Làn da mịn màng, hồng hào, khỏe mạnh. Tay chân tròn trịa, mũm mĩm.

Khi người ta bế nó, dù thân, dù sơ, nó đều vòng tay qua cổ người ấy, vỗ nhè nhẹ vào vai, trìu mến. Mọi người gọi nó là cô bé thân thiện. Bế nó, người ta cảm nhận sự ấm áp từ nó lan tỏa. Giữ nó nằng nặng trên tay, người ta cảm thấy một sinh lực đang đâm chồi trên đôi vai thanh thản hoặc nhọc nhằn của mình.


Ba nó giải thích với ông bà nó về những cái vỗ vai trìu mến của nó:

-       Khi con bồng nó trên tay, con hay vỗ nhẹ vào lưng nó, hát “Jésus yêu con lắm, chính con được Chúa yêu nhiều”. Nó cũng vòng tay qua cổ con, vỗ nhè nhẹ vào vai con, khẽ ư ư theo. Mai mốt biết nói, thế nào cũng an ủi con “Jésus yêu Ba lắm, chính Ba được Chúa yêu nhiều.”
Cả nhà cười, vui vẻ.

Còn Mẹ nó thì giải thích về đôi mắt một mí của nó:

-       Hồi mới sinh, mắt hai mí rành rạnh. Sao giờ lặn đâu mất một mí. Chắc là chuột tha. Mai mốt lớn lên, chuột trả lại, con gái mới thành mỹ nhân được.

Có là mỹ nhân hay không, con bé vẫn là tiểu công chúa của đại gia đình.

Con bé nhìn rất xa. Một hôm, có ông chú của nó ghé thăm. Nó cứ ngóc đầu qua vai ông nhìn ra khoảng sân trống bên hông nhà. Ông chú của nó đặt nó lên chiếc bàn dài ở phòng khách, cho nó nhìn ra khoảng sân và ông cùng nhìn theo nó. Khoảng sân trống ấy là nền nhà thờ cũ. Nhà thờ đã được dở đi. Nhà thờ mới được xây dựng kiên cố, chắc chắn, ở một khu khác. Ba Mẹ nó được giáo lệnh bổ nhiệm về làm phụ tá cho vị Mục sư quản nhiệm, được Hội thánh phân cho ở  tư thất cũ của Mục sư, bên cạnh khu đất trống là nền nhà thờ trước đây.


Có một khóm chuối ở rìa bên kia nền cũ. Phóng tầm mắt nhìn, ông chú độ chừng khoảng cách trên mười thước. Vậy mà ánh mắt con bé vẫn chợp được đến cây chuối đang trổ quầy, dường như đang đu đưa nhè nhẹ trong gió mát ban sáng. Con bé ư a nói chuyện với quầy chuối, hai tay chấp chới đưa ra, đập đập, lắc lắc làm quen. Quầy chuối không trả lời, chắc là đợi Bé lớn lên một chút.

Con bé cũng nghe rất nhạy và cảm nhận nhanh, rất riêng tư và rất đằm thắm.

Khi ông chú nó đang thích thú nhìn theo đôi mắt nó và lắng nghe nó ư a nói chuyện cùng khóm chuối, ông chợt thấy nó quay ngoắc người lại, nhìn ra sau. Ông nhìn theo. Có bốn chú gà ri trắng phau sạch sẽ, đẹp đẽ, thanh lịch đang tinh nghịch đâu từ khoảng sân trước nhà đuổi nhau chạy ùa vào nhà trước để ra nhà sau. Mấy chú gà nầy chắc chắn là từ chỗ nuôi nhốt ở nhà sau, rón rén theo lối đi bên hông nhà, chạy ra sân trước chơi, rồi trở về qua ngã phòng khách để vào nhà sau.

Con bé quay đầu nhìn theo, bỏ khóm chuối, thích thú ư a gọi mấy chú gà.

Bốn chú gà nầy, mẹ nó mang về từ nhà ngoại. Gà với Bé cùng tháng tuổi. Ba nó còn trẻ, nhưng có sẵn mầm tĩnh của một tâm hồn yên lặng, thích uống trà với bộ bàn trà nho nhỏ, độc ẩm hoặc đối ẩm, tâm giao cùng những tôi tớ, con dân Chúa ở gần, hoặc ở xa đến thăm. Ba nó còn trẻ nên cũng rất yêu thích những sinh vật nho nhỏ cạnh bên mình. Ba nó chăm nom mấy chú gà như bầy em của Bé, nhưng không chăm bẳm được như chăm Bé. Mấy lần, bầy gà làm rộn chân, Ba Mẹ nó định mang cho tín đồ ở quê, nhưng thấy chúng hồn nhiên, nghịch phá, nhởn nhơ làm Bé vui, Ba Mẹ Bé vui, nên cứ nấn ná để lại.

Con bé cảm nhận nhanh những gì xảy ra chung quanh nó. Nó cảm nhận bằng nội tâm lắng chờ của nó.

Một lần, Mẹ nó đi học khóa Bồi dưỡng Vai trò Người vợ Truyền Đạo do Viện Thần học Việt Nam tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Ba nó bế nó theo vì Bé còn đang bú mẹ. Mẹ nó học trên phòng cao ở tầng trên cùng các Bà Truyền Đạo và các Bà Mục sư nhiệm chức. Ba nó và nó ở dưới nhà. Nó ngồi trên xe nôi, ư a với mấy món đồ chơi và nhoẻn miệng cười với bất kỳ ai đến gần. Ba nó vừa chăm nó vừa đọc sách, vừa cầu nguyện thầm, vừa ghi sổ tay những gì có được cho các bài giảng sắp đến.
Giờ nghỉ giải lao, có một Bà Mục sư nhiệm chức, trẻ, rất đẹp, rất nghiêm trang, đi xuống cầu thang cùng Mẹ Bé. Hai người đến chỗ hai cha con Bé đang ngồi. Bà Mục sư chào Ba của Bé và nói với Bé:

-       Xin phép Cô Truyền đạo rồi nhé. Cho Bé bú hộ, tháo sữa giúp.

Rồi Bà Mục sư trẻ, và Mẹ Bé và Bé vào căn phòng nhỏ cạnh cầu thang. Ở đó, nó nhìn Mẹ nó, Mẹ nó nhìn nó, rồi Mẹ nó nói với nó:

-       Con bú sữa Bà Mục sư vài hôm nhé. Mẹ bị mất sữa mà Bà Mục sư dư sữa. Con bú sữa để Bà Mục sư không bị căng sữa, khó ngồi học.

Con bé không trả lời Mẹ bằng mấy tiếng ư a quen thuộc – vì miệng đang ngậm vú lạ, nhưng nó nhìn Mẹ không chớp mắt. Trong đôi mắt mở to của nó, có sự yên lặng, tuyệt đối yên lặng. Mẹ nó tin rằng nó muốn nói với Mẹ: “Con tin Mẹ mà! Con tin Mẹ luôn làm điều tốt nhất cho con.”

            Mẹ nó mong rằng khi nó lớn lên, biết nói và biết suy nghĩ, sẽ có lúc nó nói cùng Mẹ nó, và cả Ba nó:“Con tin Ba Mẹ mà. Ba Mẹ luôn làm điều tốt nhất cho con, và cho người khác nữa”.

            Con bé bú sữa lạ bằng sự chừng mực, tiết độ mặc dù dường như Bé đang rất đói và háu bú. Từng giọt sữa âm ấm, thơm, chảy vào chiếc miệng nhỏ, xinh của Bé. Sữa lạ nhưng sức sống ấm áp, trìu mến trong sữa vẫn lan tận cơ thể Bé, thấm sâu vào từng tế bào non trẻ của Bé. Trong ánh mắt Bé nhìn Mẹ khi đang nút sữa từ bầu ngực đầy sinh lực của một bà mẹ khác, dường như còn có tiếng chảy róc rách, vui tươi của một dòng suối nhỏ đang hòa dòng chảy vào một dòng sông lớn.

            Bú sữa xong, Bé rời vú bà mẹ thứ hai, khẻ ngước nhìn Bà và nở nụ cười xinh xắn, thân thiện, như một lời cảm ơn. Bà Mục sư trẻ khẻ siết Bé và hôn đôi má hồng của nó:
-       Con gái ngoan lắm. Nầy, bú chung sữa với anh Nhiên, con của Bà Mục sư, mai sau lớn lên, làm con dâu của Bà Mục sư đấy nghe Bé.


Con bé lại nhoẻn miệng cười. Nó rất thích người ta nói chuyện với nó hoặc nói chuyện quanh nó. Nó thích sự có mặt của nhiều người, dù có thể nó không hiểu biết những gì người ta nói.

Con bé với tay đòi Mẹ. Mẹ nó bế nó từ tay Bà Mục sư và dạy nó:
-       Cám ơn Bà Mục sư đi con.

Con bé lại quay sang Bà Mục sư, nhìn bà, rồi quay lại, ngước lên nhìn Mẹ. Mẹ nó hỏi:
-       Sao, con? Chuyện gì đây?

Con bé dí đầu vào ngực Mẹ, như muốn nói điều gì. Mẹ nó hiểu:

-       Sao? Bú Mẹ thêm để khỏi nhớ vú Mẹ phải không?

Con bé nhìn Mẹ, mắt nó mở to, chờ đợi. Mẹ nó ủ nó vào lòng, cho nó bú thêm ít phút, cho sớm có sữa lại. Bà Mục sư trẻ mĩm cười:

-       Con bé khôn thật. Sợ phải theo Bà Mục sư sớm, phải không con?

Mẹ nó bật cười. Mẹ nó nghĩ rằng con gái mình lớn lên sẽ rất khôn ngoan. Trong màn sương tuổi thơ của nó, Mẹ nó thoáng thấy nó sẽ lớn lên, được dẫn dắt bởi tình thương yêu bao phủ quanh nó và bởi tâm thức dịu dàng, chờ đợi và tấm lòng chan hòa của nó đối với mọi người, tấm lòng dễ mến mà Chúa ban cho nó.

Mẹ nó vốn là một người phụ nữ thông minh, nhạy cảm.

Buổi tối, về nhà trọ. Ba Mẹ nó gởi nó cho vợ chồng người bạn để đi thăm vợ chồng một người bạn khác. Đôi bạn nầy đang gặp khó: vợ đau, chồng phải chăm nom ở bệnh viện. Ba Mẹ nó vừa thăm bạn xong, đang trên đường về nhà trọ thì nhận được điện thoại của vợ anh bạn chủ nhà: “Hai bạn về nhanh nhé. Con bé khóc tím người. Dỗ không nín.”

Ba Mẹ nó về nhanh. Đến nhà, khi Mẹ nó bế vội nó sang từ tay chị bạn, nó òa lên khóc lớn khi Mẹ dỗ:“Ồ! Mẹ đây! Ba đây! Con gái cưng! Đừng khóc! Đừng khóc!”. Nó dịu dần, nín khóc trên tay Mẹ và bỏ tay sang đòi Ba. Khi Ba nó bế nó, vừa vỗ tay lên lưng nó, là nó lại òa lên khóc lớn, tiếng khóc tức tửi, rồi dịu dần trên tay Ba. Ba Mẹ nó hiểu thông điệp của tiếng khóc: “Không được bỏ con một mình. Con còn nhỏ mà!”

Khi nó đã dịu cơn thổn thức, Mẹ nó nói với vợ chồng người bạn chủ nhà:

-       Hai bạn biết không, nó đã quen với những buổi tối Ba Mẹ và nó nằm trên giường, nói chuyện với nó trước khi nó ngủ, nên tự dưng hôm nay, tối, ở nhà lạ, Ba Mẹ lại đi đâu mất. Nó bị bỏ quên, không hiểu việc gì, ấm ức và sợ, nên khóc dữ dội như vậy.
Ba nó thì vỗ vào lưng nó:

-       Con gái cưng nghe Ba nói nầy. Trên đời nầy có nhiều người lắm, không phải chỉ có Ba Mẹ với con. Nhưng mà con khóc là phải. Con còn nhỏ mà. Ba Mẹ đi đâu lại không nói với con. Vậy là Ba Mẹ có lỗi. Lần sau, Ba Mẹ không như vầy nữa đâu. Ba Mẹ đi đâu sẽ nói rõ với con. Để con không bị bất ngờ. Con đồng ý không ?

Không hiểu con bé có hiểu những gì Ba nó nói không, nhưng nó ngước mắt nhìn cha, yên lặng, rồi ngoẹo đầu vào vai cha, bắt đầu thiếp ngủ, đôi vai nhỏ bé còn run nhè nhẹ. Một cánh tay âu yếm của Ba nó vẫn giữ nó úp mặt vào vai cha, một tay anh vỗ nhè nhẹ vào lưng con gái. Anh hát ru nó:

“Jésus yêu con lắm,
 Phải, con được Chúa yêu
 Jésus yêu con lắm
 Chính trong lời Chúa dạy nhiều…”

Ba nó hát ru thêm bằng lời Thánh ca mà Ba nó thay đổi chút ít với lòng mang ơn Chúa sâu đậm và tình yêu tươi tắn, thiết tha anh dành cho con:

“Jésus yêu con lắm,
 Phải, con được Chúa yêu
 Jésus yêu con lắm
 Chính con được Chúa yêu nhiều…”

Con bé yên ấm trên tay cha, chìm sâu dần vào giấc ngủ tin cậy, bình an. Ba nó nhẹ nhàng đặt nó xuống giường. Anh ngắm nét thơ dại của con, nghĩ đến tiếng khóc tức tửi của nó, nghĩ đến sự cô đơn của cuộc đời mỗi người, khi không hiểu thấu những gì đang xảy ra cho mình. Anh cúi xuống hôn đôi má hồng hào của con, cảm giác như chạm vào hai nụ hồng non ngát hương, mềm mại, gói kín một sinh lực thiêng liêng, mạnh mẽ, dịu dàng và non trẻ. Sinh lực của một nụ mầm, của một chồi non…


Ba nó vốn là một thanh niên trầm lặng, vui vẻ nhưng ít lời. Từ năm mười lăm, mười sáu tuổi, Ba nó đã được bạn cùng lớp và bạn cùng xóm gọi là Tiểu Mục sư, vì Ba nó thường xuyên đi nhà thờ và rủ bạn đi nhà thờ, hay tặng sách nói về Chúa cho bạn bè và hay hát những đoản ca Tin Lành cho bạn bè nghe. Ba nó hát hay, giọng ấm, có sức nhưng không phải là sức rền, sức phá mà là sức trầm, sức lắng. Bạn bè của Ba nó rất thích nghe Ba nó hát.

Ba nó học Đại học, ngành Cơ điện tử, đi làm hai năm, để dành ít tiền, thi vào Viện Thần học Việt Nam. Từ thuở nhỏ, Ba nó đã biết phần dành cho Ba nó trên đời nầy là phần khó khăn của người đi chia sẻ Phúc âm. Giày đã mang từ khi chớm tuổi thanh niên, đôi giày của khát vọng hầu việc, Ba nó không một lần muốn cởi ra để chạy nhảy tự do trên đôi chân trần của bản ngã.

Ba nó gặp Mẹ nó khi cả hai người từ hai tỉnh miền Tây khác nhau lên thành phố sống, học tập và chờ theo con đường Chúa gọi. Họ gặp nhau nơi một Hội thánh lớn ở thành phố lớn. Họ yêu mến nhau và kết hôn. Mẹ nó cùng theo học với Ba nó. Rồi học xong, Ba Mẹ nó được đưa về một Hội thánh lớn ở cuối một dòng sông lớn, phụ tá Mục sư Quản nhiệm Hội thánh lớn, vừa đảm nhiệm mục vụ ở một Hội thánh nhỏ ở một cù lao giữa dòng sông lớn. Muốn đến Hội thánh nhỏ phải qua một chuyến phà. Sông rộng, nước đậm phù sa. Ba nó một tuần bốn lần qua sông, Chúa nhật lo chia sẻ lời Chúa, những ngày kia hiệp nguyện, dạy Kinh Thánh và đi thăm viếng tín đồ.

Khi nó được sáu tháng, nó theo Ba Mẹ mỗi tuần một lần qua sông, sang cù lao, đến ngôi nhà thờ nhỏ, vách ván, mái tôn, nền đất. Nơi đó vang tiếng hát, loáng tiếng cười vui, ngập tràn niềm hân hoan của những tấm lòng đơn sơ đi tìm sự an nghĩ giữa những năm tháng cuộn giữa dòng đời như những chiếc thuyền con cuộn theo dòng chảy của con sông lớn.

Mỗi khi theo Ba nó như vậy, Mẹ nó đặt nó nằm trong chiếc nôi. Nôi giống một chiếc làn to, có quai xách. Nó nằm trong nôi, nhìn không tới mây trôi trên nền trời. Mẹ nó phủ mặt nó bằng chiếc khăn voan mỏng, trốn bụi. Khăn voan run nhẹ trong gió. Nó bi bô nói chuyện với khăn, hoặc ngủ thiếp đi, yên ả trong nôi, nhịp nhàng theo bánh xe lăn. Có khi xe Ba nó xốc lên theo con đường dằn, không êm, nó vẫn nằm yên ấm trong nôi, trên đôi chân kê cho con đến tê tê dại dại của Mẹ nó đang ngồi sau lưng Ba nó, trên chiếc xe hai bánh hiền lành, nhẫn nại, cố lách từng ổ gà trên con đường mười mấy cây số đến bến sông và thêm mấy cây số sau khi qua sông. Cả gia đình nó, ba người, ba cuộc đời đang kết hiệp làm một trong niềm hạnh phúc ngời ngời của gia đình và trong niềm hạnh phúc rạng rỡ, thiêng liêng của những kẻ mang niềm vui thiên đàng đi giữa trần thế, trên những đoạn đường đời dằn xốc, nhọc nhằn.

Qua sông. Con sông khá rộng, ngầu phù sa. Chiếc phà chầm chậm nuốt từng lằn nước, rẽ từng vệt sông, lặng lẽ sang bờ. Mẹ nó nhìn theo bờ bên nầy đang lùi dần, rồi nhìn sang bờ bên kia đang gần lại, rồi nhìn lên dãy mây trắng đang trôi nhanh trên bầu trời trong xanh, rồi âu yếm nhìn sinh vật yêu quý đang ngủ yên trong nôi, chiếc nôi quý báu đang được đặt trên chiếc xe thầm lặng nâng đỡ bước chân người trẻ tuổi đi rao giảng Tin Mừng. Bầu trời, dòng sông, đứa bé và nhất là người thanh niên rắn rỏi và dịu dàng cũng đang âu yếm nhìn con, tất cả những tồn tại đó đang làm rộn lên trong lòng người thiếu phụ trẻ những đợt sóng hân hoan, như sắp tràn bờ.

Qua sông. Con đường dẫn vào nhà thờ rẽ từ con đường dằn xốc. Con đường nhỏ chạy sóng đôi cùng lạch nước nhỏ. Cả hai, con đường và lạch nước đều đang reo vui. Em bé tỉnh giấc, cựa mình, lên tiếng ư a cùng chiếc khăn voan mỏng, đang run nhẹ trong gió sớm.

Xe rẽ vào nhà thờ. Đứa bé tỉnh giấc hẳn. Khi một chị tín đồ có đôi mắt đen, lấp lánh nước, đôi mắt sâu và đẹp, đưa tay bế nó, nỏ nhoẻn miệng cười, nụ cười vươn ánh nắng reo vui từ dòng sông đậm phù sa.

Mẹ nó xếp bàn ghế ở gian nhà phụ, chuẩn bị dạy thiếu nhi. Ba nó nhấc chiếc micro, đặt vào vị trí. Những bước chân hiền lành dẫm lên nền đất ấm của nhà thờ, vào chỗ. Những chiếc ghế gỗ không nước sơn yên lặng chờ đón người quen. Đứa bé được chuyền tay từ chị tín đồ trung niên sang những cô bé mười bốn, mười lăm tuổi, rổi trở lại cùng chị tín đồ có đôi mắt đẹp. Chị cùng chồng, một anh trung niên có nụ cười vui vẻ, ngồi chếch lối vào phòng giảng, vừa giữ đứa trẻ, vừa lắng nghe lời giảng trầm ấm của thầy Truyền đạo trẻ, của cha đứa bé, của anh thanh niên được gọi là Tiểu Mục sư từ tuổi thiếu niên.

Con bé nghe tiếng Ba nó, ngẩng quanh tìm. Khi đã định được chỗ phát ra tiếng nói thân yêu của nó, nó cứ nhìn chăm tới đó, ư a trò chuyện với cha.

Hội thánh nhỏ xúc tiến việc xây dựng nhà thờ một cách cảm động.

Đầu tiên, họ quyên góp cây đước, tre, lá cất một ngôi nhà nhỏ để Thầy Cô Truyền đạo và cháu bé về ở hẵn cạnh nhà giảng. Nhà giảng vốn trước đó là nhà ở của một tín đồ. Khi một số con cái Chúa ở cù lao nầy nhóm nhau lại để hiệp nguyện, người tín đồ ấy dâng ngôi nhà của mình, dọn ra chợ cồn ở và mua bán.

Thầy Cô Truyền đạo dọn về ngôi nhà nhỏ, cất tạm, để gần gũi tín đồ, để không phải di chuyển gần bốn mươi cây số hai lượt đi về và hai lần qua phà mỗi Chúa nhật. Riêng Thầy Truyền đạo mỗi tuần tám lượt đi về và tám lần qua phà.


Ngày gia đình Thầy Cô Truyền đạo dọn về ngôi nhà cất tạm, đa số tín đồ áy náy. Thầy Truyền đạo sách vở nhiều, bàn làm việc tươm tất, giường ngủ do Hội thánh lớn sắm cho; tủ lạnh, máy giặt, bếp ga, tủ đựng thức ăn ở nhà bếp do gia đình lớn của Thầy Cô sắm sửa cho khi Thầy Cô lìa gia đình, đi hầu việc Chúa. Tất cả kê sát nhau trong ngôi nhà mái lá, vách lá, nền đất. Nhà giảng, nhà phụ và nhà mới cất cho Thầy Cô đều có điện. Nhưng nước, phải lấy nước ở dòng lạch từ sông lớn đổ vào vì chưa có nước máy. Bể chứa nước mưa sau nhà giảng, vốn là bể chứa nước sinh hoạt của gia đình người tín đồ trước đây, đã lâu không sử dụng, nay đã vỡ xi-măng; lòng bể, thành bể đầy đất bụi, trứng, phân thằn lằn, phân chuột. Thầy Truyền đạo suy nghĩ: “Phải sút hồ, trám lại, tẩy uế và chứa nước sạch để tín đồ rửa tay, chân khi từ xa đến nhóm.”

Khi nhìn đứa bé con Thầy Cô truyền đạo, một số tín đồ càng thêm áy náy. Con bé da trắng mịn, hồng hào, Cô Truyền đạo giữ không một vết muỗi cắn. Nay về đây, tắm nước sông, lóng phèn, ở nhà đất, vách lá, tội cho con bé. Một tín đồ vốn là một Bác sĩ lớn tuổi, nghỉ hưu, về quê cồn an dưỡng tuổi già, khi đến thăm Thầy Cô Truyền đạo ngay sau ngày Thầy Cô dọn đến, đã nhờ một anh thanh niên khuân đến hai bình lớn nước đóng chai để mừng Thầy Cô về ở hẵn cùng con cái Chúa. Ông nói:

-       Thầy Cô dùng nước nầy để nấu ăn và tắm rửa cho cháu bé. Thầy Cô cứ thoải mái dùng theo đúng nhu cầu. Phần chi phí nầy tôi xin phép được dâng vào quỹ Hội thánh và xin được trích giúp gia đình Thầy Cô cho đến khi xây xong nhà thờ, có đường nước từ lộ lớn kéo vào.

Khi từ giã Thầy Cô ra về, ông Bác sĩ về hưu suy nghĩ: “Có lẽ mọi người có thấy cần phải xây nhà ở sạch sẽ, ổn định cho gia đình tôi tớ Chúa trước, rồi mới bắt tay xây cất nhà thờ”. Và ông nghĩ tiếp: “Chi phí có lẽ nhiều lắm đây. Cầu xin Chúa ban cho đầy đủ.”

Thầy Cô Truyền đạo dọn về ở cạnh nhà giảng, chờ xây nhà thờ mới cho Hội thánh.
Một tháng sau ngày Thầy Cô dọn về, bão lớn quét qua cồn.

Đó thật sự là cơn bão lớn, quét qua ba, bốn tỉnh ở lưu vực sông Cửu Long. Nhà giảng nằm giữa cù lao, một cù lao dài và hẹp nằm giữa hai nhánh sông. Ra khỏi cồn, hai nhánh sông hợp lại, thành Cửa Tiểu, đổ ra biển.

Bão rất lớn. Mưa xối xả. Gió mạnh, bay mái nhà dân ở thị xã, trốc gốc, gãy nhánh cây trồng ven đường. Ở cồn, bão quét qua càng dữ dội hơn. Gió thổi tung mái lá, rạp cây vườn, cuộn nước sông, xoáy dòng chảy. Cây cối xác xơ, nhà cửa ngã sập, tan tác.

Nhà giảng và căn nhà mới mái lá, vách lá của Thầy Cô Truyền đạo nằm trên đường bão quét, nhưng lạ, không hề gì, chỉ ướt đẫm nước mưa. Nhà ông Bác sĩ về hưu nằm trên vuông đất rộng đối diện nhà giảng cũng không hề gì, cũng chỉ ướt đẫm nước mưa. Dường như khi thổi đến hai vuông đất nầy, bão nín thở, quét nhẹ và chạy qua nhanh, thổi qua cách khe khẽ, rụt rè.

Buổi sáng, độ tám giờ, mưa dập lần thứ hai, bão lướt cuốn qua dòng sông chảy mạnh. Sông cuốn mạnh, nhưng nhà cửa và cây cối trên cù lao không bị xô sập, không bị bạt cành, không bị bứng gốc. Bão qua nhanh, cuối buổi sáng, mặt trời ló dạng. Mặt đất ấm lại. Trời trong vì mây tan và nắng rọi, sáng, ấm áp…

Sau cơn bão, ông Bác sĩ về hưu thỉnh thoảng đứng ở hàng hiên nhà mình, nhìn sang nhà giảng, nhìn sang căn nhà nhỏ của Thầy Cô Truyền đạo, yên lặng…

Thắm thoát, Thầy Cô Truyền đạo và con gái đã ở trong nhà cất tạm được bốn tháng. Có một chút thay đổi trong nhà và ngoài nhà. Trong nhà, nền được lót gạch tàu để sạch chân khi đi lại. Ngoài nhà, sân trước được tráng xi măng một khoảng đủ rộng để kê một chiếc bàn tròn, vài ba chiếc ghê cho Thầy Truyền đạo uống trà tiếp khách những khi không mưa gió; vài ba chậu kiểng, lá xanh mướt, cành rắn rỏi; một khóm chuối bứng từ sân nhà sau. Ông Bác sĩ về hưu mỗi chiều thường sang ngồi uống trà cùng Thầy Truyền đạo độ mười lăm, hai mươi phút, chuyện trò về công việc Chúa của Hội thánh, về lời Chúa dạy trong Kinh Thánh.

Bà Bác sĩ là một phụ nữ đẹp. Bà ít nói, kỹ tính, ngại khách, ngại trẻ con. Ngoại trừ những đứa cháu ruột, Bà không bế được đứa trẻ nào khác.

Một hôm, Cô Truyền đạo dẫn con gái qua thăm. Cô bé đã bước đi lẩm chẩm, thích đứng và đi lửng chửng hơn là để mẹ bồng.

Bước lên thềm nhà Ông bà Bác sĩ, cô bé nhìn chằm vào bà chủ nhà. Bé buông tay đang nắm tay mẹ, tự vòng tay chào: “Ạ !”. Vừa ạ xong Bé ngã phịch xuống nền gạch hoa bóng loáng, không khóc. Mẹ Bé cúi xuống đở con dậy, bật cười:

-       Buông tay Mẹ bất ngờ, không có thế tựa, nên té phải không?

Rồi Cô Truyền đạo nói với bà chủ nhà lạnh lùng:

-       Thường khi gặp khách, Bè chờ Mẹ bảo: “Ạ Bà, ạ Cô, ạ Chú,…đi con !”, Bé mới chào. Nay gặp Bà Bác sĩ, cháu lo ạ trước, không chờ Mẹ bảo. Đứng không vững, nên té…
Bà Bác sĩ mĩm cười. Bà đưa ngón trỏ nơi bàn tay trái của Bà cho cháu nắm, dẫn cháu vào nhé. Mấy ngón tay nhỏ xíu của Bé có hơi ấm của sự tin cậy và mến yêu, làm cho Bà cảm thấy ấm áp và vui.


Thỉnh thoảng, nhà Thầy Cô Truyền đạo có khách. Nếu khách là người trong gia đình Thầy Cô, Thầy Cô thu xếp ở chật, ngủ chèn. Nếu khách ngoài gia đình, ông Bác sĩ mời sang nhà ông, thay Thầy Cô tiếp đãi. Bà Bác sĩ ban đầu rất ngại khách. Thuở ông còn làm việc ở bệnh viện tỉnh, những khi nhà có khách, bà lẳng lặng thu xếp chỗ nghỉ ngơi cho khách, chuẩn bị những bữa ăn, ít góp lời, không vồn vã. Về quê, Bà thích không khí yên tĩnh của quê, càng ngại bị quấy rầy. Nhưng những người ở căn nhà mái lá, vách lá cạnh nhà giảng làm cho Bà cảm mến. Họ trầm tính nhưng sống động. Căn nhà nhỏ của họ thường ấm tiếng hát thánh ca, làm cho Bà cảm thấy như Hội thánh thờ phượng Chúa suốt tuần. Con bé lửng chửng đi trong nhà, vun vút trong chiếc xe đi trên nền sân tráng xi-măng. Sân vừa đủ rộng cho Ba của Bé ngồi uống trà, cho Bé tập đi vững vàng trên xe nôi và vừa đủ rộng cho mấy chậu kiểng nép mình nghe chuyện buổi chiều. Thỉnh thoảng, Bé dừng xe nôi, trò chuyện với mấy chậu kiểng. Mây chiều sà xuống thấp, nghiêng đầu nghe Bé bi bô nói chuyện, không chịu rời đi theo ráng chiều đỏ ửng đang giục giả và không chịu rời đi theo cơn gió chiều đang nhẹ nhàng mời gọi. Gió bỏ mây, dịu dàng vờn trên lá của mấy chậu kiểng và dịu dàng vờn trên mấy sợi tóc non của Bé để nghe Bé nói chuyện với lá kiểng.

Bà Bác sĩ thấy những buổi chiều quê ở đây dần dần như có một sinh lực trầm lặng và mạnh mẽ tràn dâng, rót vào ngày tháng yên tĩnh những âm thanh rộn rã của niềm tin và sự chân thành.

Bà Bác sĩ vốn là người kỹ tính, ít lời nhưng nhạy cảm. Bà dạy Văn, về hưu trước chồng hai năm. Người phụ nữ rất đẹp ấy thường hay lắng nghe những gợn âm thanh phát lưu từ cuộc sống và hay nhìn những gợn hình, những sóng ảnh chứa chan trong dòng thời gian qua giọng nói, qua ánh mắt, qua dáng đi, qua nếp áo của từng con người Bà gặp trên đời. Bà nhìn ngắm, lắng nghe để yên lặng vui hoặc yên lặng buồn, hoặc yên lặng đắm mình trong sự cầu nguyện, cho chính Bà và cho những người mà cuộc sống và dòng đời cho Bà gặp gỡ.

Qua Lễ Phục sinh, ông chú của Bé đến thăm cháu. Ông sung sướng và hạnh phúc thấy cháu chạy nhón chân trên xe nôi, đuổi theo mấy chú gà ri. Đàn gà nhỏ xinh xắn bây giờ đã tăng dân số: có thêm hai chú gà con bé hơn, nghịch hơn, xinh xắn hơn. Thật ra đã có thêm sáu chú gà nhỏ xíu mổ vỏ bước ra, nhưng Cô Truyền đạo gởi về cho Bà ngoại bốn con để Bà ngoại cho cậu của Bé.

Ông bác sĩ gặp lại ông chú của Bé, rất vui. Hai người là bạn học thời Trung học. Buổi chiều, hai người bạn cũ ngồi trên sân trước nhà, ngắm những vệt nắng rớt trên lạch sông, ngắm khóm chuối trổ quầy và ngắm cháu bé hồng hào, khỏe mạnh đang nô đùa với bầy gà và trò chuyện với mấy chậu kiểng. Nắng chiều vẫn như luyến lưu khoảng sân hạnh phúc ấy, không muốn khuất.

Ngày thứ nhì ông chú còn ở thăm cháu thì nhà có thêm khách. Khách là một đôi vợ chồng, là Ông Bà Mục sư Nhiệm chức trẻ, rất có ơn Chúa. Bà Mục sư Nhiệm chức là người phụ nữ rất trẻ, rất đẹp, có lần cho Bé bú thép khi Bà cùng đi học Khóa Bồi dưỡng Vai trò Người vợ Truyền đạo với Mẹ của Bé. Bà Mục sư Nhiệm chức cũng là cháu gọi Bà Bác sĩ là dì. Cả hai người phụ nữ đều rất đẹp, rất nhạy cảm và rất tinh tế.

Ông Bà Mục sư Nhiệm chức vừa đến thăm bạn đồng lao, vừa thăm bà dì. Họ đến thăm Thầy Cô Truyền đạo là để mời Thầy Cô góp phần cùng Hội thánh mà họ quản nhiệm, ở một huyện khác lớn hơn trong tỉnh, để dạy Thánh Kinh hè cho Thanh thiếu niên. Đổi lại, nếu Thầy Cô Truyền đạo được phép Ông Mục sư mà Thầy Cô đang phụ tá để mời họ, thì họ cũng cậy ơn Chúa đến dạy cho Thanh thiếu niên ở Hội thánh nầy. Họ cũng đến thăm người dì, vừa có chút việc nhà, vừa để nhờ Ông Bà Bác sĩ hỗ trợ cho việc cất thêm một phòng Cơ Đốc giáo dục ở cơ sở nhà thờ mà họ quản nhiệm.

Buổi chiều, trong khi những người đàn ông ngồi chuyện vãn cùng mấy chú, mấy bác trong Ban Chấp sự Hội thánh đến chơi để trò chuyện sau kỳ lễ lớn, trong khi Cô Truyền đạo đang chăm bữa ăn chiều cho Bé, thì Bà Bác sĩ ngồi nói chuyện cùng cô cháu gái ở hàng hiên sau nhà của Bà. Bà Bác sĩ nói:

-       Hội thánh ở đây chuẩn bị xây nhà thờ. Chắc cháu biết ?

-       Cháu có biết. Các vị Mục sư, Truyền đạo trong tỉnh cũng đang cầu nguyện về vấn đề nầy.

-       Thầy Truyền đạo ở đây tính tình cẩn thận. Đợi Chúa ban cho đầy đủ mới khởi động công trình, chứ không dám làm đến đâu lạc quyên đến đó.

-       Cháu thấy thật ra cũng khó có một phương án chung. Tùy hoàn cảnh mỗi nơi. Nhưng cháu rất đồng ý với Thầy Truyền đạo ở đây. Như thế có chậm, nhưng chắc và không có sự dang dở.

-       Nhưng chờ cho đủ ngân quỹ để xây thì thời gian chờ đợi sẽ rất lâu. Vật giá ngày càng tăng. Vật liệu xây dựng cũng đâu có đứng yên trong thời gian mình chờ đợi.
-       Thì quy đổi tiền dâng thành vàng hoặc mua vật liệu xây dựng từ từ, để sẵn. Hoặc xây dựng từng mảng công trình, phần nầy trước, phần này sau.

-       Thì ở đây họ cũng định như vậy. Họ định xây tư thất cho tôi tớ Chúa trước, rồi xây nhà thờ. Để Thầy Cô Truyền đạo ổn định chỗ ở trước, rồi lo việc lớn hơn là xây nhà thờ. Nhưng cũng có trở ngại…

-       Có phải, một số người không đồng ý ?


-       Không phải thế. Ở đây, họ hiệp một lắm. Tất cả đều đồng ý xây tư thất trước. Nhưng dì nghe dượng nói, số tiền lạc hiến mà Hội thánh có được trong mấy tháng qua chỉ vừa đủ để xây một tư thất khang trang, có chỗ cho khách ở xa đến thăm lưu lại. Bây giờ, nếu đem xây tư thất trước cho người chăn bầy, ổn định chỗ ở rồi cùng Hội thánh dốc tâm xây nhà thờ, nếu làm theo cách đó thì tốt cho Thầy Cô Truyền đạo và cháu bé mà cũng ổn cho Hội thánh về việc tiếp khách, nhưng nếu như vậy thì nghe như có gì đó không ổn vì phải tích lũy lại từ con số không về việc xây nhà thờ…

Bà Mục sư trẻ rất nhạy bén và thông minh:

-       Ngày xưa, vua Sa-lô-môn xây cung điện sau khi xây đền thờ…

Bà Bác sĩ mĩm cười, khẽ vỗ vào lưng bàn tay cô cháu gái, chỉ ra khoảng sân trống trước mặt. Trời mưa lất phất. Trong sân, có mấy bóng người cao thấp, và rất thấp đang chạy lúp xúp từ sân nhà Thầy Cô Truyền đạo sang phía nhà thờ tạm.

Mấy bóng người vừa cao cao, vững chải, vừa thâm thấp, lửng chửng; vừa thấp tròn, lòe xòe nối tiếp nhau chạy sang nhà thờ vách cây mái lá. Cô Truyền đạo chạy trước, dáng vững vàng trong mưa. Cô không biết, cách cô non chục bước, sau lưng cô, là em bé vừa biết đi lửng chửng, đang lùng chùng chạy theo mẹ. Mấy chú gà con trắng loát có lớn, có nhỏ, chạy trước và sau cô bé. Tất cả đang hối hả, lẩm chẩm và lúp xúp chạy trong mưa. Mấy tàu lá chuối rung nhẹ trong gió…

Cô Truyền đạo đang chạy, bất chợt quay lại nhìn. Thấy con gái bé tí xíu của mình đang lung bung chạy theo mẹ, cô quay lại, bế xốc con lên tay, chạy tiếp sang nhà thờ. Mấy chú gà con chạy theo…

Bà Mục sư trẻ thắc mắc:

-       Họ chạy đi đâu vậy? Mưa !...

Bà Bác sĩ cười, nụ cười rộng mở, tràn niềm vui:

-       Cô Truyền đạo biết lo lắm. Bên nhà thờ đang có mấy bộ tranh ảnh Tân Cựu Ước đẹp lắm do một Hội thánh lớn ở Sài Gòn gởi tặng. Chắc Cô Truyền đạo chạy sang xem có bị mưa dột thấm ướt không. Cô Truyền đạo nầy kỹ, chứ cổ đã dùng nylon gói tranh cẩn thận, để trên đầu tủ.

-       Sao không bỏ vào tủ ?

-       Tủ không lớn, chỉ vừa đủ cất mấy chục bộ áo lễ. Đang nhờ đóng tủ đựng hồ sơ, sách vở. Hiện những thứ đó đang để tạm trên mấy chiếc kệ kê sát vách.
-       Ở đây, họ thiếu thốn nhiều thứ !

Bà Bác sĩ cười, nụ cười rất vui và giọng nói rất điểm đạm:

-       Nhưng có một thứ, họ không thiếu…

Không đợi cháu gái của bà hỏi, bà Bác sĩ nói tiếp:

-       Họ không thiếu sức chịu đựng, kiên nhẫn, nhất là Thầy Cô Truyền đạo.
-       Không, Thầy Cô Truyền đạo nầy không chịu đựng giỏi bằng một người !....
-       Ai?
-       Con gái của họ !

Bà Mục sư trẻ kể:

-       Vừa rồi, khi qua phà sang đây, con nghe mấy người trên phà kể, có hai vợ chồng giảng đạo Tin Lành, sáng Chúa nhật nào cũng xách cái nôi đựng em bé qua sông giảng đạo, trưa về. Mấy tháng nay không thấy. Nghe nói đã cất nhà ở cạnh nhà thờ. Họ nói với nhau, em bé rất dễ thương, hay cười, chắc nay đã lớn, biết nói, biết đi,… Họ cũng kể, con bé ít khóc, thấy ai đến gần cũng nhoẻn miệng cười. Một buổi trưa, em bé và cha mẹ về trễ. Lúc chờ phà, em bé khóc ư e, không thành tiếng, nghe như tiếng khóc thầm của một đứa trẻ trọng tuổi hơn. Mẹ của em bé dỗ mãi, nó vẫn ư e… Một lúc sau, có lẽ mẹ nó hiểu ý, lấy từ trong túi xách một miếng pho-mai, lột bỏ vỏ giấy, bẻ nhỏ vài miếng, đút bé ăn. Nó nuốt ít miếng, nín khóc, tiếp tục nhoẻn miệng cười với những ai đến gần…

Bà Bác sĩ mĩm cười:

-       Vậy là ổn

-       Ổn chuyện gì, thưa dì ?

-       Ổn về ý định của Thầy Cô Truyền đạo. Khi một số Ông Bà trong Ban Chấp sự có thiện ý với gia đình Thầy Cô, muốn xây tư thất để cháu bé được có điều kiện phát triển tốt hơn, Cô Truyền đạo có nói cùng họ: “Chúa ban ơn, Bé thích nghi tốt với hoàn cảnh. Xin cứ để vợ chồng chúng tôi và cháu ở trong nhà đã cất, cho đến tàn xác lá…

Bà Mục sư trẻ nhìn sang căn nhà chưa tàn xác lá, rồi nhìn sang gian nhà thờ mái lá sắp tàn. Từ nhà thờ, có mấy bóng người vội vả, lúp xúp băng qua mưa chạy về căn nhà ấm áp với xác lá chưa tàn. Mưa vẫn lất phất bay và mấy tàu lá chuối đang rung nhẹ trong gió…

Dã Hạc