Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 15)


Tháng 12 năm 2003, một thảm kịch đau thương đã xảy đến cho một gia đình sống tại Sherman Oaks, thuộc bang California. Hai vợ chồng trong gia đình này trong tuổi trung niên, khỏe mạnh, đời sống vật chất đầy đủ. Tuy nhiên, giữa hai vợ chồng có nhiều xung đột và bất đồng ý kiến. Sự buồn giận và căng thẳng kéo dài đã lâu mà không giải quyết được nên hai người đồng ý đi gặp một vị tư vấn hôn nhân để nhờ giúp. Nhưng tiếc là đã quá trễ, thảm kịch đã xảy ra trong lúc hai vợ chồng trao đổi với nhau trước mặt vị tư vấn. Người vợ nói với vị tư vấn là bà muốn ly dị chồng vì nan đề giữa hai vợ chồng quá lớn, không thể giải quyết được. Người chồng nghe vợ đòi ly dị thì nổi giận, rút súng ra nhắm vào vợ. Vị tư vấn can ngăn nhưng không kịp, người đàn ông bắn chết vợ rồi bắn luôn chính mình, sau đó người chồng cũng chết. Khi hỏi nguyên nhân nào đưa đến thảm kịch đó, vị tư vấn cho biết, hai vợ chồng này bất hòa với nhau về những chuyện thông thường hằng ngày giữa vợ chồng, cũng như tất cả những đôi vợ chồng khác mà ông đã gặp. Nhưng có lẽ người chồng này căm giận vợ quá nhiều, quá lâu nên đã hành động thiếu khôn ngoan như thế. Vì dồn chứa tức giận trong lòng quá lâu nên khi bộc phát ra, người chồng không kềm chế được mà đã hành động nông nổi, để lại một hậu quả kinh khiếp. Chỉ vì không biết cách giải quyết bất hòa và vì chất chứa buồn giận trong lòng mà gia đình và m?ng sống của đôi vợ chồng nói trên đã bị hủy hoại một cách đau thương.
Trong Câu Chuyện Gia đình kỳ trước chúng tôi có nói đến mười nguyên tắc chúng ta cần áp dụng khi vợ chồng có điều bất hòa với nhau. Một trong những nguyên tắc đó là chúng ta đừng chất chứa buồn giận trong lòng, vì nó có thể bộc phát qua những hành động nguy hiểm và đưa đến những hậu quả kinh khiếp không lường được. Sự cố mà chúng tôi kể lại minh chứng cho điều này.
Mười nguyên tắc giải quyết bất hòa mà Tiến sĩ Norman Wright đã nêu ra trong quyển sách tựa đề Đối Thoại, Chìa Khóa cho Hôn Nhân, gồm có:
  1. Đừng tránh né xung đột bằng sự im lặng.
  2. Đừng chất chứa buồn giận trong lòng.
  3. Chọn thì giờ và nơi chốn thuận tiện để nói lên bất đồng ý kiến của mỗi người.
  4. Mổ xẻ vấn đề hai người bất đồng ý kiến, đừng mổ xẻ nhau.
  5. Chia xẻ ý kiến và cảm xúc một cách bình tĩnh, đừng trút cơn giận lên nhau.
  6. Tập trung vào vấn về cần bàn thảo, đừng nói sang những chuyện khác.
  7. Nếu nói người kia sai, phải cho biết thế nào là đúng.
  8. Tránh nói những lời lên án nhau hoặc làm tổn thương nhau.
  9. Đừng dựa vào khuyết điểm hay lầm lỗi để chế nhạo hay chê cười nhau.
  10. Nếu biết mình sai hãy xin lỗi; nếu đúng, đừng nói gì cả.
3. Chọn thì giờ và chỗ thuận tiện để nói lên nan đề giữa vợ chồng
Khi vợ chồng có vấn đề nghiêm trọng cần bàn thảo, và biết rằng mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau, chúng ta nên tìm một thì giờ và địa điểm thuận tiện để có thể trao đổi với nhau cách thoải mái, riêng tư. Đây là điều khó làm vì lúc giận nhau lắm khi chúng ta không muốn nhìn mặt nhau. Nói lên nan đề giữa vợ chồng là điều rất quan trọng, vì nếu không nói ra những buồn giận chất chứa trong lòng, vấn đề không những không được giải quyết mà còn có thể trở thành nghiêm trọng hơn. Vì thế bằng mọi giá, vợ chồng chúng ta cần tìm cơ hội để nói chuyện với nhau. Chúng ta nên tránh những chỗ ồn ào và những thì giờ có thể bị người chung quanh quấy rầy. Nếu con cái đến tuổi hiểu biết, nên cho con biết là cha mẹ cần thì giờ yên tịnh để bàn thảo chuyện quan trọng, đừng đến quấy rầy. Chúng ta không thể giấu con khi vợ chồng có điều bất hòa với nhau. Con cái sống trong nhà nên các em sẽ biết. Nhiều người không giấu con mà cũng không giữ thể diện cho nhau, trước mặt con vẫn la lối và cãi nhau om sòm, khiến con hoang mang, lo sợ. Là cha mẹ chúng ta cần làm gương cho con trong mọi việc, kể cả trong cách giải quyết bất đồng ý kiến. Không những cần nơi riêng biệt và thì giờ thuận tiện để giải quyết bất đồng ý kiến, chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần để nghe những gì người phối ngẫu nói, vì thường đó là những điều chúng ta không muốn nghe. Chuẩn bị tinh thần sẽ giúp ta kềm chế được sự nóng giận và nhờ đó tránh được những lời nói hay hành động thiếu khôn ngoan. Nếu trong nhà không có chỗ thuận tiện, chúng ta có thể đi ra ngoài, ra công viên, bãi biển, v.v? Về thì giờ, nên chọn lúc hai người thoải mái, tinh thần không căng thẳng vì những trách nhiệm hằng ngày. Nếu vợ chồng không thể trực diện nhau, có thể mời cha mẹ hay người lớn trong gia đình.
                      4. Mổ xẻ vấn đề hai người bất đồng ý kiến, đừng mổ xẻ nhau
Dù cho sự việc xảy ra là vì lỗi của người phối ngẫu, chúng ta không nên nhắc lại lỗi lầm hay đổ lỗi cho người đó. Nếu thật vì người phối ngẫu mà vợ chồng có sự căng thẳng, phiền giận, khi ngồi lại nói chuyện, chúng ta cũng nên tránh lên án nhau. Ví dụ như, vì vợ quá tin người mà bị mất tiền, vì chồng hay quên hoặc thiếu khôn ngoan mà công việc thất bại, hoặc vì vợ quá nhanh nhẩu, nói năng không cẩn thận mà có nan đề, v.v... Nếu người phối ngẫu nhìn thấy và công nhận thì tốt; nếu không, chúng ta chỉ nói đến cách nhẹ nhàng, khách quan. Chúng ta cần phân tích để biết bất hòa bắt nguồn từ đâu và tìm cách giải quyết. Khi bất đồng ý kiến được bàn thảo cách khách quan và vô tư, đôi bên sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Vì không bị chê trách hay lên án, mỗi người sẽ nói lên ý của mình cách thành thật, vui vẻ. Lúc đó dù vợ chồng có ý kiến trái ngược nhau cũng không đến nỗi phiền giận nhau.
Một ví dụ về việc mổ xẻ nan đề chứ đừng mổ xẻ nhau như sau. Hai vợ chồng bất đồng ý kiến về chuyện ăn uống của con. Các em nhỏ mới biết đi thường ham chơi và không muốn ăn. Hai vợ chồng có đứa con khoảng hai ba tuổi, mỗi khi đến giờ cơm là vợ chồng cãi nhau vì mỗi người một ý. Người vợ ép con ăn, chạy theo đút từng muỗng. Người chồng nói, con không muốn ăn vì nó không đói, vì thế không nên ép, cứ để cho nó đói, nó sẽ ăn. Người vợ không đồng ý, nói rằng không ép con ăn thì nó sẽ không lớn vì thiếu dinh dưỡng. Vì ý kiến khác nhau và vì lời qua tiếng lại nên hai vợ chồng giận nhau. Khi đang giận và đang bận lo cho con, chúng ta không nên phân trần hay giải thích để người kia thấy ý của mình là đúng. Lúc đó không ai muốn nghe và cũng không ai chấp nhận ý của ai cả. Chúng ta nên chờ lúc con cái đi ngủ, rồi vợ chồng ngồi lại nói chuyện với nhau. Khi ngồi lại trao đổi chúng ta cần tránh chê trách nhau. Chẳng hạn, người chồng không nên nói: Em lo lắng nhiều quá, giống y như mẹ em. Lúc nào em cũng bắt con ăn thành ra thấy đồ ăn là nó sợ. Người vợ cũng tránh nói: Anh là đàn ông, không biết về chuyện nuôi con thì đừng xen vào. Hoặc nói: Tại anh bênh con mà em nói nó không vâng lời, tại anh không ép con ăn mà nó ốm còi như vậy, v.v... Nói những câu như thế là chúng ta tấn công nhau chứ không mổ xẻ nan đề để tìm cách giải quyết.


Để hiểu nan đề một cách rõ ràng đầy đủ, trong trường hợp này chúng ta cần tìm hiểu đặc tính của trẻ con hai ba tuổi. Đây là tuổi bắt đầu khám phá thế giới chung quanh mình. Các em chú ý nhiều vào sự việc chung quanh và không thích ngồi một chỗ. Trẻ em tuổi này rất hoạt động, không chú ý vào việc ăn uống, vì thế không thích ngồi yên trong giờ cơm. Ngoài ra, vì hoạt động nhiều mà ăn ít nên các em không mập mạp như khi chưa biết đi. Khi biết tất cả những điều đó, chúng ta sẽ có thể tìm giải pháp giúp con ăn mà vợ chồng không phiền giận hay đổ lỗi cho nhau. Lời Chúa dạy rằng khi chúng ta có điều phiền giận nhau thì hãy nhường nhịn và tha thứ nhau. Chúng ta không nên giận từ ngày này qua ngày khác và đừng để ma quỷ lợi dụng. Khi cần nói lên điều bất đồng ý kiến, hãy nói thành thật nhưng với tình yêu thương, lời nói của chúng ta phải nhân từ, ân hậu. Chúng tôi xin trích đọc những lời dạy đó như sau: Thánh Phao-lô viết: Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau. Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy? Lời nói anh em phải luôn có ân hậu và nêm thêm muối, để anh em biết phải đối đáp thế nào với mỗi người (Cô-lô-se 3:13; 4:6). Và: Phải loại bỏ khỏi anh em nhữngï cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc cùng mọi điều hung ác (Ê-phê-sô 4:31) (còn tiếp).

Minh Nguyên