Chị Kim năm nay ba mươi hai tuổi, lập gia đình được năm năm và có hai đứa con nhỏ. Vì chưa thể tự lập về kinh tế, vợ chồng chị sống chung với cha mẹ chồng. Mỗi ngày chị Kim đi dạy học, chiều về phải lo cơm nước và chăm sóc hai con. Chồng chị cũng đi làm nhưng về nhà anh không phải làm gì cả. Chị Kim mong chồng chia xẻ gánh nặng việc nhà nhưng mỗi khi nói ra thì chồng không đồng ý, bảo rằng anh đi làm đem tiền về là đã tròn trách nhiệm. Cha mẹ chồng cũng cùng một quan niệm, bảo rằng chồng đi làm về phải được nghỉ ngơi, không nên bắt phụ giúp việc nhà. Vì bất đồng ý kiến, giữa hai vợ chồng có sự căng thẳng không vui. Theo ý quý vị, vợ chồng chị Kim nên giải quyết bất đồng ý kiến này cách nào?
Năm phương cách chúng ta thường áp dụng khi có bất đồng ý kiến với người phối ngẫu là: Im lặng không nói, nói mạnh để dành phần thắng, nhượng bộ để được yên thân, thỏa hiệp để đôi bên vui vẻ hoặc quyết tâm tìm cách giải quyết bất đồng ý kiến. Trong trường hợp gia đình chị Kim, hai vợ chồng cần áp dụng phương cách thứ năm, tức là quyết tâm tìm cách giải quyết bất đồng ý kiến để giữa vợ chồng không có sự căng thẳng ngấm ngầm. Tuy nhiên, khi áp dụng phương cách này muốn có kết quả, chúng ta cần thực hành sáu bước mà Tiến sĩ Norman Wright đề nghị như sau đây: (1) Chọn một thì giờ thuận tiện để nói chuyện với nhau, (2) Xác định rõ hai người bất đồng ý kiến về vấn đề gì, ( 3) Nhường cho người phối ngẫu nói trước, (4) Xác định những điểm hai người đồng ý và những điểm không đồng ý, (5) Nhận phần lỗi của chính mình, và (6) Hỏi ý người phối ngẫu nên làm gì để giải quyết vấn đề.
1. Chọn một thì giờ thuận tiện để bàn thảo bất đồng ý kiến
Khi vợ chồng bất đồng ý kiến về một vấn đề quan trọng, chúng ta không thể làm ngơ hoặc tránh né, không bàn đến. Tuy nhiên nếu đó là vấn đề tế nhị, chúng ta cần tìm một thì giờ thuận tiện để nói với nhau. Chẳng hạn như khi gia đình đã cơm nước xong, con cái đã ngủ, chung quanh không có người nào khác ngoài hai vợ chồng, đó là lúc thuận tiện để các bạn nói mà không sợ người khác biết hoặc câu chuyện bị gián đoạn nửa chừng. Chúng ta cũng nên chọn lúc vợ chồng đã làm xong công việc, tâm trí thảnh thơi và có nhiều thì giờ để bàn thảo vấn đề đến nơi đến chốn. Nếu chúng ta nói đến chuyện hai vợ chồng bất đồng ý kiến mà chỉ có năm bảy phút để nói, sau đó mỗi người đi một ngả, để lo việc khác, rồi đến cuối ngày hay cuối tuần mới gặp lại để bàn tiếp thì rất là nguy hiểm. Những bất hòa hay bất đồng ý kiến không nói ra được nhưng giữ lâu trong trí sẽ có thể biến thành mối bực bội, tức giận to lớn. Có ông chồng kia buổi sáng khi từ giã vợ đi làm, ông nói: Này, đừng có đi mua sắm nữa nhen, tháng này em xài tiền hơi nhiều rồi đó! Nói xong người chồng bước ra cửa và lên xe đi luôn. Người vợ nghe câu chồng nói không đồng ý nhưng không kịp phản ứng và cũng chưa kịp nói gì thì chồng đã đi mất. Suốt ngày hôm đó người vợ cứ nghe văng vẳng bên tai câu: Tháng này em xài tiền hơi nhiều đó. Càng nghĩ tới câu đó người vợ càng giận. Đúng là tháng này bà xài tiền nhiều nhưng là mua quà cưới cho bà con chớ không có mua sắm gì cho mình. Sự thật là như thế nhưng vì không có dịp giải thích, bà cảm thấy giận chồng vô cùng.
Nếu chúng ta bàn đến những vấn đề tế nhị, hay những bất đồng ý kiến lúc vợ chồng mới đi làm về, mệt mỏi, đói bụng, con khóc, v.v..., chắc chắn sẽ không giải quyết được nan đề mà còn có thể gây ra xung đột lớn. Lúc đó không ai kiên nhẫn lắng nghe nhưng lại dễ chạnh lòng nếu có điều không vừa ý. Nếu vì quá bận rộn với công việc, vợ chồng không tìm được thì giờ nào thuận tiện để nói chuyện với nhau, bất hòa và tình trạng căng thẳng có thể gia tăng. Vì lý do đó, khi đã biết có chuyện không vui giữa vợ chồng, chúng ta cần quyết tâm gác công việc sang một bên, dành thì giờ nói chuyện với nhau càng sớm càng tốt. Nếu cần, gởi con, ra khỏi nhà, đến một nơi yên tịnh, không bị ai quấy rầy. Nhân cơ hội này, vợ chồng có thể đưa nhau đi ăn hay đi chơi xa để được rảnh rang và có nhiều thì giờ nói chuyện với nhau. Lời Chúa trong sách Châm Ngôn dạy rằng lời nói đúng lúc có giá trị lớn, đem lại hữu ích cho người nói lẫn người nghe. Những lời dạy đó như sau: "Miệng hay đáp giỏi khiến người vui vẻ, lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao và Lời nói phải thì khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc" (Châm Ngôn 15:23, 25:11).
2. Xác định rõ xem hai người bất đồng ý kiến về vấn đề gì
Một điều quan trọng khác chúng ta cần làm khi nói chuyện với nhau là xác định xem vợ chồng mình bất đồng ý kiến về vấn đề gì. Nhiều khi hai người nói hai chuyện khác nhau, tức là ông nói gà bà nói vịt mà không biết rồi cứ thế mà xung đột với nhau. Cũng có khi cùng một vấn đề nhưng hai vợ chồng nhìn vào hai khía cạnh khác nhau và vì thế không đồng ý với nhau. Có bà vợ kia thấy tài chánh gia đình hơi eo hẹp nên xin chồng cho đi ra làm ăn. Bà nói với chồng: Chị Tư muốn rủ em làm ăn chung, anh thấy được không? Người chồng trả lời: Để anh tính lại đã, em đừng có ừ đó nhen. Nói xong người chồng có việc phải đi nên người vợ không kịp hỏi thêm hay giải thích gì cả. Người vợ tưởng rằng khi mình nói chuyện đi làm để có thêm thu nhập cho gia đình thì chồng phải mừng vì gia đình đang túng thiếu, vậy mà ổng lại ngập ngừng, lưỡng lự, không khích lệ vợ gì cả. Vì nghĩ như thế nên người vợ buồn giận chồng. Thật ra, người chồng biết gia đình đang túng thiếu và cũng định hỏi vợ xem có cách nào giúp không. Việc vợ đi làm ông cũng thấy là tốt, nhưng khi nghe vợ nhắc đến tên người bạn rủ làm chung, ông thấy ngại, vì biết đó là người không tốt. Hai vợ chồng suy nghĩ về hai khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề, nhưng không nói rõ ra nên hai người đã phiền giận nhau một cách vô lý. Nhiều khi vợ chồng cãi nhau hay giận nhau suốt mấy ngày, sau đó mới vỡ lẽ ra là vợ tưởng chồng muốn thế này, chồng tưởng vợ nói đến chuyện kia. Để tránh trường hợp đó, chúng ta cần xác định rõ vấn đề hai vợ chồng cần bàn thảo và ý của mỗi người là thế nào. Chúng ta cũng tránh võ đoán hoặc ngắt lời khi người kia đang nói.
3. Nhường cho người phối ngẫu nói trước, còn ta chú ý lắng nghe
Khi giữa vợ chồng có điều bất hòa, chúng ta đừng đòi hỏi người kia phải lắng nghe chúng ta giải thích hay biện minh cho lý lẽ của mình. Trái lại, chúng ta nên nhường cho người phối ngẫu nói trước. Khi chúng ta nhường cho vợ hay chồng trình bày ý kiến trước, người đó sẽ bớt đi phiền giận hay bực bội trong lòng vì thấy mình được tôn trọng và được có cơ hội nói lên ý của mình. Tình trạng căng thẳng giữa hai người vì thế sẽ giảm đi hoặc không còn. Điều quan trọng là khi người kia trình bày quan điểm, chúng ta cần chú ý lắng nghe. Nghe với tinh thần cởi mở, không định kiến. Điều này đòi hỏi sự tự chế và lòng kiên nhẫn, là điều khó làm khi chúng ta nghĩ rằng ý của mình đúng và hợp lý hơn, nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn lao. Nguyên tắc này phù hợp với lời Chúa dạy về cách sử dụng lời nói. Sứ đồ Gia-cơ viết: Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19). Tác giả sách Châm Ngôn thì cho biết, nghe đến nơi đến chốn rồi mới bày tỏ ý kiến là người khôn ngoan. Lời dạy đó như sau: Trả lời trước khi nghe ấy là điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy (Châm Ngôn 18:13). Nếu chúng ta là người được nhường cho nói trước, đừng lợi dụng cơ hội để nói quá nhiều hay nói những lời thiếu xây dựng. Hãy tỏ ra mình là người lịch sự và biết điều, chỉ nói vắt tắt những gì cần nói để trình bày ý của mình, sau đó nhường cho người kia nói, còn ta yên lặng chú ý nghe. Đây là cách rất tốt để vợ chồng thấy rõ quan điểm của nhau, cũng như hiểu rõ nhu cầu và ước muốn của nhau. Khi đã thấy rõ mọi khía cạnh của vấn đề, chúng ta có thể quyết định cách khôn ngoan và không sai lầm.
Lời nói thường dễ gây hiểu lầm và buồn giận giữa người này với người kia và chúng ta lại thường vấp váp trong lời nói. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng thương yêu, kiên nhẫn và khôn ngoan trong cách sử dụng lời nói. Trong bài kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày tiếp ba bước còn lại mà chúng ta cần làm để giải quyết bất hòa giữa vợ chồng (còn tiếp).
Minh Nguyên